Saturday, March 21, 2009

NHÂN NGÀY TƯỞNG NIỆM NGUYỄN VĂN BÔNG VÀ NGUYỄN NGỌC HUY

NHÂN NGÀY TƯỞNG NIỆM CÁC GIÁO SƯ
NGUYỄN VĂN BÔNG VÀ NGUYỄN NGỌC HUY

LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỐNG

21/03/2009
http://anhduong.info/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=3347&Itemid=1
Năm 1953 khi Cộng Sản phát động đấu tố tại Nghệ Tĩnh, một số anh em chúng tôi trong nhóm Quan Điểm đã từ Hà Nội di tản vào Nam để tìm chỗ dung thân và xây dựng môi trường hoạt động.
Lúc này tại Trường Luật và Luật Sư Đoàn Saigon, những thành viên năng động nhất thường có khuynh hướng thiên cộng, như Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Hoàng Quốc Tân, Dương Trung Tín, Âu Trường Thanh, Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Văn Diệp v…v…. Thời gian này chúng tôi chỉ giao kết với một số trí thức theo chủ nghĩa dân tộc, như Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy thuộc Đảng Đại Việt, và ông Ngô Đình Nhu trong Nhóm Xã Hội Thiên Chúa Giáo.
Ngày 20-7-1954 Hiệp Định Đình Chiến Geneva được ký kết giữa Tướng Henri Delteil, Tư Lệnh Hành Quân thay mặt Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và Tướng Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Bắc Việt).
Qua hôm sau, 21-7-1954, Hội Nghị Geneva công bố bản Tuyên Ngôn Sau Cùng khuyến cáo hai bên tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam Bắc vào tháng 7-1956.

Trước đó 5 năm, Pháp đã trao trả chủ quyền độc lập cho Quốc Gia Việt Nam (từ Nam Quan đến Cà Mâu) theo Hiệp Định Elysee ngày 8-3-1949. Một tháng sau, ngày 23-4-1949, chiếu nguyên tắc dân tộc tự quyết, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ Tự Trị để sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất.
Từ đó Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Pháp. Khi có chiến tranh quân đội Việt Nam sẽ chiến đấu cùng với quân đội Pháp dưới danh nghĩa Quân Đội Liên Hiệp Pháp. Một bộ tham mưu hỗn hợp được thành lập, với một tướng lãnh Pháp làm tư lệnh hành quân và một tướng lãnh Việt Nam làm tham mưu trưởng.

Năm 1954 Quốc Gia Việt Nam tham dự Hội Nghị Geneva cùng với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Ngũ Cường Anh, Mỹ, Pháp, Liên Sô và Trung Quốc (Anh Quốc và Liên Sô là đồng chủ tịch Hội Nghị).
Điều đáng lưu ý là Hiệp Định Đình Chiến Geneva ngày 20-7-1954 chỉ là một hiệp ước thuần túy quân sự với mục tiêu ngưng bắn hay đình chiến, tương tự như Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm ngày 27-7-1953 tại Triều Tiên.
Trong khi đó, trái lại, bản Tuyên Ngôn Sau Cùng của Hội Nghị ngày 21-7-1954 lại đề cập đến những vấn đề chính trị như tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam Bắc.
Tuy nhiên Tuyên Ngôn Sau Cùng không mang chữ ký của bất cứ quốc gia nào tham dự Hội Nghị, kể cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây chỉ là một bản tuyên ngôn ý định (declaration of intent), không phải là một hiệp ước ngoại giao nên không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực thi hành. Vì là một hiệp ước quân sự, Hiệp Định Đình Chiến Geneva ngày 20-7-1954 chỉ có chữ ký của hai tướng lãnh là Tạ Quang Bửu và Henri Delteil. Nó không đề cập đến những quyết định chính trị như việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất hai miền, cũng giống như Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm ngày 27-7-1953 tại Triều Tiên.
Hơn nữa Quốc Gia Việt Nam cũng không ký vào Hiệp Định Đình Chiến Geneva ngày 20-7-1954.

Điều khoản nói về tổ chức tổng tuyển cử 1956 chỉ là do ý định và sự sắp xếp của Pháp và phe Quốc Tế Cộng Sản với Liên Sô, Trung Quốc và Bắc Việt. Sự quy định này đi trái với quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam. Vì, như ai cũng biết, tại các nước cộng sản, không có tự do tuyển cử, và bất cứ cuộc đầu phiếu nào cũng chỉ để thông qua những quyết nghị của Đảng Cộng Sản.
Để chống lại âm mưu thôn tính Miền Nam bằng tổng tuyển cử giả hiệu, Đảng Đại Việt đã cho xuất bản tuần báo Đuốc Việt do giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và ký giả Phạm Thái chủ xướng. Nhóm Quan Điểm chúng tôi cũng công bố lập trường và phổ biến tư tưởng trong tuần báo Quan Điểm do các anh Nghiêm Xuân Hồng và Vũ Khắc Khoan chủ biên, đồng thời với nhật báo Tiếng Miền Nam do anh Nguyễn Phương Thiệp và tôi phụ trách.
Trong chiến dịch này, cùng với giáo sư Vũ Khắc Khoan, tôi đã đi thuyết trình tại các đại học, các trường trung học chuyên nghiệp và chuyên khoa, thu thập chữ ký của các giới trí thức, giáo sư và sinh viên học sinh xác định lập trường phản đối Hiệp Định Geneva 1954 chia đôi đất nước. Đồng thời phản kháng sự “hợp thức hóa Hồ Chí Minh” bằng tổng tuyển cử giả hiệu 1956. Đó là nội dung “Bản Tuyên Ngôn của Hai Ngàn Trí Thức Saigon-Chợ Lớn Chống Hiệp Định Geneve”.

Thất bại trong kế hoạch tổng tuyển cử 1956, Đảng Cộng Sản phát động chiến tranh võ trang để thôn tính Miền Nam.
Trong thời gian này Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc Hội Lập Hiến. Luật Sư Nguyễn Phương Thiệp giữ chức Tổng Thư Ký Quốc Hội, và đã tích cực tham dự vào việc soạn thảo Hiến Pháp 1956 nhằm thiết lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa (Đệ Nhất Cộng Hòa).

Sau chính biến 1963, Miền Nam bước vào giao đoạn nhiễu nhương với nhân tâm ly tán và xã hội bất ổn.
Năm 1964, trong chương trình tái thiết quốc gia, chúng tôi lại có dịp sinh hoạt với Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thuộc Bộ Bình Định; Luật sư Nghiêm Xuân Hồng và tôi phụ trách Bộ Chiêu Hồi (lúc này là Phủ Đặc Ủy Chiêu Hồi).
Năm 1966, trong chức vụ Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến Đệ Nhị Cộng Hòa, tôi được Văn Phòng Quốc Hội ủy nhiệm đặc trách công tác lập hiến (thời hạn soạn thảo và hoàn thành hiến pháp là một năm).
Trong việc tham khảo ý kiến tôi đã tổ chức những buổi “đàm hiến trà” nhằm trao đổi quan điểm với các nhân sĩ, thân hữu và đồng nghiệp về những vấn đề hiến pháp.
Các vị thẩm phán và luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon đã tham gia ý kiến về việc thiết lập chế độ Dân Chủ Pháp Trị với Tư Pháp Độc Lập và Tam Quyền Phân Lập. Bằng những kỹ thuật pháp lý, Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 đã thành lập Viện Bảo Hiến trong Tối Cao Pháp Viện. Mục đích để bảo vệ tinh thần và bản văn hiến pháp, chống mọi lạm quyền của Hành Pháp và Lập Pháp. Từ nay các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện không còn do Tổng Thống chỉ định từ trên xuống, mà sẽ được bầu từ dưới lên bởi những đoàn thể luật gia thực sự hành nghề như Thẩm Phán Đoàn, Công Tố Đoàn và Luật Sư Đoàn. Phương thức tuyển cử này có thể áp dụng tại các quốc gia dân chủ tân lập như Việt Nam.
Theo châm ngôn Dân Vi Quý, về mặt nhân quyền, Hiến Pháp 1967 đề xướng, tôn trọng và bảo đảm những quyền tự do dân chủ căn bản của người dân.
Đặc biệt tạo cơ hội hình thành quy chế tự do lập hội về tôn giáo và dân sự, và tự do lập đảng về chính trị. Sau khi công bố chính sách “đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật”, quốc gia có nghĩa vụ khuyến khích và yểm trợ chế độ đa đảng, tiến tới một hệ thống lưỡng đảng trong đó vị lãnh tụ đối lập có quyền hiến định về chất vấn và phát biểu tương đương với quyền tường trình và giải thích của thủ tướng chính phủ trong những buổi sinh hoạt công khai tại nghị trường.

Trong cương vị lãnh đạo một đảng đối lập công khai và hợp pháp, các Giáo Sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy đã đóng góp nhiều ý kiến về việc hình thành quy chế chính đảng.
Về quyền tự do báo chí, chúng tôi áp dụng chế độ hậu kiểm, dành cho các cơ quan truyền thông quyền tự do thông tin và tự do phát biểu. Điểm đặc biệt là, dầu trong thời chiến, chúng tôi vẫn quyết định bãi bỏ chế độ kiểm duyệt. Nếu có sự lạm quyền và vi phạm luật báo chí, tòa án sẽ truyền tịch thu tài liệu, truy tố và kết án các đương sự phạm pháp.

Với sự ban bố và thực thi nhân quyền và những quyền tự do căn bản, Hiến Pháp 1967 đã thực sự đem lại Chính Nghĩa Dân Chủ cho Việt Nam. Do đó, dầu có chiến tranh xâm lược và tuyên truyền lũng đoạn của phe Quốc Tế Cộng Sản, sinh hoạt xã hội vẫn có sinh khí. Cũng vì vậy từ 1960 Việt Nam đã phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn bất cứ quốc gia nào tại Đông Nam Á, kể cả Đài Loan và Đại Hàn.

Tại miền nông thôn và cao nguyên, sau 2 cuộc cải cách điền địa, mỗi gia đình nông dân được chính phủ cấp phát ruộng đất miễn phí từ 1 đến 3 hecta (khoảng từ 3 đến 10 mẫu ta). Có thể nói, theo tiêu chuẩn Miền Bắc, đến năm 1975, tất cả các nông dân Miền Nam đều trở thành phú nông.

Về mặt quân sự, trong 20 năm chiến đấu, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tỏ ra xứng đáng là một quân đội anh hùng.
Trong cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân, Việt Cộng đã thất bại nặng nề về mặt quân sự (tổng công kích). Theo Chế Lan Viên, cán bộ đặc trách ban Văn Công:
“Mậu Thân, hai ngàn người xuống đồng bằng
Sau một đêm còn sống có 30!”. (Tỷ lệ tổn thất là 98%)

Về mặt chính trị (tổng khởi nghĩa), trong suốt năm 1968, không thấy có cuộc nổi dậy nào của dân chúng Miền Nam. Theo lời viên Thủ Trưởng Định Tường, tới ngày khởi nghĩa sẽ có 50 tổ đồng khởi, nhưng tới ngày đó “chỉ có một tổ của tôi mà thôi, không thấy 49 tổ kia đâu hết!”. (Tỷ lệ sai biệt cũng là 98%)
Về việc này Hồ Chí Minh nhận định: “Nguyên nhân thất bại về chính trị là sự báo cáo chủ quan”.

Trong cuộc Tổng Tấn Công Xuận Hạ mệnh danh là Mùa Hè Đỏ Lửa, từ tháng 4-1972, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đẩy lui 14 sư đoàn chính quy Bắc Việt, dầu rằng lúc này Quân Lực Hoa Kỳ không còn chiến đấu trên bộ nữa. Và số thương vong của các cán binh Bắc Việt đã vượt quá con số 100 ngàn.
Trong cuộc Tập Kích Chiến Lược 12 ngày đêm Mùa Giáng Sinh 1972 tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận, Bắc Việt đã gần như kiệt quệ. Tin trong nước cho biết, tại Hà Nội, nhà nào cũng may sẵn cờ trắng để nghênh đón các chiến sĩ Miền Nam ra giải phóng Miền Bắc.

Mặc dầu vậy, chỉ một tháng sau, tháng 1-1973, Hoa Kỳ đã áp lực buộc Việt Nam Cộng Hòa ký Hiệp Định Paris, theo đó Hoa Kỳ và các đồng minh như Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan phải đơn phương rút quân, trong khi quân đội Bắc Việt không phải triệt thoái ra khỏi chiến trường Việt Nam. Đây là một nghịch lý cơ sở của Hiệp Định Paris 1973.
Trước đó, từ 1969, Hoa Kỳ đã mặc nhiên thừa nhận cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền NamViệt Nam trong kế hoạch “3 Nước Việt Nam” do Trung Quốc đưa ra để dối gạt Hoa Kỳ.

Hơn nữa, từ sau Hiệp Định Paris 1973, Hoa Kỳ đã nhẫn tâm cắt giảm 2/3 số ngân khoản viện trợ cho Việt Nam, trong khi Liên Sô và Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần số quân viện cho Bắc Việt.
Tệ hại hơn nữa, Chính Phủ Hoa Kỳ đã không giữ lời cam kết sẽ trả đũa tức thời và mãnh liệt trong trường hợp quân Bắc Việt xâm lấn võ trang trắng trợn vi phạm Hiệp Định Hòa bình Paris.

10 n ăm sau khi Miền Nam thất thủ, năm 1985 Tổng Thống Nixon viết cuốn Hồi Ký “No More Vietnams” và tự phán: “Đây là sự thất bại và phản bội đồng minh không tiền khoáng hậu trong Lịch Sử Hoa Kỳ”.

Từ hơn 1/4 thế kỷ, năm 1949, sau khi thu hồi chủ quyền độc lập, Việt Nam được công nhận là tiền đồn của Thế Giới Tự Do tại Đông Nam Á. Do sự yểm trợ tích cực của Hoa Kỳ và qua những lời cam kết minh thị của 5 vị Tổng Thống kế tiếp là Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson và Nixon.
Sự thất thủ của Việt Nam Công Hòa năm 1975 đã dẫn đến sự suy thoái của Chính Nghĩa Tự Do Dân Chủ trên thế giới, với những hậu quả dây chuyền tại một số quốc gia Á Phi, như A Phú Hãn, Angola, Ethiopia, Iran, Mozambique v…v…
Dầu sao, theo lời tiên đoán của Tướng Độc Nhãn Moshe Dayan, ngày nào Cộng Sản chiếm được Việt Nam thì ngày ấy chế độ Cộng Sản bắt đầu suy thoái.
Hai võ khí chiến lược của Cộng Sản là tuyên truyền dối trá và đàn áp khủng bố.
Sống dưới ách thống trị của Cộng Sản người dân lần lần nhìn rõ bộ mặt tàn bạo của chế độ với đầy đủ 4 khuyết tật là độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực.

Kinh nghiệm lịch sử cho biết chế độ cộng sản không bị giải thể vì những cuộc tấn công từ bên ngoài. Nó chỉ giải thể khi người dân trong nước không ai tha thiết bảo vệ chế độ nữa.
Ngày nay có ít nhất 90% dân chúng Việt Nam đã ý thức bản chất phi nhân của chế độ Cộng Sản. Vì vậy chẳng chóng thì chầy Cộng Sản sẽ tiêu vong.
Theo ông Ngô Đình Nhu thời gian Cộng Sản tiêu vong có thể ước lượng là 3 chu kỳ (3 con giáp hay 36 năm). Từ 1975 đến nay đã 34 năm. Và nếu như lời tiên đoán nói trên được chứng nghiệm thì cộng sản chỉ còn sống vất vưởng trong vài ba năm.

Tuy nhiên, về phương diện đấu tranh chính trị, không ai dám tin vào những lời tiên đoán. Phải căn cứ vào những điều kiện lịch sử với những yếu tố về chính nghĩa và ý thức, ý chí và quyết tâm, hy sinh chiến đấu, hậu thuẫn quần chúng, hậu thuẫn quốc tế, trào lưu tiến hóa và vận dụng thời cơ.
Như vậy tương lai chính trị của Việt Nam chủ yếu phải trông vào nội lực của chính người Việt chúng ta. Yếu tố thời vận vẫn cần thiết. Nhưng yếu tố nhân sự có tính quyết định.
Điều cốt yếu là chúng ta phải sáng suốt nhận định thời thế. Đồng thời giữ vững Niềm Tin vào tiền đồ đất nước. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ với thế giới là một dân tộc bất khuất, không chấp nhận sự thống trị của ngoại bang cũng như sự đè nén của kẻ nội thù.

LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỐNG
15-3-2009


No comments: