Monday, March 9, 2009

TRÁCH NHIỆM CỦA TRÍ THỨC

Fukuzawa: Trách nhiệm của "người đứng trên người"
http://danluan.org/node/520

Fukuzawa Yuchiki
Trích cuốn
Khuyến học

Trong trích đoạn này của cuốn
Khuyến học, Fukuzawa đề cập tới trách nhiệm của những "người đứng trên người" - đó là trách nhiệm của trí thức, những người có học vấn, có hiểu biết sâu rộng, điều khiến họ đứng cao hơn người khác - trước vận mệnh của quốc gia. Trí thức phải là người đi tiên phong làm gương khai sáng cho dân tộc, mà phải làm ở khu vực tư nhân, thay vì lao vào nhà nước kiếm bổng lộc cá nhân, rồi trở nên ù lỳ đi.

Cuốn
Khuyến học đã được đưa lên thư viện Dân Luận, nhưng chúng tôi khuyến nghị độc giả tìm mua bản in với giá 35 ngàn đồng ở Việt Nam để nghiền ngẫm. Cuốn sách này được phát hành với số lượng kỷ lục 3,4 triệu bản ở Nhật, khi dân số nước này có 35 triệu người. Ở Việt Nam, Nhà Xuất Bản Tri Thức mới in có... 2000 cuốn mà chắc bán chưa hết. Đó là một thực tế đáng buồn...

***

Làm sao để Nhật Bản có nền độc lập thực sự?

Gần đây, những người có học thức thường bàn riêng với nhau về tương lai của Nhật Bản. Gặng hỏi mãi, người ta mới nói cho tôi hay về những gì họ đương bàn luận. Đành rằng không ai biết trước được tương lai của nước ta sẽ ra sao, và điều này cũng không dễ dàng mà dự đoán được. Liệu sau này Nhật Bản giữ được nền độc lập hay không? Nỗi lo mất nước cứ canh cánh trong lòng chúng ta. Nếu tình trạng như thế này mà cứ kéo dài thì cũng không ai dám chắc là nước Nhật chúng ta có thể trở thành một quốc gia văn minh giàu mạnh. Còn có giữ được độc lập hay không, chắc phải hai ba mươi năm sau mới có được câu trả lời chính xác. Những người ngoại quốc - vốn khinh miệt Nhật Bản - lại càng bán tín bán nghi, họ cho rằng Nhật Bản làm sao mà giữ nổi độc lập.
Không phải vì những lời bàn ra tán vào như vậy mà chúng ta quá bi quan. Nhưng rõ ràng là chẳng ai tin Nhật Bản sẽ giữ vững được sự độc lập trước phương Tây. Không phải bỗng dưng mà chúng ta bàn bạc, lo lắng cho vận mệnh của đất nước, nếu tương lai xán lạn đang chờ đón chúng ta thì chúng ta bàn tán để làm gì.
Nếu có ai hỏi người Anh: "Này, liệu các ông có giữ được độc lập cho nước Anh không?" thì người Anh chắc chắn sẽ cười vào mũi người đó mà không thèm trả lời. Vì có ai dám nghi ngờ nước Anh, nước Anh mà không độc lập thì còn nước nào độc lập?
Bây giờ, hãy nhìn lại nước ta, trình độ văn minh của chúng ta ra sao? Cho dù đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa hết sự hoài nghi. Bản thân tôi, với tư cách là người Nhật Bản, cũng cảm thấy không được an tâm về sự tiến bộ này.
Chúng ta là người Nhật, sinh ra và lớn lên ở đây. Đã vậy, mỗi người đều phải tự giác và nỗ lực đối với bổn phận của mình. Điều hành đất nước đương nhiên là công việc của chính phủ. Nhưng có nhiều lĩnh vực trong dân sinh, chính phủ không thể biết và can thiệp hết được. Vì thế, để duy trì nền độc lập của đất nước, thì chúng ta - những người dân - phải làm trọn nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ của công dân trong một nước, và chính phủ phải làm trọn trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người điều hành đất nước. Quốc dân chúng ta phải hợp tác với chính phủ thì mới mong thành công trong việc phát triển quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ.
Lực có cân bằng thì mới duy trì được mọi vật. Điều đó cũng giống như duy trì cơ thể con người. Để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh thì mọi thứ như ăn uống, không khí, ánh sáng đều phải đầy đủ. Có như vậy cơ thể mới tự đề kháng, tự điều chỉnh trước mọi tác động đến từ bên ngoài như khi nóng, khi lạnh, lúc đau, lúc ngứa. Còn nếu không bị kích thích, không quen thích ứng với môi trường, chỉ trông cậy vào sức sống vốn có ở cơ thể thì con người không thể duy trì sức khoẻ. Duy trì một đất nước cũng giống như duy trì sức khoẻ của con người.
Nói tới chính trị là nói tới hoạt động của quốc gia. Để giữ vững nền độc lập, để vận hành quốc gia trơn tru, thì cần phải có đủ và cân bằng cả hai yếu tố "trong" và "ngoài". "Trong" ở đây là khả năng điều hành đất nước (làm chính trị) của chính phủ và "ngoài" ở đây tôi muốn nói tới sức dân. Cứ tạm coi chính phủ là "sức sống vốn có" của quốc gia và sức dân là "môi trường kích thích từ bên ngoài". Không có sự kích thích tức không có sức dân mà chỉ trông cậy vào chính phủ thì độc lập dân tộc không thể duy trì dù chỉ một ngày.

Cái gì đẻ ra "khí chất nhu nhược" của người Nhật Bản?

Hiện nay, có nhiều người đưa ra lý lẽ: "Lãnh đạo cái lũ dân ngu này phải có kế sách mới được. Chính phủ định làm việc gì cứ thế mà làm, không cần thông báo, giải thích hay chờ đợi gì cả. Còn khi nào dân chúng có tri thức, đạo đức thì đưa họ đến với văn minh cũng chưa muộn." Nhưng theo tôi, nếu thực hiện theo cách nói trên thì sẽ thất bại ngay từ đầu. Vì sao vậy?
Đã bao năm, nhân dân phải chịu nhiều khổ đau dưới chế độ chính trị chuyên quyền. Điều nghĩ trong lòng không dám nói ra miệng, hay sẵn sàng nói láo miễn sao khỏi mang vạ vào thân, lừa đảo cũng được cho qua. Gian dối, nguỵ tạo trở thành cách sống. Không thành thật trở thành thới quen hàng ngày. Làm sai không dám nhận, lại còn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Không còn ai biết hổ thẹn, biết tức giận, chỉ biết suy bì tị nạnh, ghen ăn tức ở. Còn việc nước, việc quốc gia là việc "chùa", hơi đâu mà lo nghĩ.
Chính phủ đã dùng nhiều biện pháp nhằm thay đổi những tập quán xấu nói trên, lúc khuyên nhủ, khi răn đe, đôi khi dùng cả quyền lực cưỡng chế dân chúng... Nhưng các biện pháp hầu như đều phản tác dụng, dường như chỉ càng làm cho người dân thêm mất lòng tin nơi chính phủ. Trên xa lánh dưới, dưới chẳng muốn gần trên. Theo thời gian cái sự xa lánh ấy tạo ra cho mỗi tầng lớp trong xã hội một khí chất khác nhau. Và người ta gọi chúng là "khí chất Võ sĩ", "khí chất Thị dân". Khí chất này, nếu chỉ nhìn vào từng cá nhân hay chỉ nhìn phiến diện thì khó thấy. Nhưng nếu nhìn vào tổng hợp các hiện tượng xã hội thì chúng ta sẽ hiểu rõ thực trạng của nó.
Phải công nhận là trong các quan chức chính phủ hiện nay có rất nhiều người tốt, có tấm lòng nhân hậu. Bản thân tôi, khi nhìn vào các quan chức đó cũng phải thừa nhận họ không có điểm gì đáng phàn nàn cả, ngược lại ở họ có nhiều điểm rất đáng học hỏi. Nhưng khi họ tập hợp trong chính phủ thì không hiểu sao công việc cứ rối nhhư tơ vò. Chính phủ đã vậy, còn dân chúng thì sao? Trong nhân dân, có không ít người trung thực, chính trực. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi quan hệ với chính quyền thì nhân cách lại thay đổi, trở nên dối trá, nguỵ biện, trơ tráo, lừa dối cả chính quyền. Quan chức và dân chúng trong một nước mà cứ như là hai cái đầu trên một cái cổ vậy.
Trên cương vị cá nhân thì người nào cũng tỏ ra thông thái. Nhưng hễ trở thành quan chức chính quyền chì sự thông thái thường thấy lại biến đi đâu mất. Khi đứng một mình thì ai nói cũng hay cả. Nhưng khi tập hợp nhau trong một tập thể thì cái cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược thường xuyên xảy ra.
Tôi buộc phải nói rằng chính phủ Nhật Bản hiện nay là một tổ chức của nhiều người có tri thức, tập hợp nhau lại để làm một việc hồ đồ. Có lẽ họ đã không thể phát huy được cá tính vì bị trói buộc bởi nếp nghĩ theo kiểu "chủ nghĩa bình yên vô sự".
Chính sách của chính phủ không hiệu quả cũng do vậy. Bằng một số kế sách như dùng những lời lẽ hoa mỹ mị dân, dùng quyền lực, áp đặt văn minh... chính phủ có thể giật dây được dân chúng. Nhưng như thế cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Chính phủ trị dân bằng uy quyền thì dân sẽ đáp lại bằng sự giả vờ chấp hành. Chính phủ lừa dối dân thì dân cũng sẽ tạo ra vỏ bọc hữu hiệu. Mà cứ như vậy thì không thể chỉ dựa vào quyền lực để thúc đẩy văn minh xã hội.

ĐÁNG BUỒN LÀ NƯỚC TA CHỈ CÓ NGƯỜI NHẬT MÀ KHÔNG CÓ QUỐC DÂN NHẬT

Vậy phải làm cách nào để khai hoá văn minh tại nước ta? trước hết phải quét sạch "cái khí chất" đã thấm sâu trong lòng người. Dùng biện pháp hành chính mệnh lệnh của chính phủ cũng khó. Thuyết giảng cho từng người chắc chắn sẽ thất bại. Cần phải có những người gây dựng được sự nghiệp mà mọi người dân đều tự giác tham gia, phải đặt ra mục tiêu rõ ràng để nhân dân tin cậy.
Thế thì ai sẽ là người làm được việc này? Trong giới Nông, Thương rõ ràng chẳng có ai. Trong giới học giả Quốc học hoặc Nho học cũng không thấy gương mặt nào. Xem ra chỉ có những người trong nhóm Tây học là có thể gánh vác được nhiệm vụ đó. Gần đây, những nhà Tây học tăng lên đáng kể. Họ đọc sách dịch, nghiên cứu văn minh châu Âu. Tuy vậy, không phải ai trong số họ cũng đều hiểu được cặn kẽ về văn minh phương Tây. Ngược lại có nhiều người hiểu được, lý giải được, cắt nghĩa được nhưng lại không sao biến chúng thành hiện thực. Họ nói được nhưng không làm được điều mình nói.
Hiện nay, thực tế cho thấy hầu hết các nhà Tây học xã hội ta đều chỉ mơ đến một chức vụ cao trong chính phủ, họ không màng làm trong khu vực tư nhân. Nhận thức của họ chẳng khác là bao so với các nhà Nho học trước đây, học để ra làm quan. Bụng dạ hủ nho đội lốt Tây Âu, đúng y như câu nói của người xưa: "Bình mới rượu cũ". Đương nhiên, trong số các nhà Tây học đang làm quan chức chính phủ, không phải tất cả đều háo danh, tham lam bổng lộc. Suy cho cùng, nó là kết quả của quan niệm giáo dục cố hữu ở nước ta: "Làm quan là cách tiến thân tốt nhất trong mọi cách tiến thân". Trong suốt hàng ngàn năm qua, quan niệm đó đã thấm sâu vào máu thịt, đã thành nếp trong suy nghĩ của con người. Chính vì thế mà từ đời này qua đời khác, người ta chỉ học để làm quan chứ có ai muốn học để làm dân đâu. Làm quan đã trở thành cái đích trong cuộc đời. Ngay cả các bậc tiên sinh danh giá cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, xu hướng "làm quan" cũng là điều dễ hiểu vì khí chất xã hội đã khiến người ta phải như vậy. Cứ thế, trào lưu "quyền lực là chìa khoá vạn năng" nhiễm sâu vào lòng người. Nên dân ta ai cũng chỉ muốn làm công sở chính quyền, rồi tìm cách leo lên hàng quan chức chính phủ để có quyền hành và bổng lộc. Thí dụ: gần đây trên các tờ báo, hiếm thấy bào viết nào có ý kiến ngược lại với ý kiến chính phủ. Lâu lâu chính phủ đưa ra được một vài chính sách cải cách nho nhỏ, tức thì những bài viết tán dương tâng bốc chính phủ xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo. Những bài viết như vậy có khác nào thái độ phỉnh nịnh khéo léo của các cô gái làng chơi để lấy lòng khách mua hoa đâu. Tệ hại hơn nữa, những người viết bài đó lại chính là những thành viên trong nhóm Tây học. Thật khó có thể chấp nhận. Họ đâu có phải là "gái làng chơi" và lại càng không phải là những kẻ tâm thần hay thiếu hiểu biết.
Thái độ xu nịnh và suy nghĩ cơ hội đang đầy rẫy trong xã hội Nhật Bản như hiện nay là do đâu? Vì chưa có một minh chứng thực tế nào chứng tỏ có tự do dân quyền trong xã hội, vì người Nhật Bản đã nhiễm quá nặng bản chất tính nhu nhược, không còn nhìn ra bản sắc vốn có của mình.
Tóm lại, hiện nay Nhật Bản có chính phủ, có cả dân. Nhưng có lẽ chúng ta mới chỉ có dân mà chưa có "quốc dân Nhật Bản". Điều này có nghĩa là để thay đổi được khí chất trong dân, để tiến hành mở mang văn minh thành công thì các nhà Tây học hiện nay cũng chẳng giúp ích được gì.

Những thứ không có ích chắc chắn sẽ có hại

Luận thuyết nêu trên nếu đúng, thì việc khai hoá văn minh ở nước ta để bảo toàn độc lập cho đất nước, không phải chỉ có chính phủ mới làm được. Và cũng không thể trông chờ vào các nhà Tây học. Nếu vậy thì trông cậy vào ai? Còn ai khác vào đây nếu đó không phải là nhóm Fukuzawa chúng ta. Tôi và các đồng chí chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ này. Tự chúng ta sẽ phải đi tiên phong trong nhân dân, gây dựng sự nghiệp khai hoá văn minh, đối đầu trực diện với thách thức, mở ra triển vọng cho Nhật Bản.
Có thể nói thẳng, tôi và các đồng chí thuộc tầng lớp trung lưu, học thức của tôi và các đồng chí tuy còn nông cạn, nhưng chúng ta tìm hiểu nghiên cứu Âu - Mỹ cũng đã lâu. Mọi tầng lớp xã hội cũng đã thừa nhận và gọi chúng ta là những nhà cải cách, vì những năm qua chúng ta khi ra mặt nào trong các cuộc cải cách xã hội, khi âm thầm lẳng lặng giúp đỡ cải cách. Chúng ta có thể tự hào vì nhân dân đã nhìn nhận sự nghiệp khai phá văn minh mà chúng ta đang theo đuổi như sự nghiệp của mình. Và đã như vậy thì người lãnh đạo nhiệm vụ đi đầu trong nhân dân, triển khai sự nghiệp ấy không ai khác, đó chính là chúng ta.
Khai hoá văn minh bắt đầu từ việc tự mình bắt tay vào làm và chứng minh bằng thực tế cụ thể, cho mọi người tận mắt thấy việc thực. Làm trước nói sau. Chứ không thể để như tình trạng nước ta hiện nay, hễ định làm cái gì cứ phải họp bàn, giải thích, thảo luận dài dòng vô bổ. Chính phủ có quyền ban bố chỉ thị, mệnh lệnh. Nhưng hiểu và biến chúng thành hiện thực phải là nhân dân, là khu vực tư nhân. Chính vì thế, song song với sự nghiệp khai sáng cho dân chúng bằng cách giảng dạy học thuật, làm thương nghiệp, nghiên cứu luật pháp, xuất bản sách, phát hành báo, với tư cách của một người thuộc khu vực tư nhân, không nằm trong chính phủ. Chúng ta làm việc này trong phạm vi, bổn phận của một quốc dân làm theo pháp luật, không sợ làm mất mặt chính phủ. Nếu chính phủ đi ngược lại lợi ích của nhân dân, với bổn phận của mình, chúng ta sẽ đường đường chính chính kháng nghị, tranh luận với chính phủ cho đến khi chính phủ tỉnh ngộ, giành lại cho dân "Tự do dân quyền".
Trên đây chính là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta.
Sự nghiệp khai hoá văn minh rất đa dạng, những người tham gia vào công cuộc này nằm trong những lĩnh vực, những chuyên môn khác nhau. Có nhiều việc chúng ta chưa thể gánh vác được vì trong nhóm chúng ta còn quá ít các học giả. Nhưng mục đích của chúng ta là ở chỗ: truyền đạt cho mọi người dân biết con đường văn minh mà chúng ta nhằm tới, đó là con đường văn minh do người dân thực hiện, chứ không phải để khoe khoang mình làm hay, làm tốt hơn chính phủ. Điều tâm niệm hàng đầu của chúng ta đó là: một minh chứng bằng thực tế nhất định hơn hẳn cả trăm thứ lý thuyết.
Khai hoá văn minh cho con người không thể là sự nghiệp độc quyền của chính phủ. Học giả trước sau cũng là học giả, phải ở trong khu vực tư nhân để nghiên cứu. Thị dân trước sau cũng là thị dân, phải ở trong khu vực tư nhân để sản xuất, buôn bán làm ăn. Chính phủ là chính phủ của Nhật Bản thì nhân dân cũng là nhân dân của Nhật Bản. Nếu như vậy thì nhân dân phải tiếp cận chính phủ, thân thiết với chính phủ, không phải sợ chính phủ, hay nghi ngờ chính phủ. Làm cho dân hiểu rõ điều này là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta.
Có như vậy, cái khí chất nhu nhược cố hữu mới biến khỏi nhân dân. và khi đó người dân mới thực sự là quốc dân Nhật Bản chân chính. Quốc dân là liều thuốc kích thích chính phủ. Học thuật, kinh tế, luật pháp cũng hoàn thiện. Quyền lực chính phủ và sức dân có cân bằng, chúng ta mới duy trì được độc lập trước phương Tây.
Tóm lại, tôi đã đề cập đến vấn đề: Trước áp lực của phương Tây, để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, vị trí của các trí thức Nhật Bản là ở chỗ nào? Ở trong chính phủ trở thành quan chức, nỗ lực làm việc thì tốt hơn hay nằm ngoài chính phủ làm trong khu vực tư nhân thì tốt hơn. Và tôi cũng đưa ra kết luận: ở ngoài chính phủ thì hơn.


No comments: