Nhân quyền VN còn nhiều vấn đề
15 Tháng 1 2009 - Cập nhật 09h43 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2009/01/090115_hrw_2008.shtml
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vừa ra báo cáo thường niên về tình hình thế giới năm 2008, trong có chương dành nói về Việt Nam.
Phúc trình Thế giới 2009 gồm 564 trang, đề cập tình hình nhân quyền tại hơn 90 quốc gia dựa trên các điều tra mà nhân viên của HRW thực hiện.
Phần nói về VN nhận xét Hà Nội tiếp tục trấn áp các nhân vật hoạt động dân chủ, nhà báo, bất đồng chính kiến và thành viên các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận.
Phúc trình cũng đề cập tới một số hiện tượng mới, như bất ổn xã hội khi hàng ngàn công nhân đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Làn sóng khiếu kiện đất đai cũng tăng lên trong năm ngoái. Nông dân các địa phương bất bình vì tham nhũng và tình trạng chiếm đất, đền bù không thỏa đáng đã kéo lên các thành phố lớn để phản đối sai phạm trong quản lý đất đai.
Tình hình Việt Nam sẽ được Ủy hội Nhân quyền LHQ xem xét chi tiết vào tháng Năm tới theo cơ chế định kỳ toàn cầu (Universal Periodic Review) của tổ chức này.
Vấn đề Công giáo
HRW cho rằng năm 2008 là năm đã xảy ra đợt trấn áp nặng nề nhất đối với giới Công giáo ở Việt Nam trong nhiều thập niên nay.
Tín đồ đã tập trung số lượng lớn tại hai địa điểm ở Hà Nội để đòi lại đất đai mà họ cho là của Nhà thờ.
Đề cập tới diện tù nhân lương tâm, phúc trình của HRW viết hơn 400 tù chính trị vẫn còn bị giam cầm trong toàn quốc.
Chính phủ Việt Nam luôn luôn bác bỏ cáo buộc, nói rằng ở Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có những người vi phạm pháp luật bị bỏ tù.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York đặc biệt nhấn mạnh tới việc kiểm soát báo chí trong năm vừa qua.
"Chính phủ quản lý việc sử dụng internet bằng cách theo dõi hoạt động mạng, trấn áp các nhà bất đồng chính kiến trên mạng và ngăn chặn các website của các nhóm dân chủ nhân quyền nước ngoài."
Bản báo cáo nhắc tới tên blogger Điếu Cày, người bị xử tù 30 tháng và hai nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, vốn phải ra tòa vì liên quan đưa tin vụ bê bối PMU18.
Tuy nhiên bản phúc trình nhận xét quan hệ giữa VN và Hoa Kỳ tiếp tục ấm dần với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 6/2008.
Hoa Kỳ đã không đưa Việt Nam lại vào Danh sách các Quốc gia cần Lưu ý Đặc biệt vể nhân quyền và tự do tôn giáo (CPC) như một số tổ chức yêu cầu.
TRANG NGOÀI BBC
Phúc trình của Human Rights Watch (phần nói về Việt Nam)
BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.
No comments:
Post a Comment