Thursday, March 19, 2009

CÁC DỰ BÁO KINH TẾ VIỆT NAM MÂU THUẪN NHAU

Các dự báo về kinh tế Việt Nam mâu thuẫn nhau vì thiếu thông tin đúng sự thật
Wednesday, March 18, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92259&z=157
Hà Nội (NV) - Trong thời gian vừa qua, các chuyên gia kinh tế quốc tế đã đưa ra những dự báo trái ngược với nhau về kinh tế Việt Nam vì có quá nhiều dữ kiện mà họ nhận được và sử dụng để phân tích dùng vừa khác nhau, vừa sai sự thật. Ðiều này cho thấy, chính quyền CSVN thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin.

Giới quan sát cho rằng bằng chứng rõ nhất về tình trạng kể trên là diễn biến hội thảo có tên “Ðịnh vị Việt Nam trong tương lai”, vừa diễn ra tại Hà Nội, trong hai ngày 16 và 17 tháng 3.

Justin Wood, giám đốc bộ phận khảo cứu khu vực Ðông Nam Á của tổ chức EIU (Econmist Inteligence Unit), nói trong hội thảo kể trên, rằng: Năm nay, sự tăng trưởng của Kinh tế Việt Nam gần như bằng 0 (0.3%). Trong khi hồi đầu năm, chính quyền CSVN tuyên bố sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng tới 6.5%. Ông Wood đưa ra nhận định này dựa vào sự suy giảm về nhập cảng của các quốc gia và khu vực vốn từng mua nhiều hàng hóa xuất cảng của Việt Nam.

Khác với EIU, cũng tại hội thảo này, đại diện Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) cho rằng, tuy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng của tình trạng kinh tế thế giới suyu thoái song năm nay, khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, sẽ vào khoảng 4.75%. Mức này khác với dự đoán cũng của IMF hồi cuối năm ngoái (khoảng 5%) về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009. Ông Benedict Bingham, đại diện cho IMF tại Việt Nam, giải thích, sở dĩ, lần này, IMF điều chỉnh nhận định về tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2009 là vì họ tham khảo thêm tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới: “Nếu quí vị nhìn vào các trụ cột của tăng trưởng ở Việt Nam trong vài năm qua, quí vị sẽ thấy có sự gia tăng xuất cảng mạnh mẽ cũng như gia tăng đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc và nguồn tiền từ ngoại quốc đổ vào Việt Nam rất lớn. Những trụ cột đó có yếu đi trong khi Việt Nam cố băng qua cuộc khủng hoảng có tính toàn cầu”.

Một chuyên gia kinh tế là trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư quốc tế JP Morgan Chase là ông David Fernandez, có quan điểm gần với IMF. Ông Fernandez dự đoán năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng khoảng 5%. Song một chuyên viên kinh tế khác của Singapore là ông Lim Chuan Poh, tổng giám đốc điều hành của Singapore Telecommunications International thì không tán thành. Ông Lim Chuan Poh bảo rằng tỷ lệ tăng trưởng về kinh tế của Việt Nam trong năm nay chỉ có thể đạt khoảng 3%.

Trước những nhận định hoàn toàn trái ngược nhau như thế, ông Trần Ðức Nguyên, cựu chủ tịch Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế của chính quyền CSVN, thú nhận: Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong đánh giá, nhận định về kinh tế Việt Nam “là vì thiếu dữ kiện”. Ông Nguyên cho rằng: “Lý do chính dẫn đến các dự báo khác nhau là vì họ thiếu thông tin về kinh tế Việt Nam.Nếu có đủ dữ kiện, các dự báo không khác biệt nhau đến như vậy”.

Ông Nguyên phán đoán: “Sở dĩ EIU dự báo năm nay, sự tăng trưởng của Kinh tế Việt Nam gần như bằng 0 (0.3%) vì họ dựa vào xuất cảng chứ không căn cứ vào các chỉ số tiêu thụ nội địa vốn chiếm phần lớn của tổng sản lượng quốc gia (GDP). Cũng cần phải nhìn nhận rằng EIU có lý khi làm như thế vì các thống kê chính thức cho thấy xuất cảng chiếm đến 70% GDP của Việt Nam”.
Liên quan đến kinh tế Việt Nam, ở hội thảo có tên “Ðịnh vị Việt Nam trong tương lai”, ông Nguyễn Sinh Hùng, phó thủ tướng đặc trách kinh tế tài chính của chính quyền CSVN, “đính chính”: “Việt Nam tin tưởng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại ở mức độ khiêm tốn vào cuối năm nay và từ năm 2010 tình hình sẽ tốt hơn”.

Trước đây, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã tự biến mình thành trò cười cho giới chuyên gia kinh tế cả trong lẫn ngoài Việt Nam khi tuyên bố: “Ðến tháng 5, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục”. Sau tuyên bố này, một số hãng tin nước ngoài ví Nguyễn Tấn Dũng như “người chữa bệnh” cho kinh tế Việt Nam và tuyên bố của ông Dũng cho thấy, nhận thức - khả năng của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ cỡ... “lang băm”.


No comments: