Friday, March 6, 2009

KHI HOÀNG NGỌC HIẾN DẠY THI SĨ TRẺ LÀM THƠ

Khi ông Hoàng Ngọc Hiến dạy các thi sĩ trẻ làm thơ
Nguyễn Tôn Hiệt
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=B05BCBB0CAAF8D285BEC19BC77D66D5B?action=viewArtwork&artworkId=8331

Bài
“Dạ, em không dám!” chứng tỏ nhà thơ/văn Phạm Thị Điệp Giang rất khiêm nhường nhưng lại có năng khiếu khôi hài đặc biệt. Đọc rất vui. Cảm ơn cô Giang.
Cô không dám “đánh đòn” hay “nện nhừ xương” ai cả. Nói vậy là đúng rồi. Nữ sĩ cầm roi đi quyền thì e mất thơ mộng. Nhưng thật ra, tôi đâu có xúi cô Giang nhắm vào “người” mà “nện”. Chỉ “nện” vào “chữ” của những kẻ múa gậy vườn hoang thôi, cô Giang ạ. Gặp “người”, thì vẫn mời đi uống cà phê, nhưng gặp “chữ” múa may bá láp, thì... “nện”. Thế thì cái cõi văn mới rộn ràng sống động chứ!
Thật ra, “đánh đòn” hay “nện nhừ xương” chữ nghĩa của ai đó trong những trường hợp như thế này thì chẳng có gì khó. Chỉ cần một số kiến thức căn bản về văn học đương đại, cọng với một khả năng lý luận bình thường, thì ai cũng có thể nhận ra những điều nhố nhăng trong “kiến thức” và “lý luận” của những “nhà nghiên cứu” liều mạng.
Không muốn cầm roi đi quyền, thì cô Giang hãy nghỉ ngơi cho khoẻ mà làm thơ. Nhưng cô Giang nhắn nhủ như thế này thì Hiệt tôi lại phải “rước nợ vào thân” rồi:
Thôi, bác Hiệt vừa đủ kiến thức để biết đâu đúng đâu sai, vừa là “nam nhi đại trượng phu, thân dài vai rộng”, em trả lại vụ “nện nhừ xương” ai đó cho bác. Còn thật thà, em không dám ạ!
Cô Giang ơi, tôi cũng đâu có “kiến thức” gì để gọi là “vừa đủ”, chẳng qua “giữa đàng thấy chuyện bất bằng”. Nay cô lại nhắn nhủ như thế thì tôi cũng xin... cố gắng!

*
Thú thật, hôm trước tôi không nhịn cười được khi đọc cái
lý thuyết “một giọt hậu hiện đại” của ông Hoàng Ngọc Hiến khi ông ta bàn về truyện Lụa của Alessandro Baricco.
Ông Hiến thường có lối lý luận vơ đũa cả nắm, thích rút gọn mọi chi tiết phức tạp thành một vài câu phán đơn giản, ra vẻ là đã nắm được cái chìa khóa độc đáo, duy nhất của vấn đề. Nhưng kỳ thực những câu phán đơn giản ấy của ông Hiến lại chứa đầy những điểm tự mâu thuẫn hay lệch lạc một cách rất căn bản về phương pháp luận. Buồn cười hơn nữa là ông Hiến thích phán những điều mâu thuẫn lệch lạc ấy với giọng điệu “cao sang” (xin nhấn mạnh, ông Hiến rất thích lặp đi lặp lại chữ “cao sang”) và đầy thẩm quyền, chắc như đinh đóng cột.

Hôm nay tôi tình cờ đọc một
bài báo trên tờ Công an Nhân dân Online và phát hiện một lời tuyên bố rất “cao sang” của “nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến” nhân giải thưởng Thơ Bách Việt 2008. Sau khi trình bày ý kiến của nhiều nhà báo, nhà thơ, nhà phê bình, bài báo viết:
Nhưng có lẽ, ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến được nhiều người đồng tình nhất. Ông trích dẫn lời một nhà thơ nước ngoài: Với văn học, hậu hiện đại hay hiện đại không quan trọng, phá cách cũng không quan trọng, mà điều cốt lõi là thơ phải có tính nhạc hiện đại, đó chính là sự khó khăn nhọc nhằn của thơ trẻ. Thêm nữa, thơ phải có được sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác. Đọc nhiều tập thơ bây giờ, ông không tìm được điều ấy, nhiều tập mơ hồ nhưng chưa chính xác, còn rất nhiều thứ chính xác nhưng lại chẳng mơ hồ. Một người viết chạm được cái đích của hậu hiện đại, chính là đưa được nhạc pop vào văn chương nhưng vẫn giữ được sự cao sang. Đó là điều đang khó kiếm trong các tác phẩm văn học thời gian gần đây...

Đấy, “nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến” đã nói như thế và được “nhiều người đồng tình nhất”!
Mời độc giả đọc lại thật kỹ các ý tưởng trên đây của ông Hiến mà xem. Trước khi vạch ra những điều sai lệch về kiến thức của ông Hiến, tôi xin thử nêu lên những lập luận tự mâu thuẫn của ông ta:

1. “Với văn học, hậu hiện đại hay hiện đại không quan trọng, phá cách cũng không quan trọng, mà điều cốt lõi là thơ phải có tính nhạc hiện đại, đó chính là sự khó khăn nhọc nhằn của thơ trẻ.”
— Nếu “hậu hiện đại hay hiện đại không quan trọng”, thì tại sao “điều cốt lõi là thơ phải có tính nhạc hiện đại” ? Nếu “tính nhạc hiện đại” là “điều cốt lõi” cho thơ, thì hiện đại là quan trọng chứ sao không? Thế nhưng cái ý tưởng “thơ phải có tính nhạc” lại là một ý tưởng quá cũ mà Baudelaire đã nói quá nhiều hồi thế kỷ 19.

2. “Thơ phải có được sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác. Đọc nhiều tập thơ bây giờ, ông không tìm được điều ấy, nhiều tập mơ hồ nhưng chưa chính xác, còn rất nhiều thứ chính xác nhưng lại chẳng mơ hồ.”
— Nếu “Thơ phải có được sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác ”, thì điều này có nghĩa là cái mơ hồ và cái chính xác là hai cái khác hẳn nhau, và thơ phải kết hợp hai cái khác biệt ấy với nhau. Thế thì tại sao ông Hiến lại còn than phiền rằng có nhiều tập thơ trẻ “mơ hồ nhưng chưa chính xác”, và “chính xác nhưng lại chẳng mơ hồ”? Nói cách khác, tại sao ông lại tự mâu thuẫn đến mức đòi hỏi cái mơ hồ phải chính xác, và cái chính xác phải mơ hồ? Nếu mơ hồ là chính xác, và chính xác là mơ hồ, thì tại sao còn tuyên bố “Thơ phải có được sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác ”?
Để tránh mâu thuẫn với mệnh đề đầu tiên, đáng lẽ phải nói rằng có nhiều tập thơ chỉ chứa đựng cái chính xác, mà không có cái mơ hồ; và có nhiều tập thơ chỉ chứa đựng cái mơ hồ, mà không có cái chính xác. Nghĩa là chúng chưa có được sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác.
“Mơ hồ nhưng chưa chính xác”, và “chính xác nhưng lại chẳng mơ hồ” là một lối nói cầu kỳ ra vẻ “triết lý”, nhưng hoàn toàn vô nghĩa.

3. “Một người viết chạm được cái đích của hậu hiện đại, chính là đưa được nhạc pop vào văn chương nhưng vẫn giữ được sự cao sang.”
— Nếu đã nói “hậu hiện đại hay hiện đại không quan trọng”, thì sao lại còn xem hậu hiện đại là một “cái đích”?
Nếu đã nói “điều cốt lõi là thơ phải có tính nhạc hiện đại”, thì thơ ấy là thơ hiện đại. Thế thì sao lại còn nói đến “cái đích của hậu hiện đại” chính là “đưa được nhạc pop [là nhạc mang tính văn hoá đại chúng hậu hiện đại] vào văn chương nhưng vẫn giữ được sự cao sang”? Hoá ra nhạc pop (hậu hiện đại) lại mang “tính nhạc hiện đại”?

Đó là những lối lý luận lủng củng, đầy mâu thuẫn của ông Hiến. Riêng về kiến thức của ông Hoàng Ngọc Hiến thì quá sức... kẹt.
1. Ông Hiến nói “điều cốt lõi của thơ là phải có tính nhạc hiện đại”; nhưng cái ý tưởng “thơ phải có tính nhạc” là một ý tưởng quá cũ mà Baudelaire đã nói quá nhiều hồi thế kỷ 19, thì chẳng có chút gì dính dấp đến thơ hiện đại cả.
2. Ý tưởng “thơ phải có được sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác” là ý tưởng của Paul Verlaine trong câu 7 và câu 8 của bài “Art poétique” (1874) [in trong tập Jadis et naguère (1882)]. Ông Hiến đã từng vay mượn cái ý tưởng từ thế kỷ 19 này để sử dụng trong một số bài viết trước đây. Nhưng tôi dám chắc rằng ông chỉ nghe lóm hai câu thơ của Verlaine chứ chưa từng đọc nguyên tác, vì trong bài
“Baudelaire - chủ nghĩa tượng trưng và thơ mới” (đăng trên tạp chí Thơ số 5, năm 1995), ông Hiến đã “trích” lại hai câu thơ này của Verlaine, nhưng “trích” sai một cách thảm hại [ở chú thích số 8]:
Rien n'est plus cher que la chanson grise
Là òu l'indécis au précis se joint.
Ôi, cái tiếng Pháp của ông Hiến! Và cái lối làm việc “học thuật” của một “nhà nghiên cứu”!
Nguyên văn chính xác của hai câu thơ Verlaine phải là thế này:
Rien de plus cher que la chanson grise
Où l'Indécis au Précis se joint.
3. Ông Hiến nói “cái đích của hậu hiện đại” là “đưa được nhạc pop vào văn chương nhưng vẫn giữ được sự cao sang”. Nói như thế, ông Hiến không hiểu gì cả về quan niệm thẩm mỹ hậu hiện đại. Xin ông ghi nhớ điều căn bản này: văn chương hậu hiện đại xoá bỏ sự phân biệt cao/thấp. Nó không bao giờ xem sự cao sang là một đặc tính cần đạt tới.
*
Cuối cùng, tôi xin thú thật tôi hết sức kinh ngạc khi thấy bài báo Công an Nhân dân Online ghi nhận rằng cái ý kiến lủng củng, đầy những mâu thuẫn quá sơ đẳng và đầy những sự lệch lạc, sai lầm về kiến thức như thế của ông Hoàng Ngọc Hiến lại “được nhiều người đồng tình nhất”!
Sao văn giới Việt Nam bây giờ lại có nhiều người ngớ ngẩn đến thế nhỉ?

--------------

Bài liên hệ:

02.03.2009
Công thức “hậu hiện đại” - Nguyên Khôi
[VĂN HỌC] ... Không biết ông Hiến đã tổng hợp bao nhiêu sách vở, bài viết, nghiên cứu, thảo luận... về “hậu hiện đại” để nặn ra một công thức cô đọng đến thế! Theo công thức đó, ta có thể đi ngược thời gian và tìm thấy từ nhiều thế kỷ trước đây đã có vô số tác phẩm mang khí vị hay hơi hướng “hậu hiện đại”...
(...)

27.02.2009
Dạ, em không dám! - Phạm Thị Điệp Giang
[VĂN HỌC] ... Trời ơi, bác Hiệt dạy em sai rồi! Truyền thống dân tộc “Tôn sư trọng đạo” ngời sáng như thế, sao bác lại xui dại em? Hơn nữa, em lấy tư cách gì mà dám nện? Bản thân em còn chưa rõ “Hậu hiện đại” thế nào, kiến thức em cũng còn “nhếch nhác” lắm, nào dám lên mặt dạy dỗ gì ai, nói gì tới “nện nhừ xương” hả bác?...
(...)

Một giọt, nửa lọ, và xác cà cuống - Nguyễn Đăng Thường
[VĂN HỌC] ... Thiển nghĩ, nếu tác phẩm của Alessandro Baricco được dịch trên 30 thứ tiếng vì có một giọt cà cuống, tác phẩm của Nguyễn Đình Chính được nữ thi sĩ Phạm Thị Điệp Giang đọc và phê bình trên mục Đối Thoại vì có nửa lọ cà cuống, thì thơ Nở Ngày có “hơi hướng hậu nhảm đại” của bần sĩ chỉ có... xác cà cuống mà thôi...
(...)

26.02.2009
Ông Hoàng Ngọc Hiến giảng “hậu hiện đại”, ông Nguyễn Đình Chính viết “hậu hiện đại” - Nguyễn Tôn Hiệt
[VĂN HỌC] ... Cô Giang ơi, ông Nguyễn Đình Chính đã làm đúng phóc theo tinh thần “hậu hiện đại” do ông Hoàng Ngọc Hiến truyền giảng đấy! Ông Chính còn triển khai tối đa cho thật đậm đà chất “hậu hiện đại”... Vậy mà cô Giang lại chê trách ông Chính là “cũ kinh khủng”, “sáo và sến kinh khủng”, “dâm mọi lúc mọi nơi”, thì tội nghiệp cho ông Chính quá đi chứ. Con dại, thì cái mang...
(...)

24.02.2009
Không có gì phải ầm ĩ! - Phạm Thị Điệp Giang
[VĂN HỌC] ... Bìa sách được in rõ “tiểu thuyết Hậu hiện đại”... đọng lại cả cuốn truyện Online... Balô chỉ là cái sự nhảm ba lăng nhăng của một lão nghệ sỹ nửa mùa, đại nhảm. Cũng có phần nào văng mạng như tác giả đã cho biết (mà văng chưa tới nơi). Nhưng, xét về khía cạnh nào đó, sự nhảm ấy, sự cố gắng nhảm ấy, lại càng làm tăng thêm sự bất lực của một lớp người, càng cố tỏ lại hóa ra chỉ là càng cố tưởng (mình còn ngon lắm!)...
(...)


No comments: