Sunday, March 15, 2009

THƯ GỬI NHÀ VĂN PHẠM ĐÍNH TRỌNG

THƯ GỬI NHÀ VĂN PHẠM ĐÌNH TRỌNG
http://www.doi-thoai.com/baimoi0309_196.html

Kính gởi ông Phạm Đình Trọng

Mấy lúc gần đây rộ lên những lo âu của nhiều người sợ mất nước vào tay Trung Quốc, nhất là khi nhà nước ta cho phép TQ đem người của họ vào khai thác bauxit ở Tây nguyên, một vị trí chiến lược sinh tử về quân sự, và như vậy Việt Nam ta đang bị Trung Quốc bao vây tứ phía trong âm mưu xâm chiếm không mất một tiếng súng, những lo âu này không phải là vô căn cứ, mà hiện tại TQ đang lũng đoạn Văn hoá, Kinh tế, mà cả đến những độc chất hoá học gây nguy hiểm cho đời sống của nhân dân và phá hoại môi trường của Việt Nam ta. Trước đây hai tuần, khi đọc “Thư ngỏ của một con dân nước Việt gởi Thủ Tướng Chính Phủ” của Ông, đã làm cho tôi thật sự xúc động nghẹn ngào, tôi cũng đã : “Tưởng rằng trí thức “ngủ” hết rồi, nhưng nay cây héo lại nẩy chồi đơm bông, chỉ cần viết thạo đọc thông, nhìn hoạ mất nước cũng không dằn lòng”. Ấy thế mà như Ông đã viết, cả “Thủ tướng Chính phủ lẫn Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam thì đến nay, gần hai tuần đã qua vẫn im lặng! Hòan tòan im lặng!“. Thưa Ông, đây không chỉ là một sự im lặng „đáng sợ“, mà còn là một nghi vấn về sự vô cảm và tắc trách của họ, hay là sự đồng loã với giặc?

Hôm nay đọc LỜI CÁM ƠN của Ông, chúng tôi được biết đã có rất nhiều người, trong đấy có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, hoạ sĩ, tiến sĩ, kĩ sư, lão thành cách mạng, cựu bộ đội, bạn đồng liêu, bạn đồng ngũ, đã gọi điện, liên lạc để chia sẻ và nói lên sự đồng cảm về tinh thần yêu nước của Ông. Điều này cho thấy, không phải tất cả trí thức Việt Nam đã trở thành trí ngủ, bại liệt não, hay đã bị bả công danh mê hoặc, và như vậy thì nhân dân Việt Nam vẫn còn hi vọng, vì ánh lửa yêu nước đã loé lên, thúc đẩy con dân nước Việt cần phải can đảm tiếp sức và chất thêm củi, càng nhiều tiếng nói như của Ông thì niềm tin càng dâng cao, là lực hút, thúc đẩy mọi người phải dấn thân vì đại cuộc. Tôi nghĩ rằng có cả hàng ngàn, hàng vạn trí thức, và cả hàng chục vạn người dân bình thường như chúng tôi cũng đã được đọc lá thơ của Ông gởi Thủ Tướng Chính Phủ, họ cũng rất cảm động, bức xúc và trăn trở trước thảm hoạ đang sắp đè nặng nên dân tộc Việt Nam, nhưng chỉ biết thầm cảm phục tinh thần yêu nước và sự can đảm của những người như Ông, ít ra cũng đã dám nói lên những trăn trở và suy tư của mình để đánh động lương tâm mọi người, còn sự im lặng và tư cách của những người lãnh đạo nhà nước như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và cả của ông chủ tịch Nhà Văn, hãy để cho nhân dân Việt Nam nhận định và đánh giá, nhưng tôi dám khẳng định rằng, những người lãnh đạo đất nước cũng như những trí thức hèn nhược, và cả những văn nô bồi bút vô liêm sỉ (đang đánh phá LS Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần, khủng bố những người tranh đấu cho Dân chủ Việt Nam), cũng sẽ chỉ nhận được sự khinh bỉ và phỉ nhổ của người dân.

Chúng tôi cũng rất xấu hổ khi Việt nam có những tiến sĩ như ông Đỗ Minh Khôi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về Nhân quyền thuộc Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, một chuyên gia nghiên cứu về pháp luật nhân quyền, nhưng lại chẳng hiểu biết mẹ gì về Nhân quyền cả. Đọc bài phỏng vấn của ông Khôi dành cho đài BBC Việt ngữ hôm 11/3/2009 vừa rồi, (
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090311_do_minh_khoi.shtml). Ông Khôi cho biết; „Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cũng có những cái khác và cái giống nhau. Nhân quyền chia sẻ những giá trị chung, nhưng điểm khác là con người lại không có con người chung, mà là những con người cụ thể“. Thế này là thế nào vậy hả ông tiến sĩ Khôi? Một con người bình thường như tôi cũng hiểu được rằng, đã là con người thì bất cứ ai cũng có nhu cầu về cuộc sống, có quyền tự do tư tưởng, tự do di chuyển và sinh sống, tự do sinh hoạt tôn giáo, tự do ngôn luận, và tự do chọn bầu người đại diện cho mình. Nếu có khác chăng như ông Khôi đã nói; „Nhưng điểm khác là con người lại không có con người chung, mà là những con người cụ thể, ở nước này, nước kia“, có lẽ điều này chỉ đúng với ông Khôi, một tiến sĩ Luật và với chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Nhần quyền, nhưng lại chỉ được phát biểu theo định hướng, ông Khôi đúng là con người cụ thể, cố đẽo gọt Nhân quyền cho vừa chân người đặt hàng, loại nhân quyền và chuyên gia tiến sĩ Luật như ông Khôi thì chỉ ở CHXHCNVN mới có mà thôi, phải chăng đấy là sự khác biệt?

Khi BBC hỏi rằng; „Gần đây luật sư Lê Trần Luật, người bảo vệ cho giáo dân bị bắt trong vụ án Thái Hà, cho hay ông bị chính quyền ngăn chặn không cho bay từ nơi ông đặt văn phòng luật sư, ra Hà Nội để gặp gỡ các thân chủ trong vụ giáo dân kiện truyền thông trong vụ việc. Liệu đây có phải là những động tác mang tính sách nhiễu, gây khó dễ cho giới luật sư bảo vệ nhân quyền hay không? TS. Đỗ Minh Khôi đã trả lời rất khôi hài và đầy ác ý rằng: “Như tôi đã nói, việc hạn chế đi lại đối với một người có thể có nhiều lý do. Có thể do chính anh ta không đi lại được vì lý do này, khác, mà không hẳn là nhân quyền. Nhưng cũng có thể anh ta làm hai việc gì đó cùng một lúc, và người ta gắn đó thành nhân - quả. Cho nên tôi không biết việc đó có thực hay không. Muốn trả lời câu hỏi, tôi cần phải biết có đúng anh ta thực hiện vụ án đó hay không. Thứ hai, anh ta có bị sách nhiễu, mà sự sách nhiễu là kết quả của việc thực hiện nhân quyền hay không. Nếu chỉ nghe nói mà đưa ra kết luận ngay, tôi e rằng hơi vội.” À, thì ra thế, mấy hôm nay Báo Công An TP HCM đang tìm cách triệt hạ uy tín LS Lê Trần Luật (http://www.doi-thoai.com/baimoi0309_174.html), và qua câu trả lời trên đây cho chúng ta thấy, TS Đỗ Minh Khôi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về Nhân quyền thuộc Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, là một người vô cùng thâm độc và rất đểu, đã cố tình gán ghép cho LS Lê Trần Luật tội danh mới? Một Giám đốc trung tâm, chuyên gia nghiên cứu về pháp luật nhân quyền, đã trở thành một tên đâm thuê chém mướn bằng chữ nghĩa tồi tệ như vậy sao, ông TS Khôi?

Thưa Ông Phạm Đình Trọng, Ông viết rằng; “Những ngày chiến tranh khốc liệt. Nửa triệu quân Mĩ đổ vào miền Nam nước ta. Trên trời bom B52 rơi như vãi mạ. Dưới đất dồn dập những cuộc hành quân “Tìm – Diệt” của những sư đòan quân Mĩ. Quân Mĩ rải kín đất Quảng Trị. Xe tăng Mĩ bò kín đất Bình Dương. Quân Nam Hàn càn quét dọc dải đất đồng bằng khu Năm. Trực thăng bay rợp trời đổ quân xuống Plây Me, Ia Đrăng. Sau cuộc đảo chính của Non Lon lật đổ Xihanuc ngày 18. 3. 1970 ở Phnôm pênh, con đường hậu cần tiếp tế cho Tây Nguyên qua ngả Campuchia bị cắt. Có đợt lính Tây Nguyên chúng tôi cả tuần không có một hạt gạo. Rồi những ngày Hà Nội bị đánh bom. Ở Tây Nguyên, chiếc máy thu thanh bán dẫn Orionton tôi được trang bị đang nghe bản tin thời sự của đài Tiếng nói Việt Nam bỗng câm bặt, không còn sóng phát từ Hà Nội nữa! Những ngày nguy nan đó, vàng mắt vì đói, trọc đầu vì sốt rét, mù trời bom đạn nhưng tôi vẫn bình tâm, vững tin vào ngày chiến thắng. Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược thật sự là ý chí sắt đá từ trên xuống dưới. Vì thế mà tin! Vì thế mà trong lòng bình an!”

Đúng vậy, trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt ghê rợn ấy, dù cái chết cận kề nhưng vẫn không sợ, Ông vẫn bình tâm và trong lòng bình an, thời ấy Ông còn được nói, được viết tất cả những gì Ông suy nghĩ, miễn là có lợi cho Đảng. Nhưng ngày nay, dù chiến tranh đã chấm dứt 34 năm rồi, giang sơn đã về một mối và chúng ta đang sống trong hoà bình, không còn kẻ thù “Mĩ - Ngụy” nữa, ấy thế mà chúng ta phải sợ, sợ bị thủ tiêu, sợ bị trù dập, sợ bị vu cáo, chụp mũ rồi bị tù đày, chỉ vì chúng ta đang sống trong một xã hội không còn công lý! Lão tướng Trần Độ, cụ Hoàng Minh Chính và rất nhiều công thần cách mạng đã bị chính chế độ, mà họ đã dấn thân phục vụ, đàn áp một cách tàn nhẫn và khủng bố tinh thần cách man rợ, chỉ vì họ dám nói lên sự thật, nói lên những trăn trở, những suy nghĩ, những bức xúc trước những bất công xã hội. Những người trẻ như; LS Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Vi Đức Hồi, và nhiều người khác nữa bị thủ tiêu hay đang bị tù đày, hoặc bị nhà nước trù dập một cách dã man, bị khủng bố tinh thần, bị chận kinh tế để không còn đường sống, hay như LS Lê Trần Luật, Tạ Phong Trần, Nguyễn Quốc Định cũng đang bị sách nhiễu, bị bao vây kinh tế, bị chận con đường sống, chỉ vì họ can đảm, dám đứng lên bảo vệ Công Lý! Trước đây đảng vẫn rêu rao tuyên truyền rằng; “Thực dân Pháp và đế quốc Mĩ vô cùng thâm độc và tàn ác”. Nhưng thực tế cho thấy, chế độ hiện tại của Việt Nam ta còn thâm độc, gian ác, xảo quyệt và thô bạo gấp nhiều lần, nó ăn thịt ngay cả những đứa con đẻ của mình, (những đứa con đã hi sinh xương máu để cho đảng nên vóc nên hình và có được vinh quang như ngày nay). Nếu Pháp và Mĩ - Ngụy cũng hành xử như chế độ này thì chắc chắn rằng, không những ông thủ tướng Dũng, ông chủ tịch Triết và nhiều lão thành cách mạng đã không còn tồn tại đến ngày nay, mà ngay cả gia đình của họ cũng đã phải liên lụy, bị trả thù, bị chết đói vì đã bị triệt đường sinh sống, và như vậy thì cũng chẳng có chế độ XHCNVN khốn khổ như thế này đâu! Một chế độ vô ơn bội nghĩa, họ đã cố quên đi hàng vạn chiến sĩ và đồng bào ta đã hi sinh, gục ngã trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, chống lại cuộc xâm lăng của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam, chế độ này đã đánh đập, trù dập, khủng bố và bắt giam tù tất cả những ai đã dám viết lên suy nghĩ của mình, đứng ra biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, và chống xâm lược của bọn bá quyền phương Bắc, trong đấy có cả LS trẻ Nguyễn Chí Quang, sinh viên Ngô Quỳnh, Nguyễn Tiến Nam và nhà báo Nguyễn Văn Hải, chủ Blog Điếu Cày! Như vậy, chế độ này là chế độ gì? Họ đang bảo vệ nhân dân Việt Nam, hay bảo vệ quyền lợi của Trung quốc? Xin mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và tự trả lời.

Đâu rồi những tướng lãnh trong QĐND Anh hùng? Người ta chỉ trở thành Anh hùng và được nhân dân kính trọng, khi can đảm đứng lên đánh đuổi quân thù và giữ yên bờ cõi, cũng một con người ấy, nhưng nếu chỉ biết an phận làm tay sai cho ngụy quyền bán nước, sẽ trở thành kẻ hèn nhược, đồng loã, sẽ bị lịch sử và nhân dân nguyền rủa đời đời. Cựu Đại Tướng Võ Nguyễn Giáp và cựu Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vì lòng yêu nước, đã lên tiếng bày tỏ nỗi quan tâm lo lắng về sự an nguy của Tổ quốc, nhưng vì tuổi đã già sức yếu, nên lực bất tòng tâm, thật đáng tiếc! Vậy thì còn bao nhiêu Tướng Lãnh khác đâu? Đất nước đang lâm nguy, lẽ nào các Vị cúi đầu chịu nhục?

Thưa Ông Phạm Đình Trọng, là một con dân nước Việt trong số hàng vạn người đã đọc thơ của Ông, tôi đọc thông nhưng viết không được thạo lắm, nhưng cũng xin được chia sẽ nỗi băn khoăn lo lắng của Ông về hiện tình đất nước, nói lên sự đồng cảm trong tinh thần yêu nước của chúng ta, cũng như bày tỏ nỗi bức xúc của riêng mình, tôi sẵn sàng xin được tiếp mực để Ông viết nhiều hơn nữa, và cũng xin đưọc tiếp đạn cho những Tướng Lãnh Anh Hùng trong QĐND Anh hùng, nếu các Vị đứng lên tiêu giệt bọn việt gian, đánh đuổi quân thù xâm lược để bảo toàn bờ cõi.

Kính chúc Ông và những người đang nặng lòng với đất nước như Ông, sức khoẻ và nhiều nghị lực.

Một người con dân nước Việt
Phạm Quốc Anh


No comments: