Tuesday, March 17, 2009

TỪ CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ SANG THỂ CHẾ DÂN CHỦ (7)

Từ chế độ toàn trị sang thể chế dân chủ
Gene Sharp


Chương Tám
Áp dụng chống đối chính trị

Trong những trường hợp quần chúng cảm thấy bất lực và sợ hãi thì điều quan trọng là những công tác khởi đầu của quần chúng phải ít hiểm nguy và là những hành động xây dựng niềm tin. Những loại hành động này - chẳng hạn như mặc quần áo không như bình thường - có thể xem là một biểu lộ công khai sự bất đồng chính kiến và tạo cơ hội cho quần chúng tham gia một cách tích cực vào các hành động đối kháng. Trong những trường hợp khác, một vấn đề phi chính trị tương đối tiểu tiết (ở bề ngoài), chẳng hạn như bảo trì một nguồn cung cấp nước, có thể trở thành tâm điểm cho hành động nhóm. Các chiến lược gia phải chọn một vấn đề được công nhận là có giá trị một cách rộng rãi và không dễ bài bác. Thành công trong những chiến dịch cục bộ như vậy không những điều chỉnh những bất mãn đích thực mà còn thuyết phục quần chúng để quần chúng thấy tiềm năng của họ.

Phần nhiều các chiến lược của những chiến dịch đấu tranh dài hạn không nên nhằm vào mục đích đánh đổ tức khắc chế độ độc tài, mà thay vào đó là việc chiếm được những mục tiêu giới hạn. Không phải tất cả các chiến dịch đều đòi hỏi sự tham gia của tất cả thành phần xã hội.

Trong khi xét định một loạt những chiến dịch đặc thù để thực hiện chiến lược toàn bộ, các chiến lược gia đối kháng cần xem xét những chiến dịch khác nhau như thế nào từ lúc khởi đầu, đến giai đoạn giữa và lúc kết thúc của cuộc đấu tranh dài hạn.

Đối kháng có lựa chọn


Vào giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, những chiến dịch riêng biệt nhằm những mục tiêu cụ thể khác nhau rất cần thiết. Những chiến dịch chọn lọc như vậy được nối tiếp với những chiến dịch khác. Đôi khi, hai hoặc ba chiến dịch có thể trùng lập với nhau ở một thời điểm.

Khi lập kế hoạch chiến lược nhằm thực hiện «đối kháng chọn lọc», chúng ta cần nhận diện những vấn đề nhỏ cụ thể hoặc những bất mãn biểu trưng tính đàn áp toàn bộ của chế độ độc tài. Những vấn đề như vậy có thể là những tiêu điểm thích hợp để phát động chiến dịch nhằm chiếm những mục tiêu chiến lược trung gian trong khuôn khổ của chiến lược toàn bộ.

Cần phải đạt được những mục tiêu chiến lược trung gian bằng năng lực sẵn có hoặc dự đoán của lực lượng dân chủ. Điều này giúp bảo toàn một loạt những thắng lợi, làm vững tinh thần và cũng đóng góp vào việc chuyển hóa càng ngày càng thuận lợi về tương quan quyền lực cho cuộc đấu tranh dài hạn.

Chiến lược đối kháng chọn lọc phải tập trung trước tiên vào những vấn đề xã hội, kinh tế hoặc chính trị. Chúng có thể được lựa chọn với mục đích tách rời một phần hệ thống xã hội và chính trị ra khỏi tầm kiểm soát của kẻ độc tài, chiếm lại một phần đương bị kẻ độc tài chiếm giữ hoặc ngăn chặn không cho kẻ độc tài thực hiện một mục tiêu cá biệt nào đó. Nếu có thể, chiến dịch đối kháng chọn lọc cũng nên đánh vào một hoặc nhiều nhược điểm của chế độ độc tài, như đã thảo luận trước đây. Do đó, chiến sĩ dân chủ có thể với năng lực sẵn có của mình tạo được một tác động lớn mạnh nhất.

Ngay từ ban đầu, các chiến lược gia phải hoạch định ít nhất một chiến lược cho chiến dịch đầu tiên. Những mục tiêu của chiến lược giới hạn ấy là gì ? Chúng có giúp thực hiện chiến lược toàn bộ đã chọn lựa không ? Nếu có thể, chúng ta nên khôn ngoan hoạch định ít nhất những nét đại cương của chiến lược cho các chiến dịch thứ hai và có thể thứ ba. Tất cả những chiến lược như vậy cần phải phù hợp vói chiến lược toàn bộ và thực hiện trong khuôn khổ những định hướng chính.

Thách thức có tính biểu trưng

Lúc khởi sự một chiến dịch mới để xoi mòn chế độ độc tài, những hành động đầu tiên mang nhiều tính chính trị có thể bị giới hạn trong phạm vi này. Chúng được phát động một phần để thăm dò và gây ảnh hưởng đến tâm trạng của quần chúng và chuẩn bị họ trong cuộc đấu tranh bất hợp tác và chống đối chính trị.

Hành động khởi đầu bắt buộc phải có hình thức đối kháng biểu trưng hoặc là một hành động bất hợp tác giới hạn hoặc nhất thời có tính biểu trưng. Nếu số người tham dự ít, hành động khởi đầu có thể, ví dụ như, đặt hoa tại một nơi quan trọng có tính cách biểu trưng. Mặt khác, nếu số người tham dự rất đông đảo, thì có thể là năm phút ngừng nghỉ mọi hoạt động hoặc giữ im lặng trong vòng nhiều phút. Trong những trường hợp khác, một vài cá nhân có thể đứng ra tuyệt thực, làm một đêm không ngủ tại một nơi quan trọng có tính biểu trưng, học sinh bãi khoá ngắn hạn trong lớp học hoặc chiếm đóng tạm thời một trụ sở quan trọng. Dưới chế độ độc tài, những hành động công phá mạnh mẽ hơn này chắc chắn sẽ bị đàn áp mãnh liệt.

Một vài hành động biểu trưng, chẳng hạn như chiếm đóng trước cửa dinh thự của kẻ độc tài hoặc trước tổng hành dinh của công an cảnh sát có thể gây nhiều nguy hại và vì vậy không nên dùng để khởi đầu một chiến dịch.

Các hành động phản kháng biểu trưng ban đầu đôi lúc gây chú ý trong nước và trên trường quốc tế - chẳng hạn như đám đông xuống đường tại Miến-điện năm 1998 hoặc sinh viên chiếm đóng và tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc-kinh năm 1989. Số lượng tử vong cao của người tham dự biểu tình trong cả hai trường hợp này lưu ý các chiến lược gia phải cẩn thận hoạch định chiến dịch. Mặc dù những hành động này có tác động to lớn về mặt tinh thần và tâm lý, nhưng tự nó không đủ sức đánh đổ chế độ độc tài, vì chúng có tính cách biểu tượng lớn và không làm chuyển hướng vị thế quyền lực của chế độ độc tài.

Thường khó cắt đứt nguồn cung cấp quyền lực của kẻ độc tài một cách toàn diện và nhanh chóng vào lúc khởi đầu của cuộc đấu tranh. Điều này gần như đòi hỏi toàn bộ quần chúng và tất cả những định chế của xã hội - đa số trước đây vẫn tùng phục - hoàn toàn phủ nhận chế độ và thình lình thách thức nó bằng hình thức bất hợp tác ào ạt và mãnh liệt. Điều này chưa từng xảy ra và rất khó thục hiện. Vì vậy trong đa số các trường hợp, một chiến dịch cấp thời bất hợp tác toàn diện và chống đối là một chiến lược không thực tiễn để khởi động một chiến dịch chống lại chế độ độc tài.

Phân phối trách nhiệm

Trong một chiến dịch đối kháng chọn lọc, sức mạnh chủ yếu của cuộc đấu tranh ở một thời điểm, thường phát xuất từ một hay nhiều chi nhánh của quần chúng. Trong chiến dịch sau này với mục tiêu khác, gánh nặng của cuộc đấu tranh có thể được chuyển sang những nhóm khác của quần chúng. Ví dụ, sinh viên có thể bãi học vì vấn đề giáo dục, các cấp lãnh đạo tôn giáo và tín đồ có thể tập trung vào các vấn đề tự do tôn giáo, các công nhân hỏa xa có thể tuân thủ tỉ mỉ những quy tắc an ninh để gây chậm trễ trong hệ thống chuyên chở, ký giả có thể thách thức chế độ kiểm duyệt bằng cách phát hành báo chí với những đoạn bỏ trắng, nơi lý ra các bài bị cấm đoán phải được đăng, hoặc cảnh sát liên tục thất bại trong việc xác định vị trí và chận bắt các thành viên của phong trào đối kháng dân chủ. Phân định các chiến dịch đối kháng theo từng chuyên mục và từng nhóm quần chúng sẽ cho phép một số thành phần của quần chúng có thể nghỉ ngơi trong khi đó cuộc đối kháng vẫn tiếp tục.

Đối kháng chọn lọc đặc biệt quan trọng vì nó bảo vệ sự hiện hữu và tính cách độc lập của những nhóm xã hội, kinh tế và chính trị và các định chế nằm ngoài tầm kiểm soát của chế độ độc tài, như đã được thảo luận trước đây. Các trung tâm quyền lực này là nền tảng cho những cơ sở có tính cơ cấu, từ đó quần chúng có thể tạo áp lực hoặc kháng cự lại quyền kiểm soát của chính quyền độc tài. Trong cuộc đấu tranh, chắc chắn những cơ sở có tính cơ cấu này là những mục tiêu đầu tiên của chế độ độc tài.

Nhắm vào quyền lực của kẻ độc tài

Khi cuộc đấu tranh dài hạn vượt qua chiến lược khởi đầu và đi vào giai đoạn có nhiều triển vọng khả quan và tiên tiến, các chiến lược gia cần phải suy tính để làm thế nào hạn chế nguồn cung cấp quyền lực của kẻ độc tài mỗi lúc một nhiều hơn. Mục đích là dùng sự bất hợp tác của quần chúng để tạo nên một tình thế chiến lược thuận lợi hơn cho lực lượng dân chủ.

Khi lực lượng đối kháng dân chủ được thêm sức mạnh, các chiến lược gia phải trù tính thực hiện việc bất hợp tác và đối kháng táo bạo hơn để cắt đứt nguồn cung cấp quyền lực của chế độ độc tài, với mục tiêu tạo nên sự tê liệt chính trị mỗi lúc gia tăng và cuối cùng sự tan vỡ của chính chế độ độc tài.

Chúng ta cần hoạch định cẩn thận phương cách lực lượng dân chủ làm suy yếu sự hỗ trợ của những nguời và những nhóm trước đây vẫn ủng hộ chế độ độc tài. Sự hỗ trợ của họ có suy giảm do những tiết lộ về những bạo tàn của chế độ, do phơi bày những kết quả tồi tệ của nền kinh tế mà nguyên nhân của sự tồi tệ này là do chính sách của kẻ độc tài hoặc do mới hiểu biết là chế độ độc tài có thể bị chấm dứt ? Các người ủng hộ kẻ độc tài ít ra cũng trở nên «trung lập» trong sinh hoạt của họ («những người chờ đợi bên bờ rào») hoặc tích cực hơn trở nên những người ủng hộ phong trào dân chủ.

Trong lúc lập kế hoạch và thực thi chống đối chính trị và bất hợp tác, điều tối quan trọng là theo dõi sát tất cả những người ủng hộ và phụ tá thân cận của kẻ độc tài, như nhóm cốt lõi nội bộ, nhóm chính trị, công an và thư lại, đặc biệt là quân đội.

Mức độ trung thành của các lực lượng quân đội, cả binh lính lẫn sĩ quan, đối với chế độ độc tài cần phải được ước định cẩn thận và xác định xem quân đội có bị ảnh hưởng của các lực lượng dân chủ không. Có nhiều binh sĩ bình thường là những người phải thi hành nghĩa vụ quân sự không hạnh phúc và sợ hãi ? Có nhiều binh sĩ và sĩ quan xa lánh chính quyền vì cá nhân, gia đình hoặc những lý do chính trị ? Những yếu tố nào có thể làm cho các binh lính và sĩ quan chấp nhận sự khuynh loát của lực lượng dân chủ?

Ngay từ lúc khởi sự cuộc đấu tranh giải phóng cần khai triển một chiến lược đặc biệt để liên lạc với quân đội và công chức của kẻ độc tài. Qua ngôn từ, biểu tượng và hành động, các lực lượng dân chủ có thể thông báo cho đoàn quân này cuộc đấu tranh giải phóng sẽ mãnh liệt, kiên quyết và liên lỉ. Quân đội cần phải biết cuộc đấu tranh mang một tính chất đặc biệt, nhằm tiêu diệt chế độ độc tài nhưng không đe dọa tính mạng của họ. Những nỗ lực này xoi mòn trên cơ bản tinh thần của quân đội của kẻ độc tài và cuối cùng làm xiêu lòng trung thành và tình thần phục tùng ngả về hướng phong trào dân chủ. Những chiến lược tương tự cũng có thể nhằm vào cảnh sát và công chức.

Những cố gắng nhằm tích lũy cảm thông và, cuối cùng khiến các lực lượng của kẻ độc tài bất tuân, tuy nhiên, không được xem như là khuyến khích lực lượng quân sự châm dứt lập tức chế độ độc tài hiện tại bằng hành động quân sự. Một kịch bản như vậy không thể nào thiết lập một thể chế dân chủ khả thi, vì (như chúng ta đã thảo luận) một cuộc đảo chánh không giúp phục hồi thế quân bình quyền lực giữa quần chúng và người cai trị. Vì vậy cần phải hoạch định làm sao cho các sĩ quan quân đội có cảm tình với phong trào dân chủ hiểu rằng một cuộc đảo chánh hoặc một cuộc nội chiến chống lại chế độ độc tài không cần thiết và không ai mong muốn.

Các sĩ quan có cảm tình có thể đóng vai trò sinh tử trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ, như kêu gọi sự bãi nhiệm và bất hợp tác của các lực lượng quân đội, khuyến khích việc vô hiệu năng hóa có chủ đích và lặng lẽ bất tuân lệnh và hỗ trợ việc từ chối đàn áp. Nhân sự trong quân đội cũng có thể cung cấp nhiều phương cách hỗ trợ bất bạo động tích cực cho phong trào dân chủ, trong đó gồm có việc đi lại an toàn, thông tin, thực phẩm, dược phẩm và những vật liệu tương tự.

Quân đội là một trong những nguồn cung cấp quyền lực quan trọng nhất của kẻ độc tài vì quân đội có thể dùng các đơn vị kỷ luật và vũ khí trực tiếp tấn công và trừng trị quần chúng bất phục tùng.Các chiến lược gia đối kháng luôn phải nhớ việc đánh đổ chế độ độc tài rất là khó khăn nếu không muốn nói là không thể thực hiện được nếu công an, công chức thư lại và lực lượng quân đội vẫn kiên định hỗ trợ cho chế độ độc tài và tuân phục thi hành lệnh của chế độ. Các chiến lược gia dân chủ vì vậy cần phải ưu tiên chú trọng đến chiến lược nhằm khuynh đảo lòng trung thành của các lực lượng theo kẻ độc tài.

Các lực lượng dân chủ nên nhớ tinh thần bất mãn và bất tuân trong lực lượng quân đội và cảnh sát rất nguy hiểm cho các thành viên của những nhóm đó. Binh sĩ và cảnh sát có thể bị chế tài nặng nề vì những hành vi bất tuân và hành động nội loạn. Các lực lượng dân chủ không nên yêu cầu binh sĩ và sĩ quan tức khắc tạo phản. Thay vào đó, khi mối liên lạc đã được nối, cần phải minh định rằng có nhiều hình thức tương đối an toàn của «bất tuân trá hình» mà họ có thể làm lúc ban đầu. Ví dụ, cảnh sát và quân đội có thể thi hành không hiệu năng mệnh lệnh đàn áp, thất bại trong việc tìm tung tích các cá nhân bị truy lùng, thông báo cho đối kháng cuộc đàn áp, bắt bớ hoặc lưu đầy sắp đến và không báo cáo những tin tức quan trọng cho cấp trên. Các sĩ quan bất mãn đến lượt họ cũng có thể chểnh mảng trong việc chuyển lệnh đàn áp xuống hạ tầng. Các binh sĩ có thể bắn quá đầu các người biểu tính. Tương tự như vậy, về phần họ, các công chức có thể đánh lạc hồ sơ và chỉ thị, làm việc thất trách và « bị ốm » phải nằm nhà cho đến khi « phục hồi ».

Thay đổi chiến lược

Các nhà chiến lược của phong trào chống đối chính trị luôn luôn cần phải ước định xem chiến lược toàn bộ và những chiến lược trong những chiến dịch cục bộ có được thi hành đúng đắn không. Có thể, ví dụ như, cuộc tranh đấu không thuận lợi như đã dự tính. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải suy tính những thay đổi cần thiết trong chiến lược. Chúng ta có thể làm được những gì để gia tăng sức mạnh của phong trào và lấy lại thế chủ động ? Trong những tình huống như vậy, chúng ta cần phải nhận dạng vấn đề, ước định lại chiến lược, có thể chuyển đổi trách nhiệm đấu tranh sang một nhóm khác trong quần chúng, huy động những nguồn năng lực mới để cung cấp thêm sức mạnh và khai triển những đường hướng hành động khác. Khi điều này đã hoàn thành, chiến lược mới phải được thực hiện tức khắc.

Cùng lúc, nếu cuộc đấu tranh tiến triển khả quan hơn mong muốn và chế độ độc tài sụp đổ nhanh hơn dự tính, các lực lượng dân chủ làm thế nào để tích lũy các thắng lợi bất ngờ và xúc tiến việc tê liệt hóa chế độ độc tài ? Chúng ta sẽ đào sâu vấn đề này trong chương tới.


Chương Chín
Đánh tan chế độ độc tài

Tác dụng tích lũy của những chiến dịch chống đối chính trị được chỉ huy đúng và có kết quả sẽ củng cố sức mạnh của đối lập đồng thời thiết lập và khuếch trương những khu vực xã hội mà quyền kiểm soát thực sự của chế độ độc tài bị hạn chế. Những chiến dịch này cũng cung cấp những kinh nghiệm quý báu để biết làm thế nào từ chối hợp tác và làm thế nào thực thi chống đối chính trị. Kinh nghiệm này sẽ giúp rất nhiều cho việc tổ chức bất hợp tác và chống đối trên bình diện quy mô khi có cơ hội.

Như đã thảo luận ở Chương Ba, tuân hành, hợp tác và tùng phục là những yếu tố thiết yếu giúp cho kẻ độc tài có quyền lực. Không còn nguồn cung cấp quyền lực chính trị, quyền lực của kẻ độc tài sẽ yếu đi và cuối cùng tan rã. Do đó, thu hồi sự hỗ trợ cho kẻ độc tài là hành động thiết yếu để phá hủy chế độ độc tài. Chúng ta cần duyệt xét phương cách làm thế nào chống đối chính trị có ảnh hưởng đến những nguồn cung cấp quyền lực.

Những hành động từ chối và chống đối có tính biểu trưng là những phương tiện sẵn có để xoi mòn uy quyền tinh thần và chính trị của chế độ - tính chính danh của nó. Quyền uy của chế độ càng lớn bao nhiêu thì lòng tuân phục và tinh thần hợp tác mà nó nhận được càng lớn và càng chắc chắn bấy nhiêu. Bất đồng về tinh thần cần được biểu lộ qua hành động để có thể đe dọa thực sự sự sống còn của chế độ độc tài. Bất hợp tác và bất tuân hành là những điều cần thiết để cắt đứt việc sử dụng những nguồn cung cấp quyền lực của chế độ.

Một nguồn cung cấp quyền lực quan trọng thứ hai là nhân lực, số lượng và tầm quan trọng của những người và nhóm tuân lệnh, hợp tác hoặc hỗ trợ cho kẻ độc tài. Nếu đại bộ phận quần chúng bất hợp tác, chế độ sẽ gặp những khó khăn lớn. Ví dụ, nếu các công chức không làm việc có hiệu quả như thường lệ hoặc ở nhà, guồng máy hành chánh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tương tự như vậy, nếu các cá nhân và nhóm trong đó có cả những người trước đây vẫn cung cấp kỹ năng và hiểu biết, bất hợp tác, thì lúc đó kẻ độc tài sẽ thấy khả năng thực thi ý định của họ suy giảm kinh khủng. Ngay cả khả năng có những quyết định đúng đắn và khai triển các chính sách có hiệu quả cũng giảm thiểu một cách nghiêm trọng.

Nếu những ảnh hưởng tâm lý và ý thức hệ - được gọi là những yếu tố không nắm bắt được - thường khiến quần chúng tuân theo và hỗ trợ kẻ cai trị, bị suy giảm hoặc đảo ngược, quần chúng có khuynh hướng bất tuân và bất hợp tác.

Khả năng chiếm hữu tài nguyên vật chất của kẻ độc tài cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lực của họ. Nếu quyền kiểm soát nguồn tài chánh, hệ thống kinh tế, sở hữu tài sản, tài nguyên thiên nhiên, chuyên chở và các phương tiện truyền thông, nằm trong tay của đối lập hiện tại hoặc tương lai thì nguồn cung cấp quyền lực chính yếu này của kẻ độc tài sẽ trở nên yếu kém hoặc bị thu đoạt. Đình công, tẩy chay và gia tăng tự trị trong sinh hoạt kinh tế, thông tin liên lạc và chuyên chở sẽ làm suy yếu chế độ.

Như đã thảo luận trước đây, khả năng kẻ độc tài đe dọa hoặc áp dụng chế tài - trừng phạt đối với các bộ phận bất kham, bất tuân và bất hợp tác của quần chúng - là nguồn cung cấp quyền lực chính yếu của kẻ độc tài. Nguồn cung cấp quyền lực này có thể suy giảm bằng hai cách. Thứ nhất, nếu quần chúng được chuẩn bị, như trong thời chiến, dám liều chấp nhận những hậu quả nghiêm trọng như là giá phải trả của việc chống đối, hiệu quả của những chế tài được dùng sẽ giảm một cách triệt để (có nghĩa là công cuộc đàn áp của kẻ độc tài không chắc sẽ duy trì được lòng tuân phục mà kẻ độc tài mong muốn). Thứ hai, nếu công an và lực lượng quân sự chính họ cũng bất bình, họ có thể với tư cách cá nhân hoặc tập thể tránh né hoặc công khai bất tuân lệnh bắt bớ, đánh đập hoặc bắn giết các chiến sĩ đối kháng. Nếu kẻ độc tài không còn trông cậy được vào công an và lực lượng quân đội để đàn áp, chế độ độc tài sẽ bị đe dọa trầm trọng.

Tóm lại, để thắng chế độ độc tài ngoan cố, đòi hỏi việc bất hợp tác và chống đối phải làm suy giảm và tháo gỡ những nguồn cung cấp quyền lực của chế độ. Không có sự bổ sung liên tục của các nguồn cung cấp quyền lực, chế độ độc tài sẽ suy yếu và cuối cùng tan vỡ. Vì vậy việc lập kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh cho việc chống đối chính trị chống chế độ độc tài cần phải nhắm vào những nguồn cung cấp quyền lực quan trọng nhất của kẻ độc tài.

Leo thang quyền tự do

Cùng với chống đối chính trị trong giai đoạn đối kháng chọn lọc, sự lớn mạnh của các định chế tự trị xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị dần dần sẽ mở rộng « không gian dân chủ » của xã hội và thu hẹp quyền kiểm soát của chế độ độc tài. Khi các định chế dân sự của xã hội mạnh hơn chế độ độc tài, lúc đó, cho dù kẻ độc tài có mong muốn gì đi nữa, quần chúng vẫn xây dựng một cách tiệm tiến một xã hội độc lập nằm ngoài quyền kiểm soát của kẻ độc tài. Nếu và khi chế độ độc tài can thiệp để ngăn chặn đà «leo thang tự do» này, chúng ta có thể áp dụng đấu tranh bất bạo động để bảo vệ không gian mới xây dựng và chế độ độc tài sẽ phải đương đầu với một «mặt trận» khác của cuộc đấu tranh.

Đôi lúc, sự phối hợp giữa đối kháng và xây dựng định chế có thể đưa đến tự do trên thực tế, làm cho chế độ độc tài sụp đổ và việc chính thức thiết lập thể chế dân chủ không thể chối bỏ được nữa vì tương quan quyền lực trong xã hội đã bị thay đổi hoàn toàn.

Ba-lan vào những thập niên 1970 và 1980 cho ta một bằng chứng rõ ràng về việc phục hồi tiệm tiến những chức năng và định chế của một xã hội bằng đối kháng. Giáo hội Công Giáo đã bị bách haị nhưng chưa bao giờ hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của nhà nước Cộng Sản. Năm 1976 một vài trí thức và công nhân thành lập một nhóm nhỏ như K.O.R (Komitet Obrony Robotników - Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân) để phổ biến những tư tưởng chính trị. Tổ chức Công đoàn Solidarnosc với khả năng sử dụng những cuộc đình công có kết quả đã ép chính phủ phải hợp thức hóa công đoàn năm 1980. Nông dân, sinh viên và nhiều nhóm khác cũng tự thành lập những tổ chức độc lập của mình. Khi Cộng Sản nhận thấy các nhóm này đã làm thay đổi quyền lực thực tế, Solidarnosc bị khai trừ một lần nữa và Cộng Sản đã phải dùng đến thiết quân luật.

Ngay cả lúc thiết quân luật, với bao nhiêu vụ giam bắt và tàn bạo bách hại, các định chế độc lập mới này của xã hội vẫn tiếp trục vận chuyển. Ví dụ, một chục nhật báo và tuần báo chui vẫn tiếp tục được phát hành. Các nhà phát hành chui hàng năm phân phối hàng trăm quyển sách, trong khi đó những văn sĩ nổi tiếng tẩy chay sách vở Cộng Sản và những nhà phát hành của chính quyền. Những sinh hoạt tương tự tiếp diễn trong những lãnh vực khác của xã hội.

Dưới chế độ quân phiệt của Jaruzelski, chính quyền Cộng sản-quân đội có một lúc được mô tả như đang nhảy múa lung tung trên đầu của xã hội. Các viên chức vẫn chiếm ngự các văn phòng và dinh thự của chính quyền. Chế độ vẫn có thể ra tay trùng trị xã hội bằng những hình phạt, giam giữ, bỏ tù, tịch thu ấn phẩm báo chí và những thứ đại loại như vậy. Tuy nhiên chế độ không thể kiểm soát xã hội. Từ đó trở đi, cho đến khi xã hội có khả năng đánh đổ toàn diện chế độ, chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ngay cả khi một chế độ độc tài vẫn nắm chính quyền, đôi khi cũng có thể tổ chức một «chính quyền song song» dân chủ. Bộ phận này sẽ gia tăng hoạt động như một chính phủ đối lập được quần chúng và các định chế của xã hội chấp nhận trung thành, tuân phục và hợp tác. Chế độ độc tài do đó, càng ngày càng mất đi đặc tính của một chính phủ. Cuối cùng, chính phủ dân chủ song song có thể thay thế hoàn toàn chế độ độc tài trong tiến trình chuyển đổi sang một hệ thống dân chủ. Theo đúng trình tự, một bản hiến pháp có thể được chuẩn phê và bầu cử được tổ chức theo chương trình chuyển đổi.

Đánh tan chế độ độc tài

Trong lúc việc thay đổi định chế của xã hội đang diễn ra, phong trào chống đối và bất hợp tác có thể leo thang. Các chiến lược gia của lực lượng dân chủ nên suy nghĩ trước khi nào lực lượng dân chủ có thể bỏ đối kháng chọn lọc và phát động đối kháng trên quy mô lớn. Trong nhiều trường hợp, việc thành lập, xây dựng hoặc khuếch trương khả năng đối kháng đòi hỏi thời gian và việc khai triển chống đối quy mô chỉ có thể thực hiện sau nhiều năm. Trong giai đoạn tạm thời những chiến dịch đối kháng chọn lọc phải được phát động nhằm vào các mục tiêu chính trị mỗi lúc một quan trọng hơn. Khối đông quần chúng ở mọi cấp độ trong xã hội phải tham gia mỗi lúc một nhiều hơn. Vì tính quyết liệt và tinh thần kỷ luật của chống đối chính trị trong những sinh hoạt leo thang này, làm cho những nhược điểm nội tại của của chế độ độc tài có khả năng mỗi lúc một hiển nhiên hơn.

Sự phối hợp của chống đối chính trị mạnh mẽ và việc xây dựng những định chế độc lập có khả năng vào một lúc nào đó gây sự chú ý, rộng khắp trên trường quốc tế, thuận lợi cho lực lượng dân chủ. Nó cũng có thể làm cho quốc tế lên án về mặt ngoại giao, tẩy chay và cấm vận để hỗ trợ cho các lực lượng dân chủ (như đã xẩy ra tại Ba-lan).

Các chiến lược gia cần phải nhận thức trong một vài trường hợp, sự sụp đổ của chế độ độc tài có thể xẩy đến cực kỳ nhanh chóng, như tại Đông Đức năm 1989. Điều này xảy ra khi nguồn cung cấp quyền lực bị cắt đứt toàn diện vì toàn dân đột ngột chống lại chế độ độc tài. Tuy nhiên mô hình này không thường xảy ra và vì vậy tốt hơn chúng ta nên hoạch định một cuộc đấu tranh dài hạn (nhưng cũng phải chuẩn bị cho một cuộc đấu ngắn hạn).

Trong tiến trình của cuộc đấu tranh giải phóng, mọi thắng lợi, dù nhỏ, cũng phải được ăn mừng. Những ai đã góp phần vào chiến thắng cần được ghi nhận. Ăn mừng trong sự cảnh giác cũng giúp nâng cao tinh thần để tiếp tục hoàn thành những giai đoạn tới của cuộc đấu tranh.

Quản lý thắng lợi một cách hợp lý


Các vị hoạch định chiến lược toàn bộ cần phải biết ước đoán trước xem cuộc đấu tranh thành công phải diễn tiến như thế nào để kết thúc tốt đẹp nhất theo chiều hướng mong muốn và làm thế nào có thể tránh được sự trổi dạy của một chế độ độc tài khác và bảo đảm cho việc thiết lập dần dần một hệ thống dân chủ lâu bền.

Người dân chủ phải biết suy tính phương cách chuyển tiếp từ chế độ độc tài sang một chính phủ lâm thời khi cuộc đấu tranh chấm dứt. Tốt hơn hết là vào thời kỳ đó thiết lập nhanh chóng một chính phủ vận hành mới. Tuy nhiên, chính phủ này không thể là chính phủ cũ với nhân viên mới. Cần phải ước tính những bộ phận nào của cơ chế chính phủ cũ (chẳng hạn như công an chính trị) cần phải hoàn toàn xóa bỏ vì bản chất phản dân chủ cố hữu của nó và những bộ phận nào cần giữ lại để sau này dân chủ hóa. Một khoảng trống chính phủ toàn diện có thể mở đường cho hỗn loạn hoặc một thể chế độc tài mới.

Những kế hoạch đặc thù dành cho việc chuyển tiếp sang thể chế dân chủ phải được chuẩn bị sẵn sàng để đem ra áp dụng khi chế độ độc tài suy yếu hoặc sụp đổ. Những kế hoạch như vậy sẽ giúp phòng ngừa các nhóm khác cướp chinh quyền bằng phương cách đảo chánh. Chúng ta cũng cần có kế hoạch thiết lập một chính quyền dân chủ hợp hiến với đầy đủ quyền tự do chính trị và cá nhân. Những thay đổi đạt được, trả bằng giá đắt, không thể bị mất vì thiếu kế hoạch.

Khi phải đương đầu với khối quần chúng mỗi lúc một mạnh hơn và sự lớn mạnh của các nhóm và định chế dân chủ độc lập - mà chế độ độc tài thấy không còn kiểm soát được nữa - kẻ độc tài sẽ nhận ra toàn bộ sự nghiệp của họ đã bị tan rã. Toàn thể xã hội ngưng hoạt động, tổng đình công, đình công nằm nhà hàng loạt, diễn hành chống đối hoặc những hoạt động khác sẽ lần hồi xói mòn tổ chức và những định chế liên hệ của chính kẻ độc tài. Do hệ quả của chống đối và bất hợp tác như vậy, được tiến hành khôn ngoan với sự tham dự đông đảo và liên tục của quần chúng, kẻ độc tài sẽ mất quyền lực và các chiến sĩ dân chủ sẽ thắng mà không phải dùng đến vũ lực. Chế độ độc tài sẽ tan vỡ trước khối quần chúng chống đối.

Không phải tất cả những cố gắng như vậy sẽ thành công, nhất là không dễ dàng và ít khi nhanh chóng. Chúng ta cũng nên nhớ là với các cuộc chiến bằng quân sự chúng ta có thể thắng và có thể thua. Nhưng với chống đối chinh trị thì chúng ta có cơ hội chiến thắng thực sự. Như đã minh định trước đây, khả năng này sẽ gia tăng nếu biết khai triển một chiến lược toàn bộ khôn ngoan, hoạch định cẩn thận chiến lược, lao tâm lao lực và đấu tranh can đảm kỷ luật.


(Còn tiếp)

No comments: