Friday, March 6, 2009

HẾT THỜI BẢO MẬT CỦA NGÂN HÀNG THUỴ SĨ

Hết thời bảo mật tại ngân hàng Thụy Sĩ?
Imogen Foulkes
BBC News, Geneva
Cập nhật:15:24 GMT - Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2009/02/090223_swissbanksecrecy_tc2.shtml
Quyết định của ngân hàng lớn nhất của Thụy Sỹ, UBS, tiết lộ thông tin về vài trăm khách hàng Mỹ với nhà chức trách Hoa Kỳ đã gây sốc cho cộng đồng ngân hàng Thụy Sĩ và đặt dấu hỏi về sự tồn tại của truyền thống bảo mật trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ.
UBS trước đó đã thừa nhận rằng có một số nhân viên là người Mỹ làm trong ngân hàng này đã giúp các khách hàng giàu có của Mỹ trốn thuế và ém tiền vào các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, ngày thứ Tư họ đã bàn giao thông tin về khách hàng và trả tiền bồi thường trị giá 780 triệu đôla, thậm chí trước khi hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Chính phủ Thụy Sĩ đã chấp nhận hành động của UBS trong một cuộc họp khẩn của nội các qua đêm và cho biết ngân hàng này không có sự lựa chọn nào khác.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trước đó thông báo cho chính phủ Thụy Sĩ về hạn chót để thông báo chi tiết về khách hàng Hoa Kỳ và điều kiện rằng nếu không đáp ứng yêu cầu này thì có thể dẫn đến việc ngân hàng UBS bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Thụy Sĩ và Bộ trưởng Tài chính Hans-Rudolf Merz nói việc này nếu xảy ra sẽ đe dọa sự tồn tại của các ngân hàng UBS, và ngay cả nền kinh tế của Thụy Sĩ.

Chịu áp lực

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Thụy Sĩ và các chuyên viên ngân hàng phẫn nộ đối với điều họ xem là thế yếu của chính phủ Thụy Sĩ trước áp lực có tính bất công từ Hoa Kỳ.
Gabi Huber, dân biểu và là đảng viên Đảng Cấp tiến trung hữu nói "Đây là một trường hợp điển hình về uy lực lấn át pháp luật".
Và Toni Brunner, Chủ tịch Đảng Nhân dân cánh hữu thậm chí nói "Chúng tôi là một nước có chủ quyền và các nước khác không nên sai bảo chúng ta nên làm gì"
Nhưng những bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ là gì và tại sao Thụy Sĩ lại muốn bảo mật đến thế?
James Nason, người phát ngôn Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ giải thích: "Về cơ bản, đó là nghĩa vụ của một ngân hàng bảo mật đối với các giao dịch của khách hàng".
Tuy nhiên ông nói "Điều đó không có nghĩa là các ngân hàng Thụy Sĩ có thể bảo vệ khách hàng bị nghi ngờ phạm tội"
Cố tình giấu tiền để trốn thuế là sự gian lận và là một tội theo luật pháp của Thụy Sĩ, và điều này là lý do tại sao UBS đã sẵn sàng tiết lộ thông tin khách hàng.
Ông nói thêm: "Trên thực tế qui tắc bảo mật của ngân hàng đã bị hiểu sai". "Gian lận thuế sẽ không bao giờ được bảo vệ".
Tuy nhiên, qui tắc bảo mật của ngân hàng Thụy Sĩ tạo cho hệ thống ngân hàng ở nước này lợi thế lớn.

Giấy phép trốn thuế

Trên thực tế, không khai báo thu nhập, hoặc không báo khai nộp thuế, không phải là một tội ở Thụy Sĩ, và do đó các ngân hàng Thụy Sĩ không thấy có lý do nào để cung cấp thông tin.
Hơn nữa chia sẻ thông tin với bên thứ ba trong khi không có nghi ngờ về tội phạm thực ra là vi phạm luật pháp Thụy Sĩ.
Nhiều người tin rằng hệ thống như vậy của Thụy Sĩ là yếu tố rất lớn đảm bảo cho sự thành công của các ngân hàng.
Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích tài chính thì hệ thống như vậy vẫn có kẽ hở để những người muốn giấu tiền lợi dụng.
Các ngân hàng Thụy Sĩ đã từng dính líu vào một số vụ tai tiếng liên quan tới tham nhũng mà đối tượng là các quan chức lãnh đạo cấp chính phủ các nước.
Cựu Tổng thống Philippines và Zaire, là Ferdinand Marcos và Mobutu Sese Seko, là những người từng giấu hàng tỷ đô la trong ngân hàng ở Thụy Sĩ.
Nay Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói có hàng chục ngàn công dân Mỹ mở tài khoản ở UBS mà không khai báo.
Bằng việc thừa nhận một số nhân viên của mình đã thực sự giúp các khách hàng Hoa Kỳ trốn thuế, và trả tiền 780 triệu tiền đền bù, UBS hy vọng chính quyền Hoa Kỳ sẽ thôi không đưa ra hành động pháp lý nào nữa.
Đó là tính toán sai lầm. Chỉ vài giờ sau khi UBS thông báo bước giải quyết từ phía họ, các quan chức từ Washington đã đâm đơn khiếu kiện dân sự mới và yêu cầu UBS giao nộp thông tin về 52000 trường hợp có chủ tài khoản là công dân Mỹ.

Bị đe dọa

UBS nói ngay là họ sẽ không đáp ứng yêu cầu mới nhất này. Tuy nhiên áp lực từ Hoa Kỳ sẽ nhiều khả năng còn tiếp diễn.
Giống như tất cả các chính phủ đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, Mỹ không muốn bị mất một xu tiền thuế và rõ ràng Hoa Kỳ tin rằng hàng tỷ đôla có thể được ém trong các ngân hàng ở Thụy Sĩ.
Trong khi đó Liên minh Châu Âu cũng đang tăng áp lực.
Đức đã công khai cáo buộc Thụy Sĩ bao che cho những phần tử trốn thuế.
Thủ tướng Anh Gordon Brown đã nói ông muốn chủ đề "né tránh nộp thuế" là một trong các ưu tiên hàng đầu trong cuộc họp thượng đỉnh G20 đỉnh tài chính ở London vào tháng Tư.
Tại Thụy Sĩ, các ngân hàng nhỏ hơn phẫn nộ với những sai lầm của UBS.
Họ tin rằng các ngân hàng lớn của khuyến khích mở tài khoản từ tiền trốn thuế đã mở cửa cho một cuộc tấn công toàn diện vào tính bảo mật của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ.


No comments: