Tuesday, March 17, 2009

CHƯA THỂ BÌNH YÊN

Chưa thể bình yên
Lý Đông A
Đăng ngày 17/03/2009 lúc 03:45:50 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3623
Mươi năm về trước, khi Hà Tây còn là một Hà Tây quê lụa, một Hà Tây hiền hoà nằm ở cửa ngõ thủ đô, mỗi khi nghe người đời rủa xả: “Đầu chợ là nhà thằng Biển Thủ” (ý ám chỉ ông cựu chủ tịch tỉnh) và câu “Cuối chợ là nhà gã Sở Khanh”( ý ám chỉ ông cựu bí thư tỉnh), tôi lại thầm trách mọi người là quá đa đoan, vì các ông ấy tuy có điều này điều nọ nhưng đã đến nỗi nào mà phải xếp họ vào rọ của những kẻ mạt hạng đến như vậy.

Giờ đây sự đa đoan của người đời không chỉ dừng ở cấp các ông đó nữa mà còn tới cả cỡ các ông có thể đề bạt ra các ông này, cả các quan ông quan bà bé tí ở cấp xã thậm chí xuống cả cấp thôn… Như thế là đến lúc này, thằng Biển Thủ, thằng Sở Khanh có thể là bất cứ ông nào, bà nào có một tí chút chức quyền trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn và khốn khổ.

Phải sống trong một xã hội mà quan chức rặt một lũ tệ hại như vậy thì thần dân ba họ lấy đâu ra là bình yên là hạnh phúc được nữa!

Bình yên hạnh phúc gì đâu khi dân oan ở Vạn Phúc, ở Dương Nội, ở Phú Lương…đã từng không ít lần phải trống rong cờ phướn kéo đến các cơ quan công quyền để đòi công bằng, đòi quyền sống? Bình yên hạnh phúc gì đâu khi ở Quốc Oai, Trường Yên Chương Mỹ người dân thực sự phải sống trong đại loạn trong cuộc tranh đấu đòi giữ lại đất đai của mình?

Bình yên gì đâu khi chỉ trong một ngày 02/3/2009 hai tờ báo lớn của báo chí chính thống phải dật những tít gây chú ý tối đa cho người đọc:
- “Buông lỏng quản lý, người dân chịu thiệt” (NL&TP, báo <>)
- “Phường Phú La-Hà Đông nhiều khuất tất trong quản lý đất đai”(Bài của TD, báo Hà Nội Mới)

Nếu chỉ qua lại mảnh đất này trong tâm thế vô cảm nhàn tản kiểu ông Tố Hữu ngày trước:
"Ta dạo bước trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi”
… sẽ chẳng thấy gì đâu ngoài sự ngợp mắt bởi những hào nhoáng thời kinh tế thị trường với luật chơi mới là “Cá lớn nuốt cá bé”, là “Mạnh được yếu thua”. Nhưng mạnh đâu đến với người dân thấp cổ bé họng, cá lớn đâu là đám dân oan đang nhếch nhải vì mưu sinh!
Hãy thả bộ trên con đường thênh thang 2 làn xe xuôi ngược mà dự án mở rộng đường 6 đã cướp gọn của dân Văn Phú không dưới 26000m vuông rồi rẽ trái vào La Khê mà xem cuộc sống những ngày này nó sôi sục như thế nào!

Thôn La Khê trước kia cùng với thôn Văn La, thôn Văn Phú hợp thành xã Văn Khê. Khi Hà Tây nhập vào Hà Nội, Văn La và Văn Phú tách ra lập Phường Phú La. Còn lại La Khê do tầm vóc kinh tế hơn hẳn, do đông dân và lắm ruộng đã một mình tách ra là Phường La Khê. Giờ đây luôn đập vào mắt mọi người mỗi khi qua lại nơi đây là sự bộn bề của một vùng đất đang phát, đang đô thị hoá đến chóng mặt. Mảnh đất đó có Bia Bà, một điểm tâm linh nổi tiếng cả nước, nơi có một nguồn thu ngân sách chỉ xếp sau Nam Thiên Đệ Nhất Động (Chùa Hương -Mỹ Đức Hà Tây). Vậy mà hôm nay chẳng có gì đảm bảo để nói rằng La Khê đang có một cuộc sống là bình yên.

Người đời đâu đã quên chuyện ông Đại tá QĐNDVN Nguyễn Gia Lộc ở đội 4 La Khê, người đã từng chinh chiến khắp các mặt trận trong Nam ngoài Bắc, lúc về hưu những tưởng được sống những ngày bình yên để viết hồi ký, bỗng lại rơi vào cảnh ngộ của một dân oan đeo hàm Đại tá! Cái ngõ đi quen thuộc của gia đình đại tá bỗng suýt bị các quan ở thôn, ở xã, ở thị xã đòi cưỡng chế vì theo các quan, Đại tá Lộc đã chiếm dụng đất đai trái pháp luật! Nhân dân La Khê bất bình, bạn bè Đại tá ở khắp nơi trong nước lên tiếng phản đối ầm ầm, cuộc cưỡng chiếm thế là phá sản. Nội vụ này có thể sẽ qua đi, nhưng một điều day dứt mãi mãi là còn lại trong lòng người dân La Khê: Một công dân cỡ như Đại tá Lộc còn bị hành xử thô bạo như thế thì loại phó thường dân thấp cổ bé miệng sẽ sống ra sao đây với các quan ở địa phương này?

* * *

“Buông lỏng quản lý người dân chịu thiệt!” chẳng hề vô lý chút nào khi báo ANTĐ số ra ngày 02/3/2009 đã chạy một tít bắt mắt đến như vậy. Thực ra bài báo đó mới chỉ ra một nét chấm phá khá gay gắt trong cả một bức tranh tổng thể về những thua thiệt của người dân La Khê chúng tôi thôi. Câu chuyện mà báo ANTĐ lên tiếng có thể tóm lược như sau:

Một số hộ ở thôn La Khê ngay từ 27/9/2003 đã kí với HTX nông nghiệp La Khê một hợp đồng nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng cho cánh đồng Trầm từ hình thức trồng lúa rất kém hiệu quả xang hình thức nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Dự án này đã được UBND thị xã Hà Đông phê duyệt với đủ loại chữ kí và dấu son to nhỏ các loại. Thật đáng buồn cho mọi người, dự án có hiệu lực chưa đầy 04 tháng thì bất ngờ UBND thị xã Hà Đông cho ra quyết định 313/2004/QĐ-UBND đòi đình chỉ tức khắc với lý do các hộ thực hiện không đúng những tiêu chí ban đầu. Gần đây do những thông tin rò rỉ từ thượng tầng rằng cánh đồng Trầm đã lọt vào mắt cú vọ của một ông lớn rồi nên các ông chức dịch ở xã, ở Hà Đông đã phải ra tay như vậy đó. Thực ra tình hình cũng chẳng có gì là quá xao động nếu sau khi ra QĐ 313 sẽ phải là quyết định thanh lý hợp đồng giữa HTX La Khê với các hộ. Suốt từ 2004 đến nay thực tế lại không như thế. HTX La Khê vẫn cứ để các hộ tiếp tục khai thác và chẳng hề từ chối các sản phẩm mà hàng năm các hộ cống nộp theo hợp đồng. Khoảng giữa năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây ra QĐ thu hồi khu đất đồng Trầm để xây dựng khu đô thị Lê Trọng Tấn. Đến 12/2008 QĐ phê duyệt kinh phí bồi thường có hiệu lực, các hộ bỗng té ngửa khi các quan giải thích: Toàn bộ các công trình mà các hộ đã xây dựng bấy lâu nay bị coi là bất hợp pháp! Sẽ không được nhận 1 đồng bồi thường nào, chỉ được hỗ trợ kinh phí phá dỡ bằng 10% giá trị thực.

Một câu hỏi rất tất yếu được đặt ra: HTX La Khê giải thích thế nào về việc, sau quyết định đình chỉ dự án từ 2004 vì sao mà HTX vẫn cứ đều đều thu nhận sản phẩm của mọi người? Đến nay tổng số tiền họ thu về từ các hộ đã lên đến hàng tỉ đồng! Chính quyền mà nói: Việc thu sản phẩm là tất nhiên thì việc khai thác Đồng Trầm của các hộ là hợp pháp.
Nếu việc khai thác đó là hợp pháp thì không bồi thường cho họ là không thể chấp nhận được. Chính đây mới là “Sự buông lỏng quản lý, người dân chịu thiệt”.

Nếu coi việc tiếp tục đầu tư của các hộ sau khi có QĐ313 là sai trái thì HTX La Khê phải trả lại cho họ hàng tỉ đồng là đương nhiên vì không thể được phép tồn tại một thứ chính quyền có 2 bộ mặt như thế được. Tác giả bài báo là rất đúng khi phân tích: “Người ta không thể có được khoản thu hợp pháp khi mà số tiền đó có được từ việc đầu tư sản xuất bất hợp pháp” (NL-TP, báo An Ninh Thủ Đô, 2/3/2009).

Thử hỏi, cuộc sống có bình yên và hạnh phúc được không khi đây đó vẫn còn những câu chuyện bất công đến như vậy. Xin hỏi những người có lương tri, các vị có lọt tai được không trước lời biện minh của bà Hạnh chủ nhiệm HTX La Khê với công luận:
“Nếu thực hiện QĐ313 thì sẽ để hoang hoá khu đất của dự án, như vậy sẽ rất lãng phí. Chính vì vậy HTX vẫn cứ cho các hộ thực hiện đầu tư sản xuất và thu sản phẩm bình thường “(!). Thật là một thứ luật lệ cao su không thể chấp nhận được. Hoá ra lòi chuôi ra lại là “Nén bạc hàngtỉ đồng” đã đâm toạc tờ giấy 313QĐUBND thị xã Hà Đông. Để các hộ nhanh nhẩu chuyển sản phẩm về cho HTX, người ta thường xuyên đe doạ “Sẽ cắt điện nếu không nộp sản phẩm!” (báo An Ninh Thủ Đô). Như vậy cái mà các lãnh đạo của La Khê luôn đau đáu nghĩ đến là chuyện tiền chứ hoàn toàn không phải là họ lo lắng cho sự thượng tôn pháp luật, sự lo lắng tới quyền lợi của người công dân, cho một cuộc sống bình yên.

Có một hiên thực cũng rất đáng suy nghĩ, liền kề với cánh đồng Trầm của La Khê là đất đai của HTX Văn Phú. Hộ ông Lê Đình Lực cũng đã kí hợp đồng tương tự với HTX Văn Phú. Khi có QĐ313, HTX Văn Phú đã xin ý kiến hội nghị xã viên và không thu hồi của anh Lực một đồng nào. Xin được nhắc lại, thời kì này La Khê, Văn Phú, Văn La là cùng một xã có tên gọi là Văn Khê. Phải chăng cùng một đảng uỷ xã lãnh đạo, cùng một chính quyền xã chỉ đạo lại tồn tại hai chế độ, hai cách ứng xử hoàn toàn trái ngược nhau. HTX Văn Phú đẫ thực hiện nghiêm chỉnh QĐ 313/2004 của UBND thị xã Hà Đông, còn HTX La Khê lại có quyền chống lại! Thử hỏi, có thể sống bình yên được không khi phải sống dưới sự cai trị của những ông quan như Trịnh Việt Thắng nguyên chủ tịch xã Văn Khê ngày nào trong bản án số 131 xét xử Đào Công Hải chủ nhiệm HTX Văn Phú làm sai làm trái, mặc dù được cơ quan điều tra ngấm ngầm bao che, Thắng vẫn bị kỉ luật vì tội lợi dụng chức quyền gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước. Vậy mà hôm nay Thắng vẫn cứ được thăng thưởng chức bí thư đảng uỷ phường La Khê trong khi Thắng không hề nằm trong HĐND phường!

Thử hỏi có được bình yên không khi phó chủ tịch phường, trưởng ban di tích Bia Bà Nguyễn Học Phúc, kẻ ngang nhiên lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất đai của HTX, kẻ ngày ngày ngênh ngang xe hơi đất tiền dám chửi bới cả phó chủ tịch UBND thị xã Hà Đông Phạm Khắc Minh, dám coi khinh cả giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh khi xua tay chân ra chặn xe của ông Nhanh lần ông đi lễ Bia Bà với một mệnh lệnh rất hỗn xược: “Nhanh - Chậm gì thì cũng 30.000 đ mới cho vào ” (!).

Người dân La Khê chúng tôi làm sao mà có thể có cuộc sống bình yên khi phải chứng kiến Phúc cùng với lãnh đạo công khai bán đất quỹ 2 cho đối tác Sông Đà với giá 560000đ/m vuông. Phúc cùng với Thắng bí thư đe doạ khủng bố tinh thần nông dân Nguyễn Duy Hồng và một số gia đình đang vô cùng uất ức vì bị tước đoạt đau đớn số diện tích đất 5% với giá bọt bèo.

Thử hỏi lòng người dân La Khê làm sao mà chẳng nhói đau khi phải nghe vợ chồng Phúc cãi nhau, vợ Phúc chỉ mặt Phúc mà đay nghiến: “ Không nhờ… con này thì mày làm sao mà có chức phó chủ tịch phường La Khê?”. Ai mà biết được cuộc thương lượng giữa vợ Phúc và Phạm Khắc Tuấn chủ tịch UBND thị xã Hà Đông đã diễn ra như thế nào mà giờ đây Phúc có thể ngọng ngạnh như một thứ Đặng Mộng Lân bạo chúa thời Lê -Trịnh đến như thế. Chắc chắn đằng sau những “Đầy tớ” kiểu như Thắng và Phúc phải là những “đại ca đầy tớ” có thâm niên trong nghề vơ vét và lừa khe lách luật. Được các “Bố già” đỡ lưng, chẳng hiểu những kẻ như Thắng, như Phúc sẽ còn đi đến đâu nữa trên con đường vơ vét cho mình, cho băng nhóm và làm nghèo, làm băng hoại những giá trị thanh cao của vùng đất La Khê địa linh nhân kiệt cửa ngõ Thủ đô.

Một chính quyền với những cán bộ “đầy tớ” của nhân dân mà lại như vậy, thử hỏi người dân La Khê chúng tôi tìm đâu ra được một chốn bình yên chim hót, tìm đâu ra được một môi trường sống lành mạnh với những bảo đảm về nhân phẩm và danh dự cho tất cả mọi người?

Thưa các nhà lãnh đạo Hà Nội!
Thưa các nhà lãnh đạo trung ương!
Các vị có biết đến những gì đã đến với chúng tôi không? Nếu các vị không biết thì lỗi này thuộc về ai? Nếu các vị có biết thì các vị phải làm một cái gì đi chứ để quê hương La Khê chúng tôi tìm lại được những giá trị đẹp đẽ mà tổ tiên ông cha chúng tôi đã từng đạt được.

Lý Đông A
Cựu chiến binh Thôn La Khê
Hà Đông- Hà Nội
© Thông Luận 2009


No comments: