Wednesday, March 4, 2009

CUNG ĐÌNH CỘNG SẢN HÀ NỘI (1)

Cung đình Cộng sản Hà Nội từ 1991 đến 2008 [1]
Bùi Tín
Đăng ngày 07/05/2008 lúc 18:18:58 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2788

Lời mở đầu

Vì sao lại cần nghiên cứu chuyên đề này ?
Từ cuối năm 2001, các bạn tôi từ Hà Nội cho biết có một chính phủ MA ở Hà Nội. Tôi tưởng đây là câu nói đùa cho vui. Thế mà là sự thật. Một sự thật thâm thuý, không dễ thấy. MA là gì. Phải chăng đó là viết tắt tên của hai nhân vật tuy đã về hưu nhưng vẫn còn quyền uy lớn đối với chế độ cộng sản hiện hành? M là chỉ ông Mười, Đỗ Mười; A là chỉ ông Anh, Lê Đức Anh. MA là M+A một cặp nhân vật gắn bó với nhau: Mười + Anh.
MA còn có nghĩa là ma quỷ, là có những mưu đồ thâm hiểm xảo quyệt, có hại cho dân cho nước. MA còn có nghĩa nữa là không có thật, nhưng do lòng tin mù quáng của một số người đời mà thành ra có uy quyền, gây nể sợ cho xã hội. Như con ma ở gốc cây đa, không có thật, nhưng do mê tín của người yếu bóng vía nên được kinh sợ, được cúng bái, dâng lễ, cầu xin sự che chở và ban ơn, ban bổng lộc, hạnh phúc.
Cũng từ Hà Nội các bạn tôi nói đến Cung Vua và Phủ Chúa. Ý nói Cung đình Hà Nội có thể ví như một triều đình phong kiến, Tổng bí thư có uy quyền tối cao, như một Hoàng đế, là kẻ có quyền quyết định tối cao và cuối cùng. Thời xưa, có Vua tốt, tài giỏi, đức độ, là ''Minh Quân'', có Vua xấu, dốt, ăn chơi trác táng, như vua ''Ngọa Triều ''.
Quanh Vua là Tứ trụ triều đình; nay trong Cung đình cộng sản là Uỷ viên Thường trực Bộ chính trị, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tich Quốc hội.

Còn Phủ Chúa là ai ? là cái thế lực không có tên gọi, danh xưng chính thức, không có trụ sở chính thức, không có bộ máy chính thức, chỉ có M+A, chỉ có 2 nhân vật đã nghỉ hưu, nhưng vẫn có thế lực và quyền uy, có công cụ không thể coi thường. Xưa kia, có những thời kỳ có hai quyền lực song song tồn tại, phối hợp rồi lại cạnh tranh với nhau, vua Lê - chúa Trịnh trong thế kỷ thứ 16.
Tình trạng Cung Vua và Phủ Chúa trong chế độ độc đảng ở Việt Nam gần đây là có thật. Không những thế, nó còn là chìa khoá để có thể hiểu rõ được mọi diễn biến chính của thời cuộc Việt Nam, của diễn biến thời sự ở Việt Nam, những thành đạt và nhất là những trở ngại, mâu thuẫn và nghịch lý ở Việt Nam trên con đường ''đổi mới'' và ''hòa nhập'', từ khoảng năm 1991, nghĩa là từ đại hội VII Đảng CS Việt Nam đến nay.
Nó xứng đáng được đặt thành một chủ đề để khảo cứu một cách nghiêm chỉnh và khoa học, nhất là đối với các nhà hoạt động chính trị, những tổ chức và cá nhân đối lập với chính quyền độc đảng toàn trị, những trí thức yêu nước, nhà văn hoá, hoạt động văn học nghệ thuật chuộng tự do sáng tạo, các bạn trẻ khao khát cống hiến cho tổ quốc.

I. Hoàn cảnh dẫn đến tình trạng ''cung Vua và phủ Chúa''

1- Sự sụp đổ của phe Xã hội chủ nghĩa (XHCN) và khủng hoảng chế độ chính trị ở Việt Nam

Các nước XHCN ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng chính trị vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, dẫn đến các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Bun Ga Ri, Hun Ga Ri, Nam Tư... chuyển từ chế độ độc đảng lên đa đảng, rồi sự kiện bức tường Berlin đột nhiên sụp đổ tháng 11-1989 dẫn đến hòa bình thống nhất nước Đức trong chế độ dân chủ đa đảng đã là những sự kiện chính trị cực kỳ chấn động vào cơ quan lãnh đạo Đảng CS Việt Nam. Niệm tin vững chãi do mù quáng giáo điều vào sự bất khả xâm phạm và thế tất thắng của phe CNXH bị tiêu tan trong thực tế; lý luận cơ bản về ''bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội (mác-xít) trên phạm vi toàn thế giới'' bị thực tế bác bỏ. Một không khí ảm đạm, dao động, cho đến hoang mang và bi quan bao trùm đảng. Bộ chính trị đảng CS Việt Nam cố trấn tĩnh khi nhận những tin dữ, như vợ chồng ''đồng chí tổng bí thư Xéuxescu'' ở Rumani bị xử bắn và ''đồng chí tổng bí thư Honecker'' ở Berlin bị quản chế, chờ ngày ra tòa.
Niềm an ủi duy nhất đối với nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lúc ấy là dù sao Liên Xô thành trì của phong trào cộng sản quốc tế còn tồn tại, và vẫn còn tồn tại vài nước cộng sản khác: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba; có thể kể thêm Lào nữa.
Một thời gian sau đó, vào tháng 8-1991, tình hình Liên Xô đột biến, cuộc đảo chính nhằm lật đổ tổng thống Gorbachev thất bại, Đảng CS Liên Xô bị giải thể, Liên bang Xô Viết tan vỡ, tổng thống Yeltsin lên cầm quyền với một nước Nga đa nguyên đa đảng. Trên thế giới, chiến tranh lạnh giữa 2 phe chấm dứt. Phong trào cộng sản quốc tế tan vỡ. Đây là một cơn động đất chính trị kinh hoàng đối với nhóm lãnh đạo CS cầm quyền ở Hà Nội. Vì suốt nửa thế kỷ, đảng CS Liên Xô và Liên bang Xô Viết là chỗ dựa vững chắc về tư tưởng, lý luận, chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, là Người Thầy, là Ngôi sao, là Khuôn mẫu, nguồn cung cấp vũ khí - tên lửa, máy bay, rada, tàu chiến -, trang bị kỹ thuật công nghiệp, lương thực, ngoại tệ...

2- Trước một sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định

Nhóm lãnh đạo CS ở Hà Nội đứng trước một sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định cả về đường lối đối nội và về đường lối đối ngoại.
Về đối nội, có nên tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (mác-xít) và chủ nghĩa cộng sản như đã thực hiện lâu nay hay không ? Hay nên theo con đường chuyển biến từ chuyên chế sang dân chủ, từ độc dảng sang đa nguyên đa đảng như một số nước ở Đông Âu cùng nước Nga và một số nước thuộc Liên Xô cũ vừa trải qua, theo con đường Perestroika (cải tổ) và Glasnost (minh bạch) do Gorbachev đề xướng?
Về đối ngoại, có nên rời bỏ phong trào cộng sản quốc tế đã tan rã và phe xã hội chủ nghĩa đã tan vỡ, để hòa nhập dứt khoát vào thế giới dân chủ gồm tuyệt đại đa số nước đã thực hiện chế độ chính trị đa nguyên đa đảng, lấy xã hội công dân, với tự do ngôn luận, báo chí, bầu cử làm nền tảng?
Thật ra đã không có một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh trong đảng CS, trong quốc hội, trong bộ máy chính quyền, trong giới trí thức-học thuật cũng như trong giới truyền thông báo chí ở nước ta. Sự thật đáng sợ quá!
Qua nửa thế kỷ cầm quyền của đảng CS trên miền Bắc và hơn 16 năm trên cả nước, quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận của người dân đã bị thủ tiêu, người dân ít có ai giữ được khả năng tư duy độc lập, hầu như toàn dân đã quen với nếp sống đã có đảng lo nghĩ thay cho mình mọi sự. Cả một lớp trí thức đã bị đảng làm cho mê muội, cắt đứt với thế giới tiến bộ, gần như vô cảm đối với vận mệnh dân tộc và cuộc sống mất tự do của nhân dân.
Hệ thống truyền thông như truyền thanh, truyền hình, báo chí đều nằm trọn trong tay đảng, nếu như đảng sáng suốt, minh mẫn, sáng tạo thì dân được nhờ, đảng sai lầm, giáo điều, hủ lậu thì dân đành chịu, chỉ còn biết lắc đầu, thở dài và cam chịu, nếu không muốn chuốc vạ vào mình và gia đình.
Do đó, vào năm 1991, khi đảng CS Liên Xô tắt thở và phe XHCN cáo chung, lẽ ra đảng CS Việt Nam cần có một cuộc nhìn lại mình thật sâu sắc, triệt để, thực hiện một cuộc tự phê bình chân thực đầy trách nhiệm trước dân tộc và nhân dân, bày ra mọi khả năng lựa chọn về con đường sắp tới, lấy ý kiến của toàn đảng và toàn dân, cân nhắc phải trái, hơn thiệt cho thật kỹ càng chu đáo, thế nhưng nhóm lãnh đạo đảng CS đã không làm như thế.
Tệ sùng bái đảng CS, sùng bái lãnh tụ Hồ Chí Minh, đinh ninh rằng đảng và lãnh tụ không bao giờ lầm lẫn, làm cho mỗi con người mất sáng suốt, mù quáng, dù thấy sai cũng không dám nói, biết đường đì sai mà không dám quay lại, đây là bi kịch kinh khủng nhất của đảng CS, của nước ta, trong hơn nửa thế kỷ qua.[1]
Một cơ hội lịch sử đã bị bỏ qua, do bản chất tự mãn, cao ngạo của nhóm lãnh đạo cộng sản, luôn bị tự mình mê hoặc mình về cái gọi là '' chiến công lịch sử đánh thắng liền 3 đế quốc hàng đầu của châu Á (Nhật Bản), châu Âu (Pháp) và châu Mỹ (Hoa Kỳ)''. Những cơn say chiến thắng với căn bệnh kiêu ngạo chủ quan của nhóm lãnh đạo dẫn đến thảm họa sâu thẳm và kéo dài như vô tận của nhân dân bất hạnh không lối thoát.
Trách nhiệm này đè nặng trên vai Bộ chính trị của khoá Đai hội VII ĐCS Việt Nam. Mặt khác, cả một tầng lớp trí thức vốn thông minh hiếu học bị chăn dắt theo kiểu nhồi sọ, giáo điều lâu năm đã trở nên thụ động và vô cảm, để mặc cho tình hình đất nước nổi trôi, tự cảm thấy vô can và bất lực. Với tình trạng ấy, trong đảng và ngoài đảng, khó có thể xuất hiện một nhân vật mà lịch sử cần đến, như một Lech Walesa hay một Vaclav Havel, một Gorbachev hay một Yelsin.
Công bằng mà nói, hồi 1988 có xuất hiện một Trần Xuân Bách trong bộ chính trị, rồi đến 1995 một Trần Độ với quân hàm trung tướng, nguyên uỷ viên trung ương đảng, phó chủ tịch Quốc hội, rồi một Phan Đình Diệu tiến sĩ toán học ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc... lên tiếng đòi chấm dứt nền chuyên chính một đảng, chuyển hướng sang nền chính trị đa nguyên, tiến theo những giá trị dân chủ của thới đại. Những nhân vật này, tuy thất bại tạm thời, đã vớt vát danh dự của cả lớp trí thức còn mê muội và mê ngủ, tự chuốc lấy sự trừng phạt, trả thù và vu cáo của nhóm lãnh đạo, nhưng đã nêu gương sáng quý hiếm về trí tuệ và tâm huyết cho thế hệ tiếp theo.

3 - Chọn phương hướng của Đại hội VII ĐCS Việt Nam


Năm 1986, Đại hội VI họp từ ngày 15 đến 18 tháng 12 quyết định thực hiện đường lối ''Đổi mới''. Một không khí phấn chấn và hy vọng nảy sinh sau hơn 10 năm khủng hoảng triền miên, do bị cô lập và phong tỏa sau khi quân đội ''nhân dân'' Việt Nam vào Kampuchia và ở lại, sa lầy trong gần 10 năm. Việt Nam vào Liên Hợp Quốc từ cuối năm 1977, nhưng chỉ để bị lên án tại đó về hành động '' chiếm đóng lâu dài đất nước Chùa Tháp''. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và cuộc chiến tranh Việt Nam - Khơme Đỏ ở phía Nam (từ 1977 đến 1988) là 2 cuộc chiến do bành trướng Bắc Kinh thực hiện nhằm làm suy yếu Việt Nam toàn diện, Lạm phát lên đến 300, rồi 500% / năm. Tài nguyên kiệt quệ. Chỗ dựa duy nhất ở bên ngoài là Liên Xô cũng đầy khó khăn và khủng hoảng.
Nhóm lãnh đạo do Tổng bí thư Trường Chinh, rồi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (được bầu trong Đại hội VI) cầm đầu buộc phải thực hiện cuộc '' đổi mới'' theo hướng perestroika (cải tổ) và glasnost (minh bạch, công khai) của đảng CS Liên Xô. ''Quân tình nguyện'' Việt Nam rút hết khỏi Kampuchia năm 1988. Khoán sản phẩm được thực hiện rộng khắp trong nông nghiệp; tự do buôn bán, lưu thông, kinh doanh được áp dụng; tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật được khuyến khích. Một không khí thoải mái, dễ thở, hy vọng được nhen nhóm. Trong giới trí thức, có một luồng không khí lạc quan tuy còn dè dặt đặt ở các nhân vật Nguyễn Văn Linh, Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt... Trong những năm 1987 và 1988, bên cạnh tự do kinh tế, một số tự do chính trị đã thành hiện thực, như bước đầu tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tranh luận và tự do sáng tác trong không khí khá là cởi mở, thoáng đãng và hứng thú.
Lẽ ra Đại hội VII được chuẩn bị từ đầu năm 1990, họp từ 24 đến 27 rháng 6 năm 1991 phải mang những nội dung tiến bộ hơn Đại hội VI như cả xã hội mong chờ, thì ngược lại, nó lại là một bước lùi, và oái oăm hơn, còn là bước lùi ngoạn mục !
Trước những diễn biến thời cuộc ở Đông Âu năm 1990, thắng lợi của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, bước tiến của Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc, dân Hung Ga Ri hàng vạn người di cư sang Áo, rồi bức tường Berlin bị thủng rồi vỡ tan trong niềm hân hoan phẩn khởi vô tận của quần chúng tại đó, bộ chính trị ở Hà Nội lại hoảng sợ đến kinh hoàng. Họ hoảng sợ bị mất quyền, quyền lợi cũng sẽ mất.
Nghị quyết Đại hội VII ghi rõ nguy cơ số một của đảng và đất nước là ''chệch hướng Xã hội chủ nghĩa'', nói rõ đây là CNXH mác-xít, với nền chuyên chính vô sản, độc quyền của đảng cộng sản, và nguy cơ đi cùng nguy cơ nói trên là nguy cơ ''diễn biến hòa bình'' nghĩa là thay đổi chế độ từ độc đảng sang đa nguyên đa đảng bằng phương pháp không bạo lực. Hai nguy cơ khác nữa được Đại hội VII chỉ ra là nguy cơ tham nhũng tràn lan và nguy cơ tụt hậu, thua kém các nước láng giềng ngày càng xa.

4- Từ phân tích nguyên nhân tan rã của phe XHCN

Về nguyên nhân đột biến chính trị ở Đông Âu và nguy cơ tan rã của phe XHCN, có 2 cách phân tích trái ngược nhau.
a) một cách phân tích phổ biến rộng rãi trên thế giới cho rằng sự thất bại của mô hình XHCN mác-xít, sự tan rã của phe XHCN do Liên Xô cầm đầu là hợp quy luật phát triển xã hội, là nằm trong cái bản chất độc đoán phi dân chủ của cái mô hình và cái phe ấy, nằm trong bản chất hung bạo của nền chuyên chính vô sản và của học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác, ở tính chất tàn bạo phi nhân trong vận dụng lý luận Mác-xít vào thực tế bởi Lénin, Stalin, Mao và các đảng cộng sản khi nắm được chính quyền. Hồ sơ đen của chủ nghĩa cộng sản (Le livre noir du communisme) là cuốn sách kinh điển do các nhà lý luận chính trị, triết học có uy tín nhất ở phương Tây chung sức tổng kết đã chứng minh chủ nghĩa xã hội thực tiễn đã tàn sát đến hơn 100 triệu nhân dân các nước nó thống trị trong ''hòa bình'', phần lớn là thuộc bộ phận tinh hoa của các dân tộc, vượt quá tội ác của bọn phát xít Hitler..
Những người có tư duy khách quan khoa học trên đây coi sự xuất hiện của phe XHCN - mà Việt Nam từng tự nhận là một tiền đồn - thật ra chỉ là một lầm lẫn của Lịch sử loài người, sự tiêu vong tất yếu của nó nằm ngay trong bản chất Trí tuệ, Thiện, Lành mạnh của con người có khả năng chiến thắng mặt Mù quáng, Ác, Bệnh hoạn cũng của con người trên thế gian này. Họ đánh giá những Walesa, Havel, Gorbachev, Yeltsin ... là những nhân vật sáng suốt và dũng cảm, những nhân vật mang chất nhân bản và anh hùng, được cả quần thể loài người quý trọng bền lâu, chẳng cần đến tượng đồng hay bia đá, lăng tẩm đồ sộ nặng nề. Họ đã được các thế lực tiến bộ trên khắp thế giới khuyến khích, ủng hộ và tiếp sức trong sự nghiệp cứu nước của mình.

b) cách phân tích khác cho rằng các nước XHCN Đông Âu bị giải thể, từơng Berlin bị đổ sập, đảng CS Liên Xô tan vỡ, Liên bang Xô viết cáo chung, phe XHCN rã rời là một sự kiện đau xót cho phong trào cộng sản quốc tế và nhân loại tiến bộ (!), là tội ác phá hoại gây nên bởi bọn cơ hội hữu khuynh trong phong trào cộng sản đã phản bội phong trào, tự nguyện làm tay sai cho chủ nghĩa đế quốc thế giới. Với cách phân tích chủ quan, giáo điều, không dám nhìn thẳng vào sự thật, những người lãnh đạo cộng sản mù quáng, hoang tưởng giải thích rằng thất bại này chỉ là về chiến thuật, tạm thời (!), chỉ là một cơn bão có giới hạn trong không gian và thời gian, rồi sẽ trời quang mây tạnh, phong trào cộng sản và phe XHCN sẽ hồi phục và toàn thắng (!).
Cứu vớt CNXH đang lâm nguy, cứu vớt phe XHCN đang chìm xuồng là 2 lời kêu cứu và khẩu hiệu hành động khẩn cấp của Đại hội VII.
Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lénin - mà bức hình màu to lớn của 2 vị này nổi bật trước hội trường của Đại hội, ngự trị ngay trên bức tượng Hồ Chí Minh, Đại hội VII chủ trương trụ vững chế độ XHCN mác-xít trước sóng to gió lớn, thắt chặt liên minh với các nước XHCN anh em còn lại bao gồm Trung Quốc, Cuba, Lào và Bắc Hàn.
Chủ trương và đường lối này liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa đảng CS Việt Nam với đảng CS Trung Quốc.
Mối quan hệ này đóng vai trò cực kỳ hệ trọng, có thể nói là quyết định trong việc hình thành thế ''Cung vua và Phủ chúa'', chủ đề nghiên cứu của bài khảo luận này.

5- Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Đây là mối quan hệ thay đổi, lên xuống, khi là bạn cực thân khi là thù không đội trời chung, khi là đồng chí khi là địch thủ, khi hòa bình khi chiến tranh, khi liên minh đoàn kết khi mâu thuẫn đối kháng trong mấy chục năm qua.
Từ xa xưa, một nghìn năm Bắc thuộc, rồi các cuộc xâm lược thời Nguyên - Mông để lại những dấu ấn sâu đậm trong quan hệ hai nước.
Bước vào Đại hội VII, giữa năm 1991, quan hệ Việt-Trung đang ở vào thời điểm tế nhị. Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung đầu năm 1979 vẫn hằn sâu trong trí nhớ của nhân dân hai nước. Cuộc chiến tranh Việt Nam - Khơme Đỏ cũng là một kiểu chiến tranh Việt - Trung, Bắc Kinh dùng quân Khơme Đỏ do họ nuôi dưỡng, trang bị, huấn luyện và chỉ huy làm chảy máu Việt Nam dòng dã hơn 10 năm (với hơn 50 ngàn sinh mạng thanh niên Việt và 30 vạn bị thương) chỉ mới chấm dứt được hơn 2 năm, khi quân Việt Nam rút hết khỏi Kampuchia.
Lê Duẩn, tổng bí thư đảng CS Việt Nam từ Đại hội III (tháng 9- 1960) trong thời kỳ cuối đời mình đã chuyển sang lập trường chống bá quyền Trung Quốc mạnh mẽ nhất, từng nói công khai rằng ''Việt Nam còn phải kiên cường và cảnh giác chống bành trướng bá quyền Trung Quốc hàng trăm năm nữa'', đã qua đời vào tháng 7 năm 1987; bên Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình tổng bí thư đảng CS Trung Quốc, người từng chủ trương trừng phạt Việt Nam bằng những đòn quân sự mạnh mẽ, vẫn còn ở cương vị đầy quyền uy: Chủ tịch ủy ban Quân sự trung ương đảng. Đặng Tiểu Bình cũng đã đặt vào vị trí tổng bí thư đảng CS Trung Quốc nhân vật tin cẩn nhất của ông ta là Giang Trạch Dân từ tháng 6 năm 1989, cùng với Lý Bằng ở cương vị Thủ tướng. Hai nhân vật này theo gương Đặng Tiểu Bình luôn tỏ ra cao ngạo, trịch thượng với Việt Nam.
Đặng cũng như Giang và Lý đều rất cay cú về việc tháng 12-1980, Quốc hội nước cộng hòa XHCN Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, nhất trí thông qua bản Hiến Pháp mới năm 1980, thay cho bản hiến pháp cũ năm 1960, trong đó ''Lời nói đầu'' đã thêm hẳn một đoạn, toàn văn như sau :
"Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta tha thiết mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược, cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây-Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình".

6- Cuộc gặp cấp cao Việt Trung ở Thành Đô (tháng 9-1990)

Từ đầu năm 1990, khi các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội VII đã được thông qua và đưa xuống cho cơ sở các địa phương thảo luận, Bắc Kinh qua sứ quán Tàu ở Hà Nội nắm chắc mọi động tĩnh trong nội bộ đảng CS Việt Nam, ngửi thấy xu thế mong muốn hòa giải và liên minh trở lại với Trung Quốc, liền đi một nước cờ hiểm hóc.
Ngày 29-8-1990 đại sứ Trương Đức Duy xin gặp tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và thủ tướng Đỗ Mười để chuyển thông điệp của tổng bí thư Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý Bằng mời 3 vị: tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 3-9-1990 để ''hội đàm bí mật về vấn đề Kampuchia và vấn đề bình thường hoá giữa hai nước''. Mới trước đây họ tỏ ra lạnh nhạt, chần chừ trong việc gặp cấp cao và bình thường hoá, bỗng tỏ ra thiện chí nhanh nhẩu đến mức khẩn cấp, cuộc gặp sẽ diễn ra chỉ sau lời mời có 5 ngày. Nhóm lãnh đạo Bắc Kinh sớm nhận ra rằng trong cơ quan lãnh đạo Hà Nội đang hình thành một nhóm nhân vật tỏ rõ nhu cầu sớm hòa giải và liên minh với Trung Quốc, cần tranh thủ ngay để tác động đến Đại hội VII cả về đường lối và nhân sự.
Theo nhận xét của thứ trưởng Trần Quang Cơ lúc ấy nắm chắc mọi hồ sơ tuyệt mật, cuộc họp cấp cao Thành Đô là một thất bại, phía Việt Nam bị mắc bẫy, bị mắc lỡm, bị đánh lừa và chơi xấu bởi Đặng tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thiếu kinh nghiệm quốc tế, nhanh nhẩu ''vâng vâng dạ dạ'' mọi ý kiến của phía Trung Quốc, lại còn đi xa hơn họ, bảo hoàng hơn vua, đồng tình ngay với công thức 6+2+2+2+1 = 13 về thành viên của Hội đồng Quốc gia tối cao SNC (Suprême National Council) ở Kampuchia: 6 người phía Hun Sen+2 Khơme đỏ, 2 của Son San , 2 của Sihanouk + bản thân Sihanouk. Dự kiến trước đó là SNC chỉ có 12 người, mỗi phía 6, không có riêng Sihanouk ở vị trí Chủ tọa như Bắc Kinh vừa thêm vào. Sự chấp nhận của Hà Nội ngay sau đó vấp phải sự phản đối của Hun Sen, Hun Sen cho rằng Việt Nam đã thỏa hiệp vô nguyên tắc trên lưng chính quyền Pnom Penh.
Bẽ bàng hơn nữa cho phía Việt Nam là ''giải pháp đỏ '' đưa ra với nội dung đoàn kết chặt chẽ tất cả các đảng cộng sản lại từ đảng CS Trung Quốc, Việt Nam, đảng của Hun Sen, CS Khơme Đỏ..., cùng nhau trụ lại trước hiểm nguy, tưởng rằng sẽ được Bắc Kinh vồ vập, liền bị phía Trung Quốc lạnh nhạt bác bỏ. Lý Bằng giải thích rằng đảng của Hun Sen và đảng của Pol Pốt khó đoàn kết với nhau, hai phái cộng sản này uy tín quốc tế kém hơn uy tín quốc tế của phái Son San và phái Sihanouk, do đó nếu gắn bó với nhau chỉ cản trở thêm cho công việc của Hội đồng Dân tộc Tối cao trong thực hiện hòa giải ở Kampuchia. Giang Trạch Dân còn nói rõ cho phía Việt Nam rằng: ''Tình hình quốc tế hiện nay, nếu để hai đảng CS (Trung Quốc và Việt Nam) bắt tay nhau là không có lợi; các nước phương Tây rất chú ý đến quan hệ giữa chúng ta''. Ai cũng biết, từ lâu Đặng Tiểu Bình và nhóm lãnh đạo Bắc Kinh không còn nói đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, không nói gì đến phe XHCN, họ nhấn mạnh đến kiểu XHCN riêng biệt của Trung Quốc, mang màu sắc riêng, đặc biệt của dân tộc Trung Quốc, quay về chủ nghĩa dân tộc, trong khi nhóm lãnh đạo Việt Nam vẫn cò mơ màng về tình nghĩa quốc tế.
Trước khi khai mạc Đại hội VII, cố vấn Phạm Văn Đồng lúc này đã 85 tuổi, mắt gần như mù, tai nghễnh ngãng, dự cuộc họp của bộ chính trị kiểm điểm về công tác đối ngoại, than thở rằng: '' ở Thành Đô chúng ta đã sai lầm, để lại hậu quả xấu; ta đã hớ, ta đã dại. Tôi rất ân hận; lẽ ra tôi không nên đi; tôi rất đau lòng''.
Chỉ có thủ tướng Đỗ Mười là hài lòng, thậm chí vui sướng về chuyến đi Thành Đô. Từ giữa năm 1990, khi bàn đến nhân sự cho Đại hội VII, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã hơn 76 tuổi ngỏ ý xin nghỉ, sẽ lên ngôi cố vấn. Cuộc loại bỏ nhân vật cấp tiến Trần Xuân Bách năm 1989 như một vòi nước lạnh dội lên cuộc ''đổi mới'' chỉ mới khởi động được hơn 2 năm. Một trào lưu bảo thủ giáo điều cơ hội trỗi dậy với những nhân vật dẫn đầu trong bộ chính trị khoá VI là: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Phạm Thế Duyệt, Đoàn Khuê, Nông Đức Mạnh. Mọi người đều biết Tổng bí thư mới sẽ là ông Đỗ Mười, tuy đã 73 tuổi, và thủ tướng mới sẽ là ông Võ Văn Kiệt.
Ông Đỗ Mười liền chọn ngay ông Lê Đức Anh, uỷ viên bộ chính trị, đại tướng, Bộ trưởng bộ Quốc phòng làm người thân tín nhất. Từ cuối năm 1990, ông Đỗ Mười giao hẳn cho tướng Anh, nguyên tư lệnh ''quân tình nguyện Việt Nam'' ở Kampuchia, phụ trách theo dõi việc giải quyết vấn đề Kampuchia cùng với ban đối ngoại trung ương do Hồng Hà - một người tin cẩn của ông Mười, làm trưởng ban. Trên thực tế ông Mười đặt bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và bộ ngoại giao trong đó có Vụ Trung Quốc trong tình trạng ''ngồi chơi xơi nước''. Ông Thạch không được Trung Quốc mời sang Thành Đô; đi theo 3 cụ lớn đến Thành Đô chỉ có Chánh văn phòng trung ương Hồng Hà (lúc này Hồng Hà đã được Đỗ Mười hứa cho chức Trưởng ban đối ngoại trung ương thay Hoàng Bích Sơn sắp về nghỉ). Tướng Anh ngay từ cuối năm 1990 đã cùng Hồng Hà mời cơm riêng Đại sứ Tàu Trương Đức Duy cũng như tiếp trợ lý ngoại trưởng Từ Đôn Tín khi ông này ghé qua Hà Nội.

7- Chủ trương'' liên minh với Bắc Kinh'' được thực hiện

Nét nổi bật ở Đại hội VII trong đường lối đối ngoại của đảng CS là xích gần lại với Bắc Kinh, ngả theo Bắc Kinh, sớm bình thường hoá với Bắc Kinh, đi đến thắt chặt liên minh với Bắc Kinh, trước nguy cơ CNXH bị thủ tiêu và phe XHCN bị tan vỡ.
Khác hẳn với Nghị quyết của Đại hội VI (tháng 12-1986) chủ trương quan hệ đa phương, bình thừơng hoá với tất cả các nước, hợp tác trao đổi kinh tế, giao hảo với tất cả các nước gần xa trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, Đại hội VII lái hẳn sang hướng ưu tiên hòa giải và kết liên minh trở lại với Trung Quốc XHCN, bởi lẽ Trung Quốc có chung một chế độ XHCN mác-xít, đều lãnh đạo bởi một đảng CS theo học thuyết Mác-Lénin, lại ở sát bên nhau, hiện cùng gặp những nguy cơ chung là mất CNXH, mất độc quyền chuyên chính của đảng CS. Chủ trương này được gọi gọn là ''giải pháp đỏ''.
Sau Đại hội VII (tháng 6-1991), nhất là sau khi Liên bang Xô Viết tan rã và đảng CS Liên Xô bị giải thể (tháng 8 - 1991), hơn 200 báo cáo viên của Ban tư tưởng và văn hoá trung ương được phái đi các địa phương, các ngành để phổ biến nội dung Nghị quyết của Đại hội, đặc biệt chú trọng lời căn dặn mỗi đảng viên phải ghi nhớ rằng trong quan hệ đối ngoại tuy đảng nói công khai là bình thường hoá, quan hệ hữu hảo, làm bạn với ''tất cả các nước'', những vẫn phải phân biệt 5 nấc bạn bè đậm nhạt khác nhau:

a) trước hết là các nước XHCN, cùng chung chế độ chính trị, dù cho có lúc có xung đột tạm thời, nay phải cùng nhau trụ lại trên tinh thần quốc tế vô sản để vượt qua nguy cơ bị lật đổ, gốm có Việt Nam, Cuba, Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào;
b) các nước độc lập dân tộc tiến bộ từng chung hàng ngũ chống đế quốc, như Ấn độ, Angiêri, Aicập, Vénézuéla...
c) các nước độc lập dân tộc khác từng chống đối Việt Nam, sẽ có quan hệ bình thường và hợp tác, như các nước trong tổ chức ASEAN: Thái lan, Philippin, Inđônêxia, Malaisia, Singapour và Nam Hàn, Đài loan...
d) các nước tư bản nói chung: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha... ở châu Âu, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản...
đ) cuối cùng là Hoa Kỳ, kẻ thù cũ đang còn có âm mưu thực hiện ''diễn biến hòa bình'', cần thận trọng và cảnh giác với nước này còn vì trên đất Mỹ hiện có thế lực chống cộng ''nguy hiểm'' nhất trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Tại Đại hội VII họp từ 24 đến 27-6-1991, ông Nguyễn Văn Linh lên hàng cố vấn cùng với chủ tịch nước Võ Chí Công đã 78 tuổi, Đỗ Mười nhận chức tổng bí thư, tướng Lê Đức Anh được phân công chờ cuộc họp Quốc hội giữa năm 1992 để thay ông Công làm chủ tịch nước. Ngay sau Đại hội, Đỗ Mười xếp tướng Anh ở vị trí số 2 trong đảng, phụ trách cả 4 mảng: chính quyền, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhân vật số 3 trong đảng là Đào Duy Tùng, ủy viên thường trực Ban bí thư, một nhân vật rất giáo điều, bảo thủ, từng đòi ''đưa Trần Xuân Bách ra khỏi đảng CS''. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, từng nhận ông Trần Xuân Bách về làm việc tại bộ ngoại giao ngay sau khi ông bị khai trừ khỏi bộ chính trị và ban chấp hành trung ương, từng cãi lại phái viên ngoại giao của Bắc Kinh Từ Đôn Tín chiều 13-6-1990 rằng ''chúng tôi không nói dối, chính các vị đã xuyên tạc'' và hai người đã từ biệt nhau bằng lời chào nhau chưa từng có: ''chào ngài'', đến Đại hội VII ông Thạch cũng bị đưa ra khỏi bộ chính trị, coi như ''món quà tặng'' cho Thiên triều. [2]

8- Từ đặc phái viên đến Đoàn đại biểu đặc biệt của Ban chấp hành trung ương

Ngay sau khi Đại hội VII kết thúc, Tổng bí thư mới Đỗ Mười gặp đại sứ tàu Trương Đức Duy ngỏ ý cử ngay một Phái viên đặc biệt của đảng CS Việt Nam sang Bắc Kinh thông báo về kết quả tốt đẹp của Đại hội. Bắc Kinh tỏ ý hân hoan và nâng cấp lên thành ''Đoàn đại biểu đặc biệt của Ban chấp hành trung ương'' dù cho Đoàn chỉ gồm có hai người: nhân vật số 2 Lê Đức Anh, ủy viên thường trực bộ chính trị, phụ trách lãnh đạo cả 4 mảng: chính quyền, quốc phòng, an ninh và đối ngoại và ủy viên ban bí thư trung ương Hồng Hà, mới nhận chức Trưởng ban đối ngoại trung ương đảng, rất gần với ông Mười và ông Anh. Đoàn được cả Giang Trạch Dân, Lý Bằng niềm nở tiếp đón ngày 28-7-1991. Lê Đức Anh và Hồng Hà còn hạ mình xin gặp thứ trưởng ngoại giao Từ Đôn Tín, người từng cãi, to tiếng với ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch hơn một năm trước, để ''tạ lỗi'' (!) rằng: ''Năm ngoái khi đồng chí sang Việt Nam đã có những trục trặc không vui, chúng tôi rất đau lòng ''(!)
Chỉ hơn 3 tháng sau, việc bình thường hoá giữa hai nước được ký kết vào ngày 5-11-1991 tại Bắc Kinh, với sự tham gia của tổng bí thư Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt. Việc bình thường hoá diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau khi đảng CS Liên Xô bị giải thể, Liên bang Xô Viết tan rã, phe xã hội chủ nghĩa mất đầu, rã rời. Lãnh đạo Việt Nam hí hửng nghĩ rằng may ra có thể trụ lại bằng ''giải pháp đỏ'', tất cả các lực lượng cộng sản còn lại, bất kể màu sắc ra sao, cùng nhau trụ lại quanh đảng CS Trung Quốc to lớn, có 40 triệu đảng viên trên một nước rộng lớn có hơn 1 tỉ dân. Việt Nam nhỏ bé mất chỗ dựa quý báu, toàn diện, vững chãi là Liên Xô, nay tìm ngay ra một chỗ dựa mới khá là bề thế để có thể yên lòng. Họ vẫn còn mơ màng khôi phục lại phe XHCN và phong trào CS quốc tế vang bóng một thời, với người anh Cả mới là đảng CS Trung Quốc.
Thế nhưng đảng CS Trung Quốc không nghĩ vậy. Họ có cách nhìn tỉnh hơn, thực tế hơn. Sau khi bình thường hoá với Việt Nam, hệ thống báo cáo viên của họ tỏa đi khắp nước và giải thích qua báo, phát thanh địa phương rằng Việt Nam vẫn không đáng tin, vẫn ôm mộng bá chủ Đông dương, cho nên mối quan hệ Trung-Việt phải theo nội dung: ''thân mà không gần, nhạt mà không xa, chống mà không đánh nhau'' (thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu). Họ hiểu rõ tâm lý dân Việt, tinh thần chống bành trướng phương Bắc trong nhân dân, trong quân đội và trí thức, cũng như tinh thần giáo điều ỷ lại mong muốn liên minh với họ của một nhóm lãnh đạo đảng CS Việt Nam giao động, nao núng trước thời cuộc. Họ rắp tâm lôi kéo, mua chuộc nhóm này không phải để khôi phục phe XHCN và phong trào CS quốc tế mà chỉ nhằm phục vụ cho dã tâm bành trướng của họ.
Ông Nguyễn Cơ Thạch từng phân tích sâu sắc hai mặt của nhóm lãnh đạo Trung Quốc: mặt cách mạng, cộng sản, XHCN, tinh thần quốc tế... và mặt bá quyền, bành trướng, xâm lược, dân tộc nước lớn, và cho rằng đối với Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á, Trung Quốc đang ''biểu diễn mặt thứ hai là mặt chính, mặt thật''. Trên tinh thần ấy, ông Thạch hạ một nhận định chua cay: ''việc bình thường hoá Việt - Trung tháng 11-1991 như đã diễn ra, sự thật là bắt đầu một thời kỳ phụ thuộc hoá !''. Chúng ta nghĩ đến thời kỳ Bắc thuộc nghìn năm thời xa xưa. Nay nó khởi đầu lại từ Đại hội VII (1991), qua 3 đại hội, đến sau Đại hội X (2006) rồi, gần 20 năm nay vẫn chưa chấm dứt.

9- Cơn thèm bành trướng sau bình thường hoá tháng 11-1991

Sang năm 1992, Bắc Kinh lại có thêm nhiều tin mừng. Sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu (dinh Hoàng Cao Khải cũ, cực kỳ tráng lệ) đóng cửa từ năm 1978, hé mở từ năm 1990, sau khi bình thường hoá giữa hai nước từ tháng 11-1991 đước mở rộng cửa, xe cộ ra vào tới tấp, cờ 5 sao lớn được dựng lên, các dãy nhà chính của Sứ quán và cơ quan lãnh sự đều sơn cửa, tường quét vôi mới.
Theo kể lại của nguyên Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ hồi ấy, trong phiên họp Hội đồng chính phủ đầu năm 1992, trưởng ban đối ngoại trung ương Hồng Hà (cũng là ủy viên Ban bí thư trung ương) phổ biến cho các bộ trưởng rằng theo phân công của đảng, từ nay ''hai đồng chí Lê Đức Anh và Hồng Hà phụ trách việc thương lượng về giải pháp cho vấn đề Kampuchia; trong quan hệ với Trung Quốc, từ nay các đồng chí có thể quan hệ thẳng với anh Trương Đức Duy, không cần qua sứ quán ta ở Bắc Kinh''. Ý Hồng Hà muốn nói là đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đã trở nên thân thiết như ngưòi anh em của ta (gọi Trương Đức Duy bằng ''anh'' lúc này còn thân hơn là ''đồng chi''). Hơn nữa, lúc này chưa có ai thay ông Nguyễn Cơ Thạch làm bộ trưởng ngoại giao; còn đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh Đặng Nghiêm Hoành đã bị gọi về sau khi thứ trửỏng Từ Đôn Tín mách với Lê Đức Anh hồi tháng 7-1991 rằng '' đại sứ Hoành luôn tránh mặt tỏ ra không muốn gặp chúng tôi''.
Quốc hội khoá IX họp tháng 6-1992 cử tướng Lê Đức Anh vào chức Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN thay ông Võ Chí Công lên hàng Cố vấn Ban chấp hành trung ương. Trên thực tế, chủ tịch Anh có thực quyền rộng lớn hơn cả tổng bí thư Đỗ Mười, vì ôm cả 4 mảng chính quyền, quân đội, an ninh và đối ngoại.
Cặp Mười + Anh gắn bó, ăn ý trong việc kết liên minh với Trung Quốc nhằm trụ vững trước nguy cơ lớn ''chệch hướng XHCN'' và ''diễn biến hòa bình''. Quanh hai nhân vật Mười, Anh dẫn đầu trong kết thân với Bắc Kinh là các vị sau đây trong bộ chính trị: Đào Duy Tùng, thường trực bộ chính trị; tướng Đoàn Khuê bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Đức Bình, phụ trách mặt lý luận, tư tưởng ý thức hệ; Phạm Thế Duyệt bí thư thành ủy Hà Nội. Bộ trưởng ngoại giao mới được cử vào tháng 6-1992 Nguyễn Mạnh Cầm khi ấy mới là uỷ viên trung ương, thứ trưởng bộ ngoại thương, đến Hội nghị trung ương 6 khoá VII tháng 11-1993 được bổ sung vào bộ chính trị, cũng là một nhân vật được đào tạo từ Trung Quốc.(Ông Trần Quang Cơ nhận xét rằng Nguyễn Mạnh Cầm sở dĩ được tuyển lựa trong danh sách gồm: Vũ Oanh, Vũ Khoan, Hoàng Bích Sơn, Nguyễn Dy Niên, Nguyễn Mạnh Cầm chỉ vì ông Cầm không có một ''tiền sự'' nào làm phật ý Trung Quốc.
Tình nghĩa Trung - Việt được khôi phục tuy không còn đậm đà như trước liền kích thích mạnh cơn thèm bành trướng lãnh thổ xuống phương Nam của thiên triều Bắc Kinh. Họ không bỏ qua thời cơ khi nhóm lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội đã tình nguyện chọn họ làm chỗ dựa, làm anh Cả mới, làm ông thầy mới. Bắc Kinh bày ra ngay một trận ''lấn đất'' quy mô trên đất liền, trên lãnh hải, trên cả vùng quần đảo phương Nam thật nhanh, gọn, êm, bằng ngòi bút ngoại giao. Mao chẳng đã dạy bài học chiến lược: khi nào địch hay đối phương lùi là ta phải tiến ngay.
Lập tức cuộc đàm phán về biên giới, - bị bỏ dở từ những năm 1958, rồi 2 cuộc đàm phán từ 15-8 đến 22-11-1974 và từ tháng 10-1977 đến tháng 6-1978 đều ở Bắc Kinh không đi đến một thỏa thuận nào -, liền được nối lại ngay từ giữa năm 1992, để đi đến ngày 19-10-1993, hai nước ký ''Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ hai nước''.
Từ năm 1995, ba diễn đàn đàm phán Việt - Trung cấp chuyên gia và một diễn đàn đàm phán cấp Chính phủ được mở ra nhằm chuẩn bị cho các Hiệp định về biên giới trên bộ, trong Vịnh Bắc bộ và trên Biển Đông.
Hai trưởng ban biên giới cũ là ông Lưu Văn Lợi và ông Lê Minh Nghĩa nhận xét rằng suốt 20 năm trước các cuộc đàm phán về biên giới với Trung Quốc gay go, khó khăn, dậm chân tại chỗ, đều bế tắc thì nay mọi sự trở nên trôi chảy, chóng vánh lạ thường!
Sau Đại hội VIII (từ 28-6 đến 1-7-1996), công việc của các đoàn đàm phán còn thuận lợi hơn nữa. Tại Đại hội, nhóm lãnh đạo mặn mà với Bắc Kinh chiếm những vị trí quyết định. Chủ tịch Lê Đức Anh đọc diễn văn khai mạc Đại hội. Tổng bí thư Đỗ Mười đọc báo cáo chính trị. Các bộ trưởng then chốt Đoàn Khuê (quốc phòng), Nguyễn Mạnh Cầm (ngoại giao), Lê Minh Hương (an ninh), và các ủy viên bộ chính trị phụ trách tư tưởng Nguyễn Đức Bình... đều lần lượt sang Bắc Kinh trình diện và hứa hẹn học kinh nghiệm đàn anh. Mối quan hệ 16 chữ vàng (!) được cam kết: ''Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai''. Được biết 16 chữ vàng này nguyên thủy là do phía Trung Quốc đưa ra, từ chữ Hán, đọc như sau: ''Mục Lân Hữu Hảo, Toàn Diện Hợp Tác, Trường Kỳ Ổn Định, Diện Hướng Vị Lai''.
Thế là Bản Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được long trọng ký ở Hà nội ngày 30 tháng 12 năm 1999, chỉ 1 ngày trước khi kết thúc năm 1999.
Chỉ một năm sau, Bản Hiệp ước phân định trong Vịnh Bắc bộ giữa 2 nước được long trọng ký kết ở Bắc Kinh ngày 26-12-2000, chỉ 5 ngày trước khi năm 2000 và thế kỷ 20 kết thúc.
Về 2 bản Hiệp ước Việt-Trung nói trên, hơn 8 năm nay, đã có rất nhiều bàn tán, bình luận trong và ngoài nước, với những nhận định trái ngược nhau. Giới lãnh đạo ở Hà Nội, giới truyền thông trước hết là báo Nhân Dân, các ông Lê Công Phụng nguyên trưởng ban biên giới, thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng, người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Dũng đều khẳng định rằng nội dung ký kết hai bản Hiệp ước nói trên là hợp lý, thực tế, công bằng, rằng phía ta không bị lép vế, ăn hiếp, không bị mất đất, thiệt thòi gì cả, ngay ở các điểm Ải Nam quan (còn gọi là Hữu nghị quan), Bản Giốc (Cao Bằng) hay Lão Sơn (Hà Giang) ta cũng không bị lấn ép gì cả. Ngược lại, một số nhà nghiên cứu như ông Trương Nhân Tuấn, ông Trần Đại Sĩ ở Pháp, tiến sĩ ngành sử học Nguyễn Nhã ở trong nước, một số nhà báo, nhà đấu tranh cho dân chủ quan tâm đến thời cuộc và mối quan hệ Việt - Trung cho rằng ở các điểm trên đây phía ta đã bị lấn đất rõ rệt, rằng trên đất liền phía ta đã để Trung Quốc xà xẻo tổng cộng từ 200, đến 600, thậm chí đến 850 km vuông, và có thể hơn nữa, từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng lên đến Lào Kay, Hà Giang và Hoàng Liên Sơn.
Ở trong Vịnh Bắc Bộ, so với Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887 (qui định ranh giới Việt - Trung theo đường thằng đứng kinh tuyến Bắc Nam đi qua điểm 105°43' Đông), bản Hiệp ước năm 2000 chia lại theo một đường cong tạo nên bởi 21 điểm nằm giữa đường cơ sở của 2 bên; theo kiểu chia mới này, phía Việt Nam bị mất khoảng 11.930 km vuông vùng biển so với trước. Vậy mà Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên ký bản Hiệp ước này khoe rằng đây là ''thắng lợi lớn'' của ta. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nghiên cứu từng điểm một của 21 điểm khẳng định rằng từ điểm 9 đến điểm 10 và các điểm từ 12 đến 19 thuộc vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa, đều chia không đều và đều thiệt cho phía Việt Nam.
Có nhiều nghi ngờ về sự khuất tất, nhẹ dạ, thậm chí về sự nhân nhượng thỏa hiệp từ người lãnh đạo đến người đàm phán trong quá trình thương lượng Trung Việt, dựa vào một loạt câu hỏi như sau:

a) vì sao không có thông tin cho nhân dân, công luận, báo chí biết về quá trình thương lượng, để tạo nên sự ủng hộ đối với ta, sức ép với đối phương, như từng có trước kia, khi thương lượng với Pháp, với Mỹ?
b) vì sao từ năm 1994 đến năm 2000, qua 14 kỳ họp Quốc hội, chính phủ không hề thông báo cho các đại biểu của nhân dân biết gì về diễn tiến của đàm phán; những vấn đề gặp phải và hướng giải quyết?
c) vì sao việc Quốc hội thông qua hai Hiệp định trên lại không bình thường, không có bản tường trình của Chính phủ, không có bản tường trình của Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội, cũng không có một buổi chất vấn nào của Quốc hội và trả lời của Chính phủ về vấn đề rất hệ trọng này?
d) vì sao Hiệp ước về phân giới trong Vịnh Bắc bộ được ký từ ngày 26-12-2000 cùng với Nghị định thư về đánh cá chung trong Vịnh Bắc bộ, mà mãi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XI ngày 15-6-2004, nghĩa là 4 năm rưỡi sau, mới được thông qua? sao lại có sự không bình thường như thế?
đ) vì sao nội dung bản Hiệp ước phân định biên giới trên bộ Việt-Trung đã được phổ biến dù rất chậm trên báo và trên báo điện tử Nhân Dân online, nhưng cho đến nay tập bản đồ chi tiết kèm theo, - được coi như bộ phận cấu thành chính thức của bản Hiệp ước - , vẫn còn được giữ kín như bưng ? báo giấy và báo điện tử đều im lặng ?
e) theo báo chí Việt Nam và Trung Quốc kể lại, trong năm 1998 và 1999, khi gặp tổng bí thư Lê Khả Phiêu ở Bắc Kinh, tổng bí thư Giang Trạch Dân đều thúc giục rằng: việc đàm phán Việt - Trung không nên để kéo dài, nên sớm kết thúc, việc ký Hiệp ước trên bộ cần thực hiện trong năm 1999, và việc ký kết Hiệp định trong Vịnh Bắc bộ nên thực hiện trong năm 2000, nghĩa là giải quyết xong trong thế kỷ 20 này. Ông Phiêu đã nhanh nhẩu đồng ý, và phía Trung Quốc ghi nhận điều ấy như một cam kết ép buộc các đoàn đàm phán phải thực hiện bằng được, trên thực tế là ép đoàn Việt Nam phải nhượng bộ những đòi hỏi của Trung Quốc. Quả nhiên việc ký hai Hiệp ước đã diễn ra vào sát những ngày cuối năm 1999 và 2000, Hiệp ước về đất liền vào ngày 30-12 là 1 ngày trước cuối năm và Hiệp ước về Vịnh Bắc bộ được ký chỉ 5 ngày trước khi thế kỷ 20 kết thúc.

Có ai đi đàm phán lại bị đối phương ép về thời gian chặt chẽ và trắng trợn như thế, dù cho có thể còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Chính sự dễ dãi nhẹ dạ này của tổng bí thư Lê khả Phiêu đã bị Đỗ Mười và Lê Đức Anh viện ra để kết án Phiêu rất nặng là ''bán đất, bán biển cho Trung Quốc'', ngay trước khi họp Đại hội IX (tháng 4-2001) và để đưa Nông Đức Mạnh lên thay Phiêu làm tổng bí thư trong Đại hội IX. [3]
Hiện nay việc cắm mốc biên giới trên bộ đang được khẩn trương tiến hành, theo thỏa thuận của hai bên, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008. Cùng với việc cắm mốc, tập bản đồ tỉ mỉ đang được vẽ theo đúng thực địa và kèm theo Nghị định thư cuối cùng và sẽ là bộ phận cấu thành của toàn bộ Hiệp ước. Lúc ấy hai bên sẽ phải in rộng rãi hàng nghìn bản đồ ấy cho các thôn xã ở cơ sở và các ngành hành chính, quân sự, an ninh, hải quan, nông nghiệp, thương mại, giao thông, thuế quan, giáo dục, y tế, văn hoá, du lịch ... Lúc ấy so sánh với bản đồ cũ thời thuộc Pháp còn lưu ở kho lưu trữ Aix-en-Provence (Pháp), với bản đồ mới sẽ được mạng Google Earth vẽ ra với những phương pháp hiện đại chuẩn xác nhất, mọi người có thể so sánh và thấy rõ phía Việt Nam có bị mất đất hay không, mất ở những chỗ nào, mất bao nhiêu, không ai có thể cãi liều, cãi xoá được.
(còn tiếp)

Bùi Tín
Paris, tháng 2 - tháng 4-2008
-------------------------------------------
[1]
Hồ Chí Minh : sự tước đoạt của lòng yêu nước, luận văn của nhà triết học Pháp Jean-François Rével [2] Xem tập Hồi ức và Suy nghĩ của Trần Quang Cơ, công bố ngày 23-1-2001, hoàn chỉnh ngày 22-5-2003, hơn 60 trang
[3] Đọc hồi ký của Nguyễn Chí Trung, thiếu tướng, thư ký riêng của Lê Khả Phiêu đề ngày 21-7-2002.


No comments: