Thursday, March 12, 2009

TRANH CHẤP BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG (HỒ SƠ CIA)

Hồ sơ CIA 1979: Tranh chấp biên giới Việt-Trung
Vũ Quí Hạo Nhiên
Saturday February 28, 2009 - 12:20am (PST)
http://blog.360.yahoo.com/blog-uaEgArsyerQFoR0Esk4QWs2d

LGT. Mục “Hồ sơ” báo Việt Tide tuần này xin bắt đầu đăng tải tài liệu CIA được xếp loại “bài nghiên cứu” (“A Research Paper”) mang tựa đề “Tranh chấp biên giới Hoa-Việt.”
Tài liệu này tiết lộ và phân tích nhiều xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1978 – những xung đột mà ngày nay chính quyền cộng sản tại Hà Nội đang tảng lờ như không có.
Tác giả nghiên cứu này là National Foreign Assessment Center (tạm dịch Trung tâm Quốc gia Đánh giá Ngoại bang). NFAC là tên gọi mới của Cục Tình báo (Directorate of Intelligence) sau 1977, là bộ phận trong CIA chuyên phân tích và tổng hợp thông tin lấy được từ các nguồn tình báo. Đến năm 1981, NFAC lại được đổi lên trở về với tên gọi ban trước là Directorate of Intelligence.
Hồ sơ được đóng dấu Tối Mật (“Top Secret”), đề ngày 5 tháng 3, 1979 – tức vài tuần sau khi Trung Quốc xua quân vượt biên giới Việt Nam trong ý định “dạy cho Việt Nam một bài học.” Hồ sơ này được bạch hóa vào tháng 6, 2002.
Hồ sơ này tuy đã được bạch hóa, nhưng vẫn còn nhiều phần bị xóa đi chưa được công bố hoàn toàn. Trong bản dịch này, những phần bị xóa được ghi bằng dấu “#####”.
Đặc biệt, ngay cuối tựa của tài liệu này đã có một hay vài chữ bị che lại. Ở cuối nhiều đoạn văn, cũng có một khúc ngắn bị che; người đọc có thể tạm đoán rằng những nguồn trích dẫn cho các đoạn văn là các tài liệu vẫn còn trong vòng bí mật.
Trong bản dịch dưới đây, những lời trong dấu ngoặc vuông [ ... ] là chú thích thêm của dịch giả.
Hồ sơ này mở đầu bằng một trang rưỡi “Các đánh giá chính” và sau đó là mục lục và phân tích chi tiết.

* * *

Tranh chấp biên giới Hoa-Việt #####

Bài nghiên cứu

Thông tin dùng trong báo cáo này cập nhật đến ngày 5 tháng 3, 1979

Các đánh giá chính

Cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào phía bắc Việt Nam có khuynh hướng che lấp sự thật là tranh chấp biên giới Hoa-Việt có động lực của riêng nó và đã là vấn đề quan trọng giữa hai nước này từ lâu nay, trước khi mâu thuẫn Việt Nam – Campuchea nổ tung thành chiến tranh công khai. Sự bất đồng ý kiến về một vài đoạn biên giới ngắn (cũng như về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) được giữ trong những đường dây trao đổi kín sau khi chiến tranh chấm dứt tại Đông Dương. Nhưng rồi những cuộc thảo luận kín bị thất bại vào cuối năm 1977 và vấn đề này trở thành một phần trong một cuộc tranh chấp chính trị rộng lớn hơn. (#####)
Ở cả hai bên, những phản ứng theo cảm tính đối với những biến cố mới đã thay thế cho sự tính toán tỉnh táo về thiệt hại cho lợi ích quốc gia trong trường hợp mất bình tĩnh. Đụng độ tại biên giới trở thành yếu tố quyết định khiến những phản ứng thiếu thận trọng này càng leo thang hơn.###
Một vài xung đột nhỏ, không vũ trang (hầu hết là ẩu đả) dọc đường biên giới Hoa-Việt trở thành đụng độ quân sự cấp bách sau hai biến cố quan trọng trong năm 1978:
* Những lời cáo buộc về người gốc Hoa bị ngược đãi và muốn từ Việt Nam thoát thân vào Trung Quốc. Vì vậy cuộc giao tranh vũ trang đầu tiên năm 1978 tại vùng biên giới đã diễn ra vì vụ người tỵ nạn muốn vượt biên vào Trung Quốc.
* Những lời cáo buộc về việc Việt Nam xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Cuộc giao tranh vũ trang lần thứ nhì và thứ ba năm 1978 diễn ra khi phía Trung Quốc phá hủy hàng rào, cọc đánh dấu, và bãi mìn trên tuyến [phòng thủ] này.
Phía Trung Quốc giận dữ vì Hà Nội đã cả gan thay đổi hiện trạng [nguyên văn: status quo] tại biên giới, và cho rằng nếu im lặng chấp nhận những thay đổi này thì sẽ trở thành tưởng thưởng cho Hà Nội và sẽ dẫn đến nhiều vi phạm khác tại biên giới.###
Cụ thể, hành động của Hà Nội xây dựng tuyến phòng thủ (phía Hà Nội tuyên bố là để bảo vệ chống sự xâm nhập của biên phòng và gián điệp Trung Quốc) làm thay đổi luật chơi của cuộc tranh chấp chính trị. Bằng hành động này, Hà Nội đã đi thêm một bước từ đấu khẩu bằng miệng đến đơn phương đánh mốc gần như tất cả mọi đoạn trên một biên giới mà trước đây tương đối mở và chỉ được đánh mốc sơ sài.
Trung Quốc cho rằng việc cấm mốc khiến Việt Nam được lợi thế về đất đai và đằng nào thì cũng không có sự đồng thuận của Trung Quốc. Về phía mình, Việt Nam tức giận khi Trung Quốc phá hủy những hàng rào do họ dựng nên mà, theo họ, nằm “trong lãnh thổ Việt Nam.” Cứ như vậy mà tình trạng đã sẵn sàng để một Trung Quốc vũ trang đối đầu với một Việt Nam vũ trang.###
Bắc Kinh, là phía lớn hơn và mạnh hơn, leo thang cuộc tranh chấp bằng cách chỉ thị cho biên phòng, vào tháng 12, bắt đầu tuần hành lên phía trước và “nổ súng” vào chốt và nhân sự biên phòng của Việt Nam. Một cuộc leo thang thứ nhì sau đó đã tiếp theo vào giữa tháng 1 khi Bắc Kinh bắt đầu đưa bộ đội chủ lực Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA [viết tắt theo tiếng Anh People’s Liberation Army]) thay vì lính biên phòng để thăm dò và trinh sát; số người và mức độ thâm nhập vào vùng đất Việt Nam cho là của họ cũng tăng lên. Cùng lúc đó, phía Trung Quốc báo cho Việt Nam biết về bản chất và mức độ của sự gia tăng [quân sự] phía bắc biên giới.###
Mặc dù đối đầu với những cuộc tấn cộng của quân chủ lực PLA ở biên giới và biết về sự tập trung quân đội Trung Quốc gần đó, phía Việt Nam từ chối không chùn bước. Họ giữ vững vị trí của mình và còn đánh trả. Tới giữa tháng 1, phía Trung Quốc dường như đã cho rằng chính sách cảnh cáo và hăm dọa đã không có hiệu lực.###
Tổng cộng vùng đất Việt Nam “chiếm đóng” không phải là lớn – khoảng 60 km vuông. Nhưng việc Việt Nam tự cho là có thể tùy tiện tự nhận bất kỳ một chút đất nào của Trung Quốc là điều phía Trung Quốc không chấp nhận được. Và, mặc dù chỉ có khoảng 300 người Trung Quốc bị chết và bị thương, chính sự thách thức công khai của phía Việt Nam đã khiến bất kỳ một chút tổn thất nào cũng không chấp nhận được [đối với Trung Quốc].###
Bắc Kinh kết luận rằng sự ngạo mạn quân sự của các lãnh tụ Việt Nam nếu để yên sẽ tiếp tục trở thành một sự “kiêu căng” nguy hiểm. Ở một khía cạnh căn bản nào đó, cuộc xâm lăng của Trung Quốc là một cố gắng phá vỡ hình ảnh Hà Nội tự vẽ cho mình là vô địch bất bại.###
Campuchia là yếu tố xúc tác chính trong suy nghĩ của Trung Quốc. Tranh chấp biên giới Hoa-Việt leo thang trong bối cảnh Việt Nam chiếm đóng Campuchia và Trung Quốc đã không có khả năng bảo vệ chư hầu của họ tại đó. Nói tóm lại, hai yếu tố – hành động của Việt Nam chống Campuchia và việc Hà Nội không chịu có thái độ ít thách thức hơn ở biên giới Hoa-Việt – trở thành đưa đẩy hỗ trợ cho nhau, thúc đẩy Bắc Kinh phải cố gắng “trừng phạt” Việt Nam bằng quân sự qua việc tràn vào phía bắc.###
Bắc Kinh đã ra ý rằng quân lực Trung Quốc rồi ra sẽ rút về đường biên giới mà Trung Quốc (chứ không phải Việt Nam) công nhận. Nếu điều này là quyết định tối hậu của Trung Quốc, và nếu Hà Nội từ chối không đàm phán cho một hiệp ước biên giới, tương lai sẽ thấy một thời gian dài có căng thẳng và mâu thuẫn biên giới.###

[Tài liệu này, sau phần “Các đánh giá chính” đến trang Mục lục như sau]


Mục lục:

Các đánh giá chính
Lời mở đầu
I. Những nỗ lực chính trị để tránh gia tăng bất đồng
II. Bất đồng về nạn kiều gia tăng thành bất đồng về lãnh thổ
III. Trung Quốc dọa dẫm Hà Nội: Máy bay do thám
IV. Hà Nội chuẩn bị “chiến tranh”
V. Tuyến phòng thủ biên giới của Việt Nam khiến căng thẳng leo thang
VI. Tiếp tục leo thang: Trung Quốc bắt đầu tháo gỡ hàng rào
VII. Bắc Kinh gia tăng cảnh cáo đối với nạn nhân bị bắn chết
VIII. Trung Quốc bắt đầu “trừng phạt”
IX. Trung Quốc thất bại trong chính sách uy hiếp
######
######
[Sau trang mục lục là nguyên một trang vẫn còn trong vòng bảo mật và bị xóa trắng. Trang này có lẽ là liệt kê phần phụ lục, vì ở cuối tài liệu này lại có bốn trang cũng bị xóa trắng.]

Lời mở đầu

Hành động quân sự của Trung Quốc chống Việt Nam có khuynh hướng che lấp sự thật là tranh chấp biên giới Hoa-Việt có động lực của riêng nó và đã là vấn đề song phương quan trọng giữa hai nước này từ lâu nay, trước khi mâu thuẫn Việt Nam – Campuchea nổ tung thành chiến tranh công khai. Sự tranh giành chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài khơi là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, nhất là từ khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ trong tay miền Nam Việt Nam năm 1974. Biên giới trên đất liền có vẻ ít nhạy cảm chính trị hơn, nhưng vẫn là nơi xảy ra nhiều đụng độ nhỏ trong hơn 20 năm, ngay cả vào thời gian hai bên là đồng minh trong chiến tranh. Tự nó, cuộc tranh cãi về lãnh thổ rõ ràng đã khiến mối quan hệ hai nước bị lạnh nhạt, và với mối quan hệ ngày càng xấu đi trong các lãnh vực khác, nó [tranh chấp lãnh thổ] trở thành chủ đề chính trong cuộc đụng độ lớn đã xảy ra.###
Sự gia tăng mức độ tranh chấp tại biên giới phải được nhìn qua lăng kính của mối quan hệ ngày càng xuống dốc giữa Trung Quốc và Việt Nam từ sau khi chiến tranh tại Đông Dương kết thúc năm 1975. Một cuộc tranh giành ảnh hưởng ngầm tại Đông Nam Á gần như bảo đảm rằng những vấn đề được dìm đi trong chiến tranh sẽ nổi bật lên và gây căng thẳng trong giai đoạn hậu chiến.###
Đã có giai đoạn [hai bên] hành động bình tĩnh và theo lý trí, mặc dù phía Trung Quốc ngày càng khó chịu với việc Việt Nam thiên về Liên Xô, và phía Việt Nam bất bình với việc Trung Quốc rõ ràng muốn đè bẹp tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực – một mục tiêu thấy rõ trong việc Trung Quốc đỡ đầu cho Campuchia, nước láng giềng độc lập và khó chịu của Việt Nam. Tuy nhiên, mọi sự kiềm chế đã chấm dứt qua cuộc chiến Campuchia, đã khiến cho Việt Nam ngày càng tức giận với việc Trung Quốc ủng hộ cho nhà cầm quyền Phnom Penh. Và Trung Quốc đã rất giận dữ với kiểu đối xử của Việt Nam với cư dân gốc Hoa – những nạn nhân kép, vừa bị kỳ thị lại vừa bị đánh tư sản – và quan trọng hơn nữa là trong cái họ thấy là sự ràng buộc thân thiết giữa Hà Nội với Moscow.###
Có một điều có thể chứng minh được, là cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không muốn cuộc tranh chấp biên giới vượt quá tình trạng hiện tại. Phía Trung Quốc phải lo tới Liên Xô trong lúc đánh với Việt Nam; phía Việt Nam vừa đánh Trung Quốc vừa phải đánh Campuchia. Trung Quốc đang lo ngại có thể sẽ phải chiến tranh hai mặt; Việt Nam đã phải chiến tranh hai mặt rồi. Nhưng tình cảm quốc gia chủ nghĩa của cả hai bên dâng lên quá cao đế có thể ngăn được một trận chiến biên giới dù không bên nào muốn.###

I. Những nỗ lực chính trị để tránh gia tăng bất đồng

Cho tới gần đây cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đề không có lý do gì đề lo ngại có một cuộc chiến tranh biên giới. Cả hai phía vào năm 1957 đã đồng ý xếp qua một bên [nguyên văn: keep on the shelf, nghĩa đen là để yên trên tủ] các bất đồng về biên giới, và đường biên giới tiếp tục có những đoạn rất dài giữa các cột mốc cách xa nhau mà không có đánh dấu gì cả. Ngay cả khi xích mích gia tăng trong vấn đề lãnh thổ, sau khi cộng sản chiến thắng tại Đông Dương năm 1975, chuyện này vẫn được giữ kín trong các đường liên lạc riêng tư. Được biết, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn vào tháng 9, 1975 tại Bắc Kinh đã đồng ý bắt đầu bàn thảo chi tiết và riêng tư qua một “ủy ban đặc nhiệm” với các đặc sứ chứ không dùng nhân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Những cuộc thảo luận quan trọng giữa Trung Quốc và Liên Xô đã chỉ diễn ra khi có đặc sứ từ Moscow được cử đến Bắc Kinh, và hai bên dự kiến làm việc theo cùng phương thức như vậy cho cuộc đàm phán Hoa-Việt.###
Thế nhưng có vẻ như “ủy ban đặc nhiệm” đã không nhóm họp lần nào. Hai bên cố gắng thử lại vào năm 1977, và Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền ####### qua lại giữa Hà Nội và Bắc Kinh ############## giúp hai bên tiếp tục bàn thảo ở cấp cao về vấn đề biên giới. Có vẻ như phía Trung Quốc sẵn sàng xử sự hợp lý, như phản ảnh qua lời tuyên bố của một viên chức Trung Quốc vào thời đó, nói rằng khác với việc thảo luận về biên giới với Liên Xô và Ấn Độ, Trung Quốc đã nhượng bộ với nhiều nước “nhỏ hơn,” ngụ ý rằng Việt Nam sẽ được xếp vào loại [nhỏ hơn] đó. ### Những cuộc gặp gỡ ### ở mức thứ trưởng, tuy nhiên, đã chấm dứt vào đầu năm 1978 và vấn đề biên giới bị bỏ ngỏ.###
Vào lúc đó, mức độ tranh chấp ngoài biển tiếp tục gia tăng khiến hai bên càng cứng ngắc hơn trong mọi đề tài liên quan đến lãnh thổ. Lập trường của Trung Quốc là Phạm Văn Đồng vào thập niên 1950 đã công nhận rằng quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc chiếm năm 1974) và quần đảo Trường Sa (Việt Nam chiếm năm 1975) thuộc về Trung Quốc, nhưng Hà Nội vẫn cứ đặt vấn đề mà Bắc Kinh thì muốn không nhắc tới. Một bất đồng khác về lãnh hải đã diễn ra gần đây khi Hà Nội đòi chủ quyền đối với “hai phần ba” Vịnh Bắc Bộ, theo lời Trung Quốc. Hà Nội dường như đòi hỏi rằng đảo Bạch Long Vỹ [tiếng Anh là Nightingale Island] – nằm ở khoảng giữa đất liền Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc trong vịnh – là điểm gốc để đo đường ranh giới 12 hải lý. Bắc Kinh bác bỏ đòi hỏi này, và phi cơ Trung Quốc bay trên không phận của vùng phía Việt nam cho là hải phận Việt Nam.###
Bất kể những xích mích này và sự khó chịu của Trung Quốc khi Việt Nam thiên về phía Liên Xô, cả hai bên đã tránh không giao tranh hay đấu khẩu công khai. Chỉ với những biến cố tương đối gần đây đã đẩy mức độ thù địch lên cao đến mức hai chính quyền tranh chấp công khai và quay sang chiến đấu quân sự.###

II. Bất đồng về nạn kiều gia tăng thành bất đồng về lãnh thổ

Trận chiến vũ trang đâu tiên năm 1978 là kết quả trực tiếp của việc người Hoa, hốt hoảng và bị ngược đãi, bỏ chạy ra khỏi Việt Nam vào Trung Quốc. Khi những nhóm người tỵ nạn đang muốn vượt biên giới, họ bị lực lượng an ninh Việt Nam đuổi theo. Phía Việt Nam bị biên phòng Trung Quốc nổ súng bắn ngày 3 tháng 2, 1978 (gần Đồng Văn, tỉnh Hà Tuyên [tỉnh cũ, gồm Hà Giang và Tuyên Quang gộp lại]) và ngày 15 tháng 2 (gần Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh); 30 người Việt Nam bị giết. ################# Sau khi Việt Nam ra quyết định “xã hội hóa” vào tháng 3, 1978, người Hoa bắt đầu băng qua biên giới vào miền nam Trung Quốc với số đông rất lớn và không xử lý nổi, và tới ngày 12 tháng 7, Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách và từ chối không nhận người nạn kiều nữa. Bắc Kinh che giấu chính sách gần như bế môn này bằng cách đòi hỏi người nạn kiều phải có giấy tờ do Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cấp và có giấy xuất cảnh của Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc lại muốn giấy tờ nói rõ là người nạn kiều đã bị “đàn áp” tại Việt Nam. Chính sách ngăn chặn này tạo tình trạng đối đầu căng thẳng tại các trại tỵ nạn bên phần đất Việt Nam ở biên giới ở ba cửa khẩu do Bắc Kinh chỉ định.###
Phía Việt Nam không kiềm chế như phía Trung Quốc. Họ ép người nạn kiều phải băng biên giới vào Trung Quốc bất kể nguy cơ giao tranh vũ tranh, và sau đó tấn công các viên chức Trung Quốc. Chính sách Trung Quốc thời đó dường như là chỉ dùng người không vũ khí và không quân phục để đối đầu với nhân sự vũ trang của Việt Nam, giữ biên phòng vũ trang ở xa những điểm này. Tường trình của phía Việt Nam về những vụ đụng độ nhẹ hôm 1 và 8 tháng 8 ở hai cửa khẩu cho thấy biên phòng vũ trang Việt Nam được dùng chống lại viên chức dân sự Trung Quốc.###
Tường trình của phía Trung Quốc về một vụ nghiêm trọng hơn vào ngày 25 tháng 8, mặc dù viết theo lối có lợi cho họ, trình bày một cách đáng tin rằng lính Việt Nam có vũ trang đã đối đầu với viên chức Trung Quốc không vũ khí. Sự việc xảy ra tại cửa ải Hữu Nghị Quan ở biên giới giữa Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, và Pingxiang [Bằng Tường] tỉnh Quảng Tây. Bộ đội và công an Việt Nam tràn vào trại tỵ nạn phía bên Việt Nam, đánh và đâm vào người Hoa trong trại, ép hơn 2,500 người phải băng qua bên kia biên giới. Sau khi trục xuất người nạn kiều, lính Việt Nam đánh chín “nhân công không vũ khí bảo vệ biên giới” ở phần đất Trung Quốc của cửa ải, nhưng “tuân thủ nghiêm ngặt chỉ thị của cấp trên, nhân sự phía Trung Quốc không đánh trả mà chỉ phản đối mạnh mẽ bằng lời.” Tường trình của phía Hà Nội nói tới quân lính Trung Quốc “mặc thường phục” và công nhận rằng người Việt Nam liên quan trong vụ này là “bộ đội.”###
Mặc dù phía Trung Quốc vào tháng 8 có vẻ chỉ dùng nhân sự không vũ trang tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan và rất có thể là tại hai cửa khẩu còn lại, ở những chỗ khác dọc biên giới họ tiếp tục dùng biên phòng vũ trang để tuần tra. Đã có đụng độ giữa biên phòng hai nước, kể cả “cãi cọ và ẩu đả” giành lãnh thổ ######### điều này trở thành tập quán trong hơn một năm. Nhưng đây là những sự kiện không nổ súng. Vào tháng 8 không có thiệt mạng vì súng đạn. Vào tháng 9 chỉ có một vụ bắn nhau khi thủy thủ một tàu Trung Quốc giết chết một ngư dân Việt Nam trong vùng biển tranh chấp. Giao tranh vũ trang đã không diễn ra tại biên giới cho tới tháng 10.###
Sự việc ngày 25 tháng 8 tại Hữu Nghị Quan cũng có tầm quan trọng nữa là rồi ra nó trở thành một trong những nguồn tranh chấp về lãnh thổ. Sau sự việc đó, quân đội Việt Nam dựng rào kẽm gai quanh cửa khẩu và xây lô cốt đại liên ở gần đó. Hơn 200 quân được điều lên đóng trên đồi Punien (Ponien), là đất phía Trung Quốc giành là của họ. Vấn đề nạn kiều dần dần được thay thế bằng vấn đề lãnh thổ. Tới ngày 26 tháng 9, khi Bắc Kinh rút đoàn đàm phán ra khỏi Hà Nội, ngưng mọi thảo luận về vấn đề nạn kiều, thì nhiều điểm trên biên giới đã thành đất tranh chấp, và cả hai bên đều khiếu nại về những vụ “xâm phạm đất đai.”###

[Chú thích của dịch giả: Không rõ tên tiếng Việt của đồi Punien. Theo miêu tả của một nhà báo trong nước, từ phía Lạng Sơn lên Hữu Nghị Quan có hai con đồi. Đồi bên trái hiện mang tên Lê Đình Chinh, nay vẫn thuộc Việt Nam; đồi bên phải trước 1979 phía Việt Nam có đóng, sau 1979 Trung Quốc chiếm, đồi có tên là điểm cao 371. Không rõ đồi nào là đồi Punien.]

III. Trung Quốc dọa dẫm Hà Nội: Máy bay do thám

Phản ứng với việc Hoa kiều phải bỏ đi hàng loạt, ngay từ những ngày đầu phía Trung Quốc đã thử dọa dẫm các lãnh tụ Việt Nam và ép họ phải ngưng ngược đãi người gốc Hoa bằng biện pháp khiêu khích, cho phi cơ bay do thám trên lãnh thổ Việt Nam ở phái bắc và, đôi khi, trên vùng biển phía Việt Nam cho là của họ trên Vịnh Bắc Bộ gần các thành phố Việt Nam ven biển. Cùng lúc đó, phía Trung Quốc cho chuẩn bị phòng thủ tại biên giới.###
Bắt đầu vào tháng 5 và tiếp tục suốt mùa hè và thu 1978, khu trục cơ Trung Quốc xâm nhập ############# vào không phận Việt Nam. Mặc dù một “viên chức cao cấp Việt Nam” than phiền với báo chí quốc tế vào ngày 19 tháng 5 là những chuyến bay do thám của Trung Quốc là “lỗi lầm cố ý,” Hà Nội không chính thức phản đối, với hy vọng là Bắc Kinh sẽ tự ngừng lại. Nhưng sau vụ xâm nhập thật sâu vào không phận Việt Nam ngày 8 tháng 7, khi ba khu trục cơ Trung Quốc băng qua biên giới ################ vào Việt Nam, Hà Nội buộc phải chính thức đưa văn thư ngày 10 tháng 7 phản đối các chuyến bay do thám. Một viên chức Trung Quốc từ chối không nhận văn thư, và vào ngày 16 tháng 7 bốn khu trục cơ Trung Quốc xâm nhập không phận phía bắc Việt Nam. ######### [xóa 4 hàng]
Chính sách chung của Hà Nội là giữ phi cơ của họ ở xa vùng biên giới và tránh phản ứng trên không đối với các chuyến bay do thám. Phải đến ngày 14 tháng 9, khi hai khu trục cơ Trung Quốc bay sát vùng biên giới tiếp giáp hai tỉnh phía bắc là Cao Bằng và Lạng Sơn, Việt Nam, dường như là lần đầu tiên, gởi khu trục cơ của họ lên trong phản ứng phòng ngự. #### [xóa 1 hàng] Việt Nam có phi cơ tối tân hơn và rất có thể là có phi công điêu luyện hơn, nhưng quan ngại là Không quân Trung Hoa có nhiều máy bay hơn và muốn giới hạn tranh chấp trong vùng đất liền, cụ thể hơn là trong phạm vi lực lượng biên phòng. Leo thang lên không và ra biển sẽ khiến cuộc tranh chấp với Trung Quốc cao hơn mức chấp nhận được. Mặc dù Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong diễn văn Quốc Khánh ngày 2 tháng 9 chỉ trích Trung Quốc xâm phậm không phận và hải phận Việt Nam, ông nhấn mạnh hơn về những hành động của Trung Quốc tại “nhiều vùng biên giới ... nơi Trung Quốc có thể bất cứ lúc nào có hành động thù nghịch và phá hoại chống chúng ta.” Trước ngày Trung Quốc xâm lăng 17 tháng 2, 1979, không hề có cuộc giao tranh không quân hay hải quân nào, mặc dù phía Trung Quốc rõ ràng là sẵn sàng leo thang chiến cuộc lên trên không từ tháng 5, 1978.

IV. Hà Nội chuẩn bị “chiến tranh”

Lo ngại về gián điệp và biên phòng Trung Quốc xâm nhập và phá hoại trở thành ưu tư cấp bách cho Hà Nội, và mối lo ngại này đưa đến quyết định dựng hàng rào tại nhiều đoạn dài trên biên giới. Phía Việt Nam tin rằng một cuộc tập trung lực lượng rất lớn của Trung Quốc đã diễn ra tại miền nam Trung Hoa và họ cần phải chuẩn bị cho khả năng Trung Quốc tấn công ồ ạt. Hoàng Tùng, một ủy viên trung ương đảng và Tổng biên tập báo Nhân Dân, nói với #### hôm 17 tháng 9 [năm 1978] rằng:
“Gần đây, Trung Quốc đã tập trung quân đội như chưa từng thấy tại vùng đất phía nam. Chúng tôi đã có thông tin rằng họ đang củng cố vị trí. Không ai dám chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không tấn công Việt Nam. Trong lúc chúng tôi dành toàn bộ nỗ lực để tránh chiến tranh, chúng tôi đồng thời chuẩn bị toàn diện để đối đầu với Trung Quốc.”
Rõ ràng là phía Việt Nam có cái nhìn quá đáng đối với sự tăng cường ít ỏi của Trung Quốc về an ninh biên giới. Cách nhìn này có lợi cho Việt Nam để gây thiện cảm với các nước khác bằng cách nói lại những quan điểm này cho người ngoại quốc nghe. Tuy nhiên, vẫn thấy rằng dự tính của họ là dự tính cho tình trạng xấu nhất và chuẩn bị cho khả năng một cuộc tấn công ồ ạt từ Trung Quốc. Họ từ chối không loại bỏ khả năng chiến tranh.###
Họ bắt đầu chuẩn bị nhân viên dân sự cũng như quân đội. Vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, các chính ủy viên đã tuyên truyền cho dân chúng ở miền nam Việt Nam dùng giáo án của Trung ương Đảng ###########. Được biết những điểm chính là:
* Trung Quốc là kẻ thù chính và cấp bách của Việt Nam.
* Việt Nam sẽ đánh bại Trung Quốc vì Việt Nam có 50 triệu người, có lãnh đạo Cộng sản anh minh, và có sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa.
* Đàm phán Trung Quốc không phải nghiêm túc mà chỉ là hình thức câu giờ.
* Hai khẩu hiệu chính của Việt Nam là “Chuẩn bị chiến tranh bảo vệ tổ quốc” và “Gia tăng sản xuất ủng hộ tiền tuyến.”
###############
###############

[ở đây xóa mất 9 hàng]

Những lời tuyên truyền đầy hận thù chống Trung Quốc và những lời gợi ý tràn trề về một cuộc chiến không thể tránh khỏi, rất có thể phản ảnh dự kiến đầy bị quan của Hà Nội về ý đồ quân sự của Bắc Kinh. Một quan sát viên phương Tây ############ ############ [xóa hơn 1 hàng] vào cuối tháng 8 lưu ý về những bằng chứng rộng rãi là Việt Nam đã nâng cao cuộc chuẩn bị quân sự. ############ ############ [xóa 5 hàng] Trong số các viên chức Việt Nam ông ta gặp dường như đều tin rằng Trung Quốc có âm mưu thù nghịch về lãnh thổ Việt Nam, và nhiều người trong số họ bảo rằng, “Chúng tôi đã đánh bại Pháp, chúng tôi đã đánh bại Mỹ, và bây giờ chúng tôi sẽ đánh bại Trung Quốc.” Cảm tưởng chung của ông là các viên chức Việt Nam cho rằng chiến tranh với Trung Quốc là “không thể tránh khỏi,” và ông bàn thêm, “Hơn nữa, họ (người Việt Nam) cũng muốn đánh lắm.”###
Ngược lại, mặc dù phía Trung Quốc khi đó đang tiến hành một số việc chuẩn bị dân chúng phía nam Trung Hoa cho cuộc tranh chấp biên giới còn tiếp diễn, họ không nhấn mạnh nguy cơ chiến tranh. Những lời tuyên bố của Trung Quốc với người ngoại quốc giảm thiểu nguy cơ này. ############## ############## ############## [xóa hơn 8 hàng]
Phía Trung Quốc, là phía lớn hơn và mạnh hơn, rõ ràng là có thái độ nhàn hạ về tình trạng tại biên giới, hơn là phía Việt Nam. Phía Việt Nam có lẽ đã tính trước rằng việc họ sắp sửa lấn chiếm Campuchia có thể khiêu khích Trung Quốc trả đũa và tấn công trên diện rộng. Nhưng thay vì rụt lại, họ quyết định không thay đổi và chuẩn bị đối đầu với hậu quả.###

(Chú thêm của blogger Hạo Nhiên: Biết chiến tranh rất có thể sẽ xảy ra, Hà Nội đã chuẩn bị mọi thứ tuyên truyền, chính trị, đào hào, dựng hàng rào tre, v.v. -- chỉ có trừ việc đưa quân lên biên giới phía bắc là không làm thôi!)

V. Tuyến phòng thủ biên giới của Việt Nam khiến căng thẳng leo thang

Phía Việt Nam từ tháng 7 đã đủ bị báo động với các hành vi của Bắc Kinh và bắt đầu đặt rào (dùng cọc tre và kim loại, dây kẽm gai, và gài bãi mìn) ở hầu hết toàn bộ đường biên giới Hoa-Việt, chỉ trừ những đoạn bị trở ngại vách núi hay sông ngòi. Có cả những làng dọc đường biên giới dài 1,285 km được giao nhiệm vụ làm hàng ngàn cây cọc. Công sự được xây, hào được đào và đạn dược được chuyển vào. Mức độ tuần tiễu của bộ đội PAVN [viết tắt theo tiếng Anh People’s Army of Vietnam tức Quân đội Nhân dân Việt Nam] cũng như của bộ đội biên phòng, công an, và dân vệ vũ trang gia tăng. Hà Nội do sợ gián điệp và biên phòng xâm nhập nên dẫn tới việc thiết lập những vùng trống – là những đoạn biên giới kể cả các làng mạc chung quanh, trong đó đuổi hết người Hoa đi và được xây kiên cố. Tới tháng 10, Việt Nam đã thiết lập được một tuyến phòng thủ mà, mặc dù thô sơ, phía Trung Quốc cho là một sự khiêu khích.###
Tuyến này thay đổi đáng kể bản chất và tầm mức của tranh chấp biên giới. Quan trọng hơn cả, nó sản sinh ra bất đồng về chủ quyền tại nhiều nơi dọc đường biên giới mà trước đó không hề có bất đồng. Trước đó, đường biên giới được định nghĩa tạm bợ bằng những mốc đá đặt tại chân núi, thung lũng và những vùng thấp dọc biên giới. Trên lý thuyết, đường biên giới gồm những đường thẳng giữa các mốc này, nhiều mốc cách xa nhau, có khi tới 20 km. Không hề có gì xác định đường biên giới trên mặt đất giữa những cột mốc này, và Việt Nam khi xây tuyến phòng thủ đã tùy nghi đặt rào, cột, và bãi mìn, gần như chắc chắn theo hướng có lợi cho Việt Nam về lãnh thổ. Những khiếu nại của Bắc Kinh về việc Việt Nam “lấn chiếm” vào phần đất Trung Quốc với độ sâu từ “hàng chục và hàng trăm mét” tới cả “nhiều kilô mét” có vẻ đáng tin.###
Sự “ngạo mạn” của Việt Nam cũng thấy được qua việc đơn phương xây một con đập trên thượng nguồn sông Chảy (phía bắc Lào Cay) [Phía Trung Quốc gọi sông Chảy là sông Ðổ-Chú.], khiến cho 90 phần trăm lưu lượng chạy về phía Việt Nam trong ba hòn cù lao trên sông, để lại phía Trung Quốc nông cạn không đủ để lưu thông.###
Vùng quan trọng nhất trong những vụ Việt Nam bị tố cáo là xâm nhập [vào đất Trung Quốc] là ở khu vực đông bắc [Việt Nam], gần Hữu Nghị Quan phía bắc Lạng Sơn, và ở khu vực tây bắc, phía bắc Lào Cai. Ngoài ra, có một dải lãnh thổ rộng khoảng 300m bên kia ranh giới Trung Quốc, tại chỗ giao thoa đường sắt đông bắc tại Hữu Nghị Quan, được nhân viên Trung Quốc bảo trì từ năm 1955 với sự đồng ý của Việt Nam, đã trở thành nơi Việt Nam sách nhiễu, khiến Trung Quốc phải đóng cửa đường sắt từ ngày 22 tháng 12, 1978. ################# [xóa 2 hàng]
Ở phần mình, phía Việt Nam có vẻ cũng có lý do chính đáng để khiếu nại. Ngay từ giữa năm 1977 họ đã giảng cho cán bộ về chính sách của Trung Quốc di dời cột mốc biên giới về phía nam vào trong lãnh thổ Việt Nam tại nhiều điểm trên đường biên giới. Phía Trung Quốc cũng có chính sách dùng lính biên phòng để hộ tống nông dân vào canh tác trong lãnh thổ Việt Nam nhận là của mình.###
Dù gì đi nữa, bước leo thang chính yếu, là việc Việt Nam xây dựng tuyến phòng thủ, ép buộc Bắc Kinh phải lên tiếng tranh lại những phần đất Việt Nam từng giành từ lâu cũng như mới giành đây, chứ không để cho Hà Nội đơn phương đánh mốc theo hướng có lợi cho [Việt Nam] một đường biên giới xưa nay để ngỏ. Phía Trung Quốc trước đó đã không muốn sa lầy trong một cuộc chiến tranh biên giới mà có thể, như tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Liên Xô, gây khó khăn vĩnh viễn cho quan hệ chính trị. Họ đã từng hy vọng có thể uy hiếp Việt Nam trong vấn đề nạn kiều và thúc ép họ [Việt Nam] phải ngưng giành đất đai của Trung Quốc. Nhưng hành vi của họ [Trung Quốc] là giữ bản chất và tầm mức của những tranh chấp này trong vòng giới hạn; họ không muốn một cuộc chiến tranh, và họ tiếp tục giữ liên lạc tại địa phương giữa các đại diện biên phòng. Mặc dù từ 14 tháng 7 phía Việt Nam đã bắt đầu đào một số hào trong vùng Hữu Nghị Quan, một vùng nhạy cảm, và sau đó đến ngày 14 tháng 9 đã mở rộng việc đào hào ra hầu hết các đồi gần lối vào phía nam cửa ải, phía Trung Quốc không có hành động nào giống vậy bên phần đất của họ. Tuy nhiên, đến lúc đối diện với nhiều tranh giành mới, Bắc Kinh thay đổi chính sách kiềm chế tại biên giới.###
Tổng cộng lại, vùng đất bị Việt Nam “chiếm đóng” không lớn. Nhưng việc Việt Nam tự cho là có thể tùy tiện tự nhận bất kỳ một chút đất nào của Trung Quốc là điều phía Trung Quốc không chấp nhận được. Tương tự, số người Trung Quốc bị phía Việt Nam giết là nhỏ. Nhưng sự thách thức công khai của phía Việt Nam đã khiến bất kỳ cái chết nào cũng không chấp nhận được [đối với Trung Quốc].###
Kết luận của Bắc Kinh là với sự ngạo mạn quân sự của các lãnh tụ Việt Nam, nếu để yên sẽ tiếp tục là một sự “kiêu căng” nguy hiểm. Cuộc xâm lăng của Trung Quốc ngày 17 tháng 2, 1979 là một cố gắng phá vỡ hình ảnh Hà Nội tự vẽ cho mình là vô địch bất bại, như Đăng Tiểu Bình công bố. (*) Phía Trung Quốc đã quyết định như thế nhưng chỉ sau khi đã cố gắng dùng những biện pháp ít khắc nghiệt hơn để ngăn cản Hà Nội.###

(*) [Chú thích trong nguyên bản] Nói với truyền thông Mỹ tại Bắc Kinh hôm 27 tháng 2, 1979, họ Đặng tuyên bố rằng trong quá trình dạy cho Việt Nam một bài học, huyền thoại một Việt Nam vô địch bất bại và điều họ khẳng định là cường quốc quân sự thứ ba thế giới “đã bị phá vỡ.” (Washington Post, 28 tháng 2, 1979)###

[Chú thích thêm của dịch giả: Trong phần này CIA có nhắc tới sông Chảy tức sông Đổ Chú. Học giả chuyên nghiên cứu về biên giới Việt-Trung ông Trương Nhân Tuấn có trích tài liệu thế kỷ trước viết về tranh chấp biên giới ở vùng sông Đổ Chú vào thời Tự Đức như sau:
“Ðất cũ của chúng ta được thực sự trả lại với sông Ðổ-Chú là giới-hạn. ... Tả-Thị-Lang Nguyễn-Huy-Nhuận và Tế-Tửu Nguyễn-Công-Thể được gởi lên Tuyên-Quang để nhận lại đất đai được trả và xác-định giới-hạn vùng đất nầy. Thổ-ti Khai-Hóa gian-dối chỉ-định một con sông khác và cho đó là sông Ðổ-Chú để nhằm mục-đích giữ lại những làng-xã thuộc vùng Bảo-Sơn. Công-Thể biết được âm-mưu liền lặn-lội đi vào núi rừng, cực-kỳ khổ-sở, đi thăm tất-cả các mỏ bạc và mỏ đồng và cuối cùng tìm được vị-trí thực-sự của con sông Ðổ-Chú. Người ta dựng lên các bia đá ngay tại địa-điểm giới-hạn biên-giới giữa hai nước. Vấn-đề tranh-chấp biên-giới chính-thức được kết-thúc.”]


VI. Tiếp tục leo thang: Trung Quốc bắt đầu tháo gỡ hàng rào

Quyết định của phía Trung Quốc dùng vũ lực để thách đố việc Việt Nam đơn phương đánh dấu đường biên giới có lẽ đã được đưa ra vào cuối tháng 9, khi họ đã thu thập được bằng chứng rõ ràng về sự “xâm nhập” qua việc xem xét bản đồ do các tổ biên phòng vẽ vào tháng 9. Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm [Li Xiannian, đến năm 1982 kế nhiệm Lưu Thiếu Kỳ làm chủ tịch nước] #### nói với nhân sự ############## ngày 1 tháng 10 rằng cuộc tranh chấp đã vượt qua khỏi tầm có thể hòa giải được và tình hình sẽ chả tốt gì hơn cho dù Trung Quốc có “nhượng” cả hai tỉnh biên giới cho Việt Nam đi nữa. Trung Quốc, ông nói, bây giờ đang chuẩn bị cho một thử thách xấu xa và kéo dài. Đặng Tiểu Bình nói với một người khách ############ hôm 8 tháng 10 rằng Trung Quốc đã “bỏ cuộc” với Việt Nam rồi, nhưng hy vọng tránh được chiến tranh vũ trang; nếu phía Việt Nam muốn đánh, họ “sẽ gặp điều không hay.”########
Những đánh giá bi quan của họ Lý và họ Đặng gợi ý rằng mặc dù đến cuối tháng 12 Trung Quốc mới bắt đầu tập trung lực lượng, phía Trung Quốc đã chủ động tính tới chuyện “trừng phạt” Hà Nội từ trước đó rồi.#######
Tới đầu tháng 10, Bắc Kinh đã bắt đầu chính sách đưa biên phòng vũ trang và dân vê tới phá hàng rào và bãi mìn. Mặc dù những vụ đụng độ vẫn chỉ giới hạn trong những hành vi đấm nhau, lấy gậy đập nhau, ném đá, và mắng chửi, nhưng sân khấu đã sắp sẵn để nhân sự vũ trang của Trung Quốc vũ trang chạm trán và thách thức nhân sự vũ trang của Việt Nam trong những vụ bắn nhau lẻ tẻ. Vào tháng 9, phía Trung Quốc mới chỉ cho lính biên phòng và công an cửa khẩu cảnh cáo phía Việt Nam “Đây là đất Trung Quốc”; tới ngày 9 tháng 10, phía Trung Quốc đã cho biên phòng “phá hủy hàng rào và rút cột mốc.” Từ đó, chỉ bước một bước nhỏ là leo thang đến việc biên phòng Trung Quốc bắn hai biên phòng Việt nam và bắt cóc một cán bộ Việt Nam hôm 13 tháng 10 tại xã Pha Long, huyện Mường Khương tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đó là lần đầu tiên kể từ tháng 2, 1978 có vụ bắn thiệt mạng biên phòng Việt Nam.###
Mức độ phẫn nộ của Hà Nội đối với vụ nổ súng này được phản ảnh trong một loạt bài phê bình trên báo chí. Sự cứng rắn của phía Bắc Kinh trong chính sách biên giới được miêu tả chi tiết trên báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam:
“Nhà cầm quyền Trung Quốc ... đã đi từ bước chỉ dùng gậy gộc mã tấu để khiêu khích các chốt biên phòng Việt nam và uy hiếp dân phòng và biên phòng trong lãnh thổ Việt Na, tới giai đoạn đưa côn đồ có vũ khí vào phục kích và thảm sát cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới.”
Phía Trung Quốc chờ hai tuần trước khi trả lời phản đối chính thức của Việt Nam. Ngày 26 tháng 10, họ chính thức phản đối rằng hành động của Việt Nam – như việc dựng hàng rào và những tuyến phòng thủ, ném đá và làm bị thương nhân sự Trung Quốc – vẫn còn tiếp diễn, nhưng về vụ nổ sung, họ chỉ nói rằng phía Việt Nam đôi khi bắn súng “chỉ thiên” và “một cách hăm dọa.” Văn bản không nói gì đến vụ giết và bắt cóc người ngày 13 tháng 10. Thiếu sót này cũng như sự trì hoãn khi công bố văn bản trả lời cho thấy tố cáo của phía Việt Nam là chính xác. Bắc Kinh hy vọng giữ được bề ngoài hòa hoãn bằng cách tránh không bình luận trên báo chí về vụ này, thay vào đó để cho tùy viên tại Hà Nội và viên sĩ quan chỉ huy đồn biên phòng trả lời bằng những “tuyên bố mập mờ” mỗi khi phía Việt Nam phản đối.###
Phía Trung Quốc vẫn chưa chuyển qua chính sách cho bắn súng, và vụ sát nhân ngày 13 tháng 10 đã không lập lại bất cứ chỗ nào khác trên biên giới mặc dù biên phòng vẫn tiến hành phá hủy hàng rào biên giới của Việt Nam. Thật vậy, sự việc ngày 25 tháng 8 trong đó Hà Nội tố cáo hai nhân viên công an Việt Nam bị giết, nhưng không phải vì bị bắn, và sự việc ngày 12 tháng 9 trong đó Hà Nội tố cáo một ngư phủ bị bắn chết, là những sự việc cô lập trong trên một đường biên giới dài. Nếu một trong hai bên có ra lệnh cho biên phòng và dân phòng được phép nổ súng, đã có rất nhiều vụ hơn, trong bình diện rộng hơn, và với thời gian kéo dài lâu hơn. Khi vụ kế tiếp diễn ra, rõ ràng là nhân sự Trung Quốc không được lệnh nổ súng mặc dù bị bắn trước.###
Phía Trung Quốc tường thuật chi tiết hơn phía Việt Nam về vụ nhân sự vũ trang Việt Nam giết sáu công nhân nông trường và dân phòng vũ trang Trung Quốc trong vùng Dinghaoshan thuộc huyện Tĩnh Tây tỉnh Quảng Tây (Jingxi, Guagxi / Tinghaoshan, Ching-his, Kwangsi) ngày 1 tháng 11 [năm 1978]. Bắc Kinh thừa nhận là những công nhân nông trường và dân phòng vũ trang này đang thực hiện việc “tháo dỡ vật chướng ngại và cọc tre dựng bất hợp pháp, và san lấp hào cũng đào bất hợp pháp, bởi phía Việt Nam bên trong lãnh thổ Trung Quốc” – khi xảy ra cãi cọ giữa đôi bên. “Nhân sự vũ trang” Việt Nam, có lẽ là dân phòng, rút về bốn chốt canh và, khi “viên chỉ huy” là một “công an Việt Nam” ra lệnh, nã súng vào người Trung Quốc bằng đại liên, tiểu liên và súng trường. Mười hai người Trung Quốc bị thương và tám người vị bắt cóc. Dân phòng Trung Quốc đã “tự kiềm chế và không hề bắn trả một phát nào.” Biên phòng Trung Quốc khiếu nại với biên phòng Việt Nam, và [Việt Nam] hẹn gặp mặt vào ngày 2 tháng 11, nhưng đến giờ hẹn phía Việt Nam bất ngờ hủy cuộc họp, chuyển vụ việc lên cấp trên. Ngày 3 tháng 11, Bộ Ngoại giao Việt Nam báo cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội rằng sáu người trong số người Trung Quốc bị bắt cóc đã chết “trên phần đất Việt Nam.”
Nội trong 48 tiếng sau vụ 1 tháng 11, chính quyền Việt Nam đưa hết tất cả phóng viên ngoại quốc thường trực trong nước tới nơi xảy ra sự việc và chỉ ra rằng sáu thi thể người Trung Quốc chỉ nằm cách trạm công an 18 mét và cách biên giới Trung Quốc 275 mét, và họ đều mang súng trường của Trung Quốc. Tường thuật của phía Việt Nam nhấn mạnh là “một phóng viên AFP tại Việt Nam, sau khi đến thăm hiện trường, tường trình lại rằng khu vực xảy ra giao tranh nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam, cách biên giới 400 mét về phía nam.” Thực ra, sáu người Trung Quốc đều mặc thường phục và có hai người bị bắn từ phía sau. Có lẽ họ đã bị bắt cóc rồi sát hại, mặc dù tường thuật của Hà Nội cho rằng họ đang “xông về phía trước” đột nhập lãnh thổ Việt Nam, vừa xung phong vừa nã đạn.###

[Chú thích thêm của dịch giả: Đoạn trên có nhắc đến vụ giao tranh diễn ra trong huyện Tĩnh Tây tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Ngày nay, thác Bản Giốc, mà Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên, nằm trong địa giới huyện Tĩnh Tây.]

VII. Bắc Kinh gia tăng cảnh cáo trong những vụ bắn giết

Bắc Kinh phẫn nộ trước việc họ cho là một sự ám sát tàn nhẫn và lần đầu tiên đưa ra lời cảnh cáo nghiêm trọng đối với Hà Nội. Văn thư Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7 tháng 11 khẳng định rằng chỉ nhờ vào sự “kiềm chế và nhẫn nại” của Trung Quốc mà không có sự việc nghiêm trọng nào xảy ra tại biên giới, và lần đầu tiên Bắc Kinh dùng chữ “cảnh cáo” để truyền đạt thông điệp của họ:
“Chính phủ Trung Quốc cảnh cáo nhà cầm quyền Việt Nam một cách hết sức nghiêm trọng rằng họ không nên nhìn sự kiềm chế và nhẫn nại của Trung Quốc như một nhược điểm và nhịn nhục. Nếu nhàm cầm quyền Việt Nam cố tình bám vào đường lối hiện nay và tiếp tục gia tăng khiêu khích chống Trung Quốc và xâm nhập qua vùng biên giới Hoa-Việt, họ sẽ phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả gây ra.”
Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục chính sách dựng thêm hàng rào và đặt thêm bãi mìn, và Trung Quốc tiếp tục phá hủy chúng. Nhưng trong tháng 11 không còn một vụ nổ súng sát hại dân quân hay biên phòng nào nữa.###
Đến tháng 12, tuy nhiên, đã có hai người chết vì bị phía Việt Nam bắn. Trung Quốc công bố hai bản cảnh cáo với lời lẽ được cân nhắc cẩn thận, bản thứ nhì nặng hơn bản thứ nhất, và cả hai đều nặng hơn bản cảnh cáo ngày 7 tháng 11.###
Lời cảnh cáo ngày 13 tháng 12 nằm trong công văn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề ngày đó và khiếu nại rằng vào ngày 9 tháng 12 một “chiếc thuyền vũ trang của Việt Nam” bắn vào một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc làm chết một và bị thương hai ngư phủ trong vùng biển duyên hải Trung Quốc gần Đông Hưng (Dongxing), Quảng Tây.
“Chính phủ Việt Nam nên hiểu rằng sự kiềm chế và nhẫn nại của Trung Quốc trước những hành động khiêu khích vũ trang và xâm lấn lãnh thổ Trung Quốc là có giới hạn. Nếu nhà cầm quyền Việt nam còn bám lấy đường lối này và tiếp tục xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền Trung Quốc, và gây sự kiện đổ máu, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra.” (nhấn mạnh thêm [của CIA])
Viên chức ######## của Việt Nam tuyên bố ####### rằng đây là công văn phản đối nặng lời nhất từ khi mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xuống dốc. Công văn này được cho là có thêm thẩm quyền qua lời tuyên bố của Lý Tiên Niệm [Li Xiannian, khi đó là phó thủ tướng, đến năm 1982 kế nhiệm Lưu Thiếu Kỳ làm chủ tịch nước Trung Quốc] với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Chatichai cùng ngày: “Sự kiềm chế của Trung Quốc là có giới hạn và nhà cầm quyền Việt Nam đang mơ ngủ nếu họ nghĩ rằng chúng tôi yếu đuối và có thể bị hiếp đáp.”###
Lời cảnh cáo ngày 25 tháng 12 nằm trong một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo của Bắc Kinh; bài này tóm tắt những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm vừa qua, và tố cáo rằng những hành động của Việt Nam “hiếp đáp Trung Quốc đã lên đến mức không chấp nhận được”:
“Nhà cầm quyền Việt Nam đã đi quá xa trong đường lối chống Trung Quốc. Sự kiềm chế và nhẫn nại của nhân dân Trung Quốc là có giới hạn. Trung Quốc chưa bao giờ hiếp đáp và sẽ không bao giờ hiếp đáp nước nào khác, như cũng sẽ không để cho mình bị ai khác hiếp đáp. [Trung Quốc] sẽ không tấn công nếu trừ khi bị tấn công. Nhưng nếu bị tấn công, [Trung Quốc] chắc chắn sẽ đánh trả. Trung Quốc nói gì là làm nấy.
Chúng tôi muốn cảnh cáo nhà cầm quyền Việt Nam là nếu họ, được bạo dạn nhờ sự ủng hộ của Moscow, muốn chiếm một dặm sau khi giành được một li, và tiếp tục hành động theo kiểu buông lỏng như này, họ sẽ nhất quyết gặp phải sự trừng phạt đích đáng. Chúng tôi đã lên tiếng tại đây và bây giờ. Sau này đừng trách chúng tôi đã không báo trước rõ ràng.” (nhấn mạnh thêm [của CIA])
Đó là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai dùng chữ “trừng phạt,” mặc dù bài xã luận này cũng như những lời tuyên bố công khai và riêng tư sau đó của Bắc Kinh vẫn còn mập mờ về hình thức và mức độ trả đũa của Trung Quốc. Lời cảnh cáo này tung ra sau khi chín dân quân và thường dân Trung Quốc bị giết bởi “nhân sự vũ trang Việt Nam” trong một cuộc giao tranh ở Xilu (Hsilu), tỉnh Quảng Tây, hôm 23 tháng 12. Công văn của Bắc Kinh về cuộc giao tranh này lần đầu tiên trong cuộc tranh chấp biên giới tuyên bố rằng “dân quân Trung Quốc đã buộc phải bắn trả để tự vệ và giết chế ba tên xâm nhập vũ trang Việt Nam ngay tại chỗ.” Điều này ngụ ý rằng trong những sự việc tại biên giới, chính sách của Trung Quốc đã thay đổi, từ kiếm chế chuyển sang đáp trả. Trên thực tế, chính sách của Trung Quốc còn vượt qua mức đó nữa: chỉ thị mới, được đưa ra cho lực lượng Trung Quốc tại biên giới, ra lệnh đừng để cho phía Việt Nam ra tay trước.###
Để biện minh cho chính sách quân sự cứng rắn hơn, phía Trung Quốc nỗ lực thuyết phục quốc tế rằng Việt Nam là kẻ gây ra rối loạn trong khu vực. Lời cảnh cáo ngày 25 tháng 12 – được ra cùng ngày Việt Nam khởi động tấn công vào Campuchia – tuyên bố rằng có một mối “quan hệ hữu cơ” giữa tranh chấp Việt-Trung và cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Campuchia, là trong cả hai sự kiện, Việt Nam là phía khiêu khích.###

VIII. Trung Quốc bắt đầu “trừng phạt”

Lời cảnh cáo của Bắc Kinh ngày 25 tháng 12 về một sự “trừng phạt” trong tương lại mởi đầu cho một chính sách mới tại biên giới. Bằng chứng cho thấy rằng trong khoảng từ ngày 13 tới 23 tháng 12, sau những vụ giết hại người Trung Quốc và dấu hiệu cho thấy sắp có xâm chiếm Campuchia, đã quyết định cho nhân sự Trung Quốc được phép:
* Nổ súng, không chỉ để bắn trả, mà mỗi lần thấy nhân sự Việt Nam.
* Chủ động tuần hành công kích về phía trước đến tận, và vượt khỏi, trạm biên phòng Việt Nam.
Hỏa lực Trung Quốc – đến lúc này đã leo thang tới hỏa tiễn và súng cối cầm tay – cũng được chỉ thị dùng để bắn những trạm gác này, nhiều trạm cũng chỉ mới xây.
* Ngày 28 tháng 12, ###### [xóa nửa câu] phía Trung Quốc huy động nhiều toán quân nhỏ tấn công các trạm biên phòng.
#############
#############
#############
#############

[xóa hai đoạn, mỗi đoạn bốn dòng]

Phía Việt Nam trong công văn ngày 1 tháng 1979 tố cáo công khai rằng “trong những ngày cuối năm 1978” quân lực Trung Quốc đã bắt đầu “nổ súng” và nhân sự và trạm biên phòng Việt Nam.###
Biên phòng và dân quân Trung Quốc đã được dùng trong giai đoạn đầu tiên của chính sách mới này. Tuy nhiên, tới giữa tháng 1, các đơn vị chính quy PLA [viết tắt theo tiếng Anh People’s Liberation Army – Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa] dường như được điều về và chịu trách nhiệm chính trong những công tác này. [Trung Quốc] đã dùng những toán quân lớn hơn và dường như chỉ thị được đưa ra để thâm nhập vào sâu hơn trong vùng biên giới Việt Nam, lúc đầu chỉ đến tối đa 1 km, sau đó tới nhiều km, sâu hơn vùng hoạt động trước. Bắc Kinh đưa con số thiệt hại trong lực lượng biên phòng từ ngày 23 tháng 12 tới 15 tháng 1 là 4 bị giết, 4 bị thương. Con số của Hà Nội đưa ra về số quân biên phòng bị giết từ ngày 14 tới 17 tháng 1 là bảy người. Do đó, cho tới giữa tháng 1, đụng độ vẫn còn ở mức nhỏ và dường như lực lượng chính quy PLA vẫn chưa được sử dụng.
Tuy nhiên, cho tới cuối tháng, phía Trung Quốc đã đưa các đơn vị chính quy PLA tới vùng sát biên giới.
Công văn hà Nội ngày 29 tháng 1 tố cáo rằng “nhiều đoàn quân lực Trung Quốc” hôm 26 tháng 1 đã tấn công một đồn biên phòng Việt Nam và “một trung đội” Trung Quốc đã xâm nhập “vào sâu” trong lãnh thổ Việt Nam. Ngày 30 tháng 1, Hà Nội loan tin “một đại đội” quân Trung Quốc đã lấn vào lãnh thổ Việt Nam tại một nơi, và quân lực Trung Quốc đã xâm nhập “vào sâu 1 km” bên trong lãnh thổ Việt Nam tại một nơi khác.#### ########## ########## ########## [xóa 6 dòng] Tới ngày 8 tháng 2, quân Trung Quốc đã dùng pháo ######## tấn công trạm gác biên phòng Việt Nam. Tới ############ ############. [xóa 3 dòng] Do đó, chỉ trong ít hơn một tháng, phía Trung Quốc đã thay đổi cán cân lực lượng tại biên giới để sẵn sàng một lực lượng quân sự cao hơn cho chính sách “trừng phạt” của họ.###

IX. Trung Quốc thất bại trong chính sách uy hiếp

Sự thay đổi từ việc dùng biên phòng và dân quân tại biên giới, qua sử dụng bộ đội chính quy PLA thâm nhập sâu hơn, bất kể nguy cơ giao tranh lớn hơn, đã không uy hiếp được phía Việt Nam. [Trước đó] những phi vụ máy bay do thám vào tháng 5, 1978 cũng như việc phá hủy hàng rào Việt Nam bắt đầu vào tháng 10 cũng đã chẳng ngăn chặn được Việt Nam không giành những vùng lãnh thổ nhỏ và giết hại nhân sự Trung Quốc. Những lời cảnh cáo của Trung Quốc không hề có hiệu quả. Thí dụ, vào ngày 13 tháng 12 khi phía Trung Quốc muốn trao công văn với lời lẽ nặng nề cảnh cáo phía Việt Nam là nếu Việt Nam tiếp tục khiêu khích ở biên giới Trung Quốc sẽ phải dùng biện pháp mạnh để “trừng phạt” Việt Nam, phía Việt Nam còn từ chối không nhận công văn đó. #### ########### ########### [xóa 4 dòng].
Cuộc tập trung lực lượng Trung Quốc trên diện rộng ở biên giới phía bắc Việt Nam, khởi đầu mạnh mẽ sau khi Việt nam chiếm đóng Campuchia, cũng dường như không có ảnh hưởng uy hiếp gì đối với hành động của Việt Nam ở biên giới. Việc Trung Quốc muốn Việt Nam biết họ tăng cường lực lượng có thể thấy qua một “tiết lộ” cố tình tới một tờ báo do cộng sản điều khiển tại Hong Kong ngày 22 tháng 1. Báo này đăng bản tường trình của AFP trong đó con số tăng cường lực lượng – 15 tới 17 sư đoàn tổng cộng 150,000 binh sĩ – được trích từ nguồn tin quân sự “phương Tây,” nhưng tờ báo này khi đăng lại đã sửa thành “nguồn tin quân sự tại Bắc Kinh.” Có bằng chứng là tới ngày 7 tháng 1 phía Việt Nam đã biết về bản chất và tầm mức cuộc tăng cường lực lượng của Trung Quốc. Tuy vậy Việt Nam vẫn không ngừng đụng độ lực lượng Trung Quốc tại biên giới. Chắc hẳn họ cho rằng những hành động của họ vẫn còn trong mức chưa đủ lớn để khích động một cuộc tấn công trả đũa trên diện rộng. Và cũng có một số bằng chứng họ hy vọng hiệp ước giữa họ và Moscow [Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô ngày 3 tháng 11, 1978 với chữ ký của cả đảng cộng sản lẫn nhà nước hai bên] sẽ là một “vũ khí cản ngăn” chống lại một cuộc tấn công như vậy. Dù gì đi nữa, họ có vẻ không lo ngại lắm, và vào ngày 10 tháng 1 một viên chức Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với ############# viên chức ########## rằng phía Trung Quốc chỉ đánh nhau bằng miệng.### ###
Phía Việt Nam không tỏ vẻ quan ngại cho tới ngày 10 tháng 2 khi họ gởi thư tới vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi Liên Hiệp Quốc và nhân dân thế giới có hành động kịp thời để ngăn chặn Trung Quốc gây chiến. Tới lúc đó phía Việt Nam chắc hẳn không những có tin tình báo của chính họ mà còn có [tình báo] của Liên Xô cung cấp về mức độ tăng cường lực lượng của Trung Quốc.###
Campuchia là yếu tố xúc tác chính trong tư duy Trung Quốc. Tranh chấp biên giới leo thang trong bối cảnh Việt Nam chiếm đóng Campuchia và Trung Quốc đã bất lực không bảo vệ được chế độ chư hầu của họ tại đó. Nói tóm lại, hai yếu tố – hành vi của Việt Nam chống Campuchia và việc Hà Nội không chịu có tư thế nhẹ nhàng hơn tại biên giới Hoa-Việt – dường như đã hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy Bắc Kinh phải cố gắng dùng biện pháp quân sự “trừng phạt” Việt Nam bằng cách đánh chiếm phía bắc.###
Bắc Kinh đã gợi ý rằng quân lực Trung Quốc rồi ra sẽ rút về đường biên giới mà Trung Quốc (chứ không phải Việt Nam) công nhận. Nếu điều này quả thật là quyết định tối hậu của Trung Quốc, và nếu Hà Nội từ chối không đàm phán cho một hiệp ước biên giới, tương lai sẽ thấy một thời gian dài có căng thẳng và mâu thuẫn biên giới.###

[Bản văn tài liệu này chấm dứt ở đây. Sau trang chót là bốn trang bị xóa trắng, có lẽ là bốn trang phụ lục và liệt kê nguồn tham khảo, vẫn còn trong vòng bảo mật.]


No comments: