Sunday, March 8, 2009

XUÔI DÒNG MÊ-KÔNG

Viện bảo tàng Guimet trình chiếu loạt phim "Xuôi dòng Mêkông"
Tuấn Thảo
Bài đăng ngày 07/03/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 08/03/2009 10:57 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/111/article_2770.asp
"Au fil du Mékong" Xuôi dòng Mêkông là chủ đề chương trình sinh hoạt văn hóa do Viện bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet tổ chức tại Paris. Nội dung chương trình bao gồm các buổi hội thảo, triển lãm, chiếu phim trình diễn âm nhạc, từ tháng 2 cho đến giữa tháng 6 năm 2009.

*

Trong tháng này, nổi bật hơn cả là chương trình chiếu phim tại trung tâm thính thị Auditorium của Viện bảo tàng Guimet, xen kẽ phim truyện và tài liệu. Thái Lan có thể được xem là khách mời danh dự vì có khoảng 15 tác phẩm được giới thiệu với công chúng. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các bộ phim này đều do các đạo diễn trẻ tuổi thực hiện. Đó là trường hợp của Pen-ek Ratanaruang, Apichatpong Weerasethakul, Aditya Assarat....
Các gương mặt này không còn xa lạ đối với giới yêu chuộng điện ảnh ở phưong Tây, từng theo dõi các liên hoan phim quốc tế như Cannes, Berlin, Venise. Hai đạo diễn Ratanaruang và Weerasethakul là hai cánh chim đầu đàn của phong trào đi tìm một ngôn ngữ mới cho nền điện ảnh Thái. Nhờ vào phong cách làm phim thử nghiệm mà các tên tuổi này khẳng định được sức bật của tầng lớp đạo diễn trẻ.

Điện ảnh Thái khởi sắc

Trong bộ phim tài liệu Le temps du cinéma thailandais nói về giai đoạn hình thành và thời kỳ phát triển của nền điện ảnh Thái, đạo diễn Hubert Niogret đánh giá là ngoài việc đề cao bản sắc riêng biệt, các đạo diễn Thái trẻ còn bám sát vào việc phản ánh các thực tế trong xã hội Thái thời nay, một đất nước đang chuyển mình khiến các nhà làm phim không khỏi trăn trở suy ngẫm.
Điều đáng ghi nhận là nhiều đạo diễn Thái vào nghề nhờ làm phim quảng cáo, nhưng khi chuyển qua làm phim truyện, họ không bị "đóng khung" hay vướng bận bởi các hình ảnh rập khuôn, sáo mòn như những gì du khách nước ngoài thường thấy qua bưu thiếp hay sách hướng dẫn du lịch.
Ngoài yếu tố kể trên, còn có một yếu tố khác giải thích cho sự khởi sác của nền điện ảnh Thái từ giữa thập niên 90. Đó là một chính sách phát triển, với sự tài trợ của bộ Văn hóa, nhằm khuyến khích việc sản xuất ‘’hàng nội’’. Một mặt, hợp tác đầu tư với các nước châu Á để giúp cho phim Thái có đủ sức hấp dẫn, so với các nền điện ảnh trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hoa Lục).
Mặt khác, ưu đãi các dự án làm phim Thái, để ngăn chặn hiện tượng thất thoát chất xám, cũng như lôi kéo các tài năng từng được đào tạo ở nước ngoài về nước làm phim. Nhờ vào chủ trương này mà một số phim Thái có thể bay xa hơn, vươn lên tầm vóc quốc tế.
Song song với chương trình chiếu phim truyện còn có khoảng 20 phim tài liệu của các đạo diễn Âu Mỹ quay tại các quốc gia lưu vực sông Mêkông. Do hợp tác với Hội văn hóa Anako chuyên phát hành phim ảnh về các dân tộc thiểu số, nên đa số các bộ phim tài liệu giới thiệu trong chương trình Au fil du Mékong đều xoay quanh chủ đề này.

Bản sắc các dân tộc thiểu số vùng Mêkông : còn hay mất ?

Mỗi đạo diễn một phong cách, nhưng các bộ phim tài liệu đều ghi nhận lại tính đa dạng của các dân tộc thiểu số ở các quốc gia lưu vực sông Mêkông trong đó có Việt Nam, như trong bộ phim Les peuples Racines tạm dịch Các dân tộc bản địa.
Từ Kayan đến Karen ở Miến Điện, Akha và Mien ở Trung Quốc, Lawae, Ngae, Hmong ở Lào, Tày Mùng, Mường Dao ở Việt Nam, câu hỏi được đặt ra vẫn là : Còn hay mất bản sắc của người thiểu số ?

Sắc dân Naga ở Miến Điện
http://www.rfi.fr/actuvi/images/111/9mekongnaga160.jpg

Một trường hợp điển hình là bộ phim Sipsong Panna (Tây Song Bản Nạp), tức là vùng tự trị của dân tộc thiểu số Thái (Dai) ở phía nam tỉnh Vân Nam. Thủ phủ của vùng này là Cảnh Hồng, nằm trên bờ sông Lan Thương, tên tiếng Hán của sông Mêkông .
Bộ phim của hai đạo diễn Peter Livermore và Jean Michel Le Saux đưa khán giả đến với sinh hoạt của sắc tộc người Thái (Dai), mà nét khác biệt với người Hoa là họ theo đạo Phật dòng Tiểu Thừa, chứ không phải là Đại Thừa. Cho dù Tây Song Bản Nạp ở độ thấp nhất so với phần lớn tỉnh Vân Nam, nhưng người dân bản xứ vẫn giữ truyền thống lập nhà sàn, đón năm mới vào giữa tháng tư dương lịch thay vì tháng giêng âm lịch.
Họ ăn mừng lễ hội tạt nước, gột rửa tượng Phật giống như truyền thống Songkrane của người Lào - Thái. Trong những ngày hội, họ đua thuyền rồng trên sông Lan Thương. Những phong tục tập quán đó khiến cho người xem có cảm tưởng đi lạc vào một Thái Lan thu nhỏ trên lãnh thổ Trung Quốc. Tuy gọi là vùng tự trị nhưng thật ra người Hán vẫn tiến hành chính sách đồng hóa. Trong ba thập niên gần đây, số người Hán đến trong vùng định cư, đã đuổi kịp dân Thái bản xứ (khoảng 250 ngàn người).

Người Jawi và nghệ thuật nuôi chim kiểng
http://www.rfi.fr/actuvi/images/111/3mekongburongjawi200.jpg

Bộ phim Burông Tité (Tiếng chim hót) thì quan tâm đến cộng đồng người Jawi, ở phía Đông Nam Thái Lan, giáp ranh với Malaysia.
Khi xưa, sắc dân Mã Lai này sinh sống trong tiểu vưong quốc hồi giáo Patani, sát nhập vào lãnh thổ Thái Lan đầu thế kỷ 20, nhưng họ vẫn giữ được nhiều nét truyền thống văn hóa lâu đời trong đó có nghệ thuật nuôi chim kiểng, và cách dùng hệ thống mẫu tự Ả Rập. Hai khía cạnh thoạt nhìn không liên quan gì với nhau, nhưng thật ra lại gắn liền. Nghệ thuật của người Jawi không bị thất truyền vì chữ viết của họ vẫn tồn tại.
Điều này có thể giải thích vì sao hai sắc dân Moken và Mlabri ở Thái Lan đang bị đe dọa. Người Moken được xem như là dân tộc thiểu số có từ lâu đời nhất ở vùng biển Andaman. Nổi tiếng nhờ tài lặn dưới đáy biển, cặp mắt không bị mờ nhờ có đôi ngươi rất sáng dù phải lặn dưới mặt nước đến 20 thước.
Thế giới nghe nói đến người Moken vào cuối năm 2005, vào thời điểm sóng thần tàn phá bờ biển Thái Lan ở vịnh Andaman, họ đã thoát chết nhờ am hiểu các hiện tượng thiên nhiên. Trong bộ phim của Alain Bourrillon và Jean Pierre Zirn, sắc dân du mục này có nguy cơ biến mất hoàn toàn, hiện chỉ còn vài trăm gia đình dùng thuyền để đi từ đảo này sang đảo khác đến sống nhờ nghề thợ lặn, bắt cá.
Cũng là một sắc dân du mục, nhưng sống ở các vùng núi miền Bắc, giữa Lào với Thái Lan, có người Mlabri, còn được gọi nôm na là ‘’bộ tộc lá vàng’’. Người Thái Lan đặt cho họ biệt danh này vì người du mục Malbri sống ở trong rừng sâu, họ không dựng nhà sàn mà chỉ cắm lều có mái lợp bằng lá chuối. Khi lá không còn xanh tươi, ngả sang màu vàng, là đến lúc người Malabri dời chỗ ở sang một nơi khác.

Người Akha ở vùng giáp giới Lào với Trung Quốc
http://www.rfi.fr/actuvi/images/111/4mekongakha250.jpg

Bộ phim tài liệu của đạo diễn Patrick Bernard theo dõi sắc dân này trong vòng 20 năm trời. Một thời gian khá dài, đủ để cho thấy tác động của biến đổi môi trường lên đời sống của một bộ tộc.
Nạn phá rừng để lấy đất canh tác, cũng như chính sách đồng hóa khiến cho người Malbri khó thể nào tồn tại. Trước kia họ sống nhờ hái lượm và săn bắn, nay họ phải về các vùng đồng bằng đi làm thuê cho các nông trại.
Do không có truyền thống cầy cấy, nên họ chỉ có thể làm những công việc như khuân vác, đào giếng, gánh đất. Ở vùng đồng bằng, lá chuối vẫn mướt màu xanh, nhưng đối với người Mlabri, hẳn chắc đó không phải là màu của hy vọng.


No comments: