Quê nhà năm mới
TRẦN KHẢI
Việt Báo
Chủ Nhật, 1/4/2009, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=139172
Bắt đầu một năm mới, mỗi người đều có những quan tâm riêng. Chuyện riêng từng người, riêng từng nhà, riêng từng lĩnh vực nghề nghiệp và nơi cư trú… nhưng hầu hết đều chia sẻ một quan tâm chung về quê nhà, nơi hầu hết chúng ta, những người Việt hải ngoại, vẫn còn nhiều người thân và bạn hữu, còn những kỷ niệm không bao giờ quên với thầy cô và trường lớp. Quê nhà cũng là nơi chúng ta đã để lại một phần đời, có khi là một phần thân thể khi chiến đấu cho những gì chúng ta tin tưởng.
Việt Nam bây giờ đã là một đất nước thống nhất về lãnh thổ, nhưng lòng người vẫn còn phân tán. Nửa phần đất nước đã sống với bầu không khí tự do trước 1975, tuy chưa toàn hảo, nhưng vẫn là đa đảng, vẫn có bầu cử tranh cử thật, vẫn có tự do báo chí và tự do xuất bản, và nhiều quyền tự do khác nữa… mà bây giờ đang bị cấm đoán, nơi tất cả đều phải theo "lề phải" của một chế độ độc đảng toàn trị.
Năm 2009 sẽ có những gì mới lạ cho quê nhà? Đối với các nhà hoạt động dân chủ, quan tâm đầu tiên là nhân quyền và các quyền tự do căn bản, là một ước mơ dân chủ đa nguyên. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế chính trị của bản đồ thế giới 2009, quan tâm này có thể tiến xa tới đâu? Nhất là trong thời buổi kinh tế suy giảm, dự toán cho hầu hết các nơi của kinh tế toàn cầu, một viễn ảnh tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam nhiều phương diện.
Theo Đài Quốc Tế Pháp RFI hôm 2-1-2009, bài của phân tích gia Trọng Nghĩa cho biết rằng "Các nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu chuẩn bị đối mặt với năm 2009 cực kỳ khó khăn," tất nhiên là vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ rất là vất vả.
Bản tin RFI viết:
"Nền kinh tế Singapore có nguy cơ thụt lùi với tỷ lệ trừ 2% trong năm 2009. Lời xác định bi quan của bộ thương mại Singapore vào hôm nay phản ánh triển vọng không mấy sáng sủa của các nền kinh tế Châu Á trong năm 2009 mới bắt đầu, đặc biệt đối với các quốc gia trong thời gian qua đã lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng.
Singapore là thí dụ điển hình của các nước này, trong đó có cả Thái Lan hoặc Việt Nam. Theo số liệu vừa được công bố, GDP của Singapore trong quý tư năm 2008 đã sụt giảm khoảng 12,5%, một mức nặng nề chưa từng thấy từ ngày nước này thiết lập bảng thống kê vào năm 1976 đến nay.
Nguyên nhân thụt lùi đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần : tình trạng khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt từ tháng 11 đến nay, làm cho mức cầu, mức giao dịch thương mại, mức đầu tư trên thế giới sụt giảm đáng kể.(…)
Theo chân Singapore, các nền kinh tế Hồng Kông, Nhật Bản, New Zealand cũng rơi vào suy thoái, nếu chỉ tính riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Trong cùng một cảnh ngộ tại vùng Đông Nam Á, có thể kể đến Thái Lan. Nếu trước lúc xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á vào năm 1997, tỷ trọng xuất khẩu trong nền kinh tế nước này chỉ là 40 % mà thôi, thì hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng vọt lên mức 60%. VớI tình trạng kinh tế khó khăn hẳn lên tại ba thị trường nhập khẩu chủ chốt là Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản từ sau khi khủng hoảng tài chánh bùng phát, rõ ràng là xuất khẩu của Thái Lan, Singapore và của các nước Châu Á khác đều bị tuột dốc. Việt Nam chẳng hạn, đã phải ghi nhận đà sụt giảm của của xuất khẩu kể từ tháng 7 đến nay. Indonesia, vào tháng 10 vừa qua, đã ghi nhận tỷ lệ giảm 11,6% so vớI cùng kỳ năm ngoái…" (hết trích)
Viễn ảnh Đông Nam Á suy giảm không có gì bí hiểm. Bản tin BBC đã ghi nhận về lời báo nguy của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. Bản tin viết:
"Trong thông điệp đầu năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo 2009 sẽ là "một năm nhiều khó khăn và thách thức". Ông Dũng vừa có bài viết nhân dịp năm mới, được đăng tải trên nhiều báo đài trong nước…
…ông cũng thừa nhận "những yếu kém trong cơ cấu kinh tế và hiệu quả đầu tư tích tụ từ nhiều năm chậm được khắc phục" cùng "những tồn tại trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô" đã dẫn tới tình trạng lạm phát phi mã đầu năm 2008…" (hết trích)
Điều quan ngại của người quan sát là kinh tế VN đã có đà suy giảm từ năm 2008. Vậy thì làm sao năm 2009 có thể vượt qua trở ngại đang tới. Đài VOA trong bản tin ngày 31-12-208 đã tổng kết:
"VN: Kinh tế 2008 phát triển ở mức chậm nhất kể từ năm 1999
Trong năm 2008, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển ở mức chậm nhất kể từ gần một thập niên nay sau khi phải đương đầu trước hết với nạn giá cả leo thang và sau đó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tin của Reuters và Bloomberg cho biết Tổng Cục Thống Kê của chính phủ hôm thứ Tư ước tính mức tăng trưởng của năm 2008 chỉ ở khoảng 6,23%, tức là mức thấp nhất kể từ năm 1999, và thấp hơn mức 8,5% của năm 2007…" (hết trích)
Nhìn ngược về 2008 đã bi quan vì suy trầm, nhưng nhìn tới 2009 lại có viễn ảnh thâm thủng mậu dịch.
Bản tin Đài Á Châu Tự Do RFA hôm 2-1-2009 viết:
"Việt Nam đưa ra con số dự báo về thâm thủng mậu dịch cho năm mới 2009 sẽ là trên 19 tỷ đô la.
Ông Vũ Huy Hòang, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, trong một báo cáo thương mại mà hãng Reuter có được hôm nay, nói rằng năm 2009 sẽ đầy khó khăn do vậy khó có thể đạt được tốc độ tăng truởng nhanh trong lĩnh vực mậu dịch.
Hồi tuần rồi Việt Nam cho biết thâm thủng mậu dịch của năm 2008 là 17 tỷ rưỡi đô la.
Trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cà phê, và sản lượng xuất khẩu của lọai hạt này cũng được dự báo sẽ giảm trong năm 2009. Số giảm được nói chừng chín phần trăm so với năm 2008. Trung tâm Thông tin Bộ Công thương cho biết như vừa nêu trong ngày hôm nay." (hết trích)
Vậy thì, viễn ảnh kinh tế VN nhìn từ các chuyên gia trong nước ra sao? Thông tấn nhà nước VietnamNet trong bản tin nhan đề "Phác thảo bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009" đăng ngày 23-12-2008 đã ghi nhận, trích:
"Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phác hoạ bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 với nguy cơ "đà rơi tự do" của xuất khẩu, xu hướng tụt dốc của chứng khoán, những khó khăn của cán cân thanh toán quốc tế, và khả năng của một cuộc khủng hoảng nhà đất... Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là cần thiết để đáp ứng nhu cầu việc làm, dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện…
…Vấn đề là trong những tháng vừa qua các ngân hàng thương mại Việt Nam đã huy động vốn với lãi suất từ 17 đến 19%, nay đang ôm một số vốn huy động với lãi suất cao mà không tìm được người để cho vay với lãi suất đã giảm mạnh. Do đó các ngân hàng sẽ gặp khó khăn, bị lỗ nặng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhiều ngân hàng. Lãi suất sẽ còn giảm xuống nữa và xí nghiệp không vội vàng gì để đi vay với lãi suất cao.
Trong năm 2009 lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm, các xí nghiệp sẽ tìm vay với lãi suất thấp để trả nợ sớm và huỷ những hợp đồng vay với lãi suất cao. Hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, khó tránh khỏi thua lỗ…(…)
…Xuất khẩu 2009: Ngăn chặn đà rơi tự do
Việt Nam xuất khẩu đến tỷ lệ 60% GDP, vì vậy khi nền kinh tế thế giới suy thoái, nhập khẩu co rút lại, tất nhiên là tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng đấy là tác động từ bên ngoài. Phần khác là tác động từ bên trong do một chính sách kìm chế lạm phát dựa trên phân tích lạm phát là do "cầu kéo", nên đã ban hành một chính sách tiền tệ siết chặt tín dụng, với một mức lãi suất quá cao, khiến cho DN không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng loạt DN lớn nhỏ đã phải ngừng hoạt động, giải thể, sa thải nhân công.
Theo tài liệu thống kê vừa được công bố, kim ngạch xuất khẩu đã bắt đầu giảm từ tháng 08 và còn tiếp tục giảm; sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng trên đà rơi "tự do".
Nhận định rằng nền kinh tế đang lâm vào tình trạng giảm phát chứ không còn là nguy cơ nữa, nên chính phủ vừa mới ban hành 5 gói biện pháp cứu nguy, trong đó có 1 tỷ USD (nay mới vừa tăng lên 6 tỷ) để kích cầu qua các dự án cơ sở hạ tầng, cấp tín dụng cho nông thôn tiêu thụ, cấp vốn cho hai Công ty Lương thực Miền Bắc và Miền Nam ("với lãi suất được nhà nước tài trợ" có thể hiểu là với lãi suất ở mức 0%), tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất "thoả thuận" và định hướng là huỷ bỏ lãi suất cơ bản.
Đây là những biện pháp tích cực những chưa thể nói là đủ để cứu vãn nền kinh tế bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cấu và đang bị suy kiệt vì chính sách tiền tệ tín dụng của những tháng qua.
Một cơn địa chấn toàn cầu kèm theo một trận bão lớn với sức gió chưa từng có trong lịch sử đang tiến đến, và một phần nào đã đổ bộ lên nước ta. Vậy mà chúng ta vẫn chưa có một cơ quan dự báo nào để ước tính mức tàn phá và đề ra các chiến lược phòng chống. Khả năng là hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của năm 2009 sẽ còn tăng tốc suy giảm, nếu nhà nước không nhanh chóng lập dự báo chính xác và ban hành những biện pháp thích ứng kịp thời…. (…)
Lượng kiều hối phụ thuộc vào khả năng tích luỹ tiết kiệm của kiều bào, và xuất khẩu lao động. Cả hai nguồn kiều hối này đều không có tín hiệu tăng mà còn phải chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu lao động nước ngoài co giảm và thu nhập của Việt Kiều suy yếu do nền kinh tế các nước sở tại bị suy thoái…" (hết trích)
Đúng là một viễn ảnh đáng lo ngại. Bởi vì thực trạng kinh tế càng suy thoái, người dân sẽ càng ít suy nghĩ hơn về các quyền căn bản, bởi vì hằng ngày cứ bận rộn lo tiền chợ, tiền xăng dầu, tiền học… là không còn bao nhiêu đầu óc để ngẫm nghĩ tới nguồn cội tai họa độc đảng. Nguyên khí của đất nước cũng có thể sẽ bị hoang phí, vì nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên có thể phải bỏ học nửa chừng đề tìm việc giúp ba mẹ… vì không kiếm đủ tiền học phí, và cũng vì cảnh nhà bức bách.
Một nguy hiểm nữa của một viễn ảnh kinh tế bi thảm: nhiều người có thể sẽ phải nương tựa thêm vào guồng máy nhà nước, vì thu nhập cán bộ sẽ ổn định hơn, và cũng vì quyền lực cán bộ dễ dàng hơn để tạo thêm thu nhập phụ. Thấy rõ, các quan chức, dù ở cấp phường xã, tới ngày tết, ngày lễ, ngày sinh nhật dù là của vợ con cán bộ… là được các hộ dân cư buôn bán tới tặng quà chúc mừng. Chuyện này không còn là bí mật, vì báo chí quốc nội đã nhiều lần kể chuyện này, nhưng lâu dài sẽ tạo ra một nền văn hóa củng cố quyền lực quan chức.
Vậy thì, thực tế viễn ảnh năm 2009 sẽ ra sao? Và chúng ta nên làm những gì để đẩy mạnh cuộc chiến dân chủ đa nguyên? Và làm sao mang thêm các thông tin chính xác cho người dân, trong tình hình nhà nước bắt đầu xiết các blogs độc lập? Đó là các suy nghĩ cần quan tâm, không chỉ của người hoạt động dân chủ, mà còn là suy đoán của các bộ máy công an để dựng rào ngăn chận.
No comments:
Post a Comment