Tuesday, March 17, 2009

TỪ CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ SANG THỂ CHẾ DÂN CHỦ (6)

Từ chế độ toàn trị sang thể chế dân chủ
Gene Sharp

Chương Bảy
Lập Kế Hoạch Chiến lược

Muốn có nhiều cơ may thành công, cấp lãnh đạo đối kháng cần đề ra kế hoạch hành động toàn diện, có khả năng củng cố sức mạnh của người dân đang đau khổ, làm suy yếu và sau đó đánh đổ chế độ độc tài và xây dựng một thể chế dân chủ bền vững. Để thực hiện kế hoạch hành động như vậy, cần phải biết ước định tình hình và lựa chọn hành động hữu hiệu một cách thận trọng. Từ việc phân tích thận trọng như vậy, có thể khai triển cả chiến lược toàn bộ lẫn những chiến lược vận động cục bộ để đạt tự do. Mặc dù liên quan với nhau, việc khai triển chiến lược toàn bộ và những chiến lược vận động là hai tiến trình khác nhau. Chỉ khi nào chiến lược toàn bộ đã được khai triển, những chiến lược vận động cục bộ lúc đó mới có thể khai triển một cách toàn diện. Chiến lược vận động cần được minh họa để hoàn tất và tăng viện cho những mục tiêu của chiến lược toàn bộ.

Việc khai triển chiến lược đối kháng đòi hỏi phải quan tâm về nhiều vấn đề và công tác. Ở đây chúng ta nhận diện một vài yếu tố quan trọng cần phải chú ý, trên cả hai bình diện chiến lược toàn bộ và chiến lược vận động cục bộ. Tất cả những việc lập kế hoạch chiến lược, tuy thế, đều đòi hỏi các cấp lãnh đạo đối kháng phải có một sự hiểu biết sâu sắc về toàn bộ tình hình xung đột, và phải chú ý đến những yếu tố vật chất, lịch sử, chính quyền, quân sự, văn hóa, xã hội, chính trị, tâm lý, kinh tế và quốc tế. Chiến lược chỉ có thể khai triển trong khuôn khổ của một cuộc đấu tranh cá biệt và bối cảnh của nó.

Điều quan trọng nhất là các cấp lãnh đạo dân chủ và các chuyên viên chiến lược cần ước định những mục tiêu và tầm quan trọng của chính nghĩa theo đuổi. Những mục tiêu đó có xứng đáng để mở một cuộc đấu tranh toàn diện, và tại sao? Xác định mục tiêu thực sự của cuộc đấu tranh rất quan trọng. Chúng ta đã bàn luận ở đây việc đánh đổ một chế độ độc tài hoặc vứt bỏ những tên độc tài hiện hữu chưa phải là đủ. Mục tiêu cần thiết trong những cuộc xung đột này là thiết lập một xã hội tự do với một hệ thống chính quyền dân chủ. Sự rõ rệt trên điểm này sẽ ảnh hưởng đến việc khai triển chiến lược toàn bộ và những chiến lược đặc thù tiếp sau.

Đặc biệt, các chiến lược gia phải biết trả lời những câu hỏi căn bản như sau :
• Những trở ngại chính trong việc giành lại quyền tự do là gì ?
• Những yếu tố nào giúp lấy lại quyền tự do ?
• Sức mạnh chính yếu của chế độ độc tài là gì?
• Những điểm yếu của chế độ độc tài là những điểm nào?
• Ở mức độ nào nguồn cung cấp quyền lực cho chế độ độc tài dễ bị suy yếu ?
• Đâu là sức mạnh của của các lực lượng dân chủ và đại bộ phận quần chúng ?
• Đâu là những nhược điểm của của lực lượng dân chủ và làm thế nào để sửa chữa ?
• Quy chế của đệ tam nhân, không trực tiếp can dự trong cuộc xung đột như thế nào ? Họ đã hỗ trợhoặc cỏ thể hỗ trợ cho chế độ độc tài hoặc cho phong trào dân chủ, và nếu như vậy thì theo phương thức nào ?

Lựa chọn phương tiện


Trên bình diện chiến lược toàn bộ, các vị soạn thảo kế hoạch phải biết lựa chọn những phương tiện đấu tranh chính yếu được sử dụng trong cuộc xung đột sắp đến. Cần lượng định những thuận lợi và những giới hạn của nhiều kỹ thuật đấu tranh khác nhau, chẳng hạn như chiến tranh quy ước, chiến tranh du kích, chống đối chính trị và những phương pháp khác.Trong lúc lựa chọn, các chiến lược gia phải chú ý đến những câu hỏi như sau : Loại đấu tranh đã được lựa chọn có phù hợp với khả năng của các nhà dân chủ không ? Các kỹ thuật được chọn có vận dụng được sức mạnh của quần chúng đang bị thống trị ? Kỹ thuật này có nhằm đúng những yếu điểm của chế độ độc tài, hay là đánh vào những điểm họ kiên cố nhất ? Những phương tiện có giúp cho các nhà dân chủ trở thành tự lập hơn không, hay là lại lệ thuộc vào những đệ tam nhân hoặc những nguồn cung cấp bên ngoài ? Thành quả của việc áp dụng những phương tiện đã chọn để đánh đổ chế độ độc tài ra sao ? Nó có làm tăng hoặc giảm số tổn thất và hư hại có thể có trong cuộc xung đột sắp đến ? Giả sử việc chấm dứt chế độ độc tài thành công, những phương tiện đã dùng có ảnh hưởng gì đến mô hình chính quyền tương lai sẽ xuất hiện từ cuộc tranh đấu ? Phải loại trừ những loại hành động được coi như có tác hại ra khỏi chiến lược toàn bộ đang được khai triển.

Trong những chương trước chúng ta đã lý giải là chống đối chính trị có những lợi điểm đáng kể so với các kỹ thuật đấu tranh khác. Các chiến lược gia cần xem xét tình hình xung đột cá biệt của mình và quyết định xem chống đối chính trị có những câu trả lời khẳng định cho những câu hỏi ở trên không.

Lập kế hoạch cho nền dân chủ

Chúng ta nên nhớ là chống lại chế độ độc tài, mục tiêu của chiến lược toàn bộ, không chỉ đơn thuần đánh đổ kẻ độc tài mà còn phải thiết lập một thể chế dân chủ và ngăn chặn sự trỗi dậy của một chế độ độc tài mới. Để thực hiện những mục tiêu này, những phương thức đấu tranh được chọn phải đóng góp vào sự thay đổi việc phân phối thực quyền trong xã hội. Dưới sự cai trị của chế độ độc tài, quần chúng và các định chế dân sự của xã hội trở nên quá yếu kém và chính quyền quá mạnh mẽ. Không có sự thay đổi trong cán cân bất quân bình này, một nhóm cai trị mới, nếu họ muốn, cũng độc tài không kém kẻ đi trước. Vì vậy không nên vui mừng khi có một « cuộc cách mạng cung đình » hoặc một cuộc đảo chánh.

Nhờ việc vận động xã hội chống lại chế độ độc tài, như đã bàn luận ở Chương Năm, chống đối chính trị sẽ đóng góp cho việc phân phối quân bình về quyền lực thực sự. Tiến trình này diễn biến theo nhiều cách. Khai triển tiềm năng đấu tranh bất bạo động có nghĩa là khả năng đàn áp tàn bạo của chế độ độc tài không còn dễ dàng khiến quần chúng lo sợ và tuân phục nữa. Quần chúng sẽ có trong tay những mãnh lực để chống đỡ và đôi lúc ngăn chặn việc thực thi quyền lực của chế độ độc tài. Ngoài ra, việc huy động sức mạnh của quần chúng bằng phương thức chống đối chính trị làm tăng thêm sức mạnh của những định chế độc lập của xã hội. Một khi đã sử dụng được thực quyền, quần chúng không dễ gì quên đi kinh nghiệm này. Sự hiểu biết và kỹ năng thu thập được trong cuộc tranh đấu sẽ làm cho kẻ độc tài tương lai không dễ gì trấn áp quần chúng. Sự hoán chuyển trong tương quan quyền lực này, cuối cùng sẽ giúp cho việc thiết lập một xã hội dân chủ lâu bền trở thành khả thi hơn.

Trợ giúp bên ngoài

Để chuẩn bị cho chiến lược toàn bộ, chúng ta cần ước định những vai trò liên quan giữa đối kháng bên trong và áp lực bên ngoài để đánh tan chế độ độc tài. Trong bản phân tích này, chúng ta lý giải là lực lượng đấu tranh chủ yếu phải phát sinh ngay từ trong nước. Mức độ hỗ trợ của quốc tế gia tăng hay không tùy thuộc vào cuộc đấu tranh bên trong.

Những cố gắng huy động dư luận quốc tế chống lại chế độ độc tài về các mặt nhân đạo, đạo đức và tôn giáo chỉ được coi như là một đóng góp khiêm tốn. Chúng ta nỗ lực để có được những chế tài ngoại giao, chính trị và kinh tế từ các chính quyền và tổ chức quốc tế nhằm vào chế độ độc tài. Những chế tài này mang những hình thái như cấm vận kinh tế và vũ khí, giảm thiểu cấp độ công nhận ngoại giao hoặc cắt đứt liên lạc ngoại giao, ngăn cấm viện trợ kinh tế và đầu tư vào nước có chế độ độc tài, tống xuất chính quyền độc tài khỏi những tổ chức quốc tế và các cơ chế của Liên Hiệp Quốc. Tiến xa hơn nữa, viện trợ quốc tế, chẳng hạn như viện trợ tài chánh và yểm trợ hệ thống liên lạc có thể được chuyển giao trực tiếp cho các lực lượng dân chủ.

Hoạch định một chiến lược toàn bộ

Tiếp theo việc ước định tình hình, việc lựa chọn phương tiện và việc xác định vai trò của trợ giúp bên ngoài, các vị hoạch định chiến lược toàn bộ phải biết phác họa những nét tổng quát để chỉ đạo cuộc xung đột một cách toàn hảo nhất. Kế hoạch tổng quát này bao trùm từ hiện tại cho đến ngày giải phóng trong tương lai và việc thiết lập một hệ thống dân chủ. Trong lúc hoạch định chiến lược tổng quát, các vị lập kế hoạch phải tự đặt nhiều loại câu hỏi khác nhau. Những câu hỏi sau đây (một cách chuyên biệt hơn lần trước) đề ra các loại cân nhắc cần thiết trong việc hoạch định chiến lược tổng quát cho cuộc tranh đấu bằng chống đối chính trị.

Cuộc tranh đấu dài hạn khởi sự ra sao để được hoàn hảo ? Làm thế nào để nhân dân bị đàn áp có được lòng tự tin và sức mạnh đủ để hành động chống lại chế độ độc tài, ngay cả lúc khởi sự với những phương tiện hạn hẹp ? Làm thế nào để khả năng bất hợp tác và chống đối của quần chúng gia tăng với thời gian và kinh nghiệm ? Những mục tiêu của một loạt những chiến dịch cục bộ để giành lại quyền kiềm soát dân chủ trên xã hội và giới hạn chế độ độc tài là những mục tiêu nào ?

Có những định chế độc lập nào vẫn tồn tại dưới chế độ độc tài có thể sử dụng được trong cuộc đấu tranh xây dựng tự do ? Có những cơ sở nào của xã hội có thể lấy lại từ tay của kẻ độc tài, hoặc có những cơ sở mới nào có thể do chiến sĩ dân chủ thành lập để đáp ứng nhu cầu và thành lập những không gian dân chủ ngay trong lúc chế độ độc tài đang còn ngự trị ?

Làm thế nào để sức mạnh tổ chức trong nhóm đối kháng được phát triển ? Làm thế nào để các tham dự viên được huấn luyện ? Cần phải có những nguyên lực nào (tài chánh, trang bị, vân vân) trong suốt cuộc tranh đấu ? Những loại biểu tượng nào hữu hiệu nhất để huy động quần chúng ?

Bằng những loại hành động nào và trong giai đoạn nào, nguồn cung cấp quyền lực của kẻ độc tài có thể bị suy giảm trầm trọng và bị cắt đứt. Làm thế nào để quần chúng đối kháng có thể tiếp tục chống đối và đồng thời duy trì kỷ luật bất bạo động cần thiết ? Làm thế nào để xã hội có thể tiếp tục thỏa mãn được những nhu cầu căn bản trong lúc cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn ? Làm thể nào để trật sự xã hội vẫn có thể tiếp tục được duy trì trong lúc xung đột vẫn gay cấn ? Trường hợp thắng lợi gần kề, làm thế nào để đối kháng dân chủ có thể tiếp tục xây dựng cơ sở định chế của một xã hội hậu độc tài để cho sự chuyển tiếp được êm thắm tối đa ?

Cần phải nhớ rằng không có một thiết kế duy nhất hoặc có thể tạo ra một thiết kế duy nhất để hoạch định chiến lược cho mỗi phong trào giải phóng chống lại chế độ độc tài. Mỗi cuộc đấu tranh đạp đổ chế độ độc tài và thiết lập một hệ thống dân chủ sẽ mỗi khác. Không thể có hai tình hình giống hệt nhau, mỗi một chế độ độc tài đều có những đặc điểm cá biệt và khả năng của quần chúng mưu tìm tự do cũng khác nhau. Các nhà soạn thảo chiến lược toàn bộ cho cuộc đấu tranh chống đối chính trị cần phải có tầm hiểu biết sâu rộng không những về tình hình xung đột cụ thể mà cả về những phương tiện được lựa chọn trong cuộc đấu tranh.(13)

Khi chiến lược toàn bộ của cuộc đấu tranh đã được hoạch định chu đáo, chúng ta có đầy đủ lý do để phổ biến nó rộng rãi. Con số đông đảo những người được yêu cầu tham gia có quyết tâm và khả năng hành động nếu họ hiểu được kế hoạch tổng quát cũng như các hướng dẫn chi tiết. Hiểu biết này có thể có tác động rất tích cực trên tinh thần, lòng mong muốn tham gia và hành động thích ứng. Những nét phác họa chính của chiến lược toàn bộ thế nào cũng được kẻ độc tài biết đến và khi tìm hiểu nội dung chiến lược, kẻ độc tài có chiều hướng trở nên ít thô bạo hơn trong việc đàn áp, vì biết rằng việc đàn áp thô bạo ấy có thể có hậu quả chính trị phản hồi chống lại chính họ. Biết rõ những nét đặc thù của chiến lược toàn bộ cũng có thể đóng góp vào việc gây nên tranh chấp và từ bỏ hàng ngũ của phe nhóm kẻ độc tài.

Một khi chiến lược toàn bộ để đánh đổ chế độ độc tài và thiết lập một thể chế dân chủ đã được chấp nhận, thì điều quan trọng là các nhóm tranh đấu cho dân chủ phải kiên trì áp dụng nó. Chỉ trong một vài trường hợp rất hiếm hoi, cuộc đấu tranh đi lệch với chiến lược toàn bộ ban đầu. Khi có quá nhiều dữ kiện cho thấy chiến lược toàn bộ được lựa chọn đã không được hoạch định đúng hoặc cục diện đấu tranh đã thay đổi hoàn toàn, các nhà hoạch định cần phải thay đổi chiến lược toàn bộ của mình. Mặc dù vậy, điều này chỉ có thể thực hiện sau khi đã xét lại ước định căn bản và một chiến lược toàn bộ mới thích hợp hơn được khai triển và chấp nhận.

Lập kế hoạch chiến lược cục bộ

Cho dù chiến lược toàn bộ đã được khai triển nhằm chấm dứt chế độ độc tài và xây dựng dân chủ có khôn khéo và có triển vọng đến đâu, một chiến lược toàn bộ không thể nào tự nó thực thi được. Cần phải khai triển những chiến lược đặc thù để hướng dẫn những chiến dịch nhằm xói mòn quyền lực của kẻ độc tài. Những chiến lược này, lần lượt, sẽ bao gồm và hướng dẫn một loạt kỹ thuật giao chiến nhằm giáng những đòn quyết liệt lên chế độ của kẻ độc tài. Những chiến thuật và phương pháp hành động cụ thể phải được cẩn thận lựa chọn ngõ hầu đóng góp vào tiến trình hoàn tất mục tiêu của mỗi một chiến lược. Cuộc thảo luận ở đây chỉ đặc biệt chú tâm đến phạm vi chiến lược.

Những nhà chiến lược hoạch định những chiến dịch quan trọng, cũng giống như những người hoạch định chiến lược toàn bộ, phải có tầm hiểu biết sâu rộng về bản chất và phương thức hành động của những kỹ thuật đấu tranh đã được lựa chọn. Giống như những sĩ quan quân đội phải hiểu cơ cấu, chiến thuật, vận chuyển, trang bị vũ khí, những yếu tố địa lý, người hoạch định việc chống đối chính trị cũng phải hiểu bản chất và những nguyên tắc chiến lược của đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, mặc dù vậy, tầm hiểu biết về đấu tranh bất bạo động, việc chú tâm đến những đề nghị của bài tham luận này và những giải đáp cho những câu hỏi đặt ra ở đây sẽ không tự nó sản xuất ra chiến lược. Việc soạn thảo chiến lược luôn đòi hỏi óc sáng tạo am tường.

Trong lúc soạn thảo chiến lược dành cho những chiến dịch đối kháng chọn lọc cụ thể và cho việc phát triển dài hạn của cuộc đấu tranh giải phóng, các nhà chiến lược của cuộc chống đối chính trị cần phải xét đến nhiều giải pháp và vấn đề khác nhau. Những điều sau đây nằm trong những khía cạnh đó:
• Xác định những mục tiêu cụ thể của chiến dịch và sự đóng góp của chiến dịch trong việc thực thi chiến lược toàn bộ.
• Điều nghiên các phương pháp cá biệt, hoặc vũ khí chính trị thích hợp nhất để thực hiện các chiến lược đã chọn. Trong khuôn khổ của mỗi kế hoạch toàn bộ dành cho một chiến dịch chiến lược cá biệt, chúng ta cần xác định đâu là chiến thuật vi mô và áp dụng phương thức hành động nào để tạo áp lực và kìm hãm nguồn cung cấp quyền lực của chế độ độc tài. Nên nhớ rằng đạt được những mục tiêu lớn là do kết quả của những bước đi ngắn cụ thể, được chọn lọc cẩn thận và đem ra áp dụng.
•Xác định làm thế nào hoặc như thế nào về các vấn đề kinh tế có liên hệ đến cuộc đấu tranh thuần túy chính trị. Nếu những vấn đề kinh tế có tính tiên quyết trong cuộc đấu tranh, chúng ta cần phải chú ý đến những bất bình về kinh tế để có thể sửa sai sau khi chế độ độc tài chấm dứt. Bằng không, sự thất vọng và sự bất bình sẽ tiếp tục nếu không có những giải pháp cấp kỳ trong giai đoạn chuyển tiếp sang xã hội dân chủ. Những thất vọng này dễ đưa đến sự trổi dậy của những lực lượng chuyên chế hứa hẹn chấm dứt tai họa kinh tế.
• Xác định trước cơ cấu lãnh đạo nào và hệ thống liên lạc nào thích hợp nhất để khởi động cuộc đấu tranh đối kháng. Dùng những phương pháp quyết định và liên lạc nào trong lúc đấu tranh để cung cấp những hướng dẫn cho các chiến sĩ kháng chiến và cho đại bộ phận quần chúng ?
• Thông tin các tin tức của cuộc kháng chiến cho đại đa số quần chúng, cho lực lượng của kẻ độc tài và cho truyền thông quốc tế. Những xác nhận và báo cáo phải luôn luôn trung thực. Những phóng đại và những xác nhận vô căn cứ sẽ làm tổn hại đến uy danh của lực lượng kháng chiến.
• Phải hoạch định những hoạt động tự lập cụ thể trong lãnh vực xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị để đáp ứng nhu cầu của quần chúng trong cuộc xung đột sắp đến. Những dự án như vậy có thể giao cho những cá nhân không trực tiếp can dự trong những sinh hoạt đối kháng.
• Xác định những loại hỗ trợ bên ngoài nào nên nhận để hỗ trợ cho một chiến dịch cụ thể hoặc cho cuộc đấu tranh giải phóng toàn bộ. Làm thế nào để huy động tối đa sự trợ giúp bên ngoài và sử dụng nó mà không làm cho cuộc đấu tranh bên trong bị lệ thuộc vào những yếu tố bấp bênh bên ngoài ? Cần phải chú tâm xem những nhóm bên ngoài nào đáng tin cậy nhất và thích họp nhất để cộng sự, chẳng hạn như những tổ chức phi chính phủ (phong trào hoạt động xã hội, các nhóm tôn giáo hoặc chính trị, các nghiệp đoàn lao động, vân vân.), chính quyền, và/hoặc Liên Hiệp Quốc cùng với những cơ chế của LHQ.

Hơn thế nữa, các nhà hoạch định đối kháng cần có những biện pháp để duy trì trật tự và đáp ứng nhu cầu xã hội bằng chính những lực lượng của mình trong thời gian đối kháng đồng loạt nổi dậy chống kiềm tỏa của kẻ độc tài. Điều này không những tạo nên những cơ cấu dân chủ độc lập thay thế và đáp ứng những nhu cầu xác thực mà còn làm giảm tính khả tín của những tuyên bố cho rằng đàn áp thô bạo cần thiết để ngăn chặn hỗn loạn và tình trạng vô luật pháp.

Phổ biến ý niệm bất hợp tác

Để thực hiện chống đối chính trị chống chế độ độc tài thành công, quần chúng cần nắm bắt ý niệm bất hợp tác. Như đã được trình bày trong chuyện “Hầu Công” (xem Chương Ba), ý niệm căn bản rất đơn giản: nếu khá nhiều cấp thừa hành từ chối không hợp tác và đủ sức chịu đựng mặc dù bị đàn áp, hệ thống đán áp sẽ yếu dần và cuối cùng sụp đổ.

Những người sống dưới chế độ độc tài có lẽ đã quen thuộc với ý niệm này từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Mặc dù vậy, các lực lượng dân chủ nên chú ý phổ biến và quảng bá cho quần chúng ý niệm bất hợp tác. Chuyện “Hầu Công”, hoặc một chuyện tương tự, có thể được truyền bá khắp xã hội. Những câu chuyện như vậy có thể hiểu được dễ dàng. Một khi ý niệm tổng quát về bất hợp tác được quần chúng nắm bắt, họ sẽ dễ dàng hiểu được sự tương quan của những lời kêu gọi trong tương lai để thực hiện bất hợp tác với chế độ độc tài. Họ sẽ có khả năng tự sáng tạo ra một loạt những hình thức bất hợp tác đặc thù cho những tình huống mới.

Mặc dù có những khó khăn và hiểm nguy trong nỗ lực truyền bá tư tưởng, tin tức và chỉ thị đối kháng dưới chế độ độc tài, các chiến sĩ dân chủ đã luôn chứng minh điều này có thể làm được. Ngay cả dưới thời Quốc Xã và Cộng Sản, các chiến sĩ dân chủ có khả năng không những chỉ liên lạc với các cá nhân riêng lẻ mà còn với những khối thính giả rộng lớn qua việc phát hành báo chui, tờ rơi, sách và những năm gần đây qua băng ghi âm và video (băng ghi âm thanh và hình ảnh).

Trong khuôn khổ dành ưu tiên cho việc lập kế hoạch chiến lược, chúng ta có thể chuẩn bị và tán phát những định hướng chung cho phong trào đối kháng. Những định hướng này cho thấy những hậu quả và những tình huống khi quần chúng đứng lên phản đối và không cộng tác và phải thực hiện như thế nào. Sau đó, dù cho thông tin từ cấp lãnh đạo dân chủ bị gián đoạn và những chỉ thị cụ thể không được ban hành hoặc tiếp nhận, quần chúng vẫn biết phải hành xử như thế nào trong những tình huống quan trọng. Những định hướng ấy cũng được dùng để kiểm tra những “chỉ thị đối kháng” xem có phải là những chỉ thị giả mạo do công an chính trị tán phát để làm giảm uy tín của phong trào.

Đàn áp và những biện pháp đối phó

Các nhà thiết kế chiến lược cần phải ước định những phản ứng có thể xảy ra và việc đàn áp, nhất là phải thấy khi nào chế độ độc tài sẽ sử dụng vũ lực để phản ứng lại những hành động của đối kháng dân chủ. Cần phải xác định phương thức chống cự, phản tác hoặc tránh né việc đàn áp có thể càng ngày càng hung bạo mà không chịu khuất phục. Về mặt chiến thuật, trong những trường hợp đặc biệt, việc cảnh báo kịp thời cho quần chúng và những người đối kháng về cuộc đàn áp sắp tới là một điều cần phải làm, nhờ vậy họ biết được những hiểm nguy khi tham gia. Nếu cuộc đàn áp trở nên nghiêm trọng, chúng ta cần chuẩn bị cứu trợ y tế cho những người đối kháng bị thương.

Tiên đoán việc đàn áp đòi hỏi các nhà chiến lược phải thấy được việc ưu tiên sử dụng những chiến thuật và phương pháp góp phần đạt đến mục tiêu cụ thể của một chiến dịch hoặc giải phóng, nhờ vậy sẽ khiến cho cuộc đàn áp kém bạo tàn hơn hoặc khó xảy ra hơn. Ví dụ, biểu tình xuống đường và tuần hành chống lại các chế độ cực kỳ độc tài có thể tạo cảm xúc mạnh mẽ, nhưng cũng có thể đưa đến cái chết của hàng ngàn người biểu tình. Dù vậy, giá đắt mà những người biểu tình phải trả, trên thực tế, không tạo được nhiều áp lực trên chế độ độc tài hơn là việc mọi người ngồi nhà, đình công hoặc hàng loạt các hành động bất hợp tác cùa các thành phần xã hội dân sự.

Nếu hành động đối kháng gây hấn có nguy cơ gây ra số thương vong cao nhưng cần thiết cho mục tiêu chiến lược, chúng ta phải rất đắn đo suy xét giá phải trả cho mục tiêu và lợi ích có thể thu hoạch. Quần chúng và người đối kháng có chắc chắn hành xử theo tinh thần kỷ luật và bất bạo động trong lúc hang say đấu tranh không ? Họ có thể tự kềm chế trước những khiêu khích bạo động không ? Các vị hoạch định kế hoạch phải dự trù những biện pháp cần thiết để giữ gìn kỷ luật bất bạo động và duy trì việc chống đối mặc dù có bạo hành. Những biện pháp như bản cam kết, bản tuyên bố chính sách, tờ kêu gọi kỷ luật, các người phụ trách trật tự và tẩy chay những thành phần và nhóm bạo động có thực thi được không và có hiệu lực không ? Các cấp lãnh đạo phải luôn luôn cảnh giác về sự hiện diện của các phần tử khuấy động có nhiệm vụ xúi giục các người xuống đường dùng bạo lực.

Gắn bó với kế hoạch chiến lược

Một khi chiến lược đã hoàn bị, các lực lượng dân chủ không được chểnh mảng vì những nước cờ ít quan trọng của kẻ độc tài khiến cho họ đi chệch khỏi hướng của chiến lược toàn bộ và chiến lược của một chiến dịch cá biệt, làm cho họ chuyển hết trọng tâm vào những hoạt động không có những kết quả quan trọng. Những xúc động nhất thời – có lẽ để phản ứng trước những bạo hành của chế độ độc tài - không nên phát tiết khiến cho phong trào đối kháng đi chệch hướng của chiến lược toàn bộ hoặc chiến lược cục bộ. Chế độ độc tài có thể cố tình thực hiện bạo hành nhằm mục đích khiêu khích các lực lượng dân chủ từ bỏ kế hoạch đã được hoạch định kỹ lưỡng trước và đi đến hành động bạo lực để rồi kẻ độc tài đánh bại họ dễ dàng hơn.

Bao lâu những phân tích căn bản vẫn còn giá trị, nhiệm vụ của các lực lượng phò dân chủ là tiến hành từng giai đoạn một. Lẽ cố nhiên, sẽ có những thay đổi về chiến thuật và những mục tiêu trung gian và những người lãnh đạo giỏi luôn sẵn sàng khai thác những thời cơ. Những điều chỉnh này không nên lẫn lộn với những mục tiêu của chiến lược toàn bộ hoặc mục tiêu của một chiến dịch cục bộ. Việc cẩn trọng thực thi chiến lược toàn bộ đã được chuẩn định và các chiến lược cho những chiến dịch cục bộ đóng góp rất nhiều cho sự thành công.

(Còn tiếp)

(13) Nên tham khảo những bài nghiên cứu toàn bộ của Gene Sharp, The Politics of Nonviolent Action (Boston, MA:Porter Sargent, 1973) and Peter Ackerman and Christopher Kruegler, Strategic Nonviolent Conflict (Westport, Connecticut: Praeger, 1994). Cũng nên xem Gene Sharp: Waging Nonviolent Struggle: Twentieth Century Practice and Txenty-First Century Potential. Sẽ phát hành.


No comments: