Thursday, January 15, 2009

CỞI NÚT THẮT TẠI BIỂN ĐÔNG

Cởi Nút Thắt Tại Biển Đông
Vũ Hải Đăng - ĐDCND
13/01/2009
http://ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&task=view&id=526&Itemid=9

Truyện Thánh Gióng: bài học giữ nước của Tổ tiên

Trong lịch sử, cha ông ta không một giây phút được chủ quan trước họa ngoại xâm, cho dù sống trong cảnh yên bình vẫn phải luôn luôn cảnh giác phòng bị giặc phương Bắc. Truyện kể rằng vào đời Vua Hùng thứ 6, nước ta bị giặc phương Bắc xâm lược. Thế giặc quá mạnh, quân ta phải tạm rút lui về giữ Vũ Ninh (nay là Bắc Ninh).
Vua Hùng lo sợ mới lên núi Nghĩa Lĩnh lập đàn tế trời đất. Bỗng từ trên trời có một Tiên Ông hiện ra và nói: "Ta là Lạc Long Quân, Tổ tiên của nhà ngươi đây. Ta đã sai người cảnh báo cách đây 3 năm rồi. Lần trước ta báo cho nhà Vua biết có giặc phương xa nhòm ngó. Dân thì quen sống thái bình, Vua thì mải vui chơi. Nếu mà không lo phòng bị, thì chỉ 3 năm nữa là mất nước. Nay đúng 3 năm, các ngươi không lo giữ gìn để đến nông nỗi này. Bây giờ muốn thoát nạn ấy, thì phải kêu gọi cả nước cùng đánh giặc". Nói rồi Ngài biến mất.
Vua Hùng hiểu ra, bèn lệnh cho tất cả các Hoàng tử, Lạc tướng cùng các Tù trưởng khắp nước đem quân ra thẳng trận tiền. Lại sai Sứ giả đi mời gọi người tài ra giúp nước...
Thuở ấy ở làng Gióng, hương Phù Đổng, vùng đất Tiên Du (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) có một cậu bé lên 3 tuổi mà chẳng biết nói cười, chẳng biết đi, ăn xong là nằm ngủ li bì trên chõng. Khi nghe tiếng Sứ giả của nhà Vua mời người tài ra giúp nước, cậu bé liền vươn vai trở thành người cao lớn, giục mẹ ra mời Sứ giả vào nhà để cậu xin đi giết giặc... Sau khi đánh tan hết quân giặc, cậu quay về núi Sóc Sơn rồi bay thẳng về trời. Vua Hùng biết cậu bé là Nhà Trời xuống giúp, phong là Phù Đổng Thiên Vương, sai lập miếu thờ tại quê nhà. Dân gian gọi Ngài là Thánh Gióng.
Truyện Thánh Gióng đã đi vào tâm thức người Việt, dù ở phương trời nào, họ vẫn luôn ghi nhớ và nhắc nhở con cháu về bài học giữ nước của Tổ tiên ta trước ngoại xâm phương Bắc.

Ngày xưa giặc phương Bắc đem binh mã sang cướp nước ta, ngày nay chúng thực hiện cuộc xâm lăng toàn diện trên mọi lĩnh vực: Tư tưởng, Văn hóa, Kinh tế, Chính trị và Quân sự, với thủ đoạn hết sức thâm độc.
Vì lý tưởng Cộng sản, mà đất nước của Tổ tiên Vua Hùng đã phải oằn mình dưới gót giầy của những người Khổng lồ xa lạ đến từ phương Tây, và nay lại phải căng mình để chống đỡ sức nặng của "đồng chí" từ phương Bắc. Quan hệ "đồng chí" với Cộng sản Trung Quốc được đánh bóng thành "16 chữ vàng"..!

Từ Trường Sơn đến Biển Đông

Hơn 400 năm trước, công cuộc mở mang xứ Đàng Trong được các Chúa Nguyễn bắt đầu thực hiện theo sách lược của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái; Vạn đại dung thân": lấy dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) làm bàn đạp, dựa vào thế hiểm trở của dãy Trường Sơn để từ đó tiến xuống phương Nam.
Nắm Trường Sơn là kiểm soát toàn bộ Đông Dương, giữ Biển Đông là khống chế toàn bộ Đông Nam Á và một phần Đông Bắc Á. Với tầm nhìn xa trông rộng, các Chúa Nguyễn, sau này là Triều Nguyễn, luôn coi vị trí chiến lược của Trường Sơn và Biển Đông là xương sống trong thế trận quốc phòng và phát triển kinh tế.
Nếu mất Trường Sơn hoặc mất Biển Đông, thì thế trận quốc phòng và phát triển kinh tế của đất nước sẽ bị bẻ gẫy, bị đánh dập từ xương sống. Vì có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng như vậy, nên quân đội Pháp, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã tốn nhiều công sức để ngăn chặn tuyến đường mòn Trường Sơn, và đóng giữ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Từ khi có những thăm dò, khảo sát tại khu vực biển Trường Sa phát hiện dầu khí với trữ lượng lớn, nơi đây trở thành vùng tranh chấp chủ quyền của nhiều nước, trong đó Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nước ta.
Năm 1974, lợi dụng quân Sài Gòn đang gặp khó khăn, Cộng sản Trung Quốc dùng hàng chục tàu chiến và phi đội máy bay tiêm kích tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Năm 1992, Trung Quốc tiếp tục chiếm thêm một số đảo tại Trường Sa. Từ đó đến nay, Trung Quốc cho xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay và tập trận trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, giết hại nhiều ngư dân người Việt (theo hoangsa.org).
Cũng theo một nghiên cứu khác của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông: Trung Quốc còn thể hiện quyết tâm đòi phần lớn diện tích trên Biển Đông, chiếm khoảng 75%, chỉ để lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam, mỗi nước được trung bình 5%.
Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò vùng Tư Chính - Vũng Mây với công ty Crestone. Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc tập đoàn dầu khí BP của Anh phải ngừng hợp tác với Việt Nam trong hai vùng dầu khí Mộc Tinh, Hải Thạch.
Năm 2008, Trung Quốc cho vẽ ranh giới chủ quyền trên Biển Đông (ranh giới hình lưỡi bò) vào bản đồ rước đuốc Olympic và Paralympic. Tháng 7 năm 2008, Trung Quốc gây áp lực buộc tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ không được hợp tác với Việt Nam trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam. Tháng 11 năm 2008, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố dự án có vốn lên tới 29 tỷ USD để khảo sát và khai thác trong vùng nước sâu ở Biển Đông. Mới đây nhất, ngày 10 tháng 12 vừa qua, Cục Hải dương Trung Quốc đã công bố chủ trương khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác và sử dụng các đảo không có người tại khu vực Hoàng Sa-Trường Sa, có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc...
Những sự kiện trên cho thấy Cộng sản Trung Quốc đang đẩy mạnh leo thang nhằm chiếm đoạt Biển Đông. Chiến lược của họ là lấn dần, khi cần thì dùng vũ lực cưỡng chiếm trong phạm vi nhỏ và gây áp lực ngoại giao.

Mất Biển Đông là mất nước. Tuy nhiên, Cộng sản Việt Nam từ nhóm lãnh đạo chóp bu đến các cấp bên dưới, từ tổ chức đảng đến bộ máy chính quyền, từ các hội và đoàn thể đến các cơ quan báo chí (trừ một số báo điện tử), từ doanh nghiệp đến đơn vị sự nghiệp, từ tướng lĩnh cao cấp đến các cựu chiến binh... tất cả đều giữ thái độ "im lặng" trước mối họa này?

Ý thức hệ Trung Hoa


Ý thức hệ Trung Hoa có thể tóm gọn lại trong hai chữ "Đại Hán". Chính tư tưởng "Đại Hán" đó đã sinh ra các vị Hoàng Đế Trung Hoa nổi tiếng tàn bạo và mang tham vọng bành trướng, xưng bá Thiên Hạ như: Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ, Minh Thái Tổ. Thời hiện đại có vị Hoàng Đế Đỏ Mao Trạch Đông, người được tôn sùng là có bốn cái "vĩ đại": Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại.

Nho học và các Triết thuyết Trung Hoa cổ đại có vai trò và tác dụng như "liều thuốc ngủ", làm mê đắm quần chúng nhân dân trong sự phùng tùng tuyệt đối quyền uy Thiên Tử (Hoàng Đế và Triều Đình), nó điều chỉnh các quan hệ gia đình và xã hội: tôn sùng quyền uy, phủ nhận tự do cá nhân, trọng Nam khinh Nữ, định hướng tâm tư tình cảm, áp đặt chuẩn mực đạo đức, khuôn khổ lễ giáo cứng nhắc, kìm hãm khả năng tư duy sáng tạo... Tất cả đều nhằm "ru ngủ" quần chúng nhân dân. Thứ sản phẩm Tư tưởng hủ lậu ấy lại được bọn ấu trĩ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc kế thừa và phát huy.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa: "Chúng ta đã đạt được những thành tựu không thể chối cãi, dừng lại hay rút lui đều không có lối thoát... Trung Quốc sẽ không chấp nhận Hệ thống Chính trị kiểu phương Tây". Lời phát biểu này cho thấy áp lực đòi Dân chủ hóa tại Trung Quốc đang dâng cao, và Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận nền Dân chủ đa nguyên đa đảng.

Ý thức hệ Trung Hoa tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác điểm chung, đó là tư tưởng đấu tranh cách mạng bằng bạo lực (bạo lực cách mạng) và chuyên chính của giai cấp thống trị (chuyên chính vô sản). Đây sẽ là cái cớ để các lãnh đạo Trung Quốc không chấp nhận cải cách Hệ thống Chính trị theo mô hình phương Tây.
Chủ nghĩa Cộng sản chỉ là phương tiện, chứ không phải mục đích để thực hiện CNXH đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa Bành trướng, Bá quyền Đại Hán mới là bản chất tư tưởng và mục đích thực sự của họ.

Quyền uy Thiên Tử tạo ra một "quỹ đạo" các quốc gia chư hầu. Trung Quốc, Dân tộc Trung Hoa là "trung tâm" của thế giới, họ không đứng đầu Khối Cộng sản, không liên minh với quốc gia nào, mà ngược lại, các quốc gia chư hầu phải thần phục họ. Quốc Kỳ Trung Quốc thể hiện rõ bản chất "một trung tâm" với ngôi sao lớn ở giữa và "quỹ đạo" các ngôi sao nhỏ tượng trưng cho các quốc gia, dân tộc chịu sự lệ thuộc.
Đế chế Cộng sản Trung Hoa thống trị Việt Nam từ Kiến trúc thượng tầng (trói buộc Ý thức hệ xã hội vào lý tưởng Cộng sản) đến Hạ tầng cơ sở (cướp đoạt non sông gấm vóc, đất đai biển cả), đó là khi chúng ta mất nước, mất giống nòi, bị Hán hóa hoàn toàn.

Khi Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường, thì Việt Nam ngày càng tụt lại sau đuôi của nước láng giềng có chung lý tưởng Cộng sản, nhưng không thể thoát khỏi cái đuôi ô nhục đó.

Cuộc chơi của những nước lớn

Đầu thập niên 70, quan hệ Liên Xô và Trung Quốc trở nên căng thẳng, có nguy cơ thành xung đột. Mâu thuẫn nội bộ khiến phe XHCN suy yếu, phân liệt, dẫn đến sự tan rã. Lúc này Việt Nam nghiêng hẳn về Liên Xô, nước đã viện trợ chủ yếu cho quân Bắc Việt để đánh Mỹ. Ông Lê Duẩn chủ trương thân Liên Xô, cùng liên minh chống ảnh hưởng của chủ nghĩa Bành trướng, Bá quyền nước lớn Trung Quốc.

Việt Nam ký hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô, hình thành thế bao vây chiến lược nhằm vào Trung Quốc, mở rộng phạm vi ảnh hưởng thế lực của Liên Xô. Trung Quốc liền trở mặt đối đầu với Việt Nam. Đây là chiếc chìa khóa để trả lời câu hỏi: Tại sao Trung Quốc phát động cuộc phản kích "dạy cho Việt Nam bài học", gây ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, sau khi chế độ Pôn Pốt tay sai của Bắc Kinh bị lật đổ.

Thời điểm trước chiến tranh, Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm Mỹ và Nhật, với mục đích bắt tay Mỹ để chống Liên Xô, tại đây ông nói: "cần thiết phải tiến hành chế tài đối với Việt Nam... Điều ước Việt Nam ký với Liên Xô có tính chất đồng minh quân sự, Việt Nam đã phát động cuộc xâm lược vũ trang trên quy mô lớn đối với Campuchia và khiêu khích ở khu vực biên giới Việt - Trung". Đúng 10 ngày sau chuyến đi "trinh sát" gió lốc của Đặng Tiểu Bình, quân đội Trung Quốc đã mở cuộc phản kích "dạy cho Việt Nam bài học".

Sau 30 năm, nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Khơ Me Đỏ do Bắc Kinh hậu thuẫn và chiến tranh biên giới phía Bắc chống Cộng sản Trung Quốc, chúng ta càng hiểu rõ hơn bản chất của Chủ nghĩa Đại Hán: Khi Việt Nam đi chệch khỏi quỹ đạo Trung Quốc, ngả sang thân Liên Xô hoặc thân phương Tây, thì sẽ khiến Thiên Triều nổi giận, ngay lập tức bị chỉnh đốn "dạy cho bài học".
Đầu thập niên 90, hệ thống XHCN tại Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Việt Nam rơi vào thế bị cô lập, mất phương hướng. Lúc này, cuộc "đi đêm" giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu. Quan hệ Việt - Trung nhanh chóng được bình thường hóa, các tài liệu công kích Trung Quốc được thay đổi, từ đây người ta dùng "16 chữ vàng" và "4 tốt" để nói về quan hệ "tốt đẹp" giữa hai nước.

Thời điểm lịch sử

Một nhà báo đã viết: "... Thật không dễ dàng gì khi biết một kẻ đang rình rập bên ta mà vẫn phải nghe họ xưng là "láng giềng tốt"; một kẻ đem tàu chiến sang giết người giữ đảo của ta vẫn xưng là "đồng chí tốt"; một kẻ dùng áp lực để đuổi đối tác tìm dầu của ta mà vẫn nhận là "bạn bè tốt"; một kẻ ngang nhiên hút dầu ngoài biển của ta mà vẫn phải gọi là "đối tác tốt"... Thật may mắn là Việt Nam đã không rơi vào tình thế "đơn phương" với một gã khổng lồ vừa đánh trộm vừa xưng là "anh em, đồng chí...".

Không có khối liên minh, tình đồng chí nào là mãi mãi, chỉ có lợi ích là không bao giờ mất đi, đây là chân lý. Họa ngoại xâm phương Bắc chưa bao giờ hết, ngày càng trở nên tinh vi, xảo quyệt hơn.

Bài học từ Tổ tiên vẫn còn đó, chúng ta không thể mãi theo đuôi Trung Quốc, mà phải tạo dựng bản sắc riêng của mình, lựa chọn con đường đi cho mình; trở về giá trị dân tộc để giữ nước.

Năm 2008 là thời điểm then chốt của tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam. Bên ngoài Cộng sản Trung Quốc o ép, ức hiếp, bên trong xã hội rối ren, nội bộ Đảng cầm quyền rệu rạo, mục ruỗng và suy yếu. Cuộc khủng hoẳng và suy thoái kinh tế thế giới bước vào cao trào, dự báo năm 2009 sẽ còn tồi tệ hơn.

Nút thắt tại Biển Đông chính là đây, muốn cởi nút thắt đó, chỉ có con đường Dân chủ hóa; bằng sự khôn ngoan và sáng suốt, cùng chung sức chung lòng. Nếu bỏ lỡ thời cơ là mất hết.

Chúng ta đang sống trong thời điểm lịch sử !

Việt Nam, ngày 15 - 1 - 2009

No comments: