Saturday, March 14, 2009

TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM NĂM 2008 (Phần II)

Báo Cáo Tình Hình Nhân Quyền Việt Nam năm 2008 của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ (phần 2)
Nhóm thành viên X-cafevn chuyển ngữ
http://www.x-cafevn.org/node/1477

Phần 2: Tôn Trọng Dân quyền, Bao Gồm:

a. Tự Do Ngôn Luận và Báo Chí

Luật pháp cho phép quyền tự do ngôn luận và báo chí; tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục giới hạn những quyền tự do này, nhất là đối với những phát biểu chỉ trích những nhân vật lãnh đạo nhà nước, quảng bá chính trị đa nguyên hay dân chủ đa đảng, hoặc đặt vấn đề về những chính sách mang tính nhạy cảm như nhân quyền, tự do tín ngưỡng, hoặc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Lằn ranh giữa ngôn luận cá nhân và công cộng vẫn tiếp tục được giải thích một cách tuỳ tiện.
Cả hiến pháp lẫn bộ luật hình sự bao gồm những điều khoản bao quát về an ninh quốc gia và chống phỉ báng mà chính quyền sử dụng để giới hạn tự do ngôn luận và báo chí. Bộ luật hình sự định nghĩa những tội “phá hoại nền tảng của chủ nghĩa xã hội,” “gieo rắc chia rẽ giữa những người có đạo và không đạo,” và “tuyên truyền chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là những vi phạm nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Bộ luật hình sự cũng nêu rõ việc cấm “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước và các tổ chức xã hội.”
Nhiều lần khác nhau các nhà hoạt động chính trị và thân nhân của các tù nhân đã bị ngăn cản không được gặp những đại diện ngoại giao nước ngoài. Những cách thức được dùng bao gồm việc xây rào cản hoặc cho người đứng gác bên ngoài tư gia của họ hoặc triệu tập đến trụ sở công an để thẩm vấn tùy tiện và liên tục.
ĐCSVN, chính phủ và những tổ chức quần chúng do đảng kiểm soát đã kiểm duyệt tất cả các hình thức ấn loát, phát thanh, truyền hình, và báo điện tử. Qua Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), chính phủ kiểm soát và bổ sung quyền hành với những điều lệ của đảng và điều luật an ninh quốc gia lớn mạnh để bảo đảm báo chí trong nước tự kiểm duyệt một cách hữu hiệu. Vào đầu tháng 3, một chiến dịch “theo lề” của chính phủ đã dẫn đến việc kiểm tra tài chính của nhiều tờ báo và bắt buộc báo chí giới hạn vai trò thực hiện những chương trình đi sâu vào quần chúng như làm việc thiện và phát học bổng. Những người trong giới báo chí hầu hết cho những hành động này là một cố gắng của nhà hữu trách để giới hạn hơn nữa sự độc lập và ảnh hưởng trên báo chí.
Mặc dù với sự tiếp tục tăng trưởng của những trang blog trên mạng, việc đàn áp tự do báo chí toàn khắp vẫn tồn tại trong suốt năm với kết quả là nhiều biên tập viên cao cấp bị đuổi và hai phóng viên bị bắt. Những hành động này làm dập tắt phong trào phóng sự điều tra xông xáo trước đó.
Ngày 12 tháng 5, công an đã bắt các phóng viên Nguyễn Việt Chiến của nhật báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của nhật báo Tuổi Trẻ vì tội “lạm dụng quyền hành trong khi thi hành chức vụ” liên quan đến những bài viết về vụ tham nhũng PMU-18 của Bộ Giao Thông vào năm 2006. Báo chí của nhà nước và dân chúng lên án mạnh mẽ vụ bắt bớ này. Tuy vậy, hai ngày sau khi báo chí tường thuật đầy đủ, BTTTT đã ra lệnh cho truyền thông ngưng không được viết nữa về vụ này. Báo chí và giới truyền thông tuân theo quyết định nhưng những người viết blog vẫn tiếp tục chỉ trích vụ bắt bớ. Sau đó tội danh của hai nhà báo được đổi thành “lạm dụng quyền tự do dân chủ”, họ bị đem ra tòa xử và kết tội hôm 15 tháng 10. Toà án xử Nguyễn Việt Chiến hai năm tù và Nguyễn Văn Hải hai năm cải tạo không giam giữ.
Vào tháng 7, các tổng biên tập của hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị thay thế. Hai tờ báo này giải thích rằng đây là những thay đổi bình thường mặc dù có nguồn tin cho rằng hai ông bị giáng chức vì đã cho in những phóng sự về tham nhũng. Vào tháng 8, chính phủ thu hồi thẻ hành nghề của 7 nhà báo từ những tờ báo do nhà nước quản lý vì đã “thiếu trách nhiệm” trong những bài tường thuật của họ về vụ PMU-18.
Ngày 19 tháng 9, công an đã tạm giam và hành hung một phóng viên ngoại quốc thuộc chi nhánh hãng tin Associated Press ở Hà Nội và giữ máy chụp ảnh của ông ta trong tám tuần sau khi ông tìm cách chụp ảnh buổi cầu nguyện trước cửa Toà Khâm Sứ cũ.
Ngày 18 tháng 12, chính phủ đã đưa ra luật mới cấm những người viết blog đăng những tài liệu mà chính phủ cho là làm hại đến an ninh hoặc tiết lộ bí mật quốc gia, xúi dục bạo động hay tội ác, hoặc chứa đựng tin tức không đúng sự thật làm phương hại danh dự của cá nhân hay đoàn thể. Luật mới này cũng đòi hỏi các công ty Internet nước ngoài ở Việt Nam có dịch vụ blog phải báo cáo cho chính phủ mỗi sáu tháng và nếu được yêu cầu, họ phải cung cấp tin tức về những người dùng blog.
Trong năm qua chính phủ cũng tiếp tục giới hạn những bài báo chỉ trích hành động của Trung Quốc về vụ tranh chấp đảo ở vùng biển Nam Hải và bài viết được cho là thảo luận về hoặc định quân sự chiếm đánh Việt Nam. Vào tháng 12 2007, tổng biên tập của một tờ báo điện tử lớn bị phạt vì bài bình luận sôi nổi về vụ Hoàng Sa. Ông vẫn còn tại chức mặc dù có những doạ dẫm cách chức.
Luật pháp đòi hỏi phóng viên bồi thường bằng hiện kim cho những cá nhân hay đoàn thể mà bài báo làm tổn thương đến danh dự của họ, ngay cả khi bài đăng đúng sự thật. Những nhà quan sát độc lập cho biết là luật này đã xiết chặt việc tường trình phóng sự. Đã có những bài báo về những chủ đề thường được xem là nhạy cảm như việc xử các đảng viên và nhân viên chính phủ cao cấp về tội tham nhũng, hoặc có những bài thỉnh thoảng chỉ trích nhân viên và các hội đoàn. Thế nhưng tự do chỉ trích ĐCSVN và các lãnh đạo đảng cao cấp vẫn bị cấm ngặt.
Ký giả ngoại quốc phải được giấy phép của trung tâm báo chí thuộc Bộ Ngoại giao và họ phải đặt bản doanh ở Hà Nội ngoại trừ trường hợp một phóng viên chuyên về mảng kinh tế, đã cư ngụ và có một văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh và trên danh nghĩa tường trình từ văn phòng chính ở Hà Nội. Phóng viên, ký giả ngoại quốc phải xin hộ chiếu mới từ ba đến sáu tháng một lần, dù vậy thủ tục này đã trở nên thường lệ, và không có báo cáo về việc bị từ chối hộ chiếu. Số nhân viên báo chí ngoại quốc được phép hành nghề cũng bị giới hạn và nhân viên người địa phương làm việc cho truyền thông nước ngoài phải đăng ký ở Bộ Ngoại giao.
Thủ tục xin và nhận giấy phép đối với các hãng thông tấn ngoại quốc trong việc mướn phóng viên và nhiếp ảnh gia người địa phương vẫn rườm rà. Trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao thỉnh thoảng kiểm tra các hoạt động của ký giả và chấp thuận những yêu cầu phỏng vấn, chụp hình, quay phim, hay di chuyển thì dựa trên từng trường hợp cụ thể, và họ phải nộp đơn ít nhất năm ngày trước. Theo luật, ký giả ngoại quốc phải nộp cho Bộ Ngoại giao tất cả các câu hỏi phỏng vấn các cơ quan chính phủ. Nhưng trên thực tế, đã không có ai làm theo. Ký giả ngoại quốc cũng cho biết là nói chung họ không thông báo cho chính phủ khi di chuyển ra khỏi Hà Nội trừ khi chuyến đi liên quan đến bài tường thuật mà chính phủ cho là nhạy cảm hoặc họ đi đến những vùng được xem là nhạy cảm như Cao nguyên miền Trung.
Vài sách cấm bằng tiếng ngoại quốc được bày bán công khai trên vỉa hè và trong những cửa hàng dành cho du khách. Tạp chí bằng tiếng ngoại quốc cũng được bán rộng rãi ở các thành phố nhưng thỉnh thoảng chính phủ cũng kiểm duyệt các bài viết.
Luật pháp chỉ cho phép sử dụng vô tuyến truyền hình vệ tinh cho các quan chức lớn, người ngoại quốc, khách sạn hạng sang và báo chí, nhưng trên thực tế, trên toàn quốc ai cũng có thể xem những chương trình qua vệ tinh hay qua truyền hình cáp. Những người sống ở thành thị cũng có thể đặt thuê truyền hình cáp trong đó có cả những đài ngoại quốc.

Tự Do Trên Mạng

Chính phủ cho phép dân chúng truy cập vào mạng qua một số ít công ty cung cấp dịch vụ mạng, tất cả đều là những công ty cổ phần của chính phủ. Trong năm qua, số người sử dụng mạng tiếp tục gia tăng. Theo BTTTT, có 24% dân chúng truy cập mạng. Việc viết blog tiếp tục gia tăng nhanh chóng. BTTTT ước đoán là có trên một triệu blogger trên mạng. Ngoài một số tờ báo chính và tin tức trên mạng, nhiều ký giả có trang blog riêng của họ. Trong vài trường hợp, những trang blog của họ nhiều khi còn gây tranh cãi hơn cả những bài họ viết thường tình trên báo. Trong một ít trường hợp, chính phủ phạt tiền hay trừng phạt những người này vì nội dung trang Blog của họ.
Chính phủ cấm dân chúng truy cập vào mạng qua những công ty cung cấp dịch vụ mạng ngoại quốc, họ cũng bắt các công ty cung cấp dịch vụ mạng trong nước lưu trữ tất cả những dữ kiện, tin tức gửi qua mạng trong ít nhất 15 ngày và đòi hỏi các công ty này cung cấp giúp đỡ kỹ thuật và văn phòng cho công an để họ dò xét các hoạt động trên mạng.
Chính phủ đòi hỏi các tiệm như quán cà phê mạng phải ghi chép các dữ kiện cá nhân của khách hàng và dự trữ những địa chỉ mạng mà khách hàng đã ghé qua. Tuy vậy, nhiều chủ nhân của các quán cà phê mạng không lưu giữ các thông tin này. Tương tự, không ai biết những công ty cung cấp dịch vụ mạng chính tuân thủ các luật lệ của chính phủ đến độ nào.
Trong khi dân chúng tận dụng việc truy cập mạng đang tăng trưởng chưa từng thấy, chính phủ vẫn kiểm soát thư điện, lục soát và dò xét những từ nhạy cảm và chặn những địa chỉ trên mạng có nội dung chính trị hay tôn giáo mà chính quyền cho là “phản cảm.” Họ bào chữa cho việc kiểm duyệt mạng là điều cần thiết để che chở dân chúng không bị ảnh hưởng từ phim ảnh đồi trụy và những “phần tử xấu” hoặc “phản xã hội.” Họ cũng bào chữa rằng những cố gắng giới hạn truy cập mạng cho trẻ con trong tuổi đi học là để chúng không sao nhãng việc học vì những trò chơi trên mạng.
Nhà chức trách dùng điều khoản 88 của luật hình sự “phân phát tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước” để cấm dân chúng không truyền tải và phổ biến những tài liệu từ mạng mà chính phủ cho là vi phạm.
Nhà cầm quyền tiếp tục giam giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến đã dùng mạng Internet để phát biểu ý tưởng về nhân quyền và chủ nghĩa đa nguyên. Vào tháng Giêng, nhà văn và ký giả Trần Khải Thanh Thủy đã bị bắt giam về vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị truy tố và tuyên án tù cho thời gian bị giam cầm, và được thả vì lý do sức khoẻ. Vào tháng 4, ông Nguyễn Hoàng Hải (còn có tên là Điếu Cày), một blogger nổi tiếng và chủ tịch của Hội Nhà báo Tự do đã bị bắt giữ; ngày 10 tháng 9, ông ta và vợ bị đưa ra tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh về tội trốn thuế. Ông bị tuyên án 30 tháng tù và phạt 210 triệu (khoảng $12.730 đô la). Vợ ông Hải cũng bị phạt số tiền tương tự. Ngày 4 tháng 12, tiền phạt và án tù của ông bà Hải được tạm ngưng trong khi chờ kháng án. Tòa phúc thẩm báo tin phiên xử cho luật sư của ông Hải chỉ có chín ngày thay vì 15 ngày trước phiên tòa như luật pháp đòi hỏi.
Vào tháng Chín, giới hữu trách địa phương ở Hà Nội dọa bắt bớ những bloggers và những ai gửi điện thư ra nước ngoài về những tin tức về tranh chấp đất đai nhà cửa của các giáo dân.
Nhà chức trách tiếp tục dùng tường lửa để ngăn chặn những trang mạng được xem là không thích hợp về chính trị hoặc văn hóa, bao gồm những trang thuộc về Giáo hội Công giáo như vietcatholic.net hoặc những trang của những hội đoàn chính trị của người Việt ở hải ngoại. Chính phủ đã bỏ hầu hết những ngăn chặn truy cập đến trang mạng của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) mặc dù họ vẫn tiếp tục chặn trang của Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia, RFA) trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những bài viết dựa theo tin tức của RFA xuất hiện tên các báo chí trong nước.
BTTTT đòi hỏi chủ nhân của các trang mạng trong nước, ngay cả những trang được điều hành bởi người ngoại quốc phải đăng ký với chính phủ và nộp nội dung và chủ trương của trang cho chính phủ để được xét duyệt; tuy nhiên việc kiểm soát thi hành luật lệ vẫn còn chọn lọc.
Intellasia, một công ty truyền thông có bài viết và tin tức đầu tư trên mạng đã bị nhà hữu trách đóng cửa vào tháng 8 2007 vì đã đăng những "nội dung thiếu xác thực và phản động”, hãng này vẫn tiếp tục hoạt động ở ngoại quốc.

Tự Do Nghiên Cứu và Hoạt Động Văn Hoá

Chính phủ xác định quyền hạn chế tự do khảo cứu, các giới chức có thẩm quyền thỉnh thoảng chất vấn và kiểm soát những nhà nghiên cứu trong lãnh vực lạ. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục cho phép việc truyền tải thông tin rộng hơn những năm trước, bao gồm cả trong hệ thống đại học. Quản thủ thư viện ở các địa phương càng ngày càng được huấn luyện về kỹ năng chuyên nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ thư viện có tầm vóc quốc tế và trao đổi kiến thức và khảo cứu bao quát hơn. Những chuyên gia khảo cứu ngoại quốc làm việc ở các đại học trong nước được cho phép bàn luận về những vấn đề phi chính trị một cách cởi mở và tự do trong lớp học, nhưng quan sát viên của chính phủ thường thường ngồi dự thính trong lớp do giảng viên ngoại quốc hay địa phương hướng dẫn. Công an thỉnh thoảng chất vấn những người tham dự chương trình được tổ chức ở những khu vực ngoại giao hay sử dụng những cơ sở khảo cứu ngoại giao. Tuy vậy, những thỉnh cầu về tài liệu từ cơ sở khảo cứu ngoại quốc cũng gia tăng. Những sách khảo cứu thường phản ảnh quan điểm của ĐCSVN hay của chính phủ.
Chính phủ kiểm soát triển lãm nghệ thuật, âm nhạc, và những hoạt động văn hoá khác; tuy nhiên, nói chung họ cũng cho các nghệ sĩ quyền rộng rãi để chọn chủ đề cho tác phẩm hơn những năm trước. Chính phủ cũng cho phép các đại học nhiều quyền tự trị về trao đổi quốc tế hay chương trình hợp tác.

b. Tự Do Hội Họp và Lập Hội Một Cách Ôn Hoà

Tự Do Hội Họp

Luật pháp cấm ngặt quyền hội họp và chính quyền cũng cấm đoán và kiểm soát tất cả những hình thức biểu tình hay tụ tập nơi công cộng. Theo luật lệ qui định, những ai muốn tụ tập thành một nhóm phải xin giấy phép và nhà chức trách địa phương có thể tuỳ ý chấp nhận hoặc từ chối. Trên thực tế, dường như chỉ có những ai sắp xếp những buổi họp được nhiều người biết để bàn về những vấn đề nhạy cảm mới cần xin phép, còn những người thường xuyên tổ chức họp mặt thân mật thì không bị chính phủ quấy rầy. Nói chung, chính phủ không cho phép những cuộc biểu tình tuần hành có thể được xem là với mục đích chính trị. Chính phủ cũng giới hạn quyền tụ họp để thờ phượng của vài nhóm tôn giáo không đăng ký (xem phần 2.c.)
Trước cuộc rước đuốc Thế vận hội thế giới vào tháng 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà tranh đấu kể rằng nhà chức trách đã gọi họ lên để thẩm vấn và cảnh cáo họ không nên tổ chức biểu tình.
Nhiều buổi lễ cầu nguyện đông người tham dự xảy ra trong tháng 1, tháng 4 và tháng 9 tại những nơi tranh chấp đất đai của người Công giáo ở Toà Khâm Sứ cũ và tại giáo phận Thái Hà ở Hà Nội. Cảnh sát đã bắt giữ tám người và quấy rối những người dự lễ (xem phần 1.e.). Nhiều cuộc biểu tình nhỏ của những người đòi bồi thường đất đai bị tịch thu thường xuyên xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và thỉnh thoảng ở Hà Nội. Cảnh sát có theo dõi nhưng nói chung họ không quấy rối những người tham gia biểu tình.

Tự Do Lập Hội

Chính phủ tuyệt đối cấm đoán việc tự do lập hội. Những đảng phái chính trị đối lập không được cho phép hoặc nhân nhượng. Chính phủ ngăn cấm tính hợp pháp của việc thành lập những tổ chức tư nhân độc lập và khuyến cáo người ta nên hoạt động trong những tổ chức quần chúng do đảng lập sẵn, thường dưới sự che chở của MTTQ thuộc ĐCSVN. Tuy nhiên, đã có vài tổ chức bao gồm cả những nhóm tôn giáo không đăng ký đã có thể hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không hoặc ít bị trở ngại với chính quyền.
Chính quyền tiếp tục thực hiện qui chế Dân chủ Cơ sở của năm 2007 để giúp dân chúng nông thôn, với sự tham gia của đại diện MTTQ tại địa phương, triệu tập các buổi họp để thảo luận và đặt ra những giải pháp cho vấn đề địa phương và bổ nhiệm đại biểu vào ban lãnh đạo địa phương. Qui chế này cũng đòi hỏi chính quyền cấp xã phải công bố việc thu chi trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Những thành viên của Khối 8406, một tổ chức chính trị chủ trương thành lập một chính quyền đa đảng đã tiếp tục bị sách nhiễu và giam cầm. Những thành viên kỳ cựu bị bắt và nhốt vào tù trong một cuộc thanh trừng từ năm 2007. Vào tháng 9, nhà cầm quyền bắt thêm sáu thành viên của Khối 8406 vì họ đã chỉ trích chính sách kinh tế cũng như thái độ của chính phủ đối với Trung Quốc. Các thành viên khác bị quấy rối thường xuyên vì những hoạt động chính trị bất bạo động. Khối 8406 tuyên bố đã có hơn 2.000 người ủng hộ trong nước mặc dù con số này không thể được kiểm chứng. Đến cuối năm, có ít nhất là 16 thành viên của Khối bị giam giữ.
Một vài thành viên của một nhóm tranh đấu khác, Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam, và một nhóm liên quan là Tổ chức Công nông Đoàn kết vẫn còn bị giam vào cuối năm.

c. Tự Do Tôn Giáo

Hiến pháp và các nghị định của chính phủ qui định quyền tự do tín ngưỡng và những cải thiện so từ những năm trước về việc tôn trọng tự do tôn giáo nói chung đã tiếp tục trong năm vừa qua. Chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo; tuy nhiên, về tổng quát những hạn chế này được thi hành bớt khắt khe hơn những năm trước. Nhìn chung việc tham gia vào những hoạt động tôn giáo được tiếp tục gia tăng đáng kể.
Bất cập vẫn tồn đọng trong việc thực hiện Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo ở hầu hết ở cấp địa phương, nhưng trong vài trường hợp chính phủ trung ương cũng trì hoãn áp dụng.
Các tổ chức tôn giáo gặp phải những cấm đoán cao nhất khi họ có những hoạt động được cho là hoạt động chính trị hoặc đối kháng với cho quyền lực nhà nước. Chính phủ tiếp tục ngăn cản việc gia nhập Hội Phật giáo Hòa hảo. Chính phủ cũng hạn chế hoạt động và việc đi lại của ban lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và họ vẫn không công nhận tổ chức này với ban lãnh đạo hiện thời. Chính phủ cũng chú ý đến vài nhóm dân thiểu số ở các vùng Cao nguyên miền Trung đang hoạt động trong hội "Tin lành Dega”, được cho là pha lẫn hoạt động tôn giáo với chính trị và kêu gọi việc ly khai cho dân tộc thiểu số.
Chính phủ giữ một vai trò nổi bật trong việc giám thị những tôn giáo đã được công nhận. Theo luật, các nhóm tôn giáo phải được chính thức công nhận hay đăng ký, và những hoạt động cũng như thành phần trị sự của các giáo phái phải được nhà nước thông qua. Luật pháp đòi hỏi chính phủ phải hành động nhanh chóng và minh bạch, nhưng quá trình chấp thuận cho đăng ký và công nhận những tổ chức tôn giáo đôi khi chậm trễ và không rõ ràng. Tuy vậy, nhiều giáo đoàn mới được đăng ký trong toàn quốc trong năm qua và một số giáo phái đã được đăng ký ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên, các nhà chức trách địa phương vẫn chưa đả động đến nhiều đơn xin đăng ký nộp từ năm 2006 của trên 1.000 giáo đoàn Tin lành với hầu hết giáo dân là các nhóm dân tộc thiểu số.
Nhiều nhà chức trách địa phương tiếp tục đòi hỏi điều kiện đầu tiên của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận là phải cung cấp danh sách của tất cả thành viên khi đăng ký mặc dù Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo không đòi hỏi việc này. Nhiều giáo đoàn ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên than phiền là nhà chức trách đã dùng danh sách ấy kể ngăn chặn hoặc sách nhiễu những người không có tên trong danh sách được dự lễ. Hoạt động thường niên của các nhà thờ cũng phải đăng ký với nhà chức trách và những hoạt động nào không nằm trong lịch sinh hoạt đã được chấp thuận trước phải có giấy phép khác của chính phủ.
Cũng giống như những năm trước, quá trình giám sát chính thức các nhóm tôn giáo thay đổi rất nhiều tùy theo từng địa phương, thường thường là do không hiểu chính sách quốc gia hoặc cách hiểu khác nhau về mục đích của chính sách ở mỗi địa phương. Nói chung, những cố gắng của trung ương để phối hợp việc thi hành đúng đắn khuôn khổ tôn giáo của chính phủ đã làm giảm thiểu mức độ và cường độ vi phạm tự do tôn giáo. Tuy vậy, trên phương diện kỹ thuật, hoạt động của những nhóm tôn giáo không được công nhận hay không đăng ký vẫn được xem là không hợp pháp, và những tổ chức này thỉnh thoảng bị sách nhiễu. Nhiều cuộc hội họp của những tổ chức “không đăng ký” này bị giải tán hay ngăn cản ở Hải Phòng hay miền Cao nguyên tây bắc, trong số các cáo buộc của những người theo đạo là đôi khi chính quyền địa phương dùng “côn đồ đánh thuê” để quấy nhiễu hay hành hung họ. Ở Trà Vinh, có báo cáo là một vài nhà thờ tại gia kể cả Nhà thờ Phúc âm đã bị công an quấy nhiễu và “dân quân” mặc thường phục đánh đập liên tiếp. Giới chức trách đã không có hành động kỷ luật nào đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, mức độ sách nhiễu có giảm đi so với những năm trước và đại đa số các nhà thờ hay chùa chiền không đăng ký được hoạt động mà không bị trở ngại.
Chính phủ tích cực can ngăn sự tiếp xúc giữa GHPGVNTH, một tổ chức được chính phủ cho là bất hợp pháp, với những người ủng hộ ở ngoại quốc, nhưng những tiếp xúc đó vẫn tiếp tục. Công an thường xuyên thẩm vấn bất cứ ai có một quan điểm tôn giáo và chính trị khác như một số tăng sĩ trong GHPGVNTN và các linh mục Công giáo. Công an vẫn tiếp tục hạn chế việc tự do đi lại của các tăng sĩ thuộc GHPGVNTN.
Trong năm qua đã có vài nguồn tin khả tín về việc bắt rời bỏ tín ngưỡng ở miền Trung và Tây bắc Cao nguyên. Tuy nhiên, những bài viết trong các tờ báo tỉnh khuyến khích nhà cầm quyền địa phương và những nhóm dân tộc thiểu số đi theo thuyết duy linh và tập tục truyền thống và bỏ đạo Tin lành.
Đại đa số tín đồ Phật giáo hành đạo qua Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã được chính thức công nhận, và nói chung, họ có thể tự do thờ cúng. Chính quyền tiếp tục quấy nhiễu tín đồ của GHPGVNTN và ngăn cản họ không được có những hoạt động từ thiện độc lập ở ngoài phạm vi chùa chiền.
Ban lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN vẫn bị công an theo dõi ráo riết tại chùa của họ và việc đi lại trong nước bị giới hạn. Thầy Thích Quảng Độ và Thích Không Tánh đã được phép đi đưa đám tang vị trưởng Tăng thống của GHPGVNTN vào tháng 7, mặc dù một số tăng sĩ của GHPGVNTN ở các tỉnh tường thuật là các nhà hữu trách không cho họ đi. Một tăng sĩ của GHPGVNTN phải chuyển khỏi tỉnh để lên Thành phố Hồ Chí Minh và từ chức khỏi ban lãnh đạo GHPGVNTN vì luôn luôn bị chính quyền theo dõi và quấy nhiễu.
Giáo hội Công giáo tường trình là chính phủ đã tiếp tục giảm bớt việc can thiệp vào quá trình phân bổ các linh mục mới. Khác với những năm trước, không thấy có trường hợp nào chính phủ từ chối việc phân bổ các linh mục. Giáo hội đã thảo luận với chính quyền về thiết lập thêm trường dòng và phát triển chương trình đào tạo mục sư. Giáo hội đang tiến đến việc thành lập một tổ chức chính thức để hợp tác với toà thánh Vatican trong việc đề ra những nguyên tắc và lộ trình cho việc thiết lập mối quan hệ chính thức.
Một số tăng lữ Công giáo tường trình rằng chính phủ tiếp tục giảm dần kiểm soát trên những hoạt động trong vài giáo phận ở ngoại thành Hà Nội. Nhiều nơi chính quyền địa phương cho phép Giáo hội Công giáo dạy những lớp giáo lý (ngoài giờ học) và tiến hành những hoạt động từ thiện. Giới chức trách tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giúp hỗ trợ một số hoạt động từ thiện của Giáo hội trong việc chống bệnh HIV/AIDS; tuy nhiên, hoạt động giáo dục và giấy phép hợp pháp cho một vài cơ quan từ thiện Công giáo làm việc như những tổ chức phi chính phủ vẫn còn bị trì hoãn. Vào tháng 10, chính phủ chấp thuận cho Caritas mở cửa lại sau 32 năm vắng mặt.
Chính quyền địa phương can ngăn một cách không chính thức việc đi lại trong nước của các tăng lữ, ngay cả chỉ trong các tỉnh nằm trong khu vực của họ, nhất là khi di chuyển đến những vùng có dân tộc thiểu số. Đức Tổng giám mục của Hà Nội bị giới hạn đi lại vì mục sự đến những vùng dân tộc thiểu số ở phía bắc nhưng lại được phép đến đó với tư cách cá nhân
Mặc dù có những báo cáo về việc kỳ thị các học sinh theo đạo Công giáo, nhà chức trách chối là họ có một chính sách giới hạn giáo dục dựa trên tín ngưỡng.
Ít nhất đã có 10 tín đồ của Giáo hội Hòa hảo vẫn còn bị giam vì được cho là liên quan đến vụ xô xát với công an vào năm 2005. Những tu sĩ và tín đồ trực thuộc Hội đồng Quản trị Giáo hội Hòa hảo được phép hành đạo vì hội đồng này được chính phủ công nhận. Những tăng sĩ và tín đồ nào thuộc về những nhóm bất đồng quan điểm hoặc từ chối công nhận thẩm quyền của Hội đồng sẽ bị hạn chế.
Những tổ chức tôn giáo không được phép tự mở trường riêng. Người truyền giáo nước ngoài không được truyền đạo trong nước, dù vậy nhiều người đã tham gia những hoạt động từ thiện nhân đạo và gặp gỡ với các giáo đoàn có đăng ký sau khi được chính phủ chấp thuận.
Nói chung, chính phủ đòi hỏi các ấn phẩm tôn giáo phải được xuất bản bởi nhà in sách tôn giáo của chính phủ; tuy vậy, một số tổ chức tôn giáo đã có thể sao chép lại tài liệu của chính họ hay nhập khẩu với sự chấp thuận của nhà nước. Chính phủ có phần nào nới lỏng việc hạn chế ấn loát hay nhập khẩu những sách vở tôn giáo, bao gồm những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Cho đến cuối năm, Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa chấp thuận việc in Thánh kinh bằng tiếng Mường mặc dù đơn xin đã được đệ lên cách đây hơn hai năm với lý do là chờ đợi chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d. Tự Do Đi Lại, Dân bị Dời Chỗ, Bảo Vệ Dân Tị Nạn, và Dân Vô Tổ Quốc

Hiến pháp cho phép quyền tự do đi lại trong nước, du lịch và sinh sống ở nước ngoài và hồi hương; tuy nhiên, chính phủ đã áp đặt một vài giới hạn trên việc tự do đi lại của một số cá nhân. Chính quyền nói chung đã hợp tác với Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và những tổ chức nhân đạo khác để giúp dân tị nạn và những người đào tị.
Một vài người bất đồng chính kiến, dù được tạm tha có có quản lý hay bị quản chế tại gia, đã bị giới hạn di chuyển nhưng công an cho phép họ ra khỏi nhà dưới sự theo dõi. Ví dụ hai nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn and Nguyễn Khắc Toàn, đã được phóng thích năm 2006, luật sư Lê Quốc Quân và ký giả Nguyễn Vũ Bình, được phóng thích năm 2006 vẫn còn bị chính quyền quản thúc hành chính dưới hình thức hạn chế đi lại. Mặc dù thỉnh thoảng bị quản chế tại gia, họ cũng được đi lại ít nhiều trong nội vi Thành phố Hà Nội, nhưng sự di chuyển của họ hay những cuộc thăm viếng của những người bất đồng chính kiến khác đều bị theo dõi sát sao. Ngày 1 tháng 9, trên đường đi gặp các nhà nghị viên ngoại quốc, ông Quân đã bị giữ lại ở phi trường Nội Bài. Nhà chức trách hủy thông hành của ông và nói ông không được phép ra nước ngoài. Ông Sơn và ông Toàn cũng bị cấm đi ra nước ngoài. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai nhà hoạt động dân chủ là Nguyễn Đan Quế và Đỗ Nam Hải đã bị quản chế tại gia. Ông Hải bị ngăn cản không cho gặp các nhà ngoại giao nước ngoài ít nhất hai lần.
Hạn chế của chính phủ về việc thăm viếng một số vùng vẫn còn hiệu lực. Công dân trong nước và người nước ngoài phải có giấy phép khi thăm viếng những vùng biên giới, cơ sở quốc phòng, những khu vực kỹ nghệ liên quan đến quốc phòng, những vùng “dự trữ chiến lược quốc gia,” và những “công trình tối quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.”
Luật Cư trú năm 2007 đã không được thi hành rộng rãi và lượng dân nhập cư từ thôn quê lên thành phố tiếp tục tăng.
Việc đi lại không có giấy phép đã cản trở những người xin giấy thường trú hợp pháp, đi học trường công và nhận phúc lợi y tế. Những người mang thông hành ngoại quốc phải đăng ký khi cư ngụ tại nhà riêng mặc dù chưa thấy có trường hợp nào chính quyền địa phương từ chối để khách ngoại quốc ở nhà của bạn bè hay gia đình. Dân chúng cũng buộc phải đăng ký với công an địa phương khi họ ngủ qua đêm ở bất cứ nơi nào ngoài nhà riêng của họ; dường như chính phủ đã áp dụng khắt khe hơn những đòi hỏi này ở một số khu vực vùng Cao nguyên miền Trung và miền Bắc.
Chính phủ từ chối không cấp hộ chiếu cho các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng. Chính quyền các tỉnh ở Cao nguyên miền Trung cho phép việc cấp sổ thông hành và di chuyển cho các cá nhân thuộc sắc tộc thiểu số được đi Mỹ hợp pháp với hộ chiếu đoàn tụ gia đình.
Thỉnh thoảng các viên chức chính quyền đã trì hoãn việc phát sổ thông hành cho dân chúng để đòi hối lộ. Dân di cư ra ngoại quốc ít khi gặp khó khăn khi lấy sổ thông hành.
Luật pháp cho phép việc cưỡng bức đày ải trong ngoài nước, và chính phủ cũng không dùng đến điều khoản này.
Chính phủ thường cho phép những di dân ra ngoại quốc được trở về thăm viếng. Tuy nhiên, chính phủ từ chối không cho những nhà hoạt động chống đối từ ngoại quốc trở về. Những nhà hoạt động chính trị người Việt hải ngoại có tiếng đều bị từ chối chiếu khán nhập cảnh.
Theo luật, chính phủ xem bất cứ ai được sinh ra ở trong nước là một công dân, ngay sau khi đã có quốc tịch khác, trừ khi phải chính thức xin phép từ bỏ quốc tịch và được Chủ tịch nước chấp thuận. Tuy vậy, trên thực tế chính quyền thường đối đãi những người Việt sống ở ngoại quốc như là công dân của nước đã nhận họ. Di dân sống ở nước ngoài không được phép dùng sổ thông hành Việt Nam sau khi họ có quốc tịch khác. Nói chung, chính phủ khuyến khích họ về thăm viếng hay đầu tư nhưng thỉnh thoảng cũng theo dõi họ rất kỹ. Trong năm qua, chính phủ đã nới rộng việc hạn chế đi lại cho người Việt hải ngoại, thực hiện chương trình chiếu khán nhập cảnh nhiều lần cho những người “hội đủ điều kiện,” và trong tháng 11, Quốc hội đã thông qua một đạo luật cho phép mang hai quốc tịch.
Chính phủ tiếp tục tôn trọng bản liên kết giữa chính phủ Campuchia và Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tạo điều kiện cho những người gốc Việt ở Campuchia không hội đủ điều kiện định cư ở nước thứ ba.
Chính quyền địa phương chỉ theo dõi nhưng không can thiệp vào những chuyến viếng thăm kiểm tra tìm hiểu dữ kiện của Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn hoặc những đại diện ngoại giao ở Cao nguyên miền Trung. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn báo cáo là họ đã có thể gặp riêng những người hồi hương. Giống như những năm trước, công an địa phương có mặt trong lúc các nhà ngoại giao phỏng vấn những người hồi hương nhưng bỏ đi khi bị yêu cầu. Chính quyền địa phương nói chung tôn trọng những trách nhiệm nhằm giúp những người gốc thiểu số hồi hương từ Campuchia được tái nhập cư một cách êm thắm
Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tường trình rằng tình hình ở Cao nguyên miền Trung có vẻ như là một quá trình hoà nhập những người dân tộc thiểu số vào một cộng đồng quốc gia hơn là một nơi làm người dân phải đi tị nạn và không khí thì “cởi mở” trong lúc họ đi thanh tra. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn cũng tường trình là tình cảnh của dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên miền Trung đã khả quan hơn sau những cuộc đàn áp vào năm 2001 và 2004. Ủy ban nói rằng họ “cảm thấy không có dấu hiệu bạc đãi” nào đối với những người dân thiểu số mà Ủy ban đã thanh tra ở Cao Nguyên miền Trung. Làn sóng dân thiểu số vượt biên sang Campuchia, dù lên cao vào đầu năm, đã hầu như ngưng lại vào giữa năm, có thể vì hầu hết những người mới đến đã bị Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn liệt vào thành phần di dân vì kinh tế thay vì tị nạn.

Bảo Vệ Dân Tị Nạn

Chính phủ không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về qui chế Người tị nạn và Nghị định thư năm 1967, và luật pháp không qui định thừa nhận qui chế về nương náu tạm hay tị nạn. Chính phủ chưa thiết lập hệ thống để bảo vệ người tị nạn và không thừa nhận qui chế tị nạn hay nương náu tạm. Chính phủ có biện pháp bảo vệ cho những người bị đuổi hay hồi hương phải quay về những nơi mà tính mệnh hoặc tự do của họ bị đe dọa; tuy nhiên, không có trường hợp nào như vậy trong suốt năm qua.

Người Vô Tổ Quốc

Tập thể những người vô tổ quốc lớn nhất trong nước có khoảng 9.500 người Campuchia đi tị nạn ở Việt Nam trong thập niên 1970 và họ bị chính phủ Campuchia từ chối chấp nhận hồi hương trên lý do là không có bằng chứng để xác nhận họ đã từng là công dân Campuchia. Đa số là người gốc Hoa hoặc gốc Việt. Ban đầu nhóm này định cư trong một số trại tị nạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khi trợ giúp nhân đạo cho các trại tị nạn bị chấm dứt vào năm 1994, khoảng 7.000 người bỏ trại đi tìm việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khoảng 2.200 người khác ở lại trong bốn ngôi làng từng là trại tị nạn. Nhiều người đã sinh con ở Việt Nam nhưng họ và con cháu không được hưởng những quyền lợi như công dân Việt Nam, bao gồm quyền sở hữu nhà cửa, được giáo dục tương đương, và chăm sóc y tế công cộng. Năm 2007 Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và các chính phủ Campuchia và Việt Nam đã tiến hành một chương trình thống kê tổng quát và nhập tịch Việt Nam cho những người vô tổ quốc này. Nhưng trong năm nay, việc thi hành chương trình đã bị dời lại.
Khi thông qua dự luật cho phép mang hai quốc tịch, chính phủ đã cố gắng giải quyết vấn đề vô tổ quốc trước đó bằng cách tước bỏ quốc tịch công dân, ví dụ như phụ nữ lấy chồng ngoại quốc. Nhóm người này tiêu biểu là những phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trước đó, họ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam để xin quốc tịch ngoại quốc. Nhưng trước khi có được quốc tịch ngoại quốc, họ đã ly dị chồng và trở về Việt Nam mà không có quốc tịch hay giấy tờ tuỳ thân. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn đã làm việc với chính phủ và cộng đồng quốc tế để giải quyết những khía cạnh khác của vấn đề này.
Hội Phụ nữ Việt Nam tiếp tục làm việc với chính phủ Hàn Quốc để giải quyết vấn đề môi giới cưới hỏi người ngoại quốc và tư vấn trước khi cưới, bao gồm việc giáo dục về luật lệ di dân và quốc tịch. Bộ Ngoại giao cam kết làm việc với giới hữu trách về việc di dân để quảng bá hiệu nghiệm hơn những phương cách nhằm giúp các phụ nữ như trên lấy lại quốc tịch Việt Nam, giấy tờ, và phúc lợi cư trú. Tuy nhiên, vì thủ tục tốn tiền và luộm thuộm, những phụ nữ đó thường phải chịu tình trạng vô tổ quốc. Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và thế giới cũng đã giúp đỡ họ.

(còn tiếp)

Nguồn:
Đại Sứ Quán Hoa Kỳ


No comments: