Friday, March 6, 2009

KHI ĐẢNG CSVN CẤM ĐƯA TIN VỀ BÔ-XÍT

Khi nhà nước cấm đưa tin về Bô-xít
Nguyễn Thanh Văn
Cập nhật ngày: 6/03/2009
http://viettan.org/spip.php?article8356

Trong buổi họp báo ngày 4/2/2009, trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về vấn đề khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: “Khai thác bô-xit Tây nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nêu trong nghị quyết đại hội X của Đảng và Bộ Chính trị đã ba lần nghe, kết luận về phát triển bô-xit Tây Nguyên. Chính phủ đã phê duyệt một quy hoạch về bô-xit Tây nguyên với tinh thần là phát triển hiệu quả, bền vững.” Lời tuyên bố chắc nịch vừa kể của ông Nguyễn Tấn Dũng cho thấy, khai thái bô xít ở Tây Nguyên chính là một mệnh lệnh của đảng, và không còn gì để bàn cãi nữa. Thế nhưng, mệnh lệnh này đã khiến dư luận đặt ra một dấu hỏi rất lớn, khi người ta biết rằng trước đó 3 tuần, Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Văn Trọng Lý đã ký văn thư số 17/TB-VPCP, cấm việc đưa tin về vấn đề khai thác bô-xít tại Tây Nguyên.

Một “chủ trương lớn của đảng“ không thuộc về an ninh quốc phòng mà lại cấm báo chí đưa tin, thì ắt là chủ trương này phải có điều gì khuất tất ở phía sau.

Khai thác Bô xít tại Tây Nguyên nay đã trở thành vấn đề nóng của dư luận cả trong lẫn ngoài nước. Lợi bất cập hại trong việc này đã được các nhà khoa học, giới chuyên gia, tướng lãnh quân đội, giới văn nhân,.... phân tích rất cặn kẽ. Tuy nhiên, thiết tưởng cũng cần nhấn mạnh thêm về 2 yếu tố vô cùng bất lợi cho nền kinh tế và an ninh quốc gia trong việc khai thác bô-xít này, đó là:

- Giá Alumina (tức nguyên liệu thô để chế biến ra nhôm) trên thế giới hiện nay đang giảm giá đến 50% từ 50 xu Mỹ, nay chỉ còn 20 xu một kg. Ngay tại Trung quốc giá Alumina tại chỗ cũng chỉ còn 600 nhân dân tệ (khoảng 87 mỹ kim) một tấn (*). Tình trạng này chẳng những khiến 2 đại gia khai thác bô xít là Ấn độ và Trung quốc bị mất những khoản tiền khổng lồ, mà nhiều công ty khai thác bô xít trên thế giới cũng đã cắt giảm sản xuất vì chi phí cao, giá bán thấp. Như vậy, về mặt kinh tế thì khai thác bô- xit chỉ từ lỗ đến lỗ mà thôi.

- Hiện nay tại tỉnh Attapeu, Nam Lào, giáp giới với Tây Nguyên của Việt Nam, đang có một dự án khai thác bô xít chung giữa 4 công ty của 3 nước Lào, Thái và Trung quốc. Trong đó Trung quốc có 2 công ty và nắm phần lớn cổ đông. Dự án này đang ở giai đoạn đầu, và dự trù sẽ kéo dài 50 năm (*). Trong đó bao gồm việc nâng cấp đường 18A (**), mà đường 18A vê phía đông là con đường nối liền tới biên giới Lào Việt.
http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/thegioi/eea49ddc.jpg

Attapeu của Lào, và Đắk Nông của Việt Nam, đều nằm trên Cao Nguyên của dãy Trường Sơn, thường được xem là xương sống của Việt Nam. Về mặt quân sự thì đây là vùng chiến lược. Một khi kiểm soát được vùng Cao Nguyên này, thì có thể kiểm soát được toàn Đông Dương.

Hiện nay tại Attapeu và Đắk Nông đã có mặt hàng trăm chuyên gia và công nhân Trung quốc. Sắp tới đây, với việc nhà cầm quyền CSVN cho phép người Hoa nhập cảnh không cần chiếu khán và có thể hiện diện bất cứ nơi đâu trên đất VN, thì con số người Hoa có thể lên đến hàng vạn. Đây là điều mà giới quân sự và an ninh quốc phòng VN đang lo ngại.

Từ lâu thị trường cung cấp alumina cho Trung quốc có thể nói là dồi dào, chủ yếu là từ Úc, châu Phi, Indonesia và Nam Mỹ; riêng châu Phi có những mỏ do Trung Quốc trực tiếp khai thác. Như vậy thì lý do gì khiến Trung quốc muốn khai thác bô-xít tại Đắk Nông và Attapeu, mà xét về mặt kinh tế thì không hiệu quả? Phải chăng dự án khai thác bô-xít tại Đắk Nông chỉ là cánh tay nối dài của dự án Attapeu, đã nằm trong âm mưu đen tối của Trung quốc từ lâu?

Đến đây người ta đặt câu hỏi là Trung quốc muốn gì?

Người dân Việt Nam không ngần ngại cho rằng, Trung Quốc ngày càng muốn khống chế Việt Nam nặng nề hơn.
Thực vậy, sau khi chiếm Hoàng Sa và Trường Sa để khống chế Việt Nam từ phía biển, lấn đất ở biên giới phía Bắc, nay Trung quốc muốn kiểm soát toàn vùng Cao nguyên Trường Sơn. Điều mà tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã xa gần đề cập đến. Mới đây, một trang web của Trung Quốc đưa ra kế hoạch tấn công ba mũi tiến chiếm Việt Nam. Trong đó có mũi tấn công từ biển vào, cắt đôi Việt Nam. Nay với việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, mà có thể sẽ có hàng vạn người Tàu làm việc ở đó. Họ chỉ là công nhân thuần tuý, hay trộn lẫn với binh lính trá hình, thì chỉ có Trung Quốc mới biết được. Khi cần thực hiện dã tâm, người ta không loại trừ việc Trung Quốc tìm ra một cớ nào đó, “bênh vực công nhân Trung Quốc ở Tây Nguyên” chẳng hạn, để “dạy cho Việt Nam một bài học” thứ hai.... Với ưu thế tuyệt đối trên mặt biển của Trung Quốc, Việt Nam không có cách gì để ngăn được mũi tấn công từ biển vào để “bắt tay” với Tây Nguyên của họ; gần giống như kế hoạch mà trang web của Trung Quốc đã vẽ ra. Tuy đây chỉ là một giả thuyết, nhưng với dã tâm và tham vọng từ ngàn xưa đến nay của Trung Quóc đối với Việt Nam, thì điều gì cũng có thể xẩy ra được.

Đến đây thì hệ quả về an ninh quốc gia trong việc khai thác bô xít ở Tây nguyên đã rõ hơn.
Như vậy, điều gì đã khiến Bộ Chính trị CSVN quyết định cho Trung Quốc khai thác bô xít tại Tây Nguyên với đầy rủi ro từ kinh tế, xã hội, mội sinh cho đến an ninh quốc phòng, bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ của những giới chuyên môn? Rồi lại cấm không được đưa tin về vấn đề này?

Kinh nghiệm cho thấy, từ trước đến nay, hễ điều gì mà đảng CHỐI thì thường có nghĩa là đã có vài quan chức lớn của đảng làm bậy. Khi đảng ra lệnh CẤM thì chắc chắn một điều là toàn thể Ban Lãnh đạo đảng làm bậy. Vì làm bậy, nên sợ sự phản kháng của người dân, cũng như ngay trong chính hàng ngũ của đảng viên; bởi vậy nên mới cấm đưa tin.

Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên chẳng phải là “chính sách lớn” đầu tiên của đảng mang tính thậm thụt, đầy tai hại và bị cấm thông tin. Cải cách ruộng đất năm 1954, Nhân văn giai phẩm năm 1956, cải tạo công thương nghiệp năm 1976, Hiệp định biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc..., đều là những chính sách lớn của đảng, gây đau khổ cho người dân, thiệt thòi cho đất nước, và đều bị cấm thông tin. Ngay cả chính sách “đổi mới” hơn 20 năm qua thì đảng cũng chạy theo dân phần “kinh tê thị trường”; chỉ có có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” là “chính sách lớn” của đảng được thêm vào mà thôi.

(*) Shanghai Daily 6. January 2009
(**) Vientiane Times 24.9.2008


1 comment:

toan05d said...

Đảng đang đi những nước cờ dẫn đến diệt vong dân tộc.

Việc đang phát triển dần mạnh mẽ của phong trào dân chủ ở Việt Nam được các nhà quan sát Trung Quốc theo dõi sát sao, họ hiểu rằng nếu không nhanh chóng đi đến những thỏa thuận như vụ Bauxit Tây Nguyên thì họ sẽ không bao giờ có cơ hội đó khi Đảng và chính quyền sụp đổ trước dân chủ. Việc hình thành cắm mốc biên giới được tiến hành nhanh chóng cũng là một trong những chiến lược thâm độc trên. Điều đó cũng cho chúng ta thấy rằng phía Trung Quốc đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua chuộc những quyết định bán nước bán dân của Đảng. Sự thâm độc của trung Quốc là nếu việt nam có dân chủ thành công thì cũng phát triển trong nghèo đói và kiệt lực vì gánh nặng ô nhiễm môi sinh. phần lớn số dân Việt Nam sống và tập trung ở các đồng bằng, nay sự phá hủy môi sinh ở thượng nguồn sẽ dẫn đến những cuộc di dân gây tác động đến phát triển công - nông nghiệp và làm kinh tế. Chúng ta phải lên tiếng. kết bút - Toan05d.