Tuesday, January 20, 2009

CHUYỆN GỬI TIỀN VỀ VIỆT NAM

Chuyện gởi tiền về Việt Nam
Lữ Giang
Đăng ngày 19/01/2009 lúc 19:26:36 EST
Ngày 16.1.2009 đài BBC và đài RFA đã đưa hai bản tin gây khá nhiều hoang mang trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Bản tin của đài BBC đưa ra một sự phỏng đoán:
"VN có thể thu 10% VAT tiền ngoại hối". Bản tin của đài RFA cũng đưa ra nghi vấn tương tự: "Gởi Tiền Về Việt Nam Bị Đánh Thuế 10%?". Nhiều báo, websites, đài phát thanh và đài truyền hình Việt ngữ đã phổ biến hai bản tin này.

Hai bản tin nói trên đã dựa vào bản thông báo của Ngân Hàng Đông Á. Hôm 15.1.2008, đại diện của ngân hàng này đến Hải Quan nhận số tiền được gởi vào trong nước, thì Hải Quan nói rằng Ngân Hàng Đông Á phải đóng 10% thuế. Phía Đông Á không chịu. Phía Hải Quan yêu cầu ký tờ nợ, phía Đông Á không chịu. Sau đó thì các công ty chuyển tiền ở nước ngoài nhận được thư của Đông Á, nói rằng tiền gởi về trong nước có thể bị đóng 10% thuế.

Tuy nhiên, sau đó, theo
bản tin của BBC hôm 19.1.2009, Bộ Tài Chánh VN đã gửi công văn hoả tốc nói không có việc đánh thuế 10% đối với kiều hối gửi về nước và giải thích rằng đã có sự "nhầm lẫn."

LÝ DO ĐÁNH THUẾ

Được hỏi Hải Quan đã dựa vào đâu để đánh Thuế Giá Trị Gia Tăng 10% trên số tiền biếu tặng do Việt kiều gởi về, Hải Quan cho biết đã dựa trên Thông Tư số 131/2008/TT-BTC của Bộ Tài Chánh, mang tên "Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng". Thật ra, đây là Thông Tư của Bộ Tài Chánh ban hành ngày 26.12.2008 có tên là "Thông tư số 131/2008/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi do Bộ Tài Chính ban hành" .

Hiện nay chúng tôi chưa tìm được toàn văn của Thông Tư số 131/2008/TT-BTC mà chỉ đọc được phần tóm lược được đăng trên báo Hà Nội Mới online ngày 19.12.2008, dưới đầu đề "Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng", nhưng không nói gì đến việc đánh thuế trên số tiền biếu tặng do Việt kiều gởi về nước.

GIẢI THÍCH SỰ "NHẦM LẨN"

Trên Báo VNExpress ngày 19.1.2009, dưới đầu đề "Ngoại tệ nhập khẩu bị đánh thuế oan", hai ký giả Tần Vy - Hồng Anh đã giải thích về sự "nhầm lẫn" như sau:

Để nhập 10 triệu USD, Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) chi nhánh TP HCM tá hoả vì hải quan TP HCM yêu cầu phải cam kết nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) khoảng 17 tỉ đồng.

Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cũng cho biết, nhà băng này đã ký một hợp đồng nhập khẩu 20 triệu USD và đang chuẩn bị làm thủ tục. Tuy nhiên, do gặp yêu cầu này của hải quan nên đã cho ngưng việc nhập khẩu lại, chấp nhận chịu mất phí.

Đại diện một ngân hàng thương mại khác tại TP HCM cũng tỏ ra dè dặt: "Cần phải chờ đến khi có thông tin một cách rõ ràng về vụ đánh thuế VAT ngoại tệ nhập khẩu mới mua hàng trở lại".

Trước quy định thu thuế VAT đối với ngoại tệ tiền mặt được nhập khẩu của Hải quan TP HCM, các ngân hàng đã có văn bản kiến nghị với cơ quan tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét cụ thể.

Trao đổi với VnExpress sáng nay, Phó Cục trưởng Hải quan TP HCM Lê Kiên Trung cho biết, hải quan yêu cầu đóng thuế VAT nhập khẩu ngoại tệ là do nhầm lẫn với mã hàng nhập khẩu giấy in tiền.

Cũng theo ông Trung, Hải quan thành phố đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan xin ý kiến chỉ đạo của ngành về vụ việc này. "Sau khi có văn bản hồi đáp của Tổng cục, chúng tôi sẽ nhanh chóng giải quyết trường hợp bị đánh nhầm thuế của Vietcombank. Còn hiện tại, việc nhập ngoại tệ của các ngân hàng vẫn được tiến hành bình thường theo quy định từ trước", ông Trung nói.

Thời điểm cuối năm 2008 việc nhập ngoại tệ để phục vụ nhu cầu thanh toán, chi trả kiều hối của một số nhà băng tăng cao. Tuy nhiên, do lần đầu tiên có ngân hàng bất ngờ bị áp thuế giá trị gia tăng đến 10% trên số ngoại tệ nhập khẩu, khiến các nhà băng khác đã lập tức dừng ngay thủ tục lại để chờ diễn biến tiếp theo.

Ngày 26/12/2008, Thông tư 131 do Bộ Tài chính ban hành có quy định hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, mã hàng 4907 sẽ chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Đó là hàng hoá như: các loại tem thư, tem thuế, tem tương tự hiện hành hay mới phát hành, chưa sử dụng tại nước mà chúng có, hoặc sẽ có giá trị bề mặt được công nhận; giấy có dấu tem sẵn; các loại giấy bạc (tiền giấy); mẫu séc, chứng khoán, cổ phiếu, chứng chỉ trái phiếu và hàng tương tự.

Trong khi đó, theo các nhà băng, ngoại tệ mà các ngân hàng nhập về Việt Nam là tiền tệ chứ không phải hàng hoá. Vì thế không thể tính thuế giá trị gia tăng đối với ngoại tệ.

Trước bức xúc của ngân hàng, ngày 17/1, Bộ Tài chính đã có công văn hoả tốc gửi các đơn vị hải quan giải thích cụ thể các quy định trong Luật Thuế VAT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Trong đó khẳng định: Không có trường hợp nào bị đánh thuế 10% VAT, việc một số ngân hàng bị thu thêm khoản thuế này chỉ là sự nhầm lẫn về từ ngữ trong văn bản hướng dẫn. Cơ quan hải quan đã nhầm lẫn việc đánh thuế 10% đối với giấy in tiền thành ngoại tệ tiền mặt (cũng là giấy).

Chúng tôi tin rằng trước khi quyết định đánh Thuế Giá Trị Gia Tăng 10% trên số tiền biếu tặng do ngoại kiều gởi về, Hải Quan đã họp bàn rất kỹ vì đây là một vấn đề khá quan trọng. Có thể Hải Quan đã xin cấp trên xác nhận rồi mới dám đánh như vậy. Do đó, chúng tôi không tin có sự lầm lẫn.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Đây là một sự nhầm lẫn hay một hình thức thăm dò dư luận? Phải chăng đây là một sự cố tình đánh thuế, nhưng khi thấy có phản ứng bất lợi, nhà cầm quyền đã thối lui và giải thích rằng đó là một sự "nhầm lẫn"?

Nhân tiện đây, chúng tôi cũng xin giải thích qua Thuế Giá Trị Gia Tăng là thuế gì và có thể đánh thuế này trên số tiền biếu tặng do Việt kiều gởi về không?

THUẾ GTGT LÀ THUẾ GÌ?

Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) tiếng Pháp gọi là "Taxe sur la Valeur Ajoutée" viết tắt là TVA, còn tiếng Anh gọi là "Value Added Tax" viết tắt là VAT. Dưới thời VNCH, thuế này được gọi là Thuế Trị Giá Gia Tăng, nay nhà cầm quyền Việt Nam đổi lại thành Thuế Giá Trị Gia Tăng.

Thuế GTGT là một loại thuế thương vụ được coi là tân tiến nhất, vì người thọ thuế không bị đánh thuế hai hay ba lần như thuế Sale Tax của Mỹ. Thuế Giá Trị Gia Tăng được áp dụng đầu tiên tại Pháp từ năm 1954 do sáng kiến của Thanh Tra Tài Chánh Pháp Maurice Lauré để thay thế các sắc thuế tiêu thụ (impôts sur la consommation). Sau đó thuế này được dần dần áp dụng cho các nước trong Liên Hiệp Pháp và ngày nay tại Âu Châu.

Chúng tôi xin đưa một thí dụ rất giản dị để giúp độc giả hiểu thế nào là thuế GTGT và có thể đánh thuế GTGT trên số tiền Việt kiều gởi về cho gia đình không:

Một hảng sản xuất giường nệm bán ra cho người bán lẻ mỗi cái là 1.500 USD. Người bán lẻ sẽ chịu thuế (chẳng hạn 10%) trên giá hàng mua và nộp thuế 150 USD. Người bán lẽ bán lại cho khách hàng mỗi cái 2.000 USD. Theo nguyên tắc người mua giường phải trả thuế 200 USD, nhưng vì người bán lẻ đả trả 150 USD rồi, nên người mua hàng chỉ phải trả thêm 50 USD mà thôi. Khoảng cách giữa giá hàng bán sĩ và giá hàng bán lẻ là 500 USD. Số tiền 500 USD này được gọi là "Giá trị gia tăng", "Valeur Ajoutée" hay "Value added" và thuế đã đánh trên giá trị gia tăng này.
Năm 1974, chính phủ VNCH đã thử đem áp dụng loại Thuế GTGT tại miên Nam để thay thế thuế gián thâu, nhưng không thành công, vì chưa tổ chức được các cơ cấu căn bản. Năm 1997, nhà cầm quyền CSVN cho đem áp dụng tại Việt Nam.

Ngày 10.5.1997 Quốc Hội CSVN ban hành Luật số 2/1997/QH9 quy định Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT). Điều 1 của luật này định nghĩa Thuế GTGT như sau: "Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng."

Ngày 3.6.2008, Quốc Hội lại ban hành Luật số 13/2008/QH12 hủy bỏ các luật về Thuế GTGT cũ và ấn định Thuế GTGT mới. Nhưng điều 2 của luật mới này cũng định nghĩa Thuế GTGT như luật cũ năm 1997.

Nói tóm lại, theo luật cũ hay luật mới của Việt Nam, Thuế GTGT ở Việt Nam từ 1997 đến nay được đánh "trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng" .

SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG

Khi cho áp dụng Thuế GTGT trên các số tiền biếu tặng do các Việt kiều gởi về, nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm hai sai lầm nghiêm trọng:

1.- Sai lầm về việc áp dụng luật pháp

Điều chắc chắn số tiền Việt kiều gởi về tặng cho thân nhân hay các tổ chức bất vụ lợi không phải là "giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng" như luật đã định nghĩa, nên không thể đánh Thuế GTGT được.

Như chúng tôi đã nói ở trên, Thuế TGGT đã được áp dụng tại Pháp từ năm 1954, sau đó lan ra các nước trong Liên Hiệp Pháp rồi đến các nước Âu Châu. Từ đó đến nay, không nước nào áp dụng Thuế GTGT trên số tiền biều tặng này.

Báo Thanh Niên online ở trong nước viết: "Trên thế giới, chưa bao giờ và chưa có bất kỳ quốc gia nào đánh thuế giá trị gia tăng 10% trên mệnh giá ngoại tệ tiền mặt nhập khẩu".
"Ý tưởng đánh thuế 10% trên mệnh giá ngoại tệ tiền mặt nhập khẩu thực sự là một ý tưởng kỳ quặc nhất mà các ngân hàng thương mại Việt Nam được thấy từ khi họ chính thức được phép kinh doanh ngoại tệ."

Luật Thuế GTGT được áp dụng tại Việt Nam từ 1997 và nhà cầm quyền đã không áp dụng thuế này trên các số tiền biếu tặng do Việt kiều gởi về, tại sao kể từ 1.1.2009 nhà cầm quyền lại cho áp dụng, mặc dầu định nghĩa của luật không thay đổi?

Nhà cầm quyền có thể đánh thuế trên các dịch vụ chuyển tiền. Nếu thế thì nhà cầm quyền chỉ có thể thâu Thuế GTGT trên các số tiền mà các cơ quan cung cấp dịch vụ đã được hưởng chứ không thể đánh trên tổng số tiền Việt kiều đã biếu tặng được.

2.- Sai lầm về chính sách

Trong những năm qua, nhà cầm quyền đã cho hợp thức hoá việc chuyển số ngoại tệ của Việt kiều từ hải ngoại gởi về là để số ngoại tệ này không bị thất thoát.

Mặc dầu dịch vụ chuyển tiền chính thức đã hoạt động, nhưng các dịch vụ chuyển tiền chui vẫn còn tồn tại vì các lý do sau đây: (1) Không muốn cho chính quyền biết người gởi cũng như người nhận số tiền đã gởi. (2) Khi cần chuyển một số tiền lớn. Luật Hoa Kỳ bắt buộc mỗi khi chuyển ra ngoại quốc một số tiền từ 3.000 USD trở lên đều phải trình báo, nên nhiều Việt kiều đã phải chia số tiền gởi ra nhiều lần để gởi, hoặc gởi chui.

Dịch vụ gởi tiền chui cũng an toàn không kém gì dịch vụ chuyển tiền chính thức. Với những tổ chức gởi tiền và nhận tiền có uy tín, những người làm dịch vụ chuyển tiền chui sẵn sàng đưa tiền trước ở Việt Nam và sau khi có biên nhận, mới nhận tiền của người gởi tiền ở hải ngoại.

Với những đường dây chuyển tiền chui có hệ thống và có uy tín như vậy, khi chính quyền đánh thuế 10% trên số tiền chuyển về, đa số Việt kiều sẽ gởi tiền qua hệ thống chui để khỏi phải đóng thuế, lúc đó chính quyền sẽ bị mất một số ngoại tệ đáng kể. Nếu so sánh sự mất mát này với số thuế thu được, phần thiệt hại chắc chắn sẽ về phía chính quyền.

Theo tin BBC, Ngân Hàng Nhà Nước VN dự báo lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về nước năm nay có thể lên tới 8 tỉ đôla, tăng 2,5 tỉ tương đương 45% so với 2007. Việt Nam dựa nhiều vào lượng kiều hối để thăng bằng cán cân thương mại. Tiền người Việt nước ngoài gửi về và giải ngân tiền đầu tư trực tiếp là hai nguồn chính để bổ sung cho dự trữ ngoại hối trong nước.
Lữ Giang

Thông tin liên quan:
Việt Nam rút lại quyết định đánh thuế 10% trên số tiền của người Việt gửi về cho thân nhân . Thông Luận: “”Một vòng thời sự”, ngày 19/01/2009.

No comments: