Những bài ca từ khát vọng chưa thành
Trần Trung Đạo
10.8.2006
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7755&rb=0206
Trong một xã hội thiếu vắng những bản tình ca, một nhạc phẩm mang tên “Tình ca” hẳn được nhiều người đón nhận. Bài hát “Tình ca” của Hoàng Việt được yêu chuộng không phải chỉ do cái tựa mà còn là một nhạc phẩm rất hay. Người nhạc sĩ gốc miền Nam, cũng là tác giả của “Tiếng còi trong sương đêm” quen thuộc với giọng ca Thanh Thúy, đã viết “Tình ca” để gởi gấm nỗi nhớ thương về miền Nam thân yêu và người vợ hiền đã chia tay ông trên cửa biển Cà Mau trước ngày tập kết. Qua núi biếc, qua bóng mây, qua những đêm tối trời mù mịt, tình yêu trong trái tim ông vẫn sáng lên như những vì sao chung thủy đời đời. Thế nhưng, nhạc phẩm “Tình ca” ngày mới ra đời năm 1957 đã bị Đảng phê bình là ủy mị ngay trong lần trình diễn đầu tiên ở Hà Nội với tiếng hát Quốc Hương. Những năm đầu của cuộc chiến “Tình ca” gần như không được hát.
Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
Em ơi! Nghe chăng lời trái tim vọng ra
Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang
Qua núi biếc chập chùng xa xa
Qua bóng mây che mờ quê ta
Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha.
Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa
Đã biến tình đôi ta thành những ánh sao toả sáng
Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa
Bến nước Cửu Long còn đó em ơi!
Bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời
Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xóa nhòa…
Nhạc sĩ Hoàng Việt đã chết vì bom trong ngày cuối năm, 31 tháng 12 năm 1967 trên đường về lại miền Nam để gặp người ông yêu quý.
Cũng trong khoảng thời gian đó ở miền Nam, có thể vào một buổi chiều trong một quán café ở góc đường Lê Lợi hay một buổi tối cuối tuần qua đài phát thanh Sài Gòn, vọng lên tiếng hát Thái Thanh. Hà Nội ơi! Tiếng hát của người ca sĩ tài danh như tiếng than dài tưởng chừng có thể nghe được tận bên kia cầu Hiền Lương đang đau nhức. Nhạc phẩm “Giấc mơ hồi hương” của nhạc sĩ Vũ Thành tưởng vọng về thành đô yêu dấu với Hồ Tây, cầu Thê Húc, đường Cổ Ngư và bao nhiêu kỷ niệm vẫn chưa chịu ngủ yên trong lòng người nhạc sĩ miền Bắc vừa đặt chân lên mảnh đất miền Nam.
… Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn "em" mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ "em"... Hà Nội ơi…
Nhạc sĩ Vũ Thành đã qua đời nhưng giấc mơ hồi hương, gói gắm trong nhạc phẩm của ông, vẫn chưa thành sự thật. Nửa thế kỷ sau, nhạc phẩm bất hủ “Giấc mơ hồi hương” cũng chưa được chính thức hát lên giữa lòng Hà Nội dấu yêu mà ông đã hằng nghìn đêm thương nhớ.
Mười sáu năm sau ngày đất nước bị chia đôi, trong giảng đường đại học, trên đường phố Sài Gòn, trong sân trụ sở Tổng hội Sinh viên ở số 4 Duy Tân Sài Gòn, dọc hành lang cư xá sinh viên Minh Mạng, tiếng hát của ước mơ hòa bình thống nhất độc lập tự do lại vang lên, khác chăng, lần này không phải từ các giọng ca chuyên nghiệp như Quốc Hương, Thái Thanh, từ các nhạc sĩ thành danh như Hoàng Việt, Vũ Thành, không phải từ những giàn đại hòa tấu mà từ những nhạc sĩ còn rất trẻ với những cây guitar thùng cũ kỷ. Họ là Tôn Thất Lập, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng, Trương Quốc Khánh và cả những nhạc sĩ sinh viên đang kẻ những khung nhạc lần đầu.
Nếu có cuộc bình bầu những bài hát phổ biến, chuyên chở tình đất nước và được sinh viên học sinh trước 1975 ưa chuộng, tôi nghĩ một trong những bài được chọn sẽ là bài “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh. Lý do vì bài hát ngắn, dễ hát, dễ thuộc, nói lên khát vọng chưa thành của tuổi trẻ nói riêng và dân tộc nói chung.
Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương …
Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã qua đời, trên đất nước anh hoa hướng dương vẫn chưa nở và con bồ câu bạn bè anh đặt trên quan tài anh trong giờ tiễn biệt cũng đã chết vài ngày sau đó.
Ba nhạc sĩ, người từ Nam ra Bắc, kẻ từ Bắc vô Nam, kẻ từ núi rừng, người từ thành phố, cho đến khi qua đời họ có thể chưa một lần gặp mặt nhau, nhưng cả ba đã cùng với nhiều triệu người Việt Nam cưu mang một ước mơ chung: hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do.
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương, vâng, có người Việt Nam yêu thương đất nước nào mà chẳng từng có những ước mơ như thế. Khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do là khát vọng có thật và sâu thẳm của một dân tộc đã trải qua quá dài, chịu đựng quá nhiều trong chiến tranh, hận thù, phân chia Nam Bắc. Từ buổi sáng ngày 6 tháng 6 năm 1884 khi hòa ước mất nước Patenôtre được ký cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một chặng đường dài. Trong khoảng thời gian đó bao nhiêu máu Việt Nam đã đổ, bao nhiêu thịt Việt Nam đã rơi trên núi rừng và đồng ruộng Việt Nam.
Ngày tôi vào đại học các nhạc sĩ sinh viên nói trên một số đã vào tù, một số vào bưng, một số được trao trả tù binh ở bìa rừng Lộc Ninh, một số trốn tránh ở Sài Gòn, tôi không quen biết hay gặp gỡ họ nhưng những bài ca khao khát hòa bình thống nhất của họ vẫn còn vang đâu đó như trong bài “Không ai ngăn nổi lời ca” của La Hữu Vang dưới đây:
Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca mãi muôn đời, lời ca yêu mến người
Lời tôi ca trên đồng lúa, lời tôi ca nắng mai hồng, lời tôi ca cơn sóng nhỏ dòng sông
Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca những anh hùng trọn đời yêu núi sông
Lời tôi ca xanh đại dương, lời tôi ca những con đường
Lời tôi ca bao dòng máu trên luống cầy đọng giọt mồ hôi
Và ngàn lời ca quyết giữ nước ngăn quân giặc thù
và ngàn lời ca quyết phá tan ngục tù
Người người tìm nhau trong bác ái tin yêu đời
Chung xây nước Việt đẹp tươi !
“Chung xây nước Việt đẹp tươi”, tôi nghĩ các anh chị nhạc sĩ sinh viên thật quá ngây thơ, nhưng đồng thời tôi lại rất kính trọng tấm lòng yêu quê hương trong sáng của họ. Hàng trăm trí thức miền Nam, những giáo sư, luật sư, bác sĩ, kỹ sư từ các trường Tây trường Mỹ về, những bậc thầy, bậc cha chú họ mà còn bị cộng sản xỏ mũi dễ dàng nói chi là những cô cậu sinh viên trẻ tuổi vừa mới nện gót giày lên hành lang đại học. Những con nai tơ còn quá trẻ để thấy phía bên kia bụi rậm bầy cọp đói đang chờ đợi họ. Dù sao, trong đêm dài mùa đông của vận nước, họ là những thanh niên Việt Nam có trái tim nồng ấm tình người và biết đau nỗi đau mà đồng bào đang chịu đựng. Lớn lên trong một xã hội chiến tranh đầy dẫy những bất công tiêu cực họ không có một nơi nào để trút những phẫn uất khác hơn là giới cầm quyền. Tuổi trẻ quốc gia nào cũng thế, nhiệt tình, phản kháng, cương trực, vô tư, nhưng khác ở chỗ tại Việt Nam những đặc tính đó của tuổi trẻ bị Đảng Cộng sản lợi dụng tận tình, không phải chỉ tiếng hát lời ca, mà còn từ thịt xương đến giọt máu cuối cùng.
“Không ai ngăn nổi lời ca” là một thách thức của tuổi trẻ nhưng hình như khi viết bài ca đó nhạc sĩ trẻ của quê hương anh hùng Nguyễn Huệ chỉ nghĩ đến chính quyền miền Nam mà chưa biết rằng trên đời này còn có Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử bốn ngàn năm cuồn cuộn của dân tộc Việt mà Đảng còn ngăn được nói chi làm dăm ba bài hát. Chỉ vài hôm sau ngày cưỡng chiếm Sài Gòn, các nhạc phẩm của thời kỳ sinh viên sôi nổi, dù không công khai thông báo ra ngoài nhưng bên trong nội bộ ban văn hóa tư tưởng của Đảng, chúng đã bị xếp chung với loại nhạc “vàng”, “ủy mị”, “ru ngủ” và thậm chí “phản động”. Những người lưu tâm đến sinh hoạt văn nghệ đều biết sau 30 tháng 4 năm 1975 những nhạc phẩm như “Không ai ngăn nổi lời ca” hay “Tổ quốc ơi ta đã nghe” chỉ còn là những tiếng thì thầm trong góc tối. Ngay cả tại số 4 Duy Tân, trụ sở của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, những nhạc phẩm của La Hữu Vang đã không còn được hát.
Lời của bài “Tổ quốc ơi ta đã nghe” của La Hữu Vang:
Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi
Trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời
Từng giây nghe quê hương
Xót xa thầm trong cơn thê lương
Thù quân gieo tang thương
Bao suối lệ tràn dâng muôn phương
Tổ quốc ơi! Ta đã nghe lời sông núi
Hận thù này tràn đầy sục sôi trong tim gan nồng
Ta đi chiến đấu quyết đánh tan quân bạo tàn
Bảo vệ Việt Nam quê hương ta.
Ôi Tổ quốc bao tiếng ca giờ lên đường
Ðem máu hồng tô thắm đẹp cuộc đời
Lời xưa vang đâu đây
Chí kiêu hùng muôn phương tung bay
Ðường ta đi hôm nay bao xác thù gục ngã tan thây
Tổ quốc ơi bao thiết tha lời sông núi
Thề nguyện cả cuộc đời trọn dâng cho quê hương này
Muôn hoa tươi thắm ngát hương trên bao nụ cười
Gian khổ nề chi ta ra đi.
Sau 1975, nhạc sĩ La Hữu Vang, tên thật là Trần Đình Giác, không giống như nhiều người khác ở lại Sài Gòn để tìm một chỗ đứng, một con đường tiến thân trong xã hội mới, đã lặng lẽ trở về quê hương Bình Định để sống với gia đình. Suốt 31 năm, tác giả những bản nhạc hay nhất của phong trào sinh viên Sài Gòn đã sống một cuộc sống đạm bạc với chức vụ coi sóc nhà văn hóa của huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Trong buổi phỏng vấn dành cho báo Bình Định cuối tháng 4 năm 2003, anh xác nhận, trước 1975: “Phần lớn những ca khúc mà chúng tôi viết chỉ nhằm vào việc kêu gọi lòng yêu nước…”. Lòng yêu nước như ngọn đèn thần để ở đâu cũng sáng rực. Nhạc phẩm “Tổ quốc ơi ta đã nghe” đã được tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại tiếp tục hát, tương tự, nhạc phẩm “Không ai ngăn nổi lời ca” của anh đã được nhiều ca sĩ như Lệ Thu, Julie Quang thu vào băng đĩa.
Những bài hát của La Hữu Vang viết cho hoàn cảnh đất nước trước 1975 nhưng lại thích hợp hơn cho những năm sau 1975 với những cảnh “xót xa thầm trong cơn thê lương” hay “Bao suối lệ tràn dâng muôn phương”. Như ông bà ta thường nói “có tật giật mình”, Đảng rất ngại những bản nhạc của La Hữu Vang với nội dung yêu nước chân thành như thế, nếu cho phép tiếp tục hát trong những năm sau 1975 đói khổ, có thể giúp cho tuổi trẻ Việt Nam sực tỉnh và hiểu ra kẻ thù của dân tộc chẳng phải “Mỹ Ngụy” nào mà chính là những kẻ đang nhân danh Tổ quốc.
Theo đúng sách lược của Đảng từ những ngày mới thành lập năm 1930 được cụ thể hóa qua nhiều đại hội và nghị quyết, ngày 30 tháng 4 năm 75 cũng xác định nhu cầu “khai thác lòng yêu nước” không còn cần thiết nữa, cuộc cách mạng “dân tộc dân chủ nhân dân” đã hoàn tất và “thời kỳ chuyên chính vô sản, bước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội” đang bắt đầu thành hiện thực. Và trong tiến trình cách mạng mới đó, những khái niệm độc lập, tự do, hạnh phúc do những thành phần ngoài Đảng kêu gọi phải được cảnh giác và ngăn cấm.
Trong quan điểm của Đảng, giữa lúc cuộc đấu tranh một mất một còn để tận diệt mọi “tàn dư” của “kẻ thù nhân dân” và “bẻ gãy mọi âm mưu xâm lược của các thế lực quốc tế thù địch”, việc kêu gọi “người người tìm nhau trong bác ái tin yêu đời” để “chung xây nước Việt đẹp tươi” như La Hữu Vang viết, là biểu hiện cho “thái độ hữu khuynh”, “không phân biệt bạn thù”. Nhạc như thế phản động quá đi chứ. Cũng theo Đảng, những khái niệm như tình yêu nước thuần khiết của mấy cô cậu sinh viên đại học đúng là sản phẩm của giai cấp tiểu tư sản, yêu nước ngày nay phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, và tương tự, nhân dân không phải là mấy chục triệu người Việt Nam máu đỏ da vàng chịu đựng chiến tranh mà là những ai biết đặt mình dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là ngày đánh dấu sự chia tay giữa Đảng Cộng sản và các thành phần dân tộc mà Đảng đã một thời liên minh, thỏa hiệp và ưu ái. Mối quan hệ giữa hai bên nếu còn được duy trì cũng chỉ là quan hệ lãnh đạo và phục tùng, chủ và tớ chứ không còn tương kính dù chỉ là đóng kịch như thời còn ở trong rừng hay trên núi. Một số trí thức trẻ “thức thời” thấy được hướng bay của ngọn cờ quyền lực, đã tự chôn sống đi con bướm vàng mơ ước tuổi hai mươi để hóa thân làm sâu bọ đo mình trên chiếc lá mục công danh. Một số khác nghĩ rằng mình “có công với cách mạng” trong thời chống Mỹ nên cũng có quyền, có tiếng nói dưới chế độ mới, và kết quả nếu không chạy kịp ra nước ngoài thì cũng bị bỏ rơi, bạc đãi, tù đày trong nước. Dĩ nhiên cũng có nhiều người, tuy trễ tràng, nhưng đã thấy ra những chọn lựa đầy lầm lỡ thời trai trẻ và đã dùng những lầm lỡ như bài học, như chiếc gương cho các thế hệ mai sau soi vào để qua đó mà nhận diện ra sự thật và chọn hướng đi đúng cho mình.
Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản lợi dụng và vận dụng một cách tinh vi, nhuần nhuyễn lòng yêu nước, niềm khao khát hòa bình thống nhất chân thành nhưng quá đơn sơ của người dân Việt, nhất là trong tuổi trẻ. Họ có đủ sách vở áp dụng cho mọi thành phần xã hội, từ anh thợ điện Nguyễn Văn Trỗi ít học ở quê tôi cho đến bà luật sư Ngô Bá Thành học nhiều mà hiểu chẳng bao nhiêu ở Sài Gòn. Tất cả đều hùa theo Đảng đổ tội lý do cuộc chiến lên đầu các nhà lãnh đạo miền Nam, nào là không tôn trọng Hiệp định Geneva thống nhất đất nước qua một cuộc tổng tuyển cử, nào là rước voi Mỹ vào giày xéo lên mảnh đất miền Nam thân yêu. Thế nhưng, không có một nhà trí thức nào thử đặt ngược giùm câu hỏi. Giả thiết không có một người lính Mỹ nào đặt chân lên miền Nam liệu Đảng Cộng sản có để yên cho nhân dân miền Nam xây dựng một xã hội mà họ đã chọn lựa hay rồi sẽ tìm một lý do khác để phát động chiến tranh? Giả thiết Đảng Cộng sản thua trong cuộc tổng tuyển cử, liệu họ có chịu giải tán bộ máy công an, hủy bỏ tổng cục chính trị, hệ thống quân ủy, ủy ban nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, sáp nhập quân đội nhân dân vào quân đội cộng hòa và sinh hoạt bình đẳng dưới pháp luật như các đảng phái khác hay sẽ dùng mọi thủ đoạn để giành cho được chính quyền? Một người có kiến thức chính trị tối thiểu cũng biết Đảng chỉ có một con đường, đó là cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam, và tất cả khẩu hiệu hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do nếu có chăng cũng chỉ là những điều kiện tiền đề chứ không bao giờ là mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính vì lẽ đó, ngay sau 30 tháng 4 năm 75, để xác định vai trò lãnh đạo của Đảng, những bài hát mới với những câu đầy đe dọa như “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…”, “Đập tan mọi xích xiềng…” hay những bài hát như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân…”, ”Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Trường Sơn đông-Trường Sơn tây”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người " v.v… được phát không chỉ trên đài phát thanh mà còn đến tận các hang cùng ngõ hẻm, trong lúc những nhạc phẩm nói lên khao khát hòa bình thật sự nhưng không nằm trong chủ trương của Đảng đều đã bị loại bỏ ra khỏi các sinh hoạt văn nghệ.
Mà cho dù không bị ngăn cấm hay loại bỏ đi nữa, những câu hát sinh viên “Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt, đôi bồ câu trắng rủ nhau về làng xưa...” của Nguyễn Tuấn Kiệt có cất lên cũng tức khắc trở thành lạc lõng nếu không muốn nói đó là những lời mỉa mai cay đắng trước thực tế đất nước đang chìm đắm trong hận thù tang tóc. Hòa bình đã đến nhưng con bồ câu trắng không về làng xưa mà chết đói trên vùng kinh tế mới, giữa biển cả mênh mông, trong rừng sâu nước độc, trên hàng rào kẽm gai chung quanh các trại tù Suối Máu, Hàm Tân, Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa.
Với người dân Sài Gòn, nỗi lo khi nghe tiếng đại pháo 130 ly của Liên Xô bắn vào thành phố và nỗi sợ khi nghe tiếng xích xe tăng T54 lăn bánh qua cầu Tân Thuận có thể không khác gì nỗi lo, nỗi sợ của ông bà họ trong ngày thực dân Pháp đánh vào thành Kỳ Hòa 115 năm về trước.
Một số người cho rằng việc gọi ngày 30 tháng 4 là ngày quốc hận, ngày mất nước, mất quê hương hay so sánh ngày mất Sài Gòn năm 1975 với ngày Sài Gòn thất thủ năm 1861 là biểu hiện của thái độ cực đoan. Thật ra, nếu nhìn lịch sử theo điều kiện và hoàn cảnh chính trị xã hội của từng giai đoạn, việc gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày mất nước không hẳn là không có cơ sở. Thế nào là một đất nước? Đất nước phải chăng là tổng hợp, từ lãnh thổ đến tài nguyên, từ văn hóa đến lịch sử, từ chủ quyền quốc gia đến hạnh phúc của mỗi người dân, nói tóm lại, nếu đất nước bao gồm mọi giá trị vật chất và tinh thần của một dân tộc, rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đúng là ngày mất nước, không chỉ mất miền Nam thôi mà mất cả Việt Nam.
Một ví dụ. Những năm sau 1975, ngày sinh nhật Karl Marx 5 tháng 5 là ngày lễ lớn. Từ sáng đến tối không biết bao nhiêu chương trình, bao nhiêu buổi mít-tinh để tưởng nhớ đến người được Đảng ca ngợi như một vĩ nhân đã chỉ đường cho nhân loại bước ra khỏi những nhọc nhằn tăm tối của cảnh người bóc lột người để hướng đến xã hội cộng sản khoa học. Tiểu sử của Marx được đọc trên đài phát thanh, đài truyền hình, học tập tại mỗi tổ dân phố, hàng triệu học sinh Việt Nam từ cấp một đến đại học phải học thuộc lòng tiểu sử Marx, thế nhưng, bao nhiêu học sinh Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung biết rằng trước đó vài tuần lễ thôi, một ngày vô cùng trọng đại đối với dân tộc Việt Nam đã lặng lẽ trôi qua gần như trong quên lãng: ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch Giỗ Tổ Hùng Vương. Câu tục ngữ Việt Nam mà ai cũng biết, cây có cội nước có nguồn, nhưng nguồn Việt Nam ở đâu và cội Việt Nam sẽ mục nát ra sao trong một nền giáo dục nô lệ và vong bản như thế. Một dân tộc đi xa dần với nguồn cội, nếu không đáng gọi là mất nước thì còn gì quan trọng hơn để mất chứ nhỉ?
Sự sụp đổ của hệ thống cộng sản trên phạm vi thế giới đã ít nhiều đã ảnh hưởng đến Việt Nam, các nhạc phẩm sinh viên một thời xếp xó được đem ra hát lại, bản nhạc “Tình ca” của Hoàng Việt được nhiều ca sĩ đua nhau hát, đời sống của người dân ít nhiều thay đổi, nhưng về căn bản, hơn ba mươi năm qua khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do của dân tộc vẫn còn là khát vọng. Tiếng súng đã vắng đi trên đất nước, non sông liền một dải nhưng người dân vẫn sống trong nỗi bất an lo sợ, lòng người hai miền Nam Bắc còn ngăn cách xa hơn cả trong thời chiến, hàng trăm ngàn người con gái Việt phải rời bỏ quê hương đi ăn mày, làm điếm, ở đợ khắp thế giới, Hoàng Sa và phần lớn Trường Sa còn trong tay giặc, phần lớn trong số hơn hai triệu người Việt hải ngoại vẫn còn bị xem là thành phần phản động bám theo chân đế quốc, và trong nước, những quyền tối thiểu như ngôn luận, đi lại, thờ phụng của người dân vẫn chưa có được.
Việt Nam thiếu quá nhiều thứ, cần quá nhiều thứ, nhưng một thứ mà tuổi trẻ đang thiếu, đang cần không phải là lãnh tụ, không phải là súng đạn, không phải là kiến thức, mà là những bài ca của khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do vẫn chưa thành sự thật.
Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca lúc ban đầu, người tình thương mến nhau
Lời tôi ca bên lửa ấm của con tim biết yêu nồng
Sưởi cho nhau cơn giá lạnh ngày Đông.
Không ai ngăn nổi lời ca, vâng, hãy hát lên hỡi tuổi trẻ Việt Nam như một lần La Hữu Vang và bạn bè anh đã hát trong sân trường đại học.
© 2006 talawas
No comments:
Post a Comment