Chọn lựa nào cho Liên Hiệp Quốc?
Michael Soussan – Phương Duy phỏng dịch
06-01-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5883
Michael Soussan chỉ thẳng vào lỗi lầm chết người ở trong cái tổ chức có mục tiêu đầy thiện ý này.
Tôi thức giấc trong nỗi lo toát mồ hôi lạnh.Thường, tội nghĩ chỉ ở trong thế giới phim ảnh Hollywood, người ta mới hay phóng đại ra những màn kinh hoàng sau cơn ác mộng như thế. Đó đã là ý nghĩ của tôi trước khi tôi bắt đầu làm việc cho cái chiến dịch được xem là nhân đạo to lớn nhất, nhưng lại rời rạc nhất,và trên hết, tham nhũng nhất trong lịch sử của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ngồi thẳng lưng trên giường, bàn tay tôi sờ soạng quanh mình trong bóng tối, cố nhận ra nơi tôi đang ở. Cái gối tôi kê đầu có vẻ ẩm ướt. Đồng hồ chỉ đã hơn năm giờ sáng. Đó là ngày 28 tháng Tư năm 2004.
Trong cơn ác mộng, tôi thấy mình đang đi tới một bục thuyết trình nằm ở trong một căn phòng lớn, lát toàn bằng gỗ, trong đó đã có mặt đầy những nhân vật với những mái tóc muối tiêu, họ mặc những bộ đồ lớn màu xám và đang ngồi trịnh trọng trên những dãy ghế xếp hình bán nguyệt trông giống như một phiên toà của các vị trưởng lão. Chỉ mấy bước đi tới mà sao dài tưởng như vô tận. Trong khi tôi thọc tay vào túi để tìm bài thuyết trình và cặp mắt kiếng, những nhân vật dáng vẻ thông thái trên nhìn tôi với đôi mắt đầy vẻ nghi hoặc.. Cho tới lúc này, giấc mơ không phải hoàn toàn vô căn cứ.Trong thực tế, tôi đã được chỉ định để điều trần trước Uỷ Ban Liên Hệ Quốc Tế của Quốc hội Hoa Kỳ vào buổi sáng hôm đó. Tôi được yêu cầu nói về sự bê bối trong chương trình “đổi dầu lấy thực phẩm” (Food-for-oil program) của LHQ.
Điều làm cho giấc mơ này biến thành cơn ác mộng không phải là cái viễn tượng phải thuyết trình trước đám thính giả là những nhà làm luật thích “sì căng đan hoá” vấn đề. Tôi không bị lôi ra trước mặt họ để bị phán xét. Tôi được mời tới bởi vì chính tôi là người đã thổi lên những hồi còi báo động về một số mánh khoé của trò bê bối gian lận ấy. Điều làm tôi toát mồ hôi vì sẽ phải nói đến một số điều hữu dụng cho một chủ đề mà nó đã làm nhiều thế hệ của các nhà ngoại giao và các Hàn Lâm Viện danh tiếng kể từ năm 1945 khi có sự thành lập LHQ phải bối rối hổ thẹn.
Ở trong giấc mộng, sau khi bước lên bục và mở bài diễn văn ra trước mắt, tôi khám phá ra rằng, tựu trung nó chỉ có một mục tiêu: đó là sự cải tổ LHQ. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng những từ ngữ này sẽ chỉ khiến cho hầu hết thính giả ngáp dài vì chán ngán. Tôi ngước mắt lên và bắt đầu nói. Tuy vậy, dường như âm thanh không phát ra. Trong khi tôi kiểm soát lại cái micro thì có một phụ nữ đứng dậy la to: “Không phải tại cái micro. Chính là do cái miệng của ông đó”. Tôi cứ tưởng mình đang có những lời lẽ thật hùng biện cho một sự cải tổ LHQ. Hoá ra mọi sự chỉ là một con số không to tướng.
Tới đây là lúc tôi tỉnh giấc (với cảm giác toát mồ hôi lạnh ở trên.)
Được thành lập năm 1995 và điều hành tới năm 2003, chương trình “đổi dầu lấy thực phẩm” được đề ra để cho phép Saddam Hussein bán dầu thô trong điều kiện LHQ sẽ (giữ quyền) kiểm tra mọi diễn tiến mua bán và bảo đảm tiền được dùng chỉ để chi phí cho những nhu cầu nhân đạo cấp thiết cho nhân dân Iraq. Là một người điều hợp viên của chương trình, tôi có nhiệm vụ theo đuổi thu thập các thông tin từ chín (9) cơ quan chi nhánh khác của LHQ có bổn phận cùng cộng tác để thảo ra các phúc trình hàng quý (quarterly) cho ông tổng thư ký để trình gửi lên Hội Đồng An Ninh. Đáng tiếc là, chúng tôi đã hầu như hoàn toàn ái ngại trong việc báo cáo bất cứ chuyện gian lận nào của chế độ Iraq, ngay cả khi những chuyện ấy phô bày ra ngay trước mắt. Một trong những lý do là vì chúng tôi lo sợ rằng chương trình này, con đường sống duy nhất của người dân Iraq vào lúc đó, sẽ bị ngưng lại. Lý do khác, tôi tin là các nhân viên địa phương của chúng tôi có cơ sở tại Iraq bị chế độ Saddam hù doạ.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng lại thành một tai hoạ. Mặc dù có sự can thiệp của LHQ, rất nhiều tỷ đô la đã biến mất khi tiền bán dầu được chuyển tải một cách gian lận. Dầu thô được bán rẻ cho các chính trị gia ngoại quốc, các thương gia và các khuôn mặt có tầm ảnh hưởng, và bọn người này đem bán lại để hưởng lợi tức thì. Còn các công ty bán hàng hoá dịch vụ cho Iraq nằm ở trong chương trình thì được chỉ đạo của Bagdad để vẽ vời thêm chi phí vào các khế ước, đồng thời lót đường bằng những “lại quả” cho Saddam và đồng bọn của ông ta.
Chúng tôi không chắc chắn chính xác số tiền bị thất thoát là bao nhiêu, chỉ có thể đánh giá từ ít nhất 1,3 tỷ đến 20 tỷ đô la Mỹ. Cả thảy, có chừng 2300 các công ty quốc tế tham gia vào trò gian lận này, cũng như có hàng trăm nhà chính trị, ngoại giao cao cấp cùng những tay đại gia từ Australia đến Moscow đã hưởng lợi từ trò đánh lận con đen đó. Người dân Iraq đã bị lường gạt những món tiền khổng lồ mà chúng tôi đã từng bảo đảm là chúng chỉ được dùng cho việc an sinh của họ.
“Oops… !” Đó là câu nói trên môi của mọi người.
Ít ra, đêm hôm đó tôi đã không quá giấc. Và ít ra giấc mơ đã mang lại một điểm quan trọng : Không phải cái điểm chính yếu từ tiếng còi báo động của tôi đưa ra là để thúc đẩy thêm sự minh bạch và ý thức trách nhiệm trong hệ thống LHQ sao? Ngắn gọn hơn, không phải việc cải tổ LHQ là mục tiêu của tôi sao?
Đó là điều tôi đã luôn luôn tự nhủ. Chỉ cho tới khi chuẩn bị ra điều trần và khi khảo sát về lịch sử của LHQ trong những cố gắng để đổi mới nó, tôi đã thấy thoáng hiện ra phiền toái : LHQ chưa bao giờ được tạo nên như là nơi một nơi chốn đầu tiên để (người ta) có thể chạy đến nhờ cậy. Theo định nghĩa, Hội Đồng Bảo An, cái bộ phận là một chi nhánh cầm quyền điều hành riêng của LHQ, quả thực gồm một nhóm các quốc gia tự đề cử mình lại là cái bô phận quyết định công việc mà cả tổ chức (LHQ) phải làm qua các đại diện LHQ và các chương trình của nó. Nếu LHQ vi phạm luật lệ của chính mình (như trong trường hợp chương trình đổi dầu lấy thực phẩm), sự trừng phạt duy nhất mà các thành viên phải gánh nhận là từ chính tập thể của nó. Chẳng có bất cứ một trò gian lận, ăn cắp nào trong suốt bảy năm điều hành chương trình xảy ra mà không có sự âm mưu đồng loã. Trong rất nhiều vụ việc còn có sự tham gia hăng say của những quốc gia đang ngồi ghế Hội Đồng Bảo An.
Chuyện bê bối của chương trình “đổi dầu lấy thực phẩm” chỉ bị đưa ra ánh sáng vào ngày 25 tháng Giêng năm 2004, khi một nhật báo Iraq có tên Al Mada (Bình Minh) đã khuấy động thế giới qua việc đăng tải trên báo một danh sách bí mật mà Saddam Hussein dùng để theo dấu những kẻ đã hối lộ hắn. Tài liệu này là một trong số nhiều thứ đã được tìm thấy sau cuộc đánh chiếm của Mỹ năm 2003. Trong phạm vi LHQ, chúng tôi đã biết tới cái trò gian lận này qua những tin đồn thổi liên tục và rồi sau đó được xác định bằng các công văn giấy tờ riêng Thí dụ, một số nhà thầu dám liều lĩnh đến mức bao gồm một khoản 10 % tiền phụ trội trong mẫu giao dịch trao đổi cho việc xuất cảng hàng hoá của họ vào Iraq. Người khác, như công ty làm xe tải Scania của Thuỵ Điển bị lầm lộn rối rắm về cái màn đòi hỏi rất trắng trợn ‘tiền lại quả’ của người Iraq, có thể đã yêu cầu LHQ kiểm soát lại xem nó hợp pháp hay không. Dĩ nhiên điều này bất hợp pháp, tuy nhiên nó phổ cập đến nỗi các công viên chức ít ai dám làm gì, đặc biệt khi các công chức cao cấp nhất của LHQ ngoảnh mặt làm ngơ giả vờ như không thấy. Nơi nào đó dọc theo lộ trình, cái nhiệm vụ theo dõi quan sát của chúng tôi biến thành nhiệm vụ ngó lơ (oversight mission turned into overlook).
Vào những ngày tháng đầu tiên khi vừa mới gia nhập vào LHQ ở tuổi 24, tôi đã nhìn thấy cơ cấu này có đầy sai sót. Tôi đã nghiên cứu đến những thất bại ở Srebrenica vào năm 1995 ( khi đám quân bảo vệ hoà bình LHQ cùng sánh vai với Ratko Mladic tống những giọt rượu vodka vào cổ họng và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi sau đó, 8000 người gồm đàn ông và các cậu trai trẻ bị đốn ngã bởi những loạt súng máy ở một cánh đồng cạnh đó), và ở Rwanda vào năm 1994,(khi LHQ ra lệnh cho rút đi lực lượng bảo vệ hoà bình này, mặc cho vị sĩ quan chỉ huy lực lương LHQ yêu cầu tăng thêm tiếp viện và đã báo động về cái hoạ diệt chủng đang gần kề).Và gần đây nhất, ở tại Darfur (nơi mà LHQ đã mất đến hơn bảy(7) tháng mới chịu kéo tiếng chuông báo động về một cuộc tàn sát, và rồi lại từ chối lên án nó là một tội diệt chủng). Tôi đã thu thập những cuộc phỏng vấn, từ các tướng lãnh đến các viên chức dân sự có liên quan đến những thất bại trong các thảm hoạ này như một phần về nghiên cứu cho luận án của tôi tại trường đại học. Nhưng tôi cũng vẫn tin rằng LHQ có thể được cải tổ, nếu người ta sẵn lòng để thay đổi, và trên hết, sẵn sàng nhận trách nhiệm về những hành động của mình.
Nhưng vào buổi sáng ngày phải ra điều trần, cơn ác mộng trong đêm đã buộc tôi phải nhận thức đến một câu hỏi đầy tranh cãi: Liệu LHQ có là cơ cấu có thể cải tổ được không?Trong quá khứ, nhiều nỗ lực đã liên tục bị ngăn chặn. Bị bỏ vào sọt rác qua những ủy ban điều hành bởi những quốc gia vô trách nhiệm, hầu hết những sáng kiến đã qua đã phản ảnh rõ nét một thái độ ngớ ngẩn điên khùng : đó là cứ làm lập đi lập lại cùng một kiểu cách mà lại mong đợi những thành quả khác nhau.
Và trong một số trường hợp, khi trợ giúp của LHQ đã không tới tay những người cần giúp đỡ nhất, lý do thường được viện ra là do sự thiếu vắng một sự ý nguyện có tính chính trị hơn là chấp nhận đó là một lề lối làm việc không hiệu quả (mà nếu muốn,có thể sửa đổi được) của hệ thống, từ cả hai nơi : năm (5) thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và từ các viên chức lãnh đạo của LHQ.
Những viên chức lãnh đạo này cho rằng nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu (của LHQ) phải là việc tránh gây ra sự làm mất lòng (hay xúc phạm) đến những quốc gia thành viên. Không ai muốn nói rằng mình không thèm quan tâm tới khi những người dân lành vô tội bị thảm sát hay bị lừa gạt lấy đi phần viện trợ nhân đạo tối cần thiết cho họ, nhưng chính cái kẽ hở toác hoác giữa lời nói không đi đôi với hành động đã là cái cốt lõi của những thất bại lớn lao nhất của LHQ.
Vụ việc bẩn thỉu làm cho các nhà làm luật đòi hỏi ‘cắt bỏ mấy cái đầu’ (tức hạ bệ một số chức sắc lãnh đạo) ở tại LHQ chẳng phải chỉ vì có chuyện tham nhũng đã xảy ra hơn là vì chính cộng đồng quốc tế không chịu sẵn sàng thú nhận rằng đã có chuyện tham nhũng. Và cái sự khiên cưỡng này phát sinh từ cái thực tế chua chát rằng không có ai quan tâm đủ tới chuyện an sinh của người dân lành Iraq phải đối diện với một sự tham nhũng chằng chịt.. Đây có thể gọi là một tội lỗi mà mọi người đều dự phần.. Trong khi không kể các công ty và các nhà chính trị Nga Sô đứng đầu danh sách những người nhận hối lộ và cung cấp chuyện ‘lại quả’, ngay các công ty lớn như Halliburton và Chevron, đã từng có hai cố vấn thân cận nhất của tổng thống Bush (Dick Cheney và Condoleeza Rice) làm việc cho họ, cũng đã có những việc trao đổi buôn bán với Iraq thời Saddam Hussein ở trong cái chương trình tai tiếng của LHQ này (Food – for – oil program) có những điểm đáng nghi ngờ.
Như Hunter S. Thompson có lần đã viết: “Trong một xã hội khép kín nơi mọi người đều có tội, tội ác duy nhất là để bị bắt quả tang”. Và sau khi một trong những viên chức LHQ nói với tờ báo New York Times rằng LHQ không hề biết có chuyện gian lận xảy ra cho tới khi tờ báo Al Malda đưa ra cái danh sách đó trong năm 2003, LHQ quả thực một lần nữa đã bị bắt gặp làm một màn dối trá. Nhưng rồi, điều này lại không thành một án vụ.
Trong danh sách những người nhận đặc quyền về dầu thô của Saddam Hussein có một người là cấp trên cũ của ông xếp của tôi tên là Benon Sevan, một người dòng dõi Armenia gốc đảo Cyprus và chỉ đứng dưới viên tổng thư ký LHQ trong chương trình đổi dầu lấy thực phẩm. Chúng tôi thường gọi Bevan là “Pasha”, một phần vì lối quản lý điều hành kiểu Byzantine (kiểu đế quốc La Mã thời xưa) của ông ta, phần khác cũng là để trả đũa cho cái thói ông ta luôn gán đặt biệt hiệu cho mọi nhân viên dưới quyền. Biệt hiệu của tôi là “Thằng Nhỏ” (The Kid), một nickname khá dễ thương mà ông đã đặt cho tôi khi quyết định đưa tôi vào dưới trướng của ông năm 1997 khi chọn tôi đi kèm theo ông trong chuyến đầu tiên ông ta đến Iraq. Tôi đã tận dụng những năm tháng tốt nhất để giúp Pasha điều hành cái chương trình đổi dầu lấy thực phẩm trôi chảy. Và lúc này, bảy (7) năm sau, tôi có mặt ở đây để điều trần với quốc hội Hoa Kỳ, một hành động mà không thể tránh khỏi việc bị Pasha coi là một hành vi đâm sau lưng ông.
Lúc đó, tôi vẫn chưa biết là Pasha có dính líu tới chuyện nhận hối lộ hay không, vì thế tối cảm thấy vẫn có nhu cầu cấp thiết bảo vệ ông. Do đó tôi đã không tường trình cho quốc hội biết về vụ việc xảy ra vào năm 1998 ở tại Câu Lạc Bộ Săn Bắn Bagdad, khi Pasha và tôi cùng đi ăn trưa với vị bộ trưởng dầu khí của Iraq. Giữa bữa ăn, Pasha có nhắc đến một người bạn của ông có ý định muốn mua dầu thô của Iraq. Bây giờ, Pasha bị tố cáo về tội đã nhận ‘lại quả’ từ tay người bạn đó của ông sau khi người bạn này đã được hưởng những hợp đồng mua dầu béo bở của Iraq.
Pasha nói rằng ông chỉ là con dê bị tế thần. Và theo cảm quan của ông, ông nghĩ mình đã phải gánh thế hết mọi tội lỗi cho nhiều viên chức ngoại giao khác khi bị buộc từ chức và đi sống lưu vong tại Bắc đảo Cyprus nơi ông hiện còn đang ở Pasha đã làm việc cho LHQ từ trước khi tôi ra đời, và biết rất rõ những giới hạn của LHQ. Có một lần, trong một buổi họp, ông so sánh LHQ giống như một con lừa, một so sánh làm tất cả bật cười vì nó phản ảnh một phần sự thật. Đó là một con vật chậm chạp, bướng bỉnh, dễ nổi giận, hay cay cú nhưng đôi khi lại tỏ ra hữu dụng. Con lừa LHQ có vài công lao nho nhỏ trong những khoảnh khắc nó giúp đỡ những việc dân sự (việc can thiệp của LHQ vào Liberia năm 2003 và vào East Timor 1999 có thể được coi như,ít nhất, có những thành công nhất định); nhưng hầu như nó luôn bị đánh bại, đặc biệt bởi quốc hội Hoa Kỳ, khi nó không đạt tới được những kỳ vọng thuờng là quá viễn vông.
Khái niệm coi LHQ giống như con lừa của Pasha có thể đã ảnh hưởng vào quyết đinh của ông là vin vào đó để hưởng lợi dù biết là có sự thiệt thòi của người dân lành Iraq, giống như biết bao thành viên của các tổ chức quốc tế tăm tiếng khác. Được cộng đồng quốc tê trân trọng mời điều hành một mạng lưới hữu hiệu khổng lồ, có lẽ ông quyết định phải kiếm tí lợi nhuận nào cho bõ công?
Vì vậy, nếu Pasha bị kết tội, có lẽ tôi cần tìm sự trả lời cho câu hỏi sau, dù chỉ cho riêng tôi : Có phải Pasha đã làm hư hỏng LHQ hay LHQ đã biến Pasha thành hư hỏng?
Pasha bắt đầu sự nghiệp của ông tại LHQ với những thành ý tốt đẹp nhất, như hầu hết những thành viên mới. Trong những ngày đầu làm việc chung với ông, tôi đã thấy ông không cầm được nước mắt khi lần đầu đến thăm viếng các bệnh viện tại Iraq. Chúng tôi được dẫn đến căn phòng có một cô gái nhỏ, mà theo vị bộ trưởng y tế (của Iraq) cho chúng tôi biết, cô bé có thể sẽ chết vì sự thiếu thốn thuốc men gây ra bởi sự trừng phạt quốc tế (sanction).. Nước mắt của Pasha lúc này là những giọi nước mắt chân thật, không phải như những giọt nước mắt cá sấu của vị bộ trưởng ấy, mà chẳng bao lâu sau đó đã bị ngay chính chế độ Saddam kết án đã biển thủ những ngân khoản lớn dành riêng cho các người dân Iraq khốn cùng nhất.
Pasha là người tôi đã từng tín nhiệm. Một người, dường như với tôi đã quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ của chúng tôi. Tuy nhiên, nhiệm vụ này, tự nó đã rất rời rạc mâu thuẫn. LHQ được hy vọng cứu giúp người dân Iraq đang phải chịu đựng bởi chính sự trừng phạt của LHQ. Ở tại Brooklyn, xã hội đen gọi đó là một thủ đoạn bảo kê. Để đòi thù lao cho việc “cứu” người dân Iraq, LHQ tính một tỷ đô la Mỹ tiền lệ phí cho việc xuất cảng dầu thô từ Iraq. Từ món tiền này, những công ty ‘bạn của Hoa Kỳ’ đang đóng đô ở Kuwait trước thời gian bị Saddam xâm chiếm vào tháng Tám 1990 được trả tiền bồi thường thiệt hại lên tới một phần ba giá trị của toàn số dầu thô xuất cảng của Iraq dưới chương trình nhân đạo đổi dầu lấy thực phẩm của LHQ. Để đánh đổi lấy sự đồng ý này, các quốc gia như Nga Sô, Pháp, và một số quốc gia láng giềng của Iraq được phép làm chuyện buôn bán với đa số các việc thương mãi của Saddam (và dĩ nhiên có cơ hội để kiếm lời bất hợp pháp từ việc chấp nhận ‘lại quả’ cho nhà độc tài này).
Thật là một trò lừa bịp hòan hảo, giả sử người dân Iraq không bao giờ được lên tiếng về vấn đề này.Hầu hết các nhà báo săn tin từ Iraq trước cuôc chiến tranh đều có biết về vấn nạn tham nhũng tàn khốc đang tác hại đến chương trình đổi dầu lấy thực phẩm. Nhưng phải chờ đến khi có một nhật báo của Iraq tự do đăng tải mới cho thấy câu chuyện có giá trị một vụ việc mang tầm quan trọng đáng để ở trang nhất.Sự bối rối mà tờ báo Al Malda gây ra vẫn còn đang ám ảnh một số những tổ hợp công ty to lớn nhất hiện nay.
Có lẽ không phải tất cả các tên tuổi trong danh sách của Saddam là có tội trước pháp luật. Các nhà lãnh đạo Nga Sô và Trung Đông không hề bị trừng phạt tại đất nước của họ.Nhưng hầu hết các cá nhân hay những tổ chức ở trong các hệ thống pháp chế dân chủ và độc lập đều bị các toà án địa phương trừng phạt.
Trái lại, phản ứng công khai lúc đầu của LHQ đối với nguồn tin của báo Al Malda là biếu tặng cho các sinh viên tương lai của ngành liên hệ công cộng sự nghiên cứu về một trường hợp án lý (được coi là) vô thẩm quyền.
Trong chín tháng liền, văn phòng phát ngôn viên đưa ra một loạt những lời chối cãi, theo sau là sự phủ nhận, trong khi càng ngày càng nhiều hơn những thông tin đầy hổ thẹn được đưa ra ánh sáng.. Cuối cùng TTK Kofi Annan bị buộc phải thuê mướn Mark Malloch Brown, một chuyên gia về quan hệ công cộng để giúp cai quản điều hợp lại các điện văn thư từ.. Sau đó, Kofi Annan đã thú nhận rằng : có khả năng rất cao là đã có rất nhiều việc làm sai trái.
Một cuộc điều tra độc lập được thiết lập vào tháng Tư 2004 do Paul Volcker, nguyên chủ tich ngân hàng dự trữ liên bang kiêm trưởng đoàn LHQ của Hoa Kỳ cầm đầu. Cuộc điều tra đã tìm thấy Pasha, trong cương vị đại diện cho một công ty thương mại đăng ký tại Panama với cái tên: Công ty dầu khí Phi Châu - Trung Đông, đã đòi hỏi và nhận phân phối đến 7,3 triệu thùng dầu thô. Cuộc điều tra đồng thời cũng tìm thấy rằng các nhân viên LHQ đã không hề quan tâm tới những dấu hiệu đầu tiên là các hàng hoá viện trợ nhân đạo chở đến Iraq trước năm 2003 được xem xét rất hời hợt qua loa hoặc không xem xét gì cả.
Nhưng công việc điều tra đã trở nên quá ít và quá muộn. Khi những tiết lộ cứ tiếp tục xì ra trong hai năm điều tra, ngay cả những ủng hộ viên chân thành nhất của LHQ cũng thấy bị chao đảo và ngượng ngùng vì mức độ đáng tin cậy của những trò bê bối. Không ai có thể chối bỏ rằng chúng ta đã cướp cơm chim của người dân lành Iraq ở cái thời điểm họ suy nhược nhất. Tệ hơn, chúng ta đã làm điều tồi tệ ấy dưới cây dù của một cơ cấu được đánh giá là hiện thân của “những nguyện vọng cao cả nhất của nhân loại”.
Sau những chuyện trên, tôi đã không lấy làm kinh ngạc khi những điều tra của Paul Volcker và những đề nghị cải tổ của ông sau đó đã bị thất bại tại Uỷ Ban Ngân Sách của LHQ. Tôi tự hỏi mình : Sự thách đố có phải thực là để cải tổ LHQ? Hay rộng rãi hơn, nên có sự cải tổ chính những mong đợi của chúng ta về nó?
Tổng thống Franklin Roosevelt lần đầu đưa ra cái từ ngữ ‘LHQ’ vào năm 1942. Sau Thế Chiến 2, Hoa Kỳ đi tìm một đời sống mới cho cái ý tưởng về một tổ chức hiến thân cho việc gìn giữ hoà bình thế giới. Vì thế, tổ chức các quốc gia đồng minh thời chiến biến thành cơ cấu thường trực, nhưng được mở rộng ra để bao gồm tất cả các quốc gia độc lập. Tham vọng của nó là muốn hữu hiệu hơn Hội Quốc Liên, tổ chức đã phai mờ vì tỏ ra bất lực trước sự hung bạo của chế độ phát xít vào những năm 1930s, hay Liên Minh Âu Châu (Concert of Europe), tổ chức đã ngả theo Napoleon với những cuộc chiến đầy huỷ diệt.
Liên Minh Âu Châu, Hội quôc Liên, Liên Hiệp Quốc, theo lý thuyết, tất cả phát xuất từ cái ý tuởng của Immanuel Kant, diễn tả trong luận đề “Hoà bình vĩnh cửu” năm 1795 của ông. (Tiêu đề ‘Hoà bình vĩnh cửu’, gợi hứng từ một dấu hiệu trên cánh cửa của một quán rượu nơi Kant một lần ghé qua, hàm ý một cách bi quan rằng sự bình an duy nhất trên mặt đất chỉ tìm thấy được trong mồ). Ý tưởng của Kant về một hệ thống quốc tế nơi các quốc gia độc lập, dân chủ và đáng tin cậy ngồi lại với nhau và gắn bó vào những luật lệ cho sự giải quyết bằng phương pháp hoà bình về những xung đột của họ.
Điều này trở thành hiện thực tại Hoa Kỳ sau khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1865, khi tất cả các tiểu bang cuối cùng bị bắt buộc phải mở rộng các quyền theo hiến định tới tất cả mọi công dân của mình. Sau Thế Chiến 2, ý tưởng của Kant đã chỉ đạo cho việc thành lập Liên Hiệp Âu Châu (European Union). Trong cả hai trường hợp trên, sự hoà bình đã thành công vững bền giữa các hội viên (các tiểu bang hay các quốc gia dân chủ ) tham gia.
Nhưng trong những cố gắng để lập lại cái ý tưởng của Kant trên bình diện toàn cầu, những nhà sáng tạo ra Hội Quốc Liên, LHQ đã đi trệch ra khỏi phần thiết kế nguyên bản của Kant ở một khía cạnh thiết yếu : đặt tiêu chuẩn cao cho hội viên. Trong kiểu mẫu của Kant, chỉ những nền cộng hoà dân chủ mới được tham gia. Thay vào đó, các nhà kiến trúc LHQ, trong niềm mơ ước làm cho đề án của họ thực sự mang tính toàn cầu, đã quyết định để tất cả mọi quốc gia độc lập đều được thu nhận, bất kể nó có một loại chính quyền nào.
Đặt trong khung cảnh lịch sử, quyết định trên có thể hiểu được. Các nhà kiến tạo LHQ khi nhìn lại một thế giới trong đó, các quyền lực lớn mạnh, cho dù họ là Nazis hay các mẫu quốc Âu Châu,đã thống trị và có khi đàn áp một cách thô bạo các quốc gia nhỏ bé hay kém phát triển. Quả thực, sự xóa bỏ chế độ thuộc địa đã đánh dấu nhiệm vụ đầu tiên và thành công nhất của LHQ. Nhưng chính cái chính sách mở rộng thu nhận này cũng giải thích nhiều vế lý do tại sao bây giờ LHQ thường thất bại trong hy vọng đạt tới được những lý tưởng cao cả của chính nó.
Ngay cả một ván bài cũng không thể chơi được nếu các tay chơi không bị bắt buộc phải tuân theo một số luật lệ. LHQ thất bại trong sự áp đặt trách nhiệm lên các hội viên của nó chính yếu bởi vì có quá nhiều quốc gia hội viên tỏ ra vô trách nhiệm với chính người dân của họ.. Kim Young Il mất một phiếu bầu trong quốc hội Bắc Hàn lần cuối cùng vào khi nào? Kết quả của việc không phân biệt đối xử này là một quang cảnh kỳ quái : những chế độ diệt chủng lại được cho ngồi vào ghế của Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền. Đường lối này có nhiều điểm tương đồng với Kafka(Franz Kafka, nhà văn Áo, nổi tiếng với những nhân vật hoá thân) hơn là với Kant.
Dù vậy, đôi khi những cố gắng của các nhà lý tưởng ôm nhiều hoài bão cũng mang đến sự khác biệt.. Những tổ chức nhân đạo như Quỹ Cứu Trợ Nhi Đồng (UNICEF) hay Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới (WFP) hàng ngày đã cứu được nhiều mạng sống, nhưng cái kẽ hở giữa nhiệm vụ cơ bản của LHQ theo lý thuyết và khả năng nó có thể thực thi được là có vấn đề.
Đó là điều tôi đã quyết định nói trước Quốc Hội Hoa Kỳ vào sáng hôm đó. Và trong khi làm như vậy, có lẽ tôi đã làm chuyện ngớ ngẩn. Cuối cùng, cuộc điều trần trở thành sự đối đầu giữa những người muốn đập LHQ thẳng tay và những người muốn biện hộ cho nó. Đám bảo thủ cố làm cho chìm xuồng sự phẫn nộ của công luận về việc không tìm ra được các loại vũ khi huỷ diệt hàng loạt tại Iraq bằng cách chào đón sự thất bại ê chề này của LHQ như “một sự ô nhục tồi tệ nhất trong lịch sử”. Phe cấp tiến lại tìm cách gán cái trách nhiệm sa lầy tại Iraq cho việc chính quyền Bush đã từ chối tuân theo điều lệ LHQ và sự can thiệp đa phương
Tôi kết thúc bản điều trần với câu:
“Ở vào cuối thời kỳ mà LHQ đã chịu tổn hại nghiêm trọng, có một cơ hội lịch sử để nhận định lại những nhược điểm của nó và châm ngòi cho một cuộc tranh luận thực sự về vai trò tương lai của tổ chức cũng như về các nguyên tắc chỉ đạo cho những hành động của nó.”
Tiếp theo đó là một khoảng yên lặng kỳ lạ. Sau một hồi những đại biểu thì thào với nhau. Cuộc điều trần được đề nghị tạm ngưng. Khi chúng tôi tái nhóm họp một giờ sau đó, một sự cãi cọ ầm ỹ bắt đầu nổ ra giữa phe ủng hô và phe chống đối. Không một câu hỏi nào của họ chĩa thẳng vào tôi. Rõ ràng, tôi đã không hiểu được toàn điểm của buổi hội họp.
Có lẽ Pasha đã chọn biệt hiệu cho tôi thật đúng. Chỉ có một thằng bé con mới không nhìn thấy cái điểm phải tấn công hay cần bảo vệ LHQ khi lỗi lầm của nó có thể truy ra từ ngay cái cấu trúc của nó: đó là người ta đã nhân danh sự (mở rộng) toàn cầu để hy sinh sự hữu hiệu (về lý tưởng) của nó. Trong khi thế giới có thể sẽ có ngày sẵn sàng cho sự áp dụng toàn cầu theo viễn ảnh của Kant đề ra, chúng ta hôm nay không thể được tha thứ trong việc giả vờ hay chỉ mong đợi rằng cái viễn ảnh của một nền hoà bình dân chủ của ông vẫn có thể được áp dụng toàn cầu một cách thành công. Cứ chỉ vay mượn hình ảnh của Kant mà thôi, để đòi đổi mới LHQ thành một cơ cấu có đầy đủ trách nhiệm,chúng ta sẽ chẳng có nhiều cơ hội hơn việc muốn thay đổi một con lừa trở thành một chú ngựa đua.
Trong khi chờ đợi, điều này lại không miễn trừ cho các nền dân chủ trên thế giới cái trách nhiệm để họ phải có hành động tập thể chung. Đề nghị của John McCain trong cuộc vận động bầu cử tổng thống vừa qua tại Hoa Kỳ để thành lập Hội các Quốc Gia Dân Chủ, cũng như bài diễn văn tại Berlin của Barack Obama cổ võ cho nhu cầu củng cố các Đồng Minh Dân Chủ, cả hai đều phù hợp với ý tưởng chính yếu của Kant. Để có hoà bình, trước hết phải có dân chủ. Để có hoà bình, trước hết phải có dân chủ. LHQ có hai lựa chọn là sửa chữa một cơ cấu đã lỗi thời hay bắt đầu lại với một cơ cấu mới.
© DCVOnline
-----------------------------------
Nguồn: The UN: not exclusive enough, Michael Soussan, trên tờ The Australian Financial Review – Friday 28 Nov 2008 (http://snipurl.com/9igcj) và tờ Prospect, London, United Kingdom, số 152, November 2008
No comments:
Post a Comment