Saturday, January 3, 2009

THƯ GỬI TẬP HỢP THANH NIÊN DÂN CHỦ

Thư gửi THTNDC
Nguyễn Phúc
http://www.thtndc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=364:th-gi-thtndc-nguyn-phuc&catid=58:baivietvethtndc&Itemid=75
Các em trong THTNDC quí mến, Anh chỉ là một người may mắn sống ở xứ tự do và qua tin mạng anh đã biết đến THTNDC ngay cả trước lúc phôi thai khi em Nguyễn Tiến Trung viết một số bài trên diễn đàn BBC. Anh rất khâm phục tính bất khuất, dám nói dám làm của em và luôn chúc cho em cùng những thanh niên chung chí hướng trong THTNDC đạt được nguyện vọng chân chính của mình. Anh lướt qua trang mạng của các em tối thiểu mỗi tuần một lần và anh rất vui sướng khi thế hệ các em (nếu tính theo tuổi của em Tiến thì nhỏ hơn thế hệ tụi anh khoảng trên 15 tuổi) đã sớm biết trăn trở trước vận mệnh của đất nước, có tư tưởng độc lập và biết tự khai sáng. Đọc qua cuộc phỏng vấn của các em với Bác Bùi Tín, cá nhân anh rất đồng cảm với ngôn từ và tính cánh của Bác Tín. Với kinh nghiệm gắn bó lâu năm với chế độ CS, bác đưa ra con số từ 3 đến 5 năm tới cho sự thay đổi lớn về tự do, dân chủ ở VN. Điều này làm anh suy nghĩ thật nhiều trong những ngày qua. Một sự trùng hợp là cách đây hơn một tháng anh cũng có cái may mắn được tiếp chuyện với một trong những lãnh tụ đảng Việt Tân là bác sĩ Nguyễn Trọng Việt, chú Việt cũng đưa ra con số là 3 năm cho cùng một câu hỏi.

Những người như các em và anh có thể đặt câu hỏi về nhận định của bác Tín và chú Việt như vậy có chủ quan quá không? Cá nhân anh thì nghĩ rằng thời vận của đất nước đã tới dựa vào sự mất niềm tin của tuyệt đại đa số trí thức đối với chế độ đương đại. Con số 3 năm thì riêng cá nhân anh cảm thấy hơi có chút chủ quan. Có lẽ bác Tín và chú Việt vì lòng yêu nước sâu đậm nên bác và chú ấy muốn tai nghe mắt thấy một VN sáng lạng và được thế giới nể phục khi họ còn tại thế. Nói cho vui nhưng anh cũng có niềm tin tương tự là nó tới rất gần. Nếu có người hỏi riêng anh về con số này thì anh sẽ trả lời là từ 2 đến 10 năm tùy thuộc vào tầm nhìn và hướng đi khôn ngoan của những tập hợp như các em.

Trong bài viết này anh muốn có chút ý kiến về kinh nghiệm rút ra từ đường hướng đấu tranh bất bạo động của những người Công Giáo VN qua sự lãnh đạo của đức TGM Ngô Quang Kiệt. Anh nghĩ đức TGM Kiệt là một người chủ chăn yêu nước, khôn ngoan. Ông đã can đảm đấu tranh và làm những gì tốt nhất cho người Công Giáo VN và biết dừng lại đúng lúc. Đức cha đã khơi lên cho dân tộc VN (anh không nói riêng người Công Giáo VN) qua phát biểu của cha trước quan quyền sự trăn trở và đau đớn về tương lai mờ tối của dân tộc. Cái mà tôi phục nhất nơi cha là đường hướng đấu tranh bất bạo động. Tôi tin rằng trong thâm tâm cha đang ao ước có một lãnh tụ thế tục tiếp bước đường hướng đấu tranh này cho dân tộc VN, điều mà cha với địa vị của mình không thể làm được.

Bây giờ chúng ta cùng phân tích về đường hướng đấu tranh bất bạo động này. Để cho ngắn gọn câu hỏi đầu tiên là tại sao một chính phủ với toàn quyền lực lại phải liên tiếp nhượng bộ người Công Giáo điển hình là hai công viên xanh mọc lên thay vì nó đang là tài sản của riêng họ, tám người dân công giáo mà họ gọi là phạm luật rừng của họ không phải đi tù, liên tiếp trấn áp và áp lực đòi thuyên chuyển các cha ở tòa Khâm Xứ, và gx Thái Hà nhưng không được toại nguyện rồi cũgn không biết phải làm gì khi không được toại nguyện ? Có thể các em nghĩ là do áp lực quốc tế và Vatican nhất là VN đang trong quá trình hòa nhập với thế giới. Điều này chỉ đúng một phần nhưng phần quan trọng nhất là sự chủ động đấu tranh đòi công lý một cách bất bạo động dưới sự lãnh đạo của cha Kiệt. Khi đã nắm chắc công lý trong tay, cha Kiệt đã bắt đầu đòi công lý bằng cách thắp nến cầu nguyện, rồi liên kết để tạo nên một tập hợp và được sự hiệp thông của toàn thể hội đồng giám mục, kế đến khi truyền thông bằng mọi phương tiện phỉ báng cha Kiệt bằng cách cắt xén lời ngài thì toàn văn phát ngôn của ngài đã được in ra và tất cả các giáo xứ họ đạo Công Giáo VN cùng hiệp thông với ngài. Do đó, khi phiên tòa xử tám người công giáo VN, nhà cầm quyền biết toàn bộ con mắt của người Công giáo VN từ trong và ngoài nước sẽ nhìn vào phiên tòa. Thay vì xử những người này theo pháp luật (hay công lý của họ) thì họ xử theo cách để giữ chế độ. Qua kinh nghiệm về đường hướng đấu tranh bất bạo động trên, chúng ta thấy rằng "Hiệp Thông" là tử huyệt của chế độ độc đảng. Nhưng trước khi đưa một vấn đề của đất nước lên để được sự hiệp thông, chúng ta phải tạo được một tập hợp đủ lớn. Vậy thế nào là một tập hợp đủ lớn và làm sao tập hợp được họ?

Anh nghĩ thời cơ đã đến và các bạn phải nắm lấy nó. Thông tin mới đây mà chính phủ VN chính thức ra văn bản giới hạn quyền tự do viết blog cá nhân là cơ hội lớn cho các em có thể chấn chỉnh lối suy nghĩ thiếu tiến bộ không hợp với thời đại của chính quyền. Vấn đề giới hạn tự do thông tin này rất phản cảm không những với dân mạng mà hầu như toàn thể văn nghệ sĩ, nhà báo và giới trí thức trong nước. Có nhiều hình thức đấu tranh trong vấn đề này. Mạnh là dựa vào tự do ngôn luận để không giới hạn quyền tự do này. Còn nhẹ là đòi chính quyền phải công bố chi tiết thế nào là phạm luật. Anh nghĩ nếu các em có thể tập hợp tất cả người VN (không chỉ thanh niên) trong nước và du học sinh đang có cơ hội xem tin tức trên mạng và quan tâm đến vấn đề trên thì đó là một tập hợp đủ lớn. Và phải nhớ một điều rất quan trọng, khi tạo được một tập hợp lớn thì phải có phương cách để giữ số đông này cho những vấn đề khác (ví dụ như giữ được tất cả những emails của họ). Với uy tín của các em trong THTNDC, anh vững tin là các em có đủ khả năng để làm những việc lớn cho đất nước khi cơ hội tới.
Thân ái chào các em,

Nguyễn Phúc
Viết từ Arlington, TX
Email:
nguyb1@yahoo.com


No comments: