TRUNG QUỐC
Chính quyền không thể ngăn chận tác động của Hiến Chương 08
Thanh Phương
Bài đăng ngày 03/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 03/01/2009 12:28 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2101.asp
Số người tham gia ký tên vào Hiến chương 08 gia tăng mỗi ngày và hiện giờ đã lên tới ít nhất 5000 người. Trong đó, không chỉ có người dân bình thường, mà có cả các quan chức chính phủ. Đây là thách đố lớn nhất của giới ly khai đối với chính quyền, kể từ phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989
Ngày 8 tháng 12 vừa qua, khoảng 300 nhân vật có tên tuổi của Trung Quốc đã phổ biến trên mạng Internet một tài liệu mà họ đặt tên là Hiến chương 08, tương tự như Hiến chương 77 mà các nhà ly khai Tiệp Khắc đưa ra trước đây.
Đề nghị giải thể chế độ cộng sản
Trong bản hiến chương này, các luật gia, trí thức, nhà đấu tranh nhân quyền đã kêu gọi đồng bào của họ ủng hộ chương trình giải thể chế độ cộng sản để thay thế bằng một chính phủ dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Bản Hiến chương kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc hãy chấp nhận những giá trị mang tính phổ quát của nhân quyền và hòa nhập dòng chảy chung của các quốc gia văn minh.
Những người khởi xướng bản Hiến chương 08 đề ra 19 cải tổ, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tư pháp độc lập, hiến pháp mớI và bầu cử trực tiếp ở toàn bộ các cấp chính quyền. Thật ra, những giá trị và khát vọng được nêu lên qua bản Hiến chương 08 là những điều được ghi từ lâu trong các công ước quốc tế về nhân quyền, nhưng nó được tập hợp lại trong một văn bản và ngườI dân Trung Quốc được mời gọI ký tên vào, qua đó phát động một phong trào rộng khắp để đòi dân chủ cho Trung Quốc.
Đúng vào ngày bản Hiến chương 08 được công bố, một trong những người khởi xướng văn bản này, nhà ly khai Lưu Hiểu Ba đã bị công an Trung Quốc bắt giữ. Cùng ngày hôm đó, khoảng 50 trong số 300 người đầu tiên ký tên vào bản Hiến chương đã bị công an thẩm vấn.
Kể từ khi nhà ly khai Lưu Hiểu Ba bị bắt giữ, giới trí thức cả thế giớI, trong đó có nhiều nhà văn nổi tiếng, đã ký tên vào lời kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho ông. Nước Pháp, với tư cách chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu cũng đã yêu cầu Trung Quốc phải làm sáng tỏ về điều kiện giam giữ ông Lưu Hiểu Ba và nêu rõ lý do vì sao ông bị bắt giam.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của Liên hiệp châu Âu, xem đây là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Hôm qua, tổ chức Human Rights Watch cho biết là ông hiện đang bị quản thúc tại gia, một hình thức tạm giam chờ ngày ra tòa.
Bắc Kinh không ngăn được sự lan truyền của Hiến chương 08
Ngoài việc đàn áp những người đầu tiên ký tên vào bản Hiến chương Hiến chương 08, chính quyền Bắc Kinh còn tìm cách xóa văn bản này khỏi các trang Web ở Trung Quốc, nhưng họ vẫn không ngăn được tài liệu này lan truyền rộng rãi trên mạng Internet.
Số người tham gia ký tên vào Hiến chương 08 gia tăng mỗi ngày và hiện nay đã lên tới ít nhất 5000 người, trong đó không chỉ có người dân bình thường, mà có cả các quan chức chính phủ.
Rõ ràng Hiến chương 08 là thách đố lớn nhất của giới ly khai Trung Quốc đối với chính quyền Bắc Kinh kể từ phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989, vì đây là lần đầu tiên có một sự liên kết rộng rãi giữa những người chống lại chế độ Cộng sản. Việc công khai ký tên bản Hiến chương này là một hành động dũng cảm đáng nễ, trong một đất nước mà chỉ cần mở miệng than trách chính quyền là đủ để vào tù.
Hiện giờ, cách đối phó của giới lãnh đạo Bắc Kinh là ''rung cây nhát khỉ'', tức là bắt giam và đưa ra xử làm gương những người khởi xướng bản Hiến chương 08, như ông Lưu Hiểu Ba, nhưng tác động của bản Hiến chương này sẽ không giảm đi.
No comments:
Post a Comment