Wednesday, January 14, 2009

CỘNG SẢN LÝ LUẬN VỀ NHÂN QUYỀN

Cộng sản Việt Nam và lý luận về nhân quyền
Đỗ Thái Nhiên
Đăng ngày 13/01/2009 lúc 14:53:59 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3460
Tin tức từ Đài Á Châu Tự Do cho biết: Hai ngày 17 và 18 tháng 12 năm 2008, phái đoàn quốc hội CSVN đã đến tiếp xúc với quốc hội Âu Châu ở Brussels và Strasbourg. Đây là cuộc thương thảo lần thứ 7 nhằm tái tục ký kết hiệp ước Song Phương Liên Âu và Việt Nam. Những phát biểu của đại biểu quốc hội CSVN trong trường hợp này là những phát biểu chính thức và có chuẩn bị trước.

Ngày 20/12/2008, cô Ý Lan phóng viên đài Á Châu Tự Do thực hiện một cuộc phỏng vấn dành cho ông Marco Cappato, dân biểu quốc hội Âu Châu. Ông dân biểu Marco Cappato xác nhận : Trưởng phái đoàn quốc hội CSVN là ông Nguyễn Văn Sơn. Người phát biểu quan điểm về nhân quyền của CSVN là ông Nguyễn Viết Thịnh, dân biểu thành phố Hà Nội. Qua cuộc phỏng vấn vừa kể ông Nguyễn Viết Thịnh đã trình bày với quốc hội Âu Châu các quan điểm của CSVN về nhân quyền. Trong những trình bày kia có một quan điểm rất đáng quan tâm. Quan điểm rằng: “Đối với dân chúng nghèo, họ không quan tâm đến tự do ngôn luận mà quan tâm về ăn uống, đói no”.

Bây giờ, bài viết này xin trình bày những phân tích và lượng giá đối với quan điểm cho là: Người dân nghèo không cần tự do ngôn luận, chỉ cần ăn uống. Muốn có tự do ngôn luận, con người cần có đầy đủ những dữ kiện và năng lực cần thiết để có thể ngôn và có thể luận. Những dữ kiện và năng lực kia là quyền tự do hấp thụ giáo dục. Tự do tiếp nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tự do tư tưởng và diễn đạt tư tưởng. Tự do báo chí. Tự do tôn giáo. Tự do hội họp và lập hội. Tự do được sống trong môi trường lành mạnh của con người. Lành mạnh cả về thể chất lẩn tinh thần…Tự do ngôn luận cũng như bất kỳ loại tự do nào, không thể đứng tách rời với các quyền tự do khác. Tự do đơn lẻ là tự do rổng tuếch, vô nghĩa. Nói ngắn và gọn: Nhân quyền là một tập hợp nhiều quyền tự do bất khả phân ly. Từ đó, tự do ngôn luận chính là nhân quyền và nhân quyền chính là tự do ngôn luân. Như vậy, phải chăng: “Đối với dân chúng nghèo, họ không quan tâm đến NHÂN QUYỀN mà quan tâm về ăn uống đói no” ?

Vấn đề không là sự nhấn mạnh một cách dư thừa: Người dân nghèo khổ cần cơm ăn, nước uống. Vấn đề chính là sự xác định những nguyên nhân đã giam cầm người dân trong nghèo đói. Biết được nguyên nhân tức là biết được các phương pháp giải cứu người dân thoát khỏi vòng cùng khổ. Sau đây là những suy nghĩ căn bản về các nguyên nhân của nghèo đói:

1. Muốn có đời sống hạnh phúc và no ấm, trước tiên con người phải đươc hấp thụ một nền giáo dục tiến bộ. Giáo dục cung ứng cho người dân nghề nghiệp để mưu sinh, đạo đức để làm người lương hảo. CSVN chỉ dành cho công cuộc phát triển giáo dục học đường một số kinh phí tượng trưng. Hầu hết ngân quỹ quốc gia đều chạy vào túi riêng của đảng viên CS. Trường lớp khan hiếm, hư nát, học cụ nghèo nàn… Thầy giáo lương không đủ sống. Ban ngày đi dạy, ban đêm đi bán hàng rong. Mãi cho đến ngày nay sinh viên, học sinh vẫn bị cưởng bách học Marx, học Hồ, hai môn học hoàn toàn không liên hệ gì đến nhu cầu phát triển xã hội. Về mặt giáo dục xã hội, CSVN ru ngủ tinh thần chống đối độc tài của người dân bằng cách vừa thả nổi các loại tệ đoan xã hội, vừa ngăn cấm tự do báo chí, bưng bít mọi tin tức bất lợi cho đảng CS. Người dân không được thấy, không được nghe, không được nói. Chính sách giáo dục học đường cũng như giáo dục xã hội của chế độ Hà Nội hiển nhiên là chính sách ngu dân. Trên đia bàn giáo dục, CSVN đã triệt để chà đạp điều 26 của
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày10/12/1948. Điều này qui định quyền được hấp thụ giáo dục của con người.

2. Điều 23 khoản (1) Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) đòi hỏi mọi người phải được đối xử công bằng trong cơ hội làm việc, cơ hội chống thất nghiệp. Xã hội Việt Nam dưới chế độ CS có hai giai cấp rõ rệt: đảng viên thống trị; quần chúng bị trị. Đảng chỉ lo thu xếp cho đảng viên có việc làm nhiều bổng lộc, nhiều cơ hội để bóc lột người dân. Quần chúng bị đảng CS cố tình lãng quên. Họ phải ngược suôi đi tìm miếng cơm, manh áo, sống đắp đổi qua ngày.

3. Qui luật vận hành kinh tế thị trường tự do đòi hỏi: Giá cả sức lao động phải do sự thương lượng tự do giữa chủ và thợ. Nhằm giúp công nhân thấp cổ bé miệng đương đầu với mọi âm mưu bóc lột của giới chủ, điều 23 khoản (4) TNQTNQ đòi hỏi nhà cầm quyền các quốc gia phải tôn trọng quyền tự do thành lập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của người thợ. CSVN phục vụ giới chủ quốc doanh và chủ ngoại quốc bằng cách nghiêm cấm công nhân thành lập nghiệp đoàn, gia nhập nghiệp đoàn.

4. Điều 17 TNQTNQ xác định quyền tư hữu của con người phải đựoc triệt để tôn trọng thì người dân mới có thể an cư. An cư là điều kiện tiên quyết của lạc nghiệp. Ngày 09/01/2009, trả lời một câu hỏi về quyền tư hữu tại Việt Nam của ký giả Thiện Giao, đài Á Châu Tự Do, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên giảng sư luật học tai Đức quốc cho biết: “Người dân chỉ được quyền sử dụng đất thôi. Quyền sử dụng đất là một quyền có thời hạn và giới hạn. Đây chính là một vấn nạn. Theo tôi thì chính việc không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam”. Tham nhũng là cửa ngõ đẩy toàn dân vào đại họa nghèo đói.

Bốn suy nghĩ ở trên tuy được trình bày một cách khái quát nhưng đủ để nêu bật chân lý rằng: Chính tệ nạn chà đạp nhân quyền do CSVN chủ động là nguyên nhân cội rễ của nghèo đói chứ không phải “Đối với dân chúng nghèo, họ không quan tâm đến nhân quyền, mà quan tâm về ăn uống đói no”. Vì vậy, muốn giải quyết nạn nghèo đói tại Việt Nam quần chúng Việt Nam phải loại bỏ nhà cầm quyền chà đạp nhân quyền thay vì ngoan ngoản chấp nhận đời - sống - ăn - uống - đủ - để - không - chết.

Vả lại, muốn phân định được các vấn đề cần quan tâm hay không cần quan tâm, người dân phải có trình độ nhận thức nhất định. Đi tìm trình độ nhân thức trong một xã hội ngu dân do CSVN sản sinh ra chẳng khác nào mò kim đáy biển. Mới đây nhất, các ngày đầu năm, từ ngày 1 đến 5 tháng 01/ 2009, Lễ Hội Hoa Xuân của Hà Nội bất ngờ bị người Hà Nội biến thành Lễ Hội tự do trộm hoa, bẻ hoa, chôm hoa, chỉa hoa, phá huỷ hoa…Lễ Hội Hoa Xuân của thủ đô Hà Nội 2009 đã làm cho toàn thể người Việt Nam xấu hổ đến ngẩn ngơ. Xấu hổ bởi lẽ Lễ Hôi Hoa Xuân là cơ hội mở ra cho thế giới được hiểu: Thế nào là “Văn hóa của bầy ruồi”? Blogger Đông Ngàn xuất hiện trên TinNhanhBlog.com là tác giả của thuật ngữ “Văn hóa của bầy ruồi”. Ai là người chịu trách nhiệm về hiện tượng văn hóa của bầy ruồi? Câu hỏi này là sự gợi ý để người Việt Nam nghĩ đến quan niệm Xã ước của Jean Jacques Rousseau cuối thế kỷ 18 (1712-1778). Xã ước là ý tưởng rằng: Con người sống hợp quần thành xã hội có nghĩa là giữa con người và xã hội đã hình thành một khế ước gồm hai điều khoản:

Một là: con người tự nguyên hạn chế tự do cá nhân trên căn bản: tự do của một người có ranh giới là tự do của những người chung quanh.

Hai là: xã hôi - Do nhà cầm quyền đại diện - có nghĩa vụ cung ứng cho người dân những nhu cầu của đời sống hợp quần. Trong đó, có hai nhu cầu nền tảng. Nhu cầu thể chất là cơm no, áo ấm. Nhu cầu tinh thần là văn hóa giáo dục thăng hoa.

Từ xã ước của Jean Jacques Rousseau nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta nhận ra ngay rằng đảng CSVN do mãi mê ngụp lặn trong tham ô đã không thi hành điều hai của Xã Ước. Như vậy chế độ Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiêm về biến cố “Văn hóa của bầy ruồi”. Biến cố kia đã hiên ngang và ầm ỉ vẩy vùng ngay giữa thủ đô Hà Nội. Trước khi bị CSVN thống trị, Thăng Long Thành được tiếng là Quê Hương của ngàn năm văn hiến. Giữa muôn vàn điên đảo trong quốc bệnh “văn hóa của bầy ruồi” đảng CSVN không thể viện dẫn lý lẽ rằng người dân quan tâm điều này, không quan tâm điều kia để biện minh cho tội ác chà đạp nhân quyền của chế độ Hà Nội. Bác sĩ y khoa chửa bệnh cho bệnh nhân bằng kiến thức y khoa chuyên biệt chứ không bằng cách chạy theo các loai vi trùng và dược liệu mà bác sĩ cho là bệnh nhân quan tâm. Rõ ràng là không có bệnh nhân nào có đủ kiến thức y khoa để đưa ra những quan tâm khiến bác sĩ phải chạy theo. Sau rất nhiều thập niên bị CSVN giam trói trong hầm hố ngu dân, sau rất nhiều biến cố quay cuồng kiểu “ Văn hóa của bầy ruồi”, kiến thức của dân chúng Việt Nam, dưới chế độ CS, về quan hệ giữa kinh tế, chính trị và nhân quyền còn tệ hại hơn kiến thức y khoa của bệnh nhân trong câu chuyện vừa kể. CSVN đã thực sự gian dối , và làm nhục quốc thể khi mang nhóm chữ “Người dân quan tâm” đặt trên bàn thương nghị về Quốc Tế Nhân Quyền.

Xin đừng trốn tránh chủ đề Nhân Quyền bằng cách ẩn nấp đàng sau tấm bảng “Người dân quan tâm về ăn uống, đói no”. Xin hãy tức thời chấm dứt vở tuồng nói suông về nghèo đói. Hãy hành động chống nghèo đói. Hãy giải thoát người dân khỏi cảnh nghèo đói. Các hành đông giải thoát kia bao gồm:

1. Liên tục giải thích sâu và rộng cho toàn thể quần chúng Việt Nam đặng biết: CSVN chà đạp nhân quyền là nguyên nhân trọng tâm khiến đất nước nghèo đói triền miên. Nghèo đói cơm áo cũng như nghèo đói văn hóa giáo dục. Cao điểm của nghèo đói văn hóa giáo dục là “Văn hóa của bầy ruồi”.

2. Can đảm và quyết liệt vận dụng các đòn bẩy của lịch sử để tạo điều kiện buộc đảng CSVN phải đối mặt với thế lực của đại khối quần chúng nổi giận. Trong cuộc đối mặt này CSVN chỉ có thể chọn lựa một trong hai con đường: hoặc là triệt để tôn trọng nhân quyền, hoặc là lập tức chấp nhận luật đào thải khắc nghiệt của lịch sử.

ĐỗTháiNhiên
© Thông Luận 2009


No comments: