Wednesday, March 18, 2009

VIỆT NAM : CUỘC HỘI THẢO ĐẦU TIÊN VỀ BIỂN ĐÔNG

Hội thảo đầu tiên về chủ quyền biển Đông
Cập nhật :06:47 GMT - Thứ Tư, 18 Tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090318_biendong_conference.shtml
Lần đầu tiên hôm 17/3, giới học giả Việt Nam có hội thảo chính thức về tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, chủ đề vẫn bị coi là 'nhạy cảm'.
Điều đáng chú ý là hội thảo "Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế" được tổ chức trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới tại khu vực biển mà sáu quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, gần như chỉ có sự quy tụ của giới học thuật, chuyên gia và một số nhà báo, không có quan chức nhà nước.

Trong một ngày, 14 diễn giả đã đọc tham luận chia làm ba nhóm chủ đề: Lịch sử các quá trình tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng tại biển Đông; Luật pháp quốc tế và tranh chấp chủ quyền tại biển Đông; Biển Đông và quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vai trò của Trung Quốc như một cường quốc đang lên trong tương quan biển Đông được đặc biệt chú ý trong quá trình thảo luận.
Một diễn giả đã nhấn mạnh về chính sách của Bắc Kinh trong thời đại mới, rằng Trung Quốc "rất chú trọng đến việc chuẩn bị dư luận trong vấn đề biển Đông", "không từ bỏ một thủ đoạn nào, diễn đàn nào để khẳng định chủ quyền của mình".
Trong khi đó, dư luận Việt Nam chưa được tiếp cận thông tin về các sự thực lịch sử, các cơ s̉ơ pháp lý của Việt Nam trong tranh chấp biển Đông.
Có diễn giả cảm thán: "Từ 1909 đến nay, đúng một thế kỷ tranh chấp chủ quyền về biển Đông. Nhưng Việt Nam chưa biết sử dụng kết quả nghiên cứu, chưa biết tập hợp lực lượng".
"Người nghiên cứu cứ thấy mình đang làm một việc mà như giấu diếm, như bất hợp pháp vậy. Trong khi đó, Trung Quốc đào tạo và công bố tài liệu và rao giảng khắp thế giới."

Kêu gọi đồng thuận

Ba khía cạnh của chủ quyền tại biển Đông được bàn tới là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, và tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc, trong đó dựa theo đường phân định chữ U mà nước này đưa ra, Trung Quốc chiếm gần như trọn khu vực biển Đông.
Có ý kiến nhận định, Hoàng Sa sau trận thủy chiến giữa quân Trung Quốc và quân đội Việt Nam Cộng hòa năm 1974, đã hoàn toàn vào tay Trung Quốc, "không thể lấy lại được". Do vậy, "vấn đề nút, nóng, là quần đảo Trường Sa".
Những người tham gia hội thảo cho rằng cần vận động sự đồng thuận của xã hội (kể cả người VN ở nước ngoài) trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ, công khai hóa thông tin, thu hút sự quan tâm của các cấp, kể cả cao cấp nhất và "mở rộng dư luận để mọi người đều biết, đều có trách nhiệm về vấn đề chủ quyền biển".
Thậm chí còn có đề xuất đem vào trường học chương trình giảng dạy và nghiên cứu về chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa.
Hồ sơ pháp lý của Việt Nam cũng phải được chuẩn bị đầy đủ trong nỗ lực tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao và đàm phán quốc tế.
Tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được trích lời nói: "Chuẩn bị luận cứ pháp lý là yêu cầu đầu tiên và phải là chính".
Việt Nam, theo một số chuyên gia, cần tận dụng thời cơ khi các nước trong khu vực đang đẩy vấn đề này rất quyết liệt, và dựa trên quan hệ đa phương nhất là với ASEAN để đàm phán về lãnh thổ.
Họ cũng khuyến cáo Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa, và chính phủ Việt Nam phải có chiến lược biên toàn diện và đồng bộ, thay vì chỉ có chiến lược kinh tế biển như hiện nay.



Bắc Kinh - Manila căng thẳng
Cập nhật :03:29 GMT - Thứ Tư, 18 Tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090318_philippines_china.shtml
Quan hệ Bắc Kinh - Manila đang trở nên căng thẳng sau một loạt các diễn biến mới đây tại khu vực biển Đông (Nam Hải).
Phía Trung Quốc vừa loan báo rằng chuyến thăm Philippines của ông Lý Kiến Quốc, phó chủ tịch và tổng thư ký Quốc hội Trung Quốc, dự định tiến hành trong tuần này sẽ bị hoãn 'vô thời hạn'.
Lý do được nêu là "vì các công việc cấp bách ở quốc nội".
Theo kế hoạch, đáng ra ông Lý sẽ hội kiến Tổng thống Gloria Arroyo vào hôm thứ Tư 18/3 này tại Dinh Tổng thống Malacanang.
Tuy phía Philippines nói rằng việc hoãn chuyến thăm này không có liên quan gì tới việc Manila gần đây thông qua điều luật về đường cơ bản, khẳng định chủ quyền tại biển Đông, giới quan sát cho rằng sự việc đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Bà Arroyo đã ký điều luật gây tranh cãi hôm thứ Ba 10/3 sau nhiều tháng Quốc hội nước này bàn thảo.
Theo đạo luật này, Philippines có chủ quyền đối với hơn 7.100 đảo trong vùng biển cạnh Philippines, cùng hai quần đảo nói trên, vốn nằm xa hơn trong biển Đông (Nam Hải).
Ngay lập tức, Trung Quốc và Việt Nam lên tiếng phản đối.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao TQ Mã Triều Húc tuyên bố rằng "các đảo Hoàng Nham và Nam Sa (tên Philippines là Kalayaan và bãi cạn Scarborough) luôn luôn là lãnh thổ của Trung Quốc".
"Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo này và bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của nước khác cũng là bất hợp pháp và vô giá trị."
Việt Nam thì đề nghị Philippines "có thái độ kiềm chế, không tiến hành những hành động tương tự, tránh làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Philippines".
Đầu tuần này, Bắc Kinh đã gửi tàu tuần tra ngư nghiệp lớn và hiện đại nhất tới khu vực Trường Sa để "hỗ trợ tàu đánh cá". Động thái được cho là cử chỉ phô trương sức mạnh, cảnh báo các quốc gia nhỏ hơn cùng tuyên bố chủ quyền trong khu vực giàu tài nguyên này.

Chuyện bình thường

Phát ngôn viên cho bà Arroyo giải thích điều luật mà bà tổng thống vừa ký không nhằm mục đích tranh chấp chủ quyền mà chỉ là để xác định đường cơ sở cho thềm lục địa mở rộng của Philippines.
Manila cũng cho rằng phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam là chuyện bình thường.
Người phát ngôn Cerge Remonde nói: "Phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam đã được chúng tôi trông đợi".
"Nếu họ có hành đ̣ông tương tự, chúng tôi cũng sẽ phản ứng. Không nên lo ngại vì điều luật mới hoàn toàn tuân thủ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông."
Ông Remonde cũng nói điều luật này không có ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và Hà Nội, và bà tổng thống chỉ thi hành phận sự của mình.
"Liên Hiệp Quốc là trọng tài cao nhất trong chủ đề này."

Philippines cũng như các nước thành viên Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) khác, trong có Trung Quốc và Việt Nam, phải nộp hồ sơ về thềm lục địa mở rộng cho tổ chức này trước 13/5/2009.



Cần giải quyết vấn đề biển Đông bằng công pháp quốc tế
Thứ Tư, 18/03/2009, 07:45 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=306652&ChannelID=3
TT (Hà Nội) - Đó là quan điểm chung của các học giả, nhà ngoại giao, nhà sử học... tại hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” diễn ra lần đầu tại VN do Chương trình nghiên cứu biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 17-3.

“Về bản chất, biển Đông là vấn đề của toàn thế giới. Trong khi Trung Quốc đã theo đuổi vụ tranh chấp này thành quá trình. Vì thế, về mặt ngoại giao, phải lưu ý phản ứng của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN, Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới trước thái độ của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này. Về mặt quốc tế, có thể dựa vào ba điểm tựa là Tòa án công lý quốc tế (trên cơ sở hai bên công nhận), Công ước luật biển năm 1982 (không sử dụng với nghĩa đưa tranh chấp ra giải quyết mà với tư cách yêu cầu một giải thích chính thức của những cơ quan đàm phán), Công ước về hiệp ước ký kết.
Quan hệ quốc tế tốt sẽ tạo ra cơ hội đưa vấn đề ra công luận, chỉ có thể giải quyết vấn đề khi sát cánh cùng thế giới.” Đó là kiến giải chính của Ailien Tran - ĐH California, hiện là nghiên cứu sinh chương trình Fulbright (Mỹ) về vấn đề biển Đông - được khá nhiều sự đồng thuận tại hội thảo.

Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=322341

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Cù Zap
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=322224

Các học giả đưa ra những bằng chứng khoa học mới nhất để khẳng định chủ quyền của VN trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó có cơ sở pháp lý, lịch sử vững chắc xác lập vùng chủ quyền VN trên biển Đông, tạo tiền đề cho sự đồng thuận của luật pháp, công pháp cũng như dư luận quốc tế về những giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển Đông.
Các nhà sử học Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Ngọc đã minh chứng bằng các tài liệu từ châu bản triều Nguyễn, sử Trung Quốc, bản đồ cổ Trung Quốc đến các tài liệu phương Tây để khẳng định rằng: VN là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trên tất cả các tài liệu của Trung Quốc, cái tên Tây Sa và đảo Nam Sa (tên mà Trung Quốc dùng để gọi Hoàng Sa và Trường Sa của VN) chỉ xuất hiện từ năm 1909.
Trong khi đó, tài liệu xưa nhất của VN còn lưu giữ được là Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư - năm 1686, ghi rõ hằng năm chúa Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng, còn tư liệu trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 mô tả kỹ càng về Hoàng Sa, trong đó có khẳng định chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
Tài liệu quan trọng nhất là châu bản triều Nguyễn, thế kỷ 19, lưu những bản tấu, phúc tấu của đình thần và các bộ, những chỉ dụ của nhà vua về việc xác lập chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa: vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc…
Chính tài liệu của người Trung Quốc (Hải ngoại ký sự - Thích Đại Sán) năm 1696 đã khẳng định chúa Nguyễn sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.
Tài liệu của phương Tây thì còn nhiều và dễ tìm kiếm hơn. Tài liệu xưa nhất còn lưu được là Nhật ký trên tàu Amphitrite (1701) xác nhận Paracels (tức Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc về nước An Nam. An Nam đại quốc họa đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 ghi rõ Paraceu Cát Vàng với tọa độ rõ ràng như hiện nay - Cát Vàng chính là tên chữ Nôm của Hoàng Sa. The journal of the Asiatic society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels…
Sự hiểu biết về lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế của từng người dân và xã hội của các quốc gia có liên quan, theo các học giả, sẽ góp phần tạo dư luận với Chính phủ để các bên tìm tiếng nói chung cho việc giải quyết tranh chấp xảy ra trên biển Đông.

Vị thế biển Đông

Các nhà khoa học tham gia hội thảo cho rằng cần phải xác định lại và quảng bá đến mọi tầng lớp xã hội cả VN và nước ngoài về vai trò, vị trí của biển Đông trên bản đồ địa chính trị thế giới: biển Đông là nơi giao nhau của nhiều tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, 400 tàu lớn qua lại mỗi ngày, 25% mậu dịch và 1/2 lượng dầu tiêu thụ của thế giới qua biển Đông. 80% dầu thô của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu đi qua biển Đông. Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, phốt phát và nhiều khoáng sản quý hiếm. Trữ lượng dầu mỏ ở thềm lục địa là 29,1 tỉ tấn, khí đốt là 5,8 tỉ m3.

THU HÀ - NGA LINH


"Không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính"
06:51' 18/03/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/03/836677/
Lần đầu tiên, một cuộc hội thảo mở bàn về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/3. Hơn 70 nhà nghiên cứu của Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, nghiên cứu của nhà nước và nghiên cứu độc lập tham dự hội thảo.
Đây là cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ một loạt các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thu thập, nghiên cứu tài liệu về Biển Đông, giúp tìm căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, giúp ích cho Việt Nam trong quá trình xử lý vấn đề biên giới trên biển.
Những người tổ chức hội thảo kì vọng trong thời gian tới, hội thảo sẽ được mở ở tầm quốc tế và sẽ có cả những cuộc thảo luận tay đôi giữa giới học giả Việt Nam và Trung Quốc về những vấn đề liên quan.

Nhìn Biển Đông trong chiến lược chung của Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng phải nhìn vấn đề Biển Đông không chỉ là câu chuyện tranh chấp về lãnh thổ, biển đảo mà phải trong chiến lược chung của cường quốc đang lên Trung Quốc.
Vấn đề Biển Đông bao gồm ba khía cạnh: Vấn đề Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa và đường biên giới chữ U hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố.
Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra được các học giả đánh giá là thiếu cơ sở pháp lý và thể hiện rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.
TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, dầu và khí đốt chỉ là mục tiêu trước mắt nhưng lâu dài là vấn đề địa chiến lược, địa chính trị của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Hoàng Sa và Trường Sa như hai đồn biên phòng trên biển. Ai chiếm giữ được Hoàng Sa và Trường Sa, người đó sẽ khống chế được Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tức là nắm giữ được yết hầu kinh tế của các quốc gia Đông Bắc Á, từ đó đẩy Mỹ ra khỏi khu vực…"

Tuy nhiên, nhiều người nhận định, dùng vũ lực để độc chiếm sẽ không phải là lựa chọn của Trung Quốc, ít nhất vào thời điểm này, khi thời và thế chưa đạt. Những tuyên bố cấp cao song phương Việt - Trung đều khẳng định giải quyết bằng phương pháp hòa bình các tranh chấp và tìm giải pháp hợp tác cùng phát triển. Hơn nữa, những ràng buộc pháp lý quốc tế trong điều kiện hiện nay sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc cẩn trọng.
"Việc sử dụng vũ lực sẽ được Trung Quốc cân nhắc giống như Mỹ đã từng suy đi xét lại việc bấm nút cho nổ ngòi hạt nhân vậy", một chuyên gia về Trung Quốc nói.
Giải quyết vấn đề Biển Đông, vì thế, đứng trước hai lựa chọn: Xử lý bằng pháp lý hoặc bằng đàm phán.

Chuẩn bị hồ sơ pháp lý

Theo nhiều học giả, đã đến lúc Việt Nam phải tính các phương án, kịch bản khác nhau và đưa ra lộ trình đàm phán thực chất với Trung Quốc và các bên liên quan (trong trường hợp Trường Sa) về hai quần đảo này.
"Chuẩn bị luận cứ pháp lý là yêu cầu đầu tiên và phải là chính", TS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế, ĐHQG Hà Nội nói. Các luận cứ lịch sử, luận cứ địa lý cũng rất quan trọng nhưng chỉ là luận cứ tham khảo.
“Chủ quyền là thiêng liêng và không thể nhân nhượng, thế nhưng không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính. Chúng ta phải đấu tranh bằng cơ sở pháp lý, bằng những bằng chứng không thể chối cãi”, một chuyên gia của Viện KHXH Việt Nam nói.
Chuẩn bị tốt hồ sơ pháp lý, Việt Nam sẽ có điều kiện thắng trên cả mặt luật pháp và công luận.

Các nhà nghiên cứu đặt vấn đề, Việt Nam cũng cần cân nhắc việc có đạo luật về đường cơ sở. Làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ra khung pháp lý rõ ràng, từ đó, bất kì vi phạm nào chúng ta đều có thể xử lý dễ dàng. Mới đây. Philippines cũng đưa ra đạo luật về đường cơ sở mới.
Với Trung Quốc, Việt Nam cần tận dụng quan hệ tích cực giữa hai nước, đẩy vấn đề đang còn tồn đọng giữa hai bên. "Trong quan hệ quốc tế phải minh bạch. Có những vấn đề phải đặt lên bàn đối tác mới giải quyết được, càng tù mù càng khó", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Việc xử lý tranh chấp trên biển phải gắn với xây dựng và thực thi một chiến lược biển nghiêm túc và đầy đủ, không phải chỉ là chiến lược kinh tế biển, vốn có trên văn bản là chính như hiện nay.

Giải quyết phân tán nguồn lực

Muốn vậy, các học giả nhấn mạnh, Việt Nam phải chuẩn bị kĩ lưỡng, xây dựng lực lượng đàng hoàng, để nói được, trao đổi được với đối tác. Đại diện Quỹ nghiên cứu Biển Đông gợi ý Việt Nam có thể cấp học bổng từ ngân sách nhà nước cho các nghiên cứu viên đi đào tạo ở nước ngoài về luật biển quốc tế.
Điều đáng tiếc là, ngay cả với lực lượng hiện tại vốn mỏng và được đánh giá là “không cân sức” so với Trung Quốc, "hình như Việt Nam cũng chưa sử dụng, chưa biết sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia, chưa biết tập hợp đội ngũ. Nhiều nhà nghiên cứu làm về biển Đông có ấn tượng hình như mình làm gì sai…", một học giả nêu.
Không chỉ mỏng, nguồn lực làm về Biển Đông còn bị phân tán. Nhiều tài liệu quý hiếm đã biến mất cùng với sự ra đi của người giữ chúng. Việc tiếp cận để tra cứu, khai thác tư liệu gặp nhiều trở ngại. Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã phải đối mặt với chuyện “biết có tư liệu quý mà không lấy được”.
Giới nghiên cứu thừa nhận hiện nay, nghiên cứu về Biển Đông vừa yếu vừa thiếu. Thế nhưng, "hình như một lực lượng rất lớn và có giá trị là các học giả Việt Nam ở nước ngoài lại đang bị bỏ quên”, bà Trần Thị Ái Liên nêu.
Việt Nam và Trung Quốc có thể “tạm gác tranh cãi cùng khai thác” trên biển Đông, có lí nào người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ngoài nước lại không thể “tạm gác tranh cãi” để cùng đấu tranh cho chủ quyền và cương giới lãnh thổ?
Sức mạnh dân tộc bao gồm tăng cường nội lực và đoàn kết nội bộ, cùng với sức mạnh thời đại chính là cơ sở pháp lý vững chắc, tính chính nghĩa của Việt Nam chính là điều kiện để Việt Nam có thể giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ này.

Phương Loan



No comments: