Monday, March 16, 2009

AI GIẾT PHẠM QUỲNH ?

Mong muốn sửa sai
Quốc Phương
BBCVietnamese.com
Cập nhật :12:28 GMT - Thứ Năm, 26 Tháng 2, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/02/090315_pham_tuyen.shtml
Nhạc sỹ Phạm Tuyên, trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho BBC Việt ngữ hôm 13/03/2009, cho biết tới nay gia đình ông vẫn luôn mong muốn có một tuyên bố sửa sai chính thức về cái chết của thân phụ ông, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), người đã bị cách mạng hành quyết chỉ vài ngày sau khi Tuyên ngôn Độc lập được đọc ở Hà Nội hôm 2/9/1945.
"Đó là mong muốn thôi, còn bây giờ các vị đang lo chuyện kinh tế với các thứ nhiều quá, không biết là đến bao giờ. Nhưng cái quý nhất là có một chỗ đứng trong lòng công chúng, nhân dân và những người làm văn hoá," tác giả của nhiều bài hát thiếu nhi và ca khúc thuộc dòng nhạc 'chính thống' trong nước nói.
"Có những nỗi oan trong lịch sử nhiều khi phải hàng trăm năm mới giải toả, giải thoát được,"người con trai thứ chín của ông Phạm Quỳnh, năm nay đã ở tuổi 79, mượn một châm ngôn của một học giả phương Tây để nói về thân phận của thân phụ ông.

Sau đây, mời quý vị theo dõi nội dung cuộc trao đổi giữa BBC và nhạc sỹ Phạm Tuyên, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, mà ở phần đầu, ông kể về dự định âm nhạc cuối đời của mình, cùng kỷ niệm sáng tác ca khúc nổi tiếng "Chiến đấu vì độc lập tự do" được phổ biến ngay sau đêm xảy ra Chiến tranh Biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, hôm 17/2/1979.

'ẤU TRĨ MỘT THỜI'

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Gần đây, tôi động viên nhiều người quan tâm hơn nữa đến âm nhạc cho trẻ con. Vì rằng gần đây, nhiều nhạc sỹ trẻ rất ít quan tâm tới nhạc cho trẻ em. Trong khi trẻ em lại rất cần âm nhạc.
Tôi quan tâm nhiều đến lứa tuổi này, vì ở tuổi này, trẻ em vừa chơi vừa học, vừa học vừa chơi. Nếu mình đưa nhiều điều răn dạy vào đó thì con trẻ không thích lắm. Trẻ em phải chơi, chơi có định hướng.

BBC: Liệu ca từ cho thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay có giảm đi những nội dung ca ngợi đảng, nhà nước và lãnh tụ như trước đây không, thưa ông?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Cái đó thuộc về một thời kỳ lịch sử trước đây rồi. Bây giờ nhạc thiếu nhi nên đi vào đời sống của thiếu nhi hiện nay thì hơn. Làm sao để các em tìm thấy niềm vui khi các em được ca hát, vui chơi bổ ích.
Không nên dùng những lời ca răn dạy nhiều quá, như là tụng kinh, các em sẽ không thích. Trước đây, tôi phổ những bài hát mà sau đó tôi rất bất ngờ vì trẻ em ở cả nước hát rất nhiều, như là các bài đồng dao, hay những bài như 'Bà còng đi chợ trời mưa'.
Việc đưa lãnh tụ vào các bài hát thiếu nhi, tôi cho là cái ấu trĩ của thời đầu tiên thôi. Gần đây, yêu cầu của các nhà trường đối với thiếu nhi và đời sống của các em rất phong phú, nên không cần thiết và không nên răn dạy các em theo kiểu xơ cứng như thế.

'BÀNH TRƯỚNG DÃ MAN'

BBC: Khi viết bài hát "Chiến đấu vì độc lập tự do" hồi tháng 2 năm 1979, ông đang ở đâu?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đó là buổi tối ngày 18/2/1979, tôi viết bài đó ngay sau khi nghe tin trên Đài phát thanh thông báo cuộc Chiến tranh Biên giới nổ ra. Tôi còn nhớ điệp khúc của bài hát là 'Việt Nam, ôi đất Việt đau thương. Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Để lại lẽ sống cho mọi người - 'Độc lập Tự do'. Vì Việt Nam vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh năm 1975.
Tôi cũng hơi bất ngờ vì bài hát vừa phát trên đài được một hôm, thì mấy ngày sau, anh em ở trong Tây Nguyên, trong miền Nam gọi ra nói họ rất xúc động khi nghe bài hát. Bài hát truyền bá đi rất nhanh.

BBC: Ông cảm thấy như thế nào khi nghe tin Trung Quốc tấn công Việt Nam hôm rạng sáng 17/2?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi cũng rất bất ngờ. Mình vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh thì mấy anh em bộ đội lại phải lên biên giới phía Bắc để bảo vệ tổ Quốc. Cảm xúc rất tự nhiên đến và phải nói cảm xúc đó là của đông đảo mọi người Việt Nam lúc ấy.
Gần đây, một Nhà xuất bản thuộc bên Quân đội có yêu cầu tôi sửa lại ca từ bài này để đưa vào một tập các ca khúc qua các giai đoạn lịch sử, nhưng tôi đã từ chối.

BBC: Họ đã yêu cầu sửa đoạn nào và vì sao, thưa ông?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đó là đoạn tôi viết ''Quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp giải biên cương."
Họ đề nghị sữa chữ 'quân xâm lược bành trướng dã man' để đỡ căng thẳng và phù hợp với hoàn cảnh mới. Tôi trả lời họ là bài đó ở một giai đoạn lịch sử nhất định, các anh có thể không dùng cũng được, nhưng tôi không thể sửa.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên với di cảo của thân phụ.
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/03/090315201118_pham_tuyen_cinetgov-226-283.jpg

SỬA SAI CHÍNH THỨC

BBC: Thời gian qua chúng tôi thấy có nhiều sách vở của Cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh được in ấn, tái bản ở Việt Nam, tới nay số đầu sách đã xuất bản chiếm bao nhiêu phần so với tổng số công trình của thân phụ ông?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Chúng tôi rất cảm động vì từ đầu năm 2000 tới nay, lần lượt nhiều nhà xuất bản lớn từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh, hay Sài Gòn, tìm và in lại các công trình của ông Cụ tôi. Tập Thượng Chi Văn Tập trước đây là 5 tập. Nay được in gộp lại thành một tập rất dày, năm 2006.
Sau đó, họ in tiếp các tập luận giải văn học, triết học, Pháp du hành trình nhật ký... Toàn là các nhà xuất bản lớn như NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học, Trung tâm Văn hoá Đông Tây, NXB Tri thức... Báo chí thì đăng và đăng lại rất nhiều, như Tết thì đăng các bài ông Cụ tôi viết về Tết. Từ điển văn học Việt Nam, cuốn mới nhất cũng viết về ông Cụ. Tôi cho rằng quan trọng nhất là các tác phẩm đó được đời sống đánh giá là tốt.

BBC: Tới nay đã có một tuyên bố hay động thái chính thức nào của Nhà nước Việt Nam sửa sai trong vụ việc hành quyết Cụ Phạm Quỳnh?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi nghĩ là sẽ một lúc nào đấy. Nhưng cái đó là do khách quan thôi. Nhưng cũng xin thưa với bạn, cái mà tôi quý nhất là tấm lòng của những nhà văn hoá, những nhà làm sử Việt Nam. Có thể họ không nói ra, nhưng khi cần, người ta bộc lộ những thái độ rất rõ ràng.
Những tạp chí Tôn giáo và Dân tộc ở Sài Gòn, Nghiên cứu và Phát triển ở Huế, tạp chí Huế Xưa và Nay, bài viết của một số tác giả trong đó, đối với gia đình là một sự động viên rất lớn. Người ta viết rất công bằng.

BBC: Về phía đại gia đình của ông, ở trong cũng như ngoài nước, cũng như bản thân ông, có bao giờ nghĩ tới việc yêu cầu Nhà nước Việt Nam có một tuyên bố sửa sai chính thức đối với Cụ Phạm Quỳnh hay không?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đó là mong muốn thôi, còn bây giờ các vị đang lo chuyện kinh tế với các thứ nhiều quá, không biết là đến bao giờ. Nhưng cái quý nhất là có một chỗ đứng trong lòng công chúng, nhân dân và những người làm văn hoá, thì cái đó là phần thưởng lớn nhất.

Thượng thư Phạm Quỳnh từng chủ bút tờ Nam Phong tạp chí từ 1917-1932
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/03/090315201111_ngvanvinh_phamquynh_phamduyton226-170.jpg

'CÂU CHUYỆN TẾ NHỊ'

BBC: Nghe nói là cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một thông điệp nhắn gửi tới gia đình ông sau khi thân phụ ông mất, đánh giá tích cực về Phạm Quỳnh, mà theo các tài liệu ghi lại, ông nói: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo Cách mạng". Tại sao khi còn nắm quyền lực trong tay, ông lại không sửa sai ngay cho thân phụ ông?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đúng như thế, nhưng câu chuyện rất tế nhị. Gần đây nhà sử học, nhà văn Sơn Tùng có viết rất kỹ về quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh, từ hồi ở bên Pháp, cho tới sau này nữa.
Ông Tùng viết rõ ràng rằng công việc đầu tiên khi Cụ Hồ về Hà Nội, ông nhờ ông Hoàng Hữu Nam "vào Huế ngay để đưa bức thư của tôi mời ông Phạm Quỳnh ra." Thế nhưng ở trong Huế, nó đã manh động làm cái việc ngoài ý muốn của cụ Hồ.

BBC: Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khi đó ông Hồ Chí Minh đương quyền nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ tối cao của Đảng trong một thời gian dài, đã không sửa sai ngay mà cứ đợi 'đến sau này'? Và nhiều thế hệ lãnh đạo đảng, nhà nước về sau, tới nay vẫn không ai tuyên bố chính thức sửa sai cho Phạm Quỳnh, mà rõ ràng như ông nói đó là một người yêu nước, một học giả bác học chân chính?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi có gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi trước khi ông mất. Ông Thi có nhắc tới lời của một nhà văn phương Tây: "Có những nỗi oan trong lịch sử nhiều khi phải mất hàng trăm năm mới giải toả, giải thoát được." Tôi nghĩ rằng trong khi đất nước còn nhiều vấn đề như thế này, có thể nhiều khi vấn đề chưa được đặt ra để giải toả cho rõ. Nhưng tôi vẫn tin rằng sẽ có một ngày có một sự giải toả nhất định.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên, sinh năm 1930, là con trai thứ chín của học giả Phạm Quỳnh, nguyên thượng thư bộ bộ Học, bộ Lại (1944-1945) trong chính quyền cựu Hoàng Bảo Đại. Phạm Quỳnh là Tổng thư ký Hội khai trí tiến đức, chủ bút tờ Nam phong Tạp chí. Ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23/3/1945 ở Huế và bị xử trảm không lâu sau đó. Quý vị có ý kiến đóng góp, xin sử dụng hộp tiện ích ở dưới đây.

------------------------------------------

TÀI LIỆU VỀ PHẠM QUỲNH

Phạm Quỳnh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Qu%E1%BB%B3nh

Tại sao Hồ Chí Minh ra lịnh giết Phạm Quỳnh??
http://forums.thuyngaonline.com/tm.aspx?m=826120&mpage=1&#826120

Ảo tưởng Phạm Quỳnh
Nguyễn Thị Thu Nguyên
Cập nhật : 05/12/2007 16:24
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/ao-tuong-pham-quynh/

Phạm Quỳnh: Người Nặng Lòng Với Tiếng Ta
Tuesday, April 11, 2006
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=42291&z=85
http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=369149

Pham Quynh
http://www.vietnamlit.org/wiki/index.php?title=Pham_Quynh

NHỮNG VẤN ĐỀ THEN CHỐT NHẬN ĐỊNH CHÍNH TRỊ TRONG THỜI ĐIỂM PHẠM QUỲNH
Đỗ Quý Sáng
http://www.daichung.com/83/06_pham_quynh.shtm


No comments: