Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viết thư cho ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ, và trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do nhân việc Hà Nội cấm 2 Đại biểu Quốc hội Châu Âu đến Việt Nam – Tài liệu về chính sách kềm kẹp áp bức kỷ lục của Đảng Cộng sản Việt Nam
2009-01-14 PTTPGQT
http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=1161
PARIS, ngày 14.1.2009 (PTTPGQT) - Vừa qua công luận thế giới và Việt Nam sôi nổi trước sự kiện hai vị Đại biểu Quốc hội Châu Âu bị Hà Nội ngăn cấm vào Việt Nam. Nhất là hai vị được mời đến thăm Quốc hội Việt Nam và đã được Sứ quán Hà Nội tại Rome, Ý, cấp chiếu khán nhập nội.
Lý do Hà nội đưa ra khi ngăn cấm là nhà cầm quyền Việt Nam không thể “bảo đảm an ninh” cho hai nhà ngoại giao Tây phương trên lãnh thổ Việt Nam. Một nghịch lý khó biện minh, khi ai cũng biết rằng Việt Nam là thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, và từ tháng 7 năm 2007 được bình bầu làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an này.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viết thư gửi ông Ban Ki-moon yêu cầu thúc đẩy Việt Nam chu toàn trọng trách “hòa bình và an ninh” của quốc gia mình trước cộng đồng quốc tế cũng như trong cộng đồng dân tộc.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin dịch ra Việt ngữ nguyên văn thư viết bằng Anh văn sau đây. Nhân thể chúng tôi cũng chép lại cuộc phỏng vấn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ của Đài Á châu Tự do về sự kiện nói trên để cống hiến bạn đọc.
Và cuối cùng là phân tích tài liệu về chính sách kềm kẹp áp bức kỷ lục của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà cầm quyền Hà Nội.
Thư Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi ông Tổng Thư ký LHQ :
Kính gửi Ngài Ban Ki-moon
Tổng thư ký LHQ
Quảng trường Liên Hiệp Quốc
Tp Nữu Ước, Hoa Kỳ
Saigon, ngày 2.1.2009
Ông Tổng Thư Ký thân mến,
Qua bức thư hôm nay tôi muốn biểu đạt mối quan tâm về những vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, cũng như chủ tâm của nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn công luận thế giới trong việc quan sát các vi phạm nghiêm trọng này.
Vừa qua vào ngày 23.12.2008, hai vị Đại biểu Quốc hội người Ý, Dân biểu Quốc hội Châu Âu Marco Pannella và Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý Marco Perduca bị cấm nhập cảnh Việt Nam. Dù rằng hai vị có chiếu khán nhập nội với dự tính viếng thăm các đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội. Ngoài ra hai vị cũng dự tính đến Thanh Minh Thiền viện ở Saigon thăm tôi.
Chuyến viếng thăm Việt Nam của hai vị đáp ứng lời mời của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khi phái đoàn này đến gặp gỡ Quốc hội Châu Âu tại thành phố Strasbourg hôm 18.12 trong khuôn khổ đối thoại liên viện. Tại cuộc gặp gỡ này một số Dân biểu Quốc hội Châu Âu biểu tỏ mối quan tâm về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam hồi đáp như một sự thiếu thông tin, nên ngỏ lời mời các vị Dân biểu Châu Âu viếng thăm Việt Nam hầu chứng kiến sự thật tại chỗ.
Thế nhưng, khi hai vị Đại biểu Quốc hội Pannella và Perduca đến Nam Vang trên đường nhập cảnh Việt Nam, thì Đại sứ quán Ý tại Hà Nội thông báo rằng chính phủ Việt Nam “không thể bảo đảm an ninh” nếu hai vị đến Việt Nam. Tiếp đấy, khi chuẩn bị ra phi trường đi Saigon thì hai vị nhận được thư của một hãng du lịch gửi qua hệ thống Fax nói rằng hai vị không được phép đến Việt Nam, một hãng du lịch mà hai vị chưa bao giờ liên hệ.
Tôi thật bàng hoàng và bất bình trước thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam - một mặt cất lời mời các nhân vật quốc tế đến thăm Việt Nam, mặt khác dùng đủ cớ ngăn chặn những ai muốn trực tiếp quan sát tình hình nhân quyền. Không thể nào chấp nhận sự kiện một chính quyền đang là thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, và đóng vai Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an từ tháng 7 năm 2008, lại có thể tuyên bố “không bảo đảm an ninh” cho hai vị Đại biểu Quốc hội trên lãnh thổ nước mình. Hơn nữa, hành xử của Việt Nam đối với các nhân vật quốc tế đủ cho thấy cung cách họ đang đối xử như thế nào với 85 triệu dân Việt hiện đang bị tước đoạt mọi nhân quyền cơ bản.
Vào tháng 7 năm 2007, trước khi tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng long trọng hứa hẹn trước Đại hội đồng LHQ rằng : “Việt Nam có đầy đủ ý thức về niềm vinh hạnh và trọng trách lớn lao khi trở thành thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, bộ phận chủ yếu được giao phó nhiệm vụ hàng đầu là gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới. Khi được bình bầu, Việt Nam xin tham gia toàn vẹn cho các mục tiêu và nguyên tắc chứa đựng trong Hiến chương LHQ và chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hợp tác với các thành viên khác nhằm đáp ứng nhiệm vụ quan trọng này”.
Thưa ông Tổng Thư ký,
Việt Nam phải thể hiện lời cam kết nghiêm trọng này, và duy trì trách vụ được giao phó trước cộng đồng thế giới. Tôi xin cất lời kêu gọi ông Tổng thư ký thúc đẩy Việt Nam thi hành mọi nhiệm vụ của một thành viên tại Hội đồng Bảo an LHQ trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh, không riêng trên thế giới mà ngay tại lãnh thổ Việt Nam.
Là quốc gia đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982, Việt Nam phải đảm bảo nhân quyền trên hai bình diện quốc nội cũng như quốc tế. Thế nhưng 27 năm qua, nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị một cách có hệ thống, mặc dù các Thủ tục đặc biệt của LHQ và Ủy ban Nhân quyền LHQ không ngừng khuyến thỉnh Việt Nam chấm dứt các vi phạm. Nhân kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, tôi xin ông Tổng thư ký hãy giúp nhân dân Việt Nam thực hiện mục tiêu cao quý nhất, là “đem đến cho mọi người tất cả nhân quyền”.
Nhân đầu năm dương lịch 2009, tôi xin gửi đến ông Tổng thư ký lời chân thành chúc ông sức khỏe và an vui. Nhân dân quanh thế giới, bất phân chủng tộc, tín ngưỡng, đang đặt hết niềm tin vào ông. Cầu chúc ông thành công trong mọi nỗ lực cao quý cho nhân loại.
Trân trọng
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
*****
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do :
Bài phỏng vấn của Phóng viên Ỷ Lan, Đài Á châu Tự do, về sự kiện nói trên đã được phát sóng về Việt Nam ngày 26.12.2008. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin chép lại nguyên văn như sau :
Thưa quý thính giả, hai Dân biểu của Quốc Hội Châu Âu được Việt Nam mời sang quan sát tình hình tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam, nhưng bất ngờ khi họ đến Thái Lan (1) , đột nhiên phía Việt Nam yêu cầu hai người đừng vào Việt Nam vì lý do an ninh bản thân của hai người. Thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã phỏng vấn Dân biểu Marco Pannella, một trong hai nhà Dân cử Châu Âu. Ông cho biết Việt Nam ngăn chặn có thể vì hai Dân biểu dự tính đi thăm Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ỷ Lan có dịp phỏng vấn vị Hoà thượng lãnh đạo Giáo hội bị nhà nước cấm sinh hoạt này, về cảm nghĩ của Ngài trước sự kịên vừa nói.
Ỷ Lan : Kính bạch Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, hôm qua Đại biểu Quốc Hội Châu Âu là ông Marco Panella và Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội Ý Marco Perduca trên đường đến thăm Quốc Hội Việt Nam ở Hà Nội, mong muốn ghé Sài Gòn viếng thăm Hoà Thượng tại Thanh Minh Thiền Viện, nhưng hai vị đã bị cấm vào Việt Nam. Kính xin Hoà Thượng cho biết cảm tưởng về vụ này ?
Hòa thượng Thích Quảng Độ : Cách đó mấy hôm tôi có được nghe bài phỏng vấn của cô Ỷ Lan trên Đài Á Châu Tự Do thì có biết sơ sơ về cái việc phái đoàn Hà Nội sang tiếp xúc với Quốc Hội Liên Âu để bàn về các vấn đề kinh tế, trong đó có vấn đề nhân quyền. Về vấn đề nhân quyền, phái đoàn Việt Nam có hứa với Quốc Hội Châu Âu rằng nhân quyền là những giá trị chung nhưng sự áp dụng nhân quyền tuỳ thuộc mức độ kinh tế của dân chúng. Đối với dân chúng nghèo họ không quan tâm sự tự do ngôn luận mà quan tâm về ăn uống, đói no.
Đấy là quan niệm của chính phủ Hà Nội về nhân quyền như thế đấy. Tóm lại là bây giờ nhân dân Việt Nam không ai quan tâm đến nhân quyền cả. Miếng ăn là quan trọng nhất. Nhưng rồi họ còn đi thêm một bước nữa là họ nói, và họ khoe ở Việt Nam có nguyên tắc buộc những người đi mô tô phải mang mũ bảo hộ, mà những quốc gia khác không có quốc gia nào có quy chế đó. Đấy là vĩ đại quá, quá vĩ đại !
Còn về dân chủ thì họ cho rằng quan niệm dân chủ ở Việt Nam là cộng đồng, cá nhân phải khế hợp với cộng đồng. Cái điểm này có lẽ họ chủ quan, tức là họ quan niệm dân chủ là tập trung. Tập trung ở đây tức là tập trung vào tay cái đảng Cộng sản. Chỉ dân chủ với đảng Cộng sản mà thôi. Quần chúng thì dưới quyền chỉ huy của đảng Cộng sản. Mà đảng Cộng sản bảo ngồi thì phải ngồi, được cho đi thì đi, chứ không có cưỡng lại được.
Đấy là cái quan niệm dân chủ của họ, của Xã hội Chủ nghĩa là như vậy, thì ai ai cũng đã biết rồi, biết từ lâu rồi, mấy chục năm nay rồi.
Thế nhưng tôi không ngờ phái đoàn Hà Nội đến các nước Châu Âu là nơi người ta tôn trọng tự do, nhân quyền, dân chủ mà lại nói như thế, thì không biết họ có ngượng không ? Nhất là khi mà Quốc Hội Châu Âu người ta ngỏ ý… rồi thì phái đoàn Hà Nội còn trách Quốc Hội Châu Âu là vì Quốc Hội Châu Âu không có thông tin, không được thông tin đầy đủ cho nên cứ lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền. Nhân tiện họ lại mời các dân biểu Quốc Hôi Châu Âu đến Việt Nam thăm để thấy tận mắt, chẳng hạn như thế, thì họ có hứa, cho nên Quốc Hội Châu Âu có quyết định sang. Rồi bây giờ họ sang để thực sự nhìn thấy tận mắt, chứng kiến cho biết tình hình dân chủ, nhân quyền ở đây như thế nào. Và vì Phái đoàn Hà Nội mời cho nên họ mới đi. Họ cử hai người đó đi cho biết. Nhưng đến Cao Miên thì họ bị chặn. Tòa Đại sứ thì visa cho vào, nhưng ra phi trường thì bị chặn.
Như vậy không biết cái cung cách làm việc của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa đối với quốc tế ra sao. Nhưng đối với quốc tế mà họ còn như thế thì tôi cũng buồn và xấu hổ nữa. Bởi chính họ mời người ta đến thì người ta mới đến. Nhưng mà mời đến rồi thì lại không cho người ta vào.
Mời họ đến thăm nhà mình, họ đến cửa ngỏ nhà mình lại không cho vào. Chưa đến cửa ngỏ đã chặn rồi thì cái lời hứa của họ như vậy còn có giá trị gì, cái lời mời còn có giá trị gì ?
Đấy, tôi xấu hổ ở chỗ đó. Mà tôi đã nghe vắn tắt trong cái bản tin gì đó mà tôi nghe hai ông bị chặn không cho vào, thì tôi vừa buồn lòng vừa xấu hổ. Xấu hổ cho cả dân tộc phải sống dưới một chế độ ăn nói bất nhất như thế.
Từ đó tôi nghĩ rằng chính họ đến thấy tận mắt như thế, họ chứng kiến thực sự như thế họ mới thông cảm cho 85 triệu dân Việt Nam đang sống như thế nào, trong hoàn cảnh nào. Dân chủ, nhân quyền không quan trọng, chỉ cần có miếng ăn thôi ! Ngoài miếng ăn không cần gì nữa. Gía trị con người chỉ có thế thôi ! Nhân phẩm chỉ có thế thôi ! Thành ra con người biến thành con heo, con trâu, con bò, không hơn không kém.
Còn cái mũ bảo hộ ở đây thì có là cái gì đâu mà họ đi khoe khắp thế giới. Họ còn nói không nước nào có cái quy chế đó. Thành ra họ cứ quanh quẩn trong cái xó nhà Việt Nam chứ không đi đâu à ? Nói mà không giữ lời hứa thì đối với dân họ như thế nào ? Đối với dân họ thì coi dân rất thấp, coi dân như cỏ rác vậy thôi. Cái đó là tôi buồn. Buồn mà xấu hổ nữa. Xấu hổ phải sống dưới chế độ khổ sở như thế.
Ỷ Lan : Nhân thể, kính xin Hoà Thượng hoan hỉ cho biết tình hình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong năm nay có gì phấn khởi hơn các năm trước không, bạch Hoà Thượng ?
HT. Thích Quảng Độ : Không có gì phấn khởi, trái lại còn có sự buồn thảm về sự viên tịch của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống, là một sự trống vắng, một khoảng trống rất lớn mà không có gì có thể bù đắp vào được. Nhưng vừa rồi thì biến cố đó là biến cố quan trọng nhất, trọng đại nhất đối với Giáo Hội.
Thế còn về mặt xã hội thì các Ban đại diện các nơi, từ trung ương đến địa phương cứ tiếp tục bị đàn áp. Vừa rồi đây, cách đây một tuần thì Viện đã ra thông tư yêu cầu các địa phương báo cáo về trung ương những Phật sự và công việc của Giáo Hội từng địa phương như thế nào, thành quả và bị đàn áp ra sao, khuyết điểm gì thì xin báo về trung ương để trung ương biết tình hình các nơi như thế nào. Có lẽ chỉ vài tuần nữa sẽ có những bản báo cáo như thế thì đầy đủ hơn.
Hôm nay tôi chỉ nói sơ là về tổng quát chưa có gì thay đổi. Vẫn thế thôi.
Tôi phải nói thật rằng là chừng nào mà chế độ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn như thế này thì xã hội không có hy vọng gì mà được sinh hoạt bình thường đâu. Họ cũng đàn áp như bao năm qua.
Họ dùng đủ cách, hết cách này đến cách khác để mà làm thế nào xoá sổ, xoá sạch cái danh nghĩa của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trên đất nước Việt Nam. Thì ngay bây giờ họ lại có đường lối mới nữa. Vừa rồi những nhóm này nhóm kia chẳng hạn, như đã biết… như đã biết đấy (2). Rất là buồn, đau buồn !
Nhưng chưa hết đâu, còn nhiều, mà gần tới đây cái biện pháp họ áp dụng còn trầm trọng hơn. Như những sự kiện xảy ra vừa rồi đấy, năm ngoái đây. Cho nên rằng là chúng tôi ở nhà đây nói chung là phải chờ đợi những cái tai hoạ đến với mình nhiều hơn là chờ đợi cái hanh thông đến với mình. Vì thế cho nên cứ sẵn sàng. Chuẩn bị tinh thần để đón nhận, để đương đầu. Thế thôi.
Cho nên trước khi tiễn đưa Đức Đệ Tứ Tăng Thống đến nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi nói rồi : Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường đi của Ngài, nhưng mà đã biết trước còn rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều chông gai, nhưng sẵn sàng vượt qua. Còn hơi thở thì vẫn cứ phải tiếp tục. Đó là cái chí nguyện của Giáo Hội.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ.
(1) Thực ra là Nam Vang, Cam Bốt. Người xướng ngôn bị lầm. (PTTPGQT chú)
(2) Ý Hòa thượng muốn nói tới các nhóm Phật giáo ly khai và tiếm danh GHPGVNTN ở hải ngoại trong năm qua. (PTTPGQT chú)
No comments:
Post a Comment