Thursday, March 5, 2009

SỨC MẠNH QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc
Đức Tâm
Bài đăng ngày 05/03/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 05/03/2009 16:22 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/111/article_2743.asp
Ngày 04/03/2009, Trung Quốc thông báo tăng ngân sách quốc phòng gần 15% trong năm 2009, đạt mức 480,68 tỷ nhân dân tệ, chiếm tới 6,3% tổng ngân sách nhà nước. RFI xin giới thiệu bài viết dưới đây của Jayshree Bajoria, thuộc Hội Đồng Đối Ngoại, đăng ngày 04/02/2009, tại địa chỉ
www.cfr.org

Phạm vi mối đe doạ

Từ những năm 1990, Trung Quốc đã cải thiện mạnh mẽ khả năng quân sự của họ trên đất liền và trên biển, trên không và trong không gian. Gần đây, vào tháng 12 năm 2008, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển sức mạnh quân sự vượt ra ngoài khu vực Thái Bình Dương, qua việc triển khai một hạm đội các tầu chiến loại nhỏ tại vùng vịnh Aden, nhằm hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống hải tặc Somalie. Về mặt lịch sử, Hoa Kỳ là nước có liên quan nhiều nhất đến khả năng xẩy ra một xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, cho dù căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có giảm đi kể từ 2008. Nhưng trong vài thập niên tới, những người làm kế hoạch quân sự Mỹ thấy rõ tiềm năng để Trung Quốc phát triển như là một “đối thủ cạnh trang ngang hàng”. Báo cáo của bộ Quốc phòng Mỹ năm 2008 về sức mạnh quân sự Trung Quốc nói rằng “có nhiều điều không rõ về tương lai cuộc chạy đua vũ trang của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực mở rộng sức mạnh quân sự và sức mạnh này có thể được sử dụng như thế nào.”
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc còn phải mất nhiều thập niên nữa thì mới có thể thách thức được ưu thế quân sự của Mỹ. Lực lượng trên bộ của Trung Quốc được trang bị với kho vũ khí cũ kỹ của những năm 1980 và thiếu hụt đáng kể về khả năng chỉ huy và kiểm soát, phòng không, hậu cần và thông tin liên lạc. Không quân của Trung Quốc cũng vậy, lạc hậu so với không quân của các cường quốc Tây Âu, cho dù Trung Quốc có khoảng 100 tiêm kích mới nhất Su – 27 của Nga và đã ký hợp đồng mua máy bay Su – 33s, có thể tác chiến từ hàng không mẫu hạm. Trung Quốc dự kiến tự đóng các hàng không mẫu hạm, nhưng cho đến nay, chưa có chiếc nào được chế tạo.
Tất cả chưa có gì, thế rồi thêm vào đó là cuộc chạy đua vũ trang. Jamé Mulvenon, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tình Báo và Phân Tích, có trụ sở tại Washington, nói rằng “việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự hoàn toàn làm cho tôi hiểu rằng đó là một tiến trình tự nhiên tương xứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc lớn”
Các lo ngại của giới chuyên gia quân sự Tây Âu tập trung vào những động cơ về lâu dài của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Kerry Dumbaugh, một chuyên gia về châu Á thuộc Ban Nghiên Cứu Quốc Hội Hoa Kỳ, tóm tắt những lo ngại về an ninh trong bản báo cáo năm 2008, nêu ra sự thiếu minh mạch về tài chính và các hoạt động quân sự của Trung Quốc; những trường hợp do thám để có được các bí mật quân sự Hoa Kỳ; bằng chứng về việc phát triển quân sự và khả năng công nghệ của Trung Quốc; và những trợ giúp về quân sự và công nghệ của Bắc Kinh cho các nhà nước như Zimbabwe, Miến Điện và những nhà nước khác bị coi là những chế độ đàn áp hoặc bất hảo trên thế giới. Các chuyên gia nhận định là nhiều vấn đề trên đây có thể ít gây ra tranh cãi thông qua mối quan hệ quân sự tốt hơn và cải thiện lòng tin giữa hai cường quốc.
Hiện nay, sự tùy thuộc về kinh tế gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra một cơ sở vững chắc tránh được xung đột. Tuy nhiên, những sự cố xẩy ra giữa quân đội hai nước, như vụ máy bay do thám Mỹ va chạm một tiêm kích Trung Quốc trong năm 2001, hay vụ bắn nhầm tên lửa vào sứ quán Trung Quốc tại Beograd năm 1999, có thể gây ra xung đột mà không bên nào mong muốn cả.

Lịch trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc

Trung Quốc khẳng định là họ theo đuổi một chính sách quốc phòng chỉ nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ và dân cư, phù hợp với quan niệm “phát triển trong hòa bình” của họ. Sách trắng về quốc phòng của chính phủ được công bố gần đây nói rằng Trung Quốc “nhìn chung sẽ đạt được mục tiêu hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng quân sự vào giữa thế kỷ 21”. Sách trắng nhấn mạnh đến mong muốn của Trung Quốc phát triển mạnh hơn bộ máy quân sự có trình độ công nghệ tiên tiến, về mặt quân sự, cho phép tiến hành các hoạt động tác chiến quy mô, cách rất xa biên giới của họ và nói rằng Trung Quốc sẽ đạt được nhiều tiến bộ hướng tới mục tiêu này vào năm 2020.
Trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa này, Trung Quốc đang mua sắm những hệ thống vũ khí tiên tiến của nước ngoài, đồng thời cũng tìm cách tự phát triển hệ thống vũ khí của mình. Bộ trưỏng Quốc phòng Robert Gates, trong buổi tường trình trước Ủy Ban Quân Sự của Thượng nghị viện, hồi tháng giêng 2009, đã chỉ ra rằng những lĩnh vực đáng lo ngại nhất là chiến tranh chống vệ tinh và tin học, các loại vũ khí phòng không và chống tầu biển, tầu ngầm và tên lửa đạn đạo. Ông nói, “Việc (Trung Quốc tiến hành) hiện đại hóa trong những lĩnh vực này có thể đe dọa các phương tiện cơ bản của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh và giúp đỡ các đồng minh tại Thái Bình Dương : đó là những căn cứ của chúng ta, những cơ sở không quân và hải quân và mạng lưới hỗ trợ những căn cứ này”
Trong tháng giêng năm 2007, Trung Quốc đã làm dấy lên một sự phản ứng mạnh mẽ trên thế giới khi phóng tên lửa đạn đạo và phá hủy một trong số các vệ tinh của họ. Việc bắn thử phá hủy vệ tinh chứng minh khả năng gia tăng của Trung Quốc trong chương trình không gian và làm nẩy sinh những câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc, cũng như mối quan hệ giữa lĩnh vực dân sự và quân sự tại nước này. Vào tháng hai 2008, việc Hoa Kỳ phá hủy một vệ tinh do thám đã bị hư hỏng của mình cho thấy không gian có thể trở thành một lĩnh vực tranh giành mới giữa các nước lớn. Ông Bruce W. MacDonald, trong bản Báo Cáo Đặc Biệt của Hội Đồng (Đối Ngoại Mỹ), hồi tháng chín 2008, đã viết rằng lợi thế tương đối của Mỹ trong lĩnh vực không gian chắc chắn sẽ giảm đi khi Trung Quốc tăng cường khả năng của mình trong lĩnh vực không gian trong vòng 10 hoặc 20 năm tới. Ông gợi ý là Hoa Kỳ phải đi đầu với một cách tiếp cận lĩnh vực không gian nhấn mạnh đến sự răn đe, cũng như cân nhắc đến các sáng kiến ngoại giao mới nhằm ngăn cản việc biến không gian thành một vùng xung đột tiềm tàng.
Hoa Kỳ cũng tố cáo Trung Quốc tấn công hệ thống máy tính của chính phủ tại các bộ Ngoại giao, Thương mại và Quốc phòng. Trung Quốc còn bị cho là có các hoạt động tình báo điện tử nhắm vào các công ty Anh Quốc cũng như các cơ quan chính phủ tại Pháp, Đức, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong bản báo cáo hồi tháng 11 năm 2008 gửi Quốc hội, Ủy Ban Theo Dõi An Ninh Và Kinh Tế Mỹ-Trung ghi nhận là không gian điện tử tin học (cyberspace) là điểm rất dễ bị tổn thương nghiêm trọng của chính phủ và nền kinh tế Mỹ. Văn bản này cảnh báo: “Trung Quốc đang tích cực nâng cao khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh tin học, có thể tạo cho Trung Quốc một ưu thế không cân xứng, chống lại Hoa Kỳ. Trong bối cảnh một cuộc xung đột, lợi thế này có thể làm suy giảm ưu thế sức mạnh quân sự thông thường của Hoa Kỳ.”
Trung Quốc đang hiện đại hóa hệ thống vũ khí nguyên tử của họ và tiếp tục nhấn mạnh đến chính sách “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Henry Sokolski, chuyên gia về không phổ biến hạt nhân, hồi tháng năm 2008, khi ra điều trần trước Ủy Ban Theo Dõi An Ninh Và Kinh Tế Mỹ-Trung, đã nói rằng nếu như Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các vũ khí hạt nhân, thì điều này ngay lập tức có thể thúc đẩy các nước láng giềng – Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan – khởi động các chương trình vũ khí nguyên tử của họ. Ông Mulvenon cho rằng mối lo ngại của Washington là Trung Quốc dứt khoát triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân DF-31 sử dụng nhiên liệu rắn, thay thế cho loại tên lửa cũ dung nhiên liệu lỏng. Tên lửa DF-31 giúp cho Trung Quốc có khả năng đánh trả chắc chắn và đáng tin cậy, đáp lại một cuộc tấn công hạt nhân với sự trả đũa mạnh mẽ bằng vũ khí nguyên tử.
Ngoài những quan ngại cụ thể nói trên, các nhà phân tích bầy tỏ lo lắng về những mâu thuẫn trong các ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Trung Quốc nói rằng chi phí cho quốc phòng của họ trong năm 2007 vào khoảng 52 tỷ đô la và chi phí quốc phòng năm 2008 là 61 tỷ đô la. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng những số liệu này rất thấp (so với con số thực). Trong báo cáo hàng năm gửi Quốc hội Mỹ, tổng chi phí liên quan đến quân sự của Trung Quốc cho năm 2007 được đánh giá là vào khoảng từ 97 tỷ đến 139 tỷ đô la. Trung Quốc lập luận rằng ngân sách quân sự của họ chỉ chiếm 1,38% tổng sản phẩm nội địa, GDP, trong năm 2007, trong khi chi phí quốc phòng của Mỹ là 4,5% GDP. Các chuyên gia nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối các khoản chi cho quốc phòng của Mỹ để chỉ rõ sự so sánh không tương xứng này. Năm 2008, ngân sách quốc phòng của Mỹ lên đến 481,4 tỷ đô la, cộng với 141,7 tỷ đô la dành cho “Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.”

Đối sách của Hoa Kỳ

Vào lúc quan hệ thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng, thì mối quan hệ quân sự song phương vẫn còn tương đối chậm phát triển. Ông Adam Segal, chuyên gia cấp cao thuộc Hội Đồng Đối Ngoại nhận định là xung đột quân sự giữa hai nước rất ít khả năng xẩy ra, nhưng “không phải là bất khả”. Theo ông, nhận thức sai hoặc hiểu lầm về một sự cố tại eo biển Đài Loan hoặc sự sụp đổ bất ngờ của Bắc Triều Tiên có thể trở thành tia lửa châm ngòi một cuộc xung đột, cho dù không bên nào mong muốn.
Vào tháng tư 2001, thất bại của vụ “máy bay do thám” là một ví dụ về kiểu hiểu lầm này. Các chuyên gia lo lắng là có thể xẩy ra nhiều sự cố hơn khi Hải quân và Không quân Trung Quốc tiến hành tập trận và đi tuần tra ở xa Trung Quốc, tiếp xúc thường xuyên hơn với Hoa Kỳ, Đài Loan và Nhật Bản.
Nhưng một số chuyên gia lại thấy ít có triển vọng về hợp tác quân sự chặt chẽ giữa hai nước trong tương lai gần. Đô đốc Timothy J.Keating, chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói với nhà báo của cfr.org ( Hội Đồng Đối Ngoại) là phải có một “cú đại nhẩy vọt về lòng tin”, thì mới dám nghĩ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể phát triển quan hệ chặt chẽ trong tương lai gần. Theo ông Keating, để thúc đẩy quan hệ, cần phải có “sự minh bạch hơn, hiểu biết hơn từ phía chúng ta về những ý định của Trung Quốc và để đạt được điều này, chúng ta cần hợp tác tích cực hơn với Trung Quốc.”
Theo ông Mulvenon, Hoa Kỳ đã theo đuổi một chiến lược hai mũi trong quan hệ quân sự với Trung Quốc. Hoa Kỳ tiến hành thảo luận với quân đội Trung Quốc qua các trao đổi ở cấp chuyên gia cao cấp và tìm cách hiện đại hóa, cải cách quân đội của mình. Một bản báo cáo trong năm 2007 của nhóm công tác độc lập thuộc Hội Đồng Đối Ngoại, dưới sự đồng chủ trì của ông Dennis Blair, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia của chính quyền Obama, đã khuyến cáo nên tiến hành đối thoại chiến lược quân sự cấp cao để bổ xung cho cuộc “Đối thoại chuyên gia cấp cao”, được thứ trưởng ngoại giao khởi động trong năm 2005 và cuộc “Đối thoại kinh tế chiến lược” được khởi động bởi bộ trưởng Tài chính trong năm 2006. Bản báo cáo cũng khuyến nghị là Washington cần tăng cường quan hệ an ninh với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Như bản báo cáo này ghi rõ, Hoa Kỳ cần cố gắng tạo dựng các quan hệ chặt chẽ với những nước trong vùng, bao gồm cả với Ấn Độ, một cường quốc khác trong khu vực. Văn bản kết luận là dự án hợp tác có tính đột phá về hạt nhân đã ký với New Delhi trong năm 2008, xóa bỏ việc đình chỉ trao đổi thương mại về hạt nhân với Ấn Độ. Đồng thời, Mỹ cũng nâng cấp lực lượng hải quân và không quân đã được triển khai tại Guam.
Trước việc Trung Quốc đang xây dựng bộ máy quân sự, những người lập kế hoạch quân sự của Mỹ sẽ đáp trả như thế nào còn tùy thuộc vào cuộc thảo luận hiện này về những mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong thế kỷ 21.
Trong bài viết mới nhất trên tạp chí Foreign Affairs, bộ trưởng Quốc phòng Robert M.Gates nói rằng Hoa Kỳ đang phải đồng thời đương đầu với những kẻ thù thông thường và những cuộc xung đột bất bình thường do những nhóm nổi dậy hoặc các tác nhân không phải là nhà nước gây ra và cần phải “tìm kiếm một sự cân bằng trong số nhiều khả năng mà chúng ta có, như các loại đơn vị được trang bị ra sao, các loại vũ khí được mua, huấn luyện đã làm”. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nguồn tài chính của bộ Quốc phòng bị hạn chế, một số nhà phân tích lập luận rằng việc “điều chỉnh lại cán cân” giữa các chiến dịch tại Irak và Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc sẽ là thách thức chính trong việc hoạch định kế hoạch quốc phòng (của Mỹ).


No comments: