Friday, January 23, 2009

ĐÓNG CỬA TRẠI TÙ GUANTANAMO

Obama quyết định đóng cửa Guantanamo, chỉ định hai đặc sứ về Cận Đông và Afghanistan
Đức Tâm

Bài đăng ngày 23/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 23/01/2009 14:29 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2301.asp
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền hoan nghênh quyết định của tổng thống Obama đóng cửa trại tù Guantanamo. Washington chỉ định hai đặc sứ : người thứ nhất phụ trách vùng Cận Đông, người thứ nhì lo về hồ sơ Afghanistan và Pakistan

48 giờ sau khi nhậm chức, hôm qua, tổng thống Barack Obama đã ký các sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo, muộn nhất trong vòng một năm, xóa bỏ các trại giam tù nhân ở nước ngoài do CIA lập ra và Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các công ước Genève, chống tra tấn tù nhân.
Quyết định này mang tính biểu tượng cao và đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới hoan nghênh.

Theo Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, hôm qua là một ngày tốt đẹo trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Tổ chức Amnesty International đánh giá đó làm một bước tiến quan trọng, đi đúng hướng. Tổng thống Mỹ muốn đưa ra một thông điệp quan trọng cho thế giới là Hoa Kỳ chấm dứt một trang sử đen tối.
Cộng hòa Séc, nhân danh chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, đã ra thông cáo đánh giá quyết định của ông Obama mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác giữa châu Âu và Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo giới quan sát, khi ra quyết định đóng cửa trại tù Guantanamo, ông Obama muốn chứng tỏ sự đoạn tuyệt với những chính sách thái quá của chính quyền Bush trong cuộc chiến chống khủng bố. Đồng thời, tân chủ nhân Nhà Trắng cũng muốn khôi phục lại hình ảnh của nước Mỹ trong công luận quốc tế. Đây sẽ là chủ đề mục mỗi ngày một sự kiện, mời quý vị đón nghe.

Sau hồ sơ Guantanamo, cuộc xung đột tại Cận Đông và cuộc chiến tại Afghanistan là những chủ đề được tân tổng thống Mỹ quan tâm ngay trong những ngày đầu tiên nhậm chức.
Hôm qua, tại Washignton, trong cuộc gặp gỡ với các nhà ngoại giao Mỹ, tổng thống Obama đã chỉ định hai nhà ngoại giao lão luyện phụ trách hai hồ sơ nóng bỏng.
Cụ thể, ông Richard Holbrooke, 68 tuổi, được chỉ định làm đặc phái viên phụ trách Afghanistan và Pakistan. Ông Holbrooke là người đã tham gia vào tiến trình đàm phán ký kết hòa ước Dayton, cho phép chấm dứt cuộc chiến tại Nam Tư cũ, năm 1995..
Trong khi đó, ông George Mitchell, 75 tuổi, được chỉ định làm đặc phái viên phụ trách hòa bình tại Cận Đông. Đây là nhân vật đã có nhiều đóng góp cho cuộc thương thuyết hòa bình ở Bắc Ailen. Chính quyền Israel và cơ quan quyền lực Palestine đều hoan nghênh việc bổ nhiệm này.

Khôi phục hình ảnh nước Mỹ, tổng thống Obama ra lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo
Đức Tâm

Bài đăng ngày 23/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 23/01/2009 14:08 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2299.asp
Ngoài việc đóng cửa trại tù Guanatnamo, muộn nhất là trong vòng một năm, ông Obama còn ký sắc lệnh quy định rằng Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các Công ước Geneve trong việc đối xử với tù nhân, đó là những công ước mà chính quyền Bush vẫn phản đối

"Đó là một ngày tốt đẹp trong lĩnh vực tôn trọng nhân quyền". Trên đây là bình luận của bà Navi Pallay, lãnh đạo Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, HCR, về việc tổng thống Mỹ, Barack Obama, ký sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo, muộn nhất là trong vòng một năm.
Ngay tối hôm thứ ba, 20 tháng giêng, ngày nhậm chức tổng thống, chính phủ của ông Obama đã đề nghị các toà án đặc biệt tạm ngưng thủ tục tố tụng đối với các tù nhân Guantanamo, và đề nghị này đã được các thẩm phán chấp nhận.

Cam kết tuân thủ Công ước Genève.

Hôm qua, 22 tháng giêng, ông Obama đã ký sắc lệnh đóng cửa trại tù và các trung tâm giam giữ của CIA ở nước ngoài. Trong cùng buổi lễ được tổ chức ngay tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Obama còn ký sắc lệnh quy định rằng Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các Công ước Genève trong việc đối xử với tù nhân, đó là những công ước mà chính quyền Bush vẫn phản đối.
Đây là một sự chối bỏ thẳng thẳng những cách thức hành xử mà chính quyền George Bush đã áp dụng trong "cuộc chiến quốc tế chống khủng bố", những phương pháp, kỹ thuật hỏi cung mà CIA đã áp dụng và bị công luận quốc tế tố cáo đó là những hành vi tra tấn.
Khi ký các sắc lệnh nói trên, tổng thống Obama đã không chỉ thực hiện một trong những lời hứa quan trọng của ông trong đợt vận động tranh cử, mà còn đáp ứng những đòi hỏi liên tục của các nước đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo ông Obama, đây là một thông điệp mà Hoa Kỳ muốn gửi tới thế giới, rằng nước Mỹ "vẫn có ý định tiếp tục cuộc chiến chống lại bạo lực và khủng bố nhưng sẽ làm các công việc này trong tinh thần cảnh giác, có hiệu quả và trong sự tôn trọng những giá trị và ý tưởng của nước Mỹ". Hãng AP bình luận, ông Obama xóa đi một vết nhơ trên bộ mặt nước Mỹ.

Trại tù Guantanamo được mở ra sau loạt khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 để giam giữ những người được coi là "những chiến binh bất hợp pháp". Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã tố cáo Guantanamo như là một vùng không có luật pháp, ở đó, những người tù bị giam giữ trong nhiều năm trời mà không hề theo một thủ tục pháp lý chính thức nào.
Điều kiện giam cầm và tra tấn tù nhân đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Khi đưa ra thời hạn một năm để đóng cửa trại tù Guantanamo, tổng thống Obama muốn có thời gian để giải đáp một câu hỏi gay góc : Hoa Kỳ sẽ xử lý ra sao với số tù nhân ở đây.
Theo Hiệp Hội Bảo Vệ Các Quyền Tự Do Dân Sự, ACLU, hiện tại có 245 người bị giam giữ tại Guantanamo. Từ nay trở đi, tất cả được đặt dưới sự bảo vệ của các Công ước Geneve, liên quan đến điều kiện đối xử với tù nhân, chống tra tấn v.v. và có thể được chia làm ba loại.
Trước tiên là nhóm người có thể được trả tự do, thứ hai là nhóm tù nhân sẽ bị truy tố và xét xử trước các tòa án của Mỹ. Nhóm thứ ba bao gồm những kẻ nguy hiểm, nhưng không thuộc hai nhóm trên và cho đến nay, vẫn chưa có "phương tiện pháp lý phù hợp" để xử lý.

Vấn đề đón nhận tù nhân được thả ?

Một vấn đề phức tạp khác là nước nào sẽ đón nhận những tù nhân được thả, bởi vì có những người không thể bị cưỡng ép hồi hương, vì họ có nguy cơ bị chính quyền nước đó tra tấn, như trường hợp 5 người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc. Châu Âu đã từng phê phán mạnh mẽ chính quyền Bush duy trì trại tù Guantanamo và không ngừng đòi phải đóng cửa cơ sở này.
Vậy châu Âu có sẵn sàng giúp Hoa Kỳ hay không ? Cho đến nay, mới chỉ có Bồ Đào Nha kêu gọi châu Âu tỏ thiện chí với Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Ai Len hứa nghiên cứu. Nội bộ Đức thì chia rẽ, trong khi đó, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan đã từ chối. Thứ hai tới, các ngoại trưởng thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận về việc này tại Bruxelles.
Lúc đương quyền, ông Bush cũng đã từng nói rằng bản thân ông và chính quyền Mỹ cũng muốn đóng cửa trại tù, nhưng ông cảnh báo người kế nhiệm rằng luật pháp và vấn đề an ninh của nước Mỹ sẽ làm cho việc đóng cửa trại tù trở thành một vấn đề rất phức tạp.
Theo thăm dò dư luận do CNN công bố hôm thứ tư, thì chỉ có 51% số người được hỏi ủng hộ quyết định đóng cửa Guantanamo. Điều này càng chứng tỏ bản lĩnh của tổng thống Obama. Ông nhấn mạnh người dân Mỹ biết rõ là không thể tiếp tục duy trì một sự lựa chọn sai lầm giữa vấn đề an ninh và những lý tưởng của mình.
Theo ông, quyết định xóa bỏ trại tù không phải chỉ là để giữ lời hứa tranh cử, mà đó là một quan niệm có từ thời những bậc công thần lập quốc Hoa Kỳ, theo đó, cần phải tôn trọng những chuẩn mực cơ bản trong hành xử không phải chỉ trong những lúc dễ dàng mà cả trong những lúc khó khăn.


No comments: