Tuesday, January 20, 2009

HOÁNG SA-TRƯỜNG SA và VẤN ĐỀ DÂN CHỦ HOÁ VIỆT NAM

Vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa và cuộc vận động dân chủ hóa VN
Thiện Tâm
Đăng ngày 20-1-2009
http://danchimviet.com/articles/793/1/Vn--Hoang-Sa---Trng-Sa-va-cuc-vn-ng-dan-ch-hoa-VN/TrangPage1.html

Khi nhắc đến vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa, mọi người thường nghĩ ngay đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc. Đúng như thế vì chúng ta vẫn coi Hoàng Sa – Trường Sa là lãnh thổ của mình, đang bị ngoại bang xâm chiếm. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, cơ bản lại là vấn đề dân chủ. Điều này không hề phi lý hay mâu thuẫn.

Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lăng từ 1974. Trường Sa hiện nay, ngoài Việt Nam, có đến 5 quốc gia khác đang chiếm đóng, mỗi nước một vài đảo là Trung Quốc, Đài Loan, Philippine, Malaisia, Brunei. Quốc gia nào cũng tuyên bố đây là lãnh thổ của mình. Trong tình hình đó nếu Việt Nam muốn lấy lại hai quần đảo này, rõ ràng không phải là vấn đề vài ba năm, mà là chuyện lâu dài, thậm chí không bao giờ thu hồi được mà chỉ có thể giải quyết bằng một thỏa thuận qua thương lượng nào đó.

Chúng ta không nên ảo tưởng. Có thể nào chúng ta buộc Trung Quốc trao trả lại Hoàng Sa? Làm thế nào để các quốc gia khác rút ra khỏi Trường Sa? Bằng quân sự? Bằng ngoại giao? Bằng cách đưa ra tòa án quốc tế? Dĩ nhiên khi coi đây là lãnh thổ của mình, ta phải tìm cách lấy lại nhưng phải nhìn nhận vấn đề một cách thực tiễn chứ hô khẩu hiệu suông không ích gì.

Định mệnh đã đặt Việt Nam bên cạnh một Trung Quốc to lớn luôn luôn có tham vọng làm “bá chủ thiên hạ” và các nước láng giềng đã khốn khổ vì tham vọng này. Việt Nam đã chiến đấu với kẻ khổng lồ qua hàng ngàn năm lịch sử để tồn tại và giữ vững nền độc lập. Đây là kỳ tích lớn nhất trong mọi kỳ tích của dân tộc. Người Việt Nam nào cũng có quyền tự hào về điều này. Nhưng bây giờ lại một lần nữa Việt Nam đứng trước âm mưu và hành động xâm lăng của Trung Quốc, trong hoàn cảnh của một thế giới mới văn minh liên thông và rộng lớn hơn bối cảnh ngày trước. Chúng ta cần ôn lại bài học lịch sử và vận dụng trong hoàn cảnh mới để có thể bảo toàn đất nước.

Mọi người Việt Nam có học đều biết những trang sử oai hùng và bi thương trong cuộc đối đầu của Việt Nam với Trung Quốc. Dưới thời bắc thuộc, Hai Bà Trưng chống quân Hán, Bà Triệu đánh Đông Ngô, những nữ lưu anh hùng đầu tiên đã cởi voi, phất cờ tập hợp lực lượng các bộ tộc Việt làm cho bọn đô hộ kinh hoàng, dù cuộc chiến đấu chỉ ngắn ngủi vài ba năm. Rồi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, mở đầu thời kỳ độc lập. Nhiều triều đại tiếp theo vẫn giữ vững bờ cõi dù liên tục bị xâm lăng. Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm. Quân dân nhà Trần với danh tướng Trần Hưng Đạo ba lần đánh bại giặc Nguyên Mông. Lê Lợi - Nguyễn Trãi cùng với nghĩa quân Lam Sơn đuổi giặc Minh. Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh.

Cách nói ngắn gọn về những chiến công của dân tộc Việt bao gồm hai yếu tố: người lãnh đạo sáng suốt và nhân dân kiên cường. Các vị vua, các danh tướng đã làm nên kỳ tích là những con người yêu nước, thông minh, tài ba, biết dựa vào dân, được dân ủng hộ, có sách lược đúng đắn khi tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Nhân dân không ngại chịu đựng gian khổ, không tiếc máu xương, đoàn kết chung quanh người lãnh đạo của mình, tạo nên sức mạnh phi thường có thể đánh bại kẻ thù giảo quyệt, đông đảo hơn mình rất nhiều lần. Thiếu một trong hai yếu tố đó, dân tộc Việt Nam nhất định thất bại trước kẻ thù, điều đã diễn ra trong một số giai đoạn lịch sử.

Một đặc điểm quan trọng nữa là trong các thời kỳ lịch sử trước đây, khi chống Trung Quốc, Việt Nam chỉ dựa vào sức mình là chính chứ không trông chờ bất cứ một thế lực ngoại bang nào khác. So sánh lực lượng, thời kỳ nào Trung Quốc cũng đông đảo hơn ta gấp bội lần và vô cùng tham lam, vô cùng tàn bạo. Thế nhưng ta vẫn chống chọi được, chứng tỏ một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng nếu biết đoàn kết, có ý chí mạnh mẽ, có những người lãnh đạo tài ba thì không một thế lực ngoại bang nào có thể khuất phục. Đó là thực tiễn của lịch sử Việt Nam, không phải là lý luận hay suy diễn chủ quan, tự hào vô lối.

Trong những cuộc đọ sức sinh tử đó, ta đã thắng nhưng ta vẫn là một nước nhỏ bên cạnh một anh láng giềng khổng lồ, muốn bảo toàn sinh lực, sống trong hòa bình để xây dựng đất nước, nhất định ta phải có một chính sách ngoại giao khôn ngoan, mềm dẻo. Sau chiến thắng, các vị vua của ta đều tìm cách hòa hoãn, nhận phong vương hay triều cống Trung Hoa dù vẫn xác định “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Lê Lợi – Nguyễn Trãi sau khi đánh giặc Minh tan tác đã cấp thuyền, ngựa, lương thực cho đám bại binh về nước. Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi đại phá hơn 20 vạn quân Thanh chỉ trong 6 ngày cũng nhận phong vương của nhà Thanh, cho người giả giống mình sang triều kiến và dự lễ mừng thọ vua Càn Long, sau đó lại còn gởi thư cầu hôn một nàng công chúa của Thanh triều và “xin” hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Đó không phải là hèn nhát mà là sách lược được tính toán. Triều cống chỉ là hình thức chứ không lệ thuộc, vẫn giữ vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc.

Hiện nay Việt Nam có làm được như cha ông ngày xưa không? Một câu hỏi mà câu trả lời không đơn giản vì hoàn cảnh Việt Nam và thế giới hiện nay khác trước rất nhiều.

Thế giới hiện nay có tính liên thông, tương tác; các quốc gia chi phối và phụ thuộc lẫn nhau; các hoạt động kinh tế liên quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế tác động lên nhau; hệ quả phân chia ý thức hệ vẫn còn dai dẳng, bạn thù không rõ rệt. Trong tình hình đó, chính sách đối ngoại quả là vô cùng phức tạp.

Nội bộ Việt Nam, so với ngày xưa, ta không thể nói đơn giản mạnh hay yếu hơn khi đối đầu với Trung Quốc. Phân tích trên hai yếu tố dân tộc và nhà cầm quyền, ta thấy những điểm nổi bật sau đây:

Nhân dân trong nước sau hai cuộc chiến tranh và thời kỳ nghèo đói, lại bị bưng bít thông tin, chỉ lo làm ăn kiếm sống và làm giàu chứ ít chú ý đến mối nguy từ Trung Quốc. Việc lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa bị xâm lăng mà cũng ít người quan tâm nói chi đến sự xâm lấn về kinh tế khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập, trong đó vô số hàng lậu và độc hại nhưng người dân vẫn thản nhiên mua bán, tiêu dùng, chưa kể nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác mà chính quyền Trung Quốc đang áp dụng để chi phối hay thôn tính Việt Nam.

Gần đây, một số trí thức và sinh viên có nhận thức rõ ràng lên tiếng kêu gọi phát huy tinh thần dân tộc, trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhưng những hoạt động này bị chính quyền ngăn chặn hay đàn áp nên tiếng vang, ảnh hưởng trong dư luận chưa được rộng rãi.

Khối người Việt ở hải ngoại có điều kiện tiếp nhận nhiều thông tin, có tri thức và tiềm năng kinh tế nhưng đại bộ phận lại chống đối hay không ủng hộ chính quyền trong nước, không được trực tiếp tham gia các hoạt động trong nước chống lại hành động thôn tính của Trung Quốc, chỉ có thể bày tỏ quan điểm, thông tin, tuyên truyền trên Internet, báo chí ở hải ngoại và thực hiện những hành động có tính tượng trưng như biểu tình trước các tòa đại sứ Trung Quốc.

Khái quát như thế để thấy rằng nhân dân Việt Nam hiện nay chưa có một lực lượng đoàn kết và thống nhất có sức mạnh, ý thức được mối nguy bị xâm lược để đương đầu với kẻ thù như ngày xưa. Mặt khác quan hệ giữa nhân dân và nhà cầm quyền cũng không phải là “vua tôi đồng thuận, quân dân một lòng” như ngày trước.

Chính quyền hiện nay trước đây thuộc khối cộng sản, trong đó có Trung Quốc. Vì cho rằng đều là cộng sản anh em chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và các nước tư bản phương tây nên chính quyền đã công nhận lãnh hải của Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa với công hàm do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 và không hề lên tiếng khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Vì cần dựa vào Trung quốc và tin tưởng ở tình đồng chí nên chính quyền cộng sản đã không thấy hết dã tâm xâm lược của “ông anh cả đỏ” chẳng có chút gì tinh thần quốc tế vô sản mà vẫn nuôi tham vọng “bá quyền đại Hán” truyền thừa của lịch sử Trung Quốc. Dù vì bất cứ lý do gì và giải thích cách nào, những nhân nhượng đó đã trở thành hành động bán nước.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhà nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc không phải lúc nào cũng “hữu hảo”. Cuộc chiến biên giới năm 1979 mà Trung Quốc gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” là một cái tát nẩy lửa vào mặt chính quyền cộng sản Việt Nam và tình hữu nghị đó. Sau sự kiện này, hai nước đã trở thành kẻ thù. Một nhân vật trong bộ chính trị là Hoàng Văn Hoan thân Trung Quốc đã trở thành kẻ phản quốc bị lên án, đảng viên gốc Hoa bị khai trừ, Hoa kiều bị xua đuổi. Chính quyền cũng tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu, viết nhiều sách báo để tìm hiểu, tuyên truyền về bản chất, âm mưu thủ đoạn của thế lực bành trướng bá quyền phương bắc và công khai gọi Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”.

Sau khi hệ thống cộng sản trên toàn thế giới sụp đổ và không muốn rơi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, Việt Nam lại kết thân với Trung quốc. Tuy đã có những nhượng bộ trong các hiệp định về biên giới trên bộ và lãnh hải nhưng về mặt công khai, Việt Nam vẫn tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam “với đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý không thể tranh cãi”. Tuy nhiên tuyên bố như thế chẳng có giá trị thực tiễn gì và tuyên bố đó đã mặc nhiên thừa nhận công hàm do Phạm Văn Đồng ký là sai lầm. Đây không phải sai lầm nhỏ mà rất lớn, nếu không nói là tội lỗi đối với dân tộc cần phải được sửa chữa một cách tích cực, triệt để chứ không phải chỉ là tuyên bố suông.

Điều sai lầm nữa là vì không muốn công khai đối đầu với Trung Quốc, sợ kích động lòng yêu nước của toàn dân trước nạn ngoại xâm nên chính quyền đã trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và không công bố toàn bộ tình hình trong quan hệ với Trung Quốc mà chỉ thực hiện chính sách bang giao với Trung Quốc trong phạm vi bí mật. Dù vì bất cứ lý do gì, chính sách đó cũng là chính sách hèn nhát, khác và thua xa chuyện triều cống ngày xưa vì đã mang lại những thiệt thòi cho đất nước. Không dựa vào dân, không được sự ủng hộ của nhân dân, chính quyền không đủ thế lực để đương đầu với Trung Quốc như ngày trước.

Tuy nhiên, dù trong âm thầm có thế lực nào đó muốn làm tay sai cho Trung Quốc để giữ địa vị thì trong công khai, những người cầm quyền hiện nay cũng không ai muốn bị coi là Lê Chiêu Thống hay Hoàng Văn Hoan, những cái tên đã và sẽ “lưu xú vạn niên” trong lịch sử.

Như vậy để chống lại mộng bá quyền Trung Quốc, Việt Nam cần khắc phục những điểm yếu của mình hiện nay trong sức mạnh của nhân dân và thế lực của nhà cầm quyền trước khi có thể nói chuyện đòi lại Hoàng Sa Trường Sa nói riêng và chống lại âm mưu xâm lược của Trung Quốc nói chung. Giải pháp để thực hiện điều vô cùng khó khăn đó không gì khác hơn là dân chủ hóa đất nước.

Dân chủ hóa ở đây là cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, bước đầu quan trọng là đấu tranh cho các quyền tự do cơ bản: tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do bầu cử, tự do biểu tình. Các quyền tự do này sẽ giúp nâng cao dân trí, có năng lực và phương tiện làm chủ đất nước, nhân dân trong và ngoài nước có sự hiểu biết, chia sẻ, cộng tác trong mọi hoạt động vì đất nước.

Dân chủ sẽ giúp người dân thực sự làm chủ đất nước bằng cách tác động, chi phối đến sách lược của nhà cầm quyền, không để họ thao túng làm hại đến đất nước vì độc tài, dốt nát hay vì quyền lợi riêng.

Dân chủ sẽ giúp cho chính quyền có được sức mạnh từ nhân dân, được sự ủng hộ của nhân dân, trở thành chính danh, có thể huy động mọi nguồn lực của dân tộc cho cuộc chiến chống ngoại xâm.

Ngày hôm nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam là một cách “đu dây” giữa các cường quốc, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, xử lý mối quan hệ với các quốc gia và các tập đoàn kinh tế liên lục địa. Chính sách đó đòi hỏi phải có kiến thức, sự hiểu biết thấu đáo, sự khôn ngoan tỉnh táo và vẫn dựa vào nội lực mình là chính, không lệ thuộc bất cứ quốc gia nào dù mối quan hệ có thể nặng nhẹ khác nhau.

Mới đây có việc các nhà trí thức góp ý với nhà nước về kế hoạch khai thác bô xít ở tây nguyên. Những đóng góp ý kiến rất sắc bén, có cơ sở khoa học, có kiến thức thấu đáo về địa chất, kỹ thuật, thị trường, môi trường, nhân văn để phản biện đề án của nhà nước. Điều đó cho thấy trí thức, đây mới là một số ít trí thức trong nước về một chuyên ngành, chưa nói đến toàn bộ trí thức trong và ngoài nước, có đủ kiến thức và tầm nhìn trong việc đưa ra đường lối lãnh đạo đất nước không kém bất cứ quốc gia nào.

Một trong những ưu điểm lớn của nhân dân Việt Nam là sức quật cường của lòng yêu nước khi quốc gia bị xâm lược, đã từng được chứng minh trong lịch sử quá khứ và những sự việc gần đây liên quan đến Trung Quốc. Khi hữu sự, nhất định mọi người dân sẽ nhất tề đứng lên, không quản hi sinh gian khổ để bảo vệ tổ quốc.

Phân tích như trên để thấy vấn đề bảo vệ tổ quốc trước các cuộc xâm lược và vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa nói riêng là một việc rất phức tạp và lâu dài, không thể muốn là được. Trước mắt những nhà trí thức vẫn cần đưa ra các nghiên cứu lịch sử để chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, các nhà chính trị, văn nghệ sĩ vẫn hô hào, cổ xúy lòng yêu nước, các cơ quan truyền thông vẫn cập nhật thông tin về vấn đề tranh chấp nhưng cơ bản và lâu dài vẫn là vấn đề dân chủ hóa đất nước.

Nhân dân không đoàn kết, bị chia rẽ, không là chỗ dựa của chính quyền; chính quyền không được lòng dân, đàn áp nhân dân, dựa vào ngoại bang thì không những không bảo vệ được tổ quốc mà còn đứng trước nguy cơ mất nước. Đó là lời cảnh báo không cường điệu chút nào mà chính là thực tiễn Việt Nam đang đối đầu.

Việt Nam tháng 12-2008

© 2009 Đàn Chim Việt Online


No comments: