Saturday, March 14, 2009

TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM NĂM 2008 (Phần V & VI)

Báo Cáo Tình Hình Nhân Quyền Việt Nam năm 2008 của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ (phần 5)
Nhóm thành viên X-cafevn chuyển ngữ
http://www.x-cafevn.org/node/1479

Phần 5: Sự Kỳ Thị, Ngược Đãi Trong Xã Hội và Nạn Buôn Người

Luật pháp nghiêm cấm việc kỳ thị dựa trên giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng, hoặc đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các cấm đoán này không được bình đẳng.

Phụ Nữ

Luật pháp nghiêm cấm việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với người không thể tự vệ, hoặc lừa gạt để giao cấu ngoài ý muốn của cá nhân đó. Điều này có nghĩa là các hành động hãm hiếp, cưỡng hiếp người phối ngẫu, và cả một số trường hợp sách nhiễu tình dục đều được hình sự hoá. Tuy nhiên, đã không hề có các vụ tố tụng về việc hãm hiếp người phối ngẫu hoặc sách nhiễu tình dục. Các trường hợp hãm hiếp khác đã bị truy tố cho đến mức tối đa theo luật định. Hiện nay đã không có số liệu khả tín để biết được mức độ của tệ nạn này.
Luật pháp đòi hỏi sự trừng phạt từ cảnh cáo đến hai năm tù giam cho "những kẻ cư xử tàn ác đối với các người lệ thuộc". Đạo Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình ban hành năm 2007 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7. Luật này xác định các hành vi bạo động trong gia đình, giao phó các trách nhiệm cụ thể đến các bộ và cơ quan và qui định mức độ trừng phạt đối với những kẻ vi phạm bạo hành gia đình. Tuy nhiên các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ nạn nhân cho rằng các đề xuất trong đạo luật vẫn còn yếu kém. Trong lúc hệ thống tư pháp và công an chưa sẵn sàng để đối phó với bạo hành gia đình, thì nhà nước, với trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, đã bắt đầu huấn luyện công an, giới luật sư, và nhân viên ngành tư pháp về đạo luật này.
Các quan chức đã nhìn nhận vấn đề bạo hành trong gia đình ngày càng là một vấn dề đáng quan tâm của xã hội và cũng được báo chí nói đến rộng rãi hơn. Nạn nhân đa số là phụ nữ trong các trường hợp bạo hành trong gia đình, tuy nhiên không có số liệu thống kê chính xác mức độ sâu rộng của vấn đề. Nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Tại các thành phố lớn, các tổ chức phi chính phủ đã thiết lập đường dây nóng để giúp đỡ nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập một đường dây nóng trên toàn quốc, tuy nhiên số điện thoại này không được phổ biến rộng rãi ở các vùng nông thôn. Trong giai đoạn nông thôn còn thiếu nguồn tài chính để thiết lập các trung tâm giúp đỡ và các đường dây nóng, bộ luật năm 2007 xây dựng các "nhà lánh nạn" cho các nạn nhân phụ nữ đến tá túc trong một gia đình khác trong lúc chính quyền đang xử lý vụ việc và kẻ bạo hành. Theo thống kê của chính phủ, phân nửa các trường hợp ly dị là hệ quả của bạo hành trong gia đình. Tỷ lệ ly dị tiếp tục gia tăng nhưng phần đông phụ nữ vẫn tiếp tục sống với người chồng bạo hành hơn là đối diện với sự chỉ trích của xã hội và gia đình hoặc phải chịu đựng hoàn cảnh kinh tế bấp bênh.
Với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền đã tổ chức các khoá học và hội nghị nhằm giáo dục phụ nữ và nam giới về bạo hành trong gia đình, cũng như nhấn mạnh vấn đề này với người dân trong các phong trào xã hội. Các các tổ chức phi chính phủ trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn cái vấn nạn của phụ nữ, đặc biệt các trường hợp bạo hành nhằm vào phụ nữ, tệ nạn buôn phụ nữ và trẻ em. Chính phủ hỗ trợ thành lập một trung tâm quốc gia giúp đỡ nạn nhân bị buôn người, bao gồm việc cung cấp nơi cư trú và dạy nghề. Trung tâm này cũng được hỗ trợ một phần từ các hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ và những quỹ quốc tế.
Pháp luật cấm mãi dâm, tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều bất cập. Có nhiều những ước lượng khác nhau: báo cáo của chính phủ cho rằng có khoảng trên 30.000 gái mãi dâm trên toàn quốc, nhưng một số tổ chức phi chính phủ lại cho rằng con số này lên đến 300.000 trong cả nước, bao gồm gái mại dâm nghiệp dư hay làm theo thời vụ. Trong những năm trước, báo cáo cho rằng một số phụ nữ đã bị ép buộc vào con đường mại dâm, thường là nạn nhân của những hứa hẹn giả dối về những công việc có lương cao. Một số đông khác tự nguyện chọn con đường mại dâm vì tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Có một số trường hợp cá biệt bị cha mẹ cưỡng ép, hay đòi hỏi tiền bạc quá nhiều, buộc con gái mình phải làm mại dâm. Hội Phụ nữ, cùng với cái tổ chức phi chính phủ trong nước, đang tiến hành các chương trình giáo dục và cải tạo để ứng phó với các trường hợp lạm dụng này.
Mặc dù không bị kỳ thị trên pháp lý, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục bị kỳ thị ngoài xã hội. Mặc dù có rất nhiều điều khoản và qui định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân và ở nơi làm việc cũng như có nhiều điều khoản trong luật lao động bảo đảm ưu tiên cho họ, phụ nữ vẫn không đuợc đối xử công bằng.
Trong khi các hành vi lợi dụng tình dục được định nghĩa rất rõ ràng nhưng các văn bản pháp lý đã không qui định rõ các biện pháp phòng chống. Nội qui về đạo đức cho cán bộ chính phủ và nhân viên nhà nước không đề cập đến, dù rằng vấn đề này rất phổ biến.
Nạn nhân sách nhiễu tình dục có thể kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể kiện người vi phạm theo Điều 121 bộ luật hình sự, qui định về hành vi "vi phạm phẩm giá người khác" có thể bị phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hay tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế không có một vụ án nào về sách nhiễu tình dục vì hầu hết các nạn nhân đều không muốn công khai tố cáo kẻ vi phạm.
Hội phụ nữ và Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ (VSTBPNVN ) tiếp tục tuyên truyền phát huy các quyền phụ nữ, bao gồm bình đẳng trong lãnh vực chính trị, kinh tế và pháp lý cũng như bảo vệ phụ nữ không bị chồng ngược đãi. Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập những chương trình tín dụng nhỏ và những chương trình khác. VSTBPNVN tiếp tục thực thi chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ của chính phủ vào cuối năm 2010. Những lĩnh vực trọng điểm của chiến lược này chú trọng vào việc đưa thêm phụ nữ vào các chức vụ chủ chốt trong các bộ và Quốc hội. Chiến lược này cũng nhằm vào việc tăng cường tỉ lệ học vấn, tiếp cận giáo dục và y tế.

Trẻ Em

Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ tiếp tục tường trình rằng mặc dù chính phủ vận động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các tổ chức chính phủ và quốc tế báo cáo rằng trẻ em tiếp tục có nguy cơ bị bóc lột kinh tế.
Giáo dục cho trẻ em dưới 14 tuổi là bắt buộc, miễn phí và không phân biệt. Dẫu vậy, qui định này không phải lúc nào cũng được các nhà chức trách tôn trọng, đặc biệt là ở các vùng quê nông thôn, nơi công quỹ và ngân sách gia đình cho giáo dục rất hạn chế; thêm vào đó, ở các vùng kinh tế nông nghiệp, trẻ em là một nguồn lao động đáng kể.
Có dư luận cho rằng trẻ em bị lạm dụng, tuy nhiên thiếu thông tin về mức độ của sự lạm dụng đó.
Ở các thành phố lớn có trình trạng mãi dâm trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, nhưng cũng có trẻ em nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khá đông gái mại dâm dưới 18 tuổi. Một số trẻ em bị ép vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế.
Theo Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH), có khoảng 23.000 trẻ bụi đời dễ bị lạm dụng, và số trẻ này đôi khi bị công an ngược đãi và quấy nhiễu. Có 2 trung tâm trực thuộc LĐTBXH giúp đỡ các trẻ em nghèo túng. Các tổ chức trẻ cũng phát động các phong trào thu hút dư luận về vấn đề này.

Tình Trạng Buôn Người

Pháp luật cấm buôn người. Nhưng tệ nạn này vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn đáng quan tâm, đặc biệt là nạn buôn phụ nữ và trẻ cho mục đính mại dâm và buôn nam giới để làm lao động cưỡng bức ở nước ngoài. Không có số liệu thông kê khả tín về số nạn nhân bị bán vào con đường mại dâm. Tuy nhiên có bằng chứng rằng con số nay đang trên đà gia tăng. Trong khi chính quyền cởi mở hơn trong việc phát hiện và trừng phạt các vụ án buôn người, dư luận xã hội trở nên quan tâm hơn về tình trạng này, ghi chú về các vụ án buôn người bị phát hiện, cũng như mức độ xử lý và tuyên án ngày càng nhiều. Trong khi nền kinh tế đang tiếp tục phát triển, các tổ chức tội phạm chuyên buôn người trong và ngoài nước đã tìm cách lợi dụng sự mở cửa ra thị trường nước ngoài, sự tăng trưởng trong việc sử dụng Internet, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, để dụ dỗ những người nhẹ dạ, từ đó thiết lập những mạng lưới buôn người.
Quốc gia này là nguồn cung cấp đáng chú ý cho các hoạt động buôn người. Phụ nữ chủ yếu bị bán qua Campuchia, Mã Lai, Trung Quốc, Đài Loan, và Nam Hàn để làm mãi dâm. Phụ nữ cũng bị bán sang Hồng Kông, Macau, Thái lan, Indonesia, Anh Quốc, các nước Đông Âu và Hoa Kỳ. Nhiều báo cáo cho rằng các phụ nữ lấy chồng sang Đài Loan, Hồng Kông, Macau, Nam Hàn và Trung Quốc, thực chất ra là nạn nhân của nạn buôn người. Trẻ em và phụ nữ cũng bị mua bán trong nước, thông thường là từ thôn quê lên thành thị. Nam giới thì bị bán trong nội bộ khu vực để làm việc trong lãnh vực xây dựng, nông nghiệp, đánh cá, và những tập đoàn kinh doanh khác.
Có nhiều bản báo cáo tiếp tục cho biết rằng, phụ nữ từ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ép làm mãi dâm sau khi lấy chồng nước ngoài, đa phần là ở các quốc gia Á Châu. Có trường hợp phụ nữ bị bán qua Đặc khu Ma Cao với sự tiếp tay của các dịch vụ tại Trung Quốc trá hình là văn phòng giới thiệu hôn nhân, tổ chức lao động quốc tế, hay là trung tâm du lịch. Khi đến nơi, những phụ nữ này bị ép những điều kiện tương tự như lao động khế ước, một số khác thì bị ép làm mãi dâm.
Trẻ em bị bán làm mãi dâm trong nước cũng như ra nước ngoài. Một người hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ ước đoán rằng độ tuổi trung bình của các em gái bị bán vào khoảng 15 đến 17 tuổi. Theo một số báo cáo thì tuổi các em gái bị bán qua Campuchia còn thấp hơn nữa.
Có nhiều trường hợp cá nhân và nhân viên nhà nước bị bắt vì họat động mua trẻ em sơ sinh từ cha mẹ đẻ, sau đó làm giả giấy tờ, rồi chuyển đứa trẻ sang một tỉnh khác, từ đó mang đứa trẻ cho làm con nuôi. Ngoài ra, trong một số trường hợp được ghi nhận, trẻ sơ sinh bị bắt cóc và sau đó bị bán làm con nuôi qua các quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ hay Trung Quốc. BCA nhìn nhận rằng tệ trạng bắt cóc và bán trẻ sơ sinh làm con nuôi ngày càng đáng lo ngại, và những trường hợp này được báo chí quan tâm.
Có nhiều trường hợp buôn người làm lao động được ghi nhận. Trong số đó, có người bị bán sang Mã Lai và Thái Lan để làm việc trong các công trình xây dựng, và có người bị bán sang Đài Loan làm lao động đánh cá. Nạn lường gạt và lật lọng trong các hợp đồng lao động ở nước ngoài vẫn còn là một nan giải mặc dù chính phủ đã bắt đầu từng bước điều phối họat động xuất khẩu lao động. LĐTBXH tường trình rằng một số công nhân được các công ty cung ứng lao động quốc doanh tuyển để gửi ra nước ngoài, phải chịu đựng những điều kiện làm việc như những lao động cưỡng bức. LĐTBXH tường trình những trường hợp này xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng ở Mã Lai và Thái Lan (xem phần 6.e).
Trẻ vị thành niên nữ và phụ nữ nghèo, đặc biệt là ở nông thôn, là đối tượng hàng đầu của nạn buôn người. Theo nghiên cứu của BCA và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, những nạn nhân này sống khắp trên cả nước, nhưng tập trung cao ở các tỉnh giáp biên phía bắc và phía nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Thanh Hóa ở miền Trung. Một số bị chính gia đình họ bán làm người giúp việc nhà hoặc bị lạm dụng tình dục. Trong một số trường hợp, kẻ mua người trả cho gia đình vài trăm đô-la để đưa con gái họ sang Campuchia "tìm việc làm". Nhiều nạn nhân bị áp lực mạnh phải kiếm nhiều tiền để phụ giúp gia đình; số khác được hứa hẹn những khoản lương hậu hĩnh. Kẻ buôn người, gia đình, và chủ thường dùng các phương cách như quảng cáo dối, trói nợ, thu giữ giấy tùy thân, hay đe dọa trả về nước.
Những kẻ cơ hội, các đường giây và các băng đảng có tổ chức dụ dỗ phụ nữ nghèo, thường là ở thôn quê với những hứa hẹn cho việc làm hay hôn nhân rồi ép họ phải làm gái mãi dâm. Các vụ buôn người thường liên quan đến những người họ hàng trong gia đình. Chính phủ thông báo là có những nhóm tội phạm có tổ chức đã tham gia việc tìm người, vận chuyển, và các hoạt động buôn người khác.
Luật pháp chỉ định tội bán phụ nữ sẽ bị phạt tù từ 2 đến 20 năm; bán trẻ em phạt tù từ 3 năm đến chung thân cho mỗi vi phạm. Chính phủ đang tiếp tục cố gắng truy tố tội phạm buôn người. Tại Tây Ninh, chính phủ đã phá 4 đường giây buôn người, bắt 11 nghi can, cứu 15 nạn nhân sau hàng lọat những cuộc bố ráp trong khoảng nửa đầu năm. Vào cuối năm, 9 trong số 11 nghi can bị bắt giữ đang chờ ra tòa, và 2 người được thả vì thiếu bằng chứng.
Một ban chỉ đạo trung ương, đứng đầu bởi BCA đã điều phối các nỗ lực của chính phủ trong việc phát hiện, truy tố các vụ án buôn người cũng như giúp đỡ công tác phòng chống và huấn luyện. Cục Cảnh sát Hình sự của BCA, Bộ Tư pháp, Bộ đội Biên phòng và Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội trực thuộc LĐTBXH là những cơ quan chính trong việc chống tệ nạn buôn người, với sự cộng tác quan trọng của Hội Phụ Nữ. Ủy ban này tiếp tục huấn luyện cán bộ trung ương và địa phương phòng chống nạn buôn người. Chính phủ đã phát hành một tài liệu huấn luyên cụ thể để đề phòng và chống nạn buôn người. Tài liệu này được sọan thảo từ góp ý của các tổ chức phi chính phủ nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về hoạt động buôn người, liệt kê những trợ giúp dành cho nạn nhân và giải thích các văn bản pháp lý, luật lệ, chính sách trong và ngoài nước về nạn buôn người. Trong năm nay, lực lượng công an đã chủ động hơn trong công tác điều tra nạn buôn người, bao gồm việc tiếp tục triển khai đội đặc nhiệm về buôn người. Chính phủ báo cáo rằng số lượng vụ án điều ra và xử ly không tăng, nhờ vào sự quan tâm hơn của dư luận cũng như những kẻ buôn người biết rằng chính phủ sẽ truy bắt và đưa ra tòa những ai vi phạm.
Chính phủ tiếp tục áp dụng Chương trình Hành động Quốc gia 2004-10 vào việc phòng chống nạn buôn trẻ em và phụ nữ, cũng như áp dụng luật mới về xuất khẩu lao động và ban hành hướng dẫn về tuyển dụng và minh bạch trong đấu thầu. LĐTBXH ban hành văn bản hướng dẫn cách thức tiếp nhận và giúp đỡ nạn nhân buôn người.
Các tổ chức quần chúng và phi chính phủ thực hiện nhiều chương trình giáo dục cho những cá nhân có nguy cơ cao để họ cảnh giác về nạn buôn người, và giúp những nạn nhân trẻ em và phụ nữ tái hội nhập vào xã hội. Trong năm qua, các chương trình này đã tiếp tục mục tiêu của chúng là bảo vệ nạn nhân và giúp đỡ nạn nhân tái hội nhập, thông qua các công tác dạy nghề, hỗ trợ tâm lý xã hội, song song với việc củng cố nổ lực phòng chống ở cấp quốc gia và cấp địa phương bằng cách tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao. Các cơ quan chính phủ gồm LĐTBXH và Vụ Gia Đình đã cùng cái tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tiếp tục những chương trình nhằm phòng chống nạn buôn người, nâng cao dư luận xã hội và bảo vệ nạn nhân. Các cơ quan chính phủ đã cộng tác với Tổ chức Di trú Thế Giới, Quỹ Á châu, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, và những tổ chức phi chính phủ khác để cung cấp cho nạn nhân chỗ tạm trú, giúp đỡ y tế, giáo dục, cho vay, hướng dẫn và giúp tái hội nhập. Những cơ quan an ninh biên phòng được huấn luyện các phương pháp điều tra để phòng chống nạn buôn người.
Chính phủ đã hợp tác với những tổ chức phi chính phủ để bổ sung và củng cố những biện pháp an ninh và các cơ quan chính phủ, đồng thời cộng tác với các chính phủ khác phòng chống nạn buôn người. Họ cũng đã hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia khác trong mạng lưới Interpol, các đối tác trong vùng Á châu, và tổ chức ASEAN. Ngày 24/3, chính quyền đã ký bản ghi nhớ với Thái Lan về chống buôn người, dẫn đến việc gia tăng hợp tác an ninh biên giới, phát hiện và truy tố các vụ án buôn người.
Báo cáo thường niên về tình trạng buôn người của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đăng tại địa chỉ: www.state.gov/g/tip

Người Tàn Tật

Luật pháp yêu cầu nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người tàn tật và khuyến khích tạo việc làm cho họ. Những điều khoản phục vụ cho người tàn tật được cải thiện trong năm qua, mặc dù vẫn còn hạn chế.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai việc qui định các công trình giao thông công cộng phải có lối đi cho người tàn tật, đồng thời huấn luyện nhân viên, sinh viên ngành vận tải hiểu rõ những qui định này.
Các kiến trúc công cộng và của chính phủ khi được đại trùng tu hay xây mới, đều phải có lối đi cho người tàn tật. Bộ Xây dựng có những đơn vị giám sát đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Ninh Bình để theo dõi việc thực thi các điều khoản hỗ trợ người tàn tật.
Luật pháp ưu đãi cho những doanh nghiệp tuyển dụng người tàn tật và phạt những doanh nghiệp không hội đủ 2-3% tổng số nhân công là người tàn tật. Tuy nhiên chính quyền đã áp dụng luật này không đồng bộ. Doanh nghiệp có trên 51% nhân viên là người tàn tật sẽ được những khoản vay do nhà nước bảo trợ.
Chính phủ tôn trọng quyền lợi chính trị và xã hội của người tàn tật. Theo luật bầu cử, thùng phiếu sẽ được mang đến nhà những ai không có khả năng đi bầu.
Chính phủ khuyến khích thành lập các hội đoàn giúp đỡ người tàn tật. Việc đánh giá và phát triển các chương trình cấp quốc gia như chương trình giảm nghèo, luật lao động, và hàng loạt chính sách giáo dục khác đều có tham khảo ý kiến của người tàn tật. Ủy ban Phối hợp Quốc gia về Người tàn tật và các thành viên cấp bộ đã hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục và tạo việc làm cho người tàn tật. Chính phủ đã thiết lập một mạng lưới nhỏ gồm các trung tâm nuôi dưỡng và cung cấp vật lý trị liệu cho những người tật nguyền. Nhiều địa phương, cơ quan chính phủ, và các trường đại học tổ chức các chương trình đặc biệt dành riêng cho người tàn tật.

Các Nhóm Dân Thiểu Số Về Quốc Tịch/Màu Da/Sắc Tộc

Mặc dù nhà nước chính thức cấm, nhưng xã hội vẫn tiếp tục kỳ thị những người thuộc dân tộc thiểu số. Cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng được rất ít những thành quả tiến bộ của nền kinh tế đang phát triển mạnh.
Một số người thiểu số được cho là đã vượt biên sang Thái Lan và Campuchia để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn, hoặc để tìm đường nhập cư qua những quốc gia khác. Nhân viên chính phủ theo dõi gắt gao một số sắc dân thiểu số, đặc biệt là ở vùng Cao nguyên miền Trung, với quan ngại rằng đạo Tin lành mà họ đang theo đuổi sẽ dẫn đến phong trào đòi ly khai của các sắc dân tiểu số.
Chính phủ đã tiếp tục dùng nhiều biện pháp an ninh ở vùng Cao nguyên miền Trung để đối phó với những quan tâm về những hoạt động ly khai của các dân tộc thiểu số có thể xảy ra. Theo một số báo cáo, công an đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp một số người thiểu số đã điện thoại cho các cộng đồng của mình ở hải ngoại. Cũng có vài báo cáo rằng những người thiểu số đào thoát sang Campuchia đã bị công an Việt Nam, họat động trên cả hai phía biên giới, bắt về và sau đó bị đánh đập và câu lưu.
Chính quyền đã tiếp tục giải quyết sự bất mãn của các sắc dân tiểu số bằng một số chương trình đặc biệt nhằm cải thiện các cơ sở giáo dục, y tế, mở rộng đường xá, dẫn điện đến vùng xa và các bản làng. Qua một chương trình đặc biệt, nhà cầm quyền đã cấp đất cho các sắc dân thiểu số vùng Cao nguyên miền Trung. Nhưng có nhiều than phiền rằng những chương trình đặc biệt này không được áp dụng công bằng.
Chính phủ có chương trình giáo dục bằng tiếng dân tộc đến hết lớp 5. Nhà nước đã làm việc với nhân viên địa phương để tiếp tục triển khai giáo trình bằng tiếng thiểu số. Nhưng có vẻ như chương trình này chỉ phổ biến ở Cao nguyên miền Trung và bị bỏ ngõ ở các địa phương miền núi phía bắc và tây bắc. Chính phủ đã mở trường đặc biệt cho người thiểu số ở nhiều tỉnh, bao gồm việc tài trợ các trường chuyển tiếp ở cấp trung và tiểu học, mở các chương trình luyện thi, cấp chế độ tuyển sinh đặc biệt, ưu tiên vào đại học. Cũng đã có một số trường kỹ thuật và dạy nghề do nhà nước tài trợ dành cho các dân tộc thiểu số. Nhưng dẫu vậy, trong nhiều trường hợp khả tín, các nhóm dân thiểu số theo đạo Công giáo vẫn bị phân biệt đối xử, dù rằng luật qui định tất cả trẻ em đều được hưởng hệ thống giáo dục phổ cập, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc.
Chính phủ có một số chương trình truyền hình và truyền thanh bằng tiếng thiểu số ở một số địa phương. Chính quyền cũng yêu cầu các nhân viên dân tộc Kinh học tiếng thổ ngữ của khu vực họ làm việc. Các chính quyền địa phương tiếp tục các dự án tạo việc làm cho sắc dân thiểu số, giảm chênh lệnh thu nhập giữa người thiểu số và người Kinh, cũng như nâng cao nhận thức của nhân viên chính quyền về văn hóa và phong tục của các sắc dân thiểu số.
Chính phủ ưu đãi các công ty ngoại quốc và trong nước nếu đầu tư vào các vùng thượng du, nơi tập trung đông đảo các sắc tộc thiểu số. Chính phủ cũng tiếp tục những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nhắm vào các khu vực có nhiều người thiểu số nghèo sinh sống, cũng như mở rộng nông nghiệp vào các vùng sâu.

Những Lạm Dụng và Kỳ Thị Khác Trong Xã Hội

Những cá nhân từng bị đi học tập cải tạo vì có dính líu với chính quyền cũ trước năm 1975, tiếp tục cáo giác rằng trong khi tìm việc làm, nhà cửa, cơ hội học tập, họ vẫn bị chính quyền và xã hội phân biệt đối xử ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù vậy những trường hợp phân biệt đối xử như vậy đã giảm đi đáng kể nhờ những cấm đoán trước đây đang dần được bãi bỏ và tỉ lệ cựu quân nhân trong lực lượng lao động giảm sút.
Không có bằng chứng cho thấy nhân viên chính quyền kỳ thị những người bị nhiễm HIV/AIDS, nhưng những người này vẫn bị xã hội xa lánh. Theo những báo cáo khả tín, bệnh nhân HIV bị sa thải hay bị kỳ thị ở nơi làm việc hoặc nơi cư ngụ, nhưng tình trạng này ngày càng ít đi. Một số trường hợp cá biệt, trẻ em nhiễm HIV bị cấm đến trường, dù như vậy là trái luật. Với sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân nước ngoài, chính quyền các cấp trung ương và địa phương đã từng bước chữa trị, giúp đỡ và nuôi dưỡng các bệnh nhân HIV, cũng như làm giảm đi ác cảm và kỳ thị từ xã hội. Dẫu vậy nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Các tổ chức tôn giáo đôi khi được cho phép hoạt động trong lãnh vực này.
Có sự hiện hữu của giới đồng tính, nhưng đa phần không công khai. Dư luận ít quan tâm đến sự đồng tính, và hầu như không có dấu hiệu kỳ thị giới tính.

(còn tiếp)

Nguồn:
Đại Sứ Quán Hoa Kỳ


Báo Cáo Tình Hình Nhân Quyền Việt Nam năm 2008 của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ (phần 6)
Nhóm thành viên X-cafevn chuyển ngữ
http://www.x-cafevn.org/node/1480

Phần 6: Quyền Lợi của Người Lao Động

a. Quyền Tham Gia Hội Đoàn

Người lao động có thể lựa chọn tuỳ ý tham gia vào công đoàn các cấp (địa phương, tỉnh, hoặc quốc gia) mà họ muốn; tuy nhiên, tất cả các công đoàn đều trực thuộc kiểm soát của một công đoàn duy nhất, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN). TLĐLĐVN là một tổ chức liên kết rộng lớn dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, công nhận và quản lý nhiều chi nhánh công đoàn lao động cho từng địa phương và ngành nghề. Người lao động không được tự do tham gia hay thành lập bất cứ hội nhóm nào ngoài tầm kiểm soát của TLĐLĐVN.
Theo số liệu thống kê tháng 8 2008, TLĐLĐVN có hơn 6,2 triệu thành viên, khoảng 39% của tổng số 16 triệu lao động có lương trong cả nước. Trong 6,2 triệu thành viên này, 36,5% làm việc trong biên chế nhà nước, 33,1% làm việc trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu, và 30,4% làm việc trong lĩnh vực tư nhân. TLĐLĐVN ước tính liên đoàn đại diện cho 95% người lao động trong biên chế nhà nước, và 90% người lao động trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Khoảng 1,7 triệu thành viên công đoàn làm việc trong lĩnh vực tư nhân, tính luôn hơn 700.000 người trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thành viên công đoàn đóng niên liễm bắt buộc 1% tổng số tiền lương, và người chủ lao động phải đóng góp 2%. Quỹ đóng góp này trên nguyên tắc nhằm hỗ trợ người lao động và các hoạt động công đoàn, nhưng không ai biết rõ thực sự quỹ được sử dụng ra sao. Phần lớn lực lượng lao động không tham gia công đoàn và không đóng niêm liễm công đoàn. Hầu hết 34 triệu trong tổng số 45,3 triệu người lao động sống ở vùng nông thôn, làm ruộng cá thể, hoặc làm việc trong các công ty tư nhân nhỏ cũng không có công đoàn đại diện.
Lãnh đạo của TLĐLĐVN có ảnh hưởng quan trọng trong nhiều quyết định, chẳng hạn như sửa đổi luật lao động, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, và thiết lập tiêu chuẩn y tế, an toàn, mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, TLĐLĐVN cho rằng chính quyền đã không luôn luôn truy tố các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ LĐTBXH đã công nhận thiếu sót trong việc kiểm tra hệ thống lao động, nhấn mạnh rằng Việt Nam không có đủ kiểm soát viên để thanh tra lao động. TLĐLĐVN, với xác nhận của Bộ LĐTBXH, đã cho rằng mức phạt thấp đối với các công ty vi phạm luật lao động đã không có hiệu quả trong việc ngăn chặn các vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công Nông (HHĐKCN) bị kết án vào tháng 12 2007 theo Điều 258 bộ luật hình sự, trong đó nghiêm cấm "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân", ông Đoàn Huy Chương đã được trả tự do ngày 13 tháng 5 sau khi mãn hạn giam giữ; ông Nguyễn Tấn Hoành cũng đã được trả tự do trong tháng 5. Ngày 25 tháng 2, tòa phúc thẩm giữ nguyên án ba năm tù treo đối với bà Nguyễn Thị Tuyết. Ông Lê Văn Sỹ nghe nói được trả tự do hồi tháng 3 2007; đến cuối năm rồi vẫn chưa ai biết tình trạng của hai thành viên khác của TNTĐCCVN - ông Nguyễn Toàn và ông Lê Bá Triết - ra sao.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, một cựu nhà báo và người sáng lập Liên đoàn Lao động Quốc tế Việt Nam (LĐLĐQTVN), vẫn còn bị theo dõi và quản lý tại gia chặt chẽ. Vào tháng 8 ông bị cấm ra nước ngoài để chữa bệnh. Trong suốt cả năm, công an đã tạm giam ông Nguyễn Khắc Toàn vài lần và đã tịch thu máy vi tính cùng các thiết bị cá nhân khác của ông. Nhà nước vẫn không hợp pháp hóa LĐLĐQTVN, do ông Toàn lập ra trong năm 2006 để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Mọi cuộc đình công nếu không phát sinh từ một tranh chấp lao động tập thể hoặc vì các vấn đề ngoài mối liên hệ lao động đều bất hợp pháp. Trước khi được phép tổ chức đình công hợp pháp, người lao động phải đi khiếu nại đến một hội đồng hòa giải (hoặc hội đồng hòa giải cấp quận/huyện, khi nơi làm việc không có tổ chức công đoàn); khi không đạt được giải pháp, các khiếu nại phải được gửi đến một hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Công đoàn (hoặc đại diện người lao động khi nơi làm việc không có công đoàn) có quyền kháng cáo các quyết định của Hội đồng trọng tài cấp tỉnh đến các toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc quyết định đình công. Mỗi cá nhân cũng có thể khiếu nại trực tiếp đến hệ thống tòa án nhân dân, nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ có thể làm như vậy sau khi đã cố gắng nhưng không hoà giải được. Tu chính án của hiến pháp cũng qui định khi đình công, người lao động sẽ không được trả tiền lương như trong lúc làm việc.
Luật lao động nghiêm cấm đình công trong 54 ngành, nghề nghiệp và các doanh nghiệp phục vụ cho công chúng hoặc chính phủ cho là đóng vai trò trọng yếu cho nền kinh tế quốc dân và quốc phòng. Một nghị định đã định nghĩa các doanh nghiệp bao gồm những công ty sản xuất điện; bưu điện và viễn thông, đường sắt, hàng hải, và giao thông vận tải hàng không, ngân hàng, công trình công cộng, và các ngành công nghiệp dầu khí. Luật pháp cho phép Thủ tướng được quyền chấm dứt các cuộc đình công được cho là ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh công cộng.
Vào ngày 30 tháng 1, nhà nước ban hành một nghị định về đình công "tự phát", tuyên bố rằng các cá nhân tham gia đình công trái với quyết định của tòa án nhân dân phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại do cuộc đình công gây ra cho chủ sử dụng lao động.
Hầu hết các cuộc đình công thường không theo các qui trình hoà giải và trọng tài và đã được coi là đình công tự phát. Số lượng đình công tự phát trong năm qua đã gia tăng đáng kể, với hơn 90% xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận. Theo qui định của pháp luật, các cuộc đình công này không hợp pháp, nhưng nhà nước vẫn để chúng xảy ra và không có hành động gì đối với người đình công. Pháp luật ngăn cấm trả thù người đình công, và hiện nay chưa có báo cáo nào về các việc trả thù này có hay không. Trong một vài trường hợp, nhà nước đã có biện pháp kỷ luật chủ sử dụng lao động vì những vi phạm pháp luật dẫn đến việc đình công, nhất là đối với các công ty vốn nước ngoài.

b. Quyền Tổ Chức Công Đoàn và Thương Lượng Tập Thể

Theo luật định các chi nhánh cấp tỉnh hay cấp thành phố của TLĐLĐVN có trách nhiệm tổ chức công đoàn trong vòng sáu tháng sau khi một doanh nghiệp mới được thành lập, và thành phần lãnh đạo doanh nghiệp phải hợp tác với công đoàn. Trong thực tế chỉ có 85% các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, 60% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và 30% các doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn.
Luật lao động đòi hỏi doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tham gia công đoàn và cấm doanh nghiệp phân biệt đối xử đối với nhân viên tham gia vào một công đoàn; nhưng trên thực tế các luật này không được tuân theo đồng bộ.
Pháp luật qui định các công đoàn chi nhánh của TLĐLĐVN có quyền đại diện người lao động để thương lượng tập thể. Tranh chấp lao động tập thể về quyền lợi phải thông qua hội đồng hòa giải, và khi các hội đồng hòa giải không thể giải quyết vấn đề, tranh chấp được chuyển qua chủ tịch ủy ban nhân dân huyện để giải quyết. Vào tháng 7 đã có vài sửa đổi luật lao động trong đó phân biệt các vấn đề tôn trọng luật pháp (phù hợp với qui định của pháp luật) và những vấn đề về quyền lợi (ngoài những gì pháp luật qui định), đặt ra thủ tục khác nhau cho cả hai. Luật pháp qui định rõ rệt các bước phải theo trong quá trình hòa giải và phân giải, trước khi người lao động được đình công.
Trong khi pháp luật không cho phép tổ chức công đoàn độc lập, một bản sửa đổi trong năm 2007 khẳng định rằng khi doanh nghiệp đang nói đến không có công đoàn, các thương lượng về các tranh chấp có thể được chỉ đạo và tổ chức bởi "chủ thể có liên quan" bao gồm đại diện của người lao động. Mặc dù qui định của pháp luật cho phép "hoạt động công đoàn," đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như đang đình công, TLĐLĐVN phải thành lập một công đoàn chính thức trong vòng sáu tháng. Có ít bằng chứng cho thấy những người lãnh đạo hoặc các tổ chức hoạt động trong sáu tháng chờ đợi được tiếp tục hoạt động hoặc được công nhận sau đó.
Không có các văn bản pháp luật đặc biệt hoặc văn bản miễn giảm luật lao động hiện hành cho các khu chế xuất, và các khu công nghiệp. Có rải rác vài bằng chứng nhà nước thi hành luật pháp tích cực bên trong các khu chế xuất và khu công nghiệp hơn bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có vài nguồn tin khả tín cho rằng rằng người sử dụng lao động trong các khu vực này thường không tôn trọng quyền người lao động và sử dụng các hợp đồng lao động ngắn hạn nhằm tránh các yêu cầu thiết lập công đoàn luật lệ.

c. Ngăn Cấm việc Cưỡng Bức hoặc Bắt Buộc Lao Động

Qui định của pháp luật ngăn cấm cưỡng bức và bắt buộc lao động, bao gồm đối với trẻ em; tuy nhiên, nhiều báo cáo cho biết tình trạng cưỡng bức và bắt buộc lao động vẫn xảy ra.
Tù nhân thường xuyên bị bắt buộc làm việc không lương hoặc được trả lương rất ít. Tù nhân sản xuất lương thực và hàng hoá được sử dụng ngay trong nhà tù hoặc được bán trên thị trường địa phương, được cho rằng để đổi lại đồ tiêu dùng cá nhân cho tù nhân.
Qua việc tăng trưởng nhanh của ngành xuất khẩu lao động, truyền thông báo chí và các nhóm nhân quyền quốc tế khuyên chính phủ không nên phát triển quá nhanh xuất khẩu lao động mà không có một chương trình hiệu quả bảo vệ người lao động. Các tổ chức này nêu ra việc ngày càng có nhiều người lao động phải đóng hơn 165 triệu đồng (khoảng 10,000 USD) cho một cơ hội làm việc ở nước ngoài. Số lệ phí lớn đến mức hầu hết người lao động chỉ có thể trả hết sau khi làm việc và dành dụm từ một đến hai năm ở nước ngoài. Có nhiều thông tin về tình trạng cầm chân người lao động, tình trạng buôn người liên quan đến hoạt động mãi dâm và việc thiếu giúp đỡ cho người lao động trong lúc khó khăn, và kín đáo chỉ ra tình trạng ăn chia lợi lộc của nhiều cơ quan môi giới hợp pháp của nhà nước. Nhiều ăn chia này đã được phát giác sau này. Quyết định năm 2007 của nhà nước về quản lý lệ phí môi giới lao động cùng với Luật Xuất khẩu Lao động năm 2006, có hiệu lực kể từ tháng 7 năm 2007, được đặt ra để giải quyết các tệ nạn trong môi giới lao động và để giúp đỡ, cung cấp thông tin cho nạn nhân của nạn buôn người. Mặc dù hệ thống tư pháp vẫn chưa đáp ứng đáng kể trong việc cung cấp thông tin hay giúp đỡ cho nạn nhân của nạn buôn người, nhà nước đã có vài hành động đối với các công ty lừa lọc trong xuất khẩu lao động. Trong tháng 6 nhà nước đã thu hồi giấy phép hoạt động của 16 công ty xuất khẩu lao động đã vi phạm qui định của pháp luật.

d. Cấm Sử Dụng Lao Động Trẻ Em và Tuổi Tối Thiểu của Người Lao Động

Sử dụng trẻ em trong lao động còn một vấn đề nan giải, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi có 72% dân số. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng trẻ em trong lao động, nhưng có vài trường hợp ngoại lệ cho một số loại công việc. Pháp luật qui định tuổi tối thiểu cho tham gia lao động là 18, nhưng các doanh nghiệp có thể thuê trẻ em giữa 15 và 18 tuổi nếu doanh nghiệp được sự chấp thuận của cha mẹ và của bộ LĐTBXH. Trong năm 2006 bộ LĐTBXH báo cáo có khoảng 30% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi đã tham gia một số hoạt động kinh tế, thường là trong công việc đồng áng gia đình hay trong các doanh nghiệp ngoài khuôn khổ của luật lao động.
Theo pháp luật, người chủ sử dụng lao động phải đảm bảo nhân viên dưới 18 tuổi không được làm các công việc nguy hiểm hoặc các công việc có thể gây tổn hại cho sự phát triển về thể chất hay tinh thần. Các ngành nghề bị cấm được ghi rõ trong qui định của pháp luật. Pháp luật cho phép các trẻ em từ 13 tuổi đăng ký ở các trung tâm dạy nghề. Trẻ em có thể làm việc tối đa 7 giờ mỗi ngày và 42 giờ mỗi tuần, và phải được chăm sóc sức khỏe đặc biệt.
Ở nông thôn trẻ em chủ yếu làm việc trên đất đai của gia đình và các việc đồng áng hay việc nhà. Đôi khi trẻ em bắt đầu làm việc từ khi lên 6 và đến 15 tuổi đã gánh vác công việc như một người lớn. Đặc biệt trong mùa gieo trồng hay mùa thu hoạch, vài cha mẹ giữ không cho trẻ em đi học. Ở thành phố trẻ em làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ do gia đình sở hữu hoặc đánh giày, bán vé số, hay bán báo ngoài đường phố. Tình trạng nhập cư từ nông thôn đến các thành thị làm vấn đề lao động trẻ em càng nan giải, bởi vì người nhập cư trái phép đã không thể đăng ký hộ khẩu tại các thành phố. Do vậy, con cái của họ không thể đi học trong hệ thống giáo dục công cộng, và các gia đình này cũng khó vay mượn tiền bạc. Quan chức nhà nước cho biết trong các trung tâm giáo dục và dinh dưỡng, tương đương với các trường đặc biệt hay trại cải huấn trẻ vị thành niên, trẻ em bị giam giữ thường được giao việc làm với "mục đích giáo dục."
Bộ LĐTBXH chịu trách nhiệm về thực hiện pháp luật và các chính sách về sử dụng trẻ em trong lao động. Quan chức chính phủ có thể bắt đóng phạt, hay trong các trường hợp vi phạm hình sự, có thể truy tố người chủ về tội vi phạm luật sử dụng lao động trẻ em. Mặc dù không hỗ trợ đủ nguồn lực để thi hành đầy đủ các văn bản pháp luật qui định về an toàn của trẻ em, đặc biệt là cho trẻ em làm việc tại các hầm mỏ và giúp việc trong nhà, nhà nước cũng đã phát hiện một số trường hợp bóc lột trẻ em, cứu các em ra khỏi tình trạng bị bóc lột, và phạt những người chủ lao động.
Các nhà tài trợ quốc tế đã nhắm đến vấn đề lao động trẻ em. Nhà nước cũng tiếp tục các chương trình nhằm dẹp bỏ vấn nạn về lao động trẻ em, chú trọng vào các gia đình nghèo khổ và trẻ mồ côi.

d. Điều Kiện Làm Việc Hợp Lý

Pháp luật yêu cầu chính phủ thiết lập bản lương tối thiểu, được điều chỉnh theo giá lạm phát và các thay đổi kinh tế khác. Lương tối thiểu chính thức cho lao động không tay nghề ở các liên doanh đầu tư của nước ngoài hay ở các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài là một triệu đồng mỗi tháng (khoảng 61 USD) trong các quận nội thành của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 900.000 đồng (55 USD) trong các huyện ngoại ô của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và ở một số khu công nghiệp, thị xã, và 800.000 đồng (48 USD) ở các nơi khác. Nhà nước có thể tạm thời miễn cho một số doanh nghiệp phải trả mức lương tối thiểu trong vài tháng đầu hoạt động, hoặc miễn cho các doanh nghiệp nằm trong các vùng sâu vùng xa, nhưng lương tối thiểu hàng tháng trong các trường hợp này không được thấp hơn 800.000 đồng (48 USD ). Lương tối thiểu chính thức hàng tháng cho lao động không tay nghề trong lĩnh vực nhà nước khoảng 540.000 đồng (34 USD). Đối với người lao động làm việc cho các công ty quốc gia, làm nông, hoặc giúp việc nhà, lương tối thiểu chính thức khoảng 620.000 đồng (38 USD) ở các vùng đô thị và 540.000 đồng (34 USD) tại các vùng nông thôn. Số tiền này không đủ sống trong tình trạng lạm phát cao trong năm qua.
Nhà nước qui định 40 giờ làm việc trong tuần cho nhân viên của chính phủ và nhân viên của các công ty trong lĩnh vực nhà nước, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp khu tư nhân và các tổ chức quốc tế, nước ngoài có sử dụng người lao động trong nước giảm số lượng các giờ làm việc trong tuần còn 40 giờ, nhưng không bắt buộc phải tuân theo.
Pháp luật qui định giờ làm việc bình thường là tám giờ mỗi ngày, với thời gian nghỉ ngơi bắt buộc 24 giờ mỗi tuần. Giờ làm thêm được trả phụ trội 150% lương căn bản, 200% khi phải làm việc trong ngày nghĩ trong tuần, và 300% khi phải làm việc vào ngày lễ hoặc những ngày nghỉ được trả lương. Pháp luật giới hạn giờ làm thêm bốn giờ mỗi tuần và 200 giờ trong một năm, nhưng đặc cách các trường hợp đặc biệt có thể lên đến 300 giờ làm thêm hàng năm, tùy thuộc vào quyết nghị của nhà nước sau khi đã tư vấn với TLĐLĐVN và đại diện của chủ lao động. Pháp luật cũng qui định thời gian nghỉ hàng năm được hưởng lương cho nhiều loại công việc. Tuy nhiên không ai biết nhà nước đã bảo vệ hay thi hành những qui định trên đến đâu.
Theo pháp luật, lao động nữ không thể bị cho nghỉ việc vì lý do đính hôn, mang thai, nghỉ hậu sản, hoặc phải chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi, trừ khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Lao động nữ đang mang thai qua tháng thứ bảy hoặc đang chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi có thể không bị buộc làm thêm giờ, làm ban đêm, hoặc làm ở các địa điểm cách xa nhà của họ. Tuy nhiên không ai biết rõ nhà nước thi hành các qui định này tới đâu.
Pháp luật yêu cầu chính phủ ban hành qui tắc và qui định nhằm bảo đảm an toàn lao động. Bộ LĐTBXH cùng với các ủy ban nhân dân và các công đoàn địa phương chịu trách nhiệm thi hành các qui định, nhưng vì thiếu kinh phí và nhân viên thanh tra chuyên nghiệp, qui định pháp luật không được thực thi đầy đủ. Tai nạn nghề nghiệp do thiếu sức khoẻ và thiếu các điều kiện an toàn tại nơi làm việc là một vấn đề nan giải. Rất nhiều tai nạn nghề nghiệp gây ra bởi máy móc thiết bị như máy quay, máy cán ép.
Pháp luật qui định người lao động có thể từ chối các công việc nguy hiểm mà không sợ bị sa thải, tuy nhiên không ai biết rõ qui định này được thực thi ra sao. Bộ LĐTBXH khẳng định đã không có người lao động nào khiếu nại người chủ lao động không tuân theo qui định của pháp luật.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 7 của Bộ LĐTBXH về điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ đến trung bình, hơn 80% chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về an toàn lao động, 8% có điều kiện làm việc tồi tệ, và 90% sử dụng máy móc và thiết bị quá hạn sử dụng. Người lao động thường phải làm việc trong môi trường độc hại - 31% làm việc trong điều kiện rất nóng, 24% làm việc trong môi trường ồn quá mức, và 17% trong những nơi nhiều bụi bặm.

Hết

Nguồn:
Đại Sứ Quán Hoa Kỳ



No comments: