Wednesday, March 4, 2009

HẾT VÔ TỔ QUỐC

Hết vô tổ quốc
Trịnh Hội
Viết cho bbcvietnamese.com
Cập nhật:10:38 GMT - Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090302_trinh_hoi_palawan.shtml
Thế là cuối cùng câu chuyện tỵ nạn của hàng ngàn người Việt ‘vô tổ quốc' ở Palawan, Phi Luật Tân cũng đã đến hồi kết cuộc.

Thứ bảy, ngày 28 tháng 2 năm 2009 văn phòng ở Manila, nơi đã đưa những người Việt tới các ‘miền đất hứa' đã đóng cửa.
Hôm qua ngồi họp với 4 gia đình tỵ nạn Việt Nam cuối cùng vẫn còn kẹt lại tại Phi, tôi hồi tưởng lại mới hôm nào mỗi khi có những cuộc họp như thế này.
Những khi đó phải có ít nhất là vài trăm cho đến một, hai ngàn người kéo nhau đến chen chúc trong những phòng họp nghèo nàn chật hẹp để nghe ngóng tin tức.
Thế mà hôm nay, cảnh vẫn còn đó nhưng người thì đã xa hẳn trên nửa vòng trái đất. Kẻ ở Cali, Houston, người sang Canada, Na Uy, Thụy Điển.
Có còn chăng là những chồng hồ sơ cũ kỷ, những tấm hình treo trên tường nay đã bạc màu. Và một trời kỷ niệm, buồn ít vui nhiều, của những tháng ngày khá thiếu thốn nhưng lại đầy tình người, nhân ái, niềm tin và hy vọng.

Mà đúng là thiếu thốn thật. Ngày tôi nghỉ việc ở văn phòng luật sư Pam Baker tại Hồng Kông bay đến Manila lần đầu tiên vào năm 1997, tôi không biết ai trong số người Việt ở Palawan.
Được sắp xếp cho ở chung với những người tỵ nạn trong một căn hộ nhỏ do một sư cô đứng ra đảm nhiệm và biến nó thành một ngôi chùa dã chiến.
Lúc ấy ‘văn phòng' của tôi cũng là phòng ngủ của tôi và chiếc giường ngủ gỗ không đệm ban ngày được biến thành bàn làm việc nơi tôi tiếp xúc các thân chủ mới.
Văn phòng lúc ấy chưa có điện thoại vì vào thời điểm đó ở Phi Luật Tân tệ lắm.
Muốn bắt điện thoại thì người dân phải đợi ít nhất là 5 năm thì mới đến phiên mình.
Thế là cứ mỗi lần tôi muốn liên lạc với các tòa đại sứ thì tôi phải chạy sang nhà hàng xóm người Phi xài điện thoại ké, mỗi cú chỉ tốn khoảng 10 pesos (20 xu Mỹ).
Dĩ nhiên nếu lúc ấy tòa đại sứ muốn liên lạc lại thì phải đành chịu.

Cười ra nước mắt

Cũng may là chỉ khoảng một năm sau thì chính phủ Phi cho các công ty tư nhân vào đầu tư trong lãnh vực truyền thông.
Có lẽ ngay cả lúc ấy họ cũng đã hiểu thấu được câu nói của nhà biên kịch Anh Oscar Wilde mà tôi rất thích: We are all in the gutter, but some of us are looking at the stars.
Thế là vào một ngày đẹp trời, điện thoại nhà được gắn, máy fax chạy ngon lành và không ít lâu sau thì ngay cả internet cũng được làm quen trong căn phòng nhỏ hẹp (và ngủ được 6 người nếu chịu nằm nghiêng).
Nhưng chuyện nước nôi thì phải đợi đến khi văn phòng dời về khu chợ trời Baclaran đầy những người và người thì mới đỡ nhọc hơn.
Đỡ phải lo đi lấy nước chỉ được mở vỏn vẹn trong vòng 3 tiếng từ 8 cho đến 11 giờ tối.
Mọi người lúc ấy mạnh ai lo đi lấy nước chứa để xài cho cả ngày hôm sau. Chuyện dùng gàu xối tắm nước lạnh là chuyện đương nhiên. Nhưng tắm nước lạnh nó có cái thú riêng của nó.
Đồng ý là ca nước xối vào người đầu tiên thì... rùng mình thật. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục xối nhanh liên tiếp 3, 4 lần thì sau cái rùng mình ban đầu, bạn sẽ cảm thấy rất là sảng khoái và... đã.
Qua những lời kể trên có lẽ một số bạn đọc cảm thấy cuộc sống lúc đó của tôi và những người tỵ nạn có phần khó khăn và thiếu thốn. Nhưng thành tâm mà nói thì thật sự đó chỉ là, nếu dùng ngôn từ của người tỵ nạn thường dùng, ‘chuyện nhỏ'.

Ít nhất ra là đối với riêng tôi. Nhìn lại quãng đường đã đi qua được bắt đầu từ 12 năm về trước, tôi không thể nào ngờ là tôi đã may mắn tìm được cho mình một niềm tin lâu dài, một nguồn vui bất tận như thế.
Đã không biết bao lần, tôi và các anh chị em tỵ nạn Palawan gặp chuyện cười rũ đến phải ra nước mắt.
Những lần đi chơi xa, BBQ bên biển vắng, chơi u, leo núi, lặn tìm rùa ở El Nido, đi nhảy disco với đám nhóc tỵ nạn mà tôi phải xin phép cho các em đi (và dĩ nhiên là ba mẹ cho đi vì lúc ấy tôi được rất ư là tin tưởng!), cho đến party ‘despedida' này, qua party tạm biệt khác tiễn đưa bạn bè về miền đất hứa.

Không như trong thời gian gần đây khi chúng ta xin được mỗi lần một vài trăm người đi định cư (và đối với Mỹ là 1,600 người trong một lúc), ngày trước làm được một hồ sơ OK là cả văn phòng ai cũng ăn mừng cho người vừa tìm được một tấm vé định cư sau bao ngày tháng chờ đợi đi bán dạo kiếm sống qua ngày.
Hình như trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế, khi con người bị đặt vào tình huống chẳng làm gì khác hơn được thì họ lại dễ vui hơn. Dễ cười, dễ giận, dễ khóc và dễ để lộ bản chất chân thật của mình. Bởi tương lai đâu có gì tốt hơn để giữ kẽ.

Kỷ niệm ngọt ngào

Hôm nay ngồi một mình trong căn phòng tĩnh lặng ở Manila mà cách đây không lâu luôn ồn ào, náo động, hồi tưởng lại ‘cái thuở ban đầu lưu luyến ấy', bỗng nhiên tôi lại nghĩ thì ra con người là thế.
Chúng ta cũng thường chọn và chỉ ghi nhận lại những kỷ niệm ngọt ngào, những điều hay, cử chỉ đẹp mà chúng ta đã qua trải nghiệm.
Tuy nó không đầy đủ, không sát với thực tế, nhưng nó lại giúp cho ta có một cảm giác dể chịu và cảm thấy ấm lòng hơn khi nghĩ về quá khứ. Khó có ai và cũng không may mắn cho ai nếu như trong tâm khảm của họ chỉ khắc ghi những hoàn cảnh cay nghiệt, của khổ đau và mất mát.

Riêng về câu chuyện tỵ nạn Phi Luật Tân và những chặng đường mà tôi cùng với 2,500 người Việt vô quốc gia đã lần lữa bước qua kể từ khi trại tỵ nạn Palawan đóng cửa vào năm 1997, có lẽ bài viết này chỉ có thể dùng để làm tiền đề cho một quyển sách dài ít nhất cũng phải như là quyển trường thiên tiểu thuyết ‘Chiến Tranh và Hòa Bình' của nhà văn Nga Leo Tolstoy.
Họa chăng lúc ấy tôi mới có đủ thời gian và sách giấy để ghi nhận lại tất cả những vui, buồn, thăng trầm của những ngày lội nước lụt vào tù làm hồ sơ cho con lai, hoặc chính người tỵ nạn tay không (mà giấy tờ cũng không) nhưng dám ra Thượng Viện tranh cãi với Giáo Hội Công Giáo Phi.
Chắc chắn không thể thiếu những gương mặt, những nhân vật đã nổi đình, nổi đám của một thời tỵ nạn.
Một Chủ Tịch Chế Nhật Giao của Làng Việt Nam.
Một nữ tu có cái tên và cá tính khá đặc biệt: Sơ Pascale Lê Thị Tríu.
Và dĩ nhiên là hàng chục, hàng trăm người khác đã góp công, góp sức, góp tiền, và góp cả một khoảng đời của họ cho cuộc vận động đến hôm nay có thể nói là đã thành công viên mãn.

Từ những người vào cuộc lúc đầu tiên như Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng của tổ chức Boat People SOS, Dân Biểu Trần Thái Văn lúc ấy vẫn chưa tham gia chính trường, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân và Trần Kinh Luân của tổ chức LAVAS, cho đến Bác Sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Anh Đoàn Việt Trung của Cộng Đồng Người Việt ở Úc, Tiến Sĩ Lê Duy Cấn và Liên Hội Người Việt ở Canada, Thầy Thích Nguyên Thảo và Chùa Hoa Nghiêm ở Vancouver, tổ chức phi chính phủ VOICE mà tiền thân của nó chính là căn phòng dã chiến này.
Những thiện nguyện viên đến từ khắp năm châu mà tôi không thể nào nhớ hết: Shamiso từ Zimbabwe, Diễm Kiều từ Na Uy, Tom & Alex từ Anh, Quân, Thi, Jared, Anh từ Mỹ, Vy & Chị Nhung từ Canada, Matt từ New Zealand, Alison, Trang, Lisa & Linda từ Úc.
Những chính trị gia nổi tiếng đầy quyền lực: Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Gene Dewey và Bà Kelly Ryan, Thượng Nghị Sĩ John McCain & Edward Kennedy, Cựu Bộ Trưởng Bộ Di Trú và Bộ Tư Pháp Úc Philip Ruddock, Bà Bộ Trưởng Diane Finley của Canada, etc.
Không thể nào kể hết ra được từng người ấy, từng sự kiện, khúc quanh trong bài viết này. Cũng như tôi không thể nào có thể chia sẻ đầy đủ và sống lại với bạn đọc tấm lòng và cảm xúc của những nhà báo, nghệ sĩ đã tham gia đóng góp vào công cuộc đấu tranh khi bão táp dồn dập tưởng chừng như không thể nào thoát ra được.
Nếu không có họ các Anh Du Miên, Ngụy Vũ, Nam Lộc, Cô Khúc Minh Thơ, Anh Công Thành & Lyn, Kỳ Duyên, Như Quỳnh, Trizzie Phương Trinh, Bằng Kiều, Trúc Linh, Thanh Hà, và nhiều nhiều người khác nữa, chắc chắn chúng ta không có được ngày hôm nay. Vợ đã gặp được chồng, anh em sum họp.
Nhưng mà thôi. Đấy là chuyện của quá khứ và nếu có dịp sẽ là tiền đề cho quyển sách đầu tay của tôi trong tương lai.

Riêng trong giờ khắc cuối cùng này, tôi chỉ cần biết nếu như Úc là nơi tôi đã tốt nghiệp ra trường, Hồng Kông và văn phòng luật sư Pam Baker là nơi tôi có cơ hội thực tập & học hỏi, thì quần đảo Philippines, Palawan và thủ đô Manila là nơi tôi đã trưởng thành trong vòng tay nhân ái, đùm bọc của những người Việt tỵ nạn.
Nếu không có họ, tôi sẽ không có ngày hôm nay. Họ kém may mắn, nhưng lại luôn tràn đầy niềm tin và hy vọng.
Có lẽ ngay cả lúc ấy họ cũng đã hiểu thấu được câu nói của nhà biên kịch Anh Oscar Wilde mà tôi rất thích: We are all in the gutter, but some of us are looking at the stars.
Độc giả nào dịch được câu nói này hoàn chỉnh nhất xin vui lòng email cho tôi ở địa chỉ
hoitrinh@hotmail.com.
Xin cảm ơn tất cả.



No comments: