Sunday, March 22, 2009

ĐÀO TẠO NÔNG DÂN CHẤT LƯỢNG CAO

Đào tạo chất lượng cao

trục nhật phi

Saturday March 21, 2009 - 11:29pm (ICT)

http://blog.360.yahoo.com/blog-0lIwRp4yeqlSlANVd_hNqS7b?p=3383#comments

Tức là chuyện đào tạo 1 triệu nông dân chất lượng cao/năm mà nghe nói Chính phủ vừa đặt hàng cho Bộ hữu quan. Đây là một chuyện cười chất lượng cỡ nào thì tùy người đối diện, nhưng hiệu quả thì giống như nói chuyện pha trò mà thành chọc cho chúng chửi. Bởi vì chương trình này có nhiều chỗ nghe cứ lơ mơ như trát bùn, mặc dù nếu được thực thi thì sẽ trực tiếp tác động tới số phận cùa nhiều triệu người trong nhiều năm tới.

Trước đây nghe tới vụ Cử nhân tài năng đã rất chối tai, nhưng ngành Đại học kém cỏi lỡ đào tạo ra thứ Cử nhân không có tài năng thấy xấu hổ muốn cải tiến nên chọn đó làm mục tiêu phấn đấu, đào tạo ít năm nếu không thấy có hiệu quả sẽ dẹp tiệm tìm phương án khác, thất bại là mẹ thành công thì tự nhiên thành công là con thất bại, mẹ càng nhiều thì con càng đông, cái gì chứ người muốn làm Cử nhân xứ này đâu có thiếu, đám trẻ con kia chỉ là vật thí nghiệm miễn phí, vì lợi ích trăm năm thì thiệt thòi vài thế hệ nhằm nhò gì, tiếc gì mà không thất bại bừa đi. Có điều ít nhất Cử nhân cũng là thứ người phải đào tạo đúng bài bản mới có được, thôi thì may nhờ rủi chịu chứ biết làm sao! Nhưng nông dân mà cũng phải đào tạo trường lớp chính quy cho thành chất lượng cao, lại là đào tạo đại trà, nhất là lại do chính quyền đứng ra đào tạo thì hơi lạ, tóm lại vụ này mới.

Thứ nhất là vì trong môi trường sản xuất nông nghiệp thì hoạt động sống và hoạt động sản xuất không tách bạch như trong giới làm công ăn lương, trời không mưa cũng phải lo, nước quá cao cũng phải sợ, Vedan lén xả nước thải cũng chết dở, nhà nước quy hoạch lấy đất cũng buồn thiu, lao động lại không đồng nghĩa với sản xuất, làm ruộng giỏi mà gặp thiên tai cũng mất trắng, chăn nuôi giỏi mà gặp thứ heo Thổ Hành Tôn nuôi cả năm được ba chục ký cũng sạt nghiệp, hàng trăm hàng ngàn nguy cơ rất cụ thể như thế thì giáo trình nào tổng kết, lý giải và dự kiến cho hết được để dạy người ta? Thứ hai là trong nông nghiệp thì kỹ năng và kinh nghiệm của từng cá nhân được hình thành qua thực tiễn lao động sản xuất gắn liền với một hệ thống điều kiện tài nguyên tự nhiên (thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu...) xác định và một hệ thống sản xuất (phương tiện kỹ thuật, quy trình tác nghiệp, quan hệ thị trường...) cụ thể, cho dù là Thần Nông ở Thái Bình mà vào Đồng Tháp Mười làm ruộng không khéo cũng có ngày phải bỏ đất cho chuột coi mà lên Sài Gòn bán giấy số. Chỉ một chuyện chống chuột phá lúa ấy thôi mà hai trăm năm nay bao nhiêu thế hệ nông dân Nam Bộ cũng phải liên tục đào tạo cho nhau đấy, ai cũng là thầy mà ai cũng là trò. Cho nên nếu đào tạo nông dân chất lượng cao thì phải đào tạo người đào tạo, cứ giao vài ngàn mẫu đất cho các vị thầy bà tương lai kia làm ruộng nuôi heo nuôi cá chăn bò vài mùa xem họ có đủ ăn không đã rồi hãy nói tới chuyện cho họ dạy dỗ người thiên hạ.

Nhưng khoan đã, danh bất chính tắc ngôn bất thuận, nông dân chất lượng cao là nông dân gì, khác với các loại nông dân chất lượng thấp hay chất lượng chưa cao chỗ nào thì chưa thấy ai định nghĩa hay giải thích. Tuy nhiên theo lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn nhiều lần nhấn mạnh, “mục tiêu mà chương trình đào tạo này đặt ra phải là trang bị cũng như đào tạo cho nông dân có tay nghề cụ thể, có tri thức và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu từ nông nghiệp, chứ không phải làm cán bộ nông nghiệp hoặc sau đó lại ly nông”, thì có thể hiểu đơn giản thế này: nông dân chất lượng cao sắp được đào tạo đây là loại nông dân có thể làm giàu bằng hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình nên không cần chạy chọt xin làm việc nhà nước để lãnh lương hay bỏ làm ruộng chạy chợ (ly nông), thậm chí rời quê (ly hương). Nghe thì cũng hay, nhưng có mấy điểm cần lưu ý nếu không thì lầm chết luôn. Trước hết, nông dân có tay nghề cụ thể, có tri thức và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là chuyện họ chủ động được, còn có thể làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp để yên tâm làm nông dân trọn đời hay không lại là chuyện họ không chủ động được, phải nói cho rạch ròi như vậy mới thấy cái mục tiêu cao đẹp kia khả thi tới đâu. Thứ nữa, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp và ở nông thôn hiện nay là nhu cầu khách quan mà cấp thiết, nông dân không ly nông thì có ngày chết đói, ly nông mà ly hương thì chết cha các thành phố, muốn họ ly nông không ly hương thì phải tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, có đào tạo tay nghề thì đào tạo những cái ấy, chứ đào tạo những thứ kỹ năng cấy lúa làm cỏ chất lượng cao để làm cái gì! Bên cạnh đó, nông dân giàu lên sẽ phân hóa thành năm bảy hạng, hạng lương dân thì tự nhiên chất lượng vẫn cao, còn những hạng không chịu yên phận làm lương dân thì có tiền càng dễ làm bậy, liệu có thể dựa vào mấy cái tiêu chuẩn như giàu có và không ly nông kia mà nói đó là nông dân chất lượng cao không?

Thế đấy, mà cũng chỉ cần nghĩ tới vài điểm lặt vặt như vậy thôi thì người ta đã đưa ra được những cách thức phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn khác tuy ít hoành tráng nhưng chắc chắn nhiều hiệu quả hơn rồi. Còn nói xa hơn thì nếu chẳng may chương trình đào tạo nông dân chất lượng cao này lại có chất lượng cao thì sau 25 năm nữa Việt Nam sẽ có 25 triệu nông dân xịn, có điều lúc ấy nước biển dâng lên, ruộng đất giảm đi, nông dân cả chất lượng cao lẫn chưa cao không đủ mặt bằng tác nghiệp để thi triển thân thủ đành phải ly nông hay ly hương thì công lao của thầy, công sức của trò, quyết tâm của Chính phủ, tâm huyết của Bộ hữu quan và nhất là kinh phí nhà nước đổ vào chương trình này kể như đổ sông đổ biển chứ gì?

Nông dân phải sống thì cứ để họ tự đào tạo là chính, chính quyền có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho họ sản xuất nông nghiệp - tiêu thụ nông sản và bảo vệ công bằng xã hội cho họ thì mấy chục năm nay còn lo chưa xong, lại đi can thiệp sâu vào những chuyện vốn không phải của mình.

Mịa, nói vô phép chứ xứ này hiện cần đào tạo nhiều cái chất lượng cao lắm, nhưng trong đó cái cần đào tạo sớm nhất chính là chính quyền chất lượng cao...

Tháng 3. 2009

No comments: