Friday, March 20, 2009

SINH VIÊN ĐÃ BIỂU TÌNH

Các sinh viên đã biểu tình
Ngô Nhân Dụng
Thursday, March 19, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92313&z=7
Ngày hôm qua có một tin nhỏ nhưng lạ: Các sinh viên Ðại học Hồng Bàng ở Tân Bình, Sài Gòn biểu tình phản đối việc tăng học phí, và họ đã thành công. Ðiều lạ không phải việc sinh viên biểu tình. Trước đây các sinh viên đại học Hà Nội đã từng biểu tình phản kháng ban giám đốc về những vấn đề chỗ ăn ở trong trường. Hiện tượng lạ là phản ứng của giới lãnh đạo trường. Ngay sau khi một trăm sinh viên họp nhau trương biểu ngữ và hô khẩu hiệu phản kháng việc tăng tiền học ngày 18 Tháng Ba thì ban giám đốc trường này chịu thua ngay. Họ rút lại quyết định tăng học phí và trả lại tiền số tiền dư cho những sinh viên đã đóng rồi. Hoan hô tinh thần tranh đấu của các bạn sinh viên. Ở đời, không tự mình đứng lên thì người ta cứ coi thường mình mãi!

Nhưng xưa nay những người nắm quyền hành ở Việt Nam chưa bao giờ lại nhượng bộ lẹ như thế! Tại sao ông hiệu trưởng đại học này nhanh chóng nhượng bộ các sinh viên biểu tình, những sinh viên mà chính ông chủ tịch trung tâm hỗ trợ sinh viên của nhà trường công khai bêu xấu! Cái ông trùm “hỗ trợ sinh viên” đã tố các người biểu tình chỉ là những sinh viên “học yếu kém” và “chỉ ham tụ tập và đi chơi,” “điểm chỉ có 4 phẩy” (gọi là “dưới trung bình”). Tóm lại, theo ông ta đó là những sinh viên vừa dốt vừa lười, mà những đại học đứng đắn thường không ai thèm thu nhận, trừ khi chỉ nhận vào để thu tiền học phí!

Nhưng tại sao ông hiệu trưởng lại chịu lùi bước “một cách khẩn trương” trước những sinh viên vừa dốt vừa lười mà lại thiếu tiền đóng học phí như vậy? Bình thường, giới lãnh đạo ở Việt Nam sẽ tìm cách xoa vuốt những người biểu tình, tìm cách cho họ thỏa mãn một phần nào, vừa nhu cầu thực tế, vừa tự ái của họ. Rồi sau đó công an sẽ “làm việc” tiếp với những người khởi xướng. Nhưng lần này, ông hiệu trưởng đã chịu thua tức khắc!

Cho nên đây là một dấu hiệu cho thấy đảng Cộng Sản Việt Nam đang run. Họ rất lo sợ trước cảnh các bạn trẻ biểu tình phản kháng, dù phản kháng về bất cứ vấn đề lớn hay nhỏ nào, có lý do đúng hay không. Vì Ðảng Cộng Sản chỉ muốn các thanh niên này chấm dứt ngay, không kéo dài việc biểu tình. Cứ biểu tình mãi, sẽ tập thành thói quen nguy hiểm.

Cuối năm 2007 có những cuộc biểu tình “chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa,” công an đã phải dùng đủ mọi thủ đoạn từ mềm đến cứng mới tạm yên được. Hiện giờ giới trẻ trong nước lại đang sôi máu lên vì những biến động mới ngoài biển Ðông. Ðảng Cộng Sản phải ngăn ngừa trước không cho ngọn lửa yêu nước đó bùng lên trở lại.

Ðảng có thể ra lệnh cho đại học này hay không? Ðại học Hồng Bàng tuy được lập nên với tính cách một trường tư, nhưng đã được biến thành một trường của đảng. Cho nên, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, trường đại học này đã khoe thành tích tổ chức thi hoa hậu sinh viên vào năm ngoái. Trong mạng lưới của trường còn có cả mục “Tìm hiểu tử vi” quan trọng không kém gì các phân khoa; quý vị cứ gửi ngày sinh tháng đẻ vô đó, có các vị “giáo sư tiến sĩ” xem bói cho. Cũng trong mạng lưới đó có phần khoa học huyền bí, mở ra thấy chuyện một vị đi tìm mộ người em đã chết nhờ khoa học huyền bí. Ngoài ra, trường cũng quảng cáo cả chương trình MBA, cộng tác với các đại học Mỹ và Âu Châu nữa.

Nhưng nếu quý vị nhìn vào cơ cấu tổ chức trong địa chỉ mạng lưới của trường này thì thấy Ðảng Bộ nhà trường ngồi trên đầu tất cả các bộ phận, các chức trưởng. Dưới đó, hai cơ quan của đảng đứng ngang hàng hiệu trưởng, là công đoàn trưởng và đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Tất cả các hiệu phó, các trưởng phòng, các khoa nằm bên dưới. Trong các phân khoa một đầu thấy Khoa Tin học, đầu kia thấy Khoa Mác Lênin. Ở giữa có một khoa tên là Nhật-Trung-Hàn. Không có khoa nào học về Việt Nam. Nhưng rõ ràng là tất cả phải răm rắp nghe lệnh đảng. Cho nên, nếu đảng cảm thấy “bức xúc” trước vấn đề sinh viên biểu tình, nhà trường phải chịu thua ngay. Tức là chuyển cuộc tranh đấu của sinh viên sang bên công an giải quyết theo phương pháp của công an!

Tuy nhiên, cuộc biểu tình của sinh viên thành công nhanh chóng cũng là một hiện tượng tốt. Nó khuyến khích những người khác, trẻ cũng như già, nhìn thấy rằng khi muốn những kẻ cầm quyền phải lắng nghe nguyện vọng của mình thì chính mình phải đứng dậy và lên tiếng. Những người bị ép bán nhà, bán đất, những người phải đút lót quan chức để chạy chọt giấy tờ, những người bị đuổi đường, đuổi chợ, tất cả, ai có nỗi oan khuất nào, thì phải lên tiếng tập thể. Các sinh viên đã mở đầu một cuộc phản kháng, họ không hát nhưng ai cũng nghe thấy: Dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!

Trong một nước Việt Nam có hàng triệu người bị oan khuất, hàng ngàn vấn đề dân đang tranh đấu với nhà nước. Trong số đó chỉ có một số người, một số vấn đề đủ nóng để gây nên những cuộc biểu tình. Ðảng Cộng Sản có thể theo lối cũ, làm thỏa mãn hoặc mua chuộc từng nhóm một, có khi từng người một, để dẹp yên, rồi đâu lại vào đó, kéo dài năm này sang năm khác.

Nếu người dân một nước muốn cải thiện đời sống chung, của tất cả mọi người, về lâu về dài, thì không thể chỉ theo phương pháp “van xin” như vậy. Dù cứ biểu tình và “làm đơn khiếu nại” mãi, rồi mai mốt lại tiếp tục khiếu nại và biểu tình, cũng không bao giờ thay đổi được quy chế “xin, cho” mà người Việt Nam đã chán ngán. Làm như vậy là theo lối sống thời quân chủ, phong kiến. Vào thế kỷ 19 ở nước ta, một người dân thường như bà Bùi Hữu Nghĩa dám đi từ Nam ra Huế, tới tận cửa triều đình gõ trống khiếu nại, vì chồng bà bị kết tội oan. Bà đã thành công, nhưng không vì thế mà giảm được những cảnh oan khuất cho những người dân khác; mà không phải ai cũng can đảm như bà.

Ðiều phân biệt giữa lối sống văn minh trên thế giới bây giờ, khác với chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa cũng như chế độ độc đảng chuyên chế ở Việt Nam, là các công dân một nước tự do dân chủ có quyền tham dự vào việc nước, trước khi nhà nước quyết định, chứ không phải chờ các vua quan quyết định rồi bị oan thì khiếu nại!

Cho nên người Việt chúng ta cần làm thế nào để mọi người dân Việt được “tham dự” vào những quyết định chung, trước khi những người cầm quyền quyết định. Một phương pháp tham dự giản dị là chính người dân được tự do chọn những người quyết định việc chung. Phải có bầu cử tự do. Việc góp ý kiến phải diễn ra một cách tự nhiên, giống như một công việc bình thường ai cũng phải làm, chứ không cần phải tổ chức biểu tình hoặc vác đơn đi khiếu oan. Muốn vậy thì phải có tự do phát biểu, tự do báo chí. Và việc tham dự phải thực hiện từ dưới lên trên, một cách cụ thể. Dân một xã phải được góp ý kiến về công việc xây dựng đường sá trong xã mình. Dân một nước phải được góp ý kiến vào việc quản trị tài nguyên nước mình, co nên cho người ngoài vào khai thác khoáng sản như bô xít hay không. Phải có những “kênh” cho các ý kiến khác nhau được cơ hội bầy tỏ. Ðó là những hội đoàn tự do và tự nguyện, các sinh hoạt của xã hội công dân, những mạng lưới và báo chí, truyền thanh truyền hình độc lập. Tất cả tạo ra lối sống tự do dân chủ.
Cho nên sau khi đã thành công trong việc đòi ngưng tăng học phí, các bạn sinh viên Ðại học Hồng Bàng có cơ hội nhìn xa hơn các quyền lợi thiết thực của mình, nhìn tới những nhu cầu của cả dân tộc. Các sinh viên học là để đi làm. Tại sao nước Việt Nam chậm tiến so với các nước Á Ðông khác? Quốc nạn tham nhũng vì chế độ độc tài là một chướng ngại ngăn cản phát triển kinh tế, có ai không biết? Tại sao những năm thời 1970 sinh viên Hàn Quốc và Ðài Loan phải biểu tình liên tiếp năm này sang năm khác để đòi tự do dân chủ? Cơ cấu chính trị độc đảng ở Việt Nam hiện nay có giải phóng cho các lực lượng sản xuất trong nước được tự do phát triển để tạo thêm công việc làm hay không?

Chúng ta cần đào tạo những chuyên viên giỏi để xây dựng nước Việt Nam. Ðây là một vấn đề các sinh viên phải quan tâm. Cơ cấu giáo dục do một đảng độc quyền cai trị hiện nay có nâng cao được trình độ học vấn của các thanh thiếu niên theo nhu cầu phát triển kinh tế hay không? Ông Barck Obama ở Mỹ đang tìm cách buộc những người giầu nhất nước Mỹ phải đóng thêm thuế để cải tổ y tế và nâng cao giáo dục. Nước Mỹ mà nó còn lo cải tổ như vậy. Còn ở nước ta, các đại gia giầu nhất nước có biết nhiều người Việt không bao giờ biết đến nhà thương bao giờ hay không? Một đại gia ở Việt Nam mới cho nhật báo Wall Street biết mỗi năm ông ta tiêu tốn 400,000 đô la Mỹ riêng trong việc sử dụng chiếc máy bay của ông ta mà thôi. Số tiền 400 ngàn Mỹ kim sẽ nuôi, dạy và chích ngừa bệnh được bao nhiêu học sinh tiểu học ở thôn quê? Người có tiền thì được phép tự do tiêu tiền, không ai cấm. Nhưng ông ta hiện đóng bao nhiêu thuế cho công quỹ, và phải góp bao nhiêu tiền hối lộ bỏ vào túi riêng của các quan chức? Nếu những người Việt khá giả như ông muốn làm việc thiện như ông Bill Gates ở Mỹ thì họ có quyền tự do lập hội thiện độc lập với đảng Cộng Sản hay không?

Cuối cùng, các bạn sinh viên nên nhớ: Nhu cầu chung lớn nhất của nước ta là thay đổi cơ cấu tổ chức cả xã hội cho hợp lý và công bằng. Trước hết là phân bố lại quyền chính trị. Không thể tập trung quyền hành vào tay một nhóm người, nhất là những người đã nổi tiếng là bất lực và tham nhũng!


Sinh viên biểu tình chống tăng học phí
Thursday, March 19, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92307&z=2
Sài Gòn (NV) - Sáng 19 tháng 3, hàng trăm sinh viên của Ðại Học Hồng Bàng đã kéo đến trước cổng trường (tọa lạc tại quận Tân Bình, Sài Gòn) để phản đối việc tăng học phí một cách đột ngột.
Theo báo điện tử VnExpress, việc hàng trăm sinh viên tụ tập, giương cao khẩu hiệu “Không tăng học phí” đã gây náo loạn cả khu vực. Ðoạn đường Hoàng Việt đi ngang cổng trường hoàn toàn tắc nghẽn. Trưởng Phòng công tác chính trị của Ðại Học Hồng Bàng yêu cầu sinh viên vào văn phòng để giải quyết nhưng không ổn định được trật tự. Mặc cho trời nắng như đổ lửa, ngột ngạt oi bức nhưng đến tận trưa toàn bộ sinh viên vẫn tụ tập trước cổng trường.

Theo một số sinh viên, năm ngoái, học phí của một học kỳ là 2.3 triệu. Ðến học kỳ một của năm nay, tăng thêm 600,000 đồng và sang học kỳ hai lại tăng thêm 500,000 đồng nữa. Ðáng nói là Ðại Học Hồng Bàng không thèm thông báo với sinh viên về chuyện này. Một nữ sinh viên than: “Ðối với gia đình tôi, năm trăm ngàn đồng không phải là nhỏ”. Còn một nam sinh viên thì bảo: “Trường có một trang web nhưng không thông báo trước việc tăng học phí với số tiền lớn. Bây giờ khi gần hết hạn đóng học phí mới thông báo thì làm sao chúng tôi xoay xở kịp”...
Ðến cuối ngày 19 tháng 3, báo điện tử VnExpress thông tin thêm: Ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng Ðại Học Hồng Bàng vừa tuyên bố “Do các bạn sinh viên khó khăn và bức xúc, tôi quyết định mức học phí sẽ giống như học kỳ một”. Ông Hùng giải thích rằng sở dĩ Ðại Học Hồng Bàng phải tăng học phí là vì phải tăng lương cho giảng viên và cán bộ, nhân viên. Sau đó sẽ nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo và mời các giáo sư về giảng dạy. Cũng theo VnExpress, sau tuyên bố của hiệu trưởng, hầu hết sinh viên vẫn không thực sự yên tâm. Họ bảo: “Ðầu năm vừa rồi, thầy cũng bảo không tăng nhưng rồi học phí tăng vọt thêm một triệu đồng!”

Năm ngoái, Bộ Giáo Dục Ðào Tạo CSVN ban hành một quy định mới về học phí. Dựa theo đó, một số trường cao đẳng, đại học dân lập đã công bố học phí mới cao hơn học phí của các trường cao đẳng, đại học công lập từ 3 đến 5 lần.
Khi loan tin này, tờ Lao Ðộng từng nhận xét, học phí mới sẽ ngăn không cho con em những gia đình có thu nhập trung bình và nghèo, bước vào các trường đại học, cao đẳng dù con em họ có học vấn khá, đủ khả năng vượt qua được kỳ thi đại học vốn khắc nghiệt.
Tờ Lao Ðộng cảnh báo: Nếu học phí cứ tiếp tục tăng, cơ hội học tập sẽ không còn là bình đẳng cho tất cả mọi người.
Năm 2008, thu nhập trung bình tính trên đầu người của Việt Nam chỉ có 960USD/năm. Mức lương trung bình của công chức khoảng 2 triệu/tháng và của công nhân chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Cũng vì vậy, nhiều phụ huynh thực sự lo lắng trước tình trạng học phí học cao đẳng, đại học mỗi ngày một cao và vượt xa khả năng tài chính của gia đình họ.
Bà Trần Thị Huệ, ngụ tại quận Ðống Ða, Hà Nội, tâm sự: “Học lực của con trai tôi ở mức trung bình khá, tôi muốn cho cháu ghi danh thi vào các trường cao đẳng, đại học dân lập nhưng với mức học phí như vậy, tôi không biết làm sao để lo đủ học phí cho con. Chưa kể ngoài học phí, còn phải đóng tiền xây dựng trường, tiền sách vở,...”

Theo tờ Lao Ðộng, tình trạng học phí liên tục tăng đã làm hầu hết học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi, từ bỏ ý định thi vào các trường cao đẳng, đại học dân lập dân lập. Một nữ sinh tên Bùi Thị Lý, ngụ ở huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ngậm ngùi: “Năm ngoái, em thi vào Ðại Học Quốc Gia Hà Nội nhưng không đậu. Sức học của em đủ để đậu vào một trường đại học dân lập nhưng em không dám ghi danh vì gia đình em là gia đình thuần nông. Bố mẹ vốn đã phải thường xuyên chạy vạy, vay tiền trả lãi để cho chị em em đi học. Với mức học phí như thế, bố mẹ em không thể nào lo nổi. Học phí như thế nên các bạn cùng quê với em đã không còn dám mơ tưởng tới việc học đại học. Nhiều bạn chỉ ghi danh thi trung cấp hoặc vào Nam làm thuê”.
Tờ Lao Ðộng dự báo: “Nếu học phí của các trường cao đẳng, đại học dân lập cứ tăng liên tục như vậy, số lượng thanh niên dở dang việc học tại nông thôn sẽ tăng đáng kể. Trong khi đó, Việt Nam đang thiếu trầm trọng lao động có chuyên môn. Ðó là sự lãng phí một nguồn nhân lực và trí lực không nhỏ chút nào”.

Trước phản ứng của sinh viên, phụ huynh cũng như xã hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Giáo Dục Ðào Tạo, tác giả đề án “thả nổi học phí” đã phải “cải chính”: “Ðổi mới cơ chế quản lý tài chính ở các cấp học có nghĩa là các trường phải công khai với người học về việc sử dụng nguồn học phí, điều kiện đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất... Các trường phải công khai mức học phí theo từng năm học hoặc theo khóa học để thí sinh cân nhắc kỹ khả năng tài chính trước khi chọn trường để thi”. (G.Ð)






No comments: