Friday, March 6, 2009

PHỎNG VẤN NHẠC SĨ LÊ VĂN KHOA

Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa
Đặng Phú Phong
6.03.2009
http://damau.org/archives/4399

Đặng Phú Phong (DPP): Thưa Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, rất nhiều người nghe tiếng tăm anh, rất nhiều người từng nghe nhạc, xem những ảnh nghệ thuật của anh, nhưng có lẽ tiểu sử của anh ít người rành rẽ cho lắm; anh có thể cho biết tiểu sử của anh?
Lê Văn Khoa (LVK): Thưa ông Phong, nếu ông hỏi tôi câu này 30 năm trước, có thể tôi viết rất nhiều, nhưng bây giờ tôi thấy không có gì đáng kể, xin anh ghi cho như vầy: Lê Văn Khoa, một người Việt Nam bình thường, là đủ.

DPP: Anh là một người đa tài, nếu muốn nói về những cái tài ấy chắc chắn chúng ta không thể nói hết trong phạm vi của một bài phỏng vấn. Vậy xin đề nghị hôm nay chúng ta chỉ đề cập đến một vài nét chính yếu trong lãnh vực âm nhạc của anh.
Lý thuyết hòa hợp Đông Tây trong âm nhạc mà anh đưa ra có thực sự hòa hợp hay không? Anh có thể giới thiệu một vài bài thật tiêu biểu nhất mà anh đã sáng tác theo chiều hướng ấy?
Lê Văn Khoa: Khán giả Việt Mỹ đã vô cùng hào hứng vổ tay hò hét muốn bể hí viện khi nghe ban hợp xướng Ngàn Khơi và ban hợp xướng Westminster Chorale hát chung bài dân ca “Se Chỉ Luồn Kim” bằng tiếng Việt, do tôi viết cho hợp ca và dàn nhạc giao hưởng. Tôi nghĩ điều đó nói lên được sự hòa hợp Đông Tây. Symphony “Việt Nam 1975” là sự kết hợp này.
Nói về lý thuyết của sự hòa hợp âm thanh, tôi tìm thấy nhiều điều rất hào hứng mà chưa sách vở nào nói đến. Trên khía cạnh thực hành, tôi đem cái đẹp của Tây phương (hòa âm) và cái đẹp của Việt Nam (giai điệu) hòa trộn nhau để có một âm sắc khác mà nếu cả hai đứng riêng ra thì không thể nào có được. Tôi nhớ Rudyard Kipling có viết: Đông là Đông và Tây là Tây, hai bên không thể nào gặp nhau được. Tôi xin đổi chữ Đông và Tây thành Đường và Muối, hai chất mặn, ngọt hoàn toàn trái ngước nhau, nhưng ta vẫn dùng đường chung với muối để làm thức ăn, làm nước chấm, ngay cả khi nấu chè, một chút muối vào lại tăng vị ngọt dịu của đường. Anh có thể nghĩ vì tôi đưa ra lý thuyết này nên tôi cố bênh vực quan điểm của tôi. Bây giờ hãy để người ngoài thẩm định…

DPP: Cảm ơn anh vừa đưa ra một ví von rất thú vị là dùng sự kết hợp giữa Đường và Muối để diễn tả sự kết hợp âm nhạc của Đông và Tây. Tôi rất thích cách so sánh này. Anh cũng cho biết âm nhạc của anh là : “đem cái đẹp của Tây phương (hòa âm) và cái đẹp của Việt Nam (giai điệu) hòa trộn nhau để có một âm sắc khác mà nếu cả hai đứng riêng ra thì không thể nào có được”. Nhưng nếu đứng theo quan điểm bảo tồn và cổ súy nền âm nhạc cổ truyền của nước nhà thì sự kết hợp âm nhạc của anh có đối chọi lại không? Nếu có anh sẽ lý giải như thế nào để hòa hợp hai quan điểm trước khi thưởng thức nhạc kết hợp Đông Tây của anh?
LV K: Tôi xin thưa, điểm bảo tồn và cổ súy ông nêu ra hoàn toàn trái ngược với điểm phát triển của tôi nên đối chọi là cái chắc. Quan điểm này năm 1974 tôi đã thảo luận với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ở Tì Bà Viện của ông. Ông Nguyễn Hữu Ba khẳng định nhạc cổ truyền phải được sử dụng bằng nhạc cụ dân tộc. Tôi chủ trương phải đưa nhạc Việt vào dòng nhạc thế giới để có sự đóng góp của Việt Nam hơn là đứng riêng một mình. Muốn làm vậy ta phải hy sinh một ít để được lợi nhiều hơn. Hy sinh nét luyến láy để có được nhiều người trên thế giới chơi được nhạc Việt. Bên Tây phương nhượng bớt sự chính xác tối đa của kỹ thuật trình diễn để láy nhẹ theo nét Đông phương. Tôi xin được trích lời nhạc trưởng Andrew Wailes của The Royal Melbourne Philharmonic Symphony Orchestra: “. . . Nhạc được dùng theo âm giai ngũ cung thay vì thất cung như nhạc Tây phương. . . Tác giả đã cho vào những âm thanh rất độc đáo để tạo thành nét nhạc Việt Nam. Về đàn violin chúng tôi chơi nhạc ở bán độ, nhung trong tấu khúc Việt Nam 1974 của soạn nhạc gia Lê Văn Khoa, nhiều chỗ chúng tôi phải uốn âm thanh vào phân nửa của bán độ . . .” Chúng ta phải thấy rằng đây là một cuộc thương lượng, mỗi bên phải hy sinh một ít. Không ai thủ đắc hoàn toàn. Tôi tôn trọng ý kiến bảo tồn. Nhưng nếu cứ như vậy, nét nhạc độc đáo của mình sẽ biến mất lần theo thời gian, vì càng ngày càng ít có người chịu và chuyên học nhạc cổ truyền. Âm nhạc như ngôn ngữ, nếu không dùng, không biến hóa, không thích nghi với thời đại, nó sẽ bị lãng quên. Đã có bao nhiêu ngôn ngữ không còn trên thế giới? Văn minh Hy-lạp, La-mã rực rỡ thế nào, nhưng ngày nay tiếng La-tinh chỉ còn được dùng trong giới tu hành Công giáo và có mấy ai biết tiếng Hy-lạp. Việt Nam ta quá nhỏ bé, làm sao cho thế giới biết đến và nhất là dùng nhạc của mình? Ta nên bảo tồn nhưng đồng thời cũng cần phát triển. Ta không thể dạy hay buộc mọi người trên thế giới học nhạc cụ cổ truyền Việt Nam để đàn nhạc Việt. Tôi nghĩ mình phải dùng nhạc Việt, viết lại cho nhạc cụ phổ thông thế giới, sẽ có nhiều người tấu nhạc Việt hơn, và nhạc Việt sẽ vang xa hơn là nằm im trong một góc nhỏ của địa cầu. Nói chí cùng bao nhiêu phần trăm nhạc cổ truyền của ta thực sự là nhạc của dân tộc Việt? Bao nhiêu phần trăm nhạc cụ của ta là nhạc cụ do người Việt sáng chế? Tôi nghĩ tinh thần là quan trọng nhất. Tinh thần dân tộc Việt vẫn còn ở trong lòng người Việt dù ngày nay khi ra đường ta không thấy ai mặc áo dài khăn đóng. Áo đầm quần tây đã làm người Việt mất gốc hết rồi chăng? Cả ông và tôi đều không mặc áo bà ba quần đen có nghỉa ta không phải là người Việt Nam sao? Tôi không nghĩ như vậy. Nói rộng hơn một tí, hơn 90 phần trăm tân nhạc của ta, nếu bỏ lời ca, ai dám nói đó là nhạc Việt? Như vậy tại sao ta vẫn gọi đó là nhạc Việt? Ngày nay ta nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức v. v. . . để chuyên chở ý tưởng, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam là mất gốc chăng? Ta dùng tiếng Anh trên đất nước này dù là nói ngọng, nói đớt để ngươi ta hiểu mình hay là cho tiếng Việt là siêu đẳng không dùng tiếng nào khác để… không ai hiểu minh? Cái nào lợi hơn? Tôi nghĩ ta nên theo đà tiến bộ của thế giới ngày nay để làm cho tiếng nói của ta được lắng nghe và kính nể, hơn là co lại cho riêng ta. Nếu Chopin dùng dân nhạc Ba Lan, Liszt dùng nhạc Hung để viết cho piano, Tchaikowsky dùng dân nhạc Nga để viết những tấu khúc lớn của họ nhờ đó thế giới nhận diện được nhạc của các quốc gia đó. Còn nhiều nữa, Brahm, Batok, Moussorsky, Gershwin, Tan Dun v. v. . . Họ làm vậy không do thị hiếu mà do tinh thần dân tộc bộc phát sau thời đại classic kéo dài đến ngày nay. Việc tôi dùng nét nhạc phổ thông dân tộc viết lại cho nhạc cụ Tây phương để ghi dấu ấn Việt Nam khi người ta chơi nhạc của tôi viết là theo tinh thần dân tộc của những người đi trước.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba vẫn giữ ý kiến bảo tồn nhạc dân tộc của ông cách đáng kính. Tôi theo đường hướng của tôi là phát triển để đưa nhạc Việt ra khỏi biên giới Việt mà hòa vào thế giới. Vì đơn thân và không có nguồn tài trợ nào, tôi chưa làm được nhiều, nhưng nhạc Việt do tôi viết đã được trình diễn ở nhiều quốc gia. Nhạc Việt của tôi soạn đã được dạy ở vài trường đại học Hoa Kỳ và trường nhạc ở Ukraine. Tôi tiếp tục đi trên con đường này và kêu gọi các bạn trẻ dấn thân tiến lên, đi xa hơn để làm đẹp hai tiếng Việt Nam.

Nhạc sĩ Lê văn Khoa đang điều khiển dàn nhạc tại một buổi hòa nhạc tại Knotts Berry Farm
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/PhngVnNhcSLVnKhoa_C0D/clip_image006_thumb.jpg

DPP: Đại tấu khúc (Symphony) "Việt Nam 1975" được lưu giữ ở bảo tàng viện của nước Úc Đại Lợi, đã giúp tên tuổi anh thật sáng chói trên vòm trời nghệ thuật. Anh được nhiều người phong tặng là "Viết Lịch Sử Việt Nam Bằng Âm Nhạc". Xin anh giới thiệu thêm về bản Symphony lịch sử này.
LVK: Biến cố tháng Tư 1975 là vết thương lòng lớn của mọi người Việt Nam. Tôi muốn ghi lại giai đoạn lịch sử này và biến nó thành đài tưởng niệm lưu động để nhắc nhở người ở khắp thế giới về biến cố này. Vì nhạc không lời nên sau nay dù con em chúng ta không còn biết tiếng Việt cũng có thể hiểu được lý do vì đâu mà chúng không ở trên đất tổ của mình. Tôi bắt đầu thực sự viết tác phẩm này viết từ năm 1985, sau khi hay tin ông thân của tôi qua đời ở Việt Nam. Vì không biết làm sao để thực hiện tác phẩm này nên viết rồi ngưng trong nhiều năm, rồi viết lại. Đến năm 1995 thì hoàn thành bản viết, nhưng không có tiền để thực hiện. Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tiếp tay bằng cách gây quỹ giúp tôi. Đến năm 2005 tôi được Kyiv Symphony Orchestra and Chorus nhận lời thu thanh. Do đó tôi đi Ukraine đầu năm 2005 để thực hiện phần thu thanh cho CD Symphony “Việt Nam 1975” vừa kịp dịp ngày kỷ niệm năm ly hương thứ 30.
Tôi dùng nhạc để vẽ bức tranh lịch sử Việt Nam, bức tranh ấy đã được các giới sử dụng nhạc không lời thông cảm và hiểu nhau. Tôi xin nhường lời cho nhạc trưởng Andrews Wailes của The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra (một dàn nhạc có lịch sử 200 năm, Úc Đại Lợi). Ông ấy đã đáp lời cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Quốc Gia Úc Châu: “ Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm lớn về một thời điểm có thật, một quốc gia và con người thật. . . Nhạc rất hay, rất sắc xảo, tinh vi. . . . Bằng dân nhạc Việt Nam tấu khúc giới thiệu một quốc gia thanh bình, rồi cộng sản đến . . . . . nhạc chuyển qua âm thanh mới hơn cho hợp với hoàn cảnh khắc nghiệt. Rồi người ra đi, gặp bão tố, chết chóc, cuối cùng những người đến được bến bờ họ ca ngợi tự do. Nhạc từ từ mở ra một bài hợp ca thật vĩ đại, thật hào hùng được phối khí đầy kín. . . Symphony Việt Nam là một tác phẩm rất hùng tráng, một tác phẩm lớn để thưởng thức. . .”
Xin ông biết cho rằng tôi không có gạ ý để ông ấy nói như vậy. Tôi chỉ biết khi được nghe qua làn sóng phát thanh. Qua âm thanh người ta hiểu được câu chuyện diễn tả bằng nhạc.

DPP: Dạ Khúc (Nocturne) là một thể nhạc khá đặc biệt của nhạc cổ điển Tây phương, rất nhiều đại nhạc sĩ tài ba như:
Frederic Chopin, Ludwig van Beethoven , Robert Schumann … đã viết những dạ khúc để đời .Anh cũng viết " Dạ khúc cho vĩ cầm và dương cầm" và nữ nghệ sĩ người Ukraine là Svyatoslava Semchuck trình bày bằng vĩ cầm đã được nhiều nhạc sĩ khen ngợi. Xin anh trình bày về kỹ thuật sáng tác thể loại Dạ khúc và giới thiệu thêm về bản Dạ khúc của anh.
LVK : Kỹ thuật sáng tác không phải là một đề tài thú vị để bàn luận, nhưng điều quan trọng là sự xúc cảm của người viết nhạc, và còn quan trọng hơn nữa là người nghe nhạc qua tài diễn tả của người trình diễn, có cảm thông được nỗi lòng người viết nhạc hay không. Tôi may mắn gặp được một danh cầm ở Kyiv (Kiev) thủ đô xứ Ukraine, cô Sviatoslava Semchuck, giáo sư violin của nhạc viện quốc gia Tchaikowsky ở Kyiv, và cô đã diễn tả xuất thần nhạc phẩm Nocturne của tôi. Sự diễn tả của cô đã gây xúc động cho người nghe và tôi nhận được một bài viết rất giá trị của nhạc sĩ vĩ cầm Đàm Xuân Linh về bài Nocturne.
Tôi cũng nhận được những lời nhận xét của những người nghe nhạc. Họ không phải là người Việt Nam…
Âm nhạc khó hiểu hơn nhiều bộ môn nghệ thuật khác vì nó rất trừu tượng và đòi hỏi phải có ba yếu tố tương xứng để định vị: Sáng tác, trình diễn và thưởng thức. Nếu một trong bộ ba vừa nói kém khuyết thì giá trị của nhạc khác ngay. Bài Nocturne cho violin và piano tôi viết từ 30 năm trước, nhưng chỉ để đó thôi. Do một may mắn mà tôi gặp được danh cầm Sviatoslava Semchuck trong khi tôi đi qua Kiev để thu thanh CD Symphony “Việt Nam 1975”. Cô Sviatoslava thì viết rằng do một may mắn (tiền định) mà cô được gặp và đàn nhạc của tôi. Tôi nghĩ cũng do may mắn mà có người nghe được CD Memories của tôi, nhờ đó cả ba tấm lòng cùng thông cảm nhau dù tôi chưa được gặp những người nghe nhạc tôi và có lời nhận xét ở trên. Cả ba đều ở những phương trời khác nhau, chiu ảnh hưởng văn hóa khác và ngôn ngữ khác nhau. Người nghe nhạc chưa hề biết người viết nhạc và nghệ sĩ trình diễn. Sự thông cảm này không bằng ngôn ngữ của loài người và không phân biệt chủng tộc. Nó thật thầm lặng nhưng rất nhiệm mầu.

DPP: Năm ngoái Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ và thân hữu đã tổ chức một chương trình qui mô để trình tấu nhạc của anh. Xin anh nói qua về chương trình này.
LVK: Tôi rất biết ơn Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ và thân hữu đã tốn rất nhiều công sức và tài chánh để thực hiện chương trình nhạc với chủ đề “Lê Văn Khoa, Người Viết Lịch Sử Bằng Âm Nhạc.” Đây là chương trình đầu. Chắc chắn hội sẽ thực hiện những chương trình khác tương tự để vinh danh những người có công trong cộng đồng Việt hải ngoại. Chương trình đêm nhạc 11 tháng Mười năm 2008 tại Richard and Karen Carpenter Performing Arts Center (Carpenter theater) thật qui mô chưa từng có với một dàn nhạc giao hưởng 60 nhạc sĩ đầy đủ các phần của một dàn nhạc giao hưởng chính thức. Lực lượng ca sĩ hùng hậu với các đàn chị như Kim Tước, Quỳnh Giao và những ca sĩ thành danh sau này như Nguyễn Hồng Nhung, Bích Vân, Y Phương, Bích Liên, Ngọc Hà, Melody Versoza, Lâm Nhật Tiến, Phạm Hà, Lê Hồng Quang, Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và Tứ Ca Thùy Dương. Ngoài nhạc của Lê Văn Khoa viết, khán giả còn thưởng thức những tác phẩm quen thuộc như dân ca, nhạc của Lê Thương, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, nhạc của người trẻ Trúc Hồ, Lê Minh Khải được các giọng ca trình diễn vô cùng độc đáo với dàn nhạc giao hưởng. Đặc biệt có 4 nhạc sĩ quốc tế từ Kiev (Ukraine) đến trình diễn nhạc Việt chứ không phải nhạc cổ điển Tây phương. Đặc đáo hơn nữa và cũng nằm trong ý nguyện đưa nhạc Việt thoát vòng cương tỏa cố hữu, qúy khán giả đã được xem một cô gái Ukraine dùng nhạc cụ dân tộc Ukraine để trình bày dân ca Việt. Với chi phí rất lớn, khó có thể có một chương trình tương tự trong tương lai gần. Tôi nghĩ đây là một dịp để ta được nở mặt nở mày với thế giới.

------------------------------

XEM THÊM :

CD MEMORIES VÀ DÒNG NHẠC CỦA LÊ VĂN KHOA
Biên soạn: Phan Anh Dũng
http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=494&Itemid=47


No comments: