Saturday, March 21, 2009

OBAMA ĐI THEO CON ĐƯỜNG DÂN CHỦ XÃ HÔI ?

Phải Chăng Tổng Thống Obama Muốn Đưa Hoa Kỳ Đến Một Chế Độ Dân Chủ Theo Khuynh Hướng Xã Hội Kiểu Pháp?
Jacob Weisberg ( Newsweek )
Nguyễn Minh Tâm dịch
Thứ Sáu, ngày 20 tháng 3 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090320_04.htm
CUỐI CÙNG THÌ PHE BẢO THỦ đã tìm ra được lập luận để đả kích chương trình hành động của Tổng Thống Obama: “Ông ta muốn chúng ta giống người Pháp.”. Bỉnh bút gia Charles Krauthammer nhận định về bài diễn văn của ông Obama đọc trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ vào tháng trước, và cho rằng đó là :”Một bản tuyên cáo Dân Chủ Xã Hội táo bạo nhất do một Tổng Thống Hoa Kỳ tuyên đọc.”. Cựu chủ tịch quốc hội Newt Gingrich, một nhân vật hàng đầu của phe Bảo Thủ, kết luận ông Obama muốn đưa chúng ta đến “Chủ Nghĩa Xã Hội theo kiểu Âu Châu.”

Cụm từ “Xã Hội Chủ Nghĩa” là một trong những chữ làm cho người Mỹ sợ hãi, và nó thường dùng để mô tả những nét tiêu cực của các nước xã hội ở Âu Chậu như Thụy Điển, bây giờ đem gán cho ông Obama muốn đưa nước Mỹ vào con đường này. Nhưng trường hợp Hoa Kỳ từ bỏ chủ nghĩa tư bản kinh tế thị trường để đi dần sang khuôn khổ xã hội theo kiểu Âu Châu trong đó chính phủ giữ vai trò rộng rãi hơn trước lại là chuyện khác, chúng ta chớ nên lẫn lộn hai việc này. Chính phủ của ông Obama đang tìm cách đương đầu với cơn khủng hoảng tài chánh bằng cách quốc hữu hoá các định chế tài chánh, trợ cấp những khu vực suy yếu trong nền kinh tế, cùng lúc đó đặt ra nhiều nguyên tắc, luật lệ cho các ngành công nghiệp, buộc họ đi theo con đường bảo vệ môi sinh, để nhiên hậu chống lại hiện tượng thay đổi bầu khí quyển. Hành động đó có chủ đích hướng đến sự công bằng xã hội trên bình diện bao quát hơn, và mục tiêu của nó hết sức rõ ràng. Nếu ông Obama thành công trong việc cải tổ bảo hiểm sức khỏe, và tài trợ cho việc theo học đại học khiến cho hai quyền lợi này trở nên những quyền lợi hiển nhiên cho mọi công dân (universal entilements), qủa thực ông đã nới rộng, bành trướng trách nhiệm của chính phủ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhiều hơn cả những nghĩa vụ mà hai vị tổng thống tiền nhiệm Lyndon Johnson và Franflin D. Roosevelt từng làm. Trong năm nay, với tất cả những cam kết đã hưá, mức chi tiêu của chính phủ liên bang chiếm tới 40% Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP). Rồi đây, cộng thêm với những đề nghị mới của ông Obama, có lẽ mức chi tiêu của chính phủ liên bang sẽ lên đến 47% giống như nhiêù nước ở Âu Châu.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là việc bành trướng vai trò của chính phủ giống như bên Âu Châu thì có gì xấu xa, đáng trách không? Các nước như Pháp, Đức, Hoà Lan, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch là những nơi có khuynh hướng tự do cấp tiến, đời sống được thăng hoa với những dịch vụ công cộng thật là tốt đẹp, và những phúc lợi xã hội không thể chê vào đâu được – và họ cũng có cả xe lửa tốc hành chạy rất tốt nữa. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng công bằng xã hội ở trình độ cao như những nước này làm cho dân chúng ở đây sống hạnh phúc hơn, và tăng thêm tuổi thọ. Nghe nói rằng mấy nước Đông Âu đang ở thời kỳ xây dựng thể chế dân chủ non trẻ, sau nhiều năm sống dưới chế độ cộng sản, có vẻ thích nền dân chủ theo khuynh hướng xã hội của Tây và Bắc Âu hơn là dân chủ tư bản hạng nặng như của Mỹ.

Cái nhước điểm thường thấy khi nói về mô thức chính trị ở những quốc gia bên bờ kia cuả Đại tây Dương chính là nền kinh tế ở những nước này thiếu sự co dãn, linh động, và xã hội ở đó thiếu tính năng động. Các nước Âu châu thường bắt người dân đóng thuế cao, tỉ lệ phát triển kinh tế thấp, mức thất nghiệp nhiều, và ít có sự thay đổi trong giai cấp xã hội . Ngoài ra, còn phải kể đến những nhược điểm khác như các nghiệp đoàn lao động có quyền rất mạnh, guồng máy hành chánh thư lại cứng ngắc, và nhiều luật lệ khắt khe khiến cho những nước này không dễ đón nhận tinh thần mạo hiểm của doanh nhân, hay tiếp nhận những thay đổi mới về kỹ thuật. Cái dạng thức nhà nuớc lo về an sinh phúc lợi cho người dân từ lúc còn nằm trong nôi cho đến ngày nhắm mắt khiến cho những sáng kiến cá nhân bị thui chột, và từ đó dung dưỡng thái độ ù lì, ỉ lại.

Hợp đồng xã hội kiểu Mỹ hay kiểu Âu châu mỗi thứ đều có ưu và khuyết điểm riêng của nó. Không thể đem kiểu này thay thế kiểu kia một cách máy móc được, bởi vì mỗi kiểu bắt rễ sâu xa trong khung cảnh xã hội của mỗi nơi.Theo dòng lịch sử, người Mỹ như chúng ta là những người di dân, đến vùng đất mới để tìm tự do và cơ hội thành công.. Chúng ta coi trọng chủ nghĩa cá nhân, quyền tự do kinh doanh, và cương quyết bảo vệ cho được những tự do cá nhân mà người Âu Châu ít khi dám nghĩ đến chẳng hạn như quyền có súng riêng để tự vệ, quyền làm việc thục mạng, làm đến 70 giờ một tuần lễ, quyền cuỡi xe trượt trên tuyết (snowmobile) với tốc lực 60 dậm một giờ để thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên. Nước Mỹ của chúng ta được cha ông xây dựng từ mối hoài nghi đối với thái độ độc tài của các nước thuộc điạ, nên lúc nào cũng nghi kỵ bàn tay xâm nhập của chính phủ vào những quyền tự do cá nhân. Ngược lại, ở các nước Âu châu, bắt nguồn từ thời Bismarck cai trị, họ quen với truyền thống cho rằng nhà nước có nhiệm vụ phải cung cấp những dịch vụ xã hội cho người dân. Người Âu châu ít có thái độ hoài nghi đối với quan chức của chính quyền, họ không coi quyền làm giầu nhanh chóng như những quyền linh thiêng, bất khả xâm phạm. Trong lúc đó, họ mạnh mẽ đòi hỏi phải có mạng lưới an toàn xã hội.

Do từ những dị biệt sẵn có từ trong mỗi xã hội, vì thế, chuyện xây dựng mô hình dân chủ xã hội Âu châu khó có thể bắt rễ ở Mỹ được, dù cho tổng thống Obama có muốn làm cũng không được. Hơn thế nữa, giống như sự suy nghĩ cuả đa số người Mỹ, ông Obama cho thấy chính ông cũng không thích thái độ cha già, kẻ cả, bao sân mọi việc của khu vực công. Khảo hướng hành động cuả ông thực ra chỉ nhằm cai trị một cách hiệu quả, vì nhu cầu bức thiết của quốc gia trong lúc này, và phải bận rộn nới rộng hành động của chính phủ để cứu nguy tình thế.

Việc làm chẳng đặng đừng hiện nay của ông Obama chẳng qua chỉ là để đối phó với cơn khủng hoảng tài chánh. Hãy nghe ông ta trả lời cuộc phỏng vấn của đài ABC về việc quốc hữu hoá những ngân hàng thất bại thì thấy rõ ý định cuả ông. Ông đề cập đến vấn đề “truyền thống” trong văn hoá Mỹ, khác với tập tục ở Thụy Điển. Ông giải thích: “Chúng tôi vẫn muốn duy trì ý niệm mạnh mẽ cho rằng nguồn vốn tư bản cá nhân có thể làm tròn nhu cầu đầu tư của đất nước chúng ta.”. Ngoài ra, hãy nhớ cho rằng kế hoạch chống hiện tượng hâm nóng điạ cầu của ông Obama mang tính cách kinh tế thị trường, có trao đổi, buôn bán, chứ không phải mang dạng thức đánh thuế, hay một loại luật lệ hành chánh đối với những ngành công nghiệp thải thán khí carbon.

Ngay cả trong những lãnh vực mà ông Obama có vẻ đi theo chiều hướng giao cho chính quyền tiểu bang quyết định, ở đây ông cũng làm khác hẳn với bên Âu châu. Ông tin rằng chính phủ phải bảo đảm cho mọi người dân có bảo hiểm sức khoẻ. Song giống như lối suy nghĩ của đa số người Mỹ, hệ thống bảo hiểm sức khoẻ phải do tư nhân điều hành, chứ không phải do chính phủ chủ động. Về kế hoạch cải tổ giáo dục cao đẳng, ông chủ trương nên cấp tiền vay để cho mọi người có thể đi học, chứ không phải kiểu cho không học bổng, miễn phí giống như các nước trong liên minh Âu Châu. Và hiện ông đang tìm cách cải tổ Social Security, cũng như chương trình Medicare nhằm mục đích giảm bớt chi tiêu của chính phủ. Nói khác đi, chương trình hành động của ông Obama là hướng về cơ hội (opportunity) để lo cho người dân từ lúc mới sinh cho đến khi nằm xuống, khác với mô hình kiểu Âu Châu là đảm bảo (security) cho người dân một mạng lưới an toàn từ lúc còn nằm trong nôi, cho đến khi vào nghĩa điạ.

Lời cáo buộc cho rằng ông Obama muốn áp đặt một hình thức xã hội nước ngoài vào nước Mỹ nghe vang vọng giống như ngày xưa những người chỉ trích ông Roosevelt nói rằng ông ta muốn đưa nuớc Mỹ đến Xã Hội Chủ Nghĩa qua chiêu bài kế hoạch New Deal (Kế hoạch phục hưng kinh tế bằng những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vĩ đại). Tương tự như vậy khi người ta hiểu lầm quan điểm của tổng thống Obama. Thực ra, ông Obama chỉ muốn chính phủ Mỹ sửa chữa nền kinh tế thị trường tự do kinh doanh, chứ không phải thay thế nó bằng chế độ dân chủ theo xu hướng xã hội chủ nghĩa.

Bài nhận định của Jacob Weisberg
trong Newsweek ngày 16/3/09
Nguyễn Minh Tâm dịch.

No comments: