Sunday, March 1, 2009

MA CHIẾN HỮU VÀ LỖ ĐEN TRONG XUẤT BẢN

"Ma chiến hữu" và lỗ đen trong xuất bản
TRANG HA ’ s Blog
Saturday February 28, 2009 - 04:45am (CST)
http://blog.360.yahoo.com/blog-Vu7viS0laaeZd4RQ7woX3YU-?cq=1&p=22617

Tuần lễ cuối cùng của tháng Hai trôi qua không êm ả, bởi những tranh luận sôi sục của cư dân mạng được khơi mào từ bài viết ngày 22/2 của blogger Người Buôn Gió: "Sự khốn nạn trong nền văn hoá Việt Nam hiện nay" chỉ trích cuốn sách văn học "Ma chiến hữu" - tác giả Mạc Ngôn (TQ) do Trần Trung Hỷ dịch.

Thực chất, "Ma Chiến Hữu" đã được Mạc Ngôn viết xong từ 17 năm trước và được NXB Văn Học xuất bản cách đây tròn một năm, nó chưa hẳn đã là "món quà cho kỷ niệm ba mươi năm Chiến tranh biên giới 1979" như nhiều bạn đọc đồn đại.

Tuy nhiên "Ma chiến hữu" chứa đựng những thông điệp đã vượt quá khuôn khổ của văn học, khiến nhiều bạn đọc, trong đó có tôi, bất bình với tác phẩm này. Sau khi đọc và so sánh với nguyên tác tiếng Hoa "Chiến hữu trùng phùng", tôi nhận thấy lỗi nghiêm trọng không đến từ cuốn sách này mà lại đến từ đơn vị xuất bản, cụ thể là từ người dịch, người tổ chức bản thảo và biên tập của Công ty văn hoá Phương Nam (PNC).

1. Đầu tiên, về hình thức, cuốn sách "Ma chiến hữu" không được ghi rõ thể loại là tiểu thuyết hay truyện dài, không có lời giới thiệu, không có lời dịch giả, không có cứ liệu nào chỉ dẫn cho bạn đọc ngoài ba câu dẫn đề đưa ra trang bìa cộng với những hình ảnh phản cảm minh hoạ những người lính Trung Quốc mặc quân phục đã tham gia đánh Việt Nam. Ba câu dẫn đề làm bạn đọc hiểu rằng "Ma chiến hữu" đang "ca tụng" thứ gọi là "chủ nghĩa anh hùng" (mà đọc vào nội dung bên trong mới hiểu là ca tụng chủ nghĩa anh hùng của chính những kẻ mang quân sang bắn giết người Việt Nam). Và những hình minh hoạ làm xốn xang con mắt khi hình dung nó được đặt trong bối cảnh của truyện, tức là trong những trận đánh mà đầu súng hòn đạn chĩa thẳng sang Việt Nam.
Nếu người dịch và PNC chịu khó google năm phút thì sẽ thấy, ngay chính tác giả Mạc Ngôn cũng nhiều lần lên tiếng rằng, truyện dài "Chiến hữu trùng phùng" của ông không phải là tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh như đại đa số tiểu thuyết chiến tranh, nhất là tiểu thuyết chiến tranh của Nga rất chuộng những hình tượng anh hùng, ca ngợi anh hùng. Ông chỉ muốn đưa ra thông điệp rằng, người lính ra trận cũng chỉ là con em nông dân, cũng là con người. Và ông muốn nhấn mạnh rằng ông rất đau đớn khi thấy Trung Quốc và Việt Nam giờ đây bắt tay hữu nghị trở lại.
Ba câu dẫn đề của PNC đi ngược lại nội dung của tác phẩm và tinh thần của tác giả, lại gây phản cảm sâu sắc trong người đọc - là những người Việt Nam bình thường và đều ít nhiều cảm thấy đau đớn mỗi khi nhắc tới cuộc chiến tranh năm 1979. Ít nhất nó làm bạn đọc hiểu lầm tinh thần của sách. Nếu PNC có một người biên tập tốt hơn, người tổ chức bản thảo sâu sát và nắm rõ tác phẩm hơn, để ý hơn đôi chút về lịch sử và chính trị, hẳn đã tránh được điều này.

2. Về nội dung, nhiều bạn đọc cho rằng "Ma chiến hữu" chỉ đơn thuần là một tác phẩm phản chiến. Mạc Ngôn căm ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa, và Mạc Ngôn cho rằng người hy sinh là vô ích, chính Mạc Ngôn cũng phản đối cuộc chiến 1979. Tuy nhiên, nhiều bạn không biết rằng trong lời giới thiệu của Mạc Ngôn và Nhà xuất bản khi in tại Trung Quốc, cuốn sách này lại được giới thiệu là một tác phẩm về Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc của TQ (Có thể google để tìm tên sách + Mạc Ngôn trên các trang bán sách online, giới thiệu ebook, giới thiệu tác phẩm để đọc lời giới thiệu sách ghi rõ như thế. Hoặc theo dõi video clips Mạc Ngôn trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Công Cộng Đài Loan 2008).
Cho đến nay, Mạc Ngôn cũng như Nhà xuất bản của TQ và hàng triệu người TQ khác đều cho rằng cuộc chiến tranh 1979 là Trung Quốc buộc phải tự vệ, bởi Việt Nam xâm lấn và gây hấn. Và tất nhiên, đã gọi là cuộc chiến Vệ Quốc tức là mặc nhiên họ (lính Tàu) phải đứng lên cầm súng, là tất phải nổ ra chiến tranh, nên nếu nói Mạc Ngôn phản đối cuộc chiến tranh Trung-Việt 1979 thì e là bạn đọc Việt Nam quá ưu ái mà thanh minh hộ cho người lính và người viết Trung Quốc.
Mạc Ngôn hy vọng tác phẩm "Chiến hữu trùng phùng" là phản chiến, nhưng đồng thời cũng không hề có căn cứ nào để nói Mạc Ngôn lên án cuộc chiến năm 1979. Trong truyện chỉ đọc được chi tiết Mạc Ngôn cho nhân vật thất vọng khi thấy quan hệ Trung- Việt bình thường hoá trở lại. Ngay cả Mạc Ngôn khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài cũng nói, ông ta buồn vì điều đó.
Dường như nỗi niềm của Mạc Ngôn tại thời điểm chiến tranh 1979 và thời điểm viết sách 1992 đều đi ngược lại mong ước của hàng chục triệu người Việt Nam.

3. Trong cuốn sách này, hình ảnh người lính (hoặc ma lính) Việt Nam đặt cạnh người lính (hoặc ma lính) Trung Quốc được miêu tả như: người Việt Nam dùng vũ khí của TQ để đánh lại chính TQ, gặp gái giữa đường bèn bỏ rượt đuổi kẻ thù mà dừng lại xúm vào véo mông sờ vú con gái, gặp hàng quán sà vào đánh chén và uống bia Tàu v.v...
Những chi tiết đâu đó thực chất có thể xử lý khéo léo trong quá trình dịch và biên tập. Không thể đổ lỗi rằng bởi vì cuộc chiến ba mươi năm trước vẫn quá gần, và không phải người dịch hoặc người biên tập nào cũng tinh ý trước những yếu tố lịch sử và chính trị trong các tác phẩm văn học.

4. Tôi vẫn cho rằng người dịch không nên chỉ là người chuyển ngữ, tốt nhất nên là người dẫn dắt tác phẩm tới người đọc một cách toàn diện, bao gồm cả đề xuất ý kiến trong lĩnh vực quảng bá, thiết kế, in ấn phát hành, bởi hơn ai hết người dịch cho dù chưa đọc tác phẩm thì cũng buộc phải nắm rõ những vấn đề về tác phẩm trước khi dịch. Trong trường hợp này, bỏ qua một vài lỗi dịch thuật (ví dụ hoa xương rồng thì dịch là hoa Bàn Tay Tiên, có trời mà biết cây Bàn Tay Tiên có phải là họ nhà cây Bàn Chân Tiên thuộc dòng thực vật Bàn Tọa Ông Tiên chăng?) thì người dịch chưa làm tốt việc của mình.
Vậy làm tốt là gì?
Là người Việt, biết chiến trận 1979, biết tinh thần của tác phẩm có tiền đề là gì, thì nên góp ý với PNC rằng, huỷ cuốn này đi, đừng thành cớ khơi dậy nỗi phẫn nộ của người dân VN. Ai cũng cần kiếm tiền, cả người dịch lẫn người làm sách và NXB, nhưng món tiền này, cầm không ấm tay đâu. Vả chăng đây cũng là một cuốn của Mạc Ngôn không được bạn đọc Trung Quốc đánh giá cao, cho là viết xuống tay so với các tác phẩm trước.
Hoặc đơn giản hơn nhiều, chỉ cần có một lời đầu sách nghiêm túc và khoa học, viết rõ những vấn đề của cuốn sách, nói rõ rằng đây là một tham chiếu thú vị để biết phía bên kia chiến tuyến viết gì về cuộc chiến 1979, để bạn đọc khỏi tưởng lầm rằng PNC và NXB Văn Học đang ra sách ngợi ca những tên lính Trung Quốc tham gia vào những ngày bắn giết đẫm máu dân và quân Việt Nam.
Khi sách được xuất bản dưới hình thức liên kết, toàn bộ nội dung và chất lượng của cuốn sách phụ thuộc vào đơn vị liên kết xuất bản chứ không phụ thuộc vào Nhà xuất bản, thì những "Ma chiến hữu" thực sự là một "lỗ đen" dễ dàng hút vào đó tất cả những yếu kém hoặc thiếu sót trong quá trình thực hiện để cho ra đời một cuốn sách. Và bày ra trước bạn đọc như một sự thật sững sờ, rằng, bạn đọc cứ phẫn nộ đi, đằng nào thì sự cũng đã rồi.

5. Mạc Ngôn có thể chưa biết phản ứng của độc giả Việt Nam, có ý kiến cho rằng thậm chí ông cũng còn chưa biết "Chiến hữu trùng phùng" được phát hành tại Việt Nam.

Những bài viết liên quan:

Người Buôn Gió: "
Sự khốn nạn trong nền văn hoá Việt Nam hiện nay".
Tuấn Khanh: "
Hãy cứ bán đi tất cả phần mình, nhưng xin giữ lại lương tri"
Hoàng Linh: "
Anh hùng"
Na Son: "NXB Văn học xuất bản sách ca ngợi lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới 1979"
Người Buôn Gió: "Khía cạnh văn học?"
Linh: "Ma chiến hữu"
Sweet tears: Từ "Ma chiến hữu" tới" Chú Mìn Phủ và tôi".
Nguyễn Xuân Diện: "
Ý kiến của tôi về Ma chiến hữu"
Mr.Do: "
Ma chiến hữu, con ma nào ở đây?"
Lê Phú Khải: "Nhà xuất bản Văn Học muốn gì?"
Cavenui: "
Entry for February 25, 2009"
http://blog.360.yahoo.com/blog-i.U6an4yerAX8Y8GHAJtCrw-?cq=1&p=1109#comments



Ma chiến hữu tái bản
Linh’s Blog

Saturday February 28, 2009 - 01:08am (PST)
http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1

Trong khi trên blog đang sục sôi không khí phản ứng với cuốn sách Ma Chiến Hữu, buộc tội NXB Văn học tiếp tay cho ngoại bang...thì nhà xuất bản này đã tranh thủ tái bản cuốn sách này, với 1 cái bìa mới, thay cho các chiến sĩ Trung Quốc trong nghĩa trang là hai anh nông dân nghèo mặt mũi nhăn nhó. Số trang sách cũng tăng lên từ 200 lên 214 (chưa nhìn thấy sách nên không rõ là có thêm lời giới thiệu hay ghi chú gì không). Giá bán cũng tăng gấp rưỡi, từ 23.000 lên 35.000. Xem ra các tranh luận xôn xao quanh cuốn sách này đã giúp NXB này bán nốt số sách còn thừa (xuất bản từ tháng 3/2008) vẫn lay lắt, chỏng chơ ở các hiệu sách để kịp tái bản nó.


Xem cụ thể ở đây.

Ma Chiến Hữu - Tái Bản
http://www.saharavn.com/sach-Ma%20Chien%20Huu%20-%20Tai%20Ban%20/page=1&sub=105&script=index&page_num=1&product=35839



No comments: