Vụ Tết Mậu Thân (1968): bóng tối lịch sử đã sáng dần?
Nguyễn Đức Cung
Đăng ngày 17/01/2009 lúc 19:14:34 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3468
(tiếp theo)
4.- Tổng công kích – tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân,các quan điểm nhận định về thành bại
4.1. Nhận định của các viên chức trong chính quyền Hoa-Kỳ.
Đối với các giới chức hành chính và quân sự Hoa Kỳ lúc đó như Tổng Thống Johnson, Cố vấn An ninh Quốc gia Walt Whitman Rostow, Đại sứ Hoa Kỳ tại VNCH là Bunker, Thống Tướng Westmoreland chẳng hạn, các vị này đều cho rằng qua biên cố Tết Mậu Thân, Cộng Sản đã thất bại trong việc đạt tới sự bất ngờ mang tính chiến lược trong dịp Tết (strategic surprise) bởi vì một cuộc tấn công lớn của CS đã được dự đoán là có khả năng xảy ra vào dịp nghỉ Tết nên Hoa Kỳ và QLVNCH đã dự phòng phần nào. Tuy nhiên họ cũng cho rằng cuộc tấn công của Tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đạt được sự bất ngờ mang tính chiến thuật (tactical surprise). Đối với Tướng Westmoreland, thắng lợi của Quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH trong cuộc TCK-TKN là một sự kiện hiển nhiên.
Ngoài ra chiến thuật dương đông kích tây của Võ Nguyên Giáp đã không thành công tại Khe Sanh, nghĩa là không dụ được Hoa Kỳ và QLVNCH dồn về các mặt trận cao nguyên, biên giới hay ở giới tuyến mà bỏ trống các đô thị.
Việc Võ Nguyên Giáp bất thần hoãn cuộc tấn công lại 24 tiếng đồng hồ đã làm mất tính bất ngờ, vì có mộtsố tỉnh từ Quảng Nam trở vào và cao nguyên đã bị tấn công đêm giao thừa TMT nên các tỉnh khác đã kịp chuẩn bị kháng cự.
Thất bại quan trọng nhất mà CSBV gặp phải đó là sự thờ ơ nếu không nói là kinh hãi của nhân dân Miền Nam đối với chế độ CS qua biến cố Tết Mậu Thân. Điều này là lẽ đương nhiên bởi vì chính nhân dân miền Nam, nhất là tại thủ đô Sài Gòn làm sao có thể nghe theo lời CS nổi dậy đi biểu tình chống lại chính quyền VNCH được? Rất nhiều nơi dân chúng đã bỏ nhà cửa, tài sản chạy đi khi Cộng quân kéo đến. Nhiều người dân tình nguyện chỉ nơi ẩn trốn hoặc nơi có VC để quân đội VNCH hành quân tiêu diệt. Rõ ràng Nghị quyết 14 của CSVN chỉ là bản văn lừa bịp và thực tế đã vạch trần bản chất bịp bợm đó.
Trong sách The genius of Vietnam’s Gen. Vo Nguyen Giap, sử gia Cecil B. Currey cho rằng: “Thất bại lớn nhất của cuộc tổng tấn công Tết không phải là của Giáp mà rõ hơn là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Giáp đã chống đối dự án ngay từ khởi đầu nhưng các luận cứ của Thanh và Lê Duẩn đã thuyết phục được Hồ Chí Minh rằng cuộc tiến công phải được thực hiện. Sự việc cho biết Cộng quân đã phải chịu nhiều tổn thất lớn lao. Dân chúng miền Bắc đã quá mệt mõi vì các trận mưa bom của Mỹ. Hoa Kỳ có thể sẽ phải quyết định xâm lược miền Bắc. Một trận đánh mang đầy kịch tính ở miền Nam bộc lộ khả năng yếu kém của chính quyền ở đây và bó buộc Hoa Kỳ phải rút lui. Giáp đã phải miễn cưỡng tuân theo mọi quyết định. Kết quả đó đã không làm cho ông ta ngạc nhiên khi lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã chứng tỏ rất đỗi thích hợp và có khả năng ứng biến hơn là Thanh và Lê Duẩn tiên đoán.”[55]
Trong cuốn hồi ký Cuộc Chiến Dang Dở, trang 260, 26, Tướng Trần Văn Nhật cho biết: “Tướng Westmoreland vào cuối năm 1995, trong buổi tiếp tân và phỏng vấn tại nhà tôi ông nói “ông đã biết trước các âm mưu của CSBV sẽ tấn công VNCH vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nhưng ông không thể “bật mí” vì có ý định nhử Cộng quân tập trung vào các thành phố để tiêu diệt dễ hơn là tìm đánh chúng trong rừng núi”. Theo ông nhờ chiến thuật này nên sau Tết Mậu Thân, toàn bộ các đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đều bị loại khỏi vòng chiến”.[56]
4.2. Quan điểm của các nhân vật lãnh đạo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.
Trước hết, Tướng Trần Văn Trà đã thú nhận: “Các mục tiêu quân sự trong dịp Tết vượt qua sức mạnh của chúng ta. Tất cả đều nằm trong ước muốn chủ quan của những người vạch ra kế hoạch. Vì vậy sự tổn thất của chúng ta đã rất lớn lao về vũ khí cũng như nhân sự. Và chúng ta không thể lấy lại được những gì chúng ta đã tạo ra. Vì vậy, chúng ta đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn trở ngại trong các năm 1969, 1970.”[57]
Theo nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thành viên lãnh đạo của MTDTGPMN, “Hà Nội đã có tội khi đưa ra những tính toán sai lầm làm tiêu phí hết sức mạnh của miền Nam.”[58]
Sau đây là ý kiến của Trần Độ, một vị tướng chỉ huy mặt trận Sài Gòn bên cạnh Trần Văn Trà: “Thành thật mà nói chúng ta đã không hoàn thành được mục tiêu chính của chúng ta. Việc gây nên một ảnh hưởng lớn đối với Hoa Kỳ thật ra không phải là ý định của chúng ta nhưng điều đó đã trở nên một kết quả do may mắn mà tới.”[59]
Trong cuốn hồi ký Ở chiến trường Long An, ông Huỳnh Công Thân tức Tư Thân, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Long An năm 1968, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1980 khi đang làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An. Năm 1998 ông Huỳnh Công Thân được trao tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.
Trong hồi ký có đoạn ông viết: “Tình hình quần chúng ở Sài Gòn và sinh viên, học sinh như thế nào mà lúc đó lại có nhận định: hàng triệu quần chúng đang sục sôi khí thế cách mạng sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập tự do! Khi chúng tôi vào Sài Gòn, thực tế tình hình không phải như thế. Quần chúng chán ghét chế độ Mỹ – nguỵ bóp nghẹt dân sinh, dân chủ nhưng chưa đến mức “sục sôi” và chưa “sẵn sàng hy sinh tất cả” để có thể xuống đường đối đầu với súng đạn địch để lật đổ nguỵ quyền trung ương Sài Gòn, thiết lập chính quyền cách mạng.”[60] Nhận định của tác giả này chứng minh sự thất bại trong cái gọi là “tổng khởi nghĩa” qua biến cố Tết Mậu Thân.
Một bộ trưởng của Mặt Trận Giải Phóng nói cuộc Tổng công kích đã mang lại nhiều hậu quả tai hại không ngờ cho Mặt Trận và CSBV. Hoàng Văn Hoan, cựu bộ trưởng công an BV trốn sang Tầu năm 1979 nói CS đã bị tổn thất nặng nề trong Tết Mậu Thân. Sir R. Thompson, một chuyên viên về du kích chiến cho rằng Hà Nội muốn “nướng” hết lực lượng của mặt Trận Giải Phóng để BV có cớ đưa quân vào. Tướng Weyand phân tích cuộc Tổng công kích nói: “Việt Cộng dẫn đầu cuộc tấn công và bị tiêu diệt để bảo đảm thống nhất do BV thống trị”, ngoài ra một Thượng tá VC cũng có nói “Nó cho nướng sạch VC để sau này Bắc Kỳ vào thay thế hết”. [61]
Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Nguyễn Hùng của đài BBC ngày 15.1.2008, nhà báo Bùi Tín hiện sống ở Paris đã trả lời một số câu hỏi xin trích vài đoạn như sau:
Hỏi: - Tết Mậu Thân, ý định chiến lược của cuộc tiến công là gì?
Trả lời: - Các cuộc tiến công đồng loạt, bất ngờ vào các thành phố, thị trấn, căn cứ, sở chỉ huy Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà nhằm tiêu diệt sinh lực đối phương, với mục đích cuối cùng là sự nổi dậy rộng khắp của dân chúng, là cuộc Tổng khởi nghĩa toàn miền Nam kết thúc cuộc chiến.
Hỏi: - Mục đích ấy có đạt không thưa ông?
Trả lời: - Rõ ràng là không. Hoàn toàn không có nổi dậy, không có khởi nghĩa. Đó chỉ là ảo tưởng chủ quan. [62]
4.3. Luận điểm của truyền thông và giới sử học Hoa Kỳ.
Đối với biến cố Tết Mậu Thân, một số báo chí Hoa Kỳ và cơ quan truyền thông đã có luận điểm ngược lại khi cho rằng đó là sự thất bại của Hoa Kỳ và Đồng Minh mà đại diện cho khuynh hướng phê phán này là Walter Conkrite. Ông này cho rằng mấy tháng trước đây chính quyền Hoa Kỳ đã nhiều lần cho dân chúng biết là Hoa Kỳ đang trên đà thắng lợi tại VN nhưng đột nhiên lại có biến cố Tết Mậu Thân với sự xuất hiện của VC trên khắp nhiều thành phố tại Miền Nam, đặc biệt là VC đã lẻn vào được Toà đại sứ Hoa Kỳ ở thủ đô Sài Gòn, như vậy là rõ ràng Hoa Kỳ đang thất bại. 63 Dư luận Hoa Kỳ sôi nổi khiến cho Tổng Thống Johnson đã nhanh chóng huỷ bỏ ý định ra tranh cử Tổng Thống, chịu mở ngay hội đàm Paris, từ chối tăng quân cho tướng Westmoreland, rồi Nixon sau đó quyết định rút hết quân, Việt Nam hoá chiến tranh ... Nhà báo Bùi Tín cũng cho rằng “không ngờ báo chí, truyền hình Mỹ nhìn chung ngây thơ đến vậy, nhất là không ngờ Quốc hội Mỹ “quyết tâm” bỏ cuộc sớm đến thế.”[64]
Thêm vào đó, Gareth Porter trong bài “The 1968 Hue massacre” đăng trên Indochina Chronicle, số 33 ngày 24 tháng 6, 1974 đã dựa trên tài liệu của đảng CSVN để bác bỏ các con số sự thật về nạn nhân bị VC giết và dùng lời tường thuật của Alje Vennema, bác sĩ giám đốc bệnh viện trị lao phổi của Canada ở Quảng Ngãi cho đến tháng 8 năm 1968 để bênh vực cho luận điểm của mình. Porter cũng cho rằng việc phát hiện các mồ chôn tập thể đều là thành tích của sĩ quan chiến tranh tâm lý nghĩa là bịa đặt, hay thổi phồng! Đây là tiếng nói lạc điệu giữa rất nhiều tác giả, nhà báo công tâm khác viết về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân như Stewart Harris của tờ Times London (bài đăng ở trang 4, New York Times, 28.3.1968), Stanley Karnow (Vietnam: A History, trang 530-531), Don Oberdoefer (“Executions, Extrajudicial”) hay Jack Shulimson (US Marines in Vietnam: 1968, The Defining Year) ... [65]
Dĩ nhiên cũng phải có người thấy rõ được thái độ xuyên tạc sự thật của Gareth Porter và đã công khai điểm lại sách của Porter, đó là Stephen J. Morris, một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Chính sách Ngoại giao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học John Hopkins; ông này viết như sau:
“Một trong những khuyết điểm cơ bản của những khảo cứu của Porter là dùng những tài liệu lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam làm bằng chứng đáng tin để lý giải về dự tính, động cơ và hành động thực sự của ban lãnh đạo Đảng CSVN. Porter không hiểu rằng họ viết những nguồn tài liệu đó chỉ để biện minh cho sự kiện đã xẩy ra chứ không phải là những phân tích nhận định lương thiện. Lối viết này của Porter mang dấu ấn bắt đầu từ hơn 30 năm trước, và đính chặt với khuynh hướng cùng đồng cảm chính trị của ông (với Đảng Cộng Sản Việt Nam – TGT)[66]
Tuy nhiên, chín năm sau Tết Mậu Thân, một tác phẩm có tên The Big Story: How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tết in Vietnam and Washington, được xuất bản năm 1977, do tác giả là Peter Braestrup (1929-1997), phóng viên tại Sài Gòn và sau này là Giám đốc Truyền thông của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Sách này được tái bản năm 1983, 1986 và ấn bản sau cùng, 632 trang, do Presidio Press phát hành năm 1994 được đánh giá là “góp phần không nhỏ làm sáng tỏ trang lịch sử Mậu Thân lấy dữ kiện thay cho ấn tượng, thay lời phỏng đoán bằng những phân tích không thiên vị. Cuốn sách là một nghiên cứu đồ sộ về vai trò của giới truyền thông trong sự kiện quân sử quan trọng của Việt.” [67] Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ted Gittinger, tác giả The Big Story… nói về kinh nghiệm của ông khi là phóng viên chiến trường của tờ Washington Post tại Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam, Braestrup nhận chỉ thị từ chủ nhiệm Benjamin Bradlee rằng: “Tôi chỉ muốn một phóng viên viết thẳng và anh viết những gì anh thấy.”
Theo Peter Braestrup, “một trong những “vấn đề” của giới truyền thông Mỹ tại Việt Nam khi cộng sản mở cuộc tấn công Mậu Thân là nhân sự. Số ký giả tại chiến trường quá ít, nhân sự không được như cuộc tấn công mùa hè 1972, do đó thông tin, phân tích, nhận định không phong phú như tin tức chiến trường hè 1972. Về biến cố Mậu Thân, tạp chí Time là cơ sở truyền thông có cố gắng lớn nhất, thực hiện những phân tích dựa theo thông tin từ chiến trường khắp miền Nam Việt Nam. Cả tháng trời sau ngày Việt Cộng mở cuộc tổng tấn công, ký giả Hoa Kỳ vẫn không có đủ dữ liệu về kết quả thực sự của chiến trường để xác định “Tổng tiến công, tổng nổi dậy” là thất bại lớn của quân cộng sản Việt Nam về mặt quân sự. Trong thời gian đó, người duy nhất cho rằng Việt Cộng đã thất bại quân sự là Đại sứ Bunker; ngay cả Tướng Westmoreland cũng chỉ xác định quân cộng sản thua lớn (như Đức thua ở trận Ardennes, năm 1944) trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AP vào 22 tháng 2, 1968. Cùng lúc, đa số ký giả Mỹ, dù không đủ thông tin, đã đưa tin và nhận định về tình hình chiến sự Mậu Thân rất bi quan và bất lợi cho Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) và đồng minh.”
Một “vấn đề” khác của truyền thông Mỹ tại Sài Gòn, theo Braestrup, là giới truyền hình. Braestrup cho rằng trong nhóm truyền hình Mỹ tại Việt Nam chỉ có vài người đáng được gọi là ký giả. Giới truyền hình Mỹ, nói chung, chỉ muốn làm “phim chiến tranh” với giọng thuyết minh đầy kịch tính. Cuộc chiến Việt Nam trên màn hình TV Mỹ là sản phẩm như của Holywood; Đồng lương to, studio mới, ngoại hình bắt mắt quan trọng hơn là sự thực ở chiến trường.”
Giới truyền thông Mỹ thất bại trong trách nhiệm thông tin về cuộc “Tổng tiến công, Tổng nổi dậy” vì cách sử dụng thông tin đã có, do thiếu thông tin cần phải có lúc đó, và do không có thông tin nhưng vẫn làm như đã có, v.v...”[68]
4.4. Trường hợp của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Nói đến biến cố Tết Mậu Thân mà không nhắc tới Cố Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan là một thiếu sót lớn nếu không nói là đắc tội với ông.
Vài ngày trước khi biến cố này xảy ra ở Sài Gòn vào đêm mồng 1 Tết, ông Loan đã ra lệnh cho Tổng Nha CS và các Ty, các Chi cảnh sát đào giao thông hào, sắp bao cát chuẩn bị, như thế nghĩa là ông nắm vững tin tình báo CS sẽ tấn công vào dịp Tết.
Khi vụ Mậu Thân xảy ra ở Sài Gòn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về Mỹ Tho ăn Tết, nên Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã điều động cuộc chiến phản công tại thủ đô.
Một tên VC mặc đồ dân sự tên Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp tại mặt trận Chợ Lớn đã giết rất nhiều thường dân và cả gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn gồm cả mẹ già 80 tuổi. Chỉ có một bé trai 10 tuy bị thương nặng nhưng được cứu sống. Nguyễn Văn Lém bị bắt gần một hố chôn tập thể 34 thường dân bị giết. Lém khai rằng y rất tự hào là tác giả hố chôn tập thể đám người này, vì đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Lúc bị bắt, Lém mặc quần xà lỏn, áo sơ mi cụt cánh, hai tay bị trói trặt về phía sau mông, nhưng trong người vẫn còn đeo khẩu súng lục. Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã được báo cáo về những hành động giết người dã man của Nguyễn Văn Lém và chính ông đã hành quyết Nguyễn Văn Lém ngay tại phạm trường.
Tất cả diễn tiến vụ tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên đặc công VC Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp đều được ghi vào ống kính của Eddie Adams. Cũng có một người VN, ông Võ Sửu của đài NBC quay được cảnh đó, nhưng chỉ có bức hình của Adams là được các báo trên thế giới đăng tải. Admas kể lại lúc Tướng Loan bắn Bảy Lốp như sau: “Lúc đầu, tôi tưởng Lém được dẫn đến để Tướng Loan thẩm vấn. Khi ông rút súng chĩa vào Lém, tôi cũng vẫn còn tưởng là ông chỉ doạ thôi. Hoá ra, ông bắn thật.”
Sau khi bắn Bảy Lốp, Tướng Loan nói với Eddie Adams : “ Tên Việt Cộng này đã giết nhiều người Hoa Kỳ và người của tôi.” Tướng Loan cũng nói với các ký giả: Những tên này đã giết vô số dân chúng và tôi nghĩ rằng Đức Phật sẽ tha thứ cho tôi.”
Nhóm phản chiến tại Hoa Kỳ đã tận lực khai thác bức ảnh để làm phương tiện đòi chấm dứt ngay tức khắc cuộc chiến tranh VN. Bức ảnh này đã đem lại cho Eddie Adams hai giải thưởng cao quý Pulitzer và World Press Photo chỉ một năm sau, 1969. Phong trào phản chiến tiếp tục nổ ra khắp nơi khiến chính quyền Hoa Kỳ tìm mọi cách rút ra khỏi VN khiến cho VNCH chết tức tưởi vào ngày 30-4-1975.
Sự kiện bi đát của Miền Nam đã làm cho Eddie Adams hối hận.
Ông thuật lại rằng: “Tôi mặc bộ đồ dạ hội sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại Đại Hội Nhiếp Ảnh ở Hoà Lan. Khi ban nhạc trổi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bật khóc. Không phải tôi khóc vì sung sướng, mà khóc cho Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn chưa ý thức được việc tôi đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã huỷ hoại đời ông Tướng, vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa Kỳ lên án về tội giết tù binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng vẫn thường làm như vậy, nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào chụp được mà thôi.”
Sau này, Eddie Adams thường nói: “Tướng Loan là một vị anh hùng của chính nghĩa. Bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận. Ông chiến đấu cho cuộc chiến của chúng ta, không phải cuộc chiến của họ. Vậy mà mọi điều nhục nhã lại đổ trên đầu con người này.”
Ngày 5-5-1968, Tướng Loan bị trọng thương cả hai chân trên cầu Phan Thanh Giản khi CS mở cuộc tổng công kích lần thứ hai. Ông được đưa qua Úc chữa trị nhưng công luận Úc phản đối nên lại được đưa qua Hoa Kỳ tại bệnh viện Walter Reed Army Medical Center ở Washington D.C.
Năm 1975, khi Miền Nam mất, Tướng Loan đến Hoa Kỳ. Nữ dân biểu New York Elizabeth Holtzman yêu cầu trục xuất ông với sự đồng ý của Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ. Nhưng Tổng Thống Jimmy Carter đã lên tiếng can thiệp và cho ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông và gia đình lập nghiệp tại thành phố Springfield, VA mở tiệm Pizza. Eddie Adams đã tìm tới tiệm này gặp thăm Tướng Loan và nhắc lại tấm hình oan nghiệt năm xưa nhưng Tướng Loan an ủi Eddie Adams: “Ông làm nhiệm vụ của ông, tôi làm nhiệm vụ của tôi. Chỉ có thế thôi.”
Tướng Nguyễn Ngọc Loan chết ngày 14-7-1998 vì bị bệnh ung thư, thọ 68 tuổi để lại vợ, bà Mai Chính, 5 người con và 9 cháu nội ngoại. Nhận được tin này, Eddie Adams đã viết bản điếu văn đầy nước mắt đăng trên tạp chí Time số phát ngày ngày 27-7-1998:
“ Tôi đoạt giải Pulitzer trong năm 1969 nhờ tấm ảnh chụp một người bắn vào một người khác. Trong tấm ảnh đó có đến hai người chết: Người nhận lãnh viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông Tướng đã giết tên Việt Cộng, nhưng tôi giết ông Tướng bằng cái máy ảnh của tôi. Những tấm ảnh vốn là những thứ vũ khí kinh khủng trên thế giới. Người ta tin tưởng vào chúng, nhưng những tấm ảnh đó cũng có thể nói láo, thậm chí không cần phải nguỵ tạo. Chúng chỉ nói lên được có phân nửa của sự thật. Những gì mà tấm ảnh này chưa nói lên được là: “Người ta sẽ hành động ra sao nếu họ ở vào vị trí của ông Tướng, vào cái thời điểm và nơi chốn của một ngày nóng bức, khi người ta vừa bắt được một tên gọi là ác ôn mà trước đó hắn đã bắn chết một, hai hay ba người lính Mỹ?”
Tướng Loan là một mẫu người có thể được gọi là chiến binh đúng nghĩa và được thuộc cấp kính trọng. Tôi không nói rằng những gì ông Tướng đã làm là đúng, nhưng người ta phải tự đặt mình vào vị trí của ông. Tấm ảnh không hề diễn tả được rằng ông Tướng đã tận tuỵ dành nhiều thì giờ đến các bệnh viện để thăm hỏi những nạn nhân chiến cuộc. Tấm ảnh này đã thực sự làm đảo loan cuộc đời ông. Ông chẳng hề phiền trách gì tôi. Ông nói với tôi rằng: Nếu tôi không chụp tấm ảnh, thì sẽ có người khác làm việc đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy bứt rứt xốn xang về ông và gia đình ông trong một thời gian dài. Tôi vẫn thường liên lạc với ông, lần cuối cùng mà chúng tôi nói chuyện với nhau đã xảy ra hồi sáu tháng trước, vào lúc ông đã bị bệnh rất nặng.”
Trong một đoạn khác, Eddie Adams tỏ ra rất ân hận về bức ảnh:
“Trong đời tôi, bức hình này đã gây ra bao nhiêu lời chỉ trích. Bức hình đã làm tôi đau đớn. Tôi đã bắt đầu nghe được điều này ngay khi bức hình được tung ra. Như quý vị đã biết: Nó đã gây nên những cuộc biểu tình vào năm 1968 và đã tạo ra sự giận dữ và phẫn nộ tại Hoa Kỳ.” [69]
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan sinh ngày 11-2-1930 tại Huế, tốt nghiệp Khoá 1 Trường Võ Khoa Thủ Đức, thụ huấn phi công tại Hoa Kỳ năm 1953. Năm 1964 ông vinh thăng Đại Tá, giữ chức Tư Lệnh Phó Không Quân VNCH. Trong chiến dịch Mũi tên Lửa (Flamming Dart), ngày 11-2-1965, ông dẫn đầu những phi đoàn Bắc phạt A 1 Skyraider vượt qua vĩ tuyến 17 bắn phá miền Bắc VN. Sau đó ông làm Tổng Giám Đốc CSQG kiêm Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, phụ trách Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo. Ông có biệt danh Sáu Lèo. Lực lượng CSQG dưới thời ông có những thay đổi mới về khả năng và tinh thần phục vụ.
Một bài viết mới đây của Liên Thành có tên “Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan” [70] dựa trên bài viết của Tiến sĩ Trần An Bài để minh xác lại việc làm của Tướng Loan trong việc xử tử tên VC Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp và cung cấp cho độc giả nhiều mẩu chuyện anh hùng, ái quốc qua con người ông Loan. Trong tác phẩm Biến Động Miền Trung, Những bí mật chưa tiết lộ giai đoạn 1966-1968-1972, sách dày 463 trang, xuất bản năm 2008, tác giả Liên Thành đã dành trên 100 trang sách để nói về biến cố Tết Mậu Thân cùng các sự kiện lịch sử khác ở Thừa Thiên – Huế. Thiết tưởng bạn đọc nên tìm đọc cuốn sách này để biết sự kiện nóng hổi từ một chứng nhân lịch sử.
Phần kết
Tại cuộc Hội thảo Thế giới tổ chức ở Hà Nội từ 18 tháng 6 đến 27 tháng 7 năm 2007 do Viện đại học Princeton tổ chức, khi bị sinh viên Zachary Ruchman chất vấn về việc VC giết đồng bào tại Huế Tết Mậu Thân, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Lê đã chối quanh và nói rằng “Cuộc thảm sát này do Mỹ nguỵ tạo rồi đổ lỗi cho Việt Cộng đã giết người...”[71]
Năm ngoái, trong bài báo đăng trên tờ báo Tết Thanh Niên Xuân Mậu Tý, Phan Duy Nhân (tức Phan Chính Dinh, bí danh Nguyễn Chính, học sinh cùng lớp Đệ Tam C Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng năm 1959 với tôi và Trần Vinh Anh, Lam Hồ, Luân Hoán), cán bộ CS nằm vùng hoạt động qua các phong trào biến động miền Trung 1964, 1966, bị tù Côn đảo, nguyên quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, nghỉ hưu tại Sài Gòn, người Huế, đã trơ tráo khi cho rằng: “Từ sự kiện Mậu Thân, chúng ta đã thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc thành công nhất, ngoạn mục nhất.”[72]
Vụ thảm sát Tết Mậu Thân trong đó già có, trẻ có, dân thường có, quân cán chính có, linh mục có, tu sĩ có, kể cả các giáo sư đại học người ngoại quốc phải chăng là phản ảnh chính sách đại đoàn kết dân tộc của cộng sản? Sự kiện Mậu Thân thành công nhất phải chăng là chính sách lừa bịp của CS được thực hiện rất nhiều lần đối với các nạn nhân của chúng: dân Huế được kêu tới phường, khóm kê khai tên tuổi rồi cho về, ít ngày sau kêu lại và giữ luôn đưa đi thủ tiêu; trước khi đưa dân vô tội đi giết,cán bộ cộng sản còn đánh lừa một lần chót: “ chúng ta sắp đến trại học tập rồi. Vậy trong anh em ai có một là vàng, hai là tiền, ba là đồng hồ, bốn là bật lửa thì nộp lại để Cách mạng giữ cho, học xong ba ngày sẽ trả. Kẻo vào trại, ăn cắp lẫn nhau rồi lại đổ lỗi cho Cách mạng, nói xấu cán bộ .” [73] Sự kiện Mậu Thân được kể là ngoạn mục nhất, theo Phan Duy Nhân, phải chăng chính là hình ảnh hàng loạt người dân Huế đói khát, bơ phờ bị trói giật hai cánh tay đàng sau, xâu lại từng xâu bằng dây kẽm gai, rướn mình đi dưới mưa bụi và tiếng hò hét của cán binh cộng sản về một bìa rừng, con suối ở Khe Đá Mài hay trên động cát ở Vinh Thái, trước những chiếc hố dài do họ tự đào lấy được phĩnh là để làm chỗ núp bom đạn và dẫn nước cho dân cày cấy để rồi nhận lấy những cán cuốc bổ vào đầu, bị đâm chém bằng dao búa, hoặc bị chôn sống âm thầm mà tức tưởi khôn nguôi ?
Nhân nói về vụ Mậu Thân (1968) thiết tưởng cũng cần ghi lại ở đây những việc đồng bào Huế nhất là các chiến sĩ Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên đã làm trong công tác truy tầm, khai quật, cải táng hàng nghìn bộ hài cốt nạn nhân Tết Mậu Thân để nói lên lòng biết ơn của chúng ta, một sự việc ít thấy ai nhắc nhở đến.
Nước sông Hương chứng tích hờn căm,
Gạch thành Huế dấu xưa phẫn nộ.
Trên đây là hai câu thơ mà anh Nguyễn Đức Viên (1920-2005), Bí thư Thành Uỷ VNQDĐ Huế một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng (người đã từng bị Việt Minh bắt giam tại Trại Đưng, Hà Tĩnh, 1947-1754, bị chế độ Ngô Đình Diệm cầm tù từ 1957-1963 và sau 30-4-1975 bị CS tập trung cải tạo từ 1975-1988), người anh em kết nghĩa với tôi, đã đọc cho tôi nghe trong trại tù Nam Hà (Hà Nam Ninh) cùng kể lại những lần anh tổ chức tưởng niệm nạn nhân vụ Tết Mậu Thân tại Huế trước năm 1975 với niềm cảm xúc lắng đọng. Đây là hai câu thơ được viết bằng chữ thật lớn sơn đen trên nền trắng dọc theo kỳ đài trước cửa Ngọ Môn nói về tội ác của CSBV trong biến cố bạo tàn này.
Trong Tết Mậu Thân, cán bộ VNQDĐ bị CS giết có Giáo sư Phạm Đức Phác, ông Lê Ngọc Kỳ, và tài liệu VC có ghi bắt được 50 đảng viên VQ, nhưng riêng Đại Việt Cách Mạng Đảng đã chịu nhiều thiệt hại về nhân sự (khoảng 300 đảng viên) như việc ông Từ Tôn Kháng, Tỉnh Đoàn Trưởng XDNT Thừa Thiên bị VC sát hại chung với nhiều đồng bào trong các hố chôn tập thể, và các ông Trần Ngọc Lộ, cũng là một cán bộ của ĐVCM cùng vợ con bị VC thẳng tay giết chết tại xã Phú Lưu, hoặc Nguyễn Thiết bị đánh bằng bọng cuốc, hoặc như sinh viên Trần Mậu Tý (ĐVCM) bị nhóm Nguyễn Đắc Xuân trả thù hành hạ cho đến chết. Ngoài ra còn có các ông Hồ Đắc Cam, nhân viên nhà đèn, Kim Phát, anh Liên, sĩ quan cảnh sát, Võ Văn Tửu, Phó thẩm sát viên cảnh sát, cụ Trần Điền, cựu tỉnh trưởng Quảng Trị, Thượng nghị sĩ VNCH, thân hữu của nhiều cán bộ cao cấp Đại Việt... cũng bị VC giết.
Việc ông Từ Tôn Kháng bị VC giết có nhiều tư liệu nói khác nhau như chúng tôi có đề cập ở phần trên. Sau khi ông Từ Tôn Kháng bị bắt có dư luận cho rằng VC đã thiết lập một toà án để xử ông vì không chịu ra trình diện, sau 5, 6 ngày trốn trên gác thượng (mà dân Miền Trung thường gọi là “cái tra”), nhưng dân chúng tham dự phiên toà đều nhất loạt xin tha cho ông. Dĩ nhiên bọn VC đời nào chịu! Theo lời bà Nguyện, vợ của ông Kháng kể lại thì trước đó ngày nào bọn du kích nằm vùng cũng tới lục soát trong nhà để tìm ông nhưng không tìm được. Có lúc bọn đó doạ bắt mấy đứa con gái của ông hãy còn nhỏ, lúc khác bọn chúng lại doạ đốt nhà, vì nhà của ông bà Từ Tôn Kháng là một cơ ngơi rộng rãi gồm ba, bốn nhà ngói ở chung trong một khu vườn lớn của tổ tiên để lại. Bị đe doạ riết cuối cùng bà Nguyện phải chỉ nơi ông Kháng trốn nên VC bắt ông dẫn đi, đi đâu thì chính bà Nguyện cũng không biết. Sau này, anh em cán bộ XDNT tìm được chỗ VC giết ông Kháng là một cái hố nông. Ông Kháng là người to con, bị trói tay chân ngồi sụp xuống hố và VC chôn sống ông có lẽ cũng không sâu lắm. Trong người ông còn để lại giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước bọc nhựa, Chứng minh thư Tỉnh Đoàn Trưởng XDNT, bằng lái xe v.v...
Sau khi ông Từ Tôn Kháng chết, ông Nguyễn Ngọc Cứ (cán bộ ĐVCM) vốn là Trưởng Phòng 3 Tỉnh Đoàn được đưa lên làm Tỉnh Đoàn Trưởng, cùng một số nhân viên như Mai Đức Th., Lê Hữu B., Phạm Văn Nghi, Lê Quang T., Lê Châu Nghĩa, Nguyễn Ngọc Di, Hoàng Xuân Khiết, Hồ Đức Hiệt, Phan V., Phan Xuân Hiếu v.v... là những người từng đóng góp nhiều công sức, cùng với các tổ chức khác, trong việc truy tầm các mồ chôn tập thể và tổ chức cải táng các nạn nhân trong vụ Tết Mậu Thân. Nhiệm vụ của cán bộ XDNT lúc bấy giờ ngoài việc hỗ trợ cho Quân đội VNCH và Đồng Minh tái chiếm lại Thành phố Huế còn là việc giúp dân chúng ổn định cuộc sống, làm các công tác dân vận như an ninh thôn ấp, sửa trường học, đào giếng, giúp dân sửa nhà cửa, thăm hỏi các gia đình nạn nhân CS, thống kê lại danh sách dân chúng trong thôn ấp, phường khóm xem ai còn, ai mất.
Ngày 9 tháng 4 năm 1968, quân đội và cán bộ Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên đã khám phá ra nhiều mồ chôn tập thể tại Lang Xá Cồn, cách An Cựu chừng 5 cây số thuộc quận Hương Thuỷ. Một người con nuôi trong gia đình nghị sĩ Trần Điền đã đi theo đoàn người đi tìm thân nhân, đến tại Lang Xá Cồn và nhận ra xác của nghị sĩ trong một mồ chôn tập thể. Ông bị chôn chung với một số người khác, áo quần còn nguyên vẹn, mặt ông nằm úp xuống, dính với lớp đất sét ướt, Vì là mùa đông, mưa lạnh, nên xác của nạn nhân vẫn còng nguyên vẹn, chưa bị thối rữa. [74]
Vào khoảng tháng 3 năm 1969, ông Phan Xuân Hiếu, Trung đội trưởng Nghĩa quân TTH/100 (sau làm Xã Trưởng xã Phú Xuân cho đến ngày mất nước) trong một cuộc hành quân phối hợp với quân đội Hoa Kỳ, khi qua vùng Núi Cát đã phát hiện một chiếc nạng gỗ lòi ra trên mặt đất nên toàn trung đội đã dừng lại và cùng với lực lượng Đồng Minh đào bới chỗ đó vốn thuộc phạm vi làng Đông Sơn, xã Phú Xuân, quận Phú Thứ, phát hiện được bảy hầm, mỗi hầm có khoảng 7, 8 xác người bị chôn sống, đầu bị đấp vỡ sọ, tay chân bị trói, và hai giao thông hào gồm khoảng 50 xác chết cũng với tình trạng như trên. Đến đây tưởng cũng nên nhắc lại là trong vụ Tết Mậu Thân, VC chiếm xã Phú Xuân, tập trung dân chúng trong xã lại tại nhà ông Phan Xuân Hiếu vì đây là một căn nhà ngói ở vùng quê có vườn rộng rãi. Trong số dân xã bị bắt có ông Lê Chinh (làng An Hạ, xã Phú Xuân) là Ấp trưởng, ông Phan Duy (làng An Hạ) và Lê Khâm (làng Xuân Hổ) là hai ấp phó an ninh, một người nữa là Phan Huề, thường dân. Cũng may là ông Hiếu lúc bấy giờ đang dẫn đầu trung đội hành quân tại một địa điểm khác nên không bị VC bắt.
Sau mấy ngày giam giữ dân làng trong khu nhà đó, VC nói là đưa lên “xanh” (tức là vào trong núi) để đi học tập vài ngày rồi sẽ cho về lại yên tâm làm ăn. Trước khi dẫn đi, VC cho trói tất cả dân làng lại với nhau cứ chục người một toán bằng dây kẽm gai hoặc dây điện thoại, và cho tịch thu tất cả mọi giấy tờ tùy thân của những người bị bắt nói là chuẩn bị để lội qua sông sợ giấy tờ của đồng bào bị ướt. Ai cũng nghĩ rằng VC đang tính quỷ kế gì đây vì dân làng ở đây đã lâu năm đều biết rõ xung quanh đây làm gì có sông! Chỉ toàn là bãi cát, đồi đất mà thôi! Khi bị giải đi, các ông Lê Chinh, Phan Duy, Lê Khâm, Phan Huề đã tìm cách cởi trói và thoát được vì biết đường đi tại địa phương. Số còn lại không dám mạo hiểm nên phải lãnh những cái chết rất thương tâm.
Sau khi Trung đội trưởng Phan Xuân Hiếu báo tin tìm được hầm chôn người, các ông Chinh, Duy, Khâm, Huề đã là những người chỉ đường để lực lượng XDNT, Nhân Dân Tự Vệ trong xã Phú Xuân tiếp tục tìm được thêm các hầm khác cách xa xã Phú Xuân hơn một cây số. Ông Phân Xuân Hiếu liền báo cáo cho Chi khu Phú Thứ và Chi khu báo về Tiểu Khu. Ông Nguyễn Ngọc Cứ lập tức điều động anh em về Phú Thứ lo đào bới các vùng nghi ngờ có dấu chôn người, các toán khác lo nhận dạng hoặc liên lạc với thân nhân để thông báo tin tức. Ông Mai Đức Th., Trưởng Phòng 5 Tỉnh Đoàn tiếp nhận tin tức, viết bài tường thuật đưa lên Đài phát thanh, Truyền hình Huế đề dân chúng theo dõi biết tin tức thân nhân bị bắt và thảm sát trong vụ Tết Mậu Thân. Cả một thành phố đau thương, tức tưởi với hàng chục ngàn người chạy đôn chạy đáo từ chỗ nọ sang chỗ kia dò hỏi tin tức. Sau đó các thi hài nạn nhân được đưa về tập trung tại trường trung học La San Phú Thứ, số được thân nhân nhận diện sẽ theo họ về cải táng tại quê nhà, những ai được ghi nhận là Phật giáo hay Công giáo được để riêng ra hai bên. Sau đó anh em cán bộ XDNT đã đặt riêng từng thi hài cuộn lại trong vải nylon màu đen để trên từng chiếc võng và cứ hai người khiêng một võng đi bộ hàng chục cây số cùng với thân nhân và chính quyền, đoàn thể, đảng phái, tôn giáo tỉnh Thừa Thiên lên chôn ở núi Ba Tầng, Ba Đồn phía sau núi Ngự Bình. Tang tóc thực sự một lần nữa phủ lên thành phố Huế trước những hình ảnh đau thương đó.
Các địa điểm khai quật khác như Khe Đá Mài thuộc quận Nam Hoà, Vinh thái, Phú Lương, Đông Di, Bãi Dâu, Gia Hội, Chợ Thông, chùa Tường Vân v.v... cũng là những chỗ ghi dấu hình ảnh người cán bộ XDNT tận tuỵ trong công tác tìm kiếm lại di hài các nạn nhận xấu số bị VC sát hại dã man trong biến cố Tết Mậu Thân. Sau ngày chiếm Huế, VC đã san bằng hai địa điểm Ba Tần và Ba Đồn này để cố tẩy xoá dấu vết tội lỗi của chúng.
Xin tâm thành ghi ơn các anh em cán bộ XDNT, Nhân Dân Tự Vệ, bà con trong khắp thôn ấp, khóm phường Thừa Thiên – Huế đã hy sinh, chịu đựng hôi hám, không chỉ một vài giờ mà hàng tuần, hàng tháng, vất vả trong công tác từ thiện cải táng hàng ngàn đồng bào bị thảm sát dưới tay bọn VC đã mất hết nhân tính. Một đảng viên ĐVCM tên Trọng, khi ở trại tù Bình Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên, bất ngờ đã gặp một tên cán bộ Cộng Sản gốc người Nghệ An bị giam vì tội tham nhũng. Khi đã quen thân với ông Trọng, tên VC này thú nhận rằng chính hắn là kẻ đã từng nhúng tay vào máu nạn nhân vụ Tết Mậu Thân tại Huế. Ông Trọng hỏi tên này: “Thật sự anh đã giết bao nhiêu người?” Tên kia đáp: “Trên một trăm người, toàn dùng cuốc và báng súng thôi.” Ông Trọng hỏi: “Sao anh ác dữ vậy?” Hắn thản nhiên nói: “Đó là lệnh trên, vì để an toàn bí mật quân sự và cũng để tiết kiệm đạn.”
Trong bài “Huế hôm nay” viết sau Tết Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có nhận xét về người xứ Huế lúc bấy giờ: “Nhìn vào Huế tháng Hai, tôi thấy một bộ mặt sụp đổ của thành phố cổ kính. Tôi nghe giọng buồn nhất ở khắp nơi trong địa ngục kéo dài suốt tháng này. Họ là những người còn sống sót trong những cuộc chém giết, dường như họ chỉ còn xác mà không hồn. Nỗi buồn trốn mất khi nỗi đau khổ quá lớn. Tất cả dân Huế cùng với nhau suốt khoảng thời gian nguy hiểm nhất, đều đã thở bầu không khí bẩn thỉu nhất của trại tị nạn. Tất cả đều đã biết được sự tận cùng của đau khổ... Máu đã chảy và thấm xuống đất thành phố... Những ngôi mộ ở chùa Áo Vàng, tại Bãi Dâu, tại Kim Long, tại Long Thọ là những dấu vết của một bạo lực hung ác không thể quên được trong tâm hồn những người còn sống.”[75]
Xin để lịch sử phán xét người nhạc sĩ tài hoa nhưng khá ngây thơ này của xứ Huế, đã một đời “nối dáo cho giặc” tuy nhiên cũng xin dùng những lời trên đây làm kết từ cho bài viết này. Chính sách của Cộng Sản Việt Nam là gian trá kết hợp nhuần nhuyễn với bạo lực. Buồn thay, người nhạc sĩ tuy thấy được bộ mặt của bạo lực nhưng vẫn nhắm mắt đi theo gian trá để lại bao tiếc rẻ cho nhiều người. [*]
Nguyễn Đức Cung
New Jersey 20.03.2008 - 17.01.2009
---------------------------------------------------------
[1] Tạp chí Thế Kỷ 21, số 227 tháng Ba năm 2008, trang 88.
[2] Trích quan điểm của nhà nghiên cứu sử học Hồ Khang, Liên-Hằng T.Nguyễn, “Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968”, bản Anh ngữ do Vy Huyền dịch, Talawas ngày 22.2.2007.
[3] Robert Scigliano, South Vietnam, Nation under Stress, under the editorship of Dayton D. McKean, University of Colorado, Houghton Mifflin Company, Boston, tr. 76.
[4] Lâm Thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1994), Nxb Nam Á, Paris, 1995, tr. 55.
[5] Suzanne Labin, Vietnam, Révélation d’un témoin (bản tiếng Pháp), Vietnam, An Eye-Witness Account (bản tiếng Anh), Crestwood Book, Virginia, 1964, tr. 55.
[6] Nguyễn Văn Châu, Ngo Dinh Diem, en 1963: Une autre paix manquée, bản tiếng Việt Ngô Đình Diệm và Nỗ lực hoà bình dang dở, Nguyễn Vy Khanh dịch, Nxb. Xuân Thu, 1989, tr. 155.
[7] Suzanne Labin, Sđd, tr. 57.
[8] Ellen J. Hammer, A death in November, Ameriaca in Vietnam, 1963, Oxford University Press, New York, Oxford, 1987, tr. 310.
[9] Ellen J. Hammer, Sđd, tr. 310.
[10] Liên-Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
[11] Bản tin Việt ngữ đài BBC ngày 19 tháng 5 năm 2006.
[12] Bản tin BBC đã dẫn.
[13] Liên-Hằng T. Nguyễn, Bđd.
[14] Liên-Hằng T. Nguyễn, Bđd.
[15] Don Oberdorfer, Tet, The turning point of the Vietnam War, A Da Capo Paperback, 1971, tr. 47.
[16] Lê Xuân Khoa, Việt-Nam 1945-1995, Chiến tranh, Tị nạn, Bài học lịch sử, Tập I, Tiên Rồng 2004, tr. 293.
[17] Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới. Texas, 1990, tr. 77. (dẫn lại theo Trần Gia Phụng, Án tich Cộng sản Việt Nam, bản in lần hai, Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2001, tr. 327)
[18] John Prados, The Blood Road, The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War. John Wiley & Sons, Inc. 1999, tr. 86.
[19] James J. Wirtz, The Tet Offensive, Intelligence failure in war. Cornell University Press, Ithaca and London, 1991, tr. 51.
[20] Phạm Trần, “Hà Nội làm to chuyện Mậu Thân để làm gì ?”. Thông Luận, ngày 11-01-2008.
[21] Trần Bình Nam, “Từ Xuân Kỷ Sửu 2009 nhìn về: Những điều chưa giải mã trong trận Mậu Thân 1968”, Báo điện tử Thông Luận, ngày 13.01.2009.
[22] Suzanne Labin, Vietnam, Révélation d’un témoin (bản tiếng Pháp), Vietnam, An eye-witness account (bản tiếng Anh) Crestwood Book, Virginia, 1964, tr. 55.
[23] Bùi Tín, “40 Năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: cái nhìn từ Hà Nội”. Tạp chí Thông Luận số 174, tháng 10-2003.
[24] Ellen Hammer, A death in November, Ameriaca in Vietnam 1963. Oxford University Press, New York, Oxford, 1987, trang 28.
[25] Minh Võ, Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, Nxb. Hồng Đức 2008, trang 88.
[26] Ellen Hammer, Sđd, trang 28.
[27] Trần Bình Nam, Bài đã dẫn.
[28] Johnson papers, 1968, Vol II, trang 879; Trần Bình Nam, “Từ Xuân Kỷ Sửu 2009 nhìn về: Những điều chưa giải mã trong trận Mậu Thân 1968”, Báo điện tử Thông Luận, ngày 13.01.2009.Trong bài “Tàn sát Mậu Thân tại Huế”, đăng trên Báo điện tử Đàn Chim Việt ngày 04.03.2008, tác giả Trần Gia Phụng có cho biết: “Để làm lạc hướng dư luận và sự tính toán của giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như VNCH, cộng sản dịu giọng vào đầu năm 1968. Vào dịp Tết dương lịch 1968, bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt là Nguyễn Duy Trinh tuyên bố muốn mở các cuộc hoà đàm và tiếp xúc mật với Hoa Kỳ. Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng (1906-2000) cũng ngỏ ý sẵn sàng hoà đàm nếu Mỹ ngưng ném bom, và ông Đồng còn nhờ một viên đại diện Romania làm trung gian dàn xếp giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt.” (Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới. Texas, 1990, tr. 77-78.
[29] Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
[30] Trần Gia Phụng, Sđd, tr. 271.
[31] Trần Gia Phụng, Sđd, tr. 278.
[32] Bài thơ theo nhiều nguồn tư liệu có đôi chỗ khác nhau, thí dụ câu hai “Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà”.
[33] Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
[34] Cecil B. Currey, Victory at any cost, The genius of Vietnam’s Gen. Vo Nguyen Giap. Brassey’s, Inc., Washington, London, 1997, tr. 267.
[35] Trọng Đạt, “Tóm lược về Tết Mậu Thân 1968”, Thế Kỷ 21, số 227, tháng Ba, năm 2008, trang 50.
[36] Phillip B. Davidson, Vietnam at war, The history 1946-1975. Oxford University Press, New York, Oxford, 1988, tr. 480.
[37] James J. Wirtz, Sđd, tr. 224.
[38] James J. Wirtz, Sđd, tr. 252.
[39] Nguyễn Trân, Công Và Tội, Hồi ký lịch sử chính trị Miền Nam Việt Nam, 1945-1975, Nxb. Xuân Thu, 1992, tr. 638.
[40] Nguyễn Trân, Sđd, tr. 639.
[41] Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử, Hồi ký chính trị, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, tr. 352.
[42] Trọng Đạt, Bài đã dẫn, tr. 60.
[43] Trọng Đạt, Bài đã dẫn, tr. 58.
[44] Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
[45] Tú Gàn, “Thảm sát Mậu Thân”. Thông Luận, ngày 16-2-2008.
[46] Chính Đạo, Mậu Thân, 68: thắng hay bại?. Nxb. Văn Hoá, Houston, 1998, bản in lần hai, tr. 146; dẫn lại theo Trần Gia Phụng, “Tàn sát Mậu Thân tại Huế 1968”, Báo điện tử Đàn Chim Việt, 05-03-2008.
[47] Nguyễn Trân, Sđd, tr. 642.
[48] Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, “Hướng về lễ kỷ niệm 40 năm Mậu Thân: Cuộc Thảm Sát tại Khe Đá Mài” và Bài đã dẫn của Trọng Đạt, Thế Kỷ 21, số 227, tháng Ba năm 2008, trang 69-75 và tr. 55.
[49] Phong trào Giáo dân Việt nam Hải ngoại sưu tập, Thảm Sát Mậu Thân ở Huế, The 1968 Massacre at Hue. bài “Mậu Thân ở Huế” của Nguyễn Lý Tưởng, bản in lần thứ ba tại Hoa Kỳ, 2008, trang 86.
[50] Don Oberdorfer, Sđd, tr. 45.
[51] Bùi Tín, dẫn theo Trần Gia Phụng, “Tàn sát Tết Mậu Thân”, Báo điện tử Đàn Chim Việt, ngày 07-03-2008.
[52] Trần Gia Phụng, Bài đã dẫn.
[53] Trần Gia Phụng, Bài đã dẫn.
[54] Ngô Minh, Báo điện tử Talawas, ngày 2-3-2008.
[55] Cecil B. Currey, Sđd, tr. 268.
[56] Trọng Đạt, Bài đã dẫn, tr. 61.
[57] Peter Macdonald, Giap, The victor in Vietnam. W.W. Norton & Company, New York , London, 1993, tr. 268.
[58] Peter Macdonald, Sđd, tr. 268.
[59] Peter Macdonald, Sđd, tr. 260.
[60] Thế Kỷ 21, số 227: bài “Lần đầu tiên một viên tướng Cộng Sản thú nhận, “Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân”là một thảm bại”, (quan điểm của Huỳnh Công Thân, trong hồi ký Ở chiến trường Long An. Nxb. Quân đội Nhân dân ấn hành 1994).
[61] Trọng Đạt, Bài đã dẫn, tr. 61.
[62] Thế kỷ 21, số 227, bài “40 năm Tết Mậu Thân BBC phỏng vấn nhà báo Bùi Tín”, tr. 67.
[63] Philip B. Davidson, Sđd, tr. 486.
[64] Bùi Tín, Bài đã dẫn, tr. 67.
[65] Trần Giao Thuỷ, “Tết Mậu Thân – 40 năm sau (1968-2008)”, Báo điện tử Đàn Chim Việt, ngày 16-03-2008.
[66] Trần Giao Thuỷ, Bài đã dẫn, ngày 16.03.2008
[67] Trần Giao Thuỷ, “Tết Mậu Thân – 40 năm sau (1968-2008)”, Báo điện tử Đàn Chim Việt, ngày 15-03-2008.
[68] Trần Giao Thuỷ, Bài đã dẫn.
[69] Những trích đoạn nói về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan được dẫn từ bài viết của Tiến sĩ Trần An Bài, “Tướng Nguyễn Ngọc Loan trong biến cố Tết Mậu Thân”, Báo điện tử Vietcatholic, ngày 07-02-2008.
[70] Báo điện tử Đàn Chim Việt, ngày 11.01.2009.
[71] Trà Mi, “Cuộc thảm sát (của Mỹ) ở Huế, 04/1968”, Báo điện tử Đàn Chim Việt, ngày 03-03-2008.
[72] Hoàng Hải Vân, “Chiến thắng Mậu Thân vẫn là thời sự”, Báo Thanh Niên Xuân Mậu Tý, 2008, tr. 4.
[73] Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi, Bài đã dẫn, tr. 73.
[74] Nguyễn Lý Tưởng, “Vài nét về cuộc đời cố nghị sĩ Trần Điền”in Phong trào Giáo dân Việt nam Hải ngoại, Sđd, trang 163.
[75] Trịnh Công Sơn, “Huế hôm nay”, Báo điện tử Talawas, ngày 22-9-2004.
[*] Đây là bài nói chuyện đã được người viết trình bày trong cuộc lễ tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân, do Nhóm thân hữu tại Cộng Đồng Việt Nam Philadelphia và Phụ Cận tổ chức khoảng đầu tháng 4. 2008 tại Philadelphia, đã được bổ sung thêm nhiều tư liệu và cập nhật hoá nội dung.
Xem thêm :
Từ Xuân Kỷ Sửu 2009 nhìn về:
Những điều chưa giải mã trong trận Mậu Thân 1968
Trần Bình Nam
http://www.tranbinhnam.com/binhluan/Xuan_KySuu_Nho_MauThan.html
Trần Bình Nam
Jan. 12, 2009
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
No comments:
Post a Comment