Vai trò của báo chí truyền thông trong một xã hội dân chủ
Gunilla Carlsson,
Ngày 24 tháng 4 năm 2007
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của bà Gunilla Carlsson, Bộ Trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thuỵ Điển với sinh viên Khoa Báo Chí Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bài phát biểu của bà Gunilla nêu bật vai trò của báo chí truyền thông trong xã hội dân chủ cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng tư duy độc lập tới sự phát triển của Việt Nam.
Bà Gunilla sinh năm 1963 tại thành phố Vát-sờ-te-na Thụy Điển. Bà học về kế toán và đã từng làm quản lí kế toán cho các công ty trước khi tham gia hoạt động chính trị. Bà gia nhập đảng Swedish Moderate năm 1994 và đã từng làm nghị sĩ của nghị viện châu Âu, phụ trách về các vấn đề ngoại giao. Hiện tại là phó chủ tịch đảng Swedish Moderate và đang giữ chức bộ trưởng bộ hợp tác và phát triển quốc tế.
***
Kính thưa Ông Nguyễn,
Kính thưa Ông Đinh,
Các bạn sinh viên thân mến,
Trước tiên cho tôi gửi lời cám ơn chân thành tới các bạn đã mời tôi đến đây ngày hôm nay. Đây là một vinh dự cho tôi được có cơ hội này để nói chuyện với các bạn.
Tôi là Bộ Trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế của Chính phủ hiện đang cầm quyền khoảng hơn sáu tháng. Đây là chính phủ liên minh của bốn chính đảng trung hữu. Chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 năm ngoái sau 12 năm ở vị trí là đảng đối lập. Cá nhân tôi đại diện cho Đảng Ôn Hòa (Moderate), với cương vị là Phó Chủ Tịch Đảng.
Chuyên môn của tôi không phải là nghề báo; mà là kế toán. Tôi đã từng là thành viên của Nghị Viện Châu Âu trong vòng bảy năm và sau đó là nghị sĩ của Quốc hội Thụy Điển được bốn năm. Nhưng tôi tin rằng các bạn có thể rất dễ dàng hình dung được trong công việc của tôi với tư cách là một chính trị gia và bây giờ là Bộ Trưởng, đương nhiên tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng và vai trò của các phương tiện truyền thông và của phóng viên. Nhưng tôi hiểu rằng tầm quan trọng của báo chí và các phương tiên truyền thông khác còn hơn thế nhiều; tôi sẽ quay trở lại vấn đề này.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tôi nhưng tôi thực sự cảm thấy vinh dự vì được đón chào rất nồng nhiệt tại đây. Chuyến thăm này của tôi cần phải được gắn với truyền thống hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thụy Điển.
Năm 1969 Thuỵ Điển và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao khi nước các bạn vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh. Đại Sứ Quán Thuỵ Điển được xây dựng ở một nơi mà trước đó chỉ là một khu đầm lầy. Bên ngoài Đại Sứ Quán, nông dân vẫn hàng ngày chăm lo cho những công việc nặng nhọc của mình. Hôm nay, Đại Sứ Quán Thuỵ Điển vẫn ở địa điểm đó, nhưng bây giờ nơi đây đã là trung tâm của Hà Nội, và từ Đại Sứ Quán nhìn xuống con đường Kim Mã nhộn nhịp, với những toà nhà cao – và hàng nghìn chiếc xe máy. Đó là một minh hoạ về sự chuyển giao và phát triển ngoạn mục của Việt Nam.
Nhưng vì xã hội Việt Nam tiếp tục thay đổi nên vai trò của truyền thông và phóng viên cũng sẽ còn thay đổi. Hay nói cách khác, tất cả các bạn hiện đang học tại Khoa Báo chí với công việc tương lai của các bạn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xã hội Việt Nam sẽ phát triển như thế nào. Ít phút nữa tôi sẽ chia sẻ với các bạn việc tôi nhìn nhận vai trò của truyền thông như thế nào nhưng trước tiên tôi sẽ nói đôi điều về những ưu tiên trong hợp tác phát triển của Thụy Điển.
Hợp tác phát triển quốc tế là yếu tố chính trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển. Đó là kết quả lô-gíc của trọng tâm của chính phủ trong chính sách đối ngoại bao gồm thúc đẩy dân chủ, quyền con người và phát triển bền vững và chúng tôi tin rằng phát triển tạo điều kiện tốt hơn cho tự do và dân chủ.
Công việc mà hiện nay tôi đang làm là đảm bảo hợp tác phát triển của Thụy Điển tập trung một cách rõ ràng hơn vào việc tạo ra những điều kiện tiên quyết cho dân chủ hóa, hòa bình và hòa giải. Gắn liền với nó đó là quản lý nhà nước tốt và chẳng hạn như những nỗ lực tăng cường xã hội dân sự ở các nước đối tác của chúng tôi. Một lĩnh vực trọng tâm khác nữa là môi trường và thay đổi khí hậu.
Nhìn chung, hợp tác phát triển của Thụy Điển nhấn mạnh đến tính tổng thể. Chúng tôi muốn nói đến Chính sách Phát triển Toàn cầu trong đó chúng tôi nhấn mạnh rằng xóa đói giảm nghèo không chỉ là mối quan tâm của tôi và các đồng nghiệp của tôi tại Bộ Ngoại Giao, những người có công việc liên quan đến hợp tác phát triển quốc tế. Chính sách Phát triển Toàn cầu của chúng tôi bao gồm tất cả các lĩnh vực chính sách.
Trên thực tế điều đó có nghĩa là chính phủ của tôi cam kết xây dựng các chính sách về thương mại, nông nghiệp, môi trường và nhập cư sao cho các chính sách đó sẽ góp phần cho sự phát triển toàn cầu một cách công bằng và bền vững. Hợp tác phát triển truyền thống tự nó không bao giờ có thể giảm các tác động của rào cản thương mại hay các quy chế trừng phạt các sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, Thụy Điển và Việt Nam hợp tác trong khuôn khổ chiến lược quốc gia đã được ký cho giai đoạn từ 2004 đến 2008. Các mục tiêu chính của chiến lược đó là:
Nâng cao năng lực của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên cơ sở lâu dài và bền vững về mặt môi trường;
Thúc đẩy cởi mở và phát triển hướng tới dân chủ và tăng cường tôn trọng quyền con người.
Các nguyên tắc về dân chủ, pháp quyền, quản lý nhà nước tốt và tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản đều có tác động lẫn nhau và cũng có liên quan mật thiết đến nghèo đói. Nghèo đói không chỉ đơn thuần là nghèo đói về vật chất mà còn là tình trạng không có quyền lực, không có các cơ hội, không có sự lựa chọn và không được đảm bảo về an ninh.
Dân chủ và xóa đói giảm nghèo có thể không bao giờ đơn thuần được đảm bảo bởi các chính trị gia, dù cho họ được dân bầu hay họ tự ứng cử. Suy cho cùng đó là vấn đề về các cơ hội cho người dân tác động đến cuộc sống của họ, được đòi hưởng quyền và được thể hiện những quan tâm của họ. Nhưng để thực hiện được những quyền đó bao hàm việc công dân được tiếp cận thông tin mà không bị sàng lọc, không bị kiểm duyệt hay không bị bóp méo. Làm thế nào để tôi có thể đòi hỏi quyền của mình nếu tôi không biết những quyền đó là gì? Làm sao mà tôi có thể nói lên quan tâm của mình nếu tôi có nguy cơ bị truy tố nếu tôi làm?
Đó là một số ví dụ để nói lên vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông đối với sự phát triển của một đất nước. Chất lượng thông tin mà một cá nhân có thể được tiếp cận đương nhiên sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng tham gia của người đó vào quá trình chính trị. Nói cách khác, phóng viên có trách nhiệm trước người dân của mình trong việc cung cấp thông tin chính xác và có phân tích.
Các phương tiện truyền thông sống động và độc lập là những cấu phần trọng yếu của một hệ thống kiểm tra và cân bằng phức tạp và đó là đặc trưng của các xã hội dân chủ. Không một ai, và đặc biệt là các chính trị gia và các công bộc, được phép đứng trên pháp luật và không bị kiểm tra, xem xét.Tham nhũng vừa là nguyên nhân vừa là tác động của quản lý nhà nước kém. Tham nhũng nuôi dưỡng thiếu năng lực và phá hoại niềm tin vào các thể chế của một xã hội. Một người Anh, Lord Acton, đã nói một câu và nay trở thành nổi tiếng rằng ’Quyền lực dẫn đến tham nhũng và quyền lực tối ưu dẫn đến tham nhũng tối ưu’. Điều đó đến nay vẫn hoàn toàn đúng. Chất lượng của các quyết định chắc chắn sẽ giảm sút nếu không được phép tự do tranh luận.
Thật là đáng tiếc khi chúng ta đọc tin về các chính trị gia buộc phải từ chức vì tham nhũng. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nên cảm ơn vì những thông tin đó đã được đăng và đã đến được với công chúng. Năm 1974, vụ tai tiếng Watergate đã buộc Tổng Thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức. Điều này, như các bạn đã biết, chủ yếu là do nỗ lực của hai phóng viên tờ Washington Post. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ sống trên một đất nước ở đó họ không được phép theo dõi vụ việc đó? Điều gì sẽ xảy ra nếu trong quá trình điều tra, tổng biên tập của họ yêu cầu họ phải dừng ngay công việc của mình vì tổng thống là người không được phép phê phán?
Nhưng vai trò của các phương tiện truyền thông trong một xã hội hiện đại không chỉ hạn chế ở việc phản ánh và phân tích những sự kiện đặc biệt. Phóng viên cũng là những người phát triển các quan điểm theo quyền của riêng họ. Bằng việc theo dõi và phân tích một cách nghiêm túc những xu hướng và trào lưu mới trong xã hội, báo chí truyền thông tự do cung cấp những thông tin vô giá cho những người đưa ra các quyết định, như vậy những vấn đề như chất lượng của việc xây dựng luật sẽ được đảm bảo. Và khi một vấn đề như việc lây lan HIV/AIDS, khả năng báo chí trong việc tuyên truyền thông tin một cách tự do và thảo luận vấn đề mà không cần suy xét xem các chính trị gia họ nghĩ gì hay lo lắng xem điều đó có phù hợp hay không, cuối cùng, có thể là vấn đề cứu sống một ai đó.
Chúng ta cũng nhìn nhận vai trò của các phương tiện truyền thông trong bối cảnh của những thách thức chúng ta cùng phải đương đầu trong một thế giới ngày càng được toàn cầu hóa. Những thách thức toàn cầu nhấn mạnh đến nhu cầu tìm ra những giải pháp chung. Một vấn đề như hậu quả của việc trái đất đang nóng lên là một ví dụ; việc ngày càng tăng tội phạm quốc tế và khủng bố là một ví dụ khác. Để có thể vượt qua được những thách thức đó, tiếp cận thông tin chính xác là vô cùng quan trọng đối với công chúng cũng như đối với những người đưa ra quyết định.
Thúc đẩy truyền thông tự do ở các nước khác vì thế cũng là vì quyền lợi riêng của chúng tôi. Nếu các phóng viên của nước khác im lặng thì cuối cùng chúng tôi cũng sẽ phải trả giá. Tôi xin đưa ra đây một ví dụ. Tất cả chúng ta đều hiểu một thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối đầu là sự thay đổi hiện nay của khí hậu. Ví dụ như công chúng của một nước rất xa không được phép biết đến thông tin về thảm họa môi trường của nước mình. Dần dần, người dân ở các nước khác sẽ phải chịu hậu quả của việc thông tin đó đã bị ỉm đi. Ô nhiễm không bao giờ có giới hạn.Vấn đề ở một phần nào đó của Đông Nam Á về cái gọi là ’sương mù’ là một minh chứng buồn của thực tế này.
Với tất cả những gì tôi vừa trình bày ở trên, các bạn hẳn sẽ không ngạc nhiên vì sao Thụy Điển cam kết hỗ trợ sự phát triển của báo chí truyền thông của Việt Nam. Trong thời gian hơn 10 năm qua, Thụy Điển luôn là nhà tài trợ lớn nhất hỗ trợ Việt Nam tăng cường dân chủ trên đất nước của các bạn thông qua sự phát triển một nền báo chí chuyên nghiệp hơn, cởi mở hơn, độc lập và tự chủ hơn.
Thụy Điển hỗ trợ các chương trình trong lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm trao quyền lực cho người nghèo. Điểm xuất phát là quyền tự do thể hiện và tự do ngôn luận, quyền thực hiện các hoạt động văn hóa và sáng tạo, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được tham gia, quyền được học hỏi nâng cao kiến thức. Cả Thụy Điển và Việt nam đều ký các công ước về quyền con người và chúng ta đều có nghĩa vụ thực hiện những cam kết mà chúng ta đã ký.
Tự do thể hiện bao gồm quyền được tìm kiếm, tiếp nhận, thể hiện và phổ biến các quan điểm, suy nghĩ và thông tin mà không bị ai can thiệp, và được thực hiện những quyền đó bằng lời hay bằng văn vản thông qua bất cứ phương tiện truyền thông nào.Tự do thể hiện là điều kiện tiên quyết của đa truyền thông, đó là cơ sở cho truyền thông mạnh mẽ và năng động. Điều này tạo điều kiện cho việc phản ánh rộng rãi những thông tin, suy nghĩ và quan điểm trong xã hội.
Quyền tiếp cận thông tin và tự do trao đổi quan điểm là vô cùng quan trọng cho phép mọi công dân có chứng kiến, được những quyết định có cơ sở chắc chắn và có quyền tự do lựa chọn. Ở nước tôi, truyền thống có từ cách đây gần hai thế kỷ rưỡi – Luật Tự do Báo Chí đã được thông qua từ năm 1766.
Một trọng tâm chủ yếu ở Thụy Điển là nguyên tắc mọi người dân đều có quyền tiếp cận với mọi tài liệu chính thức. Như các bạn có thể hiểu nguyên tắc này vô cùng quan trọng đối với các phóng viên trong khi tác nghiệp và điều tra, đặc biệt khi họ xem xét việc thực hiện quyền lực của chính phủ và các cơ quan công quyền, nhưng đồng thời đó cũng là một nguyên tắc rất quan trọng của một xã hội cởi mở và là một công cụ hữu hiệu để theo dõi và ngăn chặn tham nhũng. Thực tế mọi người dân trên đất Thụy Điển, dù là người Thụy Điển hay người nước ngoài, phóng viên hay không phải là phóng viên, đều có quyền tiếp cận những tài liệu mà một cơ quan hay tổ chức nhà nước đề ra hay nhận được. Thậm chí cả thư điện tử đến và đi của tôi tại Bộ về cơ bản đều được bố trí để công chúng có thể tiếp cận được! Cùng với luật cơ bản mà tôi vừa đề cập ở trên là những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp mà chính các phương tiện truyền thông tự do đã xây dựng và cùng tự thống nhất, mà không có sự can thiệp của Nhà nước. Cũng có các thể chế công để công dân có thể đến để được giúp đỡ khi họ cảm thấy mình bị báo chí truyền thông xúc phạm hay lạm dụng. Luật và thực tế của Việt Nam ngày nay thì khác. Tuy nhiên, hai nước chúng ta đã thống nhất rằng hỗ trợ cho báo chí truyền thông là một trong những ưu tiên của hợp tác phát triển của Thụy Điển ở Việt nam. Điều này rất quan trọng nhằm phát triển hướng tới quản lý nhà nước một cách dân chủ ở Việt Nam.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong những năm qua, do tiếp cận với công nghệ hiện đại đã đem lại cho báo chí truyền thông những độc giả, khán thính giả mới và cũng vì thế có được thị trường quảng cáo mới và lợi nhuận tăng, điều này lại giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và nghiệp vụ của báo chí truyền thông. Trong quá trình thực hiện dự án hỗ trợ báo chí truyền thông giữa Thụy Điển và Việt Nam, chúng tôi đã thấy được sự phát triển của các chương trình phát thanh từ chỗ chỉ đơn thuần đọc những bài viết đã được viết và duyệt đến việc phát các chương trình phát thanh trực tiếp có phỏng vấn người dân địa phương. Bằng việc hỗ trợ báo chí truyền thông, chúng tôi mong rằng hợp tác phát triển của Thụy Điển sẽ góp phần tăng cường các quá trình thay đổi hiện đang xảy ra trong xã hội Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng hỗ trợ đào tạo phóng viên sẽ nâng cao các kỹ năng chuyên môn của phóng viên và từ đó giúp họ tác nghiệp tốt hơn. Trong hơn 10 năm qua, trọng tâm của hợp tác này là đào tạo phóng viên và lãnh đạo các báo thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và đào tạo tại chỗ. Dự án cũng đã chú trọng đến đối thoại chính sách, thảo luận đạo đức nghề nghiệp và vai trò của báo chí truyền thông trong một xã hội dân chủ. Tăng cường và hiện đại hóa đào tạo báo chí sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển của các phương tiện truyền thông một cách chuyên nghiệp hơn và độc lập hơn ở Việt nam. Việc hình thành các khoa báo chí năng động và có chuẩn mực cao là điều sống còn cho bất cứ nước nào muốn nâng cao vai trò của báo chí truyền thông trong một xã hội dân chủ. Các giáo trình đào tạo báo chí được sửa đổi, phương pháp giảng dạy hiện đại hơn và khả năng tìm kiếm thông tin tốt hơn sẽ khuyến khích sinh viên độc lập, năng động và có tư duy sáng tạo.
Tại sao sinh viên độc lập, năng động và có tư duy sáng tạo lại vô cùng quan trọng cho tương lai của Việt Nam?
- Thứ nhất, chúng tôi tin rằng đào tạo nghiệp vụ báo chí chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để phát triển báo chí truyền thông một cách chuyên nghiệp hơn và độc lập hơn. Các bạn, những nhà báo tương lai, sẽ giúp Việt nam đi con đường của riêng mình trong nhiệm vụ quan trọng này.
- Thứ hai, khi xã hội phát triển, nhu cầu của công chúng về thông tin và quyền được nói lên tiếng nói của mình sẽ tăng lên. Không có thông tin thì không có trách nhiệm giải trình. Thông tin là quyền lực và con người càng có nhiều thông tin thì quyền lực càng phát triển. Tiếp cận thông tin là thiết yếu trong bất cứ xã hội hiện đại nào. Không có nó, các cấu trúc dân chủ không thể vận hành được và mỗi cá nhân sẽ không thể thực thi các quyền của mình – thậm chí có thể không biết mình có những quyền gì và khi nào thì những quyền đó bị vi phạm. Những vụ tham nhũng sẽ không bị phanh phui. Phương tiện chủ yếu để đem thông tin đến cho công chúng là báo chí truyền thông độc lập và tự do.
- Thứ ba, vì công chúng và báo chí truyền thông đang tham gia tranh luận về cải cách chính trị và vai trò cũng như trách nhiệm của Đảng và Quốc hội, báo chí truyền thông sẽ có nhiều cơ hội hơn nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức và áp lực hơn để tham gia tranh luận về vai trò của báo chí truyền thông trong một xã hội dân chủ.
- Thứ tư, hội nhập kinh tế và chính trị là một lý do khác cho nhu cầu lớn hơn đối với công việc tương lai của các bạn khi Việt Nam đang hướng tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nói chung, có rất nhiều lý do để đào tạo nghiệp vụ báo chí. Những phóng viên được đào tạo có bài bản và chuyên sâu đóng vai trò cơ bản cho sự phát triển kinh tế và chính trị ở bất cứ một xã hội nào.
Các bạn cũng sẽ có nhiều thách thức trong công việc tương lai của mình. Làm nhân tố cho sự thay đổi là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Các bạn chính là những người sẽ thách thức những người đưa ra quyết định trong tương lai, là những người sẽ đánh giá công việc của các nhà lãnh đạo của các bạn và cũng là những người nêu lên các vấn đề quan trọng để tranh luận. Các bạn sẽ đóng vai trò chính trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền được tiếp cận thông tin một cách chính xác và kịp thời của người dân Việt Nam.
Tôi tin rằng các bạn sẽ tham gia vào thị trường lao động một cách sẵn sàng và rất tự tin. Tôi chúc các bạn mạnh khỏe và thành công trong học tập cũng như trong công việc tương lai của các bạn.
Để kết thúc, tôi muốn nói rằng tôi rất vui mừng khi nhận thấy rất nhiều nữ sinh viên có mặt hôm nay tại đây. Là những phóng viên, công việc của các bạn sẽ rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam và trong chính trị.
Một lần nữa xin cám ơn các bạn đã mời tôi đến đây!
--------------------------------------------------------------
Billy gửi hôm Thứ Sáu, 20/03/2009
http://danluan.org/node/729
No comments:
Post a Comment