Sunday, March 22, 2009

VÀI SUY NGHĨ VỀ HỒI KÝ "ĐỜI TỊ NẠN"

Điểm Sách:

Vài Suy Nghĩ về Hồi Ký “Đời Tị Nạn” của Tiến Sĩ Nguyễn Triệu Đan

Ls Lưu Tường Quang, AO

http://lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=825:825&catid=51:thuyennhan&Itemid=64

Về tuổi đời, Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan lớn hơn tôi một thập ký và tuổi nghề trong ngành ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ông đi trước tôi gần một thập niên. Bốn năm sau khi ông rời Luân Đôn là nhiệm sở đầu tiên của ông, tôi cũng đến thủ đô nầy để làm việc tại nhiệm sở đầu tiên của tôi vào tháng 5 năm 1966.

Tuy nhiên, tại Luân Đôn nhà ngoại giao trẻ Nguyễn Triệu Đan không những thành công về mặt chức nghiệp mà còn thành công về mặt tình cảm khi ông gặp gỡ, tại một dạ tiệc tiếp tân của Đại Sứ Quán Việt Nam, cô nữ sinh viên Huỳnh Bích Cẩm đến từ Sài Gòn và đang theo học tại Viện Đại Học Cambridge.

Tại Luân Đôn, tôi chỉ biết Ts Nguyễn Triệu Đan khi đọc hồ sơ những phúc trình cũ mà ông đã soạn thảo và gởi về Trung Ương Bộ Ngoại Giao tại Sài Gòn. Tôi biết sau đó, ông lãnh nhiệm vụ quan trọng hơn với tư cách là Tổng Lãnh Sự VNCH tại New Delhi, Ấn Độ. Nhưng, bước đường của chúng tôi không gặp nhau. Tôi lại đặc biệt chú ý đến Ts Nguyễn Triệu Đan vào năm 1968, khi ông bắt đầu phụ trách nhiệm vụ quan trọng là phát ngôn viên của phái đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris về Việt nam.

Thế rồi tôi trở về Sài Gòn vào đầu năm 1969 theo lệnh tổng động viên để nhập ngũ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Nhưng trước khi trải qua giai đoạn kế tiếp tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được gởi trả lại Bộ Ngoại Giao và làm việc tại bộ phận đặc nhiệm của Bộ về Hòa Đàm Paris. Tên tuổi Nguyễn Triệu Đan lại hiện rõ trong trí tôi, vì cứ vào giữa tuần tại Sài Gòn là toàn ban đặc nhiệm nầy họp nhau để chuẩn bị cho những vấn đề sắp được bàn cãi tại Paris.

Chúng tôi vẫn chưa hề gặp nhau, thậm chí cũng chưa hề có dịp liên lạc bằng điện thoại. Rồi mỗi người lại một ngả. Cuối năm 1974, tôi trở về Trung Ương Bộ, Sài Gòn, sau khi hoàn tất nhiệm kỳ Cố Vấn Ngoại Giao tại Đại Sứ Quán VNCH ở Canberra. Ts Nguyễn Triệu Đan tiếp tục nhiệm vụ Đại Sứ VNCH tại Tokyo, Nhựt bản, mà ông đã được bổ nhiệm hồi năm 1972.

Cuộc đời ngoại giao của chúng tôi chấm dứt vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại hai thủ đô khác nhau.

Nhưng sau cùng, chúng tôi gặp nhau vào Lễ Giáng Sinh năm 1977 tại Canberra khi cả hai đều đã trở thành người tị nạn Việt Nam ở Úc Đại Lợi. Chúng tôi gặp nhau tại một tư gia ở Canberra để thảo luận thành lập Liên Hội ái Hữu Việt Kiều Tự Do tại Úc – là tên gọi tiền thân của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu. Trong hồi ký “Đời Tị Nạn” (239 trang, xuất bản cuối năm 2008 và phát hành tại Victoria University, Melbourne, ngày 15 tháng 3 năm 2009), tác giả chỉ nhắc qua vắn tắt vai trò của mình trong Hội ái Hữu nầy tức là Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria - (trang 183-4), nhưng cũng chính trong vai trò nầy mà Ts Nguyễn Triệu Đan, Bà Huỳnh Bích Cẩm, Ts Nguyễn Văn Hưng và ông Đoàn Việt Trung, lúc bấy giờ còn là một sinh viên trẻ 22 tuổi, đã tham dự phiên họp và là thành viên sáng lập Cộng Đồng Người Việt liên bang. Vào dịp nầy, chúng tôi cũng hân hạnh tiếp đón Cụ Bà Huỳnh Hữu Hội, cựu Hiệu Trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn.

Tôi nhắc đến Cụ Bà Huỳnh Hữu Hội, không phải chỉ vì Cụ Bà nổi danh là một vị hiệu trưởng rất công minh, cởi mở, vui tánh và khoan dung, nhưng cũng chính vì Cụ Bà là thành viên quan trọng trong gia đình tác giả trong quãng đời lưu vong.


Tác giả Nguyễn Triệu Đan ký thủ bút vào Hồi Ký “Đời Tị Nạn”

http://www.lyhuong.net/web/data/tailieu/ditan/DoiTyNan,2.JPG

“Đắng Cay Xét Lại”

Đọc “Đời Tị Nạn” từ đầu đến cuối, một điểm thể hiện rất rõ rệt là 3 thế hệ trong một gia đình tị nạn Việt nam sinh sống rất đầm ấm và hổ trợ tinh thần lẫn nhau để vượt qua nhiều khó khăn của tiến trình hội nhập. Không phải gia đình tị nạn người Việt nào cũng đạt được mức độ hài hòa tốt đẹp như vậy và đây là một tập tục, một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt.

Đọc “Đời Tị Nạn”, chúng ta cũng cảm nhận được trăn trở do sự thay đổi tất yếu của kỳ vọng từ mức độ lý tưởng ban đầu trở thành một đối diện với thực tế mà tác giả gọi là ‘đắng cay xét lại - agonizing re-appraisal’. Thật ra, đấy không phải là điều mới lạ. Những thế hệ di dân và tị nạn đến Úc trước chúng ta từ năm 1945 và các thế hệ tị nạn đến sau chúng ta trong thập ký đầu của thế ký thứ 21 đều phải trải qua những kinh nghiệm tương tự. Khi viết lại những kinh nghiệm nầy, tác giả rất chân thật với chính mình, với gia đình mình và vì vậy, theo ý tôi, “Đời Tị Nạn” là một tài liệu có giá trị cho những ai muốn nghiên cứu thêm về tiến trình định cư của cộng đồng người Việt tại Úc Châu.

Trong hội trường nầy của Victoria University ngày hôm nay, những ai trong cử tọa đã từng là người tị nạn Việt nam đều có thể hầu hết là thuyền nhân, theo nghĩa là đã vượt biên bằng những chiếc thuyền gỗ mong manh, trượt sóng Biển Đông hay trong Vịnh Thái Lan mà nỗi lo âu không chỉ là dông to bể động mà còn là thảm trạng người hãm hại người. Ít ai có thể hoặc có cơ hội đến Úc tị nạn một cách an toàn bằng du thuyền P&O như gia đình tác giả từ Cảng Yokohama đến Cảng Melbourne (và lại còn ít ai hơn nữa đã tị nạn bằng chiếc thuyền thúng bằng tre như trường hợp của chính tôi).

Nhưng tư cách người tị nạn, theo định nghĩa của Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1951, không tùy thuộc vào phương tiện di chuyển hoăc vốn liếng vật chất mà họ có thể mang theo hoặc bỏ lại. Công luận Úc Châu đã nhìn người tị nạn Việt nam với nhiều cảm tình khi họ phô bày hình ảnh khó khăn, nghèo nàn vật chất, nhưng đôi lúc công luận lại tỏ ra khắc khe khi họ có xe đẹp nhà cao cửa rộng. Hồi giữa thập niên 1980, khi tôi có cơ hội thăm viếng các trại tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Yugoslavia và Hi-Lạp cũng như tại Thái Lan và Malaysia, điều khác biệt hiển nhiên nhứt là người tị nạn Đông Âu vượt biên bằng xe hơi trong khi người tị nạn Việt nam vượt biển bằng thuyền/tàu gỗ. Bước chân vào một trại tị nạn bên ngoài thủ đô Athens là tôi nhìn thấy những người tị nạn Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc ăn mặc chỉnh tề và phương tiện đào thoát của họ hãy còn đầy dẫy trong bãi đậu của trại - đó là xe cộ đủ loại kể cả những chiếc Mercedes và BMW mới toanh.

Vốn liếng trí tuệ cộng đồng

Chương 3 là chương dài nhứt của “Đời Tị Nạn” (trang 80-156) khi tác giả hồi tưởng những chặng đường chông gai của những năm đầu tại Melbourne. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, từ những khó khăn nầy mà tác giả đã tạo được cơ hội và nhứt là đã nuôi dưỡng được ý chí phấn đấu để hoàn thành 3 tác phẩm quan trọng. Đó là tác phẩm bằng tiếng Anh nhan đề “A Vietnamese Family Chronicle – Twelve Generations On the Banks of Hát River (McFarland & Co, 1991) và sau đó là ấn bản tiếng Việt “Bên Dòng Sông Hát” (Melbourne, 1996).

Ta có thể coi hai tác phẩm nầy độc đáo vì đây là thể loại ít được nhiều tác giả theo đuổi và vì Ts Nguyễn Triệu Đan đã dầy công khảo cứu và sưu tầm tài liệu. Tuy trọng tâm là truyền thống sinh hoạt và gia phả của 12 thế hệ dòng họ Nguyễn tại Làng Kim Bài bên dòng sông Hát, nhưng đây cũng là những bức tranh thể hiện những nét văn hóa và xã hội Viêt nam qua nhiều thế ký.

Tại Lễ Ra Mắt ấn bản tiếng Anh hồi tháng 4 năm 1992, Tiến sĩ John Hewson, Lãnh Tụ đối lập liên bang Úc, đã nói về nội dung tác phẩm nầy: “Nhiều người họ Nguyễn đã đạt công trạng ở cương vị nhà nho, thương gia, quan chức và nhiều cương vị khác nữa. Chắc hẳn chúng ta có thể rút từ lịch sử gia đình của ông Đan vài bài học cho nước Úc, mà chúng ta đương muốn xây lên thành một nước tài giỏi”.

Tôi trích dẫn lời phát biểu nói trên của Ts John Hewson, vì theo ý tôi, phát biểu nầy phù hợp với ý định của một chính trị gia khác cũng thuộc Đảng Tự Do: đó là ông Ian Macphee, Bộ Trưởng Di Trú và Sắc Tộc Sự Vụ kế nhiệm Bộ Trưởng đầu tiên Michael MacKellar trong chánh phủ Fraser. Thủ tướng Malcolm Fraser và hai vị Bộ Trưởng nầy là những người trực tiếp trách nhiệm cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của cộng đồng Người Việt tại Úc.

Vào đầu năm 1982, trong vai trò chủ tịch liên bang của Cộng Đồng Người Việt Tự Do, tôi đã đến gặp Bộ Trưởng Macphee tại Trụ Sở Quốc Hội ở Canberra mà mục đích là để thảo luận về dự thảo chánh sách đoàn tụ gia đình người Việt gọi là Orderly Departure Program (ODP) của Úc. Vào phần cuối của cuộc hội kiến nầy, Ông Macphee nêu lên vấn đề thành phần trí thức trong cộng đồng tị nạn người Việt và người Miên. Ông nói rằng ông mong muốn trong cộng đồng tị nạn Đông Dương mới đến có được nhiều hơn thành phần có khả năng, đã từng nắm giữ vai trò trách nhiệm trước năm 1975 trong guồng máy chánh quyền dân sự cũng nhu trong quân đội. Điều nầy không những quan trọng trong tiến trình phát triển cộng đồng mà còn quan trọng về mặt ảnh hưởng đối với công luận Úc. Ông Macphee nói thêm là ông không có ưu tư gì đối với cộng đồng người Việt về phương diện nầy. Tuy nhiên, ông nói rằng ông vấp phải hai nhu cầu mâu thuẫn đối với cộng đồng người Miên, vì lập trường chung của các nước dân chủ phương Tây lúc bấy giờ – như Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi - là ủng hộ cuộc kháng chiến chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản Việt nam tại Kampuchia và lực lượng đề kháng nầy cần nhiều người Miên có khả năng lãnh đạo. Vì vậy, theo lời ông, nhiều khi thành phần người tị nạn Miên có khả năng lãnh đạo lại không thể được tuyển chọn định cư tại Úc.

Ba năm sau, khi có dịp đến thăm Trại Tị Nạn Khao-I-Dang ở sát biên giới Thái-Miên, tôi nhớ lại nhận xét của Bộ Trưởng Macphee và nhìn tận mắt trại tị nạn nầy về mặt khả năng tuyển dụng thành phần đối kháng. Tuy là một trại tị nạn Liên Hiệp Quốc, nhưng Khao-I-Dang có thể được coi như một căn cứ không chính thức của lực lượng kháng chiến Khmer bên ngoài lãnh thổ Kampuchia, chỉ cách biên giới Thái-Miên vài cây số và được bảo vệ bằng một đường hầm chống chiến xa cộng sản (tank-ditch) mà ta có thể nhìn thấy được. Trại nầy cũng có một ít người tị nạn Việt nam vượt biên bằng đường bộ qua lãnh thổ Kampuchia.

Đọc“Đời Tị Nạn” không ai không cảm thông với Ts Nguyễn Triệu Đan và Bà Huỳnh Bích Cẩm, vì rõ ràng là kiến thức học vấn và khả năng của ông bà đã không được sử dụng đúng mức tại xã hội định cư trong giai đoạn đầu. Nhưng trên căn bản nhận xét của Ts John Hewson và Bộ Trưởng Macphee, thì kiến thức và khả năng nầy đã không bị khiếm dụng. Những đóng góp đáng kể của Ts Nguyễn Triệu Đan và Bà Huỳnh Bích Cẩm tại Học Viện Cảnh Sát Victoria và trong việc xây dựng và phát triển Hội Tương Trợ Phụ Nữ Việt Úc Victoria là bằng chứng cụ thể, như đã được ghi nhận trong quyển hồi ký nầy. Hội Tương Trợ Phụ Nữ vừa ký niệm 25 năm thành lập hồi năm 2008.

“Sao Đến Chốn Này”

Khi đọc “Đời Tị Nạn”, tôi cũng chú ý đến một điểm khác mà tác giả và gia đình cũng đã trăn trở như được ghi lại ở Chương 1 và được gói ghém trong 4 chữ “Sao Đến Chốn Này” cùng các lập luận và suy diễn mà tôi chia sẻ với tác giả.

Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, Bà Cẩm Nguyễn (Huỳnh Bích Cẩm) và Ls Lưu Tường Quang trong Lễ Ra Mắt Hồi Ký “Đời Tị Nạn” tại Victoria University, Melbourne

http://www.lyhuong.net/web/data/tailieu/ditan/DoiTyNan,1.JPG

Tôi vượt biên từ Rạch Gía đến Đảo Thổ Châu và “ra khơi” từ đảo nầy trên chiếc thuyền thúng bằng tre lênh đênh trong Vịnh Thái Lan. Nhưng sau khi được tàu đánh cá Thái cứu vớt và đưa về Ngư Cảng Samut Sakhon, tôi đã có ý định dứt khoát – tương tự như tác giả - là không xin đi Mỹ. Tôi không du học tại Pháp như tác giả, nên không có ý định xin đi Pháp. Tôi cũng đã không xin đi Canada, vì lý do thời tiết, tương tự như gia đình tác giả. Nhưng, cũng như tác giả - tôi có thể xin trở lại Anh Quốc, vì chúng tôi có 3 con sinh đẻ tại Luân Đôn.

Thế mà sau cùng tôi xin trở lại Úc Đại Lợi định cư, với lý do không khác chi lý do mà tác giả và gia đình đã chọn lựa: một vùng đất mới mà bản sắc dân tộc và sinh hoạt xã hội còn đang hình thành, khác biệt với xã hội đã được an bài và có nề nếp ổn định, như tại Pháp, tại Anh và các nước Châu Âu. Tại nơi mà chúng ta có thể tạm gọi là “thế giới cũ” nầy, người Việt tị nạn chỉ có thể “hòa đồng” chớ không còn cơ may “hội nhập” và đóng góp vào bản sắc chung nữa. Tại “thế giới mới” tức là những quốc gia di dân như Hoa Kỳ, Canada, Úc Đại Lợi và New Zealand, cộng đồng tha hương người Việt hãy còn cơ hội ấy. Tôi tin như vậy, bằng vào nhận xét thực nghiệm và hi vọng rằng trong tương lai sẽ nhìn thấy một vài cuộc khảo cứu đối chiếu về ảnh hưởng của cộng đồng Việt nam hải ngoại đối với xã hội định cư tại Bắc Mỹ và Nam Thái Bình Dương so với Châu Âu.

Tôi cũng tin như vậy, không chỉ vì nhận xét sự khác biệt giữa Úc Đại Lợi là một “nước mới” so với Anh Quốc là một “nước cũ” mà cũng vì nhận xét trong phạm vi một quốc gia khi có tiến trình mở mang bờ cõi như cuộc Nam Tiến của Việt tộc. Xã hội người Việt tại vùng Đồng Bằng Sông Hồng đã được an bài theo nề nếp nhứt định, trong khi tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, bản sắc người Việt hãy còn được hình thành.

Cấu trúc xã hội và sinh hoạt văn hóa và kinh tế tại Làng Khánh Hậu nằm giữa Tân An và Mỹ Tho thuộc vùng Tiền Giang, đã được một toán chuyên viên đại học của Michigan State University khảo sát thật chi tiết từ tháng 3 năm 1958 đến tháng 12 năm 1959 và được ghi nhận và phân tích trong quyển “Village in Vietnam” của Tiến sĩ Gerald C. Hickey (Yale University Press, New Haven & London, 1964).

Kết luận quan trọng của Hickey’s Village in Vietnam là vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long không có sự “phân biệt giai cấp” theo truyền thống cổ xưa trên căn bản nghề nghiệp sĩ-nông-công-thương như tại Bắc và Trung Việt. Ts Gerald Hickey cũng trích dẫn nhận định tương tự của sử gia Lê Thành Khôi (Le Thanh Khoi, Le Vietnam – Histoire et Civilisation: Le Milieu et l’Histoire, Paris, 1955) và kết luận: “Những tác phẩm nghiên cứu lịch sử về Việt Nam thường coi xã hội truyền thống Việt Nam có bốn “giai cấp” – một phần của di sản Trung Quốc. Đó là sĩ nông công thương. Lê Thành Khôi cho rằng đấy là sự phân loại theo nghề nghiệp một cách minh thị ̣(“sự phân loại nầy đặt cơ sở vào nghề chớ không phải vào tài sản”). Trong khi những phân biệt nầy có thể có ý nghĩa trong xã hội truyền thống Việt nam ở Bắc và Trung Việt, không có gì chứng tỏ những phân biệt nầy đã từng hiện hữu ở Nam Việt”.

Đọc “Đời Tị Nạn”, chúng ta thấy tác giả mô tả, tại Việt nam, trật tự xã hội sĩ-nông-công-thương, đối chiếu với nếp sinh hoạt uyển chuyển và thoải mái hơn tại vùng đất mới miền Nam mà tổ tiên của Bà Huỳnh Bích Cẩm đã đến lập nghiệp. “Đời Tị Nạn” cũng mô tả nếp sống bình dị, không gò bó vào “giai cấp” của người Úc. Ở một mức độ nào đó, xã hội Úc so với xã hội Anh có thể có vài sắc thái tương tự như đời sống người Việt tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long so với đời sống nề nếp trật tự ký cương tại vùng Đồng Bằng Sông Hồng.

Nói chung trong Hồi Ký “Đời Tị Nạn”, chúng ta thấy một mối tình đẹp giữa một chàng trai Hà Nội và một cô gái Sài Gòn chuyển thành một gia đình gắn bó 3 thế hệ thành công với nhiều đóng góp đáng kể vào xã hội định cư. “Đời Tị Nạn” cũng cho chúng ta thấy bối cảnh tâm lý của tác giả trong nỗ lực hoàn tất hai tác phẩm về 12 Thế Hệ Bên Dòng Sông Hát.

Tôi thầm nghĩ giá mà buổi ra mắt sách hôm nay được tổ chức tại một giảng đường của Viện Đại Học Sài Gòn thay vì tại Victoria UniversityMelbourne, thì chúng ta có được niềm vui không tả. Nhưng, nếu lịch sử Việt nam đã không có ngày 30 tháng 4 năm 1975, biết đâu là Ts Nguyễ́n Triệu Đan lại không trở thành tác giả có 3 tác phẩm góp phần quan trọng vào sự hiểu biết đất nước Việt nam và con người Việt nam ở hải ngoại.

Ls Lưu Tường Quang, AO
Melbourne, 15 tháng 3 năm 2009.

No comments: