Tuesday, January 6, 2009

BUỔI HỌP CUỐI CÙNG VỚI BỘ TRƯỞNG TRƯƠNG NHƯ TẢNG

Buổi họp cuối cùng với Bộ trưởng Trương Như Tảng
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 6-1-2009
http://danchimviet.com/articles/755/1/Bui-hp-cui-cung-vi-B-trng-Trng-Nh-Tng/TrangPage1.html

Đầu năm 1976, tôi tham gia cộng tác với Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp thuộc Bộ Tư Pháp trong Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam. Bộ Trưởng là Ông Trương Như Tảng. Người trực tiếp điều hành bộ môn Tư Pháp của Trung Tâm này là Luật sư Nguyễn Long. Nhóm chúng tôi trong bộ môn này hầu hết là các luật sư và một vài thẩm phán đã từng hành nghề tại Miền Nam, mà không phải đi học tập cải tạo. Tất cả chừng 30 người, trong đó có hai Cựu Thủ lãnh Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon là Luật sư Hồ Tri Châu, và Luật sư Nguyễn Ngọc San, có Khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Huế là Luật sư Nguyễn Sỹ Hải, Cựu Bộ Trưởng Lao Động là Nguyễn Lê Giang v.v…; đó là những vị Niên trưởng trong giới luật gia Miền Nam chúng tôi từ hồi trước 1975.

Chỉ có duy nhất 2 người từ ngòai Bắc trở về miền Nam cùng tham gia với nhóm chúng tôi, đó là Ông Phạm Ngọc Thuần và bà vợ là Bùi thị Cẩm. Ông Thuần đã có thời làm Đại sứ tại Đông Đức và là bào huynh của Ông Phạm Ngọc Thảo, người được coi là một thứ “tình báo chiến lược” do Ông Lê Duẫn cài lại trong miền Nam.

Chúng tôi làm việc theo tinh thần tự nguyện, chứ không hề được hưởng một quy chế nào, và dĩ nhiên là chẳng được lãnh lương hay trợ cấp gì hết. Bởi lẽ chính Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời lúc đó cũng chẳng có quyền hành gì, vì mọi quyết định quan trọng thì đều do giới Lãnh đạo ở Hanoi phụ trách trông coi hết. Biết rõ cái tư thế chênh vênh như vậy, mà chúng tôi vẫn phải chui đầu vào cơ sở này, vì dẫu sao có được một chỗ hội họp gặp gỡ, bàn thảo với nhau, thì vẫn hơn là lêu bêu đi phất phơ ngoài đường phố, ngày này qua tháng khác. Đó là chưa kể còn bị nhòm ngó theo dõi, với nghi kỵ khó khăn từ lớp cán bộ tại cơ sở phường khóm, nơi địa phương cư ngụ của mình.

Tuy ở cái thế tạm bợ như vậy, chúng tôi vẫn cố gắng cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu theo những đề tài do trưởng bộ môn là Luật sư Nguyễn Long truyền đạt. Đại khái như tìm kiếm tài liệu về vấn đề biên giới; góp phần soạn thảo cuốn “Tự điển danh từ Luật pháp-Kinh tế-Tài chánh”; góp phần vào việc soạn thảo Bản Dự thảo Hiến pháp mới cho nước Việt Nam thống nhất v.v…Vào cái thời gian đầy xáo trộn, căng thẳng ngột ngạt với sự nghi kỵ kềm sát của ngành an ninh bao trùm lên cả xã hội miền Nam hồi đó, chúng tôi phải hết sức cảnh giác, phải giữ kẽ trong mọi cử chỉ, lời nói của mình. Trong hòan cảnh oái oăm như vậy, công việc nghiên cứu trao đổi chuyên môn về luật pháp chung với các đồng nghiệp vốn đã quen biết nhau từ lâu, quả là một lối thoát tương đối an toàn cho giới luật gia miền Nam chúng tôi.

Tôi vẫn còn nhớ lúc nhóm chúng tôi phụ trách mục “Quyền lợi và Nghĩa vụ của người Công dân” là một phần quan trọng trong Bản Dự thảo Hiến Pháp, thì phải tham khảo các bản Hiến Pháp của các nước xã hội chủ nghĩa khác. Chúng tôi phải chia nhau đi ra Thư viện để chép các bản văn Hiến pháp đó vốn đã được xuất bản ở ngoài Bắc hồi các năm 1958-59. Phần lớn các bản Hiến pháp này được ban hành vào đầu thập niên 1950 ở Đông Âu, nên tương đối còn thông thoáng, cởi mở khiến chúng tôi có thể dễ dàng trưng dẫn để làm cơ sở tham khảo cho lập trường tương đối tiến bộ của mình. Công việc đang tiến hành, thì văn phòng Quốc hội từ ngoài Bắc lại gửi vào cho chúng tôi một lô những bản Hiến pháp mới ban hành ở Đông Âu vào đầu thập niên 1970. Tra cứu các bản văn mới này chỉ được phổ biến dưới dạng in roneo, chúng tôi thấy rõ là so với các bản Hiến pháp cũ hồi đầu thập niên 50, thì các điều khỏan trong các bản Hiến pháp mới nói về quyền lợi và nghĩa vụ người công dân lại có phần ngặt nghèo, hạn chế o ép hơn rất nhiều. Do vậy mà chúng tôi lại vẫn dựa vào tinh thần cởi mở tiến bộ của các Hiến pháp cũ hơn là vào các Hiến pháp mới đó. Sự đồng thuận này chứng tỏ rằng giới luật gia miền Nam chúng tôi vẫn còn giữ được tinh thần dân chủ đã được phổ cập tại nhiều quốc gia trên thế giới kể từ sau thế chiến thứ hai kết thúc và nhiều nước đã thoát được chế độ thực dân nô lệ và tái lập được chủ quyền quốc gia của riêng mình.

Vào giữa năm 1976, sau cuộc bầu cử Quốc hội trên toàn quốc, thì Đảng Cộng sản cho tiến hành việc thành lập chính phủ thống nhất chung cho cả hai miền Nam Bắc. Và trước khi phái đoàn Chánh phủ Cách Mạng Miền Nam ra Hanoi, để cùng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Miền Bắc hoàn thành tiến trình thống nhất này, thì Bộ Trưởng Trương Như Tảng yêu cầu chúng tôi soạn thảo Bản văn về “Nguyện vọng tâm tư của giới Luật gia miền Nam” để Bộ Trưởng có thêm tài liệu trình bày với Chính Phủ mới. Và chúng tôi đã hoàn thành tài liệu này rồi đệ trình cho văn phòng Bộ Trưởng. Sau khi đã đọc Bản Nguyện Vọng này, thì Bộ Trưởng đã tới họp với chúng tôi tại trụ sở của Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp hồi đó tọa lạc tại góc Đường Phan Đình Phùng và Pasteur, đó là cơ sở cũ của Tham Chính Viện thời Việt Nam Cộng Hòa.

Sau khi nghe ý kiến của mấy vị Niên trưởng của Nhóm Luật gia chúng tôi, thì Bộ Trưởng đã trấn an anh chị em chúng tôi đại để như sau : “ Các anh chị em Luật gia hiện cộng tác với chúng tôi trong Bộ Tư Pháp này đều là “Vốn quý của Đất nước”, do vậy mà Nhà Nước Cách Mạng sẽ tìm cách sử dụng đúng mức cái nguồn vốn này. Tôi xin đoan chắc với quý anh chị em là bây giờ ta có hòa bình rồi, thì trong Chánh phủ mới sẽ có Bộ Tư Pháp để phụ trách quản lý toàn bộ khối công tác thuộc lãnh vực pháp lý, chứ không như trong thời kỳ chiến tranh, thì bộ máy Nhà nước đã bị giản lược đi rất nhiều, để dành ưu tiên cho nhu cầu của chiến trường. Như vậy là giới luật gia chúng ta sẽ có chỗ đứng, có vị trí xứng đáng trong guồng máy Nhà nước. Anh chị em có thể chọn phục vụ trong ngành Thẩm phán hay làm Luật sư tùy theo sở thích của mỗi người v.v…”

Nghe Bộ Trưởng trấn an như vậy, hầu hết chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm, với sự tin tưởng là trong tương lai sắp đến, giới Luật gia miền Nam sẽ có công việc làm tương xứng với khả năng chuyên môn của mình. Cuộc sống như vậy sẽ lần hồi đi vào giai đoạn ổn định, gia đình con cái bớt được nỗi hoang mang xáo trộn, như đã bắt đầu nảy sinh từ khi chế độ Miền Nam sụp đổ vào ngày 30 Tháng Tư 1975.

Và rồi Ông Bộ Trưởng cùng với Phái đoàn Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam ra họp ở Hanoi. Khoảng một tuần lễ sau, thì chúng tôi theo dõi sự tiến triển của tình hình thành lập Chính phủ thống nhất bằng cách nghe đài Phát thanh và rồi đọc báo hằng ngày. Và cuối cùng chúng tôi thật kinh ngạc khi được thấy rõ ràng là “Trong thành phần Nội các của Chính Phủ Thống Nhất vẫn không hề có Bộ Tư Pháp, như Ông Bộ Trưởng đã hứa với anh chị em chúng tôi mới cách nay có mấy bữa. Mà chúng tôi cũng không hề thấy Ông Bộ Trưởng được trao phó một nhiêm vụ nào trong thành phần Chánh phủ mới nữa.” Có những tin đồn là nhiều nhân vật trong Chánh Phủ Miền Nam như Ông Bộ Trưởng đã bị coi là “thất sủng”, bị gạt ra rìa, không còn giữ được một địa vị nào trong cơ cấu mới của guồng máy Nhà nước nữa rồi v.v…

Kết cục là sau đó, không bao giờ chúng tôi đựơc gặp lại Ông Bộ Trưởng Trương Như Tảng nữa. Mà chúng tôi cũng chẳng hề được thông báo chính thức về các diễn biến trong nôi bộ của bản thân Bộ Tư Pháp, cũng như của Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam VN gì gì cả. Và cuối cùng vài tháng sau đó, Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp của Bộ Tư Pháp cũng không kèn, không trống mà tự động giải thể, lặng lẽ tan hàng. Điều này xét cho kỹ, thì cũng không có gì lạ, bởi lẽ cả Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời, lẫn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, hồi mấy năm trước đã được “tưng bừng khai trương” cho cả Quốc tế biết đến, thì vào cuối năm 1976 này, tất cả đều đã được “âm thầm dẹp tiệm” theo đúng kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, “qua sông bỏ đò”; đó là những chuyện ta thường thấy trong lịch sử con người từ xưa đến nay mà thôi.

Mấy năm sau, thì chính bản thân Bộ Trưởng Trương Như Tảng cũng đã phải vượt biên, như bao nhiêu “thuyền nhân” khác từ Miền Nam trốn thoát khỏi chế độ hà khắc Cộng sản. Và có thể nói là “Bộ Trưởng Trương Như Tảng là một nhân vật cao cấp nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản đã phải liều mình xuống ghe vượt thoát khỏi Việt Nam”. Bạn đọc muốn biết thêm về chuyện này, thì có thể tìm đọc ngay cuốn Hồi ký của Ông viết bằng tiếng Pháp với nhan đề “Memoires d’un Vietcong”. Sách có cả bản dịch ra tiếng Anh nữa.
Little Saigon, Tháng Mười Hai, 2007

-----------------------------------------------
Bài do tác giả gửi đến Đàn Chim Việt Online


No comments: