Saturday, March 21, 2009

NHÀ TRÍ THỨC NGU XUẨN NHẤT THẾ GIỚI

Nhà trí thức ngu xuẩn nhất thế giới
Lê Diễn Đức
21/03/2009 3:02 sáng
http://www.talawas.org/?p=182

Bài “Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng” trên talawas 28/10/2008 giới thiệu cuộc phỏng vấn Noam Chomsky của tuần báo Đức Der Spiegel do Gabor Steingart thực hiện (Hải Ngô dịch). [1]

Noam Chomsky
http://talachu.org/wordpress/wp-content/uploads/2009/03/noamchomsky-150x150.jpg

Trong giai đoạn tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, Noam Chomsky nhận định rằng, chẳng có sự khác biệt đáng kể nào giữa Đảng Cộng hoà và Dân chủ. Cả hai đảng đều phải chịu chi phối bởi một quyền lực duy nhất ở Hoa Kỳ đó là đại business. Mặc dầu vậy, Obama là sự lựa chọn cái ít xấu hơn.


Cuối bài đã dẫn, có đoạn nói về Noam Chomsky như sau:
“Noam Chomsky là một trong những nhà ngôn ngữ học quốc tế quan trọng hàng đầu, nhưng ông được biết đến trước hết qua hàng loạt những xuất bản phê phán văn hóa và xã hội, trong đó ông công kích không thương xót đường lối chính trị Mỹ và cũng chỉ ra những hiểm họa của sự toàn cầu hóa. Được mệnh danh là thủ lĩnh lỗi lạc của phe cánh tả Mỹ, trong những cuốn sách của mình như Profit over People (2000) và War against People (2001) Chomsky phân tích sắc sảo hoạt động của những tập đoàn đa quốc gia. Noam Chomsky hiện 79 tuổi, là con một người nhập cư gốc Do Thái từ Đông Âu. Năm 2005 tờ tạp chí Anh Prospect đã tuyên bố ông là nhà trí thức hàng đầu trên thế giới”.


Lời giới thiệu có lẽ khá đầy đủ để phác hoạ một chân dung. Trong thực tế Noam Chomsky là khuôn mặt trí thức còn sống được nói đến nhiều nhất trên thế giới. Với công trình lý thuyết ngôn ngữ đồ sộ của Noam Chomsky trong những năm 50, tác động vào mọi lĩnh vực khoa học, người ta so sánh ông với nhà bác học Einstein. Trong các cuộc thăm dò những học giả qua mọi thời gian, Noam Chomsky chỉ đứng sau Platon và Freud. Nếu ai đó muốn chứng minh sự vô nghĩa của thứ hạng này thì cũng khó tìm ra được khuôn mặt nào xuất sắc hơn.

Không một chút nghi ngờ rằng, Noam Chomsky là nhà trí thức có ảnh hưởng nhất trên giảng đường đại học Hoa Kỳ. Nhiều người xem ông ta như một biểu tượng của sự thông thái. Các ngôi sao màn bạc Hollywood khi lên lớp phê phán vai trò bá chủ của Hoa Kỳ, thế nào cũng trích dẫn các câu nói của Noam Chomsky. Các ngôi sao nhạc rock chống toàn cầu hoá, trong những lúc nghỉ của buổi diễn thường đọc những trích đoạn của Noam Chomsky với giọng trân trọng. Trong năm 2006, tại phiên họp của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Hugo Chavez cổ động mọi người đọc cuốn “Hegemony or Survival: America’s Quest for Global Dominance” (2003) của Noam Chomsky mà ông ta cho là tuyệt tác nhất của Mỹ. Ngày hôm sau, cuốn sách trở thành bestseller số 1 trong danh mục bán trên mạng điện tử của Amazon. Các tác giả cánh tả bắt đầu kéo nhau đến Venezuela với hy vọng được Chavez ngợi khen tác phẩm của mình!

Thế nhưng, thật hài hước và khó tin, nhà báo, nhà chính trị Ba Lan Maciej Nowicki trên tạp chí Europa [2] gọi Noam Chomsky là “nhà trí thức ngu xuẩn nhất thế giới”.

M. Nowicki
http://talachu.org/wordpress/wp-content/uploads/2009/03/maciejnowicki-150x150.jpg

Chưa hẳn đồng ý hoàn toàn với kết luận dường như hơi bị thái quá của M. Nowicki, nhưng tôi không thể không thừa nhận rằng, Nowicki đã có những lý do chính đáng để viết như vậy. Xin được trao đổi với bạn đọc về tiểu phẩm của Nowicki để chúng ta cùng suy ngẫm.


M. Nowicki kể rằng, đã từng nói chuyện với Noam Chomsky tại Massachusttes Institute of Technology, nơi Noam Chomsky giảng dạy những năm 50, ông thấy con người Noam Chomsky chẳng có gì đáng thu hút đám đông. Giọng Chomsky đơn điệu, nét mặt hầu như không thay đổi. Một lần trong buổi dự thính Noam Chomsky thuyết giảng, có lúc M. Nowicki không chăm chú nghe mà nhìn xuống đọc tài liệu, Chomsky phát hiện ra và phản ứng rất kỳ cục. Ông ta nói gần như thì thầm. Nowicki viết: “Thật khó xem đây là biểu hiện của sự khiêm tốn – ông ta cư xử giống hệt nhân vật nào đó của nhà văn lãng mạn Pháp Stendhal. Nói rất nhỏ, bởi vì ông ta muốn mọi người phải chú ý, tất cả những câu chuyện gần xung quanh phải biến mất!”.

Chứng minh cho luận điểm của mình về Noam Chomsky, M. Nowicki viết:
“Năm 1979, Robert Faurisson, giáo sư văn khoa của đại học Lyon khẳng định rằng, ‘những căn hầm giết người bằng khí độc và sự diệt chủng người Do Thái tại Holocaust, cái này, cái kia đều là dối trá’. Faurisson bị dư luận xã hội lên án tơi bời, nhưng Chomsky lại đứng ra bảo vệ. Ông ta viết lời mở đầu cho cuốn sách của Faurisson và nói rằng, trong thực tế, Faurisson ‘thuộc một giới cấp tiến nào đó phi chính trị’, còn mọi người tấn công quan điểm của Faurisson chẳng khác gì khủng bố quyền tự do ngôn luận. Để chứng tỏ hơn tình đoàn kết, Chomsky cho Faurisson tác quyền xuất bản một số sách của mình, cứu Faurisson khỏi bị phá sản. Sách của Chomsky xếp theo các danh mục khác nhau trong đó có loại nằm cạnh di sản của trùm phát xít Đức Goebbels”.

Tôi nghe tiếng tăm của Noam Chomsky nhưng không biết nhiều về các lĩnh vực nghiên cứu của ông. Thú thật, nếu không đọc bài viết của Nowicki tôi không hề biết tới các quan điểm và hành động của Chomsky đối với những vấn đề được nêu trên đây. Nếu vậy thì rõ ràng Noam Chomsky đồng loã với tư tưởng của Ahmadinejad, tổng thống Iran, người đòi xét lại Holocaust, hay nhà văn Anh quốc David Irving, trong năm 2006 đã bị toà án Áo kết án 3 năm tù về tội phủ nhận Holocaust.

Các nạn nhân của Holoscaust/Oswiecim-Auchwitz Ba Lan
http://talachu.org/wordpress/wp-content/uploads/2009/03/oswiecimauchwitz-250x300.jpg

Tôi đã thăm Oswiecim tại miền Nam Ba Lan – Holocaust lớn nhất tại châu Âu, là di sản lịch sử văn hoá được bảo tồn bởi Unesco và nhiều quốc gia châu Âu khác. Nơi đây có hơn một triệu người đồng hương Do Thái của ông Chomsky bị giết hại.
Tôi không thể nào lý giải được vì lý do gì mà Noam Chomsky lại có cách nhìn và hành động trái khoáy đến vậy về một ấn tích lớn của lịch sử nhân loại?

Nowicki viết tiếp:
“Noam Chomsky không những mắc phải những lầm lẫn không thể tha thứ khi viết về chính trị, mà nhiều bài của ông vượt ra khỏi giới hạn phi lý. Những năm 70, trong lúc Khmer Đỏ giết hàng triệu người ở Cambodia, Chomsky nói rằng, đấy chỉ là những đồn đại giả dối. Khi các chứng cứ, tư liệu được đưa ra, Chomsky viện dẫn rằng, những kẻ tị nạn bịa chuyện để làm vui lòng các nhà báo ngoại quốc. Cuối cùng, thấy không thể nào bao biện được nữa, ông ta đổ tất cả tội lỗi cho người Mỹ! Trong thập niên 90, ông ta khen ngợi nhà độc tài Nam Tư Milosevich và nói việc diệt chủng sắc tộc ở Srebrenica do báo chí dựng chuyện. Về Liên Xô, Chomsky đã có lúc viết rằng, sự thống trị của người Nga ở Đông Âu là thiên đường thực!”
“Cùng với sự ngợi ca Pol Pot và bắt tay với những kẻ xuyên tạc sự thật về Holocaust, tiếng tăm của Chomsky đã có lúc mờ nhạt. Càng ngày người ta càng nghĩ rằng Chomsky ảo tưởng và hoang dã. Tiếp đến 11 tháng 9 năm 2001. Sự hung hăng của George W. Bush trong việc tìm cớ tiến công Iraq khiến những điều nói dối lớn nhất cũng không còn làm dư luận chú ý nhiều”.

Ở đời, bực thì người ta chửi rủa, không chấp thì cười khẩy mỉa mai với những anh đầu bắp cải, lùn đạo đức nhưng thích rao giảng. Tỷ như mấy tay nông dân làm lãnh đạo, cả đời chưa đọc trang sách nào của Carl Marx (hoặc đọc mà chẳng hiểu gì), nhưng lại hô hào, thậm chí bắt thần dân phải tôn thờ, lấy tư tưởng của ông ta làm kim chỉ nam cho mọi hành động, chẳng hạn.
Đằng này, điều tôi muốn chia sẻ ở đây là nhận xét về một nhà trí thức tầm cỡ thượng thặng.
Cho nên, tôi thực khoái chí khi M. Nowicki lấy nhận xét của Richard Posner trong cuốn sách của ông nói về Public Intellectuals: “Có nhà khoa học khi đã đạt được danh vọng trong lĩnh vực của mình, có thể dùng uy tín để dạy đời người khác những vấn đề mà trong đó hắn ta chỉ là một thằng đểu, không hơn không kém”.

Và cuối cùng Nowicki kết luận:
“Không tồn tại ví dụ nào điển hình hơn hiện tượng Noam Chomsky”
------------------------------------------
Chú thích:
- [1] : Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14597&rb=0402)
- [2]: Maciej Nowicki là nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, từng giữ chức phó chủ tịch Commission on Sustainable Development của Liên hiệp quốc, vịện sĩ Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật châu Âu có trụ sở tại Salzburg, hiện là bộ trưởng Bộ Môi trường Ba Lan, biên tập viên tạp chí Europa Magazine của Axel Springer. Bài đã dẫn đăng trên chuyên mục Feuilleton 31/10 – 2/11/2008. Axel Springer là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới với 150 tờ báo và tạp chí tại 30 quốc gia. Tại Ba Lan, Axel Spring phát hành ấn bản tiếng Ba Lan một số báo có uy tín như như nhật báo Dziennik, The Wall Street Yournal, Newsweek, Fobers, v.v… nhưng cũng có những tờ thuộc thể loại taboid (bình dân/ lá cải) như Fakt, Super Express (như Bild ở Đức hay The Sun, Daily Mirror ở Anh).


No comments: