Trung Quốc muốn đồng hóa Tây Tạng
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, March 10, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91920&z=7
Các triều đại phong kiến Trung Quốc đã thành công nhiều lần trong những cuộc xâm lăng và đồng hóa các dân tộc chung quanh. Mãn Châu, Mông Cổ, Khiết Ðan, Thổ Phồn, những tên đó đã thành dĩ vãng! Nước Nam Chiếu vào thế kỷ thứ 8 chiếm lãnh một vùng ở tỉnh Vân Nam bây giờ và đã từng đem quân tấn công Giao Châu những năm 846, 862 và chiếm đóng cả 10 năm từ 863. Cũng trên miền đất này thời Ngũ Quý Ðoàn Tư Bình lập ra nước Ðại Lý. Cả hai quốc gia đó giờ chỉ còn những di tích chùa, tháp; các dân tộc từng xưng hùng một cõi bây giờ là những nhóm thiểu số an phận làm người Trung Hoa. Hiện nay dân Tây Tạng đang trải qua tình trạng giống như người Việt trong một ngàn năm Bắc Thuộc. Họ cũng tranh đấu để bảo vệ nòi giống và văn hóa của mình, không để cho người Trung Hoa đồng hóa. Cùng một hoàn cảnh như người Việt, và kiên cường không kém; chúng ta tin rằng người Tây Tạng sẽ thành công!
Ngày hôm qua kỷ niệm 50 năm ngày nhân dân Tây Tạng nổi dậy chống cuộc đô hộ của Trung Cộng, họ đã bị đàn áp và Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 phải trốn qua Ấn Ðộ tị nạn, công an cảnh sát và quân đội Trung Quốc đã xuất hiện khắp nơi để kiểm soát 6 triệu người dân Tây Tạng sống ở nước họ cũng như những người Tây Tạng ở các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Thanh Hải và Vân Nam. Chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh nhất quyết tiêu diệt nước Tây Tạng, đồng hóa để biến họ thành một phần của Trung Quốc.
Cuộc bành trướng của Hán Tộc bắt đầu từ hai ngàn năm trước, mục tiêu đồng hóa không phải chỉ gồm những người Tây Tạng. Những dân tộc như Việt Nam, Hàn Quốc, Miến Ðiện, Ai Lao vẫn tồn tại được vì người dân cương cường không chịu khuất phục. Nhưng yếu tố mạnh nhất giúp họ bảo vệ được nền độc lập của họ là bản sắc văn hóa. Mặc dù đã chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa hàng ngàn năm, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam vẫn giữ được ngôn ngữ, hồn tính riêng của mình. Trong khi đó có nhiều sắc dân khác đã hoàn toàn bị đồng hóa.
Cuộc tranh đấu của người dân Tây Tạng trong 50 năm qua cho thấy nền văn hóa của họ rất mạnh. Nhưng hiện nay chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh đang tìm cách xâm lăng cả lãnh vực văn hóa nữa, như trong việc tấn phong các vị lạt ma được coi là tái sinh.
Trong Phật Giáo Tây Tạng vẫn nhiều vị lạt ma qua đời được tin tưởng là sẽ tái sanh dưới hình hài mới. Theo truyền thống, có những thủ tục và quy tắc cho việc đi tìm và nhận diện, tiến tới việc công nhận những vị tái sanh, gọi là tulku. Tiếng Trung Hoa gọi các tulku là những “hoạt Phật,” tức là Phật sống, vì giới hạnh nghiêm trì của họ, nhưng chính người Tây Tạng không dùng hình ảnh này. Hiện nay Cộng Sản Trung Quốc đang tìm cách chiếm lấy quyền công nhận các vị tulku, một hành động “xâm lăng” vượt trên phạm vi chính trị, tiến sâu vào cả lãnh vực tôn giáo.
Từ năm 1949 khi Cộng Sản chiếm chính quyền ở Trung Quốc, người Tây Tạng sống rải rác ở nước Trung Hoa, đặc biệt là ở các tỉnh phía Tây như Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Vân Nam, không còn được thấy một vị tulku mới nào nữa. Từ năm 1959, quân Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng hoàn toàn thì họ cũng không cho phép Phật tử được công nhận các vị tulku mới. Ðến năm 1991 Trung Cộng mới tái lập việc tấn phong các vị lạt ma tái sanh, và cho tới nay đã công nhận thêm một ngàn vị tulku mới, nâng tổng số lên 2,000 vị trong xứ Tây Tạng. Trước khi Trung Cộng chiếm xứ này, cả nước có từ 3,000 đến 4,000 vị “hoạt Phật” như vậy.
Năm 1992, chính phủ lưu vong Tây Tạng và chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh đã cùng suy tôn một vị lạt ma tái sanh là Karmapa đời thứ 17 thuộc truyền thống Dòng Kagyu. Nhưng tám năm sau Lạt Ma Karmapa đã trốn đi tị nạn, cho biết chính quyền Cộng Sản đã cản trở việc tu học của ngài. Chính quyền Cộng Sản vẫn tiếp tục đứng ra công nhận các vị lạt ma tái sanh, theo cách lựa chọn của họ.
Như vị lạt ma trụ trì Tu viện Shouguo ở thị xã Khang Phụ, tỉnh Vân Nam bên dòng sông Mekong sát biên giới Tây Tạng đã qua đời hơn 50 năm nay, mà chưa có người tái sanh để kế tục. Năm ngoái, chính quyền Cộng Sản đã công nhận một tu sĩ Tây Tạng trong vùng, Celeng Pengchi, 30 tuổi, và đã làm lễ tấn phong cho ông, coi đó là vị tulku hóa kiếp trở về. Từ đó tới nay ông đã sửa sang tu viện và nhiều Phật tử đã trở về, giúp cho đời sống tu viện sống động trở lại.
Tuy nhiên, viên chức Cộng Sản phụ trách việc phong nhậm Celeng Pengchi nói thẳng rằng muốn được coi là một tulku thì vị lạt ma được chọn phải có lý lịch tốt về chính trị!
Thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng Samdhong Rinpoche coi việc chính quyền Bắc Kinh bước vào lãnh vực tôn giáo truyền thống Tây Tạng mà một hành động can thiệp rất thô bạo. Năm 1995 Cộng Sản Trung Hoa đã từng làm như vậy, sau khi Ðức Ban Thiền Lạt Ma qua đời.
Sau khi Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đi tị nạn, Trung Cộng đã đưa Ðức Ban Thiền Lạt Ma là người thuộc dòng tu có uy tín bậc nhì ở Tây Tạng về Bắc Kinh, nơi cũng có những chùa Tây Tạng lớn. Ông qua đời năm 1989, đến năm 1995 thì Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã công nhận một thiếu niên người Tây Tạng là Ban Thiền Lạt Ma tái sanh. Thấy vậy, Cộng Sản Trung Quốc lập một thiếu niên Tây Tạng khác, Gyaincain Norbu, công nhận là vị Ban Thiền Lạt Ma tái sanh của họ. Nhưng cho tới giờ các Phật tử Tây Tạng chỉ tôn trọng người đã được Ðức Ðạt Lai Lạt Ma công nhận.
Cuộc tranh đấu của người dân Tây Tạng, ở trong nước và ở bên ngoài, trước hết là để bảo vệ nền văn hóa với truyền thống Phật Giáo. Trước ngày kỷ niệm 50 năm cuộc khởi nghĩa bất thành của người Tây Tạng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã nhắc lại rằng mục đích những cuộc vận động của ngài là bảo vệ văn hóa dân Tây Tạng. Muốn bảo vệ bản sắc văn hóa đó thì chính quyền Bắc Kinh phải trả lại cho người Tây Tạng một số quyền tự trị mà hiện nay họ đã cướp mất. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma chấp nhận không đòi Tây Tạng phải độc lập, và chính ngài có được trở về Tây Tạng hay không cũng không quan trọng. Những ý kiến đó đã được vị lãnh đạo dân Tây Tạng nói đi nói lại từ 50 năm nay, nhưng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục vu cáo cho Ðức Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một người chủ trương làm loạn, chia rẽ “quốc gia” của họ!
Người Tây Tạng có muốn được gia nhập “quốc gia” của người Trung Quốc hay không? Những cuộc nổi dậy từ 50 năm qua cho thấy là không. Dân Tây Tạng cũng hãnh diện về lịch sử, về văn minh của họ không khác gì dân Việt Nam. Từ thế kỷ thứ 7, khi dân Việt Nam còn sống dưới ách đô hộ của người Trung Hoa thì Tây Tạng đã là một quốc gia độc lập. Cuộc kết hôn giữa một hoàng đế Tây Tạng với một vị công chúa nhà Ðường vào năm 641 được người Tây Tạng coi là một hành động giao hiếu giữa hai quốc gia ngang hàng; nhưng người Trung Hoa lại coi đó là “bước mở đầu” cho việc thống nhất hai dân tộc vào một “gia đình!” Năm 821, hai quốc gia đã ký kết một hòa ước, mà bản văn khắc trên bia đá còn giữ được đến ngày nay. Quân Mông Cổ đã xâm chiếm Tây Tạng, cũng như họ đã chiếm Ðại Lý, xâm lăng Việt Nam và Cao Ly. Nhưng tới đời nhà Minh, Tây Tạng vẫn giao thiệp với triều đình Trung Hoa như một nước độc lập, không khác gì vua nhà Lê ở Việt Nam. Ðời nhà Thanh, người Trung Hoa cai trị Tây Tạng như một nước bảo hộ, nhưng tới khi Trung Hoa Dân Quốc ra đời thì tuy chính quyền vẫn coi Tây Tạng là thuộc Trung Quốc nhưng không gây được ảnh hưởng nào. Cho đến khi Cộng Sản chiếm được nước Trung Hoa thì chính sách của họ là xâm lược, đồng hóa và bành trướng.
Người Việt Nam có thể tặng người Tây Tạng bài họ kinh nghiệm sống 1,000 năm dưới những triều đại Trung Hoa cũng theo đuổi một chính sách tương tự. Hiện nay một nửa dân số Tây Tạng còn sống trong nước, khoảng 6 triệu người; nửa khác sống rải rác ở các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Chính tại các tỉnh này, người Tây Tạng vẫn bảo vệ bản sắc của họ. Tại tỉnh Tứ Xuyên, năm ngoái cũng vào dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1959, một em học sinh 15 tuổi người Tây Tạng cũng biết đem treo cờ quốc gia, vạch xóa trên những bức hình Mao Trạch Ðông, Ðặng Tiểu Bình, và viết lên tường khẩu hiệu “Ðức Ðạt Lai Lạt Ma Vạn Tuế.” Năm nay em học sinh này đã bị công an ra lệnh cha mẹ phải quản thúc. Nhưng phương pháp công an trị không thể nào tiêu diệt được tinh thần quật cường của một dân tộc có bản sắc và đầu óc độc lập.
Chúng ta có thể tin như vậy, vì người Việt Nam đã sống qua kinh nghiệm đó. Tuy người Tây Tạng đang phải đối phó với một chiến dịch xâm lăng mới trên mặt tôn giáo, văn hóa, nhưng truyền thống văn hóa của họ rất vững mạnh, được hun đúc hàng ngàn năm nay. Có thể nói nền tảng văn hóa của người Tây Tạng bây giờ vững chắc hơn người Việt hai ngàn năm trước, khi người Trung Hoa chiếm đóng nước ta vào đầu công nguyên rất nhiều.
Chính người Việt Nam bây giờ cũng vẫn phải tự vệ trước những cuộc xâm lăng khác của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc, trong đó có cả cảnh xâm lăng về văn hóa. Chủ nghĩa Cộng Sản được đem vào Việt Nam với quan điểm của người Trung Hoa, trong lý luận cũng như trong hành động. Hồ Chí Minh đã từng trả lời một kinh tế giả Pháp rằng ông không viết sách chỉ vì có điều gì cần viết thì Mao Trạch Ðông đã viết đầy đủ rồi. Có một thời ngôn ngữ Việt Nam tràn ngập các chữ quen dùng ở Trung Quốc. Các chiến dịch “chỉnh phong,” “cải cách ruộng đất,” “trăm hoa đua nở” cho tới các nhà tù gọi là “lao cải” đều bắt chước Trung Quốc cả ngôn ngữ, khẩu hiệu lẫn chế độ cư xử hà khắc. Sau khi Hồ Chí Minh chết, ảnh hưởng của Trung Quốc đã giảm dần, nhưng gần đây thì ảnh hưởng đó trở lại. Sau khi Nông Ðức Mạnh cùng Nguyễn Tấn Dũng lục tục sang Tàu năm ngoái thì ảnh hưởng Trung Quốc có vẻ “dũng mạnh” hơn thời Hồ Chí Minh nữa!
Ðến lúc người Việt Nam cũng phải biết noi gương người Tây Tạng!
No comments:
Post a Comment