Monday, March 2, 2009

TÂY TẠNG KHÓI LỬA

Tây Tạng khói lửa
Trần Khải
Đăng ngày 01/03/2009 lúc 18:45:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3572
Năm 2009 là vừa tròn 50 năm quân đội Trung Quốc tràn vào Tây Tạng. Nghị Hội Thanh Niên Tây Tạng tuyên bố năm nay sẽ là Niên Kỷ Đen để sẽ mở ra những cuộc biểu tình, tuyệt thực toàn cầu nhằm áp lực Bắc Kinh thay đổi chính sách ở Tây Tạng. Điều để suy nghĩ rằng, cuộc chiến bất bạo động này có thể dẫn tới đâu? Những cuộc biểu tình toàn quốc của các sư Tây Tạng năm ngoái, và của các sư Miến Điện vài tháng trước đó đã dẫn tới những trận đàn áp khốc liệt.

Một cao điểm mới của cuộc chiến này là trường hợp một vị sư Tây Tạng tự thiêu hôm Thứ Sáu 27-2-2009. Bản tin Reuters cho biết vị này tự thiêu trong một lễ hội cầu nguyện, sau khi vị này bước ra khỏi một tu viện ở huyện Aba, một nơi cư dân Tây Tạng ở tỉnh Tứ Xuyên, mang lá cờ Tây Tạng cùng với tấm ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo lời Matt Whitticase, phát ngôn nhân của tổ chức Free Tibet (Phong Trào Tây Tạng Tự Do).

Bản tin Reuters viết, "Vị sư bị bao vây bởi công an vũ trang, người ta nghe 3 tiếng súng, và vị sư bị mang lên xe van chở đi sau khi ngã xuống đất, theo lời Whitticase, dẫn theo các nguồn tin ẩn danh. Người ta không rõ vị sư này đã chết hay còn sống, theo lời ông kể thêm."

Người Tây Tạng đón lễ Năm Mới tuần này, và tu viện Kirti từng là trung tâm khởi ra các cuộc biểu tình hồi tháng 3-2008 trước khi bị đàn áp dữ dội. Và hôm Thứ Sáu là lễ cầu nguyện có tên là Monlam. Bản tin cho biết tháng sau là tròn 50 năm lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi cuộc nổi dậy của ngài thất bại.

Báo The Guardian của Anh Quốc ghi nhận về chuyện vị sư tự thiêu nói trên, rằng công an đã bắn ngã vị sư này trước khi họ vào dập tắt lửa. Các nhân chứng nói rằng vị sư tên Tabe, trong lứa tuổi 20s, tự tưới xăng lên người, và công an vũ trang không thể tới gần.

Tổ chức Free Tibet nói rằng có 800 vị sư đã tới làng Trinkin của sư Tabe để làm lễ cầu nguyện, tin rằng sư này đã chết.

Trường hợp tự thiêu để cúng dường cho tâm nguyện như trên không phải là duy nhất trong Phật Giáo. Nhưng chúng ta thấy rằng ngay trong năm 2008, khi gây tiếng vang toàn cầu để làm thế giới thấy rõ hiện tình Tây Tạng khi gần tới Thế Vận Bắc Kinh 2008, cũng không có trường hợp tự thiêu nào ở Tây Tạng. Tuyệt thực nhiều tuần lễ ở nhiều nơi trên thế giới thì có, nhưng tự thiêu thì chưa. Tuy nhiên, tuyệt thực là chuyện bình thường trong đời sống tu hành của nhiều dòng tu, cho nên không có gì là quan ngại. Nhưng tới mức tự thiêu, đó hẳn là giảỉ pháp cuối cùng, ít nhất là đối với người trong cuộc và là người lựa chọn quyết định này. Bởi vì, khi chúng ta đứng nấu bếp, sơ suất đưa tay gần lửa cũng đã phản xạ giựt tay ra, huống gì lấy định lực để giữ thân cho bất động phảỉ là người tu thiền định kiên cố, và như thế chỉ rất ít vị có thể giữ thân kiên cố như thế. Nhưng để có sức định kiên cố, để giữ thân bất động, là phải tu nhiều năm. Thêm nữa, hy sinh thân mạng lúc nào cũng là bất đắc dĩ, vì theo luật nhà Phật, không được phép tự sát, "theo giới luật Tỳ Kheo, thì vịêc hủy hoại, làm thương tổn, hay đầy đọa thân xác của mình đều là những việc Đức Phật không cho phép". (1)

Tuy nhiên, cũng tác giả Tâm Diệu ghi ra ít nhất 3 trường hợp trong Kinh Tạng Nam Tông (Tạng Pali), và cả trong Kinh Tạng Bắc Tông (Tạng Sankrit), Đức Phật ưng thuận cho tự sát. Trong trường hợp thứ ba, theo Tâm Diệu, ghi ở:

"Kinh Tương Ưng Bộ Tập I [09] và kinh Tạp A Hàm quyển 39 có kể Tỳ kheo Cù Đề Ca (Godhika)….. (….. ..) tự kết liễu thân mạng. Phật biết được liền cùng các Tỳ Kheo đến hang Đá đen bên sườn núi Tiên Nhân, thấy Tỳ-kheo Cù Đề Ca đã tự sát nằm trên đất, chung quanh thân thể bốc khói đen. Phật bảo các Tỳ-kheo: "Đó là ác Ma Ba-tuần ở bên thân thiện nam Cù Đề Ca đang quanh quẩn tìm thần thức; nhưng Tỳ-kheo Cù Đề Ca với tâm vô trụ mà cầm đao tự sát!"(bản Sanskrit) "Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả" (bản Pali)
Đó là ba trường hợp của ba vị Tỳ kheo tự sát xảy ra trong thời đức Phật. Theo kinh, cả ba vị Tỳ kheo đều là những vị tu sĩ thuộc hàng trưởng lão, chuyên cần tinh tấn thiền định và đều tự sát kết liễu thân mạng với "tâm vô trụ", với "thức không an trú"…" (1)

Trường hợp vị sư Tây Tạng nói trên, chúng ta có thể đoán rằng Đại sư Tabe không nghĩ tới việc tự sát để nhập diệt, vì các sư Tây Tạng, có lẽ là tất cả, nếu không phảỉ là hầu hết, đều song song với thọ giới Tỳ Kheo là thọ thêm giới Bồ Tát. Và các bản kinh nhật tụng của các sư đều tuyên thuyết tâm nguyện không rời cõi thế gian khi nào chúng sinh chưa độ hết. Như vậy, chúng ta có thể đoán rằng các vị sư trước khi tự thiêu, đã suy nghĩ rất kỹ về giới luật, và trường hợp này có thể suy đoán rằng, cũng theo bài trên:
"... đối với một vị Tỳ kheo đã thọ giới Bồ Tát thì nếu có cơ hội cứu một sinh vật mà mình không cứu tức là phạm giới. Bồ Tát sẵn sàng hy sinh tất cả các vật sở hữu quí báu nhất, cho đến ngay cả mạng sống của chính mình đi nữa cũng không tiếc. Trong kinh "Phạm Võng Bồ Tát Giới" giới điều thứ 16 có nói: "… Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói.." (1)

Trường hợp vị sư Tabe lại ở một thời điểm bi thảm. Thế giới không chú ý nhiều, vì nỗi lo khủng hoảng kinh tế đang bao trùm toàn cầu. Thêm nữa, Thế Vận Bắc Kinh 2008 đã qua rồi, và tất cả các chính phủ đều không muốn gây sự căng thẳng trực diện với nhà nước Bắc Kinh. Mỗi nước, mỗi chính phủ, mỗi xã hội, mỗi người đều có những nỗi lo riêng, và không phải lúc nào cũng chia sẻ với nỗi đau của người dân Tây Tạng.

Ngay cả khi thấy bất công, ngay cả khi biết có đàn áp nhân quyền, các chính phủ vẫn nghĩ tới các ưu tiên khác. Họ cần các liên minh khu vực để giúp dập tắt phong trào khủng bố Al-Qaeda, cần các nước hợp tác giao thương để tìm việc làm và tăng trưởng kinh tế. Ngay như những năm trước, phong trào sinh viên Thiên An Môn 1989 xúc động như thế còn bị bỏ quên dần đi, huống gì là lúc này.

Tiêu biểu cho quan điểm thực dụng này là lời tuyên bố tuần trước của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, khi bà gạt bỏ các ưu tiên nhân quyền ở Tây Tạng và ở các nơi khác. Cụ thể, ngày 21-2-2009, bà nói ở Bắc Kinh, "Áp lực của chúng tôi (Hoa Kỳ) về các vấn đề đó (nhân quyền) không có thể can thiệp các vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu, và khủng hoảng an ninh",
Và ngay sau đó, bà tiếp, "Tôi cảm ơn sâu sắc rằng chính phủ Trung Quốc tiếp tục đặt lòng tin vào việc mua Công Khố Phiếu Hoa Kỳ".

Không hề giấu giếm gì hết. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói thẳng như thế. Cũng cần nhớ rằng, chính Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton năm 2008 đã thúc giục Tổng Thống George Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Bắc Kinh 2008 để phản đối việc công an Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình và bố ráp các tu viện ở Tây Tạng.

Số tiền trên số lượng Công Khố Phiếu đó cực kỳ khổng lồ, rằng chính phủ Hoa Kỳ đang nợ chính phủ Trung Quốc tới 2 ngàn tỉ đô la. Hiển nhiên, chính phủ Hoa Kỳ không muốn chọc giận chủ nợ của mình.

Và chỉ cần vài chục năm nữa thôi, ai sẽ đấu tranh cho một Tây Tạng tự trị, chứ đừng nói gì tới độc lập? Phải chăng, đây chính là luật vô thường, khi các pháp hợp rồi sẽ tan?

Trần Khải

(1) Tâm Diệu,
"Bồ Tát Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân Đối Chiếu Qua Kinh Điển Nam Tông Và Bắc Tông". Thư viện Hoa Sen.



No comments: