Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất hay là quỉ đã ở với người từ bao giờ?
Phạm Minh Ngọc
20/03/2009 4:38 chiều
http://www.talawas.org/?p=1091
Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất là chương X tác phẩm Đường về nô lệ của F. A. Hayek do Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2009. Trong chương này, Hayek đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng đạo đức của chủ nghĩa tập thể không phải là, thậm chí còn trái ngược với, đạo đức truyền thống mà dân chúng các nước vẫn hiểu và vẫn theo. Nếu nền đạo đức truyền thống coi con người là mục đích, lấy nguyên tắc: kỉ sở bất dục vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì không làm cho người khác) làm kim chỉ nam cho hành động thì đạo đức tập thể lại coi: salus revolutiae suprema lex[1][1] (Lợi ích của cách mạng là trên hết), con người chỉ còn là phương tiện, là một trong những nhân tố (nhân lực, tài lực, vật lực…) để đạt mục đích tối thượng của cách mạng (thế giới đại đồng hay là chiến thắng cuối cùng của dân tộc thượng đẳng thì cũng thế…).
Khi con người trong các nước theo chế độ tập thể (những nước mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, phát xít và quốc xã) không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện cho những mục đích trừu tượng nào đó thì các nước đó nhất định phải trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ vô liêm xỉ nhất, xấu xa nhất. Chỉ có những kẻ như thế mới có thể thăng tiến, có thể leo lên các vị trí chóp bu mà thôi. Nói một cách hình tượng: chúng ta đang ở trong một ngôi nhà đã bị mục nóc từ rất lâu rồi, Quỉ đã ở với người[1][2] từ rất lâu rồi.
Quỉ ở với người thì xã hội sẽ như thế nào? Sẽ là xã hội của quỉ với đủ mọi hành động đê mạt mà những người chưa kịp thành quỉ coi là tệ nạn: chỉ cần có con sắp vào mẫu giáo hay sắp đi làm, có vợ bị ốm phải đưa vào bệnh viện hay phải đến sở nhà đất để hợp thức hoá ngôi nhà vừa xây bằng mồ hội nước mắt của chính mình là ta gặp ngay một lũ quỉ sứ mang bộ mặt người, quỉ sứ có thẻ đảng trong túi và lời dạy của Bác Hồ trên đầu môi trót lưỡi. Nếu xem TV hàng ngày thì chắc chắn ta sẽ thấy những kẻ xoen xoét nói rằng “Đảng là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân..”, nhưng chính chúng lại là giám đốc, tổng giám đốc các công ty xuất khẩu lao động, thậm chí còn ăn chặn ngay ít tiền còm của những người lao động đó nữa; ta có thể thấy những kẻ chưa kịp khô môi khi thao thao bất tuyệt về đề tài: “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” lại đã thao thao bất tuyệt về đề tài khác: “Khai thác bô xít là chính sách lớn của Đảng và Chính phủ”. Còn nếu chịu khó đọc báo thì ta sẽ thấy đầy rẫy chuyện con giết cha, vợ chém chồng, người yêu giết người yêu, thày giáo đánh họ trò thành thương, một vụ va chạm nhẹ có thể trở thành án mạng, “nhìn đểu” có thể trở thành nguyên nhân ẩu đả dẫn đến chết người… Làm gì có “ngưỡng” cho những chuyện vô luân ấy mà có thể nói là “vượt”. Hiện tượng cướp vài bông hoa hay bẻ mấy cành cây anh đào có thể chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn cái li chứa đầy uất ức đã bị kìm nén lâu ngày mà thôi.
Sống trong hoàn cảnh như thế thì làm sao mà không thành khỉ cho được?
Đọc chương này của Hayek rồi quan sát các hiện tượng hàng ngày, quan sát các quan chức cộng sản, từ nhỏ đến to, tôi đành tự nhủ: Còn cộng sản, tức là khi trẻ con không cần nhớ Lời mẹ dặn[1][3] mà lại phải thuộc lòng năm điều Bác Hồ dạy thì đạo đức là câu chuyện quá xa vời, chỉ làm mất thì giờ vô ích. Theo tôi, thảo luận về hiện tượng băng hoại đạo đức lúc này cũng chẳng khác gì mang vài liều thuộc cao dán lên những vết lở loét khi cơ thể đã bị AIDS từ rất lâu rồi, khi bệnh đã vào đến cao hoang từ rất lâu rồi.
Vì lí do kĩ thuật, tôi không thể đưa toàn bộ chương X tác phẩm nói trên lên mạng. Độc giả nào quan tâm nhưng không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với tác phẩm xin đọc ở đây phần rút gọn của Reader Digest:
*****
Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mĩ sẽ khác rất xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hoá được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hi vọng có được những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng. Có nhiều lí do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị nói trên là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra.
Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ kế hoạch, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị, những kẻ vô liêm sỉ thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và nền văn minh cá nhân chủ nghĩa phương Tây.
Lãnh tụ toàn trị phải tập hợp xung quanh ông ta những kẻ tự nguyện phục tùng cái kỉ luật mà họ sẽ dùng vũ lực áp đặt cho toàn bộ nhân dân. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa phản đối, đấy chính là bài học của nhiều nhà cải cách xã hội trong quá khứ. Các đảng xã hội cổ điển hoạt động trong khuôn khổ của các lí tưởng dân chủ; họ không có tính tàn nhẫn cần thiết để thực thi các nhiệm vụ mà họ đã chọn. Điều đặc biệt là cả ở Đức lẫn ở Ý, chủ nghĩa phát xít đã thành công sau khi các đảng xã hội từ chối nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo chính phủ. Họ không muốn áp dụng những biện pháp vì đã nhận ra khả năng phát triển của chúng. Họ vẫn hi vọng vào phép màu rằng đa số sẽ đồng ý về một kế hoạch tổ chức toàn bộ xã hội. Những người khác thì đã học được bài học rằng trong xã hội được kế hoạch hoá vấn đề không còn là đa số sẽ đồng ý cái gì mà là vấn đề nhóm lớn nhất là nhóm nào, chỉ cần các thành viên của nó đồng ý là đủ để hình thành đường lối thống nhất cho tất cả mọi công việc.
Có ba lí do vì sao cái nhóm có đông thành viên, với những quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội.
Thứ nhất, trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hoá. Nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức và tri thức của chúng ta xuống ngang hàng với những bản năng nguyên thuỷ. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; điều đó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức thấp.
Thứ hai, vì nhóm đó chưa đủ lớn để làm nghiêng cán cân sang phía lãnh tụ, ông ta sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều với ông ta. Ông ta phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được rót vào tai họ một cách liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.
Thứ ba, để có thể đưa những người ủng hộ thành một tập thể cố kết, người lãnh đạo phải lợi dụng những nhược điểm của con người. Có vẻ như người ta dễ dàng đồng thuận về những vấn đề có tính tiêu cực như chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả, hơn là về những nhiệm vụ có tính tích cực.
Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó” luôn bị những kẻ săn tìm lòng trung thành của quần chúng lợi dụng. Kẻ thù có thể là bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “Kulak” ở Nga, hay kẻ thù bên ngoài. Trong mọi trường hợp kĩ thuật này bao giờ cũng giành được ưu thế ở chỗ nó làm cho lãnh tụ có nhiều tự do hành động hơn bất kì chương trình mang tính tích cực nào khác.
Trong tổ chức hay đảng toàn trị, muốn thăng tiến thì phải dám làm những việc bất nhân. Trong đạo đức học cá nhân chủ nghĩa, nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện được coi là sự phủ nhận mọi tiêu chuẩn đạo đức thì trong đạo đức học của chủ nghĩa tập thể lại trở thành nguyên tắc tối thượng. Một người theo chủ nghĩa tập thể kiên định phải sẵn sàng làm tất cả mọi việc nếu đó là việc “có ích cho tất cả mọi người” vì đối với anh ta đấy là tiêu chuẩn hành động duy nhất.
Một khi chấp nhận rằng cá nhân chỉ là phương tiện phục vụ cho một thực thể cao quí hơn, gọi là xã hội hay quốc gia cũng được, thì phần lớn các đặc trưng của chủ nghĩa toàn trị mà chúng ta kinh tởm tất yếu sẽ xuất hiện. Từ quan điểm của chủ nghĩa tập thể thì sự bất dung và đàn áp tàn bạo, dối trá và theo dõi, coi thường cuộc sống và hạnh phúc cá nhân là những việc thuộc về bản chất và không thể tránh được. Những hành động làm chúng ta ghê tởm như bắn giết con tin, giết người già hay người ốm được coi là những việc thích hợp; di dân cưỡng bức và bắt lưu đầy hàng trăm ngàn người trở thành biện pháp chính trị được hầu như tất cả mọi nguời, trừ các nạn nhân, ủng hộ.
Muốn trở thành người có ích cho sự vận hành của nhà nước toàn trị, để đạt được mục đích, con người phải sẵn sàng bước qua mọi nguyên tắc đạo đức mà anh ta từng biết. Trong bộ máy toàn trị những kẻ tàn nhẫn và vô liêm sỉ luôn giành được cơ hội tốt. Gestapo hay các ban quản lí các trại tập trung, Bộ tuyên truyền hay SA hoặc SS (hoặc những cơ quan tương ứng của Nga) không phải là chỗ thể hiện tình cảm của con người. Nhưng đấy chính là con đường tiến thân trong ban lãnh đạo của nhà nước toàn trị.
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mĩ, giáo sư Frank H. Knight, đã nhận xét rất đúng rằng chính quyền của nhà nước theo chế độ tập thể “dù muốn hay không cũng phải làm những việc đó: xác suất những người nắm chính quyền là các cá nhân không thích giữ và thể hiện quyền lực cũng ngang bằng với xác suất một người cực kì dịu dàng muốn làm công việc của cai đội trong trại nô lệ”.
Một vấn đề nữa cần phải làm rõ: Chủ nghĩa tập thể nghĩa là sự cáo chung của chân lí. Muốn cho hệ thống toàn trị hoạt động hữu hiệu thì việc mọi người đều buộc phải làm vì mục đích do những kẻ nắm quyền lựa chọn vẫn chưa đủ; điều quan trọng là người ta phải coi đấy là mục đích của chính mình. Chỉ có thể thực hiện được điều đó bằng tuyên truyền và kiểm soát toàn bộ các nguồn thông tin.
Cách tốt nhất để người dân chấp nhận các giá trị mà họ phải phục vụ là thuyết phục họ rằng đấy là các giá trị họ vẫn luôn luôn tin tưởng, chỉ có điều trước đây họ đã hiểu chưa thật đúng mà thôi. Và biện pháp tốt nhất là gán cho các ngôn từ cũ những ý nghĩa hoàn toàn mới. Điều đó đã trở thành đặc điểm chủ yếu của bầu không khí trí tuệ của chế độ toàn trị, làm cho những người quan sát hời hợt phải lúng túng: ngôn ngữ bị xuyên tạc, ý nghĩa của từ ngữ bị biến dạng.
Bị xuyên tạc nhiều nhất chính là từ “tự do”, một từ được các nhà nước toàn trị, cũng như mọi quốc gia khác, sử dụng thường xuyên. Trên thực tế, có thể nói rằng bất cứ khi nào tự do, theo nghĩa chúng ta hiểu, bị xâm hại thì bao giờ người ta cũng hứa hẹn cho nhân dân một nền tự do mới. Có những người ủng hộ kế hoạch hoá còn hứa cho nền “tự do tập thể”, nhưng đây cũng là khái niệm đáng ngờ như bất cứ khái niệm nào phát ra từ miệng các chính khách toàn trị mà thôi. “Tự do tập thể” không phải là tự do của từng thành viên trong xã hội mà là quyền tự do của người lập kế hoạch, được phép làm với xã hội tất cả những gì hắn muốn. Đây là tự do trong tay kẻ có quyền lực tuyệt đối.
Tuyệt đại đa số rất dễ bị tước đoạt khả năng suy nghĩ độc lập. Nhưng thiểu số những người còn giữ được khả năng phê bình cũng phải bị bịt miệng. Việc phê bình công khai hay thậm chí ngay cả những biểu hiện của sự nghi ngờ cũng bị ngăn chặn vì chúng có thể làm suy giảm sự ủng hộ chế độ. Như Sidney và Beatrice Webb viết về thái độ trong các doanh nghiệp Nga: “Khi công việc đang được tiến hành, bất kì biểu hiện công khai nào về sự ngờ vực về khả năng thành công của kế hoạch đều bị coi là sự bất trung, thậm chí phản bội vì nó có thể ảnh hưởng đến ý chí và nỗ lực của những người khác”.
Việc kiểm soát còn được thực hiện cả trong những lĩnh vực có vẻ như chẳng liên quan gì đến chính trị. Thí dụ như thuyết tương đối bị coi là “Cuộc tấn công của bọn Do Thái vào cơ sở của vật lí học Thiên chúa giáo và Bắc Âu” và vì nó “mâu thuẫn với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Marx”. Mọi hoạt động đều phải xuất phát từ mục tiêu tự giác của xã hội. Không thể có những hoạt động tự phát, thiếu lãnh đạo vì nó có thể tạo ra kết quả không thể dự đoán và không được kế hoạch trù liệu.
Nguyên tắc này còn bao trùm lên cả các trò chơi cũng như giải trí. Tôi xin mời bạn đọc đoán xem những người chơi cờ chính thức kêu gọi: “Chúng ta phải chấm dứt một lần và vĩnh viễn thái độ trung lập của môn cờ vua. Chúng ta phải lên án một lần và vĩnh viễn công thức ‘cờ chỉ là cờ’” này ở đâu.
Điều đáng lo ngại nhất là, thái độ khinh thường tự do trí thức không phải là việc chỉ xảy ra sau khi chế độ toàn trị được thành lập mà nó hiện diện trong những người tin vào chủ nghĩa tập thể trên khắp thế giới. Sự đàn áp tàn bạo nhất cũng vẫn được bỏ qua nếu nó được thực hiện nhân danh chủ nghĩa xã hội. Người ta công khai cổ vũ cho thái độ bất dung đối với những tư tưởng khác biệt. Bi kịch của tư tưởng tập thể là ở chỗ nó bắt đầu bằng việc coi lí trí là tối thượng nhưng lại kết thúc bằng việc tiêu diệt lí trí.
Một khía cạnh nữa của sự thay đổi các giá trị đạo đức do chủ nghĩa tập thể tạo ra cũng đáng phải suy nghĩ. Những đức tính tốt mà người Anglo-Saxon có quyền tự hào và nhờ chúng mà họ được coi là những người ưu tú lại đang càng ngày càng mất giá ở Anh và Mĩ. Đấy là những tính tốt như tính độc lập và tự lực cánh sinh, sáng kiến và trách nhiệm cá nhân, tin tưởng vào các hoạt động thiện nguyện, không can thiệp vào công việc của người khác và tinh thần khoan dung đối với sự khác biệt, tinh thần nghi ngờ lành mạnh đối với quyền lực và chính quyền.
Hầu như tất cả các truyền thống và thiết chế hun đúc nên bản sắc dân tộc và toàn bộ môi trường đạo đức của nước Anh và nước Mĩ đang bị chủ nghĩa tập thể và xu hướng tập quyền hàng ngày hàng giờ phá huỷ.
---------------------------------------------
[1][1] Salus revolutiae suprema lex (Lợi ích của cách mạng là trên hết - tiếng Latin trong nguyên văn). - khẩu hiệu được G. V. Plekhanov đưa ra tại Đại hội II Đảng công nhân Xã hội Dân chủ Nga (1903) nhằm chống lại nguyên tắc của dân chủ Salus populi suprema lex (Lợi ích của nhân dân trên hết).
[1][2] Mượn tên một vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp.
[1][3] Tên một bài thơ của Phùng Quán.
No comments:
Post a Comment