Sunday, March 15, 2009

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN (Phần V) 3 và hết

Từ Thực-dân Ðến Cộng-sản
Hoàng-văn-Chí

From Colonialism To Communism
Một Kinh-nghiệm Lịch-sử Của Việt-nam

Bản dịch của Mạc-Định
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20080603_05.htm

PHẦN 5

CẢI CÁCH RUỘNG ÐẤT

"Muốn chữa một tình trạng bất công thì vượt qua giới-hạn của công-bằng".
Mao-Trạch-Ðông
(Báo-cáo về vụ Nông-dân bạo động tại Hồ-Nam)


Chương 17

CHỐNG ÐỐI CHẾ ÐỘ
NÔNG DÂN KHỞl LOẠN


Lẽ dĩ nhiên là các "đảng-viên mới" không lấy làm hài lòng lắm khi thấy các "đảng-viên cũ" ra khỏi trại giam và được khôi phục công quyền và đảng-tịch. Họ thấy họ bị "mất mặt" và uy-quyền của họ sẽ bị tiêu tan. Nỗi lo âu của họ đã được cơ-quan chính-thức của Ðảng mô tả như sau :
...Hiện-tượng phổ-biến là trên tư-tưởng các đồng-chí (mới) đó ngại khi thấy đảng-viên, cán bộ, đồng-chí (cũ) bị xử trí oan được trả lại tự-do về sẽ "vào bè" công-kích đảng-viên mới và cốt-cán. Có đồng-chí (mới) lo có những cuộc ẩu đả, trả thù... Có đồng-chí (mới) lo không biết cách đối xử với các đồng-chí (cũ) bị xử oan ra sao, ngượng ngùng vì đã tố các đồng-chí (cũ) ấy, bây giờ niềm nở với nhau thế nào được... Do nhận-thức lệch lạc trên đã dẫn đến một số hành-động sai lầm như : cuộc họp bàn đón rước các đồng-chí (cũ) được trả tự-do đã biến thành cuộc thảo-luận để đối phó với các đồng-chí (cũ) đó.
NHÂN DÂN ngày 22-11-1956.

Vì lo quá nên tại nhiều nơi "đảng-viên mới" thấy giản-tiện nhất là "thịt" các "đảng-viên cũ" ngay khi họ mới trở về làng. Vụ giết người sau đây, xử tại tòa án Khu Ba chứng tỏ tình trạng nổi loạn kể trên.

GIẾT NGƯỜI CÓ VŨ-KHÍ
Vụ này gây cho hội-trường một không-khí căng thẳng và rất thương tâm. Hình ảnh gia-đình nạn-nhân với một bà mẹ già 72 tuổi, người vợ trẻ mới đẻ được 3 ngày, 9 người con còn nhỏ và nạn-nhân chết một cách ghê rợn lởn vởn trong trí óc những người dự phiên tòa. Mười hai can-phạm đều là những thanh-niên khỏe mạnh từ 18 đến 24 tuổi.
Ông Vũ-văn-Tiện người thôn Phú-Nông, xã Lô-Giang, huyện Tiên-Hưng, nguyên chủ-tịch ủy-ban Hành-chính xã Lô-Giang. Trong thời-gian Cải-cách Ruộng-đất ông Tiện bị quy nhầm là địa-chủ gian ác. Khi bước 1 sửa sai, ông Tiện được xuống thành phần trung nông và ngày sau khi được trả tự-do, ông Tiện bị giết chết. Vũ-văn-Hiển tức Tiến 22 tuổi, chi-ủy-viên kiêm chính-trị viên xã-đội đồng mưu với Vũ-văn-Thung, Vũ-văn Ðức công-an phó, Vũ-văn-Tư xóm-đội, và cùng với Hồ, Xuyến, Soạn, Thiệp, Xế, Thất, Ðán, Thư, đều là dân quân du-kích, đã giết chết ông Tiện.
Sau khi ông Tiện được trả tự-do, Hiển liền tập hợp mọi người tại nhà Thung định mưu giết. Hai lần họ đã bố-trí sẵn sàng nhưng không gặp. 10 giờ đêm ngày 28-1-57, Hiển cấp-tốc tập-trung anh em du-kích rồi chia nhau bố trí. Khi ông Tiện về qua bắn một phát súng trường. Ông Tiện ngã xấp xuống. Ðoạn cả bốn xông ra chém, rồi Xuyến bắn luôn 6 phát súng tiểu-liên nữa... Sau khi hành sự họ rất bình-tĩnh. Hiển ra lệnh cho mọi người trở về chỗ bố-trí cũ, nếu thân nhân ông Tiện ra sẽ giết luôn...
THỜI MỚI 14-3-1957.

Vụ "đảng-viên mới" giết "đảng-viên cũ" kể trên chỉ là một trong vô số vụ khác mà báo-chí Hà-Nội hồi đó đã nêu lên. Vụ này chứng tỏ một cách minh bạch rằng những bần-cố-nông, sau khi đã lên chức "đồng-chí" không muốn trút bỏ uy-quyền mà ba năm trước Ðảng đã "phóng tay" trao cho. Sau nhiều vụ giết chóc, các đảng-viên mới phải tìm cách tự-vệ, và trong nhiều trường-hợp cương-quyết trả thù. Vì được phúc hồi công-quyền và đảng-tịch và được dân làng có cảm-tình, họ lùng bắt những kẻ đã tố oan cho họ, và hễ trước kia đã tố cho họ tội ác gì thì bây giờ họ thi-hành đứng tội ác ấy. Những kẻ trước kia bịa ra tội ác bây giờ được "hưởng" chính tội ác mình đã bịa ra. Trường hợp thông thường là nhét phân vào mồm những người tố điêu. Sở dĩ có chuyện bắt ăn phân là tại hồi đấu tố Ðảng xúi dục bần cố nông khai rằng họ đã bị địa-chủ nhét phân vào mồm. Nhiều người bị đánh chết giữa đám đông và một số khác bị rạch mồm, cắt lưỡi. Dân Việt-Nam thường cho rằng những kẻ chuyên vu oan giá họa thì rạch mồm cắt lưỡi là hình-phạt xứng đáng nhất. Trong các chùa chiền thường có tranh vẽ cảnh những người nói điêu trên trần-gian chết xuống âm-phủ bị quỷ-sứ rạch mồm cắt lưỡi.
Tình trạng trả thù trả oán trầm trọng đến nỗi ngày 1 tháng 12, năm 1956, Bộ Tư-Pháp phải công-bố một bản thông-tư đặc biệt kêu gọi đình-chỉ mọi cuộc chém giết. Thông-tư do Nguyễn-văn-Hưởng, thứ-trưởng Bộ Tư-Pháp ký. Trong bản thông-tư có một đoạn ai oán thiết tha như sau :
Quyền lợi của Nhà nước, tính-mạng và tài-sản của Nhân dân, quyền-lợi thiết thân của Nhân-dân như các quền tự-do dân-chủ, v.v... đã bị xâm-phạm, nhiều khi một cách nặng nề. Có nơi pháp-luật đã không được tôn-trọng, có nơi pháp-luật bị chà đạp. Những hiện-tượng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh-thần và vật-chất của nhân-dân, đến uy-tín của chính-phủ...
CỨU QUỐC ngày 2 tháng 12, 1956.

Ðể tự bào chữa trước dư-luận quần-chúng, các "đảng viên mới" đổ hết tội lỗi cho Ðảng, nói chỉ tại chính-sách của Ðảng sai mà xảy ra tình trạng như vậy. Ðoạn văn sau đây trích tờ Học-Tập cơ-quan lý-luận và chính-trị của Ðảng Lao Ðộng tỏ rõ thái-độ "oán Ðảng" kể trên :
Một số đồng-chí khác đứng trước sai lầm trong công-tác Cải-cách Ruộng-đất hiện nay có thái-độ oán trách các đồng chí đã chỉ-đạo tiến-hành công-tác đó, thậm chí oán trách cả Ðảng, rồi bất cứ ở rạp hát hay ở vườn hoa, trên tầu hỏa hay trong hiệu cắt tóc v.v... cũng đem những điều sai lầm đó ra nói một cách vô trách nhiệm. Lại có đồng-chí đem gán hết trách-nhiệm về những sai lầm đó cho cấp trên. Có đồng-chí trước đây đã tham-gia công-tác Cải-cách Ruộng-đất, làm đội-trưởng hoặc đoàn-ủy-viên, thế mà khi kiểm-thảo sai lầm trước nhân-dân thì nói đó là cấp trên thúc ép, do cơ sở (cốt cán) phát-hiện tình-hình sai (vu khống), còn mình thì chỉ có khuyết điểm "biết sai mà không mạnh dạn đấu-tranh".
HỌC TẬP số 10, tháng 10, 1957

Một điều cần phải nhận rõ là : trong khi cố gắng vỗ về những "đảng-viên cũ" bằng cách đền bồi cho họ một vài thiệt hại tinh-thần hoặc vật-chất mà họ đã phải chịu đựng một cách oan uổng, Ðảng vẫn cố tình che chở các "đảng viên mới". Lý-do là tại chỉ có đảng-viên mới, mới thực-sự thuộc thành-phần vô-sản. Ðảng thấy cần-thiết phải có một số "vô sản chính cống" để trang trí cho cái mà Ðảng mệnh danh là "vô-sản chuyên-chính". Lý-do thứ hai là Ðảng muốn có một số "thiên-lôi chỉ đâu đánh đấy" để bảo-vệ Ðảng phòng khi có những phong-trào chống Ðảng do những phần tử khác gây nên. Trong ba năm làm mưa làm gió trong xã-thôn, các "đảng viên mới" được mặc sức hà-lạm nên dân-chúng rất oán ghét. Vì họ thiếu học nên họ chỉ hành-động theo những kích thích tự nhiên. Do đó Ðảng cho rằng họ là những phần-tử dễ chiều và đáng tin hơn những phần-tử phi-vô-sản đã gia-nhập Ðảng vì lý-tưởng. Những "đảng-viên cũ" đã giúp Ðảng rất nhiều nhưng vì họ là những con người "lý-tưởng" nên rất có thể mắc phải những "khuynh-hướng sai lầm". Còn bần cố nông thì trái lại không cần lý-thuyết mà chỉ biết lợi cho bản thân. Ngày nào mà họ còn quyền-lợi thì họ vẫn trung thành với Ðảng. Giả thử họ có bất mãn họ cũng không thể tự-động gây rối được. Vì vậy nên sau khi khôi-phục đảng-tịch cho các "đảng-viên cũ", hàng ngũ Ðảng gồm có hai nhóm mà sở trường và sở đoản bù đắp cho nhau. Do đó Ðảng thấy cần-thiết phải bắt hai nhóm đố kỵ lẫn nhau phải chung sống hòa-bình và hợp tác với nhau. Ðấy cũng là một mục-đích của chiến dịch Sửa Sai. Trong khi thu-phục những đảng-viên cũ Ðảng cũng ép họ phải công nhận các đảng-viên mới là "đồng-chí" trong cùng một đảng.
Tuy nhiên sự thể không quá dễ dàng như vậy vì Ðảng đã cố tình gây hận thù giữa hai bên. Mặc dầu Ðảng cố gắng hàn gắn, nhưng hố chia rẽ giữa "mới" và "cũ" vẫn mỗi ngày một sâu thêm. Ở những nơi mà trước Cải-cách Ruộng-đất phong trào lên cao bao nhiêu thì chính ở đấy sự đổ vỡ lại to bấy nhiêu. Ðấy là trường hợp tỉnh Nghệ-An, quê hương của ông Hồ-chí-Minh và cái "nôi" của Cách-mạng. Theo cơ-quan chính-thức của Ðảng thì tỉnh Nghệ-An là tỉnh đã xảy ra nhiều rắc rối nhất :
Tỉnh Nghệ-An có cơ-quan Ðảng và quần-chúng từ năm 1930. Trong Cải-cách Ruộng-đất đã phạm nhiều sai lầm nghiêm-trọng, nhất là đã đả-kích vào cơ sơ Ðảng làm cho cán-bộ, đảng-viên cũng bị xử-trí oan.. Trong công-tác lãnh-đạo. Tỉnh-ủy Nghệ-An cũng mắc một số khuyết-điểm... Có xã bắt những người sai lầm trong Cải-cách Ruộng-đất đứng ra cho hội-nghị vạch tội, (đấu tố). Có xã để xảy ra đánh đập cốt cán trong hội-nghị, hoặc đuổi cốt-cán ra khỏi hội-nghị.
NHÂN DÂN ngày 21 tháng 11, 1956.

Các ủy ban và chi-bộ xã được thành-lập lại, nhưng lần này đến phiên các đảng-viên mới bị tống cổ ra ngoài. Bài báo kể trên có đưa ra những con số như sau về tỉnh Nghệ-An.
Tổng số đảng-viên được cất nhắc sau Cải-cách Ruộng-đất ... ... ... 1.839
Tổng số những người kể trên bị đuổi ra khỏi Ðảng nhân dịp Sửa Sai ... 1.162 tức 53%
Tổng số đảng-viên mới bị đuổi ... 900 tức 76%

Sửa Sai quả là một cuộc thanh-trừng những đảng-viên mới ngày trước đã thanh-trừng những dảng-viên cũ để chiếm chỗ. Vì hai nhóm "mới", "cũ" bất cộng đái thiên nên việc sinh-hoạt Ðảng ngưng hẳn lại. Báo Thời Mới đã tả một cuộc họp Ðảng như sau :
Hội nghị như có một cái gì đè nặng. Người ta bó gối ngồi yên. Mấy cô nữ thanh-niên ngả đầu vào nhau coi bộ mệt mỏi lắm. Gian bên kia, anh Sử giơ con dao díp ra cắt móng tay, cạo lạo sạo. Chủ-tọa giục phát biểu như kêu gào nằn nì, lẻ tẻ mới có vài anh thanh-niên lên tiếng. Trong xó tối, mấy bóng đen nằm co ro ngủ khèo từ bao giờ, tiếng ngáy đều đều chốc chốc lại rít lên như có điều gì giận dữ.
THỜI MỚI ngày 9-5-1957.

Cuộc họp đảng mà tờ Thời Mới tả cảnh ở trên tất nhiên đã xảy ra trong một xã mà sự xung-đột giữa hai nhóm đảng-viên chưa đến nỗi dữ dội lắm, vì cả hai phe . dù thờ ơ lạnh lùng . hãy còn nghe lời hiệu-triệu của Ðảng đến dự buổi họp. Ở nhiều xã khác tình trạng căng thẳng bội phần và không tránh khỏi những vụ xung đột đổ máu. Tuy cả hai phái bắt buộc phải tụ họp chung để chào cờ "búa liềm" nhưng đôi bên đều coi nhau như thù nghịch. Trong một loạt bài nhan đề "Sau những ngày sóng gió" phóng-viên Xuân-Chi của Báo Thời Mới đã tả cảnh một buổi họp đảng như sau :
Tắng (một đảng-viên mới bị bọn "cũ" đánh vỡ đầu mới ở bệnh viện về) ngồi bó gối, dựa lưng vào một góc tường, trên đầu choàng một chiếc khăn vuôn đen còn để lộ ra một mẩu băng trắng... Phía bên kia là Lân, Kiệt, Tốn và một số anh em đảng-viên cũ... Mấy đồng-chí phụ-nữ ngồi xúm sụm riêng một góc, chuyện trò nhí nháu, chốc chốc lại bấu nhau cười rút rích. Tuy nhiên, những tiếng rì rào bàn tán những hồi cười lạc lõng không phá nỗi bầu không khí ghẻ lạnh, nửa như ngờ vực, sượng sùng. Người ta bước chân vào phòng họp với bộ mặt ngơ ngác, đôi mắt lơ láo điểm qua một lượt, rồi ngập ngừng đắn đo kiếm một chỗ ngồi. Những người hôm qua còn coi nhau như thù-địch, đối đáp nhau bằng búa đanh và gạch củ đậu, hôm nay diện đối diện, dưới lá cờ Búa Liềm. Có lẽ từ hồi Giảm Tô đến nay, lần này là lần đầu tiên họ mới sực nhớ ra họ là "đồng-chí". Lần đầu tiên, họ cùng một nhịp dơ cánh tay trái lên chào lá cờ Ðảng, lá cờ mà mọi người đều muốn giành giật về phe mình, cho riêng mình.
Tập Phóng-sự SAU NHỮNG NGÀY SÓNG GIÓ
đăng trong báo THỜI MỚI xuất-bản ở Hà-Nội từ
ngày 5 đến ngày 19 tháng 4, 1957.

Việc Ðảng không kiểm soát nổi các đảng-viên đã mang lại hai hậu quả : chính-sách của Ðảng bị dân-chúng gác bỏ và tại một vài nơi xảy ra những vụ khởi loạn. Nhiều nông dân tự ý mang ruộng-đất được chia trong hồi Cải-cách Ruộng-đất trả lại cho chủ cũ, không đếm xỉa gì đến đường lối chủ-trương của Ðảng. Tuy nhiên điểm quan trọng hơn cả là lòng căm thù mà bấy lâu Ðảng đã cố gây nên giữa người giầu và người nghèo đột nhiên biến mất. Ðịa-chủ và tá-điền lại đề-huề trở lại và tình-nghĩa "người làng người nước", một đặc-điểm của xã-hội Việt-Nam, bỗng dưng được khôi-phục. Tờ Thời Mới đã tả quang cảnh "vui vẻ cả làng" bằng một câu như sau :
Anh bạn tôi được chứng-kiến một đám tổ-tôm, trong đó địa-chủ và nông-đân kề đùi kề vế rất là "thân-ái". Khi bốc được cây chi-chi, địa-chủ vỗ vào đùi nông dân mà xít-xa : "Chậm một ly ông cụ nữa thì phải biết !". Ðấy là một thôn khi cán-bộ Sửa Sai mới về. Mỗi bàn tổ-tôm hay chắn, bất, hoặc xóc-đĩa, đều kèm theo những sinh-mạng như lợn, gà, chó. Và không riêng những người trong cuộc thức thâu đêm. Những người bán hàng quà, món nhắm, cũng phải "phục-vụ" rất khuya.
Bài CHI CHI NHẨY, trang báo THỜI MỚI ngày 12-5-1957.

Ở nhiều làng giầu và nghèo chén thù chén tạc với nhau, đinh ninh rằng tất cả mọi sai lầm sẽ được sửa chữa và rồi đây làng xóm sẽ được yên vui như xưa. Nhưng đấy không phải là ý muốn của Ðảng. Ðảng chủ-trương sửa chữa một số "sai lầm" nhất định trong khi vẫn duy-trì sự nghi kỵ và mối hận-thù giữa các thành-phần xã-hội. Ðồng thời Ðảng cũng chủ-trương bảo-vệ uy-quyền cho nhóm đảng-viên mới.
Vì thấy Ðảng tuyên-bố "sửa sai" mà không hề "sửa" những sai-lầm căn bản, nên tại nhiều nơi, dân-chúng thất-vọng, trở nên công-phẫn và nổi loạn thực-sự. Có tin tại nhiều nơi (Bắc-Ninh, Nam-Ðịnh, v.v...) dân-chúng nổi dậy nhưng theo nguồn tin chính-thức của Ðảng thì "nhờ có sự khéo léo của quân-đội nên đã tránh được nhiều vạ nghiêm trọng". "Sự khéo léo của quân-đội" có nghĩa là trong mỗi nhà nông-dân có ba người lính đến ở nhờ. Nhưng tháng 11 năm 1956, báo chí của Ðảng cũng phải công-nhận ở huyện Quỳnh-Lưu, tỉnh Nghệ-An có một cuộc võ-trang khởi-nghĩa. Cách đấy ít lâu, một số người trong nhóm khởi nghĩa thất-bại trốn thoát bằng thuyền vào Nam đã kể lại cho báo chí biết rõ chi-tiết của vụ Quỳnh-Lưu. Họ nói chừng hai chục ngàn nông-dân chỉ có gậy gộc đã chống chọi với một sư-đoàn quân lính chính-quy.
Sự thực thì ở dưới chế-độ cộng-sản không thể có một cuộc nổi loạn nào có cơ thành-công được. Chỉ một chi tiết sau đây cũng đủ chứng tỏ điều đó. Sau Cải-cách Ruộng-đất tất cả thợ rèn mà ngày trước vẫn lưu-động từ làng nọ sang làng kia sửa chữa dụng cụ cho nông-dân, bây giờ phải tập-hợp thành hợp tác-xã, định cư ở một nơi và sản-xuất nông-cụ dưới sự kiểm-soát của Mậu-dịch. Chính phủ kiểm-soát tất cả những sản-phẩm do họ chế-tạo, từ con dao nhíp trở đi. Trong hoàn cảnh ấy, họ không thể nào rèn được giáo mác cho bất cứ ai. Những người thợ rèn, hồi trước rèn giáo mác cho cộng-sản, ngày nay lại bị cộng-sản ngăn cấm không cho rèn giáo mác cho kẻ khác hòng chống lại cộng-sản. Vì thành-thạo về vấn-đề nổi loạn nên cộng-sản cũng biết cách đề-phòng kẻ khác mưu toan lật đổ thế-lực của mình.


TRÍ-THỨC NỔI LOẠN

Trong khi nông-dân nổi dậy đánh nhau với cán-bộ và quân-đội nhân-dân thì trí-thức ở thành-thị cũng không ngồi yên. Bằng bài vở, báo chí kịch-liệt đả-kích các lãnh-tụ Ðảng và một điều rất không ngờ, cuộc chống đối của trí-thức đã gây nên nhiều ảnh hưởng sâu rộng hơn những cuộc bạo-động của nông-dân. Mặc dù thắng lợi của họ chỉ nhất thời, thành tích của họ không bao giờ phai nhạt trong trí óc dân chúng Việt-Nam. Tất cả những trí-thức tham dự cuộc chống đố này đều là những người đã từng tham-gia kháng-chiến và mới ở chiến-khu về, trước đấy một hai năm. Không ai không biết những gian khổ họ đã can-đảm chịu đựng trong chín năm kháng-chiến. Sống lâu năm trong rừng sâu, không mấy người thoát khỏi bệnh sốt rét rừng, bệnh kiết-lỵ và nhiều bệnh khác. Không có thuốc men, những chứng bệnh của họ đều trở thành kinh-niên. Lương lậu không có, chỉ có "Sinh hoạt phí" tương đương với giá vài chục ký gạo nuôi cả gia-đình, họ chỉ sống bằng khoai sắn và măng tươi hái trong rừng, chấm muối vừng. Phần lớn trí-thức đều rằng ủng-hộ chính-quyền Việt-Minh, tức là phản lại quyền-lợi bản thân. Họ cảm thấy dưới chế-độ Việt-Minh, do cộng-sản lãnh-đạo, họ không thể có tương lai sáng sủa, nhất là sau khi cố-vấn Trung-quốc "vĩ-đại" được phái sang. Họ càng nhận rõ số-phận của họ, sau Cải-cách Ruộng đất khi Ðảng chỉ hoàn toàn tín-nhiệm bần-cố-nông. Nhiều người đã tự ví mình là "hầu non của chế-độ" ý nói Ðảng chỉ ưa nhan sắc của mình rồi dở trò "chim chuột" mà không thực tình gắn bó. Ngôi "chính thất" Ðảng đã để dành cho "công nông", trí-thức chỉ là "lẽ mọn". Sự đau lòng của "kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng" đã được luật-sư Nguyễn-mạnh-Tường diễn tả như sau :
Các anh em trí-thức kháng-chiến thường phàn nàn rằng Ðảng thiếu tín-nhiệm họ. Họ đau khổ mà nhận thấy rằng mặc-dầu họ đã trải qua nhiều thử-thách, chịu đựng bao nhiêu hy-sinh, trải qua bao nhiêu gian nguy, Ðảng vẫn chưa tin ở họ. Nào họ có yêu sách gì quá đáng đâu ? Họ có đòi làm Bộ-trưởng hay đại-sứ đâu ? Không. Ðại đa-số các anh em trí-thức nói chung, không mơ ước các địa-vị, công-tác lộng-lẫy đâu, họ vui lòng nhường cho cho các nhà chính-trị, các đảng-viên. Họ chỉ thiết tha, đòi hỏi được mang khả năng chuyên môn và kinh-nghiệm của họ ra phục-vụ nhân-dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo-toàn danh-dự trí-thức của họ và cái tự do tư-tưởng mà họ quan-niệm là cần-thiết cho nhân-phẩm của người trí-thức mà thôi.
Trích bài diễn-văn của luật-sư Nguyễn-mạnh-Tường.

Cụ Phan-Khôi, một nhà văn lão thành đã diễn tả tâm-sự của trí-thức bằng một thể khác. Cụ bày ra cách vừa uống cà-phê vừa nhai kẹo "bột" (trong chiến khu không có đường trắng) và cụ giải-thích tại sao lại phải vừa uống vừa nhai như vậy. Cụ nói : "Cái ngọt của kẹo tượng trưng cho lòng yêu nước. Nó đánh tan cái đắng của cà-phê mà chúng ta có thể ví với cái lãnh-đạo của Ðảng. Như vậy, chúng ta có thể hưởng được cái thơm của cà-phê ví như cái danh dự của người trí-thức."
Trong vô số những khổ cực mà người trí-thức phải chịu đựng, có một thứ khó chịu đựng nhất là thái-độ hống hách của đảng-viên. Một thi-sĩ vô-danh đã tả thái độ đó như sau :

ÔNG "VỖ NGỰC"
Học thuật văn-chương chửa sạch nghề,
Tập toè lên lớp cũng khen chê.
Giáo-điều khó nuốt lên thô bạo,
Lý luận không tiêu kéo nặng nề.
Tình cảm khô khan như củi gộc,
Phê-bình nồng nặc tựa cơm khê.
Anh em vặn lại cùng kỳ lý,
Vỗ ngực, Ông giơ Ðảng chực loè.
Báo VĂN số 24 xuất bản ở Hà-Nội ngày 10-10-1957

Thái-độ ức-hiếp tinh-thần kể trên, cùng nhiều thể-thức ức-hiếp khác gây nên một cảm giác khiếp-đảm trong tâm hồn người trí-thức. Nhà văn Trần-lê-Văn (cháu cụ Tú Xương) đã diễn tả cơn "ảo mộng" của ông như sau, trong một bài nhan đề "Bức thư gửi một người bạn cũ" (một cán-bộ cộng-sản cùng làm việc trong một cơ quan.)
...Có đêm tôi mê thấy hai cánh tay gầy guộc của anh, móng nhọn, nắm cổ tôi lôi xuống một cái hầm tối om, đậy nắp lại. Có hôm anh lại hóa ra con quạ đen quặp tôi như con đại-bàng quắp nàng công-chúa trong truyện cổ-tích. Tôi thường kêu ú ớ, hoặc nghiến răng trong những giấc mê kinh hãi đó.
Trần-lê-Văn, trong Bức thư gửi một người bạn cũ,
GIAI PHẨM MÙA THU tập 1, tháng 10, 1956.

Một lý-do thứ hai khiến giới trí-thức Bắc-Việt nổi dậy chống lại chế-độ là sự xa-đọa của họ cả về tinh-thần lẫn vật-chất. Ðoạn văn sau đây, trích trong bản Ðề-án của thi sĩ Hoàng-Huế gửi đại-hội Văn-nghệ Toàn-quốc, năm 1956, đã nói lên tinh-hình khốn khổ về sinh-hoạt vật-chất của đa-số văn-nghệ-sĩ ở chiến-khu trở về Hà-Nội :
"Ai cũng biết rằng đời sống của chúng ta thiếu thốn quá. Ðấy là một sự thật buồn bã vẫn hàng ngày đập vào mắt chúng ta làm cho những kẻ đơn giản nhất cũng phải suy nghĩ. Chúng ta không thắc mắc về cảnh sống trong kháng chiến. Nhưng trở về Hà-Nội, giữa những phố-xá đầy nhung lụa (hồi mới tiếp-thu), tủ kính và ánh đèn xanh đỏ có lẽ chưa bao giờ người nghệ-sĩ cảm thấy cay đắng như lúc này. Cần phải nói thẳng rằng ở một tòa soạn báo Văn-Nghệ, trong số 8 biên-tập-viên có vợ thì 6 người đã thất-nghiệp hay bán thất-nghiệp. Những trang giấy trắng đáng lẽ chỉ dùng để chép thơ cũng đã bao lần biến thành đơn xin việc. Những lá đơn ấy gửi đi rồi im lặng không nghe một tiếng trả lời. Sự thật đã có những nhà văn viết đêm, không có một tách cà-phê để uống. Ðã có những thi-sĩ không làm thế nào mua được dăm điếu thuốc lá trong cơn nghiện, và đã có một kịch-sĩ bán chiếc đồng-hồ đeo tay của mình để bồi-dưỡng viết cho xong cuốn sách, nhưng in ra không đủ tiền để chuộc chiếc đồng-hồ.
Hữu-Loan có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh. Nằm trong bóng tối của một gian nhà nhỏ ở ngoại-ô Hà-Nội khi không có tiếng vợ kêu con khóc, Hữu-Loan chỉ mơ ước có một ngọn đèn dầu để thức mà viết. Văn-Ký cũng có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh. Buổi sớm mai không có củ khoai luộc cho con ăn, nghe tiếng con khóc mà đứt ruột.
GIAI PHẨM MÙA THU tập 2, tháng 10, 1956.

Nỗi khổ cực càng khó chịu đựng hơn khi, đồng thời, có một thiểu-số giữ chức "cán-bộ văn-nghệ" ngang nhiên sống một cuộc đời xa-hoa, phè phỡn. Cũng trong bản Ðề-án ấy, thi-sĩ Hoàng-Huế viết :
Họ trịnh-trọng thắt cà-vạt đỏ, đi giầy da vàng, đọc đit-cua và nhòm nhoàm ăn tiệc, rồi lại xách va-ly, bay đó bay đây, trên mây trên gió.
Ðời sống vương-giả mà thi-sĩ Hoàng-Huế nói đến trong bản Ðề-án của ông đã được Nguyễn-Tuân, một nhà văn hiện giữ chức "cai văn nghệ" thú nhận, sau khi đi dự Hội-nghị Hòa-bình Thế-giới ở Helsinki, thủ-đô Phần-lan về. Nguyễn-Tuân khoe khoang như sau :
Mỗi ngày ăn ba bữa, khẩu phần thừa thải bổ béo ; nghi-thức lúc ăn thực là trang trọng : đồ sứ, pha-lê, khăn bàn trắng muốt, quanh bàn ăn chốc chốc lại cử nhạc, những chị đưa món ăn đẹp như rượu rót trong các chuyện thần-thoại.
Trích bài "Phở" của Nguyễn-Tuân trong báo VĂN số 1, ngày 10-5-1957

Sự khác-biệt giữa hai nhóm "cu-ly văn nghệ" và "cai văn-nghệ" cả về phương-diện chính-trị lẫn đời sống vật chất đã gây nên nhiều mâu-thuẫn đối-kháng (theo đúng lý thuyết của Mác) không phải không-đối-kháng như Mao-Trạch-Ðông đã thuyết trong tập "Dân-chủ Mới" của ông. Nổi loạn để chống lại một tình-trạng bất-công như vậy chỉ là một vấn-đề thời-gian, và nó đã xẩy ra nhân dịp Nikita Khrushchev phát-động phong-trào hạ bệ Stalin tại Moscou năm 1956. Bài diễn văn tố cáo tội ác của Stalin gây nên những phản-ứng liên-tiếp bắt đầu tràn tới Việt-Nam một tháng sau. Nhà xuất-bản Minh-Ðức, trước kia vẫn xuất-bản những sách báo chính-thức của Cộng-sản ở chiến-khu, phát-hành ngay tập Giai Phẩm, trong đó có một bài thơ nhằm đả kích ông Hồ-chí-Minh, không trực tiếp đả-động đến ông Hồ, mà chỉ nói vơ vẩn về cái Bình Vôi, Lê-Ðạt, tác-giả bài thơ, viết như sau :
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi,
Y như một cái bình vôi.
Càng sống càng tồi,
Càng sống càng bé lại.
Sự thực thì vôi động dần, nên ruột bình vôi càng bé lại, nhưng dù bé dần lại, mỗi cái bình vôi cũng dùng được hàng.
Sợ mấy câu thơ vớ vẫn của Lê-Ðạt không được mấy người để ý và tìm hiểu thâm ý của tác-giả, Cụ Phan-Khôi bèn viết tiếp một bài nhan-đề "Ông Bình Vôi" đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu tập 1 để cắt nghĩa rõ hơn. Cụ giải-thích tại sao bình vôi cứ đặt ruột dần dần, tại sao dân-chúng lại gọi bằng "ông". Cụ nói : "Người Việt-Nam, về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì gọi bằng "Ông" để tỏ lòng tôn kính sùng-bái" và Cụ Phan kết-luận :
"Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bịt lại, ngồi cú rũ trên tràng hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng "Ông".

Cụ Phan-Khôi có ý giải-thích cho độc-giả biết rằng mấy câu thơ của Lê-Ðạt nhằm đả kích tinh-thần "Sùng-bái cá-nhân", và nhiều người hiểu ngay rằng Lê-Ðạt và Cụ Phan mượn "Ông Bình Vôi" để ám chỉ "Cụ Hồ", vì như mọi người trông thấy, ông Hồ đã già và, trở về già, ông không còn ái-quốc như hồi còn trẻ. Lòng yêu nước của ông cứ mỗi ngày mỗi "bé lại". Ngày xưa ông tự xưng là Nguyễn-Ái-Quốc mà ngày nay ông chỉ lo phục-vụ các "Nước Ðàn anh", không nghĩ gì đến đồng-bào nữa.
Ðảng cũng hiểu thâm ý của bài thơ nên tịch-thu tập Giai Phẩm và kiếm cớ bỏ tù một nhà văn trong nhóm, thi sĩ Trần-dần. Hồi ấy (tháng 3-1956) các lãnh-tụ Bắc-Việt ngần ngại không dám hưởng ứng phong-trào hạ bệ Stalin phát xuất từ Moscou. Lý-do là tại chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất đang dở dang, nên không dám nới tay trước khi hoàn-thành chiến-dịch. Ðảng thấy cần-thiết phải tiếp-tục duy-trì chính-sách khủng-bố trong ít tháng nữa. Vì vậy nên mãi đến tháng tám năm ấy báo chí Ðảng mới chính-thức đề-cập đến vấn-đề "chống sùng-bái cá-nhân". Nhưng trước đây, công-nhân Ba-Lan đã nổi loạn ở Poznan (28 tháng 6, 1956) và Mao-Trạch-Ðông đã phát-động phong-trào "Trăm Hoa Ðua Nở". Hai việc sau đây đã khiến tình-hình Bắc-Việt thêm căng thẳng bội phần. Nên chi, khi Ðảng Lao-Ðộng phát-động chiến dịch Sửa Sai . năm tháng sau khi Khrushchev đã hạ bệ Stalin . giới trí-thức Bắc-Việt đã căm phẫn đến cực-điểm và sẵn sàng mở cuộc tổng tấn-công chống lại chế-độ.

Giai Phẩm Mùa Thu tái bản, và trong số ra ngày 29 tháng 8, 1956 đăng một bài thơ của Hữu-Loan nhan đề "Cũng những thằng nịnh hót" kết thúc bằng mấy câu như sau :
Những người đã đánh bại xâm lăng,
Ðỏ bừng mặt vì những tên quốc xỉ
Ngay giữa thời nô-lệ,
Là người, chúng takhông ai biết
cúi đầu.

Tiếng gọi của Hữu-Loan được nhiều người đáp lại. Lập tức tất cả văn-nghệ-sĩ có tài, cả già lẫn trẻ, cả đảng viên lẫn "quần-chúng" tham-gia cuộc đấu-tranh. Một tuần sau tờ NHÂN VĂN ra đời, làm cơ-quan phát-ngôn cho giới đối-lập. Ðiều đáng chú ý là chủ-bút tờ báo lại là Nguyễn-hữu-Ðang, một đảng-viên đã từng làm Bộ-trưởng Bộ Văn-hóa hồi Việt-Minh mới cướp chính-quyền. Những người viết bài đả-kích hăng nhất cũng lại là những văn sĩ trẻ tuổi có chân trong Ðảng. Tuy nhiên, kiện-tướng trong cuộc đấu-tranh vẫn là Cụ Phan-Khôi, một nhà văn lão-thành hồi ấy đã ngoài bảy mươi. Là cháu ngoại Cụ Hoàng-Diệu, ông "Tú Khôi" đã tham-gia phong-trào Văn-thân năm 1907. Tới năm 1957 Phan-Khôi là nhà nho có danh tiếng còn sống sót, vì trong chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất hầu hết các nhà nho ở Bắc-Việt đã bị quy là địa-chủ và thủ tiêu. Có thể nói trong phong trào "Trăm Hoa Ðua Nở", cụ Phan đại-diện cho cả một thế-hệ, cho hệ-thống tư-tưởng Nho giáo, đơn thương độc mã chống chọi với ý thức hệ Mác-xít và chế-độ Cộng-sản.
Bốn mươi năm trong nghề viết báo, cụ Phan đã nổi tiếng về bút chiến. Bắt đầu, cụ dùng lời văn đanh thép của cụ đả-kích "Lãnh-đạo Văn-nghệ" và cùng nhiều cây bút trẻ, tố cáo Ðảng là bè phái, tham ô, áp-bức văn-nghệ, thủ-tiêu tự-do của văn-nghệ-sĩ, "cả vú lấp miệng em",v.v... Họ nghi ngờ sự thành-thật của giới lãnh-đạo và mang cả giáo-điều Mác-xít ra chế nhạo. Sinh-viên Hà-Nội cũng tham-gia đấu-tranh.
Trong tập Ðất Mới họ xuất bản, họ tố cáo cán-bộ Ðảng độc-quyền các nữ-sinh tiểu-tư-sản. Nhóm văn-nghệ-sĩ chống đối xử-dụng mọi thể văn để đấu-tranh, thơ, chuyện ngắn, kịch, chuyện giả-tưởng và xã-luận. Cuối cùng, ông Nguyễn-mạnh-Tường đại-diện cho trí-thức đọc trước hội-nghị Mặt trận Tổ-Quốc họp tại HàNội ngày 30 tháng 10, 1956, một bài diễn văn kịch liệt lên án toàn thể chế-độ. Nhờ những văn liệu này mà thế-giới bên ngoài hiểu rõ nội-tình Cộng-sản Bắc-Việt. Ðấy cũng là những tác-phẩm xứng đáng với danh từ "Trăm Hoa". So với những "đóa hoa" khác đồng thời cùng nở ở các nước cộng-sản khác vườn hoa Việt Nam có phần tươi thắm hơn nhiều. Sở dĩ các văn-sĩ Việt-Nam đã đạt tới một trình-độ nghệ-thuật cao, có lẽ là tại họ đã hấp-thụ được hai nền văn-chương phong-phú Tàu và Pháp, trong khi vẫn giữ được tinh-thần hài-hước, dí dỏm, một đặc tính của văn chương Việt. Một mặt khác vì đã học-tập lý-thuyết trong suốt mười năm và thường xuyên thảo-luận chính-trị nên họ sẵn có những lý-luận sắc bén để tranh-biện với phe "bênh Ðảng". Trương-Tửu là một trường hợp đặc-biệt. Ông đả-kích chính-sách cộng-sản trong một loạt bài đăng trong Tạp-chí Văn Học, trong đó ông trích rất nhiều lời của Mác và Lê-nin, nhưng ông không chú thích là trích ở tài-liệu nào, tác-phẩm nào. Vì không có chú thích, nên các chuyên-viên của Ðảng Lao-động không biết Trương-Tửu đã trích ở đâu, thực hay bịa, nên không dám tranh luận. Sau cùng Ðảng phải dịch tất cả loạt bài của Trương-Tửu sang tiếng Nga rồi gửi sang Moscou nhờ tra cứu và thảo bài trả lời. Mãi ba tháng sau, có bài từ Nga gửi sang, Ðảng Lao Ðộng mới trả lời Trương-Tửu.

Trong phạm vi cuốn sách nhỏ này, chúng tôi rất tiếc không thể trình-bày tất cả các tác-phẩm của giới văn-nghệ Bắc Việt trong phong-trào Trăm-Hoa, nhưng chúng tôi xin nhắc bạn đọc là phần lớn những tác-phẩm này đã được in trong cuốn "Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc" xuất bản ở Saigon năm 1959. Vì sách đã xuất-bản lâu ngày và hiện nay khó kiếm, chúng tôi xin giới-thiệu qua loa một vài tác-phẩm có giá-trị nhất:

1 - "Những Người Không-Lồ" của Trần-Duy, một truyện thần-thoại do tác-giả sáng-tác kể chuyện Ngọc Hoàng sai nặn một lũ khổng-lồ đưa xuống hạ-giới giúp nhân loại, nhưng vì thiếu vật liệu, nên vị thiên-thần phụ-trách không nặn quả tim cho lũ người này. Vì thiếu tim, đoàn khổng lồ xuống hạ-giới giúp người thì ít mà dày xéo lên người thì nhiều, gây tang-tóc khắp mọi nơi, còn nhiều hơn ma quỷ.
Tác-giả mượn câu chuyện để tố cáo việc cán-bộ cộng-sản sát hại vô vàn lương dân trong chiến-dịch Cải-cách Ruộng-đất vừa qua. Trong truyện, Ngọc Hoàng tức là Các Mác, và Những Người Khổng Lồ tức là đảng-viên Ðảng Lao Ðộng. (Trần-duy, Giai phẩm Mùa Thu Tập 2, tháng 10, 1956.)

2. - "Thi-sĩ Máy" của Như Mai. Theo kiểu George Orwell trong cuốn 1984, tác giả mường tượng và tả một khía cạnh của xã-hội cộng-sản tương-lai. Tác-giả kể truyện, vì muốn thay thế các thi-sĩ khó răn khó bảo, Cộng-sản chế-tạo một chiếc máy, hễ bấm nút, có thể sản-xuất ngay được 8000 câu thơ trong một giây. Bài thơ nào cũng, đại để bắt đầu bằng "Thời-đại tươi vui đẹp nắng vàng", rồi đến "Rập rờn cờ đỏ trống khua vang", và kết thúc : "Bao tay lao-động xây tươi đẹp phấn khởi nông-trường tiến tiến hăng !"
(Như Mai, Nhân Văn số 5, Hà-Nội, 30 tháng 11, 1956).

3. - "Tôi tìm Em", thơ của Tạ-hữu-Thiện. Nhà thơ muốn lấy vợ nhưng sau khi điểm các cô gái thuộc mọi thành-phần, tỏ ý tiếc không thể lấy cô nào được vì tất cả đều không còn biết yêu, biết ghét... (vì ảnh hưởng của giáo-lý Mác-xít). (Tạ-hữu-Thiện, Trăm Hoa, Hà-Nội, 6 tháng 1, 1957).

4. - "Con Ngựa già của Chúa Trịnh", chuyện ngắn của Phùng-Cung. Chuyện một con ngựa đua bị đưa vào phủ chúa kéo xe cho bà chúa, lấy làm hãnh-diện với đồng-loại, nhưng vì được ăn nhiều mà thiếu luyện-tập nên khi dự thi, bị thua cuộc và tức đứt ruột chết. Tác-giả mượn câu chuyện để mỉa mai mấy ông "cán-bộ văn-nghệ", ăn trên ngồi chốc, lâu ngày không có sáng-tác nên trở thành "đồ bỏ", mất hết tài năng (Phùng-Cung, Nhân-Văn số 4, Hà-Nội, 5 tháng 11, 1956).

Trong ba tháng tương-đối có tự-do ngôn-luận, Cộng-sản bị đả kích theo đúng kiểu, hai trăm năm trước, Voltaire đả-kích Giáo-hội La-mã. Trong thời-kỳ đầu, chính-quyền cộng-sản lúng túng, do dự, không biết nên đàn áp hay nới tay, vì họ hiểu rằng nếu nới tay làm ngơ thì chẳng bao lâu toàn thể chế-độ sẽ bị xụp đổ, nhưng nếu thẳng tay đàn áp thì lại sợ trái với tinh thần. Ðại Hội lần thứ 20 của Ðảng Cộng-sản Liên Xô. Nhưng sau Krushchev thẳng tay đàn áp cuộc nội loạn ở Hun-ga-ri tháng 10, 1956, các lãnhtụ Bắc Việt mới vững tâm trở lại, và thấy rõ đường đi : họ thẳng tay đàn áp cuộc nông-dân bạo-động ở Quỳnh-Lưu và cuộc trí-thức nổi loạn ở Hà-Nội. Những cuộc công-nhân chống-đối cũng chung một số phận.
Cuộc chiến-đấu giữa Ðảng và phe đối-lập có thể chia làm ba giai-đoạn, mỗi giai-đoạn lâu chừng một tháng. Trong giai-đoạn đầu, phe đối-lập chỉ đả-kích "những thằng nịnh hót", những "cán-bộ văn-nghệ", tố cáo những tệ hại như bè phái, tham nhũng, và nhiều thói hư tật xấu khác của chế-độ. Trong thời-kỳ này Ðảng làm ngơ, không khủng bố. Trái lại, một vài tờ báo của Ðảng cũng hòa nhịp với phe đối-lập tố cáo một vài sai lầm, nhưng đều đổ lỗi cho cán-bộ và công chức cấp dưới.
Sang giai-đoạn thứ nhì, phe đối lập đả-kích một số lãnh-tụ. Lần này Ðảng chống trả bằng một loạt bài do một số trí-thức thân Ðảng sản-xuất, nhưng lẽ dĩ-nhiên, họ lý luận một cách yếu ớt, không thuyết-phục được một ai. Một giáo-sư đại-học, ông Hoàng-xuân-Nhị, viết một bài bênh-vực lập trường của Ðảng, dựa vào quan-điểm của Lê-nin về văn nghệ, nhưng giáo-sư Hoàng-xuân-Nhị bị chính ngay một học trò của ông, tên là Bùi-quang-Ðoài, làm cho đại bại. Bùi-quang-Ðoài lật ngược tất cả những luận-điệu của ông Nhị và cũng trích dẫn Lê-nin để chứng minh rằng "tự-do sáng-kiến và tự-do tư-tưởng", theo ông thủy-tổ của chủ nghĩa cộng-sản, "tuyệt-đối cần-thiết phải được bảo-đảm". Sau đó Bùi-quang-Ðoài phê-bình ông Nhị : "... một là ông Nhị không tiêu-hóa được tài-liệu (của Lê-nin), hai là ông Nhị đã lợi dụng tài-liệu một cách xuyên-tạc. Nó không đúng với tinh-thần trung-trực của người trí-thức... Tôi xin đề-nghị với ông Nhị một điều... : Cố gắng nghiên-cứu, suy-nghĩ, để giữ bản-chất trung-trực của người trí-thức".1 Hoàng xuân-Nhị im bặt, và Ðảng bỏ cuộc, vì các cán-bộ Ðảng không đủ sức tiếp tục cuộc bút chiến.
Sang giai-đoạn thứ ba, phe đối-lập đả-kich toàn bộ chính sách của Ðảng, nhưng Ðảng dùng thủ-đoạn để khủng-bố ngấm ngầm. Ðảng ra lệnh không bán giấy cho mấy tờ báo đối-lập, phái công-an cảnh-sắt đi dọa nạt các hiệu sách bán báo đối-lập, và sau cùng ra lệnh cho công-nhân nhà in đình-công không in báo Nhân-Văn. Nhưng trong khoản thời-gian ba tháng, sự phẫn uất của nhân-dân đã lên tới cao độ. Những người Nam tập-kết ra Bắc phá bót cảnh-sát Cầu-Gỗ, và sinh-viên miền Nam tập-trung ở làng Mộc nổi-loạn, rào đường từ Hà-Nội đi Hà-Ðông. Khi tờ Nhân-Văn số 6 sắp xuất-bản, trong đó có bài kêu gọi nhân-dân xuống đường biểu-tình chống lại chế-độ, Ðảng ra lệnh đóng cửa tờ báo và bắt mấy người cầm đầu. Phe đối-lập bị bưng mồm bị miệng, và những người "đầu xỏ" bị quy là việt gian phá hoại. Ðảng tổ chức ngay một chiến-dịch "Cải-tạo Tư-tưởng" và tiếp theo là một phong-trào "Học-tập Lao-động". Trên nguyên-tắc thì tất cả trí-thức . bất luận là chống Ðảng hay thân Ðảng . đều phải học-tập lao-động, hoặc ở xưởng máy, hoặc ở đồng ruộng. Nhưng thực-tế thì những trí-thức thân Ðảng được gửi tới mấy xưởng máy ở Hà-Nội, Nam-Ðịnh, hoặc Hải-Phòng, tiếp tục hưởng đầy đủ tiện-nghi. Phe trí-thức đối-lập thì trái lại bị đưa lên miền thượng-du, lam sơn chướng khí học tập lao-động dưới sự chỉ bảo và kiểm-soát của cán-bộ dân-tộc thiểu-số. Kết quả là phần đông những trí-thức đã sống tám chín năm trong rừng để tham gia kháng-chiến chống Pháp, lần này, chỉ cách có hai năm, lại trở về chốn cũ. Có một điểm khác là trong thời gian kháng-chiến, họ được dân địa-phương quý trọng và giúp đỡ, còn lần này trái lại họ bị coi là một thứ tù chính-trị. Hai năm trước, họ là chiến-sĩ cách mạng. Bây giờ họ là việt-gian phảnđộng. Dân thiểu-số miền Việt Bắc đã theo Việt Minh từ ngày chống Nhật. Họ đã bị cộng-sản tuyên-truyền liên-tiếp trong nhiều năm, và vì chân thật ngây thơ, nên họ dễ nghe theo luận-điệu tuyên truyền hơn dân chúng miền xuôi. (Ðiều đáng chú ý là đội vệ sĩ bảo vệ ông Hồ gồm toàn lính người Mán). Ðưa trí thức đối-lập lên mạn ngược, Ðảng yên-trí về hai điểm. Một là họ không trốn nổi và hai là họ không hy-vọng tuyên truyền dân địa-phương theo họ chống Ðảng, vì phần lớn dân chúng miền này không nói tiếng Việt.

--------------------------------------------------------------------------
1 Bùi-quang-Ðoài - "Chủ-nghĩa Nhân-văn của ông Hoàng-xuân-Nhị" . Nhân-Văn số 4, ngày 5-11-1956.
--------------------------------------------------------------------------

Một người trong bọn, thi-sĩ Yến-Lan gửi thư về báo Văn-Học, trong thư có một đoạn như sau :
"...Lúc mới về, hỏi ra tình-hình sinh-hoạt, thấy thừa người lớn, vắng trẻ con (ở đây đẻ nhiều nhưng nuôi được ít), nhiều người chân phềnh ra như chân voi...".
(Báo Văn-học số 9, ngày 15-8-1958)

Trong một bức thư khác cũng gửi cho báo Văn Học, Hoàng-Chương một cán-bộ văn-công (công tác văn-nghệ) Khu V tập-kết ra Bắc tả cảnh "cưỡng-bách lao-động" như sau :
"...Từ nhà đến Ðồng Cống (nơi làm việc) xa chừng ba cây số. Chúng tôi dậy thật sớm tranh-thủ gánh phân để tránh bớt nắng trưa. Tôi nhớ năm nào tiếp-tế bộ-đội ở chiến-trường, gánh lúa bốn mươi cân leo dốc, nhờ vui và thích mau gặp bộ-đội nên quên mệt.1 Cô Thu, người Hà-Nội, trước chưa quen gánh, hôm nay cũng cố được hai mươi cân. Nhìn Hùng cởi trần gánh thoăn thoắt ai biết đó là một sinh-viên Hà-Nội..."
(Cùng số Văn Học)

Nhiều người trong nhóm trí-thức đối-lập không thấy trở về Hà-Nội và cũng không có tin tức gì hết. Một số ít được trở về với gia-đình, nhưng phải làm công-tác khác, không được dạy học và sáng-tác văn-nghệ. Từ đấy về sau, Ðảng Lao Ðộng chỉnh-đốn lại Hội Văn-Nghệ liên tiếp đến mấy lần, để đạt tới tình-trạng cuối cùng là những báo-chí của Ðảng không còn mảy may tính chất văn-nghệ. Hiện nay, báo chí xuất-bản ở Hà-Nội thường gồm có hai phần : phần thứ nhất là những bài vở nhạt nhẽo do cán-bộ Ðảng viết, và phần thứ hai là phiên-dịch truyện dài, truyện ngắn của các nước cộng-sản khác.

----------------------------------------------------------
1 Ý nói bây giờ gánh ít hơn, nhưng vì đau khổ nên thấy cực nhọc hơn nhiều.
----------------------------------------------------------

Chương 18

CON ÐƯỜNG THẲNG TỚI CỘNG-SẢN CHỦ-NGHĨA

Ðè bẹp xong cuộc bạo-động của nông-dân Nghệ-An và phong-trào trí-thức chống-đối ở Hà-Nội, Ðảng Lao-Ðộng bèn "tái hồi" chính-sách cũ để tiến tới Cộng-sản chủ-nghĩa. Ðảng tổ-chức hợp-tác-xã nông-nghiệp trên toàn-thể lãnh-thổ Bắc-Việt, buộc nông-dân phải sinh-hoạt và sản-xuất tập-thể nghĩa là làm việc cho "đoàn-thể" là chính-yếu mà cho gia-đình và bản-thân là thứ yếu. Mỗi sáng, hễ nghe tiếng "kẻng" đúng 6 giờ là họ phải ra đồng làm việc dưới sự điều-khiển của cán-bộ, 11 giờ về ăn cơm trưa và học-tập chính-trị, 1 giờ lại ra đồng làm việc đến 6 giờ chiều. Tối đến phải đi họp để nhận phần việc ngày hôm sau. Mỗi ngày, nếu làm tốt và đủ 10 giờ, mỗi người được ban 10 điểm, mỗi điểm ăn 150 gam gạo.
Nếu làm kém hoặc không đủ giờ, tất nhiên, sẽ được ít điểm hơn.
Ðến vụ, sau khi gặt, hợp-tác-xã chia số thu-hoạch thành 4 phần. Phần thứ nhất để đóng thuế, phần thứ hai để "làm nghĩa vụ", tức là bán cho chính-phủ bốn lần rẻ hơn giá thông thường ở "thị-trường tự-do"1, phần thứ ba để trả nợ cho Ngân-hàng và các cơ-quan khác, phần thứ tư chia cho xã-viên theo tổng-số điểm mỗi người đã nhận được trong toàn vụ. Chính-phủ và Ðảng hết sức khuyến-khích nông dân "thâm canh", nhưng dù vậy, sản-xuất theo đơn-vị diện-tích vẫn rất thấp. Lý-do chính là tại làm việc theo chế-độ "công nhật", nên người làm không thấy trách-nhiệm trong công việc làm mà chỉ "cơm chúa múa tối ngày". Vì họ không chịu khó canh nước giữ bờ, nên hễ hết mưa là hết nước và chẳng bao lâu lại phải huy-động đi "chống hạn". Các lãnh-tụ Trung-Cộng và Việt-Cộng hiện vấp phải một khó khăn mà các nước cộng-sản khác không gặp ; lúa là một cốc loại mọc dưới nước, đòi hỏi rất nhiều công chăm sóc, một loại cây rất "tiểu tư sản" không chịu uốn mình theo nếp sống tập-thể dễ dàng như lúa mì hoặc các loại cây thực phẩm khác. Vì sản xuất kém nên Bắc Việt luôn luôn thiếu lương-thực trong 10 năm nay. Bài báo sau đây, trong vô số những bài tương tự, chứng tỏ tình trạng thiếu ăn "kinh niên" ở Bắc Việt :
"...Tình hình lương-thực tỉnh ta có khó khăn. Miền núi tuy không bị thiên tai nặng nề như một số huyện đồng bằng, nhưng do sản-xuất kém nên vụ mùa năm nay (1964) nhiều nơi thu hoạch thấp hơn năm 1963... Lương-thực miền núi vốn khẩn-trương, nay càng khẩn-trương hơn. Cán-bộ và bà con nông-dân các hợp-tác-xã trong tỉnh hãy tham-gia góp ý-kiến, bàn bạc cụ thể, tranh cãi cho ra lẽ, tìm cách giải-quyết nạn đói giáp hạt sắp tới".
(MIỀN TÂY NGHỆ-AN số 380, ngày 1 tháng Giêng, 1965)

Bàn về lý-do tại sao sản-xuất mỗi ngày một kém, tác-giả bài báo đưa ra giải-thích như sau :
"Nông-dân bỏ sản-xuất trước mắt để đi làm việc khác kiếm tiền mua gạo. Một số bà con trong các hợp-tác-xã chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền, và cho rằng họ có tiền là có gạo, không tích-cực sản-xuất, trồng ngô khoai, sắn và các thứ rau mầu. Ruộng-đất tốt bỏ hoang hóa, cây trồng không chăm bón, thời-vụ không đảm bảo, làm tập-thể cho hợp-tác-xã thì ít, làm riêng cho mình thì nhiều..."
(Cũng số báo kể trên)

Trong liên tiếp mười năm nay, vì thiếu, nên lương thực luôn luôn bị hạn chế. Theo thể-lệ hiện hành, mỗi nhân-khẩu được mua mỗi tháng 13kg500 lương-thực, trong số chỉ có 8kg gạo còn ngoài ra là ngô, khoai, sắn. Chính quyền hô hào tăng-gia sản-xuất bằng cách trồng các loại cây lương-thực "ngắn ngày", như bầu-bí rau muống cạn xung quanh các công-sở, trường học, trại lính, nhưng vì diện-tích ít ỏi nên thu thập chẳng được là bao.

-------------------------------------------------------------
1 Theo lời ông Lê-Duẩn trong bài "Xây-dựng tư-tưởng làm chủ tập-thể trên lập-truờng giai-cấp vô-sản" trong báo Học-Tập số tháng 6, 1965 thì giá một ký thóc ở thị-truờng tự-do là 0đ.80, và giá bán cho chính-phủ là 0đ.20
-------------------------------------------------------------
Một biện-pháp quyết liệt khác đã được thi hành ; trong hai năm gần đây, chính-quyền Bắc-việt đã đưa, mỗi năm, 25 ngàn gia-đình nông-dân miền đồng bằng sông Nhị-Hà lên miền thượng-du khai khẩn đất hoang và tìm cách tự-túc để giảm bớt miệng ăn ở miền xuôi. Chương-trình di-dân này còn nhằm hai mục đích khác : "việt-hóa và kiểm-soát dân-tộc thiểu-số cùng thiết-lập căn-cứ kinh-tế để chuẩn bị một cuộc trường kỳ kháng chiến nếu Bắc-Việt bị tấn-công. Nói về tương lai lâu dài của đất nước thì đấy là một cố-gắng rất đáng khen, nhưng vì miền Bắc không đủ phường-tiện tiệt trừ bệnh sốt-rét nên công cuộc hiện đương gặp nhiều khó khăn.

Ðể giải-quyết nạn thiếu ăn, chính-quyền Bắt-Việt đã nghĩ đến giải-quyết nhập cảng lương-thực từ bên ngoài, nhưng ngặt vì xuất cảng ít nên không có ngoại-tệ để nhập-cảng đủ số lương-thực cần dùng. Có bao nhiêu ngoại-tệ thu được hoặc được "các nước bạn" viện-trợ đều phải dùng vào việc mua sắm máy móc để thiết bị cho nền công-nghệ phôi-thai. Suốt trong 10 năm nay, và ngay cả trong những năm "được mùa viện trợ" của các nước bạn, cán cân xuất-nhập của Bắc-Việt vẫn bị chênh-lệch, xuất ít nhập nhiều. Bản thống-kê sau đây do Bộ Ngoại-thương và Tổng-cục Thống-kê Bắc-Việt có thể cho chúng ta một khái niệm đại-cương về vấn-đề kể trên.ÐƠN-VỊ 1.000.000 RÚP CŨ
Năm
Xuất
Nhập
Hụt
Tỷ-lệXuất Nhập
1955
27,3
294,4
-267,1
9,2%
1956
81,7
314,2
-232,2
26%
1957
163,8
398
-234,2
41,1%
1958
204,6
253,2
-48,6
80,8%
1959
269,2
417,9
-148,7
64,4%
1960
319,6
511,6
-192
62,4%
1961[1]
319,6
617,1
297,5
55,9%
1962



60,4%
1963



59,1%
1964



74,1%
Trích tạp-chí Nghiên-cứu Kinh-tế xuất-bản tại Hà-Nội tháng 12, 1964. Bài "Bàn về thăng-bằng xuất nhập khẩu hiện nay "của Lưu-văn-Ðạt, tr. 46.

Ðiểm đáng chú ý là từ 1962 trở đi bản thống-kê không ghi những con số xuất nhập cảng mà chỉ công-bố tỷ-lệ chênh lệch giữa xuất và nhập. Nên nhớ rằng cũng vào khoảng thời gian này (1960) cuộc xung-đột bùng nổ giữa Nga-sô và Trung-cộng, và đối với cuộc xung-đột này, Bắc-Việt luôn luôn giữ thái-độ "trung-lập". Một vài dấu hiệu cho phép một số quan sát viên nhận định rằng chính vì thái-độ "nước đôi" ấy mà Nga coi Bắc-Việt là thân Tàu, và Tàu coi Bắc-Việt là thân Nga, với kết quả là cả hai nước đàn anh đều đình-chỉ không viện-trợ cho Bắc-Việt bắt đầu từ 1961. Không những cắt đứt viện-trợ mà khối

----------------------------------------------
1 Riêng năm 1961, trong tài-liệu ghi con số "rúp mới" nhưng chúng tôi tính cả sang "rúp cũ" cho đồng loại. Mỗi rúp mới ăn 4,444 rúp cũ.
----------------------------------------------
Cộng-sản Âu-châu còn từ chối không bán đồ phụ-tùng và mua hàng hóa của Bắc-Việt. Trước kia Bắc-Việt vẫn mua len mang về phân phát cho hàng vạn phụ nữ đan áo để bán sang Ðông Âu nhưng từ 1961 trở đi hầu hết những người sống về nghề đan đều bị thất nghiệp. Chúng ta có thể ước đoán rằng sở dĩ bản thống-kê kể trên không ghi rõ những con số xuất nhập cảng từ 1961 trở đi là tại những con số ấy đã xuống quá thấp. Tuy nhiên cũng trong bài báo ấy, tác-giả có thu nhận như sau :
"Chúng ta đã xử-dụng gần hết số tiền viện-trợ không phải hoàn lại do các nước xã-hội chủ-nghĩa anh em giúp ta trong những năm trước. Từ đây hình-thức viện-trợ chủ-yếu là hình-thức cho vay dài hạn, có vay có trả, có đi có lại. Nếu khả năng xuất-khẩu không theo kịp yêu cầu nhập khẩu thì chúng ta bắt buộc phải hạn-chế số nhu cầu về nhập khẩu".
Lưu-văn-Ðạt "Bàn về thăng bằng xuất nhập khẩu hiện nay"
Nghiên Cứu Kinh Tế, Hà-Nội, tháng 12, 1964.

Từ ngày chiến tranh lan rộng ra Bắc-Việt, thái-độ của Nga-Xô và Trung-Cộng đối với nước "em út" có thay đổi, tuy-nhiên, cũng chưa ai biết hai nước kể trên đã giúp Bắc-Việt những gì, về phương-diện kinh-tế. Chúng ta có thể nói từ 1960 đến 1964, Bắc-Việt không khác một đứa con trong gia-đình mà cả bố lẫn mẹ, sau khi ly-dị, không nhìn ngó đến. Nếu nhớ lại lời ông Hồ khuyến cáo học-sinh lớp chỉnh-huấn, khuyên họ không nên "ngồi giữa hai chiếc ghế", thì có thể nói rằng chính ông Hồ đã bị ngã vì ông đã ngồi giữa hai ghế Nga và Tàu.
Năm 1963, theo lời Giáo-sư P. J. Honey, Bắc-Việt có dạm đổi một số hàng tiểu-công-nghệ để lấy bột mì của Úc-châu nhưng Úc-châu chê hàng xấu không đổi. Sau đây, Bắc-Việt có đổi cho Trung-cộng một số hoa quả "nhiệt-đới" và cây thuốc để mua lại của Trung-cộng một số bột mì Trung Cộng đã mua của Ca-na-đa. Bắc-Việt cũng xuất cảng một số "thực-phẩm xa-xỉ" như lợn, gà (mỗi em học sinh phải nuôi và bán cho chính-phủ mỗi năm hai con gà) để nhập cảng một số "lượng-thực căn bản" nhưng kết quả chẳng được là bao. Vì nông-thôn không cung-cấp đủ thực-phẩm nên công nhân và dân thành-thị, nói chung, cũng bị thiếu thốn. Tờ Thời Mới xuất bản ở Hà-Nội ngày 7 tháng 7, 1961 nói về nạn thiếu gạo ở thành-thị như sau:
"Mỗi lần họ (công-nhân xưởng máy dệt) đi mua gạo, họ phải nghỉ việc nửa ngày. Nhiều khi số người xếp hàng đông quá, họ phải nghỉ việc nhiều buổi mới mua được xuất gạo".
Tháng 4, 1965, tờ Nghiên-cứu Kinh-tế còn viết như sau : "Hãy còn tình-trạng phải xếp hàng chờ đợi, người tiêu dùng phải đi nhiều nơi, nhiều chỗ mới mua được đủ những mặt hàng thực-phẩm khác nhau cần cho việc nấu ăn hàng ngày".
Lê-Ðông "Bàn về Vấn-đề Thực-phẩm cho các Thành-phố"
Nghiên-cứu Kinh-tế số 26, tháng 4, 1965.

Từ ngày bắt bắt đầu "thành-lập xã-hội chủ-nghĩa" Cộng-sản Bắc-Việt cố gắng xây-dựng một nền kỹ-nghệ, vừa để "chưng" với nhân-dân đấy là "xã-hội chủ-nghĩa", vừa nuôi hy-vọng sản xuất hàng-hóa công-nghệ, mang xuất cảng để đổi lấy vật-liệu và lương thực. Hiện nay đã có tất cả hơn một ngàn công-xưởng lớn nhỏ, nhưng vì thiếu chuyên viên, vì cán-bộ ưa sản-xuất nhanh và nhiều để lấy thành tích, nên hàng-hóa do Bắc-Việt chế-tạo không đúng tiêu chuẩn quốc-tế, vừa xấu vừa đắt, không thể nào cạnh tranh nổi với sản-phẩm công nghệ của Nhật-Bản hiện tràn ngập thị-trường Ðông-Nam-Á.
Mặc dù những khó khăn kể trên, Bắc-Việt vẫn hướng theo con đường mà 40 năm về trước ông Hồ hình dung là "con đường tiến tới thắng-lợi cuối cùng, tới chủ-nghĩa xã hội và chủ-nghĩa cộng-sản", con đường mà ông nhìn rõ vì có "mặt trời" của chủ-nghĩa Mác-Lênin soi sáng.
Vì quyết tâm đi theo con đường kể trên và bắt buộc mọi người đều phải tiến bước theo hướng "mặt trời Mác-Lênin nên Ðảng Lao-động bắt toàn-thể giới công-thương kể cả phu xích-lô, người làm nghề chữa xe-đạp và những người buôn thúng bán mẹt phải thành lập hợp-tác-xã để sinh hoạt tập-thể. Nhiều người phải bỏ nghề cũ để nhập đoàn đi "phát-triển văn-hóa và kinh-tế" trên thượng du, mỗi đoàn có một số đảng-viên Ðảng Lao-động đi theo kiềm soát. Một số đã tự vẫn, còn đa số hiện làm việc và sinh-hoạt theo kiểu "cu-ly" đồn điền thưở trước.
Nói về sự thay đổi lề lối sinh-hoạt cũng nên nhắc tới số phận những người mà cộng-sản mệnh danh là "tư- sản đân-tộc". Họ là những người trước kia có một xưởng máy con con, dùng dăm bảy người thợ và học việc. Hồi mới về tiếp-thu Hà-Nội, Cộng-sản đề cao họ "bạn của nhân dân" và hứa tôn-trọng hình-thức kinh-doanh của họ. Nhưng Cộng-sản chỉ giữ lời cho đến ngày chiếm cú Hải-phòng, cửa bể cuối cùng để di-cư vào Nam. Sau đó chính-quyền Bắc-Việt buộc các xí-nghiệp tư-nhân phải đổi thành công-tư hợp-doanh, nghĩa là tự đặt mình dưới sự kiểm-soát của chính-phủ. Nếu họ không chịu, chính phủ sẽ không cung-cấp nguyên-vật-liệu. Những chủ cũ được tiếp-tục điều khiển xưởng máy với chức-vụ giám-đốc, nhưng dưới sự giám-sát chặt chẽ của cán-bộ Ðảng. Tình trạng "nửa nạc nửa mỡ" này được duy-trì trong hai năm (1957-59). Nhưng từ 1959 trở đi, khi bước sang giai đoạn "Xây-dựng Xã-hội Chủ-nghĩa", Ðảng cử đảng-viên là giám-đốc và bắt các "tư-sản dân-tộc" phải "cải-tạo theo chủ-nghĩa xã-hội", nghĩa là phải làm việc bằng tay chân công-nhân, nặng nhọc hơn công-nhân, trong khi vẫn bị khinh rẻ là "giai-cấp bóc lột". Tư-sản dân-tộc khác địa-chủ ở điểm không bị đấu tố và tù đày, nhưng cả hai đều từ địa vị "bạn của cách mạng, của nhân dân" bước xuống thành phần "kẻ-thù của giai-cấp". Theo tờ Học-Tập, cơ quan lý luận của Ðảng Lao-Ðộng, thì kiếp sống của "tư-sản dân tộc" đã làm mủi lòng một số đảng-viên phụ-trách kiểm-soát họ. Tờ Học-Tập viết :
"Có một số cán-bộ phụ-trách xí-nghiệp công-tư hợp doanh quả quyết rằng những người tư sản đang làm việc ở xí nghiệp do các đồng-chí đó phụ trách đã tiến-bộ một trăm phần trăm, và việc cải-tạo xã-hội chủ nghĩa đối với họ "không còn thành vấn-đề nữa". Thế rồi các đồng-chí đó hối hả đòi "thay đổi thành-phần (thăng chức làm công-nhân) cho các nhà tư-sản... Rất rõ ràng là nếu những người làm công-tác cải-tạo giai cấp tư-sản dân-tộc không chịu đi vào nghiên-cứu "cuộc sống nội-tâm" của những nhà tư-sản, chỉ mới nhìn thấy những vết dầu mỡ loang trên tấm áo và thậm chí những chai tay của các nhà tư-sản mà đã vội tính chuyện thay đổi thành-phần cho họ, thì những người (cán-bộ) đó sẽ rất dễ bị lóa mắt bởi những hiện-tượng bề ngoài mà không nắm được bản-chất vấn-đề, do đó sẽ không thể nào làm tròn trách-nhiệm trước Ðảng và giai-cấp".
(Học Tập, tháng 3, 1965).

Giới tư-sản dân-tộc Bắc-Việt đã chịu lam lủ trong 7 năm nay, nhưng lời tuyên-bố kể trên chứng tỏ con đường "cải tạo" của họ còn dài, và hiện nay họ chưa có mảy may hy vọng "lên chức" công-nhân. Hiện nay Bắc-Việt đã hoàn thành công-cuộc tập-thể-hóa nông-nghiệp và công-nghiệp, nhưng có một điểm đáng chú ý Bắc-Việt chưa thành-lập "nhân-dân công-xã". Từ trước Bắc-Việt vẫn theo sát chính-sách của Trung-Cộng. Tất cả mọi phong-trào do Trung-Cộng đề xướng đều được thi hành tại Bắc-Việt chừng hai năm sau . bắt đầu từ Thuế Nông-nghiệp đến Cải-cách Ruộng-đất, rồi đến tổ-đổi công, hợp-tác-xã... nhưng Trung-cộng đã thực-hiện "nhân-dân công-xã" từ bảy tám năm nay mà cho tới nay Bắc-Việt vẫn cứ đứng nguyên trong giai-đoạn "hợp-tác-xã". Có thể Bắc-Việt đã nghe lời khuyên can của Nga-Xô mà không tiến tới "nhân-dân công-xã", mà cũng có thể Bắc-Việt chưa muốn thực-hiện một chế độ hoàn toàn cộng-sản trong khi chưa "giải-phóng" được miền Nam. Nhưng vì áp-lực của Tàu mỗi ngày một mạnh nên rồi ra, rất có thể, Bắc-Việt sẽ trở lại bắt-chước Trung-Cộng và đi theo từng bước chân một.
Việt-Nam là một tiểu quốc, nhưng đã anh-dũng thoát khỏi nạn Hán-hóa sau một nghìn năm đô-hộ và, trong lịch-sử hiện-đại, đã chiến-thắng thực-dân một cách vẻ vang nhất thế giới, nhưng cũng vì một nghìn năm đô hộ thực-sự, và hai nghìn năm "đô-hộ văn-hóa" nên các lãnh-tụ Việt-Nam lúc nào cũng sẵn sàng nhập-cảng những lý-thuyết từ bên ngoài yên-trí rằng hể hợp với người là hợp với ta. Kết quả của việc vay mượn lý-thuyết đã hiển hiện trước mắt : hai mươi năm chịu đựng chiến-tranh và tàn-phá trong khi toàn thế giới lo việc xây-dựng.
Chúng tôi không muốn bàn đến cái hay và cái dở của ông Hồ, vì mặc-dù đã già nua, sự nghiệp của ông vẫn chưa kết thúc ; nhưng nếu có người hỏi chúng tôi "Giá không có ông Hồ thì số phận của Việt-Nam hiện nay như thế nào ?", chúng tôi xin trả lời : Vì tất cả các thuộc-địa cũ đều độc-lập thì không lẽ chỉ riêng Việt-Nam, vì không có ông Hồ, mà không được độc-lập. Vấn-đề có hay không có cộng-sản lãnh-đạo không liên-quan đến vấn-đề thu hồi độc-lập quốc-gia, vì nhiều nước không có cộng-sản cầm chính-quyền mà cũng vẫn thu hồi được độc-lập. Trái lại, nếu chúng ta điểm qua tất cả các cựu thuộc-địa, chúng ta chỉ thấy có hai nước bị chiến tranh tàn phá nhiều nhất, bị chia cắt lãnh-thổ, bị từ chối không được vào Liên-Hiệp-Quốc. Hai nước ấy là Việt-Nam và Triều-Tiên, cũng là hai nước có cộng-sản nắm chính-quyền. Do đó chúng ta có thể kết-luận : Chẳng phải vì có cộng-sản lãnh đạo mới có độc-lập, mà chính vì có cộng-sản lãnh-đạo nên mới thành "thí-điểm" để hai khối thử sức và thử tài, để xem ai là cọp thực và ai là cọp giấy. Một là ông Hồ đã quên câu tục-ngữ Việt-Nam "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết", hai là ông Hồ tự coi mình là "trâu" và dân-chúng Việt-Nam là "muỗi". Mặt trời Mác-Lê của ông Hồ quả là một mặt trời rất chói lọi, nhưng hình như vì chói lọi quá nên đã làm cháy da chảy thịt toàn-thể dân-tộc Việt-Nam từ Bắc chí Nam.
Còn nếu có người hỏi chúng tôi "thành-phần nào trong xã-hội Việt-Nam bị 'mặt trời' của ông Hồ đốt cháy nhiều nhất ?", chúng tôi xin thưa : thành-phần trung-lưu, thường được mệnh danh là tiểu-tư-sản, thành-phần xuất thân của đa-số trí-thức và văn-nghệ-sĩ Việt-Nam. Nếu có bạn đọc nào chưa công nhận đấy là sự-thực khách-quan, chúng tôi xin đề nghị bạn ấy đọc lại những tài-liệu liên quan đến "trung-nông" và văn-nghệ-sĩ chúng tôi đã trích hầu các bạn trong báo chí Bắc-Việt. Còn câu hỏi "Phải hy sinh bao nhiêu xương máu nữa thì sẽ lên tới thiên-đường cộng-sản và thiên-đường ấy huy hoàng lộng lẫy như thế nào ?" thì chúng tôi không dám trả lời vì đấy thuộc về sự nhận-thức của mỗi người. Chúng tôi chỉ cống-hiến những tài-liệu khách quan để xây dựng nhận-thức ấy.■
(Hết)


-------------------------------------------------------------

Cũng đăng trên Vietnam Review
Từ Thực Dân Ðến Cộng-Sản - Một Kinh-Nghiệm Lịch-Sử Của Việt-Nam (phần I)
[05/06/2008 - Tác giả:
admin1 - Vietnam Review]
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=7652



No comments: