Thursday, January 21, 2010

CHÂN DUNG SERGEY BRIN

Chân dung Sergey Brin, một trong ba thành viên sáng lập Google!
Thanh Hà, RFI
anle20’s blog
Đăng bởi anle20 on Tháng Một 18, 2010
http://anle20.wordpress.com/2010/01/18/chan-dung-sergey-brin-m%e1%bb%99t-trong-ba-thanh-vien-sang-l%e1%ba%adp-google/
Libération phác họa chân dung người đã đặt chính quyền Bắc Kinh vào thế khó xử : Sergey Brin, 36 tuổi, một trong những các sáng lập viên của Google.

Kinh tởm các chế độ độc tài
Là một người Do Thái, sinh ra và lớn lên tại Matxcơva trong chế độ Liên Xô cũ. Năm lên sáu tuổi Sergey Brin và cha đã trốn sang được Hoa Kỳ.
Tại Liên Xô, cha của Sergey Brin -một nhà thiên văn- và cộng đồng người Do Thái đã bị chính quyền cộng sản áp bức. Từ đó Sergey Brin « luôn kinh tởm những chế độ độc tài ».
Chính vì thế mà theo các nguồn tin nội bộ của Google, năm 2006 Sergey Brin không mấy mặn mà với kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động của Google tại Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Fortune năm 2007, Sergey Brin giải thích vì sao anh chấp nhận luật chơi của Trung Quốc, tức chấp nhận một số các biện pháp kiểm duyệt đối với trang chủ Google.cn.
Theo anh, « tham gia vào thị trường Trung Quốc là một hình thức để mở ra nhiều cánh cửa đối với những người sử dụng internet tại quốc gia này, giúp họ tìm kiếm thông tin ngay cả khi những thông tin đó không được phổ biến tại Trung Quốc »
Libération nhắc lại nhân Thế vận hội 2008, căng thẳng trong quan hệ giữa Google và chính quyền Bắc Kinh lại tăng thêm một bậc, khi tập đoàn này từ chối kiểm duyệt một số trang chủ trên địa chỉ Google.com liên quan đến Trung Quốc. Theo báo chí Mỹ, vào thời điểm đó,Google đã suýt rời khỏi Bắc Kinh.
Các vụ tấn công tin học liên tục xảy ra trong tháng 12 vừa qua là giọt nước làm tràn ly. Sergey Brin là người đã có tiếng nói sau cùng. Theo một nguồn tin thông thạo được Libération trích dẫn, Brin đồng ý đem Google vào Trung Quốc để người sử dụng internet được tự do hơn trong việc tìm kiếm thông tin, nhưng anh không để Google trở thành một công cụ để Trung Quốc gia tăng chính sách đàn áp nhắm vào các nhà đối lập.
Google không muốn phạm phải sai lầm như Yahoo : vào năm 2004 Yahoo đã trao cho chính quyền Trung Quốc địa chỉ IP của nhiều nhà dân chủ, của nhiều thành phần đấu tranh cho nhân quyền. Với hậu quả là một trong số những tiếng nói đối lập đó đã phải lãnh án 10 năm tù.

Kiểm duyệt, một hình thức bảo hộ trá hình
Câu hỏi đặt ra là liệu Google có thực sự sẵn sàng để rút lui khỏi Trung Quốc hay không ? Khi biết rằng tập đoàn này đang kiểm soát 30% thị trường với 350 triệu người sử dụng internet và con số này có triển vọng được nhân lên gấp đôi vào năm 2013.
Trong một bài báo ngắn Les Echos xác định : Trung Quốc dùng lá bài « kiểm duyệt » để bảo vệ các tập đoàn trong nước, chẳng hạn như để tạo thế thuận lợi cho cổng vào Baidu hiện đang kiểm soát đến 60% thị phần trên mạng.
Cũng bằng cách đó, Bắc Kinh đã hất các trang chủ như Youtub, các mạng xã hội như Facebook hay Twittter ra ngoài, để thay thế bằng những Youku.com hay Tudou.com « 100% là của Trung Quốc ».
Một điểm nhấn khác đang nổi lên từ sau vụ Google phản công đó là các tập đoàn phương tây tự hỏi, họ có nên chăng tiếp tục nhượng bộ mọi yêu sách của chính quyền cộng sản Bắc Kinh để bằng mọi giá hiện diện trên thị trường rộng lớn với 1,3 tỷ dân ?
Les Echos nêu lên một vài thí dụ cụ thể cho thấy nhiều hãng lớn của Tây phương bị các đối tác tại chỗ bắt chẹt : Danone thì phải bán lại cổ phần của mình cho Wahaba với cái giá rẻ mạt, Schneider thì phải bồi thường 17 triệu euro trong một vụ tai tiếng mà tờ báo gọi là « kỳ quặc ».
Nhiều phòng thương mại của Âu Mỹ than phiền về một chính sách bảo hộ ngày càng cứng rắn của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Dù phải « ngậm bồ hòn làm ngọt » nhưng theo đánh giá của Les Echos các công ty ngoại quốc chưa sẵn sàng rút lui khỏi quê hương của ông Mao Trạch Đông.

Trung Quốc và « hội chứng Liên Xô » ?
Vẫn liên quan đến Trung Quốc độc giả của Le Monde tìm thấy một bài viết khá thú vị mang từ đề « Trung Quốc liệu có bị hội chứng Liên Xô đe dọa hay không ?»
Tác giả bài viết là sử gia Thierry Wolton, chuyên nghiên cứu về các chế độ cộng sản nhắc lại : vào thập niên 60 thế kỷ trước người ta cũng đã tưởng rằng Liên Xô sẽ qua mặt nước Mỹ để trở thành siêu cường số 1 ở nửa cuối thế kỷ 20.
Vào thời điểm đó chính quyền Matxcơva cũng đã dùng lá bài mở cửa, hợp tác để chiêu dụ phương Tây. Báo chí Âu Mỹ đã từng ca tụng mô hình Xô-viết.
Trên bàn cờ quốc tế khi đó Liên Xô đủ tư cách để đòi chia sẻ quyền lực với Hoa Kỳ. Về mặt đối nội, điện Kremly chủ trương áp dụng bàn tay sắt để duy trì ổn định. Thế nhưng các nhà lãnh đạo ở Matxcơva đã quên mất rằng mô hình đó cũng có nhiều kẽ hở với những hậu quả mà tất cả chúng ta đều đã biết.
Thái độ của phương tây hiện nay đối với Trung Quốc cũng tương tự như vậy, nếu không muốn nói là còn hơn thế nữa.
Theo quan điểm của nhà sử học Thierry Wolton, như Liên bang Xô Viết xua kia, ngày nay Trung Quốc cũng đang mê hoặc thế giới với những thành tựu kinh tế vượt bực, với trọng lượng ngày càng lớn trên các hồ sơ quan trọng của quốc tế nhất là vào thời điểm mà mô hình kinh tế của chủ nghĩa tư bản đang lâm vào khủng hoảng.
Xưa kia Liên Xô nói đến sự « tan băng » trong quan hệ quốc tế, thì ngày nay Trung Quốc đề cao một sự « trỗi dậy ôn hòa » cho dù kèm theo đó thì Bắc Kinh ngày càng có phương tiện quân sự ngày hiện đại hơn, hùng hậu hơn.
Xét đến guồng máy lãnh đạo, tác giả bài viết so sánh : tựa như Liên bang Xô Viết xưa kia, quyền lực ở nước Trung Hoa ngày nay cũng được đặt trong tay một nhóm người. Họ được đào tạo từ « cùng một lò » và họ đang nắm trọn các hoạt động kinh tế gần như là theo kiểu « cha truyền, con nối »
Từ đó tác giả bài tham luận nêu lên câu hỏi : « phải chăng rồi cũng đến lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiễm các hội chứng của giới cầm quyền Liên Xô trước kia, khi mà Trung Quốc cũng như Liên Xô cũ được cả thế giới khâm phục, khi mà cộng đồng quốc tế dửng dưng trước những đau khổ của người dân ở những quốc gia mà quyền lực do một số rất ít kiểm soát » ?
Ngày nay, chúng ta đang đứng trước một bên là anh khổng lồ Trung Quốc quá tự tin vào các thành quả kinh tế ngoạn mục của chính mình. Bên kia là các nước phương Tây quá đau đầu vì các khoản nhập siêu đối với bạn hàng Trung Quốc, quá run rẩy trước khoản dự trữ ngoại tê khổng lồ bằng đô la trong tay Bắc Kinh và chỉ mong làm vừa lòng Trung Quốc để gặm nhấm được một vài phần trăm thị trường của quốc gia đông dân nhất địa cầu này.
Và như thế tất cả mọi người đều quên mất rằng bản thân ông khổng lồ Trung Quốc cũng có những nhược điểm lớn như là tình trạng bất công trong xã hội, như là rủi ro bong bóng đầu cơ, hay là một phần guồng máy công nghiệp của Trung Quốc đã « đến cõi »
Đó là những nhược điểm tiêu biểu của một mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sử gia Wolton coi đó là « sự mù quáng » của cả đôi bên và sự mù quáng đó có khả năng đẩy Trung Quốc đi quá xa, tựa như kịch bản từng xảy ra với Liên bang Xô viết xưa kia.
Thanh Hà, RFI


No comments: