Sunday, January 3, 2010

30 NĂM TRƯỚC, ANH và ÚC QUYẾT ĐỊNH RA SAO về THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ?

Thuyền nhân Việt Nam 30 năm về trước
HƯNG VIỆT
3-1-2010
http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=1956:1956&catid=37:bandoc&Itemid=56

30 năm trước, chính phủ Úc quyết định ra sao về thuyền nhân Việt Nam ?

Đôi lời phi lộ
Trong vài năm qua, bỗng dưng tôi có thói quen trông chờ ngày 1 Tháng Giêng Dương lịch.
Không đâu ! Ở vào tuổi này, tôi không còn cái hứng thú chờ ngày Tết Tây để được xem 15 phút pháo bông bắn ngợp trời dưới phố. Cũng không phải để di cắm trại hay nghỉ mát ở những chốn du lịch đông đúc thiên hạ.
Mà tôi mong chờ sáng 1/1 để được ..… đọc báo. Ắt hẳn quý vị sẽ phì cười và bảo rằng tôi …. dở hơi vì đọc báo thì ngày nào chẳng đọc được, sao lại phải phải chờ đến ngày 1 tháng Giêng Tây ?
Tôi xin thưa cùng quý vị lý do là vì vào ngày đầu năm Dương Lịch, báo chí nước Úc được phép công bố những tài liệu mật về những quyết định quan trọng của nội các cách đây 30 năm.
Đối với người Việt chúng ta, những năm từ 1975 đến 1985 là những năm đầy biến động đáng ghi nhớ trong lịch sử. Tôi muốn biết trong những năm đó, chính phủ Úc đã có những quyết định gì liên quan đến dân tộc Việt Nam.

Năm ngoái, tôi đã có dịp trình bày cùng quý vị quan điểm của ông John Howard đối với người Việt tỵ nạn chúng ta ở thời điểm 1978. Theo tài liệu của Thư Khố nước Úc, ông Malcolm Fraser (lúc bấy giờ là Thủ Tướng nước Úc) nói rằng ông John Howard (lúc đó đang là Tổng Trưởng Ngân Khố) đã tiếp xúc với ông ở hành lang Quốc Hội sau một buổi họp của Nội Các vào tháng 5/1977 và nói :
" Chúng ta không muốn nhận quá đông những người này. Chúng ta chỉ làm … cho có hình thức thôi phải không?"

Vậy thì, năm nay 2010, Thư Khố Quốc Gia sẽ cho chúng ta biết những điều gì đã xảy ra trong năm 1979 có ảnh hưởng đến Việt Nam ?

Kính mời quý vị theo dõi bài viết của ký giả Mike Steketee đăng trên báo The Australian sáng nay (1/1/2010) tựa đề "Risk of 'pariah status' over Vietnam" qua link sau đây:
http://www.theaustralian.com.au/risk-of-pariah-status-over-vietnam/story-fn4p96e3-1225815097693

HV.

Sau đây là phần lược dịch bằng Việt ngữ những đoạn chính trong bài :


Nguy cơ trở thành "cặn bả của quốc tế " vì vấn đề Việt Nam
Năm 1979, nội các của ông Malcolm Fraser đã được cho biết rằng cuộc khủng hoảng về vấn đề thuyền nhân Việt Nam đe dọa dẫn đến một cuộc chạm trán giữa quan điểm chống đối của quần chúng và quyền lợi ngoại giao của quốc giạ
Tổng trưởng Ngoại giao Andrew Peacock cảnh cáo rằng nếu nước Úc thi hành những đường lối cứng rắn như xua đuổi tàu tỵ nạn, quốc gia này có nguy cơ mang "tư cách cặn bả quốc tế".
Trong một nội thư dài 14 trang gởi cho các thành viên của nội các vào tháng 7/1979, ông Peacock nói:
" Là một nước rộng lớn, ít dân và "da trắng", nước Úc sẽ đặc biệt hứng chịu những lời chỉ trích của quốc tế nếu chúng ta không đáp ứng được một cách nhân đạo về sự cập bến của thuyền nhân Việt Nam đến nước Úc".
Nhưng ông Peacock cũng công nhận những mối e ngại cổ xưa về " hiểm họa da vàng" mà con số đông đảo người tỵ nạn Việt Nam có thể tạo ra một trong những vấn nạn gây phân hóa nhứt trong lịch sử nước này.
Ông Peacock viết:
" Tình trạng mới này có tất cả mọi nguyên tố để trở thành một trong những vấn nạn gây sôi nổi và chia rẻ nhứt trong lịch sử nước Úc. Một phản ứng thù nghịch của công chúng, được kích động bởi mối lo ngại cổ xưa về "hiểm họa da vàng" và bởi mối ưu tư về mức độ thất nghiệp cao hiện nay, chẳng những có thể gây khó khăn cho những nổ lực của chính phủ để giải quyết vấn đề thuyền nhân mà còn có thể tạo ra một cuộc chạm trám giữa ý kiến của quần chúng và quyền lợi ngoại giao của nước Úc".

Tài liệu của chính phủ được giải mật ngày hôm nay cho thấy tình trạng khủng hoảng của vấn đề. Các Tổng, Bộ trưởng được cho biết là có thể tới 3 triệu người sẽ rời bỏ Đông Dương và có thể có đến 150,000 thuyền nhân đến Úc trong vòng những năm kế tiếp. Số người vượt biển từ Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng và trong tháng Năm đã lên tới 55,000.
Thêm vào đó, nhà cầm quyền Việt nam còn tích cực xua đuổi người ra đi, thông thường là sau khi đòi hỏi một số tiền lớn. Một thảm kịch nhân đạo đang diễn ra, với nội các được cho biết có khoảng từ 50% đến 70% con số thuyền nhân đã bị mất tích giữa biển khơi.

Cuối cùng, sau khi cứu xét và bác bỏ các đường lối cứng rắn (như xua đuổi tàu tỵ nạn, thành lập trung tâm cứu xét ở nước khác, thành lập trung tâm tạm giữ rộng lớn ở nước Úc, chiếu khán tạm thời v.v., tất cả những điều này về sau đã được chính phủ John Howard thi hành), chính phủ Fraser quyết định nhận tổng cộng 250,000 thuyền nhân và người di dân Việt Nam.

Bà Mary Crock, giáo sư Sydney University và chuyên viên về Luật Di Trú, nói rằng ông Fraser xứng đáng với những lời khen tặng:
" Lòng nhân đạo và tài lãnh đạo của ông trong giai đoạn này đã chưa bao giờ được công nhận một cách chính thức. Vào lúc bây giờ, đó là một quyết định rất can đảm. Cho đến năm 1972, chúng ta vẫn còn chính sách "Nước Úc cho người da trắng" ".

Lời kết của người viết:
Có thể nước Úc chưa bao giờ công nhận quyết định nhân đạo này của ông Malcolm Faser nhưng người Việt tỵ nạn ở Úc và các thế hệ tiếp nối sau này sẽ không bao giờ quên ơn ông.***


HƯNG VIỆT
(Ngày đầu năm 2010)


***
30 năm trước: chính phủ Anh quốc quyết định ra sao về thuyền nhân Việt Nam ?

Lời Mở Đầu:
Tiếp theo bài “30 năm trước, chính phủ Úc quyết định ra sao về thuyền nhân Việt Nam ? “gởi đi ngày hôm qua, hôm nay tôi kính gởi đến quý vị bài viết sau đây để chúng ta cùng tìm hiểu 30 năm về trước, chính trị gia Anh quốc nào mới thực sự là người đã thúc đẩy cho việc nhận người tỵ nạn VN vào nước Anh.

Bài viết của ký giả Mark Tran đăng trên báo The Guardian vào ngày cuối năm vừa qua 31/12/2009, nằm trong khuôn khổ giải mật các tài liệu của nội các Anh sau 30 năm, giống như ở nước Úc. Xin bấm vào link dưới đây để xem bài báo bằng Anh ngữ. :
http://www.guardian.co.uk/commentisfree/2009/dec/31/margaret-thatcher-vietnam-boat-people

Sau đây là phần lược dịch sang Việt ngữ:


Người Việt không nên cám ơn bà Thatcher

Tháng 7 năm 1979, bà Margaret Thatcher (lúc bấy giờ là Thủ Tướng nước Anh) viết một bức thư rất cảm động cho một gia đình Việt Nam. Gởi cho gia đình họ Nguyễn, bà tỏ lòng thương xót về nỗi ao ước được đoàn tụ gia đình của họ giữa lúc hàng trăm ngàn thuyền nhân đang rời bỏ Việt Nam.
Bà Thatcher viết " Tôi hiểu những nỗi thống khổ mà người tỵ nạn từ quốc gia của ông phải trãi qua. Đó là lý do tại sao tôi đã đề nghị với vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc hãy triệu tập một Hội Nghị để tìm những biện pháp thực tế hầu giúp đỡ họ. Chúng tôi đang tham gia một cách hoàn toàn vào nổ lực quốc tế này và quyết định nhận thêm 10,000 người tỵ nạn nữa vào nước Anh".
Bà kết thúc bức thư " Cũng như ông, tôi hy vọng gia đình ông sẽ được đoàn tụ trong một ngày gần đây".

Ngay cả những người không thích bà Thatcher cũng như các chính sách đối nội của bà, quyết định nhận 10,000 thuyền nhân đã nổi bật như một hành động lãnh đạo cao thượng. Bức thư bà Thatcher viết cho gia đình họ Nguyễn (có thể tìm thấy qua link http://www.margaretthatcher.org/speeches/displaydocument.asp?docid=104124 ) chứng tỏ "người đàn bà sắt đá " (danh hiệu The Iron Lady của bà Thatcher) vẫn còn có trái tim. Những người Việt được nhận vào nước Anh để bắt đầu một cuộc sống mới đã mang ơn bà Thatcher vì hành động của bà vào năm 1979.

Nhưng 30 năm sau, bà tái xuất hiện dưới ánh đèn không tốt đẹp cho lắm, qua sự tiết lộ trong tập hồ sơ của Downing Street (xem link http://www.guardian.co.uk/uk/2009/dec/30/thatcher-snub-vietnamese-boat-people) được Thư Khố Quốc Gia giải mật ngày hôm nay. Chúng cho thấy bà Thatcher đã rất ngần ngại trong việc nhận người tỵ nạn Việt Nam và chỉ đồng ý sau khi bi Lord Carrington (Tổng Trưởng Ngoại giao thời bấy giờ) và ông William Whitelaw (Tổng Trưởng Nội Vụ lúc đó) làm áp lực. Hai người này mới là những anh hùng thực sự đàng sau quyết định nhận 10,000 thuyền nhân Việt Nam.
.........................…

Những hồ sơ mới tiết lộ cho thấy bà Thatcher không có vẻ gì là độ lượng cả. Bà cảnh cáo về những cuộc bạo động ngoài đường phố nếu người tỵ nạn Việt Nam được tiếp nhận. Bà đề nghị ngay cả việc chung mua với nước Úc một đảo ở Nam Dương hay Phi luật Tân cho người tỵ nạn VN sinh sống. Nhưng kế hoạch này đã bị ông Lý quang Diệu ngăn chống vì ông e sợ sẽ có một "thành phố thương mãi đối nghịch" với Tân Gia Ba. Bà Thatcher cũng nói "bà ít chống đối việc nhận người tỵ nạn Rhodesian, hay Ba Lan hay Hung Gia Lợi hơn vì họ dễ đồng hóa vào xã hội Anh Quốc hơn".
Bà Thatcher chỉ nhượng bộ vì áp lực của Lord Carrington là người đã viếng thăm các trại tỵ nạn ở Hồng Kông, và của ông Whitelaw, là người tuyên bố rằng nước Anh có thể nhận 3,000 người tỵ nạn mỗi năm mà không cần phải xây thêm trại tiếp cư. Ông Whitelaw trưng dẫn rằng đa số trong đảng Bảo Thủ cùng tất cả các Bộ Trưởng cấp thấp đồng ý với chuyện nhận người tỵ nạn. Ông đề cập đến những thư từ nhận được cho thấy dư luận đã thay đổi và chấp nhận người tỵ nạn. Điều này đã khiến bà Thatcher phản ứng một cách bủn xỉn rằng những người viết các lá thư đó "mỗi người nên nhận một thuyền nhân vào sống với gia đình của họ".

Riêng về phần ông Carrington, ông chỉ cho bà Thatcher thấy rằng nước Anh sẽ mất thể diện nếu không đưa ra một con số coi cho được, nhất là vì hội nghị Liên Hiệp Quốc về thuyền nhân nguyên thủy là ý kiến của bà Thatcher.
Cuối cùng, bà Thatcher phải đồng ý với con số 10,000 người, nhưng chỉ sau khi vùng vẫy, chống cự.

Đối với những người tỵ nạn Việt Nam đã từng ngưỡng mộ bà Thatcher và thế đứng của bà vào năm 1979, 30 năm sau, rõ ràng là Lord Carrington và ông Whitelaw mới là những người đáng để cho họ cám ơn hơn.

HƯNG VIỆT
(02/01/2010)





No comments: