Friday, March 6, 2009

VIỆC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU BỊ CHỈ TRÍCH KỊCH LIỆT

Nhiều giới chỉ trích kịch liệt việc phát hành trái phiếu
Thursday, March 05, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91670&z=157
Hà Nội (NV) - Sau khi Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội CSVN loan báo “Ðồng ý cho chính phủ phát hành thêm 11,500 tỷ đồng qua việc bán trái phiếu, nâng tổng số trái phiếu phát hành trong năm 2009 lên 55,000 tỷ đồng” hồi cuối tháng 2, nhiều chuyên gia kinh tế cùng lên tiếng phê phán đó là sự “lãng phí kép”.

Năm nay, chính quyền CSVN dự đoán sẽ bội chi khoảng 100,000 tỷ đồng do nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí chắc chắn sẽ giảm, rồi vì kinh tế suy thoái, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp gia tăng nên chính quyền CSVN sẽ phải giảm, miễn hàng loạt khoản thuế. Ðây là lý do chính khiến chính quyền CSVN quyết định phát hành trái phiếu ồ ạt.

Tiến Sĩ Lê Thẩm Dương, đại học Ngân Hàng Sài Gòn, nhận xét: “Phát hành trái phiếu là chính phủ vay rồi ngân sách trả nợ. Khi phát hành trái phiếu, người ta đưa ra nhiều lý lẽ để chứng minh nguồn thu từ trái phiếu sẽ được chi tiêu hiệu quả nhưng đó thực sự là sự lãng phí ghê gớm”.

Những chuyên gia này còn lo ngại rằng, sẽ có hàng chục ngàn tỷ đồng, tuy phải trả lãi hàng năm nhưng vẫn nằm trong kho bạc vì chậm giải ngân (thiếu dự án khả thi, có khả năng sinh lợi).

Trước đây, tổng số tiền thu về từ phát hành trái phiếu là 22,000 tỷ đồng nhưng năm 2007, chỉ giải ngân được 7,000 tỷ. Ðến năm 2008, giải ngân thêm được 13,000 tỷ nữa. Tính ra khả năng sử dụng chỉ đạt 62% số tiền đi vay và đang phải trả nợ. Còn nếu tính từ năm 2003 đến nay, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 54% tổng số tiền thu về từ phát hành trái phiếu. Tính cả những gói trái phiếu xin phát hành thêm, số tiền huy động cho cả giai đoạn từ 2003 đến 2008 lên tới khoảng 300,000 tỷ và tổng số tiền đã giải ngân thì chưa tới 60,000 tỷ đồng!

Cho đến nay chưa có thống kê nào cho biết, mỗi năm, Việt Nam phí phạm bao nhiêu tiền khi phát hành trái phiếu (vay tiền, phải trả lãi) rồi cất vào kho bạc.

Không chỉ dự tính phát hành trái phiếu bằng tiền đồng, chính quyền CSVN còn dự tính phát hành trái phiếu bằng USD, tuy nhiên ông Phạm Ðỗ Chí, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Vina Capital cảnh báo: “Dù tiết kiệm được chi phí do lãi suất thấp song việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ có rủi ro lớn. Nếu sau một năm, đồng Việt Nam yếu hơn USD, sẽ cần phải chi rất nhiều tiền hơn để trả cho chủ nợ”.

Tuy Ngân Hàng Nhà Nước CSVN vừa tái khẳng định sẽ không phá giá đồng Việt Nam để giảm tối đa rủi ro cho việc phát hành trái phiếu, song một chuyên gia làm việc cho một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nói với tờ Tiền Phong rằng: “Diễn biến kinh tế thế giới không dễ để Việt Nam có thể duy trì chính sách này”.

Tuy Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội CSVN đã: “Ðồng ý cho chính phủ phát hành thêm 11,500 tỷ đồng qua việc bán trái phiếu, nâng tổng số trái phiếu phát hành trong năm 2009 lên 55,000 tỷ đồng” song kế hoạch phát hành thêm trái phiếu vẫn phải trình cho Quốc Hội CSVN xem xét vào tháng 5 sắp tới.
Hiện có một số viên chức trong Quốc Hội CSVN tỏ ra không hài lòng với quyết định của Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội CSVN. Ông K'sor Phước, chủ nhiệm Hội Ðồng Dân Tộc của Quốc Hội CSVN, nói với báo chí: Cho phát hành thêm trái phiếu khi chưa có biện pháp sử dụng hiệu quả, có thể dẫn đến nguy cơ tái lạm phát. Tỷ lệ giải ngân nợ trong nhiều năm rất thấp cho thấy năng lực hấp thụ vốn rất hạn chế. Một vị ở Bộ Xây Dựng từng thú thật với tôi, cho dù có vốn để làm nhưng không thể làm nổi hai cây cầu bắc qua sông Hồng trong năm nay vì không đủ năng lực. Nếu phát hành thêm trái phiếu để lấy tiền làm đường dẫn về các xã miền núi như trước nay vẫn làm thì không khả thi, chỉ một trận mưa là đường sá trôi hết. Nếu chưa tính toán nâng cao chất lượng công trình thì đừng tiếp tục ném tiền vào thùng rỗng. Nhà nước mất tiền mà dân vẫn không được hưởng”.

Ngoài ông K'sor Phước, Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách của Quốc Hội CSVN đang yêu cầu chính phủ CSVN phải loại bỏ một số dự án của Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn và Bộ Quốc Phòng vì “chưa có quyết định đầu tư mà vẫn lập kế hoạch cấp vốn”.

Bất kể ông Nguyễn Văn Giàu, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN, trấn an: “Phát hành trái phiếu là huy động vốn xã hội. Nếu làm đúng mục tiêu, hiệu quả thì sẽ không thể gây ra lạm phát” song ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội CSVN, cho rằng: “Vai trò quản lý nhà nước ở các dự án sử dụng vốn lấy từ phát hành trái phiếu rất thấp. Phát hành thêm trái phiếu là cả quốc hội và chính phủ đều chưa tròn trách nhiệm”.

Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy Ban Các Vấn Ðề Xã Hội của CSVN cảnh báo: “Mỗi năm, ngân sách bội chi 5%, chưa tính tới khoản phát hành trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư ngoài ngân sách. Ðiều đó có nghĩa là Việt Nam phải tiếp tục đi vay cả bên trong lẫn bên ngoài, trong khi tiền lại tồn đọng trong kho bạc. Ðây là sự lãng phí ghê gớm”. Cũng vì vậy, ông nguyễn Văn Thuận nhắc nhở: “Chúng ta chỉ làm việc vài năm rồi nghỉ nhưng phải nghĩ tới trách nhiệm với con cháu, chúng sẽ phải trả nợ như thế nào?” (G.Ð)



No comments: