Project Syndicate
Một câu trả lời cho thách thức của Nga
Joschka Fischer
http://www.project-syndicate.org/commentary/fischer34
BERLIN - Trong 19 năm, phương Tây (bao gồm Mỹ và Âu châu) đã và đang lần lữa chưa trả lời một câu hỏi có tính chiến lược quan trọng: nước Nga thời kỳ hậu Sô Viết nên đóng vai trò gì trên phạm vi toàn cầu và trong trật tự của châu Âu? Người ta nên đối xử với nước Nga như một đối tác khó tính, hay như một đối thủ chiến lược?
Thậm chí khi chọn lựa đó trở nên cấp thiết nghiêm trọng suốt cuộc khủng hoảng của cuộc chiến ngắn ngày của Nga chống lại Georgia mùa thu năm ngoái, phương Tây đã không đưa ra được một câu trả lời quyết định cho câu hỏi này. Nếu như bạn đi theo hầu hết những người Đông Âu, Vương quốc Anh và chính quyền Bush, câu trả lời là “đối thủ chiến lược.” Thế nhưng hầu hết những người Tây Âu thiên về (câu trả lời) “đối tác khó chịu.” Những chọn lựa có vẻ loại trừ lẫn nhau này có một điểm chung: không chọn lựa nào đã được nghĩ cho thật rõ ràng chi ly tới tận cùng.
Nếu bạn coi nước Nga như là một đối thủ chiến lược - và sự phục hồi nền chính trị dùng vũ lực của nước Đại Nga dưới chính thể Putin, có hại cho nguyên tắc của luật pháp trong chính sách đối nội và đối ngoại, quả thực là đang chứng minh cho quan niệm đó – như thế thì phương Tây cần phải thay đổi cơ bản chương trình nghị sự của họ.
Trong khi nước Nga không còn là siêu cường như dưới kỷ nguyên Sô Viết, thì về mặt quân sự Nga vẫn là một siêu quyền lực, ít nhất là tại Âu châu và Á châu. Để đối phó hay thương nghị với nhiều cuộc xung đột khu vực (Iran, Trung Đông, Afghanistan/Pakistan, Trung Á, Bắc Triều Tiên) và những thử tách có tính toàn cầu (như bảo vệ môi trường khí hậu, giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí, chống lịa sự phát triển vũ khí hạt nhân, an ninh năng lượng) là những thứ có quyền ưu tiên đặc biệt trong chương trình nghị sự của phương Tây, hợp tác với Nga là cần thiết.
Một (chính sách) đối đầu chiến lược với Moscow, ví dụ, một “Chiến tranh Lạnh thu nhỏ” kiểu mới, sẽ làm yếu đi hay ngấm ngầm phá hoại chương trình nghị sự này, hoặc ít nhất là làm phức tạp đáng kể việc thực hiện đầy đủ nó. Cho nên câu hỏi đơn giản là liệu mối đe doạ phát ra từ nước Nga có phải là có tính chất quan trọng quá đến nổi phương Tây cần phải tái định hướng lại quan điểm chiến lược hay không? Tôi tin là không.
Tuyên bố của Putin về tình trạng cường quốc và những chính sách kiểu cường quốc của ông ta thì rất có thể bị tổn thương về cấu trúc. Điều này đặc biệt đúng vào thời điểm khi mà giá dầu đã rớt xuống dưới 40 đô la một thùng. Và ông ta biết điều đó.
Về mặt thống kê xã hội, sinh xuất, tử xuất và bệnh hoạn của dân số, nước Nga đang ở trong một tình trạng ở trên cao nay bị rớt xuống đầy kịch tính; Nga hiện nay vẫn còn lạc hậu về kinh tế và xã hội; cơ sở hạ tầng chưa phát triển, sự đầu tư của Nga vào giáo dục và đào tạo nghề vẫn còn lạc hậu. Về phương diện kinh tế, Nga phải dựa chủ yếu vào việc xuất khẩu dầu hỏa, khí đốt và xuất khẩu hàng sản xuất, nông sản, hầm mỏ, và trong những nỗ lực hiện đại hóa của mình, Nga phụ thuộc phần lớn vào phương Tây, đặc biệt là Âu châu.
Tuy nhiên, do vị trí địa chính trị và tiềm năng của mình, nước Nga sẽ vẫn là một nhân tố chiến lược lâu dài ở Âu châu và Á châu mà không thể nào không chú ý tới. Để hòa nhập quốc gia này vào trong một mối quan hệ đối tác chiến lược, bởi vậy, là điều quan tâm nhất của phương Tây. Thế nhưng điều này sẽ đòi hỏi một chính sách của phương Tây được đặt cơ sở trên sự suy nghĩ lâu dài và một thái độ tự tin và vị thế quyền lực mạnh mẽ, bởi vì Kremlin sẽ nhận thức bất cứ dấu hiệu nào của sự chia rẻ và yếu kém (của phương Tây) sẽ khích lệ Nga quay trở lại nền chính trị dùng sức mạnh của Đại Nga.
Cách đây vài ba tháng, chính phủ Nga đã tiến gần tới một đề nghị để thương thảo cho một trật tự châu Âu mới trong khuôn khổ của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu. Nước Nga đang coi những thỏa thuận từ những năm 1990 là không công bằng, căn cứ ào thời điểm ấy họ ở trong tình trạng yếu thế, và họ muốn xem xét lại các thỏa thuận này. Mục tiêu chiến lược chính của Moscow là làm suy yếu và thậm chí giảm giá trị của khối NATO như là một khối liên minh quân sự chống lại Nga và sự khôi phục lại các khu vực ảnh hưởng ở Đông Âu và Trung Á của Nga.
Thế nhưng ông Putin đang phạm phải một sai lầm lớn ở đây, bởi vì tất cả các mục tiêu này đều không thể chấp nhận được đối với phương Tây, và Kremlin vẫn không tỏ ra hiểu rằng sự đảm bảo tốt nhất và có hiệu quả nhất cho sự tồn tại của NATO đã, hiện, và sẽ là sự tiếp tục chính sách đối ngoại với nước Nga hay gây hấn.
Trong một xứ sở từng đẻ ra chủ nghĩa Marx-Lenin, các nhà lãnh đạo vẫn không tỏ ra thông hiểu biện chứng pháp. Rốt cục, nếu như chính phủ Nga đã thực sự muốn đạt được một sự thay đổi trong hiện trạng thời kỳ hậu Sô Viết, thì họ cần, thứ nhất và trước hết, phải theo đuổi một chính sách diện đối diện (trên bàn hội nghị) với các nước láng giềng của mình để nhằm giảm bớt những sự lo ngại tốt hơn là làm gia tăng thêm các nổi e sợ.
Song điều này cũng áp dụng một cách tương tự, nếu không muốn nói là theo chiều hướng ngược lại, dành cho phương Tây là: một mặt, những nguyên tắc của một Âu châu mới như được định nghĩa bởi OSCE [Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu] sau năm 1989/1990 không cho phép những quyết định về các liên minh là chủ đề đối với việc phủ quyết của một nước láng giềng lớn. Điều tương tự nầy cũng đúng đối với các cuộc bỏ phiếu tự do và kín, và tính không thể xâm phạm của các biên giới quốc gia.
Mặt khác, các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Czech, và diễn tiến đang mong đợi về việc gia nhập NATO của Georgia và Ukraine, đang khẳng định một sự đối đầu tại một nơi mà điều đó hoàn toàn không cần thiết.
Phương Tây không nên bác bỏ ước muốn của Nga về những cuộc đàm phán mới về một hệ thống an ninh cho Âu châu. Thay vào đó, ước muốn của Nga nên được xem như là một cơ hội cuối cùng để trả lời cho câu hỏi mấu chốt về vị trí của Nga bên trong châu Âu.
NATO phải đóng vai trò trọng tâm ở đây, bởi vì NATO tuyệt đối cần thiết cho đa số đông đảo và rộng lớn các nước Âu châu và cho Mỹ. Sự trao đổi khả dĩ xảy ra có thể là những nguyên tắc hiện hữu đó và những thể chế của trật tự Âu châu hậu Sô Viết, bao gồm NATO, vẫn không thay đổi và được chấp nhận và được thực hiện đầy đủ bởi nước Nga, Nga sẽ có được một vai trò nổi bật quan trọng trong NATO, bao gồm viễn cảnh của vai trò hội viên đầy đủ (tham gia vào khối NATO). Bản chất bên lề của Hội đồng NATO-Nga đã rõ ràng là không đủ và không khả thi.
Thế nhưng tại sao ta không nghĩ về việc biến đổi khối NATO thành một hệ thống an ninh Âu châu thực sự, bao gồm cả Nga? Những luật chơi sẽ được thay đổi và cả một sự đa dạng các mục tiêu chiến lược có thể đạt được - an ninh châu Âu, các xung đột láng giềng, an ninh năng lượng, giải trừ và chống chạy đua vũ trang, v.v.. Vâng, một bước đi dũng cảm như vậy sẽ biến đổi được NATO. Ngoài ra nó sẽ biến đổi nước Nga thậm chí còn nhiều hơn.
Nếu như phương Tây tiến tới những cuộc thảo luận này với Nga mà không có bất cứ ảo tưởng nào, với một sự am hiểu tường tận về những lợi ích chiến lược của NATO, và với những ý tưởng mới cho sự cộng tác và hợp tác, thì điều tồi tệ nhất để e sợ là sự thất bại.
Dĩ nhiên, sự tiếp cận nầy giả định là hai điều không tồn tại vào lúc này: một lối tiếp cận vượt qua bên kia bờ Đại Tây Dương [ám chỉ Mỹ] một cách thông thường để cư xử với Nga, và một Liên minh châu Âu hành động trong sự nhất trí lớn hơn hẳn và bởi vậy sẽ mạnh hơn hẳn [1]. Tuy nhiên, mối thách thức được đặt ra bởi vì Nga không cho phép bất cứ sự trì hoãn nào thêm nữa [ý nói Nga đang gây hấn]. Đơn giản là có quá nhiều mối đe doạ.
Ông Joschka Fischer, một thành viên hàng đầu của Đảng Màu Xanh của Đức trong gần 20 năm, từng là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 cho đến năm 2005.
Hiệu đính: Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
20-1-2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/01/20/chau-au-nen-%e1%bb%a9ng-pho-th%e1%ba%bf-nao-v%e1%bb%9bi-nga/#comments
[1] Chúng tôi đoán tác giả có ý nói như vậy: Anh và Đông Âu khác quan điểm với phần còn lại của Tây Âu về vấn đề Nga? Đông Âu và Anh không bao giờ tin Nga ( họ có cùng quan điểm với Mỹ là luôn e sợ Nga)
--------------------------------
Project Syndicate
An Answer to the Russian Challenge
by Joschka Fischer
http://www.project-syndicate.org/commentary/fischer34
No comments:
Post a Comment