Thursday, March 5, 2009

VIỆT NAM TRƯỚC HIỂM HOẠ NƯỚC BIỂN DÂNG CAO

Việt Nam trước hiểm họa nước biển dâng cao (1)
02/03/2009 22:58
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200910/20090302225829.aspx
Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng lên 30C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (năm 2007), Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bài 1: Nhấn chìm 4,4% lãnh thổ


Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập hoàn toàn, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị xóa sổ...

Những dự báo khắc nghiệt
Đầu năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), với 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Chương trình sẽ được thực hiện trên toàn quốc, trong 3 giai đoạn: từ năm 2009-2010 là giai đoạn khởi động; từ năm 2011-2015 là giai đoạn triển khai và sau năm 2015 là giai đoạn phát triển. Tổng vốn dự kiến từ năm 2009-2015 là 1.965 tỉ đồng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, BĐKH đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng khốc liệt. Dự báo, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm khoảng 30C và mực nước biển dâng cao thêm 1m. Mực nước biển sẽ dâng cao từ 15 - 90 cm vào năm 2070. Một điều dễ nhận thấy của BĐKH là nhiệt độ trái đất đang tăng lên.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn và môi trường), trong 70 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng lên 0,70C và mực nước biển dâng cao thêm 20 cm. Nhiệt độ trung bình 4 thập kỷ gần đây (1961 - 2000), cao hơn 3 thập kỷ trước đó (1931 - 1960). Trong khi đó, các cơn bão có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam và mùa bão cũng chuyển dần về cuối năm; nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản ở các địa phương trong cả nước.
Theo nhận định chung của các nhà khoa học, khí hậu ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu hơn. Việt Nam được xác định là một trong những nước bị tác hại nặng nề của BĐKH. Với trên 80% diện tích mặt đất có độ cao thấp hơn 2,5m so với mặt nước biển, ĐBSCL được đánh giá là khu vực sẽ gánh chịu nhiều tác hại xấu do BĐKH. BĐKH đã gây ra nhiều thay đổi về mực nước và tình hình xâm nhập mặn.
Trong một nghiên cứu khác, một nhóm chuyên gia của ĐH Hoàng gia Thái Lan sử dụng phần mềm IPCC dự báo đến năm 2100 khí hậu sẽ càng khắc nghiệt hơn. Nhiệt độ không khí không phải chỉ tăng 30C mà sẽ tăng lên 4 - 50C , số ngày có nhiệt độ cao hơn 350C sẽ tăng lên đến 240 ngày/năm. Những đợt sóng nhiệt dâng cao có thể lên đến 400C, thậm chí là 450C. Vào mùa mưa, mực nước biển Đông sẽ cao hơn hiện nay khoảng 1m, mực nước lũ của ĐBSCL sẽ tăng thêm khoảng gần 2m so với mức lũ hiện nay.
Hậu quả của nước biển dâng cao không phải chỉ có ngập tĩnh. Các vùng ven bờ và cửa sông bị xâm thực làm cho cơ sở hạ tầng ven biển bị đe dọa lớn hơn. Bên cạnh đó chế độ thủy văn trên từng địa bàn sẽ có những thay đổi ảnh hưởng tới tình trạng xói lở, bồi lắng phù sa trên các hệ thống sông chính cũng thay đổi.

Đại họa với vựa lúa số 1
Nếu mực nước biển dâng cao như đã nêu, sẽ có khoảng 90% diện tích trồng lúa ĐBSCL bị ngập hoàn toàn (không sản xuất được), các tỉnh có tỷ lệ ngập cao theo thứ tự lần lượt là Bạc Liêu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long. Theo nghiên cứu của Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam, kết quả quan trắc tại các trạm ở ĐBSCL cho thấy: từ năm 1960 - 2000, lượng mưa có sự gia tăng khoảng 200 - 400 mm. Trong những năm cuối của giai đoạn này tại một số địa phương ở ĐBSCL như Cần Thơ, Phú Quốc lượng mưa đã đặc biệt tăng cao. Số cơn bão có ảnh hưởng đến ĐBSCL cũng tăng cao. Trong suốt 87 năm (1884 - 1970), chỉ có 0,75% số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Thái Bình Dương có ảnh hưởng đến ĐBSCL. Nhưng con số này đã tăng lên tới 2,88% trong thời gian gần đây (1956 - 1997). Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền càng phổ biến. Ông Lê Quang Minh, Sở TN-MT Cần Thơ cho biết, mùa khô 1998, nước mặn với độ mặn 4% đã tràn vào đất liền, có nơi vào sâu tới 45 km, 2/3 diện tích bán đảo Cà Mau bị nhiễm mặn, hơn 200 ngàn ha lúa hè thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 32% trong số đó bị mất trắng.

Gần 2 triệu cư dân lưu vực sông Hồng bị ảnh hưởng
Nước biển dâng 1m sẽ có 1.668 km2 đất thuộc đồng bằng sông Hồng bị ngập, 1.874.011 người bị ảnh hưởng. 2.983 km2 đất bị ngập. Một kịch bản khác chỉ ra rằng, nếu nước biển dâng 2m thì nước sẽ gây ngập 4.693 km2 đất và 5.589.629 người chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.
Tại vùng đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, mực nước biển dâng sẽ thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, tạo điều kiện xói lở bờ biển, gây khó khăn cho nghề cá do những thay đổi theo hướng xấu đi của phần lớn nguồn lợi thủy sản. Diện tích sinh sống của các khu dân cư ven biển bị thu hẹp, khả năng xói lở bờ biển tăng lên, trực tiếp đe dọa các công trình giao thông, xây dựng, công nghiệp và một số đô thị trên nhiều tuyến bờ biển.

170 ngàn người tại Đà Nẵng sẽ mất nhà trong 30 năm nữa!
Theo báo cáo tại hội thảo "TP Đà Nẵng và biến đổi khí hậu" được tổ chức vào hôm 20.2 vừa qua, trong 30 năm nữa, khi mực nước biển dâng 30 cm thì sẽ có 30.000 hộ với hơn 170.000 người ở 18 xã phường ven biển mất nhà ở. Cùng với nó là tình trạng nước biển dâng, triều cao làm ngập lụt ở đồng bằng sâu thêm, thời gian kéo dài hơn. Khi đó, số lượng nhà cửa vùng nông thôn bị ngập sẽ tăng lên 40.000 nhà, mức thiệt hại dự kiến sẽ gấp đôi lũ 1998.
Khi diễn biến khí hậu, gió bão ngày một mạnh hơn thì vùng bờ biển nam Liên Chiểu, bắc Thanh Khê và ven Sơn Trà, Hòa Hải sẽ nằm trong đích ngắm của hà bá. Hiện tại, dòng chảy sông Yên đang cạn kiệt, nên tình trạng mặn đã xâm nhập sâu đến đập An Trạch, đe dọa và làm trầm trọng thêm mức độ thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Ước tính, sẽ có hơn 700.000 người dân nội thành sẽ thiếu nước sinh hoạt khi khả năng thiếu nước trên nhánh sông Ái Nghĩa đang ngày một báo động. Đi kèm với điều này là thảm họa cho đời sống và phát triển của thành phố khi hàng ngàn cơ sở sản xuất, dịch vụ bị đình trệ sản xuất.
(Còn tiếp)
Vũ Phương Thảo - Đình Phú - Mai Vọng - Chí Nhân - Quang Duẩn


Việt Nam trước hiểm họa nước biển dâng cao (2)

Bài 2: Đắp đê lớn bao quanh ĐBSCL?
03/03/2009 23:08
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200910/20090303230814.aspx
Khi nước biển dâng, nông nghiệp sẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thanh Niên có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học về các giải pháp chống ngập và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

* Thưa Thứ trưởng, khi nước biển dâng 1m, một phần không nhỏ diện tích trồng lúa sẽ bị ngập, chúng ta phải làm gì để bảo đảm an ninh lương thực ?
- Các nhà khoa học chỉ ra rằng, khi nước biển dâng, tùy từng mức độ sẽ có những phần diện tích canh tác tương ứng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng bằng sông Hồng và đồng bằng duyên hải bị ngập, bị nhiễm mặn. ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo tính toán sơ bộ, nước biển dâng 1m, lũ sẽ gây ngập 90% diện tích trong 4 tháng rưỡi - 5 tháng/năm, vào mùa kiệt nước mặn (nồng độ muối 4%0) xâm nhập trên 70% diện tích. Vì đây là những vựa lúa của cả nước nên chắc chắn khi đó, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa.
Quan điểm của chúng tôi là nếu nước biển dâng ở mức 1m thì sẽ sử dụng giải pháp công trình để đảm bảo ĐBSCL vẫn sản xuất được 2 vụ lúa trong năm. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chúng ta phải bắt tay nghiên cứu đón đầu để có được các giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu hạn cho năng suất cao, đề phòng trường hợp các giải pháp công trình không phát huy hiệu quả và mực nước biển dâng quá cao. Tôi được biết, chúng ta đã có quỹ gien lúa chịu ngập, mỗi ngày có thể cao lên từ 15 - 20 cm nhưng năng suất còn thấp. Bây giờ, nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải khôi phục giống lúa này và cải tạo để có giống lúa vừa chịu ngập tốt, vừa đảm bảo năng suất cao. Bên cạnh đó, cơ cấu lại cây trồng theo hướng tìm các loại cây trồng thích ứng với đất đai từng vùng và biến đổi khí hậu để đảm bảo an ninh lương thực là giải pháp mà chúng ta cũng phải tính đến.

* Chúng ta có tính đến việc đắp đê để ngăn nước biển dâng?
- Tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đang được gia cố, nâng cấp nhưng rất tiếc là chưa tính đến yếu tố nước biển dâng. Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ đề án xây dựng và nâng cấp tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, trong đó có tính toán đến tác động của nước biển dâng trong tương lai. Theo đó, "hệ thống phòng thủ" sẽ được bày binh bố trận như sau: rừng ngập mặn được trồng từ 500m - 1km tùy từng vị trí, tiếp đến là tuyến đê đất, hệ thống cống chống mặn xâm nhập, sau đê có một đoạn lưu không, rồi đến trục đường giao thông ven biển có cao trình đảm bảo...
Tại ĐBSCL, giải pháp kỹ thuật được áp dụng để đảm bảo cấy 2 vụ lúa khi nước biển dâng cao 1m còn nhắm tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho nhân dân. Bộ NN-PTNT đang tiến hành xây dựng "Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng". Trong đó, giải pháp đắp đê lớn bao quanh ĐBSCL cũng được tính đến. Về lý thuyết chúng ta có thể thực hiện được, nhưng cần phải lưu ý đến các quy định của Ủy ban sông Mê Kông và điều kiện tài chính của đất nước có cho phép hay không.
Giải pháp thứ hai gọi nôm na là "sống chung với lũ". Đê được đắp như bờ bao theo từng ô, mùa lũ vẫn tháo cống để nước chảy vào những khu vực không có dân cư đã được quy hoạch trước đó. Tuy nhiên, nếu áp dụng giải pháp này, nước mặn sẽ xâm nhập, nên bài toán mới được đặt ra là chúng ta sẽ phải đi tìm nguồn cung cấp nước ngọt ở đâu. Đây mới chỉ là những tính toán sơ bộ ban đầu, cần phải cân nhắc kỹ các giải pháp rồi lựa chọn phương án tối ưu để thực hiện có hiệu quả.

* Có cách nào để chống ngập cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nước biển dâng, thưa Thứ trưởng?
- Theo tính toán, các địa phương như TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long và Hải Phòng sẽ chịu ngập lớn do triều cường. Hiện tình trạng ngập ở các đô thị đang ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, triều cường nhiều lần làm vỡ bờ bao khiến TP.HCM bị ngập trên diện rộng, mỗi khi có triều cường thì 50% diện tích TP Cần Thơ ngập nước. Bộ NN-PTNT thực hiện quy hoạch chống ngập cho TP.HCM và đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hệ thống đê và cống sẽ được thiết lập ngăn không cho triều cường xâm nhập, nước mưa sẽ được tích trữ trong hồ và kênh rạch đợi khi triều xuống sẽ tháo cho rút. Bên cạnh đó, giải pháp bơm vợi cũng sẽ được áp dụng tại một số nơi, đơn cử như khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tôi tin, dự án hoàn thành sẽ giải quyết triệt để ngập do lũ, triều cường và tạo nền thoát nước mưa cho thành phố.
Cách chống ngập cho các thành phố khác về cơ bản cũng là đắp đê, xây cống và quy hoạch tích trữ nước mưa nhưng sẽ được tính toán để áp dụng phù hợp với điều kiện, đặc điểm địa hình của từng nơi. Hiện chúng tôi đang thực hiện xây dựng quy hoạch chống ngập cho TP Cần Thơ trong khi TP Cà Mau cũng đã đặt hàng miệng với Bộ NN-PTNT về lập quy hoạch chống ngập.

* Xin cảm ơn ông!
Quang Duẩn
(thực hiện)


Việt Nam trước hiểm họa nước biển dâng cao (3)

Bài 3: Nước biển đã tấn công
04/03/2009 23:12
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200910/20090304231253.aspx
Khi hiểm họa nước biển dâng cao vẫn còn được cảnh báo là “nguy cơ” , thì ở nhiều nơi ven biển thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nước biển đã tấn công...

Ruộng vườn thành đất hoang
Vườn cây ăn trái chết đứng, những dãy đất xác xơ chỉ còn lau sậy và cỏ nước mặn... đó là những gì còn lại sau trận vỡ đê cách nay 3 năm của những hộ dân sống ven khu vực Bãi Dương ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tiếp nối sau trận vỡ đê đó là những lần nước biển theo “vết tì” trên thân đê tràn vào tấn công vườn cây, ao cá của người dân. Một dãy đất vốn xanh tươi mau chóng trở thành một vùng hoang hóa.
Đứng trước dãy đất hoang nhiễm mặn, anh Nguyễn Minh Trí, cán bộ địa chính xã tiếc nuối: “Trước đây khu vực này là vườn cây ăn trái, bây giờ thì đâu còn trồng gì được nữa”. Không còn trồng gì được nữa, bà Phạm Thị Minh (47 tuổi) phải bỏ mặc 10 công đất cho cỏ, sậy mọc um tùm. Cả nhà bà bây giờ phải tìm việc từng ngày để kiếm sống. Bà Minh kể, trước khi bị nước biển tấn công, vườn nhà bà phủ đầy xoài, ổi, rau màu, phía dưới là ao cá nuôi...
Thế nhưng chỉ sau một đêm, triều cường lên cao, đê không phòng hộ nổi. Liên tục 3 đoạn đê ở khu vực Bãi Dương bị nước biển phá vỡ. Vườn tược, nhà dân lênh láng trong nước mặn. Chính quyền địa phương nói rằng sau những trận nước biển phá đê như thế, chính quyền cũng đã ra sức đắp lại đoạn đê bị phá, một mặt trồng cây mắm để tạo lá chắn che chở cho đê.
Tuy vậy, cây mắm trồng tới đâu bị chết tới đó. Những khoảnh đất trống, dấu tích của những trận tấn công của sóng biển vào đê vẫn còn đó. Ông Phạm Minh Khởi, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hòn Đất cho rằng sở dĩ có tình trạng đê bị bể là vì người dân ở gần đó “khui” đất để lấy nước mặn nuôi tôm, làm thân đê bị tổn thương.
Hệ quả là đê không chịu được những đợt triều cường lớn, đất canh tác của các hộ dân trong đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một mặt, những đợt triều cường đã bắt đầu “cảnh cáo” đối với những con đê chưa được cứng, mỏng manh dọc theo bờ biển dài hàng trăm cây số phía Tây nam.
“Ba năm nay, năm nào cũng ngập”, ông Tống Văn Ánh (56 tuổi), chỉ về phía vết lõm của đê phòng hộ nói triều cường theo đường đó tấn công vào trong đê. “Đến hẹn lại lên”, từ tháng 9 đến gần Tết âm lịch là nước cứ “chồm” vào trong đê. Cứ nửa tháng, thì có 5-6 ngày ngập. Hễ nước ròng là ngập. Nửa đêm, nước ngập lên tới giường ngủ, thế là cả nhà ông phải đưa tài sản, vật nuôi lên đê. Sống đã không yên, nuôi trồng càng không được.
Dẫn chúng tôi ra khu đất với những tán cây trụi lá, ông Ánh nói đó là vườn trái cây trước đây cho thu hoạch hàng chục triệu đồng mỗi năm, còn giờ thì chỉ còn cây khô để làm củi đốt. Còn ao cá, sau những trận nước tràn vào, cá bỏ đi hết.

“Biển đuổi”
Triều cường ngày càng là mối đe dọa thường trực đối với nhiều địa phương ven biển dọc theo các tỉnh phía tây của Tây Nam Bộ. Tại khu vực Rạch Miễu, thuộc thị trấn Sông Đốc và xã Phong Điền, H.Trần Văn Thời, Cà Mau, vào những tháng cuối năm, người dân ở đây luôn sống trong cảnh màn trời chiếu đất vì tình trạng triều cường dâng cao, mà họ vẫn gọi nôm na là “biển đuổi”.
Ông Phạm Thanh Ngại, Bí thư thị trấn Sông Đốc nói cứ đến tháng 9, tháng 10 âm lịch là y như rằng nước biển dâng lên làm ngập nhà dân ở đây. Đồ dùng, vật nuôi... cứ sau một đêm là trôi bồng bềnh trong nước. Trước tình cảnh đó, chính quyền không thể làm gì khác hơn là cử lực lượng đến giúp dân di dời tài sản, đợi nước xuống lại dọn vào, đến nước lên lại dọn đi...
Cái vòng luẩn quẩn “biển đuổi thì chạy, biển lui lại về” đã diễn ra liên tục nhiều năm nay. Ông Ngại nói đang lên danh sách để di dời các hộ dân sống trong khu vực bị “biển đuổi” để vào sống trong khu vực tái định cư ở Xẻo Quao. Dự án di dời hàng trăm hộ dân vào sâu trong đất liền của thị trấn Sông Đốc đã được địa phương gấp rút xây dựng.
“Phải thừa nhận tâm lý bà con mình còn chủ quan”, ông Trần Hoàng Chen, Bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), đánh giá như thế. Trong đợt triều cường làm ngập trên 19 ngàn héc-ta đất trồng lúa, nuôi cá, nuôi tôm, rau màu... ở tỉnh Cà Mau hồi cuối năm rồi, thì huyện Ngọc Hiển bị ngập đến 9.407 héc-ta, phần lớn là đất nuôi tôm. Ngập nhiều sau Ngọc Hiển là các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau như Trần Văn Thời (ngập 5.650 héc-ta), Phú Tân (3.845 héc-ta)...
Ông Trần Hoàng Chen nói rất may lúc triều cường xảy ra người dân đã thu hoạch hết vụ tôm, nếu không thiệt hại sẽ khó lường. Ông Chen cho biết, địa phương đã nhiều lần phổ biến, nhắc nhở người dân chú ý đến việc nâng bờ bao diện tích đất canh tác để phòng trường hợp triều cường lên, tuy nhiên người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trước nguy cơ này.
Đối phó với nhiều hiểm họa từ biển như triều cường, gió bão... nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều cụm, tuyến dân cư để di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm vào sâu đất liền. Thế nhưng, những người dân sống ven biển xem ra vẫn chưa mấy mặn mà với nơi ở mới. Bởi một lẽ đơn giản, cuộc mưu sinh của họ gắn liền với biển.
Tiến Trình


Nước ngầm ĐBSCL đang cạn kiệt
04/03/2009 23:26
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200910/20090304232646.aspx
Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng một số nhà khoa học vừa cảnh báo về tình trạng suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên nước ngầm ở ĐBSCL. Đây là hậu quả của tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi nước ngầm suốt thời gian qua.

Vừa xài, vừa phá

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ) - nói rằng ông rất đau lòng mỗi khi đi xuống vùng Cà Mau, Bạc Liêu, thấy nhiều người dân bơm nước ngọt từ giếng lên để pha vào vuông tôm làm giảm độ mặn.
“Quá phung phí. Thiếu gì cách để có nước đúng độ mặn nuôi tôm, sao lại lấy nước ngầm?”, ông than thở. Cũng theo ông Ni, hiện nhiều người cứ nghĩ nguồn nước ngầm là vô tận, nên cứ giếng này không còn sử dụng được là bỏ, khoan giếng khác.
Thậm chí tại một số khu quy hoạch, người dân còn vô tư khoan giếng dù chẳng có nhu cầu, chỉ để chờ... được đền bù. “Họ không nghĩ rằng chính những cái giếng bỏ không ấy sẽ là nơi dẫn nguồn nước ô nhiễm từ mặt đất xuống, phá nát mạch nước bên dưới”- ông Ni nói.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện ở ĐBSCL có hàng chục ngàn giếng khai thác nước ngầm với quy mô, chiều sâu khác nhau để sử dụng trong sinh hoạt. Hầu hết các thành phố, thị xã khai thác nước ở các tầng chứa ở độ sâu từ trên 100 đến 300 mét để cấp nước, thậm chí có một số đô thị ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sử dụng 100% là nước ngầm.
Còn tại Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang... người dân khai thác nước ở độ sâu từ 90-120 mét để... nuôi trồng thủy sản, trong đó riêng Bến Tre đã có khoảng 1.070 giếng. Ước tính, tổng lượng nước ngầm khai thác toàn vùng trên dưới 1 triệu mét khối/ngày.
Tiến sĩ Võ Thành Danh, Phó khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ), người vừa có đề tài nghiên cứu khoa học về nước ngầm ở ĐBSCL, cho biết: “Người dân hiện đang có khuynh hướng chuyển sang dùng nước ngầm nhiều, khi mà nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm. Có người còn sẵn sàng trả tiền để được nguồn nước ngầm chất lượng tốt sử dụng”.
Trong khi đó, Bộ TN-MT thừa nhận, hiện việc nghiên cứu, đánh giá trữ lượng các tầng chứa nước - đặc biệt là các tầng sâu bên dưới - còn rất hạn chế. Tài liệu, số liệu điều tra vừa không đồng bộ, vừa thiếu chính xác. Chính vì thế, số liệu về trữ lượng có thể khai thác tối đa hằng ngày, hằng năm là bao nhiêu để không ảnh hưởng nguồn tài nguyên, là điều chưa ai trả lời được.

Mất cả triệu năm để khôi phục

Cũng theo ông Danh, các tầng nước ngầm được hình thành từ rất lâu, gắn kết với lịch sử sa bồi và định hình vùng đất ĐBSCL. Nếu không có giải pháp tốt để quản lý việc khai thác, thì không lâu nữa nhiều túi nước sẽ không thể sử dụng được và phải mất rất lâu, có thể cả triệu năm, mới hồi phục được. Thực tế lượng nước ngầm có thể tự tái tạo, bổ sung bằng nước mưa, nước sông... nhưng chất lượng nước thì khó “hồi phục”.
Ông Danh dẫn chứng, nhiều vùng tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), cách đây khoảng 5 năm người dân vẫn có thể sử dụng được nước ngầm, nhưng nay đành phải vận chuyển nước từ nơi khác về do nước bên dưới bị nhiễm mặn. Còn tại Cà Mau, vào mùa khô thì tầng có chứa nước đã tụt xuống từ 5-7 mét.
“Càng khai thác, các túi nước càng cạn, khô và tạo thành các dòng chảy thông nhau giữa các túi. Khi đó, nếu một túi nước nào đó bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn thì sẽ lây sang nhiều túi khác và người dân không thể sử dụng”, ông Danh nói.
Ông Khưu Lễ, Phó giám đốc Sở TN-MT Bạc Liêu, cho biết: Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 98.000 cây nước (giếng nước ngầm), trong đó có hơn 1.700 cây nước bị hư hỏng không thể sử dụng được. Phần lớn các cây nước bị hư hỏng tập trung ở khu vực ven biển, bởi khu vực này có độ mặn rất cao nên những cây nước bằng sắt mau bị gỉ sét, bào mòn dẫn đến bể ống.
Việc sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ nuôi tôm khá phổ biến như hiện nay dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm. Theo ông Lễ, trước đây khoan cây nước ở độ sâu từ 60-70m là có mạch nước ngầm, còn hiện nay mạch nước đã tụt sâu từ 100-120m.
Hồ Phú - Trần Thanh Phong



No comments: